Khải Hoàn Môn

CHƯƠNG 11



Thằng bé không hề rên lên một tiếng. Nó chỉ im lặng nhìn người thầy thuốc. Nó còn choáng váng cho nên chưa cảm thấy đau. Ravic xem xét cái chân bị nghiến nát.
– Cháu bao nhiêu tuổi? – Anh hỏi người mẹ.
– Sao ạ? – Chị ta hỏi lại như không hiểu.
– Cháu mấy tuổi?
Người đàn bà lúng búng qua chiếc khăn mùi soa mà chị ta áp chặt lên môi:
– Cháu nó… cái chân nó! Xe vận tải!
Ravic nghe tim thằng bé đập.
– Cháu đã lần nào ốm chưa?
– Chân nó! – Người đàn bà nhắc lại – Chân nó làm sao rồi!
Ravic đứng thẳng dậy. Tim thằng bé đập nhanh như tim một con chim nhỏ, nhưng ở đây không có dấu hiệu gì đáng lo ngại. Chỉ có điều cần phải theo dõi thắng bé thường xuyên khi đã gây mê. Người nó gầy gò, và có thể thấy rõ nó bị còi xương. Điều quan trọng là phải bắt tay vào việc ngay. Cái chân bị nát của nó lấm bùn be bét.
– Ông có cưa chân của con đi không? – Thằng bé hỏi.
– Không. – Ravic nói mà không tin điều mình nói.
– Tốt hơn là nên cưa đi, nếu không chữa được cho nó lành hẳn.
Ravic nhìn kỹ khuôn mặt nhỏ nhắn chưa bị cái đau làm biến dạng đi.
– Ta sẽ xem xem – Anh nói – Bây giờ thì phải làm cho cháu ngủ đã. Rất đơn giản. Cháu đừng sợ gì hết. Phải thật bình tĩnh.
– Xin ông một phút ạ. Số xe là FO 2019. Ông viết dùm cho mẹ con.
– Cái gì con? Có chuyện gì hở Jeannot? – Người mẹ nói.
– Con nhớ được số xe mẹ ạ: FO 2019. Cái biển số ở ngay trước mặt con. Lúc ấy là đèn đỏ. Lão lái xe trái rõ ràng. – Nó thở khó nhọc – Công ty bảo hiểm phải bồi thường. Số xe…
– Chú ghi rồi – Ravic nói – Cháu đừng lo lắng. – Anh ra hiệu cho Eugénie bắt đầu gây mê.
– Mẹ phải ra công an. Phải bắt sở bảo hiểm bồi thường.
Mấy giọt mồ hôi lớn ứa trên gương mặt nó. Nó vẫn nói tiếp:
– Nếu ông cưa cụt chân con đi thì sẽ được bồi thường nhiều hơn. Còn nếu chỉ què chân thì chỉ được ít thôi…
Quanh hai con mắt của thằng bé dần dần hiện lên hai cái quầng thâm nổi bật lên trên làn da mặt trắng mịn. Thằng bé rên lên một tiếng và cố gượng nói thêm một điều gì:
– Mẹ… không hiểu… nói giùm…
Nó không nói được nữa. Nó bắt đầu rên khe khẽ. Nó chỉ còn là một con thú bị thương kêu đau.
– Có những gì xảy ra ở bên ngoài hở Ravic? – Kate Hegstroem hỏi.
– Chị hỏi tôi những chuyện ấy làm gì? Tốt hơn, nên nghĩ đến những chuyện thú vị hơn.
– Tôi có cảm giác đã nằm đây mấy tuần rồi. Tôi thấy mình quá xa cách với tất cả. Như thể tôi bị chìm dưới đáy nước.
– Hiện thời thì như thế tốt hơn.
– Không, vì tôi có cảm giác quá rõ là căn phòng này như một Nhà thuyền của Noe, và cơn hồng thủy đã tràn lên mênh mông ở ngoài cửa sổ.
– Không có gì mới xảy ra đâu Kate ạ. Thế giới vẫn tiếp tục tự an ủi bằng ảo giác, trong khi thản nhiên chuẩn bị cho cuộc tự sát sắp tới.
– Anh có tin là có chiến tranh không?
– Chắc chắn là sẽ có chiến tranh. Chỉ còn một điều chưa biết được là bao giờ nó sẽ nổ ra. Mọi người đều chờ mong một phép mầu, một điều kỳ diệu sẽ xảy ra. – Ravic mỉm cười – Tôi chưa bao giờ thấy có nhiều chính khách tin vào phép mầu như hiện nay ở Pháp và ở Anh. Và tôi cũng chưa thấy ở đâu có ít chính khách tin vào điều đó như ở Đức.
Kate im lặng một lát.
– Lẽ nào điều đó có thể xảy ra?
– Phải, chẳng ai muốn tin. Và chính vì người ta không muốn tin cho nên người ta không làm gì để ngăn chặn nó lại. Chị có đau lắm không, Kate?
– Chưa đến nỗi không chịu đựng được. – Cô sửa lại cái gối ở dưới đầu – Tôi chỉ muốn làm sao thoát ly ra khỏi tất cả những chuyện này, Ravic ạ.
– Tôi hiểu. Ai mà chẳng muốn?
– Khi rời khỏi đây, tôi muốn sang Ý. Đến Fiesolo. Ở đấy tôi có một ngôi nhà rất yên tĩnh, có vườn. Tôi muốn ở lại đây một thời gian. Trời sẽ đẹp lắm. Nắng ở đây hơi nhạt, nhưng lúc nào cũng có. Những con thằn lằn buổi trưa ngủ trên các vách đá. Chiều chiều nghe tiếng chuông nhà thờ từ Florence vang về. Và đêm đến là vầng trăng và những vì sao ở phía sau mấy cây trắc bá. Trong nhà có một tủ sách và một lò sưởi cũ kỹ, xung quanh đặt những chiếc ghế gỗ. Mấy cái đế sắt trong lò sưởi có thể dùng để đặt những ly rượu lên hâm cho nóng. Trong nhà chẳng có ai. Chỉ có một đôi vợ chồng già trông nom quét dọn.
– Thật tuyệt vời – Ravic nói – Sự yên tĩnh… cái lò sưởi… sách… thật thanh bình. Ngày trước người ta cho những thứ này là trưởng giả. Bây giờ đó là giấc mơ về cõi thiên đường đã mất.
– Tôi muốn ở đây một thời gian. Vài ba tuần. Nhiều hơn cũng nên, tôi không biết nữa. Đủ thời gian để thanh thản trở lại. Rồi tôi sẽ quay về đây trước khi đi Mỹ.
Ravic nghe thấy tiếng xe đưa thức ăn tối làn ngoài hành lang.
– Chị nghĩ phải đấy Kate ạ.
– Theo anh thì tôi còn có thể có con được nữa không Ravic? – Kate hỏi sau một lát im lặng ngắn.
– Bây giờ thì chưa được. Bây giờ phải tích lũy thật nhiều sức lực đã.
– Tôi không nói bây giờ. Tôi muốn nói là một ngày nào đó. Vì phẫu thuật vừa rồi… anh không…
– Không, chúng tôi không cắt bỏ chút gì.
Kate thở dài.
– Đó là điều trước đây tôi muốn biết.
– Nhưng còn phải nhiều thời gian nữa, Kate ạ. Trước hết phải gầy dựng lại hoàn toàn cơ thể của chị.
– Lâu mau thì không quan trọng. – Kate vuốt lại mái tóc, làm cho mặt nhẫn kim cương ở ngón tay ánh lên một nhoáng – Bây giờ mà tôi đã hỏi anh điều đó thì cũng lố bịch thật anh nhỉ?
– Sao lại thế?… Điều đó hoàn toàn tự nhiên.
– Số là thế này anh ạ: tôi bỗng dưng thấy chán kiểu sống này. Tôi muốn về nước và lấy chồng. Một cuộc hôn nhân nghiêm túc, vững bền, có mấy đứa con, sống thanh thản, kính Chúa và yêu đời.
Qua khung cửa sổ, Ravic nhìn ánh tà dương phản chiếu trên các nóc nhà. Ngay trong những tia nắng tàn tạ này, những ngọn đèn néon trên các biển hiệu cũng chỉ còn là những cái bóng không có màu sắc, không có sức sống.
– Sau những điều anh đã biết về tôi, chắc anh phải thấy tôi kỳ cục lắm nhỉ?
– Tuyệt nhiên không.
– Tôi đã nghĩ đến những chuyện này từ hai hôm nay. Đã từ lâu tôi chưa lúc nào cảm thấy mình trẻ và vui như bây giờ. Bao giờ tôi về bên ấy rồi, tất cả những năm tôi đã sống ở đây đối với tôi sẽ chỉ còn là một giấc mơ điên rồ.
Jeanne Madon đến vào lúc bốn giờ sáng. Ravic thức giấc khi nghe thấy tiếng cửa mở. Khi đi ngủ anh nghĩ rằng Jeanne sẽ không đến. Anh trông thấy Jeanne trong khung của. Cô hơi vướng khi bước vào, vì hai tay cô ôm một ôm hoa cúc to tướng. Hoa che khuất cả mặt cô. Anh chỉ thấy thân hình Jeanne và những đại hoa bóng loáng.
– Một rừng hoa cúc – Ravic nói – Để làm gì thế, trời đất?
Jeanne đi vào phòng và ném mớ hoa lên giường. Những cánh hoa ẩm thoang thoảng mùi mùa thu và mùi đất.
– Quà tặng đấy – Cô nói – Từ khi em biết anh, em bắt đầu được tặng quà.
– Cất ngay đi! Anh chưa chết mà! Nằm dưới một đống hoa, nhất là hoa cúc! Giường anh giống như một cỗ quan tài.
– Đừng anh! – Bằng một động tác dữ dằn, Jeanne lùa cả mớ hoa xuống đất – Đừng bao giờ nói những điều như thế! Đừng bao giờ!
Ravic nhìn Jeanne. Ánh đã quên mất hai người gặp nhau trong một hoàn cảnh như thế nào.
– Kìa em, anh đùa mà!
– Anh đừng bao giờ nói như thế nữa! Dù là nói đùa! Anh hứa đi! – Anh thấy đôi môi Jeanne run run.
– Anh đã làm em sợ hãi đến thế ư? – Thế thì – Anh vừa nói vừa đứng dậy – anh sẽ không bao giờ nói thế nữa.
Jeanne nép mình vào vai anh.
– Em cũng không biết khi nghe anh nói thế em ra làm sao nữa. Em không chịu được, em không sao chịu nổi. Như thể có một bàn tay từ trong bóng tối thò ra để nắm lấy em… đó là một cảm giác kinh hoàng, một nỗi kinh hoàng mù quáng… như thể có một nguy cơ đang rình em ở một nơi nào. – Cô nép sát hơn nữa vào người anh – Anh hãy làm sao cho điều đó đừng xảy ra!
Ravic ôm chặt lấy cô.
– Không, điều đó sẽ không xảy ra đâu.
Jeanne gật gật đầu.
– Anh đủ sức làm cho nó dừng xảy ra.
– Đúng – Anh nói với một giọng tràn đầy sầu não và đắng cay: anh nghĩ đến Kate Hegstroem – Phải, anh đủ sức làm được… quả thật… anh có thể.
Jeanne cựa quậy trong vòng tay anh.
– Hôm qua em có đến…
Ravic không phản ứng.
– Em có đến ư?
– Vâng.
Anh vẫn im lặng. Có một cái gì vừa đổ vỡ. Anh đã tỏ ra trẻ con biết chừng nào! Đợi chờ hay không đợi chờ… Và mục đích gì? Việc gì lại đi chơi một trò chơi ngu xuẩn với một người không hề nghĩ đến chuyện chơi…
– Anh không ở nhà.
– Không.
– Em biết rằng em không được hỏi anh đi đâu…
– Đúng.
Jeanne vùng ra khỏi vòng tay Ravic.
– Em muốn tắm một chút. – Cô nói, giọng đã thay đổi đi – Ngoài trời tuyết đang xuống. Em lạnh lắm. Em tắm bây giờ liệu có làm cho cả khách sạn thức giấc không?
Ravic mỉm cười.
– Đừng bao giờ tìm hiểu hậu quả của việc em định làm, nếu không, em sẽ không bao giờ làm được việc đó.
Jeanne nhìn anh.
– Phải tìm hiểu những chuyện nhỏ nhặt… không bao giờ tìm hiểu những chuyện lớn lao.
– Đúng.
Jeanne đi vào phòng tắm và mở vòi nước. Ravic đến ngồi cạnh cửa sổ, vói tay lấy bao thuốc lá. Ở bên ngoài, phía trên các mái nhà, có thể nhìn thấy cái quầng sáng đo đỏ trùm trên thành phố. Anh nhìn tuyết rơi chầm chậm. Một chiếc xe taxi đi qua ở ngoài đường. Trên sân, mớ hoa cúc làm thành một mảng mờ mờ. Một tờ báo nằm lăn lóc trên đi-văng, anh mua nó về từ chiều. Chiến trận đang diễn ra ở biên giới Tiệp Khắc. Chiến trận đang diễn ra ở Trung Hoa. Một tối hậu thư. Một chính phủ đỏ. Anh cầm lấy tờ báo, vùi nó xuống mớ hoa.
Jeanne từ buồng tắm đi ra. Da nàng ướt và ấm. Nàng quỳ xuống sát bên anh, giữa đám hoa.
– Tối hôm qua anh đi đâu? – Nàng hỏi.
Ravic đưa cho nàng một điếu thuốc.
– Em muốn biết thật à?
– Vâng.
Anh do dự một lát, rồi nói:
– Anh ở đây. Anh đã chờ em. Anh đã tưởng em không đến, cho nên anh bỏ đi.
Jeanne không đáp. Điếu thuốc lá của nàng lần lượt đỏ lên rồi lại mờ đi từng chặp trong bóng tối.
– Chỉ có thế thôi.
– Anh đi uống rượu à?
– Ừ…
Jeanne nhìn thẳng vào mắt anh.
– Ravic, có thật là anh bỏ đi vì thế không?
– Thật.
Nàng đặt hai tay lên đùi Ravic. Xuyên qua lần len của chiếc áo choàng ngủ, anh cảm thấy hơi ấm của Jeanne. Một hơi ấm cũng thân quen đối với anh như hơi ấm của chất len; anh thấy như thể Jeanne đã trở về từ một thời nào của đời anh trong đó nàng đã có một vị trí thực sự.
– Tối nào em cũng đến. Lẽ ra anh phải biết rằng tối hôm qua em cũng sẽ đến. Không phải vì để tránh gặp em mà anh bỏ đi đấy chứ?
– Không.
– Khi nào anh không muốn gặp em, anh phải nói đấy.
– Anh sẽ nói.
– Cũng không phải vì một lý do khác?
– Không, không phải vì một lý do khác.
– Thế thì em sung sướng quá.
– Em vừa nói gì?
– Em hạnh phúc quá.
– Em có thật ý thức được điều em đang nói không?
– Có chứ.
Ánh sáng nhàn nhạt từ bên ngoài hắt vào phản chiếu trong mắt Jeanne.
– Không nên nói những điều như thế một cách khinh suất đâu Jeanne ạ.
– Em không nói một cách khinh suất.
– Hạnh phúc, nó bắt đầu ở đâu và kết thúc ở đâu?
– Chân anh chạm vào đám hoa cúc. – Hạnh phúc… là những chân trời xanh biếc của thiếu thời. Những giấc mộng vàng của cuộc sống. Hạnh phức! Bây giờ nó đang ở đâu?
– Hạnh phúc bắt đầu từ anh và kết thúc với anh. -Jeanne nói – Điều đó rất giản đơn.
Ravic không đáp. Anh tự hỏi: Jeanne có biết mình đang nói gì không?
– Chắc chỉ lát nữa em sẽ nói là em yêu anh chứ gì?
– Em yêu anh.
– Nhưng em cũng có hề biết anh đâu?
– Thì có sao?
– Có nhiều chứ. Yêu là muốn già đời bên cạnh một người nào.
– Em không nghĩ thế. Tình yêu là một người nào mà nếu thiếu đi thì ta không thể sống được. Em chỉ biết có thế thôi.
– Chai calvados đâu? – Ravic hỏi.
– Trên bàn ấy. Để em lấy cho. Anh cứ ngồi yên.
Jeanne đi lấy chai rượu và hai cái ly đến đặt ở giữa sân.
– Em biết là anh không yêu em. – Nàng nói.
– Thế thì em biết nhiều hơn anh…
– Nhưng anh sẽ yêu em.
– Thế thì ta hãy uống mừng tương lai.
– Anh đợi một chút.
Jeanne rót rượu đầy ly rồi uống cạn. Xong nàng lại rót đầy ly và đưa cho anh. Anh ngắm cái ly một lát rồi mới uống.
Tất cả những cái này đều hư ảo – Anh nghĩ một mình – Đây là một cái gì nửa mộng nửa thực. Những lời nói ra trong khoảng tranh tối tranh sáng. Làm sao những lời ấy xác thực được? Những lời lẽ chân thành, vĩnh cửu cần có ánh sáng.
– Em làm thế nào biết được anh sẽ yêu em?
– Vì em yêu anh.
Jeanne dùng từ này mới dễ dàng làm sao! – Ravic nghĩ – Không hề suy nghĩ đến nó. Như thể dùng một cái bình rỗng. Cô ấy bỏ bất cứ cái gì vào đấy, và gọi đó là tình yêu. Cô đã bỏ bao nhiêu thứ rồi? Nỗi sợ hãi trước cảnh cô đơn… Mối nhu cầu được sự hiện diện của một người nào khích lệ… sự thiếu tự tin… những sự huyễn hoặc của trí tưởng tượng… ai mà biết được? Điều mình nói về chuyện cùng già bên nhau chẳng phải là ngu xuẩn hơn hết sao? Chẳng phải Jeanne gần chân lý hơn không biết bao nhiêu mà kể, với sự hồn nhiên của cô? Và tại sao tôi lại ngồi đây vào một đêm đông giữa hai cuộc chiến tranh, mà nói năng như một ông giáo trường làng? Tại sao tôi lại không nhắm mắt lao vào cuộc tình này, dù không tin vào nó?
– Tại sao anh cưỡng lại? – Jeanne hỏi.
– Anh không cưỡng lại… em muốn nói gì thế?
– Em không biết. Anh cứ như cố khép mình lại. Cứ như thể anh sợ phải để cho một người nào hay một cái gì đi vào đời mình.
– Em cho anh một ly calvados nữa đi.
– Em đang hạnh phúc và em muốn anh cũng hạnh phúc. Vì em hạnh phúc một cách trọn vẹn quá. Em được thức giấc với anh, em được chìm vào giấc ngủ bên anh. Em không còn biết gì khác nữa. Mỗi khi em nghĩ đến hai đứa mình, em được sống như trong một giấc mơ tràn đầy tiếng nhạc. Cả đời ta cũng tràn trề tiếng nhạc và giấc mơ thỉnh thoảng lại gián đoạn vì những bóng dáng hiện ra, nói năng rồi biến đi như những hình ảnh trong một cuốn phim, nhưng tiếng nhạc thì vẫn còn lại mãi. Âm nhạc bao giờ cũng còn lại mãi.
Chỉ mấy tuần trước em còn rất bất hạnh. – Ravic nghĩ – và em chưa biết anh. Em dễ có hạnh phúc lắm – Anh uống cạn ly rồi nói:
– Trước đây em có hay được hạnh phúc không?
– Không, ít khi lắm.
– Nhưng dù sao cũng được vài lần. Lần sau cùng em được sống trong một giấc mơ là vào lúc nào?
– Sao anh lại hỏi em như thế?
– Chẳng sao cả. Anh hỏi thế thôi.
– Em quên rồi. Và không muốn nhớ lại nữa. Đó là một cái gì khác.
Jeanne mỉm cười với anh. Gương mặt cởi mở của nàng không giấu diếm gì anh cả.
– Ấy là cách đây hai năm – Cô nói – Nó ngắn ngủi lắm. Hồi đó là ở Milan.
– Em sống một mình à?
– Không. Với một người. Người ấy bất hạnh lắm. Người ấy hay ghen. Người ấy không hiểu em.
– Dĩ nhiên.
– Nhưng giá là anh thì anh đã hiểu rồi. Ông ấy gây ra những cảnh cãi vã khủng khiếp. Ông ấy gọi em là đồ đĩ, là kẻ bạc tình, là đồ vô ơn. Ông ấy nhầm. Em đã trung thành với ông ấy chừng nào em vẫn còn yêu ông. Ông ấy không thể chấp nhận rằng em không còn yêu ông ấy nữa.
– Người ta không bao giờ chấp nhận điều đó.
– Không, giá anh ở vào tình cảnh đó, anh sẽ hiểu. Nhưng anh thì em không bao giờ có thể không yêu anh nữa. Anh khác hẳn, và giữa hai chúng mình cũng khác hẳn. Ông ấy định giết em. Em chỉ cười phá lên. Họ bao giờ cũng muốn giết. Mấy tháng sau, lại có một ông khác muốn giết em. Họ không bao giờ làm điều đó. Còn anh thì anh không bao giờ muốn giết em.
– Chỉ giết bằng calvados thôi. Em rót nữa cho anh đi. Đội ơn Chúa, câu chuyện của chúng ta đã có tính người hơn. Một phút trước đây, anh đã bắt đầu thấy sợ.
– Vì sao? Vì em yêu anh ư?
– Bàn chuyện ấy làm gì? Chúng mình đang ở bên nhau… được một thời gian ngắn hay là mãi mãi… Ai mà biết được? Chúng mình đang ở bên nhau… chỉ có điều đó là đáng kể.
– Em không thích anh nói: một thời gian ngắn hay là mãi mãi. Đó chỉ là những ngôn từ, và anh cũng biết thế.
– Dĩ nhiên. Đã có người nào được em yêu mà từ bỏ em chưa?
– Có. – Jeanne nhìn anh – Bao giờ người ta cũng nói là mình từ bỏ người kia, nhưng nhiều khi chính người kia nhanh chân hơn mình.
– Thế em đã làm gì?
– Làm tất cả.
Nàng cầm lấy ly rượu trong tay Ravic và uống hết chỗ còn lại.
– Em đã làm hết, mà không có chút kết quả nào. Em đã bất hạnh ghê gớm.
– Có lâu không?
– Khoảng một tuần.
– Ít nhỉ.
– Đó là cả một thời gian vô tận, nếu người ta thực sự bất hạnh. Em đau đớn dữ dội trong từng đường gân thớ thịt, trong từng tế bào của người em, đến nỗi sau một tuần em đã hoàn toàn cùng kiệt. Tóc em đau, da thịt em đau, giường em, đến cả áo quần em cũng hét lên vì đau. Em không còn có lấy một cái gì ngoài nỗi đau khủng khiếp. Và đến khi đã như thế thì nỗi bất hạnh không còn là nỗi bất hạnh nữa, vì không còn có một cái mốc nào để so sánh. Chỉ còn có sự cùng kiệt tuyệt đối mà thôi. Rồi sau đó là hết. Dần dần, người ta lại bắt đầu sống.
Ravic cảm thấy trên bàn tay mình một đôi môi rất mềm.
– Anh đang nghĩ gì thế?
– Chẳng có gì, ngoài cái chất ngây thơ hoang dại ở trong em. Hư hỏng nhưng vẫn trong sạch. Đó là điều nguy hiểm nhất có thể có được trên đời này. Trả ly cho anh. Anh muốn sống mừng Morozov bạn anh, kẻ am hiểu lòng người một cách sâu xa.
– Em không ưa Morozov. Ta không thể uống mừng một người nào khác sao?
– Dĩ nhiên là em không ưa anh ấy. Anh ấy nhìn quá rõ. Thôi mừng em đi!
– Mừng em?
– Ừ, mừng em.
– Em không nguy hiểm mà chính là đang lâm nguy.
– Chính vì em tưởng thế mà em thành nguy hiểm đây. Em sẽ chẳng gặp chuyện gì nguy hiểm đâu. Nào mừng em! Salute.
– Salute. Anh không hiểu em.
– Tìm cách hiểu nhau mà làm gì. Đó là nguyên nhân chính của sự hiểu lầm. Em rót cho anh đi.
– Anh uống nhiều quá. Sao anh uống nhiều thế?
– Jeanne, – Ravic nói – sẽ đến một ngày nào đó em nói với anh là anh uống quá nhiều mà nghĩ rằng em muốn điều tốt cho anh. Thật ra, điều mà em muốn là ngăn cản không cho anh thoát ly đến những miền mà em không còn kiểm soát được nữa. Salute. Nào ta uống đi! Chúng mình vừa làm một việc rất hay. Chúng mình đã tránh được cái kiểu ăn nói khoa trương thống thiết đã rình chúng mình ngay từ đầu cuộc nói chuyện này!
Jeanne chồm dậy, chống hai tay xuống sàn quan sát anh. Hai mắt nàng mở rộng. Cái áo choàng tắm đã tuột ra khỏi vai nàng. Mái tóc nàng rũ xuống lưng. Trong bóng tối, nàng hiện ra như một con thú non khỏe khoắn và mạnh mẽ.
– Em biết anh đang chế giễu em – Jeanne nói – Nhưng em không cần. Em cảm thấy mình đang sống: em cảm thấy thế trong từng thớ thịt của em. Em thở cũng khác trước, và giấc ngủ của em không còn là một cái chết. Bây giờ các khớp xương của em đã có công dụng, và hai tay em không còn trống không nữa. Anh nghĩ gì, nói gì cũng không sao cả. Em buông thả mình, em phó mặc mình, mà không một ẩn ý. Em hạnh phúc và em không ngại nói to điều đó lên, dù làm như thế anh có cười em cũng mặc.
– Anh không cười em đâu Jeanne, anh cười anh đấy.
Jeanne chồm về phía anh.
– Sau vầng trán này có cái gì cứ kháng cự mãi thế?
– Không có cái gì kháng cự lại đâu. Chẳng qua anh chậm hơn em, thế thôi.
Jeanne lắc đầu.
– Không, không phải chỉ có thế. Đó là một cái gì đang muốn chỉ có một mình nó. Em cảm biết được cái gì ấy… Nó như một thanh chắn, một thành lũy.
– Em có biết nó là cái gì không? Đó là mười lăm năm tuổi đời nhiều hơn em. Có những người mà cuộc đời không giống như một ngôi nhà có thể trang hoàng và tô điểm không ngừng bằng những kỷ niệm. Có những người toàn sống ở khách sạn. Năm tháng đổ xuống đầu họ một cách tàn nhẫn, chỉ để lại một ít can đảm mà không bao giờ để lại những niềm hối tiếc.
Jeanne không đáp. Ravic tự hỏi không biết nàng có nghe mình nói không. Hơi men ấm tuần hoàn trong các mạch máu của anh. Một cõi im lặng tuyệt đối ngự trị quanh anh, trong đó ngay cả những tiếng đập của tim anh nín lặng, vầng trăng đỏ ngầu dâng lên cao trên nền trời. Trên các mái nhà, nó trông như cái mái vòm của một ngôi đền Hồi giáo. Trăng lên chầm chậm, trong khi tuyết phủ lên khắp mặt đất. Jeanne lại chống tay lê đùi nhổm dậy.
– Em biết, – Nàng nói – rằng em nói với anh về quãng đời trước kia của em như vậy là sai. Lẽ ra em có thể không nói gì, hoặc em có thể nói dối, nhưng em không muốn.
Ravic nhìn nàng. Một bên đầu gối của nàng đè một bông hoa cúc trắng lớn trên tờ báo. Thật là một đêm lạ lùng! – Ravic nghĩ. Ở một nơi nào đó có những con người đang bắn giết lẫn nhau. Ở một nơi nào đó, có những con người đang bị truy lùng, bị bắt bớ, bị tra tấn, bị tàn sát; một góc nào đó của cái thế giới yên lành này đang bị quân xâm lăng giày xéo. Thế mà cuộc sống vẫn tiếp diễn… người ta vẫn chen nhau trong những tiệm cà phê sáng rực ánh đèn. Không ai lo lắng… họ vẫn yên giấc ngủ say… còn mình thì đang ngồi đây với một người đàn bà, giữa một ôm hoa cúc và một chai calvados, trong khi bóng dáng của tình yêu in hình lên hai người, tình yêu run rẩy, cô biệt, lạ kỳ va buồn bã, cũng bị lưu đày ra khỏi cái dĩ vãng thanh bình của nó, tình yêu thầm lén như thể nó không còn có quyền.
– Jeanne – Anh nói chậm rãi – Có em ở đây, anh thích quá.
Thật ra anh muốn nói một cái gì khác hẳn.
Jeanne ngẩng đầu lên. Anh cầm lấy tay nàng.
– Em có hiểu điều đó có nghĩa gì không. Nó còn hơn cả hàng trăm hàng ngàn từ ngữ.
Jeanne gật đầu. Nàng bỗng ứa nước mắt.
– Em biết nó không có nghĩa gì.
– Không đúng đâu. – Ravic nói trong khi biết rằng Jeanne nói đúng.
– Không, nó không có nghĩa gì hết. Anh phải yêu em, anh ơi, em chỉ cần có thế thôi.
Ravic không đáp.
– Anh phải yêu em – Nàng nhắc lại – Nếu không, em chết mất.
Chết mất… Từ ngữ gì mà ghê quá! Cô ta nói nó lên mà ít suy nghĩ biết chừng nào! Những người đã thực sự chết mất thì không nói được nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.