Ông chủ khách sạn nhận ra Ravic ngay.
– Bà đang ở trên phòng. – Ông ta nói.
– Ông có thể báo cho bà ấy biết có tôi đến không?
– Phòng bà ấy không có điện thoại. Nhưng ông có thể lên thẳng.
– Số mấy nhỉ?
– Hăm bảy.
– Ông làm ơn nhắc lại tên bà ấy. Tôi quên mất rồi.
Ông chủ không hề tỏ vẻ ngạc nhiên.
– Madou ạ, Jeanne Madou. Vả chăng tôi nghĩ đây chỉ là một cái tên mượn.
– Cái gì làm cho ông nghĩ như vậy?
– Bà ấy ghi vào sổ là làm nghề diễn viên.
– Tôi không biết. Ngày trước tôi có biết một diễn viên mang tên Gustave Schmidt. Thật ra anh ta tên là Alexandre Marie, bá tước Zambona. Gustave Schmidt chỉ là tên sân khấu. Ông có ngờ được không?
Ông chủ vẫn không chịu thua.
– Thời buổi này biết bao nhiêu chuyện lạ xảy ra. -Ông ta nói, giọng thâm thúy.
– Tôi không đồng ý với ông. Lịch sử sẽ cho ông thấy rằng chúng ta đang sống trong một thời kỳ tương đối yên tĩnh.
– Đối với tôi cái thời kỳ này cũng đủ xáo động lắm rồi.
– Đối với tôi cũng thế. Nhưng phải tìm cách tự an ủi như vậy. Số hai mươi bảy phải không ạ?
– Thưa ông vâng.
Ravic gõ cửa. Không thấy trả lời. Anh gõ lần nữa rồi vào, sau khi nghe một tiếng đáp yếu ớt. Người thiếu phụ đang ngồi trên cái giường kê sát vách. Cô từ từ ngước mắt lên. Cô mặc bộ tailleur màu xanh thẫm mà cô đã mặc hôm gặp Ravic. Giá anh thấy cô đang nằm, trong một bộ quần áo mặc ở nhà, cô sẽ có vẻ đỡ bơ vơ hơn. Anh đã phải ngạc nhiên khi thấy cô mặc áo quần dùng khi ra phố, tuy cô chẳng đợi ai cả. Anh biết rõ cái tâm trạng này – Anh đã trông thấy hàng trăm người tị nạn, bị tấp vào một bến bờ xa lạ. Họ là những mảnh thuyền đắm của một cuộc sống bấp bênh, không còn biết đi đâu nữa, chỉ có sức mạnh của thói quen duy trì sự sống của họ.
Ravic đóng cửa lại sau lưng.
– Tôi hy vọng không quấy rầy cô.
Làm như thể còn có một cái gì có thể quấy rầy người đàn bà này!… Anh đặt mũ lên một chiếc ghế.
– Thế nào, mọi việc ổn cả chứ cô?
– Vâng. Chẳng có gì nhiều phải làm.
– Không có chuyện lôi thôi gì chứ?
– Không.
Ravic ngồi xuống chiếc ghế bành duy nhất của căn phòng. Bộ lò xo kêu cót két. Có một chiếc lò xo đã gãy hẳn.
– Cô sắp đi đâu phải không? – Anh hỏi.
– Vâng. Nhưng để lát nữa cũng được. Ồ, chẳng có việc gì đâu, chỉ đi loanh quanh một lát cho đỡ tù túng thôi. Không biết làm gì khác.
– Dĩ nhiên, trong mấy ngày nữa. Cô không quen ai ở Paris à?
– Không.
– Không có lấy một người nào sao?
Cô mệt mỏi gật đầu.
– Không có một ai, trừ ông, ông chủ khách sạn, anh trực tầng và cô hầu phòng.
Cô mỉm một nụ cười nhợt nhạt.
– Ít quá phải không?
– Vậy ông…
Ravic cố nhớ lại tên người đàn ông đã chết. Anh quên mất rồi.
– Ông Raszinsky có quen một số người ở đây thật, nhưng tôi chưa gặp họ lần nào. Chúng tôi vừa đến đây ông ấy đã lăn ra ốm ngay.
Ban nãy Ravic có ý định là chỉ ngồi lại một lát rồi về. Nhưng thấy người thiếu phụ quá thiểu não, anh đổi ý.
– Cô ăn tối chưa?
– Chưa, tôi không đói.
– Ngay hôm nay cô đã ăn chút gì chưa?
– Hồi trưa có ăn. Ban ngày đỡ hơn. Hễ đến chiều…
Ravic đưa mắt nhìn quanh căn phòng nhỏ. Từ mỗi đồ vật, mỗi bức tường đều như rịn ra một nỗi buồn lạnh lẽo của tiết cuối thu.
– Đã đến lúc cô nên ra ngoài một chút – Anh nói -Cô đi ăn tối với tôi.
Cô có vẻ thờ ơ đối với mọi sự đến nỗi anh nghĩ cô sẽ từ chối. Nhưng trái lại, cô đứng dậy ngay, với lấy chiếc áo mưa.
– Không đủ ấm đâu – Anh nói – Cái áo khoác kia nhẹ quá. Cô không có cái nào ấm hơn sao? Trời lạnh lắm.
– Ban nãy trời mưa…
– Bây giờ trời vẫn mưa đấy. Nhưng lạnh lắm. Cô mặc thêm cái gì bên trong áo khoác đi. Một chiếc măng-tô khác, hay một chiếc săng-đai.
– Tôi có săng-đai.
Cô đi về phía góc phòng, chỗ để va-li. Ravic nhận thấy cô chưa soạn đồ trong các va-li ra. Cô cởi chiếc áo vét ngắn của bộ tailleur, rồi mặc săng-đai vào. Cô có đôi vai thẳng rất đẹp. Cô đội mũ bê-rê, mặc áo khoác, rồi hỏi:
– Thế này đã được chưa ạ?
– Hơn ban nãy nhiều.
Họ đi xuống dưới. Ông chủ không còn ở đấy nữa. Người gác cửa đã ngồi vào chỗ phía sau quầy tính tiền. Anh ta đang chia loại các thư từ. Một mùi tỏi rất nồng tỏa ra quanh người anh ta. Bên cạnh, một con mèo mướp đang nhìn anh ta, không một cử động.
– Cô vẫn không thấy đói à? – Khi hai người đã ra đường, Ravic hỏi.
– Tôi cũng không biết nữa. Hình như chưa đói lắm.
Ravic chặn một chiếc taxi.
– Nếu vậy ta hãy ra Trạm Belle Aurore, ở đấy khách không nhất thiết phải ăn một bữa ăn đầy đủ.
Ở Trạm Belle Aurore khách rất vắng. Giờ đã quá muộn. Họ tìm được một cái bàn trong căn phòng nhỏ trên gác. Trong phòng này chỉ còn một đôi trai gái ngồi cạnh cửa sổ, và một người đàn ông mảnh khảnh ngồi trước một núi sò. Người hầu bàn xem xét tấm khăn bàn bằng một con mắt xoi mói và quyết định thay khăn mới.
– Hai Vodka – Ravic gọi, đoạn nói với người thiếu phụ – Ta sẽ uống chút gì rồi ăn một ít đồ nhắm. Chỗ này nổi tiếng về các món đồ nhắm. Hầu như không có thứ gì khác. Vả lại ăn xong đồ nhắm rồi thì chẳng còn muốn ăn gì nữa. Có đến hàng tá món nhắm, nóng có, nguội có, món nào cũng tuyệt ngon. Rồi cô sẽ thấy.
Người hầu bàn đưa ly ra rồi cầm sổ tay đứng đợi.
– Một bình rượu vang rosé. Có vang Anjou không?
– Vang Anjou rosê, thưa ông xong ạ.
– Một bình lớn ngâm nước đá. Và thức nhắm.
Người hầu bàn lui ra. Đến cửa, hắn suýt vấp phải một người đàn bà đội mũ cắm lông chim đỏ đang chạy lên cầu thang. Cô ta đẩy người hầu bàn ra và lao vào người đàn ông mảnh khảnh đang ăn sò, hét lên:
– Albert! Anh là một thằng đểu!…
– Suỵt! Suỵt! – Albert quay lại.
– Anh còn hòng bắt tôi im nữa sao? – Cô ta vừa nói vừa quả quyết ngồi xuống và đặt cái dù ướt lên mặt bàn ăn.
Albert không mảy may tỏ ra ngạc nhiên.
– Kìa em! – Hắn bắt đầu nói khe khẽ với cô kia. Ravic mỉm cười và nâng ly lên.
– Ta hãy uống cạn một hơi. Salute!
– Salute! – Jeanne Madou nói đoạn uống cạn ly.
Họ đưa các món nhắm ra trên một chiếc bàn có bánh xe.
– Cô thích món gì? – Ravic hỏi – Thôi, đơn giản hơn cả là cứ để tôi dọn ra cho cô. – Anh lấy thức nhắm vào đĩa và đưa đĩa cho cô. – Nếu cô không thích, thì cũng chẳng sao. Còn nhiều món nữa tha hồ chọn. Đây mới chỉ là khai mào.
Anh lấy thức ăn vào đĩa và bắt đầu ăn, không bận tâm về Madou nữa. Anh bỗng dưng thấy đói quá. Một lát sau anh ngẩng đầu lên thì thấy Madou cũng đang ăn.
Anh xóc cho cô một con tôm vàng.
– Cô nếm thử đi; tôm này ngon hơn tôm hùm. Cô cũng nên thử luôn cả cái món pa-tê bản hiệu này. Quệt vào vỏ bánh mì. Thế. Bây giờ uống một ngụm vang nhẹ rất thoáng hơi này.
– Ông chịu khó mất công vì tôi quá. – Jeanne Madou nói.
– Không hơn một anh đầu bếp đâu. – Ravic cười.
– Tôi rất cảm kích.
– Chẳng qua tôi không thích ăn một mình, có thế thôi.
– Ngồi ăn với tôi chẳng vui vẻ gì.
– Trái lại, cô là người bạn cùng bàn lý tưởng. Tôi không chịu nổi những người ba hoa, ăn to nói lớn.
Anh quay đầu về phía Albert. Cô đội mũ lông chim đang giảng giải nốt cho hắn hiểu tại sao hắn là đồ đểu, vừa nói rất tách bạch vừa đánh dấu chấm câu bằng cách gõ cái dù lên bàn ăn. Albert kiên nhẫn ngồi nghe, chẳng có vẻ quan tâm gì cho lắm, Jeanne Madou thoáng mỉm cuừi.
– Cái đó tôi cũng không đủ sức làm.
– Bàn xe món ăn thứ hai kia rồi – Ravic nói – Ta tấn công ngay, hay là hút điếu thuốc lá đã? Cô thích thế nào?
– Hút điếu thuốc cũng được.
– Đây, hôm nay tôi không phải chỉ có thuốc sợi đen.
Ravic châm lửa cho cô. Cô ngả lưng ra phía sau và hít sâu khói thuốc vào ngực. Rồi nhìn Ravic một cách trìu mến, cô nói:
– Ở đây thích nhỉ.
Có một lúc Ravic tưởng cô sắp khóc òa lên.
Họ uống cà phê ở nhà hàng Colisée. Cái nhà hàng lớn trên đại lộ Champs-Elysées này đông nghịt những người, nhưng họ tìm được một bàn trong cái bar ở tầng hầm, xung quanh có nhiều chuồng chim, bên trong nuôi những giống chim nhiệt đới nhiều màu sặc sỡ bay nhảy quanh những con vẹt xanh và vẹt trắng đang trầm tư mặc tưởng.
– Cô đã nghĩ xem cô sẽ làm gì chưa? – Ravic hỏi.
– Chưa. Chưa kịp.
– Khi đến Paris cô có dự tính gì không?
Madou do dự.
– Không, chẳng có gì cụ thể.
– Tôi hỏi thế không phải vì tò mò đâu.
– Tôi biết. Ông cho rằng tôi cần phải làm một việc gì… Mà tôi cũng thế thôi. Ngày nào tôi cũng nhắc đi nhắc lại với mình điều đó. Nhưng…
– Ông chủ khách sạn cô ở có nói với tôi rằng cô vốn là diễn viên. Tôi không hỏi gì ông ta đâu nhé. Ông ta nói thế khi tôi yêu cầu ông ta nhắc lại tên cô.
– Ông quên rồi sao?
Ravic gặp cái nhìn điềm tĩnh của cô.
– Tôi bỏ quên tờ giấy ghi tên cô ở khách sạn, cho nên không nhớ ra được nữa.
– Bây giờ thì ông biết chứ?
– Vâng. Jeanne Madou.
– Tôi không phải là một diễn viên có tiếng. – Cô nói.
– Tôi chỉ mới đóng mấy vai nho nhỏ thôi. Và gần đây thì chẳng đóng gì cả. Ngoài ra, tôi nói tiếng Pháp chưa được giỏi lắm.
– Cô vốn nói tiếng gì?
– Tiếng Ý. Tôi được nuôi dạy ở Ý. Tôi cũng nói được tiếng Anh chút ít và cả tiếng Ru-ma-ni. Cha tôi người Ru-ma-ni. Mất rồi. Mẹ tôi người Anh. Hiện còn sống ở Ý, nhưng tôi không biết là ở đâu.
Ravic nghe một cách lơ đễnh. Anh thấy chán, và chẳng biết nói gì.
– Cô có làm gì khác nữa không? – Anh hỏi cho có chuyện – ngoài những vai cô đã đóng ấy?
– Tôi múa và hát.
Ravic nhìn cô có vẻ ngờ vực. Madou xem ra hình như không hợp với những việc ấy lắm. Trong cô có một cái gì mơ hồ, thiếu màu sắc, làm cho cô kém phần hấp dẫn. Cô chẳng có vẻ diễn viên chút nào. Vả lại hai chữ diễn viên nghe cũng quá to tát.
– Chắc hát đối với cô sẽ dễ hơn – Anh nói – Dù cô không nói được tiếng Pháp một cách hoàn hảo thì cũng vẫn hát được.
– Tôi biết, nhưng vấn đề là phải tìm ra một chỗ làm. Không quen ai thì khó lắm.
À, đã có Morozov! – Ravic nghĩ bụng. – Có nhà hàng Scheherazade! Chắc Morozov sẽ có cách. Ý này làm cho anh tỉnh táo lên. Morozov đã đẩy anh tới cái buổi tối tẻ nhạt này, bây giờ anh ta phải tỏ ra được việc chứ!
– Cô có biết tiếng Nga không?
– Chút ít thôi. Mấy bài hát, mấy điệu nhạc Tzigan. Nhạc Tzigan giống nhạc Ru-ma-ni lắm. Ông hỏi để làm gì?
– Tôi có biết một người am hiểu những chuyện này. May ra người ấy có thể giúp tôi chăng. Tôi sẽ cho cô địa chỉ.
– Tôi e chẳng có ích gì. Những người trung gian ở đâu cũng thế cả thôi. Những lời giới thiệu không có tác dụng bao nhiêu.
Ravic hiểu ra rằng cô nghĩ anh muốn thoát khỏi cô một cách ổn thỏa. Vì ý nghĩ ấy đúng sự thật, Ravic vội phản đối.
– Người tôi đang nghĩ tới không phải là một người làm trung gian. Đó chính là người gác cửa ở Schéhérazade. Một hộp đêm Nga ở Montmartre.
– Người gác cửa à? – Jeanne Madou ngẩng đầu lên – Thế thì khác. Nói chung những người gác cửa am hiểu tình thế hơn. Ông biết người ấy có rõ không?
– Rõ.
Ravic ngạc nhiên. Vừa rồi cô ta ăn nói như một dân chuyên nghiệp.
– Đó là một người bạn của tôi. Anh ấy tên là Movozov, làm việc ở Schéhérazade đã mười năm nay rồi. Phần biểu diễn ở nhà hàng này khá quy mô, và các tiết mục luôn luôn thay đổi. Anh ta rất thân ông quản lý. Dù không có được việc gì cho cô làm ở Schéhérazade, chắc chắn anh ta có thể nghĩ ra một cách gì khác. Cô có muốn thử xem sao không?
– Có. Bao giờ?
– Tốt nhất là vào khoảng chín giờ tối, khi anh ta không bận bịu quá, có thể giúp cô được. Tôi sẽ nói chuyện trước với anh ấy.
Ravic thích thú khi tưởng tượng bộ mặt của Morozov khi anh sẽ đem chuyện này ra nói. Anh cảm thấy thoải mái hơn. Trách nhiệm của anh đã nhẹ bớt. Anh đã làm hết sức mình. Phần còn lại cô ta phải làm lấy.
– Cô có mệt không? – Anh hỏi.
Jeanne Madou nhìn vào mắt anh.
– Không, tôi không mệt. Nhưng tôi biết là ông đang buồn chán. Ông đến đây là vì thương hại, tôi biết ơn ông nhiều. Ông đã đưa tôi ra khỏi căn buồng trọ, và đã chuyện trò với tôi. Điều đó rất có ý nghĩa đối với tôi, vì đã mấy ngày tôi không được nói chuyện với ai cả. Bây giờ tôi đi đây. Tôi làm phiền ông đã quá nhiều rồi. Tôi không biết nếu không có ông tôi sẽ ra sao.
Trời đất! – Ravic nghĩ bụng – Bây giờ câu chuyện đã đến nước này rồi sao? Lúng túng và bứt rứt, anh nhìn cái chuồng chim. Một con bồ câu đang theo tán riết một con anh vũ. Con này vẫn tiếp tục ăn, không hề mảy may để ý đến con kia.
– Không phải vì thương hại.
– Thế thì vì cái gì?
Con chim bồ câu vừa bỏ cuộc. Nó đã lùi vào một góc để rỉa lông. Con anh vũ dửng dưng nhấc cái đuôi lên, thả rơi xuống một ít phân trắng.
– Cô uống chút cognac đi – Ravic nói – Và đừng tưởng tôi có tinh thần bác ái đến mức ấy. Tôi rất hay phải qua buổi tối một mình. Cô tưởng như thế thú vị lắm sao?
– Không. Nhưng đi với một người không thích hợp còn tệ hơn.
– Tôi có cần “người thích hợp” đâu. Cognac của cô đây.
– “Salute”…
Ravic đặt ly xuống.
– Ta ra khỏi cái sở thú này đi. Cô không thiết về khách sạn lắm thì phải?
Jeanne lắc đầu.
– Vậy ta đến một nơi khác. Đến Schéhérazade đi. Ta sẽ uống cái gì đấy, nhân thể cô sẽ xem qua nhà hàng này cho biết.
Lúc bấy giờ đã gần ba giờ sáng. Trước cửa khách sạn Milan, Ravic hỏi:
– Cô uống đã đủ chưa?
Jeanne do dự.
– Khi ngồi ở Schéherazade tôi tưởng đã uống đủ. Nhưng về đến đây mới nhận thấy là chưa.
– Phải bổ cứu thôi. Có lẽ trong khách sạn ta còn có thể gọi một vài thứ. Nếu không chỉ việc mua một chai ở bất cứ quán rượu nào.
Jeanne nhìn lần nữa lên cửa khách sạn. Cô nói:
– Phải, ông nói đúng.
Thế nhưng cô vẫn đứng yên.
– Trở lên căn phòng trống không ấy…
– Tôi sẽ cùng lên với cô. Ta sẽ cầm một chai lên.
Họ đánh thức người gác cửa.
– Còn có cái gì uống không? – Ravic hỏi.
– Champagne cocktail được không ạ? – Người gác cửa vừa nói vừa ngáp dài, nhưng vẫn không sao nhãng ý thức về công việc làm ăn.
– Tốt hơn là xin anh một chai cognac.
– Courvoisier, Martell, Hennessy, Bisquit, Dubouchée?
– Courvoisieir.
– Thưa ông, xin có ngay. Tôi sẽ đưa lên phòng.
– Cô có chìa khóa đấy chứ? – Ravic hỏi Jeanne.
– Cửa không khóa.
– Cô không sợ mất tiền bạc giấy tờ sao?
– Có khóa cũng vậy thôi.
– Quả tình khóa với ổ ấy thì có thế thật. Nhưng cũng vẫn giảm bớt khả năng mất trộm.
– Mỗi khi trở về một mình, tôi rất sợ phải rút chìa khóa ra mở cửa vào một căn phòng trống không. Tôi có cảm giác như mở cửa một cái mồ. Phải vào một căn phòng mà chẳng có cái gì chờ tôi ngoài chiếc va-li, như thế cũng đủ lắm rồi.
– Chẳng nơi nào có cái gì đợi ta đâu. – Ravic nói.
– Có thể như thế, nhưng ít nhất đôi khi người ta có thể giữ được cái ảo giác ấy. Ở đây thì không thể được…
Jeanne bỏ chiếc mũ bê-re và quay về phía Ravic. Đôi mắt cô trong và rộng ra mênh mông trên gương mặt trắng xanh, như ngưng đọng lại trong một nỗi tuyệt vọng âm thầm. Cô đứng yên một lát. Rồi bắt đầu đi đi lại lại trong phòng, hai tay thọc sâu vào túi áo. Ravic chắm chú nhìn cô. Thân hình Jeanne mềm mại; cô có cái sức mạnh và sự uyển chuyển hoang dã của mèo non. Và bỗng nhiên căn phòng như trở nên quá chật chội đối với cô.
Có tiếng gõ cửa. Đó là người hầu bưng cognac lên.
– Ông bà có cần gì nữa không ạ? Thịt gà nguội, sandwiches nhé?
– Thôi khỏi mất thì giờ, anh bạn ạ. – Ravic vừa nói vừa trả tiền. Đoạn anh rót rượu ra cốc.
– Đây. Thứ này vừa giản đơn, vừa man rợ. Nhưng sự man rợ có cái hay trong những thời khắc khó khăn. Sự tinh tế nên để dành cho thời kỳ yên ổn. Cô uống cốc này đi đã.
– Rồi sao nữa?
– Sau đó ư? Sau đó cô sẽ uống thêm một cốc khác.
– Tôi biết. Tôi đã làm như thế rồi. Nhưng chẳng ăn thua gì. Khi chỉ có một mình mà uống say là không tốt chút nào. Mọi thứ đều trở nên gay gắt.
– Vấn đề chẳng qua là phải say tới mức.
Ravic ngồi lên chiếc ghế nằm hẹp và rung rinh đặt trước cái giường. Lần trước anh không thấy có chiếc ghế này, Jeanne nhận thấy điều đó.
– Tôi bảo họ để đấy đấy. Tôi không muốn ngủ trên giường. Phải cởi áo quần nằm lên giường tối thấy nó vô ích quá. Tại sao? Ban ngày, tôi đủ can đảm, nhưng ban đêm…
– Phải tìm cho cô một việc làm bằng được. Thật tiếc là không gặp được Morozov ở Schéhérazade. Tôi không biết hôm nay là ngày nghỉ của anh ấy. Tối mai thế nào cô cũng đến đấy nhé. Vào khoảng chín giờ. Tôi tin chắc anh ta sẽ kiếm được cho cô một cái gì. Ít ra cũng là một việc gì ở nhà bếp, nếu cần. Ít nhất cô cũng có một việc gì làm cho qua thì giờ. Đó chính là điều cô đang mong, phải không?
– Vâng.
Jeanne không đi đi lại lại nữa. Cô uống cạn chén, rồi ngồi lên giường.
– Tối nào tôi cũng ra ngoài đi dạo. Khi người ta đi, mọi sự đều có vẻ dễ dàng hơn. Chỉ khi ngồi xuống mới thấy trần nhà sập xuống đầu mình…
– Đi ngoài đường như thế cô chưa gặp. chuyện gì xảy ra sao? Cô chưa bao giờ bị cướp giật chứ?
– Chưa. Hình như trông tôi người ta cũng biết là chẳng có gì để mà cướp cả.
Cô giơ cái ly cạn ra:
– Nhiều khi tôi cũng hy vọng gặp được một người nào. Ít nhất cũng có người mà nói chuyện! Để khỏi làm một con người máy đi lang thang không có chủ đích. Ít ra cũng được một lúc khỏi nhìn vào mấy hòn đá, được nhìn vào một đôi mắt. Khỏi đi vật vờ như một kẻ lạc loài. Như thể đi trên một hành tinh xa lạ!
Jeanne hất mái tóc ra phía sau và cầm lấy cái ly Ravic đưa.
– Không biết tại sao tôi lại nói những chuyện ấy. Có lẽ tại tôi đã phải lặng thinh suốt mấy ngày nay. Có lẽ tại hôm nay, lần đầu tiên…
Cô ngừng bặt, rồi nói tiếp:
– Ông đừng lắng nghe tôi nói làm gì.
– Tôi uống rượu – Ravic nói – Cô cứ nói bất cứ cái gì nảy ra trong óc. Bây giờ là ban đêm. Không ai nghe thấy gì đâu. Rồi mai sẽ quên hết.
Anh ngả người ra phía sau. Từ một nơi nào trong khách sạn văng vẳng có tiếng ai mở vòi nước, rồi tiếng lò sưởi điện bật lên, và cái tiết tấu đều đều, đơn điệu và êm ả của tiếng mưa rơi trên kính.
– Sau đó người ta về phòng tắt đèn, bóng tối chụp lên tri giác như một nắm bông tẩm thuốc mê – lúc bấy giờ người ta lại bật đèn lên rồi nhìn trừng trừng vào đêm tối…
Chắc mình say rồi – Ravic nghĩ – say nhanh hơn mọi ngày. Mình không còn thấy người thiếu phụ nhạt nhẽo vô vị. Mình nhìn thấy một người nào khác. Một người nào đó có một đôi mắt. Một gương mặt. Một người đang nhìn mình. Chắc chắn đây là hiệu quả của những mảng sáng tối giao thoa. Và phía sau trán mình có một ánh lửa dịu soi vào sự giao thoa ấy. Đó là ánh lửa đầu tiên của trạng thái say.
Anh không lắng nghe Jeanne nói nữa. Câu chuyện của cô anh đã quá quen thuộc rồi. Anh không muốn nghe nữa. Cảnh cô đơn… cái điệp khúc muôn thuở của tồn tại.
Chẳng hay gì hơn mà cũng chẳng dở gì hơn những thứ khác. Người ta nói quá nhiều về cảnh ấy. Người ta bao giờ cũng cô đơn, và không bao giờ cô đơn. Một cây vĩ cầm chợt khóc lên trong bóng hoàng hoàng hôn, giữa một khu vườn trên những quả đồi bao quanh Budapest. Mùi hương nằng nặng của những khóm hạt dẻ. Tiếng gió bay qua. Và những giấc mơ đậu trên vai ta như những con cú với đôi mắt tròn sáng lấp lánh trong bóng đêm, cái bóng đêm không bao giờ thành hẳn bóng đêm trọn vẹn. Cái giờ mà tất cả mọi người đàn bà đều trở thành giai nhân, Ravic ngẩng đầu lên.
– Cảm ơn. – Jeanne Madou nói.
– Sao lại cám ơn tôi?
– Vì đã để mặc cho tôi nói mà không nghe tôi. Tôi đang cần như thế.
Ravic nhận thấy ly cô đã cạn từ bao giờ.
– Tôi sẽ để chai rượu lại cho cô. – Anh nói.
Ravic đứng dậy. Một căn buồng. Một người đàn bà.
Không có gì khác nữa. Ánh sáng kia đã tan biến đi đâu mất.
– Ông muốn về thật sao? – Jeanne hỏi.
Cô nhìn quanh, như thể có ai nấp trong phòng.
– Đây là tên họ và địa chỉ Morozov. Tối mai chín giờ.
Ravic viết mấy chữ lên một tờ giấy, rút nó ra rồi để lên một chiếc va-li.
Jeanne Madou đứng dậy và lấy mũ áo ngoài. Ravic nói:
– Cô không phải tiễn chân tôi làm gì.
– Không phải thế. Tôi không muốn ở lại đây. Lúc này tôi không muốn. Tôi muốn đi bộ thêm một lát nữa.
– Ích gì? Trước sau rồi cũng phải về. Rồi đâu lại vào đấy. Cô ở lại là hơn.
– Không. Khi tôi quay về thì trời sáng rồi. Ban ngày, mọi sự đều dễ dàng hơn.
Ravic ra gần cửa sổ. Trời vẫn mưa. Những quầng ánh sáng vàng vọt đánh dấu những chỗ có đèn đường.
– Ta sẽ uống thêm một ly nữa, – Ravic nói – rồi cô sẽ đi ngủ. Trời này không nên ra đường.
Anh với lấy chai rượu. Bỗng nhiên Jeanne đứng sát vào ngực anh. Hơi thở của cô khẽ chạm vào má anh.
– Ông đừng bỏ tôi lại một mình đêm nay – Cô nói, giọng khẩn khoản – Tôi không biết tại sao, nhưng đêm nay thì đừng. Ngày mai tôi sẽ có đủ can đảm, nhưng đêm nay tôi không thể ở lại một mình. Tôi mệt quá, tôi kiệt quệ rồi, tôi không còn chút sức nào nữa. Lẽ ra ông đừng cho tôi đi như ban nãy… tối nay không được… bây giờ thì tôi không thể ở lại một mình nữa rồi!
Ravic đặt chai rượu xuống bàn, gỡ đôi bàn tay đang bám vào cánh tay anh.
– Chú bé ạ, phải cố quen đi.
Anh chỉ cái ghế nằm.
– Tôi có thể ngủ đây. Tôi ra về bây giờ chẳng ích gì. Tôi cần ngủ vài tiếng. Sáng mai tôi có một ca mổ, lúc chín giờ. Về phòng tôi cũng chẳng hơn gì. Vả lại đây cũng chẳng lần đầu. Cô thấy có được không?
Jeanne gật đầu. Cô vẫn đứng sát người anh.
– Bảy giờ rưỡi tôi phải đi. Tôi sẽ đánh thức cô dậy.
– Không sao đâu. Tôi sẽ làm thức ăn sáng…
– Không đời nào! Tôi sẽ ăn sáng ở hiệu cà phê ngoài góc phố như mọi người dân lao động; một chén cà phê rum và mấy miếng bánh mì ngọt. Còn những thứ khác tôi có thể thu xếp ở bệnh viện. Không có gì làm cho tôi khoái trá bằng yêu cầu Eugénie chuẩn bị buồng tắm. Thế là thỏa thuận xong xuôi rồi nhé, ta sẽ ở lại đây. Hai tâm hồn đau khổ, vào một đêm cuối thu. Giường thì dành cho cô. Nếu cô muốn, tôi sẽ xuống nhà nói chuyện với anh gác cửa trong khi cô sửa soạn đi nằm.
Ravic châm một điếu thuốc lá.
– Không. – Jeanne Madou nói vội.
– Tôi không trốn đi đâu. Đàng nào chúng ta cũng cần mấy thứ, gối, chăn.
– Tôi có thể bấm chuông gọi.
– Không nên. Để cho đàn ông lo việc này thì hơn.
Người gác cửa lên ngay. Tay anh ta cầm thêm một chai cognac.
– Anh tự đánh giá cao đấy – Ravic nói – Rất cảm ơn, nhưng chúng tôi thuộc cái thế hệ hậu chiến. Anh đem lên đây một cái chăn, và cái gối và vài tấm drap. Tôi phải ở lại đây. Trời lạnh và mưa quá to. Tôi có bệnh sưng phổi kinh niên, và đã hai hôm nay tôi không được ngủ. Anh có thể lấy giùm không?
– Thưa ông được ạ.
Người gác cửa ra rồi, Ravic châm thuốc hút.
– Tôi ra hành lang một chút nhé; để ngắm mấy thứ giày dép ở trước các cửa phòng. Đây là một thói quen cũ. Tôi không bỏ trốn đâu – Anh nói khi trông thấy vẻ mặt Jeanne – Tôi không phải là Joseph người Ai Cập cổ đại. Tôi không bỏ lại chiếc áo choàng để trốn đi đâu.
Anh gác cửa đưa các thứ lên. Anh ta đứng sững lại khi trông thấy Ravic đứng ngoài hành lang. Rồi gương mặt anh ra rạng rỡ lên.
– Ở đây ít khi thấy ai được như ông. – Anh ta nói.
– Đây là một cái túi nước nóng. Để phục vụ cho bộ phổi bị viêm của ông.
– Cám ơn, nhưng tôi quen giữ cho phổi ấm bằng rượu cognac.
Ravic rút trong túi ra mấy tờ giấc bạc.
– Thưa ông, chắc ông không có pyjama. Tôi có thể đưa hầu ông một bộ.
– Cám ơn – Ravic vừa nói vừa đưa mắt ước đạc tầm vóc anh ta – Chắc chắn là nó sẽ chật.
– Không đâu. Sẽ rất vừa. Còn mới tinh. Chả giấu gì ông, đây là của một ông khách người Mỹ cho tôi. Quà của một người phụ nữ tặng ông ta. Nhưng tôi không quen mặc pyjama. Tôi thường dùng áo dài ngủ. Bộ này hoàn toàn mới.
– Thế thì anh cứ đưa lên đây, ta sẽ xem thử.
Ravic đứng đợi ngoài hành lang. Anh thấy có ba đôi giày. Một đôi bốt-tin có dây thun. Từ trong phòng ấy đưa ra những tiếng ngáy to như sấm. Rồi lại có một đôi giày đàn ông màu nâu thẫm, và một đôi giày đàn bà bằng da véc-ni. Hai đôi này để cạnh nhau trước một cánh cửa, và tuy để sóng đôi như vậy mà sao trông nó vẫn có vẻ bơ vơ, cô độc.
Anh gác cổng đưa bộ pyjama lên. Thật là một bộ đồ sang trọng. May bằng tơ nhân tạo màu xanh dương có đính những ngôi sao kim tuyến. Ravic ngắm bộ pyjama không nói lấy một lời. Anh rất hiểu cái công người Mỹ kia.
– Đẹp tuyệt phải không ông? – Người gác cửa nói, vẻ hãnh diện.
Bộ pyjama mới tinh. Còn để nguyên trong hộp của hãng Grands Magasins du Louvre.
– Tiếc quá! – Ravic nói – Ước gì được nhìn thấy mặt cái bà đã chọn mua bộ này.
– Tôi có thể cho ông mượn dùng tối nay.
– Tôi nợ anh bao nhiêu nhỉ?
– Ồ tùy ông muốn cho bao nhiêu thì cho ạ.
Ravic đưa cho anh ta một ít tiền.
– Thưa ông thế này nhiều quá ạ.
– Anh có phải là người Pháp không?
– Vâng ạ, tôi quê ở Saint-Nazaire.
– Thế thì anh bị người Mỹ làm hư rồi. Vả lại một bộ pyjama như bộ này thì không có giá đâu.
– Tôi rất hài lòng thấy ông thích nó như vậy. Xin chúc ông ngủ ngon. Đến mai bà có thể đưa lại cho tôi.
– Không. Tôi sẽ tự tay trả lại cho anh. Bảy giờ rưỡi anh đánh thức tôi dậy nhé. Thôi chào anh.
– Cô xem này! – Ravic nói với Jeanne khi cho cô xem bộ pyjama. Mặc đi dự vũ hội hóa trang được đấy! Và tôi sẽ mặc ngay bây giờ. Cần phải có lòng dũng cảm, lại vừa phải thật vô tư mới có thể cam chịu để cho mình trở thành lố bịch.
Anh xếp chăn lên chiếc ghế nằm. Ngủ ở đây hay ở đâu anh thấy cũng thế thôi. Trong khi đi bách bộ ngoài hành lang, anh đã thấy rõ phòng tắm cũng tiêm tất, và anh gác cửa đã kiếm được cho anh một cái bàn chải đánh răng. Đối với anh, Jeanne Madou xét cho cùng chẳng qua là một bệnh nhân.
Anh rót cognac vào một cái cốc lớn và để xuống cạnh giường.
– Tôi chắc thế này cũng đủ cho cô dùng, tôi sẽ không phải đứng dậy rót thêm. Còn tôi thì tôi lấy cái chai và cái ly kia.
Anh nằm xuống chiếc ghế dài. Anh hài lòng thấy Jeanne không tỏ ra bận tâm quá mức về sự tiện nghi của anh. Cô ấy đã được vừa ý rồi… Cũng may là cô không bất thình lình phát hiện thấy bản thân có những đức tính của người nội trợ. Anh rót rượu vào đầy cái ly của anh:
– Chúc sức khỏe cô.
– Chúc ông sức khỏe – Jeanne đáp – Và cảm ơn ông.
– Cô đừng cảm ơn tôi. Xin cô tin cho rằng ban nãy tôi cũng chẳng thích đi giữa mưa một chút nào đâu.
– Bên ngoài có còn mưa nữa không?
– Vẫn mưa.
Nhịp mưa rơi đều đều, dìu dịu trên cửa kính, thấm dần vào căn phòng; có một cái gì lành lạnh, xam xám, một cái gì cô tịch, buồn hơn cả nỗi buồn, một hồi âm vô danh của dĩ vãng, một thứ sóng vỗ bờ đang khao khát giành lại và dìm ngập những gì nó đã bỏ sót trên một bến bờ hoang vắng; một ít nhân đạo, ánh sáng và suy tư.
– Đây là một đêm trời sinh ra để mà uống rượu.
– Vâng. Nhưng là một đáng sợ nếu chỉ có một mình.
Ravic nằm im lặng một lát. Rồi nói:
– Nhưng rồi cũng phải cố quen đi. Tất cả những gì trước kia là lý do tồn tại của chúng ta nay đều đã sụp đổ tan tành. Chúng ta tan tác ra như những hạt ngọc của một chuỗi hạt đứt chỉ. Không còn có một cái gì vững chãi nữa. Hồi còn bé, có một buổi chiều tôi ngủ quên giữa một cánh đồng cỏ. Ấy là vào mùa hè, trời đất quang đãng. Trước khi nhắm mắt, tôi trông thấy chồm sao Orion lấp lánh trên cánh rừng, ở phía xa. Khi tôi thức dậy, chòm sao Orion đã ở trên đỉnh đầu. Tôi không bao giờ quên được điều đó. Tôi đã được học trong sách vở là quả đất tròn, nhưng cũng chẳng hiểu cho rõ lắm như thế là thế nào. Tôi cảm thấy hành tinh này lao đi trong cõi vô tận của bầu trời. Hầu như có một bản năng gì khiến tôi muốn bấu víu vào một cái gì để khỏi bị phóng vào không gian vô tận. Cái cảm giác này chưa bao giờ tiêu tan. Số là khi tôi tỉnh giấc, trong giây lát tôi đã mất hết mọi ký ức và mọi cảm giác về sự vật, và mặt đất dưới thân thể tôi không còn vững chãi nữa – từ đấy trở đi nó chưa bao giờ trở lại vững chãi đối với tôi.
Anh uống cạn cốc.
– Cái đó làm cho cuộc sống khi thì dễ dàng hơn, khi thì khó khăn hơn.
Anh nhìn sang Jeanne.
– Tôi chắc cô buồn ngủ rồi. Khi nào mệt quá, cô đừng trả lời nữa.
– Chưa đâu. Chắc phải lát nữa. Trong tôi có một cái gì đang thức và đang lạnh.
Ravic đặt chai rượu xuống sàn. Trong căn phòng ấm, anh cảm thấy cái mệt thấm vào mình từng chút một.
Những bóng tối di chuyển chầm chậm. Những tiếng cánh vỗ đều đều. Căn buồng xa lạ, đêm tối và ngoài kia là tiếng rì rầm mỗi lúc một yếu ớt và xa xăm – tiếng mưa rơi trên cửa kính. Một nơi trú ẩn với ánh đèn leo lét bên bờ của hỗn mang… một đốm lửa nhỏ nhấp nhánh trên sa mạc… một gương mặt xa lạ mà mình tìm đến để nói một điều gì…
– Cô đã từng có cảm giác ấy chưa?
– Đã. Nhưng theo một kiểu khác. Những khi mấy ngày liền không nói gì với ai… và nhìn thấy quanh mình những con người có liên quan đến một nơi nào đó, đang đi đến một nơi nào đó, đang về một nơi nào… và chỉ mình tôi đi vật vờ không mục đích. Mọi thứ đều trở thành hư ảo. Tôi có cảm giác mình đã bị vùi sâu dưới nước, mình đang đi giữa một thành phố đã chìm xuống đáy biển.
Có tiếng chân đi lên cầu thang. Tiếng chìa khóa lách cách, tiếng mở cửa rồi đóng cửa, và ngay sau đó là tiếng nước chảy từ trên vòi xuống.
– Tại sao cô ở Paris, một khi cô chẳng quen ai ở đấy?
– Tôi cũng không biết. Nhưng nếu không ở Paris thì đi đâu?
– Chẳng lẽ không có một nơi nào cô có thể quay về được ư?
– Người ta không thể quay trở về dĩ vãng.
Một cơn gió lùa mạnh những hạt mưa vào mấy tấm kính cửa sổ.
– Cô đến Paris để làm gì?
Jeanne Madou không đáp. Ravic tưởng cô đã ngủ. Nhưng một hồi lâu sau cô đáp:
– Raczinsky và tôi đến đây là để chia tay nhau.
Ravic không hề cảm thấy ngạc nhiên. Có những lúc mà chăng có cái gì làm cho ta ngạc nhiên cả. Ở phòng bên, người mới về bắt đầu nôn ọe. Những tiếng nấc của hắn vẳng qua bức tường chỉ còn nghe khe khẽ.
– Thế thì tại sao cô khổ tâm đến như vậy?
– Vì ông ấy chết đột ngột quá! Bỗng dưng, ông ấy không còn ở đấy nữa! Ông ấy không bao giờ quay lại nữa. Đã quá muộn rồi, không còn sửa chữa được gì nữa. Ông không hiểu sao?
Jeanne ngồi dậy, nhìn Ravic.
– Vâng. – Anh nói.
Nhưng anh nghĩ: không phải thế đâu, không phải vì ông ta chết. Mà vì ông ta đã bỏ cô lại trước khi cô rồi bỏ ông ta. Vì ông ta bỏ cô lại một mình khi cô chưa sẵn sàng.
– Lẽ ra trước đây tôi phải… đối với ông ấy tốt hơn… thế mà tôi…
– Cô đừng nghĩ đến chuyện ấy nữa. Những niềm hối tiếc không bao giờ có chút ích lợi gì! Không thể quay trở về dĩ vãng. Không thể sửa chữa gì hết. Nếu không, chúng ta ai cũng sẽ là bậc thánh hiền. Vả lại cuộc sống không đòi hỏi ta phải hoàn thiện. Nếu ta là người hoàn thiện, vị trí của ta là ở viện bảo tàng.
Jeanne không đáp. Ravic nhìn cô uống hết ly rượu, rồi ngả đầu lên gối. Còn có một vấn đề khác nữa… nhưng anh đã quá mệt, không nghĩ tiếp được. Vả chăng, anh không thiết bất cứ thứ gì. Anh muốn ngủ. Ngày mai anh phải mổ. Tất cả những chuyện kia không còn có gì quan trọng. Anh đặt cái cốc đã uống cạn xuống sàn, bên cạnh chai rượu. Anh nghĩ: đôi khi người ta ở vào những tình huống thật là kỳ quặc…