Khải Hoàn Môn

CHƯƠNG 12



Bác sĩ đã cưa chân cháu chưa? – Jeannot hỏi.
Khuôn mặt nhỏ nhắn của nó trắng bệch như làm bằng sáp, và những chấm tàn nhang nổi bật hẳn lên, như thể có ai lấy bút lông điểm vào. Một cái vòng kim loại giữ tấm chăn ở bên trên chỗ chân cắt cụt của thằng bé.
– Cháu có đau không? – Ravic hỏi.
– Có, chân cháu đau lắm. Cháu có hỏi bà y tá. Nhưng bà ấy ác lắm, không chịu nói cho cháu nghe một chút gì hết.
– Vừa rồi phải cắt bỏ chân cháu đấy.
– Phía trên đầu gối ạ?
– Ừ, trên đầu gối mười phân. Đầu gối cháu bị nát rồi. Không có cách gì giữ lại được.
– Thế thì hay quá! – Jeannot nói – Sở bảo hiểm sẽ phải trả thêm chừng mười lăm phần trăm tiền bồi thường.
May quá. Đã là chân gỗ thì trên hay dưới đầu gối cũng là chân gỗ thôi. Thêm mười lăm phần trăm: cái ấy mới đáng kể.
Thằng bé phân vân một lát, rồi nói:
– Ông đừng nói ngay cho mẹ cháu biết thì hơn. Ông đặt cái khung gì kia, mẹ cháu không nhìn thấy đâu.
– Ta sẽ đừng nói gì hết, Jeannot ạ.
– Công ty bảo hiểm sẽ phải trả tiền trợ cấp cho cháu suốt đời? Có đúng không ạ?
– Chú tin như thế.
Jeannot cố mỉm cười.
– Họ sẽ bị một vố đau. Cháu mới mười ba tuổi. Họ sẽ phải trả lâu lắm. Ông có biết đó sẽ là công ty bảo hiểm nào không?
– Chưa biết được, nhưng ta đã biết số của chiếc xe. Vì cháu đã nhớ được. Cảnh sát đã đến điều tra. Họ muốn hỏi cháu. Nhưng sáng nay cháu còn ngủ cho nên tối nay họ sẽ đến lại.
– Người làm chứng – Jeannot nói – Ta cần có những người làm chứng!
– Hình như mẹ cháu có được hai địa chỉ. Mẹ cháu cầm ở tay ấy.
Thằng bé cựa quậy, có chiều bứt rứt.
– Miễn sao mẹ cháu đừng đánh mất. Ông cũng biết đấy, người già là hay quên lắm. Mẹ cháu đâu rồi?
– Mẹ cháu đã ở lại bên cạnh cháu suốt cả đêm, và cả buổi sáng hôm nay nữa. Các chú vừa bảo mẹ cháu đi nghỉ rồi. Lát nữa mẹ cháu sẽ đến.
– Chỉ mong sao mẹ cháu đừng đánh mất hai tờ giấy. Công an ấy mà – nó khoát tay ra vẻ ngán ngẩm – toàn là đồ đê tiện. Họ ăn cánh với công ty bảo hiểm. Nhưng nếu có người làm chứng đàng hoàng thì… bao giờ mẹ cháu đến hở ông?
– Lát nữa thôi. Cháu phải bình tĩnh. Rồi đâu sẽ vào đấy.
Jeannot mấp máy đôi môi như đang nhấm một cái gì.
– Có khi họ trả luôn cả số tiền bồi thường một lúc. Chứ không trả từng năm. Mẹ con cháu sẽ có một số vốn để buôn bán.
– Cháu nghỉ đi, – Ravic nói – sau này còn chán thì giờ nghĩ đến chuyện đó. Lát nữa công an đến mà cháu mệt không trả lời được là không hay đâu.
– Ông nói phải. Bây giờ cháu phải làm gì?
– Cháu phải ngủ.
– Nhưng nếu cháu ngủ mãi, đến khi…
– Cháu đừng lo, sẽ có người đánh thức cháu chứ.
– Lúc bấy giờ là đèn đỏ! Đúng là đèn đỏ, cháu dám chắc như vậy!
– Đúng rồi. Cháu cố ngủ đi. Đây là cái chuông, phòng khi cháu có cần gì.
– Bác sĩ ạ!
– Gì cháu?
– Nếu mọi việc ổn cả… – Jeannot ngả đầu trên gối, và một thứ nụ cười thoáng hiện trên gương mặt khôn quá tuổi của nó – Kể nhiều khi cũng may thật đấy nhỉ?
Tối hôm ấy ẩm và nóng. Những đám mây xơ xác đuổi theo nhau bay qua thanh phố. Morezov đang ngồi ở một cái bàn trước cửa hiệu Chez Fouquet’s, gần sát chỗ người ta bày mấy cái lò than lộ thiên. Anh ra hiệu cho Ravic mời anh cùng uống chút gì với nhau. Ravic ngồi xuống.
– Chúng mình sống nội thất nhiều quá – Morozov nói – Cậu không thấy sao?
– Ai chứ anh thì cũng chẳng đến nỗi thế. Anh đứng suốt ở ngoài cửa tiệm Scheherazade còn gì?
– Thôi tôi xin cậu, cậu dẹp cái lô-gich khốn khổ của cậu đi cho tôi nhờ. Ban đêm, tôi là một thứ bàn ghế hai chân bày trước cửa Scheherazade, chứ không phải một con người biết thở không khí. Tôi muốn nói là chúng ta ở trong phòng quá nhiều. Chúng ta suy nghĩ trong phòng quá nhiều. Chúng ta làm tình và gặm nhấm những nỗi tuyệt vọng của chúng ta cũng ở trong phòng nốt. Ravic, liệu cậu có khả năng tuyệt vọng ở bên ngoài không?
– Sao lại không? – Ravic nói.
– Nếu có, thì chẳng qua cũng tại cậu sống trong phòng nhiều quá. Giá cậu quen sống ngoài trời thì chẳng thế đâu. Nỗi tuyệt vọng giữa một phong cảnh đẹp sẽ có được một sự trang trọng mà nó không thể có được trong một căn hộ hai phòng. Đó là chưa kể người ta thấy thoải mái hơn nhiều. Xin cậu, cậu đừng cãi. Hay cãi là dấu hiệu của sự hẹp hòi về trí tuệ của người Tây phương. Xét cho cùng ai thực sự muốn mình có lý? Hôm nay tôi được nghỉ và tôi muốn hưởng thụ cuộc sống. Thật ra, chúng ta cũng uống rượu trong phòng quá nhiều.
– Chúng ta cũng đi tiểu trong phòng quá nhiều nữa đấy nhỉ?
– Phải đây, cậu cứ nói mỉa đi! Những cái cơ bản trong cuộc sống đều đơn giản và tầm thường. Chỉ có trí tưởng tượng của ta làm cho nó có được sức sống. Nó làm cho một cái cột dây thép thành ra một cột buồm để dong những giấc mơ của ta lên! Tôi nói thế không có lý sao?
– Không.
– Dĩ nhiên… vả lại, tôi cũng chẳng cần có lý nữa.
– Thế thì anh có lý.
– Chúng ta cũng ngủ trong phòng nhiều quá! Chúng ta trở thành một thứ bàn ghế. Những ngôi nhà bằng đá đã bẻ gãy xương sống chúng ta rồi. Chúng ta chỉ còn là những cái đi-văng, những cái tủ đứng, những cái tủ sắt, những món tiền thuê nhà, những khoản tiền lương, những cái nồi và những cái nhà xí biết đi!
– Hoàn toàn đúng. Chỉ còn là những cương lĩnh chính trị, những xưởng vũ khí, những trại an dưỡng cho người mù hay người điên… biết đi!
– Thôi đừng có ngắt lời tôi nữa. Uống đi và ngồi cho yên, đồ giết người bằng dao mổ. Cậu thử xem xem, bây giờ chúng mình thành ra cái thứ gì. Chỉ có người Hy Lạp cổ đại mới có thần rượu và thần yêu đời: Bacchus và Dyonisius. Chúng ta đã thay các vị thần đó bằng cái gì? Bằng Freud, bằng các thứ mặc cảm tự ti, bằng phân tâm học! Ta sợ những từ ngữ khoa trương trong tình yêu nhưng trong chính trị thì ăn nói khoa trương đến đâu cũng thấy chưa đủ. Một thế hệ đáng lấy làm buồn.
Morozov nháy mắt một cái.
– Cái lão già khuyển nho mơ mộng này! – Ravic nói va cũng nháy mắt một cái – Bây giờ anh có còn định cải tạo thế giới nữa không đây?
Morozov cười.
– Tôi đang thử chạm vào nó xem sao, cái thứ thanh niên lãng mạn vỡ mộng kia, mang tên Ravic và chỉ tồn tại trên đời trong một thời gian ngắn ngủi.
– Một thời gian ngắn ngủi – Ravic cười khà khà -Thế mà tôi đã sống qua ba cuộc đời rồi, nếu tính theo tên. Vodka Ba Lan phải không?
– Không, Vodka Esthonie đấy, từ Riga đưa sang. Đây là thứ Vodka ngon nhất. Nào, rót đi mà uống, rồi ta hãy ngồi đây im lặng. Ta hãy ngắm dãy đại lộ đẹp nhất thế giới, ta hãy tận hưởng cái buổi chiều thần tiên này, và hãy nhổ vào mặt nỗi tuyệt vọng.
Than coke nổ lép bép trong mấy cái lò lộ thiên. Một người xách vĩ cầm đến đứng ở một góc phố và bắt đầu kéo bài “Auprès de ma blonde”. Những người qua đường xô đẩy hắn, cái đàn kêu cò cứ như cứa gỗ, nhưng hắn vẫn tiếp tục chơi, như thể chỉ có một mình hắn ở trên đời. Tiếng đàn mảnh và không có tiếng vang, như thể cây đàn đã rét cóng. Hai người Ma-rốc đi hết bàn này sang bàn khác gạ bán tơ nhân tạo và mấy tấm thảm sặc sỡ.
Mấy anh bán báo đi qua, rao những tờ báo mới ra. Morozov mua một tờ Paris-Soir và một tờ l’Intransigeant, đọc qua mấy cái đầu đề, rồi gạt đi.
– Họ đều là những tay làm bạc giả! Cậu đã nhận thấy là chúng ta đang sống ở thời đại của bọn làm bạc giả chưa?
– Tôi thấy chúng ta sống trong thời đại của đồ hộp thì đúng hơn.
– Đồ hộp là thế nào?
Ravic hất hàm chỉ mấy tờ báo.
– Đồ hộp đấy. Không cần suy nghĩ nữa. Mọi thứ đều đã được nghiền ra, nhai kỹ, thể nghiệm, suy nghĩ sẵn rồi. Chỉ cần mở hộp ra mà dùng. Họ đưa đến tận nhà mỗi ngày ba lần. Không còn có gì để mà tự trau dồi, tự tu luyện nữa. Không còn có một cái gì để mà nấu nướng trên ngọn lửa của những câu hỏi, của sự ngờ vực và của sự hiếu học. Toàn những đồ hộp. Chúng ta không phải là sống một cách dễ dàng, Boris ạ. Chúng ta sống theo kiểu ăn sẵn.
– Đồ hộp dán nhãn giả nữa chứ – Morozov vừa nói vừa nhấc hai tờ báo lên – Đồ bạc giả! Cậu nhìn mà xem! Họ xây nhà máy vũ khí vì yêu hòa bình, xây trại tập trung vì yêu chân lý, dựng lên những tòa án để che dậy tất cả những tội ác của các phe đảng. Những tên gangsters chính trị trở thành những đấng cứu tinh, và Tự do là một danh từ rất hay được dùng làm chiêu bài che đậy đủ các thứ khát vọng quyền lực. Toàn bạc giả! Bạc giả tinh thần! Tuyên truyền của sự dối trá. Chủ nghĩa Machiavel của hạng vô học. Lý tưởng rơi vào tay lũ dốt nát. Giá cái lũ này lương thiện một chút!…
Morozov vò nát mấy tờ báo ném đi thật xa.
– Chắc anh sẽ nói rằng chúng ta đọc báo trong phòng quá nhiều?
– Dĩ nhiên – Morozov nói – Bên ngoài thì chỉ dùng báo để nhen lửa được thôi…
Morozov bỗng ngừng bặt. Ravic không còn ngồi cạnh nữa… Anh đã bật dậy như có lò xo, và khi ngẩng lên nhìn, Morozov thấy anh đang rẽ đám đông đi về phía đại lộ Georges V.
Morozov ngồi ngớ ra một lát. Rồi anh rút túi lấy ít tiền ném ra đĩa và đi theo Ravic. Anh đi theo mà không hề biết việc gì nữa xảy ra chẳng qua anh muốn có mặt bên cạnh bạn nếu Ravic có cần đến anh. Anh không trông thấy một viên cảnh binh hay một tên mật thám mặc thường phục nào vừa rồi có thể làm cho Ravic hoảng sợ. Ra đến đại lộ Georges V, anh mới trông thấy Ravic. Đúng lúc ấy đèn giao thòng đổi chiều, và xe cộ tràn lên như một đợt thủy triều. Thế mà Ravic vẫn băng qua đường. Một chiếc taxi suýt xô vào anh. Morozov nắm lấy cánh tay anh lôi lại.
– Cậu phát điên ấy à? – Anh quát – Hay muốn tự tử? Có chuyện gì thế?
Ravic không đáp. Anh nhìn trừng trừng sang bên kia đường. Cường độ lưu thông lúc bấy giờ rất lớn. Xe hơi trẩy qua từng bốn chiếc một. Không thể nào qua đường được. Morozov lay mạnh Ravic.
– Có chuyện gì thế Ravic? Công an à?
– Không. – Ravic nói, vẫn không rời dòng xe hơi đang phóng qua.
– Thế thì có chuyện gì, chuyện gì hả Ravic?
– Haake!…
– Hả! – Morozov nói – Hắn ăn mặc thế nào? Nói nhanh lên! Hả?
– Áo pardessus xám thẫm…
Tiếng còi lanh lảnh của viện cảnh sát vang lên giữa quảng trường Champs-Elisées. Ravic len nhanh qua những chiếc xe sau cùng. Một chiếc pardessus màu xám thẫm, anh chỉ nhận rõ được có thế. Anh chạy qua đại lộ Georges V và phố Bassano. Cả phố dường như đầy rẫy những pardessus xám. Anh văng tục rồi bước nhanh hơn. Xe cộ dừng lại trước đường Galilée. Anh chạy băng qua đường, len lỏi một cách thô bạo qua đám đông đang chen chúc giữa Champs-Elysées, chạy đến phố Presbourg, băng qua phố này, rồi đứng phắt lại. Trước mặt anh là Quảng trường Ngôi Sao mênh mông, đầy xe cộ, với những đại lộ đâm ra tua tủa khắp mọi phía. Mất hút! Không thể nào tìm ra ai giữa cái vòng nước xoáy khổng lồ này.
Anh chậm rãi quay ngược trở lại, mắt vẫn chăm chú nhìn vào mặt những người qua đường… nhưng không còn cuống quít như trước nữa. Anh thấy người như trống hoác ra. Chắc anh đã trông nhầm, hoặc giả Haake đã bứt khỏi anh một lần thứ hai. Có thể nào trông nhầm đến hai lần? Một con người có thể nào hai lần biến đi khỏi mặt quả đất không? Chắc hắn đã rẽ vào một con đường ngang. Anh nhìn kỹ phố Preshourg. Xe cộ, người qua lại đông nghịt. Bây giờ là giờ cao điểm. Tìm nữa cũng vô ích. Muộn quá rồi.
– Sao? – Morozov hỏi khi đã bắt kịp anh.
– Chắc tôi lại trông thấy ma thôi.
– Cậu tin chắc là đã nhận ra hắn chứ?
– Cách đây một phút tôi hãy còn tin chắc. Nhưng bây giờ thì… không biết nữa.
– Có nhiều khuôn mặt giống nhau lắm Ravic ạ.
– Ừ. Nhưng cũng có những khuôn mặt không bao giờ quên được.
– Cậu định thế nào? – Morozov hỏi khi thấy Ravic dừng lại.
– Tôi không biết nữa. Chắc đành chịu thôi.
– Xui quá! – Boris nói – Lại đúng vào giờ đóng cửa các công sở. Đâu đâu cũng đông nghịt…
– Tôi biết!
– Hơn nữa lại bắt đầu tối rồi. Cậu có trông rõ mặt hắn không?
Ravic không đáp.
– Ravic ạ – Morozov khoác tay anh nói – Cậu có đi khắp các phố cũng chẳng ích gì. Đến một nơi nào đó cậu lại tự nhủ là hắn đang ở một nơi khác. Tốt nhất là trở về chỗ Fouquet’s. Đó là chỗ tốt nhất. Cậu có thể ngồi rình ở đây. Nếu hắn đi qua, cậu sẽ trông thấy ngay.
Họ chọn một cái bàn trên sân hiên, nơi có thể quan sát chỗ hai đại lộ gặp nhau. Hai người im lặng một lát. Cuối cùng Morozov nói:
– Nếu cậu gặp được hắn, cậu tính làm gì?
Ravic làm một cử chỉ mơ hồ, ý nói mình cũng chẳng biết.
– Nên nghĩ ngay từ bây giờ thì hơn. Không nên để đến khi gặp bất ngờ rồi mất bình tĩnh đâm ra hành động tầm bậy. Nhất là trong tình thế của cậu. Cậu không muốn lãnh vài năm tù đấy chứ?
Ravic vẫn im lặng nhìn anh. Morozov nói tiếp:
– Giá là tôi thì tôi chẳng cần. Nhưng vì đây là cậu cho nên tôi thấy lo. Thế thì cậu thử nói đi: nếu ban nãy cậu bắt kịp hắn, cứ cho là đúng hắn đi, thì cậu sẽ làm gì?
– Tôi không biết, Boris ạ. Tôi không biết thật.
– Cậu không có vũ khí trong người à?
– Không.
– Vậy thì nếu cậu xông vào hắn tay không, hai người sẽ bị cản ra ngay lập tức. Giờ này cậu sẽ đang ở đồn cảnh sát, còn hắn sẽ ung dung ra về, cũng lắm cũng chỉ bị đánh sưng mắt sưng mồm. Cậu hiểu chứ?
– Tôi hiểu. – Ravic vừa nói vừa quan sát góc đường.
– Cách tốt nhất mà cậu có thể dùng là xô hắn vào gầm một chiếc xe hơi đang đi qua ở chỗ ngã tư. Nhưng cách đó không chắc ăn. Hắn có thể chỉ bị sây sát xoàng.
– Tôi sẽ không xô hắn vào gầm xe. – Ravic nói, mắt vẫn không nhìn lại.
– Tôi biết. Tôi cũng thế.
Morozov ngồi im một lát.
– Ravic ạ, nếu có bao giờ cậu lại trông thấy hắn, cậu phải biết trước cậu định làm gì. Dịp may không đến hai lần đầu, cậu cũng biết đấy.
– Vâng, tôi biết.
– Nếu cậu gặp lại hắn, cậu hãy đi theo hắn. Khoan làm gì hết. Chỉ đi theo thôi. Cậu phải tìm cho ra chỗ ở của hắn. Thế thôi. Lúc bấy giờ hẵng nghĩ xem cần phải làm gì. Nhưng đừng làm gì bất cẩn. Cậu có nghe không?
– Vâng. – Ravic nói, mắt vẫn không rời đám người qua lại.
Một người bán hạt hạnh nhân đến cạnh bàn họ. Rồi đến một thằng bé bán chuột lên dây cót. Nó cho mấy con chạy nhảy trên bàn và leo lên ống tay áo nó. Người chơi đàn vĩ cầm lại đến đứng ở chỗ ban nãy. Bây giờ hắn đội mũ phớt và kẹo bài “Parlez moi d’amour”. Một bà già có dáng dấp con bệnh giang mai đến mời mua hoa violette. Morozov xem đồng hồ.
– Tám giờ rồi. Ngồi thêm cũng vô ích. Chúng mình đã ngồi hai tiếng đồng hồ rồi. Bây giờ nó không quay lại nữa đâu. Ở Pháp giờ này ai cũng đang ăn tối.
– Sao anh không về đi Boris? Anh ở lại đây với tôi làm gì?
– Chẳng có liên quan gì. Chúng ta muốn ngồi đây bao lâu thì ngồi. Nhưng tôi không muốn cậu hóa điên. Ngồi hàng giờ ở đây mà đợi thì thật là điên rồ. Bây giờ thì ở đâu cậu cũng có thể gặp hắn được với một xác suất không thua gì ở đây. Trong một tiệm ăn, một hộp đêm hay một nhà chứa cũng thế thôi.
– Tôi biết, Boris ạ. – Ravic nói, mắt thẫn thờ nhìn ra phố.
Lượng lưu thông đã giảm. Morozov đặt bàn tay rộng và lông lá lên cánh tay Ravic.
– Cậu nghe tôi nói đây. Nếu số cậu cho cậu gặp hắn, cậu sẽ gặp thôi. Nếu không thì chịu, chẳng có cách gì, dù cậu có chờ hàng năm. Cậu hiểu không? Cậu phải xem chừng. Cậu phải luôn luôn sẵn sàng đối phó với bất cứ tình hình nào. Nhưng cậu phải tiếp tục sống như thể vừa qua cậu trông nhầm. Đó là cách duy nhất. Nếu không, cậu sẽ đi đời. Cách đây gần hai mươi năm, tôi đã qua cái nông nỗi này. Suốt ngày tôi tưởng tượng là mình trông thấy một trong những tên đã giết cha tôi. Toàn ảo giác.
– Morozov uống cạn chén – Những ảo giác đáng nguyền rủa! Bây giờ thì tôi đưa cậu đi, ta sẽ ăn cái gì.
– Anh đi ăn đi Boris ạ. Tôi sẽ đến sau.
– Cậu muốn ở lại đây à?
– Một lát nữa thôi. Rồi tôi sẽ quay về khách sạn. Tôi có việc ở nhà.
Morozov quan sát Ravic. Anh biết Ravic có việc gì làm ở khách sạn. Anh cũng biết đó là việc duy nhất có thể làm được. Việc đó chỉ liên quan đến một mình Ravic mà thôi.
– Thôi được – Anh nói – Tôi sẽ đến Mere Marie. Sau đó đến Bublishki. Cứ gọi điện cho tôi hay đến đấy gặp tôi.
Anh nhướng cao đôi mày rậm.
– Và chớ có mạo hiểm, dù chỉ chút ít thôi cũng vậy. Đừng chơi trò anh hùng. Đừng có giở trò ba láp. Chỉ khi nào chắc là không bị lộ mới bắn. Ta đang sống trong cuộc đời chứ không phải trong xi-nê.
– Tôi biết, Boris ạ, anh đừng lo.
Ravic về khách sạn International một lát rồi lại đi ngay. Dọc đường anh ghé khách sạn Milan. Anh xem đồng hồ. Tám giờ rưỡi. Jeanne chắc còn ở nhà.
– Ravic! – Cô kinh ngạc kêu lên khi thấy anh đến -Anh đến đây đấy à?
– Ừ…
– Đây là lần đầu đấy, anh ạ. Lần đầu kể từ khi anh đưa em đến đây.
Ravic mỉm cười bâng quơ.
– Đúng đấy Jeanne ạ. Chúng ta sống một cuộc đời thật kỳ lạ.
– Vâng, như chuột chũi ấy. Hay như loài dơi. Hay như loài cú. Chúng mình chỉ gặp nhau khi tối trời.
Jeanne đi đi lại lại trong phòng với những bước dài quen thuộc. Nàng mặc chiếc áo dài xanh mặc ở nhà, có thắt lưng ngang hông. Chiếc áo dạ hội màu đen mà nàng thường mặc ở tiệm Schéhérazade trải sẵn trên giường. Ravic thấy nàng đẹp và cách vời.
– Em sắp phải đi hở Jeanne?
– Không. Nửa giờ nữa mới phải đi. Đây là thời gian thích nhất của em: thời gian trước khi đi làm. Anh xem em có những gì: có cà phê, và có đủ thì giờ uống. Bây giờ em lại có cả anh nữa.
Ravic cầm lấy tay nàng, nói:
– Jeanne…
Nang nhích lại gần hơn và lim dim đôi mắt lại.
– Anh nói ngay cho em biết có chuyện gì đi.
– Em muốn nói chuyện gì?
– Khi nào anh như thế này là bao giờ cũng có chuyện gì. Vì chuyện ấy mà anh đến đây phải không?
Tuy người và tay Jeanne không hề nhúc nhích một chút nào, anh vẫn biết là nàng muốn anh buông ra.
– Tối nay em đừng đến anh nhé. Tối nay và có lẽ mấy ngày sau nữa.
– Anh phải ở lại bệnh viện à?
– Không. Đây là chuyện khác. Anh không nói cho em biết được. Nhưng đó là một chuyện không dính dáng gì đến em và anh.
Jeanne vẫn đúng im. Cô nói:
– Được ạ.
– Em hiểu chứ?
– Không. Nhưng anh đã nói ra là tốt rồi.
– Em không giận anh chứ?
Jeanne nhìn anh.
– Trời, ơi Ravic! Em làm sao có thể giận anh được dù có gì xảy ra!
Anh ngẩng đầu lên. Như thể có một bàn tay đè nặng lên tim anh. Jeanne vừa nói điều đó ra mà không suy nghĩ. Nhưng, không còn có gì có thể làm cho anh cảm động hơn thế nữa. Anh chỉ nghe loáng thoáng những lời Jeanne vẫn thường thì thầm trong đêm; anh quên những lời ấy đi ngay từ khi chút ánh sáng đầu tiên của bình minh lọt vào cửa sổ. Anh biết rằng những giờ phút mê ly đắm đuối mà Jeanne sống qua trong khi nép vào lòng anh là những cơn say mê nhất thời. Anh không bao giờ quan tâm đến. Và giờ đây, lần đầu tiên, như một người phi công lần đầu tiên trông thấy mặt đất xanh, nâu, vững chắc qua những khoảng hở trong lớp mây trên đó ánh sáng đang chơi trò ú tim, lần đầu tiên anh tìm thấy ở Jeanne một cái gì hơn thế. Anh nhìn thấy lòng tận tụy ở phía sau niềm say mê, lòng tin tưởng giản dị ở phía sau dòng từ ngữ. Anh đã chờ sẵn những ý nghi kỵ, những câu hỏi dò, một thái độ thiếu thông hiểu; chứ không dự kiến được điều này. Bao giờ cũng chính những sự việc nhỏ nhặt đưa đến những phát hiện lớn lao. Những sự việc lớn lao bao gồm quá nhiều cử chỉ thống thiết, và chứa đựng quá nhiều động cơ nói dối.
Một căn phòng khách sạn. Mấy chiếc va-li, một cái giường, một chút ánh sáng: bên kia cửa sổ là cảnh cô tịch tối tăm của ban đêm và của dĩ vãng… và ở đây là gương mặt với đôi mắt xám, đôi lông mày vòng cung, mái tóc tuyệt vời… Cả một sự sống tưng bừng đang vươn tới anh như hoa hướng dương vươn tới ánh sáng. Tất cả sự sống đó đang hiến mình cho anh, nói với anh “Lấy em đi, giữ lấy em!”. Đã lâu rồi, chẳng phải anh đã nói “Anh sẽ giữ lấy em” đó sao?
Ravic đứng dậy.
– Anh đi Jeanne nhé.
– Chào anh, Ravic.
Ravic ngồi ở sân hiên tiệm Fouquet’s. Cũng cái bàn lần trước. Anh ngồi đấy hàng giờ, chìm vào thời dĩ vãng u tối của anh, trong đó chỉ có một ánh đèn: niềm hy vọng được trả thù.
Chúng bắt anh vào tháng Tám năm 1933. Trong hai tuần đầu đã giấu trong nhà hai người bạn đang bị Gestapo lùng bắt và sau đó đã giúp họ trốn thoát. Một trong hai người ấy đã cứu sống anh năm 1917, ở Bixschoote thuộc vùng Flandres,và đã khiêng anh về dưới làn đạn súng máy sau khi tìm thấy anh nằm mất máu dần dần trên khỏang đất giữa hai trận tuyến. Người kia là một nhà văn người Do Thái mà anh quen từ mấy năm trước. Người ta đã bắt Ravic để hỏi cung, để biết hai người đi trốn theo hướng nào, họ có những giấy tờ gì, và tất cả những gì có thể giúp họ trên đường tẩu thoát, Haake là người đã hỏi cung anh. Sau một lần ngất đi, anh đã tìm cách giết Haake bằng khẩu súng lục của chính hắn; mọi mưu toan điên rồ chống lại bốn người lực lưỡng có vũ khí. Suốt ba ngày, giữa cơn mê man, trong những khoảng thời gian dần dần tỉnh lại, trong cơn đau gớm guốc, cái nụ cười nhầy nhụa của Haake đã thấp thoáng trong trí anh. Suốt ba ngày, cũng chỉ mấy câu đó mà chúng hỏi đi hỏi lại anh hàng chục lần. Suốt ba ngày, cũng vẫn cái thân thể ấy, thương tích đã phủ lên khắp mọi chỗ, tưởng không còn có thể chịu đau hơn nữa, mà chúng cứ đấm đá mãi. Rồi đến chiều ngày thứ ba ấy, chúng đã dẫn Sybil vào.
Sybil không hề hay biết gì về việc này. Chúng đưa Ravic cho Sybil nhìn thấy, mong moi được của cô một lời khai. Sybil đẹp, thích xa hoa, xưa nay quen sống phù phiếm. Anh chắc thế nào trông thấy thân hình anh cô cũng ngã khuỵu xuống, hét lên. Nhưng trái hẳn, cô, đã quay sang những kẻ hành hạ anh, ném vào mặt chúng những lời lăng mạ chết người. Chết người đối với bản thân cô, cô cũng biết thế. Haake không cười mỉm nữa.
Hắn đã cho kết thúc cuộc hỏi cung. Hôm sau, hắn cho Ravic biết rằng Sybil sẽ bị đưa vào trại tập trung phụ nữ nếu anh không thú nhận. Ravic không trả lời. Lúc bấy giờ Haake giảng giải cho anh hiểu thân phận của Sybil trước khi vào trại tập trung. Ravic vẫn không khai gì, vì anh chẳng có gì để mà khai cả. Anh đã cố thuyết phục cho Haake hiểu rằng Sybil không biết gì. Anh đã khẳng định với Haake rằng anh chỉ biết Sybil một cách hời hợt. Rằng trong đời anh Sybil chỉ là một con búp bê xinh đẹp. Rằng xưa nay anh chưa bao giờ tâm sự điều gì với Sybil. Sự thật đúng như thế. Nhưng Haake chỉ cười.
Ba hôm sau, Sybil đã chết. Cô đã tự thắt cổ chết trong trại tập trung. Hôm sau, một trong những người đi trốn bị đưa về. Đó là anh nhà văn người Do Thái. Ravic không nhận ra được anh ta, ngay cả giọng nói cũng vậy. Haake tra tấn anh ta đến một tuần, anh ta mới chết. Rồi Ravic vào trại tập trung. Rồi đến thời gian ở bệnh xá… và cuối cùng là cuộc vượt ngục.
Trăng lên trên Khải Hoàn Môn. Đọc đại lộ Champ-Elysées, những ngọn đèn đường nhấp nháy dưới làn gió. Các bàn trên sân hiên phản chiếu ánh đèn đêm. Tất cả những cảnh này đều hư ảo, Ravic tự nhủ, cả ánh trăng, đêm tối, dãy phố; và cũng hư ảo nữa, cái thời khắc đang bay qua chạm cánh vào anh, kỳ lạ và gần gũi như thể mình đã từng sống qua trong một kiếp khác, trong một thế giới khác… và cũng hư ảo nữa những kỷ niệm của mấy năm qua, những năm đã chìm lắng, vừa như đang sống, vừa như đã chết, leo lét trong ký ức của ta như anh lân tính, đã ngưng đọng lại trong đợi chờ… và cả bầu máu đang chảy trong các huyết mạch tối tăm của ta không lúc nào nghỉ, ở một nhiệt độ lúc nào cũng như lúc nào, cái chất lỏng có vị mằn mặn, mấy lít năng lượng giấu kín và sức lao mãnh liệt… cũng là hư ảo, và cả cái phản xạ, cái kho tàng vô hình gọi là ký ức kia cũng vậy. Những ngôi sao thay nhau nhô lên từ chân trời không ngớt, ngôi thì sáng long lanh, ngôi thì đỏ ngầu, như sao Hỏa ở phía trên đường Berri, ngôi thì sáng nhờ nhờ như đầy những vết bẩn… bầu trời của ký ức mà ở phía dưới là cõi hiện tại đang tiếp tục không ngừng cuộc sống lộn xộn của nó.
Ngọn lửa biếc của phục thù. Thành phố với ánh trăng và tiếng xe cộ của nó. Những dãy nhà kéo dài vô tận. Những khung cửa sổ chi chít, mà ở phía sau canh bạc của định mệnh đang diễn ra quyết liệt. Những tiếng tim đập của một triệu con người, giống như nhịp hoạt động của một cỗ máy khổng lồ, đang tiến chầm chậm, chầm chậm trên con đường đời, mỗi nhịp đập làm cho nó nhích gần hơn một chút tới sự diệt vong.
Ravic đứng dậy. Khu Champs-Elysées đã dần dần vắng lặng. Chỉ còn bóng mây cô gái điếm đi lại vật vờ. Anh đi không có mục đích, qua các phố Pierre-Charlon, Marbeuf, Marignan. Anh đi đến Bùng binh rồi trở về Khải Hoàn Môn. Anh bước qua dãy dây xích sắt và đứng yên trước mộ người Lính Vô danh. Ngọn lửa xanh xanh leo lét dưới vòm tối. Một vòng hoa tựa vào phiến đá đang héo dần. Anh đi qua quảng trường, bước vào cái quán rượu nơi anh ngỡ trông thấy Haake lần đầu. Trong quán có mấy người lái xe ngồi. Anh ngồi xuống cạnh cửa sổ và gọi cà phê. Mấy người lái xe đang nói chuyện về Hitler. Họ chế riễu hắn, tiên đoán cho hắn một kết cục đột ngột và khủng khiếp nếu hắn dám mon men đến gần chiến lũy Maginot.
Sao mình lại ở đây nhỉ? – Ravic tự nhủ. Mình ở đâu thì cũng thế thôi, ở bất kỳ một khu phố nào ở Paris, xác suất cũng như nhau. Anh nhìn đồng hồ. Ba giờ. Muộn rồi. Haake, nếu quả đó chính là hắn, chắc chắn là giờ này không còn ở ngoài đường.
Một cô gái điếm đi qua trước cửa tiệm, liếc nhìn vào bên trong qua tấm cửa kính. Nếu cô ta quay lại, mình sẽ đi theo – Ravic tự nhủ. Cô ta lại đi qua trước cửa, nhưng Ravic vẫn ngồi yên tại chỗ. Nếu cô ta đi qua lần nữa, mình sẽ đi. Như thế sẽ có nghĩa là Haake không ở Paris, cô gái quay lại thật, và khẽ gật đầu với Ravic. Anh vẫn không nhúc nhích.
Người bồi bắt đầu xếp ghế lên mấy cái bàn không. Mấy anh lái xe lục tục rời cái quán. Người bồi tắt ngọn đèn trên quầy tính tiền. Một bóng tối mù mờ như khói tràn vào căn phòng. Ravic trấn tĩnh lại.
– Tính tiền đây. – Anh gọi.
Gió đã nổi lên, và trời trở lạnh. Mây kéo rất nhanh qua bầu trời. Ravic đứng lại trước khách sạn của Jeanne. Mọi vật đều tối om, trừ một khung cửa sổ treo rèm để lọt ra ngoài một ít ánh sáng. Đó là buồng của Jeanne. Cô không thích vào một căn phòng tối. Cô đã để đèn sáng vì tối nay cô không đến phòng anh. Bỗng dưng anh không còn hiểu mình nữa. Tại sao anh lại không muốn gặp Jeanne? Kỷ niệm của người đàn bà kia mờ nhạt đi từ lâu, chỉ có kỷ niệm về cái chết của người ấy là còn lại.
Còn như cái việc kia thì có gì liên quan đến Jeanne? Nó có liên quan gì đến bản thân anh nữa? Theo đuổi một ảo ảnh, tuân theo một phản xạ ký ức mơ hồ như thế, anh chẳng phải là điên rồ sao? Việc gì lại khuấy động lớp bùn của những năm đã qua mà một sự giống nhau đáng nguyền rủa đã lôi ra từ dĩ vãng? Việc gì lại để cho cái nhọt đã thành sẹo ấy mở ra và mưng mủ trở lại? Việc gì lại làm lụy đến tất cả những gì mà anh đã gầy dựng nên trong bản thân anh, đến cuộc sống của anh nay đã khác hẳn, cuộc sống của bản thân anh và người duy nhất gần gũi với anh? Phải đoạn tuyệt với dĩ vãng: điều đó anh đã tự nhắc đi nhắc lại hàng nghìn lần. Nếu không thì làm thế nào thoát ra được? Làm thế nào sống tiếp được?
Anh cảm thấy mảng chì đang đè nặng lên tim anh tan đi chầm chậm. Anh thở thật sâu ngọn gió đang tràn ngập dãy phố. Anh lại nhìn lên khung cửa sổ có ánh đèn. Vậy ra có một người đang cần anh, đối với người đó anh là hệ trọng, một người đàn bà mà gương mặt biến sắc đi khi anh nhìn nó. Và chỉ thiếu chút nữa anh đã đem tất cả những cái đó hy sinh cho một ảo giác quái dản, cho một thái độ cao ngạo và khinh miệt mà khát vọng trả thù đã làm nảy sinh.
Anh muốn gì? Anh cưỡng lại cái gì? Anh cố tự bảo tồn vì mục đích gì? Cuộc sống tự hiến dâng cho anh, thế mà anh đưa ra những lý lẽ để cưỡng lại. Không phải vì nó cho anh chưa đủ, mà vì nó cho anh quá nhiều. Phải chăng cơn giông đẫm máu của dĩ vãng nhất thiết phải lao vào anh, anh mới nhận thức ra điều đó? Anh cử động đôi vai. Trái tim! – Anh nghĩ… Trái tim! Nó mở rộng biết bao nhiêu! Nó hồi hộp biết bao nhiêu! Khung cửa sổ sáng trong đêm, phản ánh của một sự sống đã đem mình hiến cho anh một cách say mê, của một trái tim mở rộng chờ anh, chờ cho tim anh cũng mở rộng. Ngọn lửa của tình yêu… ngọn lửa Thánh Elme của niềm âu yếm… tia chớp thiêu đốt và sắc nhọn của máu… người ta biết nó, người ta đã từng biết nó, người ta tưởng đã biết nó rõ đến mức không bao giờ trí óc người ta còn có thể bị nó tràn vào nữa! Rồi một đêm, trước khung cửa sổ có ánh đèn của một khách sạn hạng tồi, nó từ mặt nhựa đường dâng lên như một làn hơi. Người ta cảm thấy nó như thể nó mãi từ nơi sơn cùng thủy tận đến, từ những hòn đảo xanh nơi mọc những rặng dừa, hay từ xứ sở của những dòng khe nhiệt đới, như thể nó đã lọc qua các đại dương, qua các quần đảo san hô, qua nham thạch của các núi lửa, như thể nó đổ cuồn cuộn vào bóng tối của thành Paris, vào phố Poncelet đột nhiên đem về đây mùi hương hoa dâm bụt và hoa mimosa trong một đêm tràn đầy phục thù và dĩ vãng, làm cho cảm xúc sống dậy một cách không sao cưỡng nổi…
Tiệm Schéhérazade chật ních những người. Jeanne đang ngồi với mấy người nữa ở một bàn rượu. Cô trông thấy Ravic ngay. Anh đứng lại ở cạnh cửa ra vào. Căn phòng đầy khói thuốc lá và âm nhạc. Jeanne nói mấy câu với những người cùng ngồi, rồi rời bàn đi nhanh ra phía anh.
– Ravic!…
– Người ta còn cần em ở đây nữa không?
– Anh hỏi em như thế để làm gì?
– Để đưa em đi…
– Nhưng anh đã nói là…
– Những chuyện đó đã xong cả rồi. Em có phải ở lại nữa không?
– Không. Em chỉ cần nói cho họ biết là em đi.
– Thế thì nói nhanh đi. Anh đợi em ngoài taxi.
– Vâng.
Rồi cô nói thêm sau một lát do dự:
– Ravic… Anh đến đây vì em à?
– Đúng – Ravic đáp khe khẽ, trong khi mặt hai người xích lại gần nhau – Vì em đấy Jeanne ạ. Chỉ vì em mà thôi.
Chiếc xe taxi lăn bánh dọc phố Liège.
– Trước đây có chuyện gì thế, Ravic?
– Không có gì đâu.
– Em cứ sợ…
– Em đừng nghĩ đến nữa, không có gì đâu.
Jeanne nhìn anh và nói:
– Em cứ tưởng là anh sẽ không bao giờ trở lại nữa.
Ravic cúi về phía Jeanne và thấy nàng run rẩy.
– Jeanne, em đừng nghĩ gì hết, và đừng hỏi nữa. Em có trông thấy những ánh đèn đường và hàng ngàn tấm biển quảng cáo bằng đèn néon kia không? Chúng ta sống trong một thế kỷ đang tàn tạ, trong khi đó thì thành phố lại hừng hực sức sống. Chúng ta đã bị bứt ra khỏi mọi thứ, và chỉ còn có trái tim mình nữa thôi. Trước đây anh đã bị lạc lên mặt trăng, và anh đã về với em, vì em là sự sống. Em đừng hỏi gì thêm nữa. Tóc em còn cất giấu nhiều điều bí ẩn hơn là một ngàn câu hỏi. Ta có trước mắt một đêm – mấy giờ nữa… một thời gian vô tận, trước khi buổi sáng đến làm rung kính cửa sổ của chúng ta. Các sinh vật yêu nhau: tất cả là ở đó. Điều kỳ diệu nhất và bình thường nhất của thế giới; điều mà anh đã cảm thấy tối nay, khi đêm bỗng trở thành như một khóm cây nở hoa, khi gió sực mùi dâu chín. Không có tình yêu, con người chỉ là một xác chết được nghỉ phép, một mảnh giấy có đề ngày tháng và đề tên. Thà chết còn hơn!
Ánh đèn đường lọt vào cửa kính xe tai như một ánh hải đăng dọi vào một căn buồng tầu thủy. Đôi mắt Jeanne lần lượt tối sẫm rồi lại trong leo lẻo trên gương mặt xanh xao.
– Chúng mình sẽ không chết. – Nàng thì thầm trong vòng tay Ravic.
– Không đâu. Chỉ có thời gian, cái thời gian bị nguyền rủa ấy, nó bao giờ cũng chết, trong khi chúng ta bao giờ cũng sống. Khi em thức dậy thì đó là mùa xuân, và khi em ngủ thì đó là mùa thu, và giữa hai cái đó, hàng nghìn lần, là mùa đông và mùa hạ. Và khi có những con người yêu nhau đủ mạnh, thì họ cũng vĩnh viễn như nhịp đập của trái tim, hay như mưa gió. Với mỗi ngày tới, chúng ta là những kẻ chinh phục, em ạ. Và, với mỗi năm trôi qua, chúng ta là những kẻ chiến bại… nhưng điều đó có nghĩa gì đâu? Mà có ai thèm hiểu đâu? Chính giờ phút này là sự sống… và chính khoảnh khắc này là gần vĩnh viễn hơn cả… mắt em sáng long lanh, những hạt bụi sao bay về vô tận, các thần linh có thể già, nhưng miệng em trẻ, ẩn số đang run rẩy giữa chúng ta, cái Em và cái Anh, cái Gọi và cái Đáp, trong những buổi chiều và những buổi hoàng hôn… đó là phút xuất thần của tất cả những người yêu, từ những tiếng gầm xa xa của dục vọng thô bạo đến những cơn giông thiếp vàng, từ cội nguồn xa xôi của những con amibes cho đến nàng Ruth và nàng Esther, nàng Hélène và nàng Aspasie, cho đến những đức bà mặc áo xanh của các nhà thờ làng, từ rừng muông thú cho đến em, đến em…
Jeanne ngồi im trong tay Ravic, hoàn toàn buông thả, đến nỗi như thể nàng không còn ở đấy nữa. Ravic cúi xuống gần nàng, nói không dứt lời… anh cảm thấy như có một cái bóng nhìn qua vai anh, một cái bóng đang nói gì mà không phát ra một âm thanh nào, và đang mỉm cười. Anh cúi xuống sát nàng hơn nữa, anh cảm thấy nàng rướn mình lên sát anh hơn nữa. Rồi bỗng nhiên, cái bóng biến mất.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.