Khải Hoàn Môn

CHƯƠNG 13



Một scandale! – Người bà đeo đầy ngọc bích ngồi trước mặt Kate Hegstroem nói – Một vụ scandale có một không hai, Kate thân mến ạ! – Hai mắt bà long lanh như mắt con meo cái – Cả Paris bàn tán xôn xao! Cô có ngờ được rằng Lenis là người đồng tính luyến ái không? Dĩ nhiên là không? Không một ai hay biết gì! Anh ta giấu rất khéo. Lina de Newburg được chính thức coi là nhân tình của anh ta… Thế thì, các bạn thử tưởng tượng mà xem việc gì đã xảy ra; anh ta từ Roma bất thình lình trở về cách đây một tuần và ngay tối hôm ấy quyết định đến gặp bất chợt Nicky tại nhà. Anh ta đến… và các vị thử đoán xem anh ta thấy ai ở nhà Nicky!…
– Vợ anh ta. – Ravic nói.
Người đàn bà đeo đầy ngọc bích trông thiểu não như thể vừa được tin chồng vỡ nợ.
– Sao, ông biết chuyện rồi à?
– Chưa, nhưng kết thúc như vậy là lô-gich.
– Tôi không hiểu – Bà ta nói, có phần bực tức -Chuyện ấy rất khó xảy ra.
– Đúng thế…
– Daisy ạ, bác sĩ Ravic có một lý thuyết, – Kate Hegstroem mỉm cười nói – một lý thuyết gọi là hệ thống xác suất. Theo ông ta, cái gì khó xảy ra nhất thì xét trên bình diện lô-gich cái đó ắt phải xảy ra.
– Thú vị nhỉ. – Daisy nói một giọng lễ độ. Rồi bị câu chuyện tiếp tục lôi cuốn, bà nói thêm – Việc đó sẽ không đưa đến hậu quả gì ghê gớm nếu Louis không làm ầm ĩ lên. Anh ta như điên như cuồng ấy. Bây giờ anh ta ở Crillon và đang đòi ly dị. Cả hai bên đều đang đi tìm bằng chứng. Thế đấy, các vị thấy thế nào?
Kate Hegstroem liếc nhanh về phía Ravic. Anh đang mải ngắm nghía một cành phong lan bày trên bàn, giữa một cái hộp các-tông đựng mũ và một cái giỏ trong đó có những chùm nho và những quả đào.
– Thật không thể nào ngờ, Daisy ạ – Cô nói – Thật khó lòng mà tin được.
– Chắc chắn là ông không thể đoán được một kết cục như thế. – Bà Daisy nói với Ravic một cách đắc thắng.
– Không, tôi không thể nào đoán được.
Với một nụ cười hể hả, Daisy cầm lấy túi xách, bóp đựng phấn và đôi găng tay.
– Tôi phải chạy đây. Tôi trễ quá rồi. Louis có tổ chức bữa cocktail. Ông Bộ trưởng của chị ta sẽ đến. Hiện đang có rất nhiều tin đồn được truyền đi. – Bà ta đứng dậy – À nhân thể cũng xin nói là Marthe và Ferdy lại chia tay rồi. Cô ấy đã gửi trả cho anh ta tất cả các tư trang. Lần này vị chi là lần thứ ba đấy. Thế mà anh ta vẫn hoảng sợ như thường. Thật là ngu ngốc! Anh ta cứ tưởng là Marthe yêu anh ta vì bản thân anh ta! Dĩ nhiên anh ta sẽ trả lại toàn bộ, kèm thêm một món tư trang mới nữa. Cũng như mọi khi. Anh ta không biết gì đâu, nhưng cô ấy đã chọn sẵn ở Osterlag và dặn trước cửa hàng này rồi. Vì Ferdy bao giờ cũng mua ở đây. Một cái broche bằng hồng ngọc. Mấy quả tim bồ câu to bằng này này, cô ạ! Con bé khôn ra phết đây! – Bà cúi xuống hôn Kate – Tạm biệt cô bạn cưng. Như thế là ít ra cô cũng được thông báo những tin cần biết. Tôi hy vọng cô sẽ chóng ra viện.
– Chưa ra ngay được đâu – Ravic nói khi thấy Kate nhìn anh chăm chăm – Tôi rất tiếc.
Anh giúp Daisy mặc áo khoác. Một chiếc áo lông chồn màu thẫm, không có cổ. Một chiếc áo khoác cho Jeanne. – Anh nghĩ trong khi nhìn Daisy mảnh dẻ, xinh đẹp, dễ thương, với cái mũi nhỏ nhắn và cách ăn mặc rất trang nhã, không có lấy một mảy may sex-appeal [1].
– Ông đến tôi dùng trà với Kate đi – Bà nói – Ngày thứ Tư tôi rất ít khách. Ta có thể nói chuyện mà không sợ bị quấy rầy. Tôi mê chuyện mổ xẻ lắm!
– Rất vui lòng!
Anh đóng cửa lại sau lưng Daisy và trở vào.
– Ngọc bích đẹp quá. – Anh nói.
Kate cười.
– Cuộc sống của tôi trước kia cũng thế đây Ravic ạ. Anh có hiểu được không?
– Hiểu chứ. Sao lại không? Khi người ta có thể tự cho phép mình sống như thế thì tuyệt quá chứ sao? Cái đó che chở cho ta tránh được bao nhiêu điều…
– Thế thì tôi đây, tôi lại không hiểu được nữa.
Kate đứng dậy và thận trọng bước về phía giường mình.
– Sống ở đâu không có gì quan trọng – Ravic mỉm cười nói – Có những chỗ tiện nghi hơn những chỗ khác; nhưng điều duy nhất quan trọng là mình làm cho cuộc sống của mình ra sao.
Kate duỗi đôi chân dài và thon giữa mấy tấm drape.
– Không còn có một cái gì có vẻ quan trọng khi người ta vừa phải nằm liệt giường mấy tuần lễ rồi bắt đầu đi lại được.
Ravic châm một điếu thuốc.
– Chị không nhất thiết phải ở lại đây nữa đâu. Chị có thể thuê một cô hộ lý và trở về khách sạn Lancaster.
Kate lắc đầu.
– Không. Tôi muốn ở đây cho đến khi nào đủ sức đi xa. Ít ra ở đây tôi cũng có được một sự bảo vệ tối thiểu chống lại các thứ Daisy!
– Phải mời họ ra cửa thôi. Không có gì mệt bằng phải nghe chuyện ngồi lê đôi mách.
Kate nằm xuống một cách thận trọng.
– Ravic ạ, anh có tin được không, Daisy tuy có ngồi lê đôi mách thật đấy, nhưng lại là một người mẹ tuyệt vời. Chị ấy nuôi hai đứa con giỏi không thể tả được.
– Chuyện gì cũng có thể có được. – Ravic nói, không có vẻ gì ngạc nhiên.
Kate kéo chăn lên kín ngực.
– Bệnh viện có phần giống với tu viện. Ở đây người ta học được cách coi trọng đúng mức những sự vật bình dị nhất: đi, thở, thấy.
– Đúng, hạnh phúc ở khắp nơi xung quanh ta. Chỉ cần cúi xuống mà nhặt.
– Tôi nói nghiêm chỉnh mà. – Kate nói.
– Tôi cũng nói nghiêm chỉnh. Chỉ có những sự vật bình dị là không bao giờ làm ta thất vọng. Khi vấn đề là hạnh phúc, ta không bao giờ biết bắt đầu một cách thật bình dị.
Jeannot nằm trên giường, xung quanh ngổn ngang một mớ sách quảng cáo đủ loại.
– Sao cháu không bật đèn? – Ravic hỏi.
– Thế này xem cũng rõ rồi. Mắt cháu tinh lắm.
Những tập sách mỏng ấy giới thiệu và mô tả các kiểu chân giả. Jeannot đã nhờ kiếm khắp nơi đưa tới cho nó. Mẹ nó lại vừa mới đem đến mấy tập nữa. Nó đưa cho Ravic một tập xếp kiểu bình phong có nhiều hình màu rất đẹp. Ravic bật đèn lên.
– Kiểu này đắt hơn cả. – Jeannot nói.
– Đó không phải là kiểu tốt nhất đâu.
– Đúng đấy ạ, nhưng nó là kiểu đắt tiền nhất, cháu sẽ nói với công ty bảo hiểm là cháu chọn kiểu này. Ý cháu cốt là để họ đưa cho cháu đủ số tiền mua kiểu này. Cháu đi chân gỗ cũng được, còn tiền thì cháu giữ lại.
– Công ty bảo hiểm có bác sĩ riêng của họ, chuyên giám sát những việc này Jeannot ạ.
– Bác cho là họ sẽ không chịu cho cháu một cái chân giả ư?
– Không phải. Có lẽ họ sẽ không cho cháu cái chân giả đắt nhất. Nhưng chắc chắn là họ sẽ không chịu đưa tiền cho cháu. Họ sẽ buộc công ty phải cho cháu một cái chân giả.
– Nếu thế cháu phải đem bán lại ngay. Dĩ nhiên người ta sẽ không mua lại nguyên giá. Phải chịu thiệt ít nhất là hai mươi phần trăm. Cháu sẽ cố sao bán được giá tối đa. Cháu có lắp chân giả hay không thì việc gì đến công ty? Đàng nào họ cũng mất ngần ấy tiền kia mà!
– Cháu sẽ thấy.
– Cái này quan trọng lắm. Với số tiền ấy, mẹ cháu có thể mua một cửa hiệu và tất cả những đồ đạc cần cho một hiệu kem sữa nhỏ.
Jeannot nở một nụ cười láu lỉnh:
– Thật may là giá chân giả rất đắt. Cháu mừng lắm.
– Người của công ty đã đến chưa?
– Họ mới đến về việc nằm viện và mổ xẻ thôi, chưa nói đến chuyện cái chân và tiền bồi thường. Bác sĩ bảo giúp cháu: có cần thuê trạng sư không? Lúc ấy đèn đỏ, cháu nhớ chắc. Công an…
Cô y tá đưa bữa ăn tối vào. Cô ta đặt các món ăn lên cái bàn kê cạnh giường. Khi cô đã ra ngoài, Jeannot nói:
– Ở đây họ cho ăn nhiều lắm. Cháu chưa bao giờ được ăn nhiều như thế. Nhiều quá cháu ăn không hết. Khi đến đây mẹ cháu bao giờ cũng ăn các thứ còn lại. Mỗi bữa ăn hai người, mẹ cháu lại tiết kiệm được một ít tiền. Tiền phòng cũng đã tốn mất bao nhiêu rồi.
– Tiền phòng thì đã có công ty bảo hiểm trả.
Gương mặt xanh xao của thằng bé rạng rỡ hẳn lên.
– Cháu có nói chuyện với bác sĩ Veber. Bác ấy sẽ cho cháu mười phần trăm. Bác ấy sẽ gửi hóa đơn cho công ty và sẽ đưa cho cháu mười phần trăm tiền mặt.
– Cháu tháo vát lắm Jeannot ạ.
– Nghèo thì phải tháo vát chứ bác!
– Cháu nói đúng. Chân cháu có còn đau không?
– Không ạ, chỉ có bàn chân là hơi đau thôi.
– Đó là do dây thần kinh.
– Cháu biết. Bàn chân không còn nữa mà vẫn đau ở bàn chân kể cũng tức cười. Có lẽ đó là cái hồn của bàn chân cháu nó vẫn ở lại đấy.
Nó mỉm cười vì câu nói đùa của mình. Rồi nó chuẩn bị ăn.
– Xúp này, thịt gà này, rau quả này, rồi thì lại tráng miệng nữa. Thịt gà cháu để cho mẹ ăn. Mẹ thích lắm, mà ở nhà thì chẳng mấy khi có mà ăn.
Nó tựa khuỷu tay lên gối.
– Có những lúc đang đêm cháu tỉnh dậy, tưởng là nhà cháu phải trả tiền tất cả các món này. Rồi cháu lại nhớ ra rằng cháu nằm ở đây như con nhà giàu, cháu có quyền đòi tất cả những gì cháu cần, cháu có thể bấm chuông gọi cô y tá và cô ấy phải đến, mà tất cả những thứ này đã có người khác trả tiền. Tuyệt quá bác nhỉ?
– Ừ, tuyệt lắm. – Ravic nói.
Ravic đang ngồi ở tiệm Osiris, trong căn phòng dành làm nơi khám bệnh cho các chị em.
– Có còn ai nữa không? – Anh hỏi.
– Còn, – Léonie nói – còn Yvonne, xong là hết.
Yvonne hai mươi lăm tuổi, tóc vàng, hơi mập, mũi tẹt, tay chân mũm mĩm – đó hình như là một đặc điểm của khá nhiều cô gái điếm. Cô ta đánh mông bước vào, vẻ thỏa mãn, và vén miếng lụa quấn thay cho quần áo lên.
– Đây cơ – Ravic nói – Đi lại đây.
Yvonne lặng lẽ quay lại và phô cái mông đẫy đà ra. Hai bên mông đều chi chít những vết thâm tím. Rõ ràng là có ai đã đánh cho cô một trận nên thân.
– Tôi hy vọng rằng ông khách nào đây đã trả hậu cho cô. – Ravic nói.
Yvonne lắc đầu.
– Chẳng có xu nào đâu bác sĩ ạ. Đó không phải là một ông khách.
– Thế thì chắc vì sở thích? Tôi không biết là cô thích cái món này.
Yvonne lại lắc đầu, môi nở một nụ cười bí hiểm. Ravic nhận thấy cô ta rất lấy làm thích thú về tình cảnh này. Cô làm ra vẻ quan trọng.
– Em không phải là masochiste [2] – Cô nói, rất tự hào là mình biết danh từ này.
– Thế thì sao? Đánh nhau à?
Yvonne để một lát mới trả lời:
– Đây là do tình yêu bác sĩ ạ.
Cô ta vươn vai một cách khoái trá.
– Anh ta ghen à?
– Vâng. – Yvonne nói, gương mặt rạng rỡ lên.
– Có đau lắm không?
– Những thứ này không bao giờ đau.
Cô ta thận trọng ngồi xuống.
– Bác sĩ biết không, lúc đầu Madame Rolande không chịu để cho em làm việc. Em chỉ xin bà ấy một giờ thôi. Một giờ, thế mà ghê quá! Và bây giờ thì với mấy vết bầm của em, em được hâm mộ hơn bao giờ hết!
– Sao thế!
– Cũng chẳng biết nữa. Hình như có những người cứ trông thấy thế là hứng lên. Chỉ ba ngày thôi em đã kiếm thêm ngoài được một trăm năm mươi quan. Bác sĩ ạ, mấy vết bầm ấy có còn nhìn rõ được lâu nữa không?
– Ít nhất hai ba tuần.
Yvonne tặc lưỡi một cái:
– Thế thì tuyệt! Em sẽ mua được áo khoác lông rồi. Da lông thật nổi nhé!
– Nếu nó lặn quá nhanh thì cô vẫn có cách để anh bạn cho cô một trận nữa.
– Anh ấy không chịu đâu – Yvonne nói – Anh ấy thế đấy. Anh ấy làm thế đâu có phải vì tính toán. Anh ấy đánh em là vì quá mê say. Vào lúc lên cơn ghen. Nhưng ngoài những lúc ấy ra thì chịu, dù em có quỳ xuống van xin anh ấy cũng mặc.
– Anh ấy có bản lĩnh đấy – Ravic nói – Thôi, xong rồi Yvonne ạ. Cô chẳng có gì đâu.
Yvonne đứng dậy.
– Em lại đi làm việc đây. Có một ông khách già đang đợi em dưới kia. Một ông râu nhọn. Ông ấy bao giờ cũng đến ngay sau buổi khám. Ông ấy thận trọng lắm. Em có cho ông xem mấy vết bầm. Ông ấy phát cuồng lên. Ở nhà bà ấy bắt nạt ông ấy dữ, cho nên chắc ông nhìn mông em mà tưởng đó là mông bà nhà vừa ăn đòn của ông ấy.
Yvonne nói đoạn cười phá lên.
– Bác sĩ không thấy con người ta buồn cười sao?
Cô ta ra khỏi phòng, rất thỏa mãn về bản thân.
Ravic để sang một bên những dụng cụ anh vừa dùng, và ra đứng ở cửa sổ. Hoàng hôn đã bắt đầu phủ tấm màn xám của nó lên thành phố. Những cây mọc xuyên qua nhựa đường trông hao hao như những thân hình người bị hành quyết, với những cánh tay và những bàn tay như anh đã từng nhìn thấy trong các chiến hào. Anh nghiêng người ra phía ngoài. Cái giờ phút tiếp giao giữa ngày và đêm. Giờ của những cuộc tình trong các hắc điếm dành cho những người mà tối đến phải chủ tọa một cách trang trọng những bữa ăn gia đình. Giờ của rượu khai vị. Cái giờ phút mà cả trái đất dường như dừng lại để thở, mà phụ nữ Ý trên dãy cánh đồng Lombardie đã bắt đầu chúc felicissima notte [3]. Giờ của tuyệt vọng và của ước mơ.
Ravic đóng cửa sổ. Căn phòng bỗng tối om đi. Dường như có những bóng đen vừa lọt vào phục ở các xó xỉnh, im lặng một cách đầy hàm nghĩa. Trên bàn, chai cognac mà Rolande để lại sáng mờ mờ như một khối ngọc thạch mài trơn. Ravic đứng trầm ngâm một lát nữa rồi đi xuống tầng dưới.
Âm nhạc đang chơi rất to, và gian phòng lớn sáng rực ánh đèn. Các “chị em” ngồi rải rác đó đây trên những tấm đệm, mình mặc áo lụa ngắn hở ngực. Vú cô nào cũng lộ rõ ra. Khách hàng ai chẳng muốn trông rõ hàng hóa trước khi mua? Nửa tá đàn ông đã đến. Phần đông là những thương gia trung niên. Đó là những người am hiểu, không muốn chịu một xác suất nhiễm bệnh nào. Họ biết rõ ngày khám và đến đúng vào những ngày ấy. Yvonne đứng cạnh ông khách già. Trên bàn có một chai Dubonnet đặt trước mặt ông. Chân ghếch lên một chiếc ghế, Yvonne đứng uống champagne. Mỗi chai cô được mười phần trăm hoa hồng, champagne rất đắt. Thường chỉ có khách ngoại quốc gọi. Yvonne biết người ta đang nhìn mình, bèn cố ra dáng một nữ tài tử dạy thú dữ ở rạp xiếc.
– Một calvados nữa nhé! – Ravic hỏi.
Jeanne gật đầu. Anh liền gọi người hầu bàn.
– Có thứ calvados nào cũ hơn thứ này không?
– Không được ngon sao ạ?
– Cũng ngon, nhưng tôi nghĩ chắc dưới hầm còn thứ khác ngon hơn.
– Để tôi xem thử ạ.
Anh ta đến cạnh ông chủ tiệm đang ngủ gà ngủ vịt sau quầy tính tiền. Xong đi qua một cái cửa kính bước vào phòng của ông chủ, nơi ông thường ngồi giữa các sổ sách. Một lát sau anh ta trở ra, rồi với một vẻ mặt ân hận, anh ta đi xuống hầm rượu. Anh ta trở lên với một chai rượu mà anh ta cầm trên tay một cách trân trọng như cầm một bảo vật. Cái chai không có những đường chạm nổi ngoạn mục mà khách du lịch thường ưa chuộng. Nó bẩn thỉu bụi bặm vì đã qua nhiều năm trong hầm rượu. Người hầu bàn mở chai rượu một cách long trọng, ngửi ngửi cái nút chai rồi đi lấy hai cái cốc lớn.
– Xin mời ông nếm thử. – Anh ta vừa nói với Ravic vừa rót ra mấy giọt.
Ravic ngửi thử mùi thơm, nếm thử một ngụm, gật đầu tán thưởng. Người hầu bàn cũng gật đầu đáp lại.
– Này, em thử nếm xem. – Ravic vừa nói vừa đưa cốc cho Jeanne.
Người hầu bàn quan sát cô. Cô uống một ngụm rồi kinh ngạc nhìn Ravic.
– Em chưa từng uống thứ gì được như thế này! Có lẽ phải thở vào ngực thì tốt hơn là uống.
– Hoàn toàn đúng như thế, thưa bà. – Người hầu bàn hả hê nói.
– Anh cho em uống rượu này nguy hiểm quá, Ravic ạ. – Sau cốc rượu calvados này em sẽ không bao giờ chịu uống thứ nào kém hơn đâu.
– Thôi đi! Em sẽ còn uống đủ thứ ấy chứ.
– Có thể. Dù sao em cũng sẽ mơ tưởng đến thứ này.
– Rất tốt. Em sẽ thấy rượu này làm cho em trở thành lãng mạn.
– Nếu vậy thì thật đáng tiếc, vì em sẽ không thích thứ khác nữa.
– Ngược lại, em chỉ càng thấy các thứ đó ngon hơn mà thôi. Vừa uống một thứ rượu vừa nghĩ đến một thứ khác, thật là ra khỏi lệ thường.
– Anh chỉ nói lung tung thôi. – Jeanne cười xòa.
– Dĩ nhiên là anh nói lung tung. Rốt cục rồi cũng đành phải thừa nhận rằng người ta sống vì những chuyện lung tung chứ không phải bằng miếng bánh mì đen của hiện thực. Nếu không, thân phận của tình yêu sẽ ra sao?
– Tất cả những chuyện đó chẳng liên can gì đến tình yêu, anh cũng thừa biết.
– Trái lại. Chính tất cả những chuyện đó nuôi dưỡng tình yêu. Nếu không, sau khi đã yêu một lần, ta sẽ khước từ tất cả những gì đến sau. Thật ra, một chút ước muốn còn sót lại đối với người mà mình từ bỏ hay người đã từ bỏ mình sẽ trở thành một vòng hào quang trên đầu người kế chân. Chính cái việc đã mất một mối tình nó làm cho mối tình sau có được một hương vị lãng mạn. Đó là ảo giác cũ xưa nhất trong các ảo giác.
– Đối với em không có gì đáng ghét bằng nghe anh ăn nói như vậy.
– Anh cũng thấy thế.
– Thế thì anh đừng nói như vậy nữa. Dù chỉ là nói đùa. Anh hạ phép mầu xuống ngang hàng một trò ảo thuật.
Ravic không đáp.
– Anh nói như thể anh đã chán chường, và như thể anh muốn bỏ em.
– Jeanne – Ravic nói với một niềm trìu mến u buồn trong âm sắc – Em không phải lo lắng về chuyện ấy. Khi nào đến lúc ấy, không phải anh sẽ ra đi đâu. Chính em sẽ bỏ anh. Ít nhất cũng có điều đó là chắc chắn.
Jeanne đặt ngay cái cốc xuống bàn.
– Thật là ngu xuẩn! Không đời nào em lại bỏ anh. Hay anh muốn xúi bẩy gì em?
Chao, đôi mắt! – Ravic nghĩ. Như có một ánh chớp rực lên trong đáy sâu của nó.
– Anh chẳng muốn xúi bẩy gì em đâu, Jeanne ạ. Anh chỉ muốn kể cho em nghe chuyện làn sóng và tảng đá. Đó là một câu chuyện cũ, tuổi nó già hơn chúng ta không biết bao nhiêu mà kể nữa. Em nghe nhé! Ngày xưa có một con sóng phải lòng một tảng đá nổi lên bên một bờ biển nào đấy… cứ cho là bên bờ vịnh Capri. Mình phủ bọt trắng, con sóng ấy quay cuồng không ngớt quanh tảng đá, đêm ngày hôn nó hàng ngàn lần, ôm nó trong đôi cánh tay trắng muốt, khóc lóc, van xin tảng đá đến với mình. Tình yêu và những sự mơn trớn ngày đêm của ngọn sóng dần dần đục lở tảng đá, rồi một ngày kia nó đã đáp lại tiếng gọi của tình yêu, ngả vào tay con sóng.
Anh uống một ngụm calvados.
– Thế rồi sao? – Jeanne hỏi.
– Thế rồi sau khi nó đã chìm xuống, nó không còn là một tảng đá mà con sóng có thể nô đùa, có thể yêu, có thể mơ ước. Bây giờ tảng đá chỉ còn là một khối khoáng vật nằm im dưới đáy biển, bị sóng chôn sâu, đã chết đuối trong lòng sóng. Con sóng cảm thấy thất vọng, nó thấy mình đã bị lừa, và bắt đầu đi tìm một tảng đá khác.
– Như thế nghĩa là thế nào? – Jeanne hỏi – Là thà nó cứ làm tảng đá còn hơn chứ gì?
– Con sóng thì nó nghĩ thế đấy. Nhưng biết làm thế nào được, cái gì chuyển động bao giờ cũng mạnh hơn cái gì bất động. Nước mạnh hơn đá.
Jeanne phác một cử chỉ sốt ruột:
– Cái đó không có liên quan gì đến anh và em hết. Đó là một câu chuyện chẳng có nghĩa lý gì. Hoặc giả anh lại bày trò chế giễu em thôi. Em chỉ biết chắc có một điều: nếu cái ngày ấy có đến chăng, thì chính anh sẽ bỏ em.
– Câu đó sẽ là lời sau chót của em nói vào ngày em bỏ đi – Ravic vừa cười vừa nói – Em sẽ giảng giải cho anh hiểu rằng chính anh bỏ em. Em sẽ tìm ra cho mình những lý do… những lý do mà em cũng sẽ tin là thật… Em sẽ trình bày những lý do ấy trước cái tòa án xưa nhất trên cõi đời này: Thiên nhiên.
Ravic gọi người hầu bàn.
– Chúng tôi muốn mua chai calvados này được không?
– Ông muốn mang về ạ?
– Đúng thế.
– Thưa ông như thế trái với quy chế của bản hiệu. Chúng tôi không bán chai ạ.
– Anh đi hỏi ông chủ xem sao.
Người hầu bàn quay trở lại với một tờ báo. Đó là một số Paris-Soir.
– Thưa ông, ông chủ bằng lòng coi đây là trường hợp ngoại lệ – Hắn vừa nói vừa đậy nút chai lại và bọc cái chai trong tờ báo, sau khi đã bỏ túi trang thể thao – Thưa ông đây ạ. Nên cất vào một nơi mát và tối. Nó xuất phát từ một điền trang xưa kia của cụ nội ông chủ.
– Cám ơn.
Anh cầm cái chai lên ngắm nghía.
Hỡi ánh nắng đã ươm chín những vườn táo trong một điền trang xứ Normandie qua một mùa hè ấm áp và một mùa thu xanh, hãy đến với chúng tôi trong chất rượu này! Chúng tôi đang cần đến người! Có những cơn giông đang âm ỉ nổi lên ở chân trời của thế giới!
Ngoài trời bắt đầu mưa. Jeanne đứng lại.
– Ravic, anh có yêu em không?
– Có, Jeanne ạ. Nhiều hơn là em tưởng.
Jeanne tựa vào anh.
– Có những lúc chẳng giống như thế.
– Em nhầm đấy. Nếu không, anh chẳng bao giờ nói những điều như thế.
– Có những điều khác nên nói với em hơn.
Ravic mỉm cười.
– Tình yêu không phải là một cái áo trong đó lúc nào ta cũng có thể tìm thấy lại hình ảnh của mình, Jeanne ạ. Đó là một dòng nước có những luồng xoáy, những đợt thủy triều, những xác tàu đắm, những thành phố bị chìm, những con bạch tuộc, những cơn bão của nó, và cũng có cả những chiếc rương đựng đầy vàng ngọc. Nhưng ngọc bao giờ cũng ở tận dưới đáy.
– Em chẳng biết gì về những thứ đó. Tình yêu là thuộc về nhau. Mãi mãi.
Mãi mãi – Anh nghĩ thầm. Câu chuyện thần tiên cổ tích. Người ta nói mãi mãi trong khi người ta chẳng giữ được một khoảnh khắc. Jeanne run rẩy quấn chặt chiếc áo khoác vào người.
– Em ước gì bây giờ là mùa hạ – Cô nói – Chưa bao giờ em nóng lòng chờ mùa hạ như năm nay.
Jeanne lấy cái áo dài dạ hội trong tủ ra, ném lên giường.
– Nhiều khi em thấy chán quá: lúc nào cũng mặc mỗi một cái áo đen này, lúc nào cũng đến cái tiệm Schéhérazade ấy. Lúc nào cũng cứ thế, chẳng có gì khác!
Ravic ngẩng lên mà chẳng nói gì.
– Anh có hiểu em không? – Jeanne hỏi.
– Có chứ…
– Thế thì anh ơi, sao anh không đưa em đi đâu thật xa đi?
– Đi đâu?
– Đi đâu cũng được.
Ravic lấy chai calvados, bóc tờ báo ra và mở nút chai. Anh rót đầy một cốc.
– Đây em uống đi.
– Không ăn thua đâu. – Jeanne lắc đầu nói – Có những lúc uống rượu chẳng có hiệu quả gì. Tối nay em không muốn đến đấy… để chen vai với cái lũ ngu ngốc ấy.
– Thế thì em cứ ở đây.
– Sao?
– Em cứ gọi điện đến đấy nói là em ốm.
– Dù có làm thế thì mai lại phải đến thôi. Bấy giờ sẽ còn tệ hơn.
– Em có thể ốm mấy ngày.
– Nhưng em làm sao thế này hở Ravic? Có phải vì mưa không? Có phải vì sự ẩm thấp âm u này không? Đôi khi em cảm thấy như mình đang nằm trong một cỗ quan tài. Em chết đuối trong những buổi chiều xám xịt này. Ban nãy em không nghĩ đến nữa. Em vui sướng vì được ở bên anh trong cái quán nhỏ ấy… Tại sao anh lại phải nói đến những chuyện đáng buồn như bỏ nhau, ra đi…? Em không muốn nghe những chuyện như thế. Nó làm cho em buồn quá. Nó làm cho em nhìn thấy những hình ảnh mà em không muốn thấy. Em biết là anh nói những chuyện ấy không phải để làm cho em buồn, nhưng nó làm cho em suy sụp rã rời, nhất là khi trời tối và mưa. Anh không biết đến tình trạng đó, vì anh mạnh lắm.
– Mạnh ư? – Ravic nhắc lại.
– Vâng.
– Làm sao em biết?
– Anh chẳng sợ cái gì hết.
– Đó là vì anh không còn gì để sợ nữa: có khác đấy.
Jeanne không nghe anh nói. Cô bứt rứt đi đi lại lại trong phòng, và căn phòng dường như lại quá chật đối với cô. Trong khi đi, cô như luôn phải chống lại một luồng gió hư ảo.
– Em muốn bỏ lại tất cả những thứ này ở sau lưng – Jeanne nói – Bỏ lại cái khách sạn này. Bỏ lại cái hộp đêm kia, với những cặp mắt đầy dục vọng của nó. Em muốn rời bỏ hết.
Jeanne dừng lại.
– Ravic, có nhất thiết là chúng mình phải sống cuộc sống này không anh? Chúng mình không thể sống như tất cả những người đang yêu nhau sao? Chúng mình không thể ở với nhau giữa những đồ vật mình ưa thích hay sao? Sống trong cảnh yên ổn? Không có những chiếc va-li, những ngày trống rỗng, những phòng khách sạn mà lúc nào mình cũng thấy mình là người lạ?
Vẻ mặt của Ravic không sao đọc được. Điều mà anh dự kiến nay đã đến.
– Có thật đó là điều mà em tiên kiến cho chúng ta không Jeanne?
– Sao lại không? Những người khác họ có đấy! Người khác họ thuộc về nhau, họ có vài căn phòng của riêng họ, họ có tổ ấm. Khi họ đóng cửa lại, nỗi lo âu ở lại bên ngoài. Nó không rịn qua mấy bức tường như ở đây!
– Có thật đó là những điều em tưởng tượng ra không?
– Thật.
– Một căn hộ ngăn nắp, một cuộc sống trưởng giả êm ấm. Một sự yên ổn nho nhỏ xinh xinh bên bờ vực thẳm. Em ước ao như vậy chứ gì?
– Lẽ ra anh có thể nói khác đi một chút – Jeanne đáp, giọng thách thức – Anh không cần dùng đến một giọng khinh miệt đến thế. Khi người ta yêu, người ta tìm ra những từ ngữ khác.
– Nhưng sự thật vẫn thế thôi, Jeanne ạ. Cả em lẫn anh đều không phải sinh ra để hưởng những điều em mong ước.
– Em thì em sinh ra để sống như thế đấy!
Ravic mỉm một nụ cười trong đó có cả âu yếm, cả mỉa mai, và một thoáng buồn.
– Không hơn anh đâu Jeanne ạ. Vả lại đó không phải là lý do duy nhất. Còn có một lý do nữa.
– Phải – Nàng trả lời, giọng cay đắng – Em biết rồi.
– Không đâu, Jeanne ạ, em không biết đâu. Anh sẽ nói cho em biết. Như thế tốt hơn. Em không nên nghĩ như em hiện đang nghĩ. Anh sẽ nói hết cho em nghe. Anh chỉ muốn là sau đó em đừng hỏi gì thêm nữa.
Jeanne không đáp. Gương mặt nàng không biểu hiện một chút gì. Nàng bỗng đã có lại gương mặt trước kia của nàng. Ravic cầm lấy tay Jeanne nói:
– Anh sống ở đây một cách bất hợp pháp. Anh không có giấy tờ. Đó mới là lý do thật. Chính vì thế mà anh sẽ không bao giờ có thể thuê được một căn hộ. Chính vì thế mà anh không thể cưới vợ nếu anh yêu một người nào. Muốn làm lễ cưới phải có giấy tờ tùy thân và giấy nhập cảnh. Anh không có các thứ đó. Thậm chí anh còn không có cả quyền làm việc nữa. Lúc nào anh cũng phải làm việc một cách vụng trộm. Anh như bị một bản án chung thân buộc anh phải sống như bây giờ anh đang sống.
– Có thật thế không anh?
Ravic nhún vai nói:
– Có hàng ngàn người sống như thế. Chắc hẳn em cũng biết điều đó. Ngày nay ai mà chẳng biết. Anh chỉ là một trong những người đó.
Anh mỉm cười và buông tay Jeanne.
– Anh là cái thứ người mà Morozov gọi là người không có tương lai.
– Vâng… nhưng…
– Ồ! Anh còn may mắn nữa là khác. Anh được làm việc, anh được sống, anh có em… thế thì những chuyện phiền muộn lặt vặt của anh còn có nghĩa lý gì?
– Thế còn công an?
– Công an không bận tâm lắm về những việc này. Nếu họ phát hiện được anh, họ sẽ trục xuất anh, có thế thôi. Nhưng điều đó khó xảy ra lắm. Đấy. Bây giờ thì em gọi điện đến hộp đêm báo cho họ biết là em không đến đi. Chúng mình sẽ có cả buổi tối. Một buổi tối trọn vẹn dành riêng cho chúng mình với nhau. Em cứ nói là em ốm. Nếu cần giấy chứng nhận, anh sẽ xin Veber một tờ cho em.
Jeanne không nhúc nhích.
– Trục xuất… – Cô thì thầm nhắc lại, như dần dần mới hiểu được nghĩa hai tiếng này. Trục xuất?… ra khỏi nước Pháp?… Thế thì anh sẽ bỏ đi?
– Trong một thời gian rất ngắn thôi.
– Anh sẽ đi… – Jeanne nhắc lại, không nghe thấy anh nói gì – Anh sẽ đi. Thế còn em, em sẽ ra sao?
– Ừ nhỉ – Ravic mỉm cười nói – Em sẽ làm gì?
Jeanne như liệt hẳn người đi. Ravic nói thêm:
– Anh ở đây đã hai năm nay mà đã có gì xảy ra đâu Jeanne?
– Nhưng nếu xảy ra thì sao?
– Thì chỉ ít lâu anh lại trở về. Sau một hay hai tuần. Chỉ như một chuyến đi xa, không hơn. Bây giờ em gọi đến Scheherazade đi.
Jeanne nói ngập ngừng:
– Em sẽ nói sao dây?
– Em nói là em bị viêm phế quản, cố nói giọng khàn khàn một chút.
Jeanne đến máy điện thoại. Rồi nghĩ sao lại quay trở lại chạy đến ôm chầm lấy Ravic.
– Ravic!…
Anh nhẹ nhàng gỡ tay Jeanne ra.
– Nào! Thôi chúng mình đừng nghĩ đến chuyện này nữa. Thật ra đây là một diễm phúc. Tình thế ấy sẽ không để cho chúng mình trở thành những người ăn lợi tức trong tình yêu. Mối tình sẽ mãi mãi thuần khiết… nó sẽ vĩnh viễn là một ngọn lửa, nó không trở thành cái bếp lò dùng để nấu canh bắp cải. Em đi gọi điện đi.
Jeanne cầm máy lên. Ravic quan sát cô trong khi cô nói. Ban đầu, cô chẳng thiết gì để ý đến việc gọi điện; cô vẫn tiếp tục nhìn anh như thể công an sắp đến bắt anh ngay bây giờ. Nhưng dần dần cô bắt đầu nói dối một cách điềm tĩnh và dễ dàng. Cô lại còn nói dối hơn cả mức cần thiết nữa là khác. Gương mặt cô phản ảnh rất đúng cái cảm giác đau ở ngực mà cô nói là cô đang chịu đựng. Giọng cô mệt nhọc, khàn khàn, rồi cuối cùng bị ngắt quãng vì một cơn ho. Cô không nhìn Ravic nữa. Mắt cô nhìn trừng trùng phía trước, trong khi cô bị thu hút hoàn toàn vào vai kịch. Ravic tiếp tục quan sát cô, rồi uống một ngụm calvados. Không hề có chút mặc cảm – Anh nghĩ thầm. Một tấm gương không có gì bên trong, nhưng phản chiếu lại một hình ảnh hoàn hảo. Jeanne bỏ máy xuống và vuốt lại mái tóc.
– Họ tin hết. – Jeanne nói.
– Em đóng hay quá.
– Họ nói là em phải nằm yên trong giường, và nếu mai chưa khỏi hẳn thì đừng đến.
– Em thấy chưa! Em không cần phải lo ngày mai nữa.
– Anh làm em sợ quá Ravic ạ. – Jeanne vừa nói vừa trở về chỗ anh – Anh hãy nói với em rằng những chuyện anh nói ban nãy là chuyện bịa đặt đi. Nhiều khi anh nói chỉ cốt cho sướng miệng thế thôi. Anh nói là anh đùa đi. Hay ít nhất sự thật cũng không đến nỗi như anh nói.
– Thì chuyện đó không có đâu.
Jeanne gục đầu vào vai Ravic.
– Chuyện đó không thể có được. Em không muốn chỉ có một mình nữa. Khi chỉ có một mình em, em chẳng là cái gì hết. Anh phải ở lại với em. Không có anh, em không tồn tại nữa Ravic ạ!
– Jeanne, có những khi em như con gái bà gác cổng, lại có những khi em như Diana nữ thần săn bắn. Cũng có những khi em là cả hai.
– Thế bây giờ thì em thế nào?
– Bây giờ thì em như Diana với cây cung bằng bạc, vị nữ thần không có gì làm tổn thương được, và nguy hiểm chết người.
– Đấy, lẽ ra anh phải nói nhiều hơn với em những lời như thế.
Ravic vẫn trầm ngâm. Jeanne đã không chịu hiểu ý anh. Vả chăng cũng chẳng cần thiết. Jeanne nhìn nhận sự vật như cô muốn và không quan tâm đến cái gì khác nữa. Vả lại chẳng phải đó chính là cái có sức hấp dẫn nhất ở cô sao? Con người không đi tìm cái gì giống mình. Ai lại đi tìm luận lý trong tình yêu? Đó chỉ là phát minh của những kẻ yếu. Và là khúc hát lâm chung của những nạn nhân.
Jeanne hỏi:
– Anh nghĩ gì thế?
– Chẳng có gì đâu.
– Chẳng có gì sao?
– Đúng hơn, anh đang nghĩ đến một điều. Chúng mình hãy đi xa vài hôm. Chúng mình sẽ đến nơi nào có ánh nắng. Đi Cannes, hay đi Antibes. Dẹp hết thói thận trọng! Dẹp hết những ước mơ tậu nhà ba phòng và tiếng kêu kền-kền của bọn trưởng giả! Dẹp luôn cả mưa dầm và gió lạnh. Chẳng phải em chính là Budapest và mùi hương dẻ nở hoa trong đêm, khi thành phố ngủ yên dưới ánh trăng?
Jeanne đã nhổm dậy.
– Anh nói thật đấy chứ?
– Thật.
– Nhưng còn công an…
– Dẹp công an đi! Công an ở đấy chẳng nguy hiểm gì hơn công an ở đây. Các thành phố du lịch ít bị giám sát hơn. Nhất là các khách sạn đắt tiền. Em có biết vùng này không?
– Không. Em chỉ biết nước Ý và vùng duyên hải Adriatique. Bao giờ chúng mình đi?
– Hai hay ba tuần nữa. Vừa đúng mùa đẹp nhất.
– Chúng mình có tiền không?
– Đã có được một ít. Hai tuần nữa sẽ có đủ.
– Ta có thể thuê một ngôi nhà nhỏ…
– Những ngôi nhà nhỏ cho thuê như vậy không phải dành cho em đâu. Em cần ở một cái ổ chuột như ở đấy, không thì một khách sạn thượng hạng. Ta sẽ đến Hôtel du Cap ở Antibes. Như thế an toàn hơn. Những khách sạn sang trọng như thế an toàn hơn rất nhiều, vì ở đấy người ta không bao giờ hỏi giấy tờ. Mấy hôm nữa anh sẽ phải mổ bụng một nhân vật trọng yếu, một ông Thống đốc hay Bộ trưởng gì đấy; đó chính là nguồn cung cấp số tiền cần thiết cho ta.
Jeanne đứng phắt dậy, gương mặt khác hẳn đi.
– Lại đây anh. Rót thêm calvados lâu năm cho em đi, Ravic! Đúng là calvados của ước mơ!
Cô chạy đến bên giường, nhấc chiếc áo đen lên.
– Lạy Chúa! Bây giờ em mới nhớ ra là em chẳng có gì mà mặc cả!
Chú thích:
[1] Sức hấp dẫn dục tình.
[2] Người mắc chứng masochisme, một tâm bệnh trong đó bệnh nhân phải bị đánh đập hoặc lăng nhục ê chề mới tìm thấy khoái cảm tính dục (Do tên một bệnh nhân nổi tiếng là Alexander Masoch).
[3] Đêm cực lạc (tiếng Ý).

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.