Khải Hoàn Môn

CHƯƠNG 4



Tờ phiếu ghi nhiệt độ móc trên đầu giường chưa hề có vết mực, nếu không kể dòng chữ đề tên và địa chỉ bệnh nhân. Lucienne Martinet, Buttes-Chaumont, phố Clavet.
Trên gối là khuôn mặt trắng nhợt của người con gái mới mổ đêm qua. Ravic lắng nghe tiếng tim đập. Anh đứng thẳng dậy.
– Có đỡ – Anh nói – Kết quả đợt tiếp máu thật kỳ diệu. Nếu qua được ngày hôm nay, có lẽ cô bé sẽ thoát nạn.
– Có lời mừng anh – Veber nói – Tôi cứ tưởng là hết hy vọng rồi. Mạch trăm tư, huyết áp thì tám mươi, rồi cafein, coramin… thật hú vía!
Ravic so vai.
– Tôi có công trạng gì đâu. Chẳng qua cô này đến sớm hơn cô trước… cái cô đeo dây chuyền ở cổ chân ấy. Thế thôi.
Anh đắp chăn lại cho bệnh nhân.
– Đây là ca thứ hai trong vòng không đến một tuần. Cứ cái đà này rốt cục anh sẽ trở thành chuyên gia về những vụ phá thai ở khu Buttes-Chaumong. Cô lần trước cũng từ đấy tới phải không nhỉ?
– Phải, mà cũng lại là phố Clavel. Có thể hai cô quen nhau, cho nên mới đến nhờ một bà mụ ấy. Cũng đến buổi tối như cô kia. Thật may là lần này tôi đã thu được anh ở khách sạn. Tôi cứ sợ là anh đi đâu vắng.
– Chẳng mấy khi buổi tối người ta lại ngồi nhà khi người ta ở khách sạn. Buồng tôi ở chẳng có gì thú vị cho lắm, anh biết đấy…
– Tôi cũng đoán thế. Nhưng tại sao anh cứ nhất định ở khách sạn?
– Đó là một cách sống vừa tiện vừa không có cá tính. Vừa cô độc lại vừa không.
– Anh thích thế à?
– Vâng.
– Nếu anh chịu thuê một căn hộ nhỏ, anh cũng vẫn được những ưu thế đó.
– Cũng có thể. – Ravic vừa nói vừa cúi xuống quan sát cô bệnh nhân lần nữa.
– Chị có đồng ý với tôi không nào, chị Eugénie? – Veber hỏi cô y tá.
– Ông Ravic không bao giờ làm như thế đâu.
– Bác sĩ Ravic chứ, Eugénie! Tôi đã nói với chị hàng trăm lần rồi. Bác sĩ Ravic là bác sĩ trưởng hệ phẫu thuật của một bệnh viện lớn ở Đức. Giỏi hơn tôi không biết bao nhiêu mà kể.
– Ở nước ta. – Eugénie vừa nói vừa chỉnh lại đôi mục kỉnh.
– Thôi được rồi, – được rồi, – Veber vội vã ngắt lời cô y tá – đồng ý; ở nước này người ta không thừa nhận các bằng cấp của nước ngoài. Vả chăng đó là một quy định ngu xuẩn, phải nói thật. Nhưng tại sao chị lại quả quyết rằng bác sĩ Ravic sẽ không thuê một căn hộ?
– Ông Ravic là một người hư hỏng. Ông ta sẽ không bao giờ ổn định được sinh hoạt.
– Chị nói gì mà lạ vậy?
– Ông Ravic không còn tin ở một cái gì hết. Lý do là như vậy.
– Ai lại ăn nói như thế bao giờ? – Veber quay hẳn về phía Eugénie nói.
– Bác sĩ cứ hỏi thẳng ông ấy mà xem. – Cô y tá đáp.
– Chị nói đúng đấy, – Ravic mỉm cười nói – nhưng chính khi nào một con người không còn tin gì nữa thì lại chợt phát hiện ra được cái thiêng liêng trên một bình diện nhân bản hơn. Con người ấy sẽ tôn kính đến cả chút lửa sống leo lét trong con trùn đất, đang thúc đẩy nó tìm đến ánh sáng. Đây không phải là một tỷ dụ…
– Ông không thể lăng mạ tôi được đâu – Eugénie vừa nói vừa vuốt lại mấy nếp gấp trên tạp dề – Ông không tin gì hết. Ơn Chúa, tôi thì tôi có lòng tin.
– Lòng tin để làm cho người ta trở thành cuồng tín – Ravic đứng thẳng dậy nói – Vả lại cũng chính vì thế mà tất cả các tôn giáo đều gây nên những cuộc đổ máu.
Anh mỉm cười.
– Thái độ bao dung là sản phẩm của sự ngờ vực, chị Eugénie ạ. Chính điều này cắt nghĩa được tại sao với lòng tin của chị, chị vẫn có thái độ gây gổ đối với tôi đến như vậy, còn tôi, tên vô đạo sẽ xuống hỏa ngục, tôi lại có thái độ ôn hòa hơn nhiều đối với chị.
– Đấy, đấy! – Veber cười phá lên – Chị đừng trả lời, Eugénie ạ, chỉ tổ sa lầy thêm thôi!
– Lòng tự trọng của một người phụ nữ buộc tôi… -Eugénie mở đầu…
– Chị nên dừng lại ở đây thôi – Veber ngắt lời cô ta, vẫn cười xuề xòa – Đó là cách cứu vãn hay nhất của chị. Thôi tôi đi đây, tôi có việc ở văn phòng. Anh đi với tôi chứ, Ravic? Chào Eugénie nhé.
– Chào bác sĩ.
– Chào chị. – Ravic nói.
– Chào ông. – Eugénie đáp một cách khó nhọc, và chỉ sau khi Veber quay lại nhìn cô ta.
Veber có một căn phòng bày biện theo phong cách của thời đế chính. Những bộ bàn ghế sơn trắng và thiếp vàng, rất mảnh mai. Những tấm ảnh chụp ngôi nhà và mảnh vườn của ông trang hoàng bức tường ở phía trên bàn giấy ông ngồi làm việc. Trong một góc phòng có đặt một chiếc ghế nằm hiện đại dành cho Veber ngủ đêm những khi không về nhà. Bệnh viện này là tài sản của ông.
– Anh dùng chút gì Ravic nhé.
– Cà-phê, nếu hãy còn.
– Dĩ nhiên là còn. – Veber lấy cái ấm điện, cắm đầu dây vào ổ – Ravic ạ, chiều nay anh có thể thay tôi ở tiệm Osiris được không?
– Được chứ.
– Không có gì phiền chứ?
– Không phiền chút nào đâu. Tôi không có dự định gì.
– Càng hay. Được thế tôi đỡ phải lên phố chỉ vì một việc ấy. Tôi muốn làm vườn một chút. Đáng lẽ tôi nhờ Fauchon cũng được, nhưng anh ta đi nghỉ rồi.
– Tôi đến cũng được mà. Tôi đã khám giúp anh mấy lần, vả lại anh cũng biết là khi người ta ở vào một tình thế như tôi…
– Tôi biết. Thật hết sức ngu xuẩn khi người ta làm cho một người có tài như anh không thể làm việc công khai, buộc lòng phải làm lén lút.
– Chuyện ấy cũ lắm rồi. Tất cả các bác sĩ trốn khỏi nước Đức đều lâm vào cảnh ấy.
– Dù sao cũng thật là hài hước! Chính anh mổ những ca khó nhất cho Durant, nhưng bao nhiêu tiếng tăm thì chính lão ta lại hưởng hết. Vả chăng tôi cũng không đủ tư cách bàn chuyện này: tôi là dân phụ khoa chứ đâu phải là dân phẫu thuật?
Cà-phê đã sôi, Veber rút dây điện ra. Ông lấy trong kệ ra hai cái chén và bắt đầu rót cà-phê.
– Ravic ạ, tôi không hiểu nổi tại sao anh cứ ở lỳ trong một cái hộp như khách sạn International. Sao anh không thuê một căn hộ xinh xắn kiểu hiện đại ở miệt Rừng Boulogne mà ở? Anh sẽ mua được những đồ gỗ rất đẹp mà lại rẻ. Ít ra anh cũng được ở nhà mình.
– Đúng, – Ravic nói – ít ra tôi cũng được ở nhà của tôi.
– Vậy thì anh còn đợi gì nữa?
Ravic uống một ngụm cà-phê đặc sánh.
– Đôi khi tôi không hiểu được anh đâu, Veber ạ. Anh thương hại cho tôi vì tôi buộc phải làm chui, thế mà anh lại lấy làm lạ sao tôi lại không thuê một căn hộ đầy đủ tiện nghi mà ở.
– Thật đấy, tại sao lại không nhỉ? Hai chuyện có mâu thuẫn gì nhau đâu?
Ravic mỉm một nụ cười nhẫn nại.
– Nếu tôi thuê một căn hộ, tôi phải đăng ký ở đồn cảnh sát. Muốn thế, tôi phải có hộ chiếu, có giấy nhập cảnh.
– Ra thế. Thế mà tôi không nghĩ ra. Còn ở khách sạn thì khác sao?
– Chẳng khác gì, trừ một vài khách sạn nhờ trời không coi trọng các quy chế cho lắm.
Anh nhỏ vài giọt Cognac vào chén ca-phê.
– Khách sạn International thuộc loại này. Cho nên tôi mới ở đó. Tôi không biết bà chủ xoay xở thế nào. Chắc bà có những người quen có thế lực. Một là cảnh sát không hay biết gì, hai là bà ta mua được cảnh sát. Dù sao thì tôi ở đây đã lâu mà chưa hề bị lôi thôi gì cả.
– Trước đây tôi không biết đấy, Ravic ạ! Tôi chỉ tưởng là anh không được phép hành nghề, thế thôi. Thật là một tình cảnh khủng khiếp.
– Không phải thế đâu, Veber ạ. Đó là cảnh thiên đường… so với trại tập trung của Đức.
– Thế nếu một ngày kia cảnh sát ập đến thì sao?
– Tôi sẽ ngồi tù mấy tuần rồi sẽ bị trục xuất. Có lẽ là đưa sang Thụy Sĩ. Tái phạm thì sẽ ăn sáu tháng tù.
– Vô lý quá! – Veber thốt lên – Như thế là vô nhân đạo.
– Đúng thế, nhưng cái gì rồi người ta cũng thích nghi được.
– Sao, làm thế nào mà thích nghi được? Thế ra anh đã từng bị như thế?
– Ba lần. Và có hàng trăm người khác cũng như tôi. Đó là vào hồi đầu, tôi chưa có chút kinh nghiệm nào; tôi cứ trông mong vào cái mà người ta thỏa thuận với nhau để gọi là những tình cảm nhân đạo. Về sau, tôi đi sang Tây Ban Nha, nơi mà người ta không đòi hỏi phải có hộ chiếu. Sang đây, tôi lại được một bài học nhân đạo nữa, do các phi công Đức và Ý dạy cho. Đến khi trở về Pháp, tôi đã thông thuộc hết các mánh khóe rồi.
– Thế thì té ra… – Veber kinh hãi kêu lên – Anh đã bị bỏ tù hơn một năm không có lý do gì cả?
– Ít hơn nhiều. Chỉ có hai tháng thôi.
– Nhưng anh vừa nói là những kẻ tái phạm…
– Có kinh nghiệm một chút thì khỏi phải làm kẻ tái phạm.
Ravic mỉm cười:
– Khi bị trục xuất thì mang một tên, nhưng khi trở về thì mang một tên khác. Phải vượt biên giới ở một chỗ khác, nếu có thể. Vì chúng tôi chẳng có giấy tờ gì, cho nên họ không có cách nào chứng minh bất cứ điều gì. Phải có người nào nhận diện được chúng tôi mới bắt giam chúng tôi được. Điều đó rất ít khi xảy ra. Ravic là tên thứ ba của tôi. Tôi đã mang nó được gần hai năm nay. Hình như nó đem lại cho tôi ít nhiều may mắn. Bây giờ tôi quen nó rồi. Tôi gần như đã quên hẳn tên thật.
Veber lắc đầu.
– Bao nhiêu nông nỗi ấy chỉ vì anh không phải là quốc xã sao?
– Dĩ nhiên. Bọn quốc xã có đủ các giấy tờ, muốn giấy gì có ngay giấy ấy.
– Chà, ta đang sống trên một thế giới thật là tốt đẹp! Thế mà chính phủ chẳng có cách gì hay sao?
– Chính phủ phải lo trước hết là thu xếp cho mấy triệu người thất nghiệp đã. Mà không phải chỉ có ở Pháp tình hình mới như thế. Đâu đâu cũng vậy thôi.
Ravic đứng dậy.
– Thôi tôi về, Veber ạ. Hai giờ nữa tôi sẽ ghé thăm cô bệnh nhân của anh. Rồi đến tối tôi lại đến nữa.
Veber tiễn Ravic ra đến cửa.
– Dịp nào rảnh rỗi anh đến ăn tối nhà tôi một bữa nhé. Tối nào cũng được.
– Rất sẵn lòng. – Ravic biết thừa là mình sẽ chẳng bao giờ đến – Dịp nào rảnh rỗi. Chào Veber!
– Tạm biệt Ravic. Cứ thế nhé, tôi trông vào anh đây.
Ravic vào hú họa một quán rượu nào đấy. Anh chọn một chỗ ngồi bên cửa sổ để quan sát dãy phố. Đó là một trong những cách giải trí ưa thích của anh. Paris quả là một thành phố cho phép ta qua thì giờ một cách thú vị mà chẳng làm gì cả. Người hầu bàn đang đứng chờ anh gọi.
– Một Pernod. – Ravic nói.
– Pha nước ạ?
– Không, khoan đã… thôi, không lấy Pernod nữa. Cho tôi một calvados. Một double calvados.
– Được ạ.
Có một cái gì đang làm cho Ravic bứt rứt. Mà cái đó thì uống rượu táo dễ trôi hơn là uống rượu hồi ngọt. Phải rồi, cái đó là lời mời đến ăn bữa tối của Veber. Là cái thứ tình thương hại đã làm cho Veber ngỏ lời mời anh. Veber ban cho anh cái đặc ân được dự một bữa ăn tối trong gia đình. Người Pháp rất ít khi mời người ngoại quốc về nhà; họ thích tiếp khách nước ngoài ở hàng ăn hơn. Ravic chưa lần nào đến ăn ở nhà Veber. Dĩ nhiên ý định của Veber rất tốt, nhưng dù sao cũng rất phiền. Người ta có cách chống trả những lời lăng mạ; nhưng không có cách gì chống trả tình thương hại.
Việc quái gì anh lại phải giải thích cho Veber rõ tại sao anh ở khách sạn International nhỉ? Veber biết rõ những điều ông ta cần biết. Ông ta biết rằng Ravic không được phép hành nghề. Thế là đủ. Nếu ông ta biết thế mà vẫn nhận Ravic làm cộng tác viên, thì đó là việc của ông ta. Làm như thế, ông ta có thể kiếm thêm tiền vì có thể nhận những ca mổ mà ông ta không tự làm lấy được. Không ai biết chuyện này, trừ cô y tá. Nhưng cô này ngậm tăm. Với Durant cũng y như thế. Mỗi lần phải mổ, ông ta đứng bên cạnh bệnh nhân cho đến khi thuốc mê đã có tác dụng. Lúc bấy giờ Ravic vào và mổ thay cho ông ta: Durant đã kém cỏi lại già nua, không mổ được những ca khó. Khi bệnh nhân tỉnh dậy thì chính Durant, nhà phẫu thuật nổi tiếng, đã ở bênh cạnh, ân cần cúi xuống săn sóc bệnh nhân. Ravic chỉ trông thấy người được đưa lên bàn mổ khi đã đắp kín một tấm drap chỉ còn để lộ một khoảng da đã bôi iod để tiếp nhận con dao mổ. Rất nhiều khi anh không biết người anh mổ là ai hết. Durant chuyển kết quả chẩn bệnh cho anh, thế là anh bắt tay vào việc. Sau đó Durant chia cho anh khoảng một phần mười số tiền ông ta nhận được. Nhưng thế còn hơn là không được mổ xẻ gì hết. Với Veber, công chuyện diễn ra một cách êm đẹp hơn. Veber chia cho anh những một phần tư thù lao. Như thế là lương thiện.
Ravic nhìn ra cửa sổ. Băn khoăn mà làm gì? Anh đang sống, thế là đủ rồi. Không nên hy vọng xây dụng cho mình một cuộc sống vững chãi đúng vào lúc thế giới đang sắp sụp đổ tan tành. Thà cứ buông xuôi theo dòng còn hơn là phí hoài tinh lực, vì tinh lực là thứ không lấy gì thay thế được. Vấn đề trước tiên là phải sống cho đến ngày hiện ra một mục đích. Chính bây giờ là lúc phải dè xẻn tinh lực để đến ngày ấy có đủ mà sử dụng. Anh đã trông thấy biết bao nhiêu người cùn mòn, mai một đi trong những công việc của loài kiến, hàng trăm lần cố gầy dựng lại một cuộc sống trưởng giả trong cái thế kỷ đang đi tới sụp đổ này. Vừa tội nghiệp, vừa hài hước, lại vừa anh dũng… Và vô ích biết chừng nào! Làm như thể có cơ chặn đứng một trận sụt tuyết đang đổ xuống ồ ạt! Tất cả những kẻ cố lao vào cuộc thí nghiệm này đều đã bị vùi sâu xuống vực. Tốt hơn là hãy đợi tan cơn; rồi có mặt khi cần bới tìm các nạn nhân.
Ravic nhìn đồng hồ. Đã đến giờ thăm qua Lucienne Martinet. Sau đó sẽ là nhà hàng Osiris.
Mấy cô gái cửa hàng Osiris đang đợi. Madame – chủ nhân nhà hàng – cho rằng những buổi khám thường kỳ của ông thầy thuốc do sở y tế chính thức cử đến là chưa đủ. Bà ta quyết chí làm sao cho đừng có một người khách nào bị nhiễm bệnh trong nhà hàng của bà; bà đã thỏa thuận với Veber là cứ đến thứ Năm ông ta sẽ đến khám bổ sung cho các cô một lần. Khá nhiều khi Ravic phải đến khám thay.
Madame đã dành riêng ra một phòng ở lầu một, trang bị đầy đủ các thứ cần thiết, dùng làm phòng khám. Bà rất hãnh diện là mình có quyền nói rằng suốt một năm nay không có một vị khách nào bị lây bệnh ở nhà bà. Tuy vậy, mặc dầu đã đề phòng rất mực, vẫn có đến mười bảy chị em bị khách chơi đổ bệnh rồi.
Rolande, cô quản lý, đem ra cho Ravic một chai Cognac và một cái ly.
– Hình như con Marthe nó có cái gì ấy. – Cô nói.
– Được, để tôi khám kỹ.
– Tôi đã cấm nó làm việc từ hôm qua. Dĩ nhiên là nó chối.
– Tôi sẽ xem, Rolande ạ.
Mấy cô gái lần lượt bước vào, trên người chỉ mặc một bộ đồ lót trong suốt.
– Đừng khám em làm gì mà mất công, bác sĩ ạ. -Léonie nói. Đó là một cô gái tóc đỏ quê ở Gascogne.
– Tại sao?
– Suốt tuần qua chẳng tiếp ông khách nào.
– Thế Madame có nói gì không?
– Chả nói gì. Tôi cho họ uống từng lô sâm-banh. Mỗi tối đến bảy tám chai. Đó là ba thương gia ở Toulonse lên. Có vợ cả. Cả ba đều thích món này, nhưng chẳng anh nào dám, vì ngán hai anh kia. Họ sợ vỡ lở ra. Chính vì vậy mà họ uống nhiều đến thế. Mỗi người đều mong cho hai người kia đổ (Léonie cười khúc khích). Người duy nhất không lăn ra ngủ thì đúng cũng không đứng vững được!
– Tuy vậy tôi vẫn phải khám cô, Léonie ạ.
– Thôi tùy bác sĩ. Bác sĩ có thuốc lá không?
– Có. Đây.
Ravic làm trách nhiệm, đem nhuộm đi rồi đút vào dưới tấm thấu kính của chiếc kính hiển vi. Léonie nhìn anh, nói:
– Có một điều mà em không sao hiểu được.
– Điều gì thế?
– Sau khi làm một công việc như thế mà sao bác sĩ còn có thể thích ngủ với đàn bà được.
– Tôi cũng chẳng hiểu hơn cô đâu. Cô chẳng có gì đâu Léonie ạ. Đến lượt ai đây?
– Đến Marthe.
Marthe là một cô gái tóc vàng, da hơi xanh, người mảnh mai. Cô có gương mặt của một thiên thần trong tranh của Boticelli, nói năng thì toàn dùng tiếng lóng của phố Blondel.
– Em chẳng có gì đâu bác sĩ ạ.
– Rất tốt. Ta sẽ xem kỹ xem.
– Nhưng em đã bảo là không có gì mà.
– Thì càng tốt chứ sao.
Rolande đi vào phòng. Cô đưa mắt lườm Marthe một cái, thế là cô này không nói gì nữa. Cô ta sợ sệt nhìn Ravie. Ravic khám kỹ.
– Em không có gì đâu bác sĩ ạ. Bác sĩ cũng biết em giữ cẩn thận như thế nào.
Ravic không đáp. Anh trích nghiệm và đem soi kính hiển vi.
– Cô bệnh rồi đấy Marthe ạ.
– Hả? – Marthe giật mình kêu lên – Chẳng lẽ?
– Đúng đấy. Cô mắc bệnh rồi.
Marthe nhìn Ravic một lát, rồi bỗng tuôn ra một tràng chửi rủa.
– Cái thằng khốn kiếp, cái thằng đểu cáng! Em biết ngay mà. Hắn nói với em là hắn học trường y, hắn biết cách. Thật đồ con lợn.
– Tại sao cô không đề phòng?
– Em có chứ… nhưng hắn làm nhanh quá… với lại hắn là sinh viên y khoa, lẽ ra hắn phải biết chứ.
Ravic ra hiệu là đã hiểu. Lại câu chuyện cũ rích của cái anh sinh viên y khoa tự điều trị. Qua hai tuần đã tưởng là mình khỏi bệnh rồi…
– Em có phải chữa lâu không bác sĩ?
– Sáu tuần.
Ravic biết là phải mất lâu hơn.
– Sáu tuần? Sáu tuần nghỉ việc sao? Liệu em có phải đi bệnh viện không?
– Để rồi xem. Có lẽ cũng có thể để cô điều trị ở nhà sau một thời gian nằm viện rất ngắn. Nếu cô hứa…
– Em sẽ hứa bất cứ điều gì bác sĩ muốn… miễn đừng nằm viện.
– Lúc đầu thế nào cũng phải vào viện. Không có cách gì khác.
Marthe nhìn Ravic với đôi mắt van xin cầu khẩn. Các cô gái điếm cô nào cũng sợ bệnh viện, vì ở đấy họ bị giám sát rất ngặt. Nhưng chỉ có thế mới giữ được họ. Nếu không, sau mấy ngày họ sẽ lẻn ra ngoài, và mặc dù đã hứa hẹn đủ thứ, họ vẫn đi câu khách để kiếm ít tiền, bất chấp hậu quả.
– Madame sẽ trả viện phí mà. – Ravic nói.
– Nhưng còn em? Sáu tuần nghỉ việc. Em lại vừa mua chịu một con chồn bạc loại có ánh đỏ nữa! Lấy tiền đâu ra mà trả bây giờ, thế là mất đứt cả chồn lẫn số tiền đã trả mấy kỳ trước! – Rồi cô khóc nấc lên.
– Nào, Marthe đi thôi. – Rolande nói.
– Mí lị Madame chẳng cho em vào đây làm lại đâu! Em biết mà!
Cô ta càng khóc to hơn.
– Chúng ta sẽ lấy em vào làm lại. Khách rất thích em.
– Thật không?
– Thật chứ. Nào thôi, ta đi.
Marthe đi ra với Rolande, Ravic nhìn theo. Marthe sẽ không trở lại đây nữa đâu. Madame là người thận trọng, lo xa, chẳng bao giờ lấy Marthe lại. Ra viện, cô sẽ vào các nhà chứa tồi tàn của phố Blondel. Rồi sau đó là vỉa hè. Là bệnh giang mai, là nhà thương, rồi một chỗ đứng bán hoa hay bán thuốc lá ở góc đường. Hoặc giả, nếu cô gặp may, cô sẽ rơi vào tay một gã ma-cô nào đây, hắn sẽ đánh đập, bóc lột cô và đến một ngày đẹp trời nào đó hắn sẽ đá cô.
Phòng ăn của khách sạn International dọn ở tầng hầm. Khách gọi nó là Hầm mộ (Catacombe). Ban ngày, những khung cửa sổ thấp với những tấm kính đục, để lọt vào căn hầm một thứ ánh sáng lờ nhờ. Mùa đông, đèn phải để sáng suốt ngày. Căn phòng có khá nhiều công dụng. Nó vừa là phòng đọc sách, vừa là phòng hút thuốc, vừa là phòng hội họp, vừa là nơi ẩn náu của những kẻ di cư không có giấy tờ. Nếu có cảnh sát ập tới, họ có thể đi qua sân sau lẩn vào nhà xe và chuồn ra dãy phố bên.
Ravic đang ngồi với Boris Morozov, hiện làm gác cửa cho một hộp đêm tên là Scheherazade. Họ ngồi ở cái phần căn hầm được bà chủ khách sạn gọi là Salon des Palmes. (Phòng khách cây cọ). Trên một cái bàn khập khiễng, trồng trong một cái chậu bằng đất nung, mọc lên một cây cọ cô đơn và còi cọc, trông buồn rười rượi. Morozov là một người Nga tị nạn từ cuộc chiến tranh trước, ở Paris từ mười lăm năm nay. Đó là một trong những người Nga hiếm có không huênh hoang là đã từng tòng ngũ trong Vệ quân Sa hoàng và không bao giờ nói về dòng dõi, tổ tiên mình.
Họ đang đánh dở một ván cờ vua. Căn Hầm mộ lúc bấy giờ rất vắng, nếu không kể một cái bàn ồn ào. Morozov sốt ruột ra mặt.
– Ravic này, cậu có thể cắt nghĩa cho tôi hiểu tại sao mấy gã kia cần phải ầm ĩ như thế không? Họ không buồn ngủ sao?
– Tôi không hiểu gì về những tập quán của họ -Ravic cười xòa – Đó là cánh phát-xít trong khách sạn. Dân Tây Ban Nha…
– Họ ở Tây Ban Nha? Cậu cũng đã từng ở Tây Ban Nha thôi…
– Có, có làm thầy thuốc bên ấy. Nhưng tôi ở bên kia chiến tuyến. Mấy gã kia là những tay bảo hoàng nhuốm đậm màu phát-xít. Họ là lớp cặn còn đọng lại. Còn thì đã trở về bên ấy từ lâu. Bọn đang ngồi kia chưa quyết định dứt khoát được. Chắc hẳn là họ thấy Franco chưa được quý phái mấy. Dĩ nhiên vụ người Maures tàn sát người Tây Ban Nha không mảy may làm cho họ động lòng.
– Thế thì, – Morozov vừa nói vừa bày quân cờ – chắc hẳn họ ăn mừng vụ tàn sát ở Guernica. Hay là trận chiến thắng của súng máy Đức và Ý trong cuộc trấn áp thợ và dân cày. Trước đây, tôi chưa lần nào trông thấy họ.
– Họ ở đây đã mấy năm nay rồi. Anh chưa trông thấy là vì anh không bao giờ ăn ở đây.
– Thế còn cậu, cậu có ăn ở đây không?
– Không.
Morozov mỉm cười.
Ravic đi một con tốt. Hai người đi mấy nước đầu rất nhanh. Rồi tốc độ ván cờ chậm lại. Morozov nói, vẻ hơi mơ màng.
– Có một nước cờ biến thế của Alekhin…
Ravic thấy một người Tây Ban Nha trong đám kia đi về phía họ. Hắn đứng lại trước cái bàn hai người đang ngồi, và Morozov nhìn hắn chằm chằm, sắc mặt không lấy gì làm niềm nở. Gã người Tây Ban Nha đứng không còn vững.
– Thưa các ngài, – Hắn nói rất lễ độ – ngài đại tá Gomez có lời mời hai ngài vui lòng sang uống một ly rượu vang với ngài.
– Thưa ngài, – Morozov trả lời không kém phần lễ độ – chúng tôi đang đánh một ván cờ thi đấu giành chức vô địch Quận XVIII. Chúng tôi xin cám ơn ngài đại tá Gomez, nhưng chúng tôi rất tiếc là buộc lòng phải từ chối lời mời của ngài.
Gã Tây Ban Nha vẫn điềm nhiên như không. Hắn quay sang Ravic một cách long trọng như thể đang đứng giữa bá quan triều đình vua Philippe đệ Nhị.
– Cách đây ít lâu ngài có lần giúp đỡ đại tá Gomez trên tinh thần hữu nghị. Trước khi ra đi, ngài đại tá muốn tỏ lòng tri ân ngài qua chén rượu thân tình.
– Bạn tôi vừa giãi bày với ngài – Ravic trả lời đúng cái giọng trang trọng ấy – là chúng tôi phải đánh cho xong ván cờ này ngay hôm nay, không có cách gì trì hoãn. Vậy xin ngài chuyển lời cảm ơn của tôi tới ngài đại tá Gomez, và thưa rõ để ngài đại tá hiểu tôi lấy làm tiếc đến nhường nào.
Gã Tây Ban Nha cúi chào rồi lui. Morozov cười.
– Vào những năm đầu, người Nga cũng y hệt như vậy. Họ cứ bám chặt lấy những chức tước và những tập tục của họ như thể đó là một vấn đề sinh tử đối với họ. Cậu giúp đỡ cái thằng Hottentot ấy cái gì “trên tinh thần hữu nghị” thế?
– Ồ, tôi kê đơn thuốc nhuận tràng. Dân La-tinh họ có một thái độ tôn kính rất mực đối với công năng tiêu hóa và bài tiết của họ.
Morozov nháy mắt một cái:
– Nhược điểm cố hữu của tinh thần dân chủ. Trong một trường hợp như thế mà phải tay một thằng phát xít thì hắn sẽ kê một lá đơn thạch tín cho địch thủ chính trị của hắn.
Gã Tây Ban Nha ban nãy lại quay trở lại bàn hai người.
– Tên tôi là Navarro, cấp bậc trung úy – Hắn tuyên bố với cái vẻ hùng hổ của một người đã quá chén mà không biết mình say – Tôi là sĩ quan phụ tá của đại tá Gomez. Tối nay đại tá từ giã Paris. Ngài lên đường đi Tây Ban Nha và sẽ phụng sự trong đạo quân vinh quang của Thống chế Tổng tư lệnh Franco. Ngài thiết tha mong được chạm cốc với ngài để chúc mừng cho nền tự do của nước Tây Ban Nha và cho quân đội Tây Ban Nha.
– Trung úy Navarro ạ, – Ravic nói xẵng – tôi không phải là người Tây Ban Nha.
– Vâng, chúng tôi biết. Ngài là người Đức. – Hắn nở một nụ cười thoáng ngụ ý đồng lõa – Chính vì thế mà đại tá Gomez mong được cạn chén với ngài. Nước Đức và nước Tây Ban Nha là hai nước bạn.
Ravic nhìn Morozov. Tình thế này không thiếu phần mai mỉa. Morozov không cười.
– Trung úy Navarro ạ, – Anh nói – tôi rất tiếc, nhưng tôi có tham vọng đánh hết ván bài này với bác sĩ Ravic. Kết quả ván này sẽ phải được loan báo bằng điện tín đến New York và Calcutta.
– Thưa ngài, – Gã Tây Ban Nha trả lời một cách khinh khỉnh – riêng ngài thì chúng tôi đã dự kiến là ngài sẽ từ chối. Nước Nga vốn thù địch với Tây Ban Nha. Lời mời của chúng tôi hướng về bác sĩ Ravic. Nhưng chúng tôi buộc lòng phải mời ngài, vì ngài đang ngồi với bác sĩ Ravic.
Morozov cầm trong bàn tay hộ pháp của anh một con mã vừa mới ăn, nói với Ravic:
– Cậu có thấy cái trò nhảm này đã kéo dài hơi quá rồi không?
– Có – Ravic nói – Anh bạn trẻ ạ, theo tôi thì đơn giản nhất là anh nên trở về bàn của các anh đi. Anh đã vô cớ xúc phạm đến đại tá Morozov, vốn không phải là người của chế độ Xô-viết.
Rồi anh cúi xuống nhìn bàn cờ, không đợi trả lời. Navarro phân vân một lát rồi trở về bàn.
– Tôi không biết là anh có để ý thấy vừa rồi tôi phong anh lên cấp đại tá không – Ravic nói – Theo chỗ tôi biết, hình như hồi ấy anh chỉ là một viên trung tá quèn thôi thì phải? Nhưng tôi không thể để anh thấp hơn tay đại tá Gomez một bậc.
– Thôi cậu im đi cho tôi nhờ. Cứ ngắt quãng liên tiếp thế này, tôi đi hỏng mất cái thế Alekhin rồi đây này. Con tượng này của tôi thế là đi đứt. – Morozov ngẩng đầu lên – Bỏ mẹ! Lại một thằng khác mò sang. Lại một thằng sĩ quan phụ tá nữa. Cái dân tộc đến là kỳ cục!
– Đích thân đại tá Gomez đây. – Ravic vừa nói vừa ngồi sâu vào sát lưng ghế bành – Ta sắp tham dự một cuộc tranh luận ở cấp đại tá đây.
– Nó sẽ ngắn gọn thôi cậu ạ.
Viên đại tá còn long trọng hơn cả gã Navarro kia nữa. Hắn xin lỗi Morozov về sự sai lầm của viên sĩ quan phụ tá của hắn. Morozov chấp nhận. Sau đó Gomez mời hai người nâng cốc chúc Franco để tỏ ý giảng hòa. Lần này người khước từ là Ravic.
– Nhưng với tư cách một người Đức, một đồng minh… – Viên đại tá phản kháng, hơi thất vọng trước thái độ đó.
Ravic ngắt lời hắn ngay.
– Ta nên ngừng lại ở đây, đại tá Gomez. Các ông muốn uống chúc sức khỏe ai thì cứ chúc, còn thì để yên cho chúng tôi đánh cờ.
– Nếu vậy thì ngài là…
– Đừng nói ra thì hơn. – Morozov cắt ngay – Ngài chỉ gây thêm phiền phức cho chính ngai mà thôi.
Gomez mỗi lúc một thêm bàng hoàng:
– Nhưng tôi thiết tưởng ngài, với tư cách người Nga trắng và sĩ quan của Sa hoàng, ngài có bổn phận đứng về phía chống lại…
– Tôi không có bổn phận đứng đâu hết. Chúng tôi là hạng người lỗi thời, biết làm thể nào được? Chính kiến của chúng tôi khác nhau, nhưng chúng tôi chẳng hề muốn đánh vỡ mặt nhau ra một chút nào.
Đại tá Gomez rốt cục cũng hiểu ra.
– Tôi rõ rồi – Hắn khinh bỉ nói – Cái óc dân chủ suy đồi…
– Này anh bạn – Morozov đột nhiên trở nên hung dữ – Xéo ngay đi! Lẽ ra anh nên xéo khỏi đây từ mấy năm trước kia! Lẽ ra giờ này anh phải ở Tây Ban Nha, đang đánh nhau kia, chứ đừng để cho người Đức và người Ý đánh giùm như vậy! Chào anh.
Morozov đứng dậy. Gomez lùi lại một bước. Hắn nhìn Morozov, vẻ ngơ ngác. Rồi hắn đột ngột quay gót đi về bàn. Morozov ngồi xuống, thở rõ mạnh, và gọi to:
– Hai double calvados, Clarisse nhé!
Clarisse lùi vào trong lấy rượu.
– Thật là quân nhân chân chính! – Ravic cười – Một trí óc đần độn và một ý thức danh dự rắc rối làm cho cuộc đời khó sống hơn khi người ta say, anh Borie ạ.
– Tôi cũng thấy thế đấy. À lại một thằng nữa kế theo. Xem thử lần này đến phiên ai nào? Đích thân Franco chăng?
Nhưng đó chỉ là Navarro. Hắn dừng lại cách bàn hai bước, nói với Morozov:
– Đại tá Gomez lấy làm tiếc là không thể phái người làm chứng đến gặp ông [1]. Ngài phải rời Paris tối nay. Vì sứ mệnh ngài phải đảm đương quá quan trọng, ngài không thể làm những việc có thể gây lôi thôi với cảnh sát. – Rồi quay sang Ravie, hắn nói tiếp – Đại tá Gomez còn nợ ông tiền khám bệnh. – Nói đoạn, hắn ném lên bàn một tờ năm quan và toan quay về bàn.
– Ông đợi cho một chút. – Morozov nói.
Clarisse bưng rượu ra. Morozov cầm lấy một ly calvados, ngắm nghía một lát, lắc đầu, rồi lại đặt xuống khay. Đoạn anh cầm lên một cốc nước và bằng một động tác lơ đễnh, anh hắt cả vào mặt Navarro:
– Cho anh tỉnh rượu. – Morozov nói, giọng bình thản.
– Từ rày phải nhớ là khi đưa tiền không được ném. Thôi bây giờ thì cút ngay đi, đồ ngu!
Navarro kinh ngạc đứng trơ ra. Hắn giơ tay vuốt mặt. Mấy gã Tây Ban Nha kia xán tới. Cả thảy bốn tên. Morozov từ từ đứng dậy. Anh cao hơn họ cả một cái đầu. Trong khi Ravic vẫn ngồi tại chỗ, anh nói với Gomez.
– Các chú chơi trò anh hùng hảo hán đã xong chưa nào? Chú nào cũng say mèm ra rồi. Trong hai giây, các chú sẽ vỡ mặt hết. Mà dù có tỉnh, các chú cũng chẳng có hy vọng gì chịu nổi đâu. – Anh bước tới nắm hai khuỷu tay Navarro nhấc bổng lên rồi đặt mạnh xuống sát mặt Gomez khiến hắn phải lùi lại – Bây giờ thì đi chỗ khác chơi nhé. Chúng tôi không hề làm gì để các chú có cớ đến phá quấy chúng tôi. – Anh lấy tờ giấy năm quan trên bàn đặt lên khay của Clarisse. – Đây, quà của các ông kia tặng cô đây.
– Đây là lần đầu tiên họ cho em một món gì đấy. -Clarisse nói – Cám ơn.
Gomez nói mấy tiếng Tây Ban Nha. Cả năm quay gót đi về bàn.
– Tiếc quá! – Morozov nói – Giá được đánh vỡ đầu cái lũ ngu ấy ra thì thú biết mấy! Đáng tiếc là tôi phải nhịn vì cậu và vì cái thế bất hợp pháp của cậu. Cậu chưa lần nào phát khùng lên với chúng nó à?
– Với bọn này thì chưa. Nhưng có những thứ khác mà tôi rất muốn ăn thua đủ.
Từ phía bàn kia vẳng tới mấy tiếng Tây Ban Nha. cả năm tên đứng dậy. Tiếng hô “Viva” vang lên ba lần. Và cái nhóm vũ dũng kia ra khỏi phòng.
– Thiếu chút nữa mình đã ném ly calvados tuyệt vời này vào mặt hắn – Morozov vừa nói vừa uống cạn ly rượu – Thế mà bây giờ chính lũ chúng nó cai trị Châu Âu mới chết chứ! Có thể nào đã có thời chúng ta cũng giống như chúng nó sao?
– Có. – Ravic đáp gọn.
Hai người đánh cờ trong một tiếng đồng hồ. Morozov bỗng ngẩng đầu lên.
– Charies Ida – Anh nói – Hình như đang tìm cậu thì phải.
Một anh hầu bàn đến trao cho Ravic một cái gói.
– Có người gửi lại cái này cho ông.
– Cho tôi ư? – Ravic xem xét cái gói. Đó là một gói nhỏ bọc giấy trắng có buộc dây bên ngoài. Không có địa chỉ – Chắc có sự nhầm lẫn gì đây. Tôi không hề chờ đợi ai gửi món gì hết mà. Ai để lại thế?
– Một người đàn bà… một bà. – Người hầu bàn nói.
– Một người đàn bà hay một bà? – Morozov hỏi.
– Ờ… ờ giữa giữa thôi ạ.
Morozov mỉm cười:
– Anh này không ngốc lắm.
– Không thấy đề tên gì. Anh có chắc là bà ta gửi cho tôi không?
– Bà ta không nói tên ông. Bà ta nói là đưa cho ông bác sĩ ở đây. Ông cũng biết bà ta mà.
– Bà ta nói thế à?
– À không… – Anh hầu bàn lúng túng – Nhưng tối hôm nọ bà ấy về với ông.
– Dù khi này khi khác tôi có đưa ai về nhà, – Ravic nói – thì lẽ ra anh phải biết rằng sự kín đáo là đức tính quan trọng nhất của một nhân viên khách sạn.
– Cậu còn đợi gì nữa mà không mở gói ra? – Morozov nói.
Ravic cười, rồi tháo sợi dây ra. Anh bóc tờ giấy gói. Bên trong là pho tượng đức bà nhỏ mà anh đã có lần trông thấy trong phòng người thiếu phụ. Anh cố nhớ lại… Tên gì nhỉ? Madeleine… Mad… quên thật rồi. Nhưng đúng là một cái tên gì tương tự như thế. Anh nhìn kỹ tờ giấy gói. Không có thư từ gì cả.
– Tốt – Anh nói với người hầu bàn – Đúng là gửi cho tôi đấy. – Anh đặt pho tượng lên bàn. Nó có một vẻ gì bơ vơ lạc lõng giữa mấy quân cờ rải rác trên bàn cờ vua.
– Người Nga à?
– Không phải. Lúc đầu tôi cũng tưởng thế. Cô ta gửi cái này để cho tôi dùng làm gì nhỉ?
– Cậu cứ để đâu đấy. Bao giờ người ta cũng tìm được một chỗ cho loại đồ đạc này. Chỗ chỉ thiếu cho người mà thôi.
– Chắc bây giờ cái ông kia đã chôn cất xong xuôi rồi.
– A, chính cái cô ấy đấy à?
– Phải.
– Cậu chưa bao giờ bỏ công tìm cách gặp lại cô ta sao?
– Chưa.
– Kể cũng lạ – Morozov nói – Người ta bao giờ cũng sẵn sàng giúp đỡ, rồi đến cái lúc cần giúp nhất thì người ta lại thôi.
– Dù sao tôi cũng có phải là hội từ thiện đâu, anh Boris! Tôi đã gặp những cảnh tuyệt vọng hơn nhiều, mà tôi có làm gì đâu. Tại sao anh cho là bây giờ cô ta lại đặc biệt cần được giúp?
– Vì bây giờ cô ấy bơ vơ một mình. Chừng nào hãy còn người đàn ông bên cạnh, thì vẫn khác, dù người ấy đã chết. Bây giờ người ấy đã mồ yên mả đẹp rồi. Người ấy không còn nữa. Cái này, – Morozov chỉ cái tượng nhỏ – cái này không phải là một lời cảm ơn. Đó là một tiếng kêu cứu.
– Tôi đã qua một đêm với cô ấy, mà cũng chẳng rõ chuyện gì đang diễn ra. Tôi muốn quên cô ấy đi.
– Thôi đi cậu! Đó là chuyện ít quan trọng nhất trên đời, trừ khi có tình yêu tham dự vào. Tôi có biết một người đàn bà quan niệm rằng gọi một người đàn ông bằng tên riêng còn khó hơn ngủ với người ấy. – Morozov cúi về phía trước, một ánh đèn lóa lên trên đỉnh mái đầu hói của anh – Để tôi nói cho cậu nghe một điều, Ravic ạ. Ta hãy thương người càng lâu bền càng tốt, đó là một cách để giảm nhẹ những cái gọi là tội lỗi mà ta còn sẽ phạm sau này. Ít ra đối với tôi là thế, và đối với cậu chắc cũng thế.
– Ừ. – Ravic nói.
Morozov quàng cánh tay qua cái chậu đất nung trồng cây cọ đơn côi đang rầu rỉ một mình. Mấy chiếc lá cọ run run.
– Chúng ta đều lệ thuộc vào nhau. Những tia nhân hậu lóe lên trong giây lát ấy, ta không bao giờ được để cho nó thất lạc đi. Nó đem lại sức lực cho những người phải sống trong nguy hiểm.
– Cậu nói đúng – Ravic nói – Mai tôi sẽ đến thăm cô ấy.
– Cừ lắm – Morozov nói – Đó chính là điều tôi muốn nói. Còn bây giờ thì cậu đừng nói nhiều như thế nữa. Ai đi bên trắng đây?
Chú thích:
[1] Để thách đấu gươm hay đấu súng (N.D).

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.