Khải Hoàn Môn

CHƯƠNG 14



André Durant giận điên lên.
– Bây giờ thật không thể nào làm việc với ông được nữa. – Ông ta tuyên bố.
Ravic chỉ nhún vai. Qua Veber, anh biết rằng Durant sẽ được mười ngàn quan về cuộc phẫu thuật này. Trừ khi có thỏa thuận trước với nhau về số thù lao, Durant sẽ chỉ trả cho anh có hai trăm quan. Lần vừa qua cũng đã thế rồi.
– Ông lại đề ra cái yêu sách quái đản ấy với tôi khi chỉ còn có nửa tiếng nữa là vào phòng mổ? Tôi thật không ngờ ông lại có thể như thế đấy, Ravic ạ.
– Tôi cũng không ngờ. – Ravic nói.
– Ông thừa biết rằng ông bao giờ cũng có thể tin chắc ở tính hào phóng của tôi. Tôi không thể nào hiểu nổi tại sao ông lại trở nên đa nghi đến thế. Tôi hết sức khổ tâm là phải nói chuyện tiền nong trong khi bệnh nhân có ý thức là chúng ta đang nắm sinh mệnh của ông ta trong tay.
– Ông tưởng tôi không khổ tâm sao? – Ravic nói…
Durant nhìn Ravic một lát. Khuôn mặt nhăn nheo điểm chồm râu bạc đượm vẻ trang trọng pha lẫn niềm công phẫn. Ông nắn lại đôi kính cặp mũi.
– Thế ông yêu cầu bao nhiêu?
– Hai ngàn quan.
– Cái gì?
Durant như thể vừa bị phang một nhát búa tạ lên đầu.
– Thật quá quắt. – Ông nói xẵng.
– Không sao đâu, – Ravic điềm tĩnh đáp – ông có thể dễ dàng tìm một người khác. Ông mời Binot đi, anh ta rất giỏi.
Ravic lấy áo khoác mặc vào. Có thể thấy rõ một cuộc đấu tranh nội tâm đang diễn ra trong lòng Durant.
– Khoan đã – Ông nói khi thấy Ravic cầm mũ lên – Ông không thể bỏ rơi tôi như thế! Tại sao ông không nói cho tôi biết từ hôm qua?
– Ông đang ở ngoại thành, không thể nào bắt liên lạc với ông được.
– Hai ngàn quan! Chẳng lẽ ông không biết rằng chính tôi đây tôi cũng không đòi đến giá ấy? Bệnh nhân là một người bạn của tôi, tôi chỉ lấy đủ số chi phí của tôi mà thôi.
Durant trông giống những hình Đức Chúa Cha thường thấy vẽ trong sách trẻ em. Ông năm nay bảy mươi tuổi. Ông chẩn bệnh chính xác, nhưng làm phẫu thuật thì hơi kém. Bệnh nhân của ông rất đông, nhưng phần lớn đều do trợ lý cũ của ông là Binot mổ giùm ông. Cách đây hai năm, Binot đã có đủ sức mở bệnh viện riêng. Từ đây Durant thuê Ravic làm những phẫu thuật phức tạp. Trong giới những người biết rõ anh, Ravic có tiếng là chuyên xẻ những đường rất nhỏ và khâu lại một cách tài tình đến nỗi hầu như không để lại một vết sẹo nào. Durant là một người am hiểu các thứ rượu Bordeaux, thường xuyên có mặt ở tất cả các dạ hội sang trọng, và đa số các bệnh nhân của ông đều thuộc giới thượng lưu.
– Giá tôi mà biết… – Ông ta lẩm bẩm.
Xưa nay ông vẫn sợ một cái gì như thế này. Chính vì vậy mà hầu như lần nào ông ta cũng về nằm ở ngôi nhà ngoại thành trong hai ngày trước khi làm một phẫu thuật quan trọng. Ông một mực tuyệt đối tránh giải quyết vấn đề thù lao trước khi mổ. Giải quyết sau bao giờ cũng dễ dàng cho ông hơn. Bao giờ ông cũng có thể hứa hẹn là lần sau sẽ trả khá hơn. Nhưng lần này ông bị người ta chơi đòn bắt chẹt bất ngờ. Đáng lẽ đến đúng vào lúc phải bắt tay vào việc như thường lệ, lần này Ravic đến sớm tới hơn nửa giờ đồng hồ và đã gọi được ông ra ngoài nói chuyện trước khi bệnh nhân được gây mê. Ông bị tước mất cái cớ tốt nhất để cắt ngang cuộc đàm thoại.
Vừa lúc ấy, cô y tá từ trong phòng mổ thò đầu ra cửa hỏi xem đã đến lúc bắt đầu gây mê chưa.
Durant ném về phía Ravic một cái nhìn van lơn nhưng chỉ gặp được một gương mặt bằng cẩm thạch.
– Ông thấy thế nào, bác sĩ Ravic? – Ông ta hỏi.
– Tùy ông quyết định, thưa bác sĩ Durant.
– Theo tôi nên đợi thêm một lát nữa, cô ạ. Chúng tôi chưa thật sẵn sàng. – Cô y tá thụt cổ vào, và Durant lại quay sang Ravic – Thế thì… – Ông nói, giọng đầy ý trách móc.
Ravic đút hai tay vào túi.
– Thế thì cách đơn giản nhất là thế này. Ông chỉ có việc hoãn buổi phẫu thuật lại và cho mời Binot.
Binot đã làm hầu hết các phẫu thuật của Durant trong hơn hai mươi năm. Ông ta chưa bao giờ tạo được cho mình một ít tiếng tăm, vì Durant thường xuyên cố ý làm sao cho mọi người tưởng ông ta chỉ là một người phụ việc chẳng có vai trò gì quan trọng cho lắm. Cho nên Binot rất thù ghét Durant, và Ravic biết rằng nếu mời đến ông ta, thì ông ta sẽ đòi phải trả ít nhất là năm ngàn quan. Durant cũng biết điều đó.
– Bác sĩ Ravic, – Ông nói – những chuyện tiền nong làm tổn hại đến danh dự của nghề nghiệp chúng ta.
– Tôi đồng ý.
– Bây giờ thế này, ông cứ để tôi giải quyết mọi sự. Xưa nay ông chẳng được thỏa mãn là gì?
– Chưa bao giờ. – Ravic nói.
– Ông đã lần nào than phiền đâu?
– Tôi biết. Trước hết, tôi có than phiền cũng chẳng ích gì, chắc chắn, là tôi sẽ không được thêm một đồng nào. Hơn nữa, tôi chẳng thiết. Nhưng lần này thì tôi cần tiền.
Cô y tá lại ra.
– Thưa bác sĩ, bệnh nhân đợi lâu quá rồi ạ.
Durant lại nhìn Ravic. Anh vẫn lạnh như tiền. Durant là một con người còn khó moi tiền hơn cả một người Do Thái. Một người Do Thái còn biết xem xét các điều kiện thương lượng một cách tỉnh táo. Còn Durant thì bị số tiền phải bỏ ra thôi miên hoàn toàn.
– Cô đợi chút nữa đi. Lấy nhiệt độ, xem lại mạch và huyết áp.
– Thưa đã xong hết rồi ạ.
– Thế thì bắt đầu gây mê đi.
– Tôi sẽ đưa ông một ngàn quan. – Durant nói khi cô y tá đã trở vào phòng mổ.
– Hai ngàn. – Ravic chữa lại.
– Ravic này, – Durant vuốt vuốt bộ râu cằm – ở địa vị một người tị nạn không có quyền hành nghề…
– Lẽ ra tôi không được làm phẫu thuật cho ông. -Ravic điềm tĩnh ngắt lời.
Bây giờ Durant sẽ đọc bài diễn văn cổ truyền: anh được dung nạp trên đất nước này là may phước lắm rồi. Lẽ ra anh phải biết ơn. – Ravic chờ nghe những câu như vậy.
Nhưng Durant không buồn bỏ sức ra nữa. Thời gian đang thúc sau lưng, và ông ta hiểu rằng mình sẽ không làm cho Ravic nhượng bộ được.
– Hai ngàn. – Ông nói, giọng đắng cay, như thể mỗi tiếng là một tờ giấy bạc mà Ravic lôi ra khỏi họng ông – Tôi sẽ phải lấy tiền túi ra mà trả cho ông đây. Tôi không thể ngờ ông chóng quên ơn tôi đến thế.
Lạ thật, – Ravic nghĩ thầm – sao những kẻ bóc lột thích nói chuyện luân lý thế! Cái lão bịp đời mang huân chương Légion d’Honneur trên khuy áo này chê trách mình, trong khi lẽ ra phải xấu hổ vì đã bóc lột mình như vậy.
– Hai ngàn – Durant nói, rồi lại nhắc lại – Hai ngàn!
– Cứ như thể ông ta nói: gia đình của tôi, tình yêu của tôi, Thượng đế của tôi, khu vườn của tôi, bầy chim trĩ của tôi, ngôi nhà St-Emilion của tôi! Bao nhiêu thứ đó thế là đi tong hết! – Thôi được, ta bắt đầu đi.
Bệnh nhân là một người đàn ông to bụng, chân tay gầy. Chỉ vì tình cờ mà Ravic biết được căn cước của ông ta. Ông ta là Leval, và là một quan chức phụ trách về vấn đề dân tị nạn. Veber đã cho anh biết như vậy nhân một câu chuyện đùa. Cái tên Leval rất quen thuộc với tất cả những người tị nạn ở khách sạn International.
Ravic rạch đường đầu tiên. Lớp da mở ra như những trang sách, để lộ những lớp mỡ vàng vàng.
– Ta sẽ lấy bớt cho ông ta mấy cân mỡ không tính tiền – Anh nói với Durant – Chỉ ít lâu là ông ta lại bù ngay thôi.
Durant không trả lời. Ravic cắt bỏ mấy lớp mỡ và đưa mũi dao vào đến các mô cơ. Anh nghĩ: đây chính là vị hung thần của dân tị nạn. Con người nắm trong tay số phận của hàng trăm người, trong bàn tay trắng và mũm mĩm bây giờ buông thõng một cách bất lực. Chính ngài đã ra lệnh trục xuất giáo sư Meyer già cả: ông cụ đã không đủ sức đi lại một lần nữa dặm đường khổ ải và đã tự treo cổ trong một cái tủ chìm của khách sạn International. Cụ già bất hạnh đã buộc dây vào một cái móc: cụ gầy gò đến nỗi một cái móc cũng đủ sức treo xác cụ. Người ta đã tìm thấy cụ già ở đây. Chỉ là một mớ áo quần thảm hại, trong đó hơi thở của sự sống đã tắt ngấm. Nếu cái bụng giờ đây đã mở toang ra trước mắt Ravic có được một chút tình thương xót thì Meyer bây giờ hãy còn sống.
– Cặp – Ravic gọi – Tăm-pông.
Anh tiếp tục cắt. Sự chính xác của lưỡi dao mổ sắc như nước. Cái cảm giác mà một đường xẻ gọn ghẽ truyền vào tay. Khoang bụng với những nếp gấp trắng đục của bộ ruột. Con người đang nằm kia, bụng mở toang ra, cũng có những nguyên tắc luân lý riêng. Hắn đã có cảm thấy thương hại Meyer; hắn đã tuân theo cái mà hắn gọi là bổn phận của người yêu nước. Như vậy bao giờ cũng có một thứ bình phong mà người ta có thể nấp ở phía sau: một quan chức cấp trên, rồi đến lượt ông này, lại cũng có một cấp trên nữa, vân vân – những mệnh lệnh, những chỉ thị, những quy chế. Và chủ yếu là con quái vật trăm đầu, đạo đức, bổn phận, thực tế, trách nhiệm, thế tất yếu, muốn gọi tên gì thì gọi… Bao giờ cũng có sẵn một tấm bình phong có thể nấp vào để quên đạo luật giản đơn của lòng nhân ái.
Con dao mổ đã vào đến túi mật. Một cái túi mật bệnh tật, thối nát. Đây là hậu quả của hàng trăm miếng tournedos Rossini, của những món dồi kiểu Caen, của những con vịt ép, những con chim trĩ rán, những con gà mái tơ vỗ béo, những món xốt mỡ màng và mấy trăm chai rượu Bordeaux lâu năm. Giáo sư Meyer đã không biết đến những mối ưu phiền này. Đây chính là lúc mà chỉ cần xẻ vào hơi quá một chút, hơi sâu hơn một chút, thì một tuần sau sẽ có một người tốt hơn ngồi trong căn phòng sực mùi giấy má ấy, nơi mà những người tị nạn run rẩy đợi người ta ban bố một lời quyết định cho họ sống hay chết. Một người tốt hơn ư? Một người xấu hơn cũng nên. Anh không hề hồ nghi một mảy may rằng cái thân hình đang bất tỉnh này tự coi mình là người tràn đầy lòng nhân ái. Đó chắc chắn là một người cha tốt và một người chồng tốt. Thế nhưng ngay từ cái phút hắn bước qua ngưỡng cửa của phòng làm việc, hắn lập tức biến thành một thứ bạo chúa chỉ biết có những câu: chúng ta không thể dung thứ điều này, hoặc: điều nọ sẽ đưa ta đến đâu?… Chắc chắn là nước Pháp chẳng đến nỗi diệt vong nếu giáo sư Meyer già cả được tiếp tục ăn những bữa ăn đạm bạc của cụ, nếu người ta cho phép bà quả phụ Rosenthal tiếp tục sống trong căn buồng đầy tớ ở khách sạn International để chờ ngày về của đứa con trai đã chết, nếu thương gia Stallman mắc bệnh ho lao không bị giam tù sáu tháng vì tội nhập cảnh bất hợp pháp và không được tha ra để chết trước khi bị giải ra biên giới.
Đường cắt hoàn hảo. Không sâu quá. Không rộng quá. Ravic lấy cái túi mật ra, đưa cho Durant coi. Nó ném ra một ánh phản chiếu nhờ nhờ dưới ánh sáng trắng nhợt của bộ đèn mổ. Anh ném nó vào cái xô. Thôi, bây giờ phải làm cho xong. Phải khâu lại cái bụng cho con người ăn lương ba bốn chục ngàn quan một năm này. Làm sao hắn có thể trả mười ngàn quan cho cuộc phẫu thuật này? Hắn lấy tiền ở đâu ra? Một mũi khâu, hai mũi, rồi một mũi nữa… Không nhìn, anh cũng có thể thấy ghi trên gương mặt Durant: hai ngàn quan. Chắc chắn là trong đôi mắt của ông ta cũng có ghi rõ. Mỗi con mắt ghi một ngàn quan. Quả thật là tình yêu làm hỏng tính cách con người. Nếu không có tình yêu, mình chẳng bao giờ đi tống tiền cái lão bợm già này. Mình chẳng bao giờ phá phách lòng tin của hắn vào thiết chế của sự bóc lột. Ngày mai, lão ta sẽ điềm tĩnh ngồi bên cạnh bệnh nhân và tiếp nhận một cách đạo mạo những lời cảm ơn và tán tụng của hắn. Cái bụng phệ này có nghĩa là một tuần đi Antibes cho Jeanne và cho mình. Một tuần ánh sáng giữa cơn mưa giông tro tàn đang đổ xuống thế giới. Một góc trời, xanh trong trước cơn bão tố. Bây giờ đến phúc mạc. Những mũi khâu thật tinh vi, cho xứng với cái giá kia. Lẽ ra phải để lại một cái kéo trong bụng hắn để tưởng niệm Meyer.
Ravic nghe ánh sáng rực rỡ của bộ đèn mổ kêu vo vo bên tai, và tự hỏi tại sao bộ óc lại có thể chứa đầy bấy nhiêu ý nghĩ lộn xộn. Có lẽ vì báo chí. Hay vì vô tuyến điện. Những lời ba hoa không ngớt của lũ dối trá và hèn nhát. Dòng thác từ ngữ cản trở việc tập trung tư tưởng. Những bộ óc ngây thơ tội nghiệp phải chịu hứng bấy nhiêu rác rưởi mỵ dân. Những bộ óc không còn quen nhai chất bánh mì cứng rắn của sự thật. Những bộ óc móm mém đã rụng hết răng… Xong. Bây giờ chỉ còn lại lớp da nhão nhoét. Vài tuần nữa, hắn lại có thể tiếp tục trục xuất những người tị nạn run rẩy. Vì hắn sẽ không chết. Những người như hắn thường chết vào tuổi tám mươi, được kính nể, trọng vọng, giữa đám cháu nội cháu ngoại. Xong cả rồi. Có thể đưa ra được rồi.
Ravic giật cái khẩu trang che trên mặt và tháo găng tay. Bệnh nhân rời phòng mổ trên cái bàn có bánh xe im lặng. Ravic nhìn hắn mà nghĩ thầm: Leval, giá mi biết rõ! Giá mi biết rõ rằng cái túi mật đáng kính và hợp pháp của mi đã đem lại cho ta, một kẻ tị nạn bất hợp pháp, mấy ngày hạnh phúc bị cấm đoán trên bờ biển Riviera!
Anh bắt đầu rửa tay. Durant cũng rửa tay bên cạnh Ravic. Ông ta ngắm nghía đôi tay của ông, một đôi tay già nua có sức ấn quá mạnh. Trong khi chà xát đôi bàn tay như cái máy, Durant động đậy quai hàm như thể đang ăn. Mỗi khi tay ngừng thì hàm cũng ngưng. Ông ta đang kéo dài thời gian. Ông ta muốn giữ lại thật lâu cái món hai ngàn quan ấy – Ravic nghĩ bụng.
– Ông còn đợi gì nữa thế? – Một lát sau Durant hỏi.
– Tôi đợi ngân phiếu của ông.
– Tôi sẽ gửi tiền cho ông ngay khi bệnh nhân trả. Nghĩa là vài tuần sau khi ra viện.
Ông ta bắt đầu lau khô đôi tay, rồi ông nhỏ lên đấy mấy giọt eau-de-cologne mang nhãn hiệu d’Orsay.
– Tôi hy vọng rằng ông đủ tin tôi để chịu khó đợi.
Lão già đểu cáng – Ravic tự nhủ. Hắn lại còn muốn hưởng cái thú được hạ nhục mình nữa?
– Ông nói rằng bệnh nhân là bạn ông, và ông chỉ lấy đủ số tiền chi phí vào ca mổ.
– Đúng thế.
– Vậy thì chi phí cả thảy chỉ có mấy quan tiền khí tài và tiền công y tá. Nếu ông tính lấy một trăm quan của bệnh nhân, ông có thể trừ số tiền ấy ra, còn lại bao nhiêu thì đưa ngay cho tôi.
– Bác sĩ Ravic, tôi rất tiếc, nhưng chi phí đã cao hơn là tôi tưởng lúc đầu. Tôi phải thêm vào đấy cái số hai ngàn quan mà ông đòi tôi.
Ông ta ngửi chút eau-đe-cologne.
– Thành thử, ông cũng thấy đấy…
Durant mỉm cười. Hàng răng của vàng khè của lão tương phản gay gắt với chòm râu bạc của lão. Nhưng lão ta sẽ trả thôi – Ravic nghĩ. Veber sẽ cho mình vay trước. Mình sẽ không ban cho lão già biển lận này cái thú được mình năn nỉ.
– Được! – Anh nói to lên – Nếu ông thấy khó đến như vậy thì ông có thể gởi cho tôi sau.
– Không phải là khó, tuy yêu sách của ông đưa ra muộn như vậy. Đây là vấn đề quy củ.
– Thì quy củ cũng được. Cũng thế thôi.
– Xin lỗi. Tuyệt nhiên không phải là cũng thế thôi.
– Kết quả chỉ là một. Và bây giờ xin ông thứ lỗi. Tôi cần đi uống chút gì. Chào ông.
– Chào ông. – Durant nói, rất ngạc nhiên.
– Tại sao anh không đi với tôi? – Kate Hegstroem mỉm cười hỏi Ravic. Cô đang đứng trước mặt Ravic, đầy tự tin, đôi chân dài rất thẳng, hai tay thọc vào túi áo măng-tô – Ở Fiesole hạnh đào đang nở hoa. Anh sẽ tìm thấy sự yên tĩnh, ngọn lửa trong lò sưởi, mấy cuốn sách, nói tóm lại là cảnh thanh bình…
Ngoài đường, một chiếc xe vận tải lăn đi nặng nề trên đá lát đường. Kính trên các khung tranh rung lên. Đó là những bức ảnh chụp giáo đường Chartres.
– Cảnh tĩnh mịch của đêm khuya. Xa cách mọi sự… Những cái đó không nói được với anh điều gì sao?
– Có, nhưng tôi sẽ không chịu nổi.
– Tại sao?
– Vì cảnh thanh bình chỉ tốt đẹp khi bản thân mình cũng thanh thản.
– Nhưng tôi đây có thanh thản gì đâu?
– Có thể như thế. Nhưng chị biết rõ chị muốn gì: như thế cũng gần như đã thanh thản.
– Thế còn anh, anh không biết anh muốn gì sao?
– Tôi chẳng muốn gì.
– Như thế nghĩa là thế nào hở Ravic? – Kate vừa nói vừa cai khuy măng-tô – Như thế là hạnh phúc hay là tuyệt vọng.
Ravic mỉm cười có chiều sốt ruột.
– Có lẽ cả hai… Những cái đó đừng nghĩ đến quá nhiều thì hơn.
– Làm sao đừng nghĩ được?
– Bằng cách có hạnh phúc.
– Bao giờ cũng cần có một người nữa mới hạnh phúc được.
Ravic vẫn trầm ngâm trong suy tưởng. Rồi anh nói:
– Để hưởng những hạnh phúc cỏn con như chị vừa nói ban nãy thì chẳng cần có ai. Những hạnh phúc ấy có ở khắp nơi, những bụi hoa violettes ở quanh những ngôi nhà đổ nát. Để tránh khỏi bị thất vọng, không nên chờ đợi một cái gì hết.
– Anh nhầm đây – Kate nói – Điều đó có vẻ đúng khi người ta phải nằm liệt giường. Nhưng những hạnh phúc cỏn con ấy vừa có được đã mất đi ngay. Người ta cần một cái gì hơn thế.
Một tia nắng chênh chếch lọt vào cửa sổ, soi lên gương mặt Kate. Hai mắt cô vẫn chìm trong vùng tối. Chỉ có miệng cô sáng bừng lên.
– Chị có quen bác sĩ nào ở Florence không? – Ravic hỏi.
– Không. Anh thấy tôi cần một bác sĩ sao?
– Không nhất thiết, nhưng bao giờ cũng có thể phát sinh một vấn đề gì đó. Tôi sẽ yên tâm hơn khi nghĩ rằng ở bên ấy chị có một một bác sĩ ở bên cạnh.
– Nhưng tôi thấy trong người khỏe hẳn rồi. Và tôi sẽ quay về đây ngay nếu có gì không ổn.
– Tôi biết. Nhưng cũng cứ phòng xa đi thì hơn. Ở Florence có một thầy thuốc rất giỏi. Đó là bác sĩ Fiola. Chị nhớ chứ? Fiola.
– Tôi sẽ quên thôi, vì chẳng có gì quan trọng, Ravic ạ.
– Tôi sẽ viết thư cho ông ấy. Ông ấy sẽ trông nom chị.
– Để làm gì? Tôi hoàn toàn khỏe rồi mà!
– Đây là một sự phòng xa có tính chất nghề nghiệp, Kate ạ. Chỉ thế thôi. Tôi sẽ viết thư cho Fiola, và ông ấy sẽ bắt liên lạc với chị.
– Thôi cũng được. – Kate vừa nói vừa cầm túi xách lên – Từ biệt Ravic nhé. Tôi đi đây. Từ Florence, có lẽ tôi sẽ đến thẳng Cannes, rồi từ đó lên tàu Conte đi Savoia, đi New York. Nếu có bao giờ anh đi Mỹ, anh sẽ thấy một người đàn bà sống trong một ngôi nhà ở ngoại thành, bên cạnh một ông chồng, mấy đứa con, mấy con ngựa và mấy con chó. Tôi từ giã cái cô Kate Hegstroem mà anh đã quen ở đây. Cô ta có một ngôi mộ nhỏ ở Schéhérazade. Anh hãy thỉnh thoảng đến đấy uống một ly.
– Đồng ý. Tôi sẽ đến đấy nâng cốc vodka.
– Đúng đấy. – Kate vẫn còn có vẻ phân vân, trong bóng tranh tối tranh sáng của căn phòng – Kể cũng lạ, lẽ ra tôi phải vui sướng, thế mà lại hóa ra không.
– Những chuyến ra đi bao giờ cũng vậy. Ngay cả những khi ta rời bỏ một niềm tuyệt vọng.
Kate đang đứng trước mặt anh, phân vân, đầy sức sống, quả quyết và hơi đượm buồn.
– Cách giã từ tốt nhất bao giờ cũng là ra đi ngay -Ravic nói – Nào, tôi cùng đi với chị.
Không khí ẩm và dịu. Bầu trời giống như một mảng chì.
– Tôi gọi taxi nhé. – Ravic nói.
– Thôi anh ạ. Tôi muốn đi bộ cho đến góc đường. Đến đấy tôi sẽ tìm ra một chiếc. Đây là lần đầu tôi ra phố.
– Chị có cảm giác như thế nào?
– Như tôi vừa uống rượu.
– Chị không muốn tôi gọi taxi sao?
– Không. Tôi sẽ đi bộ. – Kate đưa mắt nhìn đó đây trên mặt đường ướt át – Trong một vài ngõ ngách nào đó ở trong tôi, vẫn còn có chút lo sợ.
– Sẽ qua thôi.
– Từ biệt Ravic.
– Từ biệt Kate.
Kate còn đứng lại một lát như thể muốn nói thêm điều gì. Rồi cô thận trọng bước xuống các bậc thềm. Ravic nhìn cô đi dọc dãy phố; cô như đang đi về phía chân trời tím nơi mặt trời đang lặn… thế mà thực ra cô đang đi đến cõi chết. Kate không ngoái lại.
Ravic trở vào. Đi ngang căn phòng Kate Hegstroem đã nằm, anh nghe có tiếng nhạc. Anh ngạc nhiên dừng lại. Chưa có bệnh nhân nào vào nằm đây cả.
Thận trọng mở cánh cửa ra, anh trông thấy cô y tá quỳ gối trước cái máy quay đĩa. Cô giật mình khi nghe thấy tiếng Ravic vào, và đứng dậy. Cái máy đang chơi một đĩa cũ, “Bài Valse cuối cùng”. Cô y tá vuốt lại tà áo.
– Cô Hegstroem đã cho em cái máy này. – Cô nói – Máy của Mỹ đấy ạ. Ở đây không thể mua được. Ở Paris không có nơi nào bán. Đây là cái máy duy nhất ở Paris mang nhãn hiệu này. Vừa rồi em đang thử. Nó có thể tự động quay năm đĩa liền. – Cô mỉm cười hãnh diện – Nó trị giá ít nhất ba ngàn quan. Cô ấy lại để lại cho em toàn bộ đĩa. Cả thảy năm mươi tám cái. Nó có cả phần thu thanh nghe các đài vô tuyến điện. May quá!
Sự may mắn – Ravic nghĩ. Hạnh phúc, ở đây, nó được một cái máy nghe đĩa mang lại. Anh đứng lại nghe. Tiếng violon bay lên như một con chim câu ở bên trên dàn nhạc, trong một giai điệu đa cảm và ai oán. Đó là một trong những điệu nhạc ủ ê da diết đôi khi biết cách làm cho lòng ta rung động hơn cả những dạ khúc của Chopin. Ravic đưa mắt nhìn xung quanh. Cái giường ngổn ngang chăn đệm. Áo quần bẩn còn để một chồng bên cạnh cửa. Các cửa sổ đều mở rộng. Hoàng hôn đang xuống dần. Những hợp âm cuối cùng của một bài valse và một chút hương thừa còn phảng phất; những gì còn vương lại của Kate Hegstroem chỉ có thế thôi.
– Em sẽ không khuân hết về một lúc được đâu – Cô y tá nói – Nặng lắm. Em sẽ đem cái máy về trước, rồi đến chồng đĩa, mà cũng phải đem làm hai chuyến. Tuyệt thật. Có tiền thì có thể mở được quán cà-phê cũng nên.
– Ý hay đấy – Ravic nói – Coi chừng đừng đánh vỡ cái gì nhé.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.