Khải Hoàn Môn

CHƯƠNG 15



Ravic tỉnh giấc từ từ. Trong khoảng mấy phút anh vẫn còn trong cái trạng thái nửa mê nửa tỉnh nó chưa phải đã là cõi thực, nhưng cũng không còn là cõi mộng hoàn toàn. Chỗ anh đang đứng là một nơi gần dãy núi Forêt Noire, trên sân một ngôi nhà ga nhỏ ở biên giới Đức. Đâu rất gần có tiếng thác đổ, trong khi gió núi đưa về mùi hương thấm thía của rừng thông. Bấy giờ là mùa hạ. Mùi nhựa thông tràn ngập thung lũng. Những đường ray bằng thép ánh lên một màu đo đỏ dưới ánh tà dương. Mình đang làm gì ở đây? – Ravic tự hỏi. Tại sao mình lại ở trên đất Đức? Mình đang ở Pháp, ở Paris mà? Anh có cảm giác là một ngọn sóng, trên đỉnh lấp lánh nhiều màu, nâng bổng anh lên rồi dìm anh vào giấc ngủ chập chờn. Paris như mờ dần và biến đi, xa tít tận chân trời, trong một làn sương mù dày đặc. Anh không phải đang ở Paris. Anh đang ở Đức. Nhưng tại sao anh lại quay về nước Đức?
Ravic đi qua khoảng sân ga chật hẹp. Người soát vé đứng cạnh một quày bán báo đọc tờ Voelkischer Becbachter.
Đó là một người trung niên, mặt phinh phình, da mặt bóng nhẫy, lông mày vàng óng.
– Chuyến xe lửa sắp tới bao giờ thì xuất phát? – Ravic hỏi.
Người soát vé lơ đễnh nhìn anh.
– Ông đi đâu?
Ravic bỗng dưng cảm thấy mình phát hoảng. Anh đang ở đâu thế này? Tên gọi nơi này là gì? Tên nhà ga là gì? Biết trả lời người kia ra sao đây? Freiburg chăng? Làm sao anh lại có thể ở đây mà lại không biết nơi này là nơi nào? Anh đưa mắt nhìn khắp sân ga một cách tuyệt vọng, không có lấy một tấm biển. Không thấy đâu đề tên ga. Rốt cục anh đành nói:
– Tôi đi nghỉ phép.
– Ông muốn về đâu? – Người soát vé hỏi lại.
– Tôi chỉ đi dạo thế thôi. Tôi tình cờ xuống ga này. Đứng trên toa xe nhìn ra thấy cảnh ở đây đẹp. Nhưng bây giờ tôi chán rồi. Tôi rất ghét cảnh thác ghềnh. Tôi muốn đi tiếp thôi.
– Tôi hiểu. Nhưng dù sao ông cũng phải biết ông định đi đâu chứ?
– Tôi phải có mặt ở Freiburg vào ngày kia. Tôi còn nhiều thì giờ, cho nên muốn đi lang thang một chút.
– Tuyến đường sắt này không đi Freiburg. – Người soát vé nói và bắt đầu nhìn anh chăm chú hơn.
Thật là một cơn ác mộng! – Ravic nghĩ thầm. Lẽ ra mình không nên hỏi han gì cả. Làm sao mình lại đến đây?
– Vâng, tôi biết – Anh nói với người soát vé – Nhưng tôi còn đủ chán thì giờ. Có cách gì kiếm được chút rượu Kirsch ở đây không. Kirsch vùng Forêt Noire thứ thiệt ấy?
– Ở phòng giải khát của nhà ga có đây. – Người soát vé nói, mắt vẫn chăm chú quan sát anh.
Ravic thong thả đi qua sân ga. Bước anh đi vang dội trên nền xi-măng. Anh trông thấy hai người đàn ông ngồi trong phòng đợi hạng nhất và hạng nhì. Anh cảm thấy họ đang nhìn theo anh. Mấy con chim én bay vòng quanh mái nhà ga. Anh giả vờ ngắm đàn chim, và quan sát bằng khóe mắt người soát vé đang gấp tờ báo lại.
Hắn đi theo Ravic. Anh đi vào phòng giải khát. Trong phòng sực mùi bia. Không có ai ở đây cả, anh đành đi ra. Người soát vé đang đứng đợi ở bên ngoài. Hắn vừa trông thấy Ravic đi ra, liền bước vào phòng đợi. Ravic rảo bước. Anh mỗi lúc một hiểu rõ thêm rằng những câu hỏi của anh đã làm cho anh trở thành khả nghi. Đến cuối sân ga, anh quay lại nhìn. Trên sân ga không còn ai. Anh đi nhanh giữa phòng hành lý và nhà ga. Anh khom người luồn dưới cái giàn để hành lý, trên có mấy bình sữa. Anh vẫn lom khom đi ngang cửa phòng điện báo, trong đó có tiếng máy đánh điện lách tách. Cuối cùng anh sang bên kia ga. Anh thận trọng quay lại. Rồi anh bước nhanh qua các hàng ray, đoạn chạy về phía rừng băng qua một bãi cỏ đang nở hoa. Dưới chân anh, những bông hoa pissenlis vỡ nát ra, và một đám những chiếc lọng nhỏ màu trắng tung lên sau lưng anh. Khi đã chạy đến rặng thông ven rừng, anh trông thấy người soát vé và hai người đàn ông kia đứng trên sân ga. Người soát vé giơ ngón tay chỉ về phía anh, và hai người kia liền chạy về phía anh. Anh lấy lại đà chạy vào rừng. Những cành nhọn cào rách mặt anh. Anh chạy thành một vòng cung lớn và dừng lại, sợ rằng tiếng anh vướng vào các cành cây sẽ làm anh bị lộ. Bỗng anh nghe tiếng hai người đang rẽ lối đi về phía anh. Anh lại bỏ chạy. Chốc chốc anh lại dừng chân nghe ngóng. Có những lúc anh không nghe gì nữa, cứ đứng đợi mãi. Rồi lại có tiếng răng rắc, thế là anh lại lủi đi, bò trên hai bàn tay và hai đầu gối để tránh tiếng động. Anh nắm chặt hai quả đấm lại và thậm chí còn nín thở để lắng tai nghe thật rõ. Anh luôn luôn đứng dậy chạy. Nhưng làm như thế chỉ dễ lộ hơn. Anh chỉ có thể động đậy khi mấy người kia động đậy. Anh dừng lại trong một bụi hoa gan gà, lá màu xanh tanh đồng. Hepatica Triloba – Anh bất giác nghĩ đến tên khoa học của cây hoa Hepatica Triloba. Cánh rừng dường như bất tận. Bây giờ anh nghe thấy những tiếng răng rắc từ bốn phía. Mồ hôi toát ra từ khắp các lỗ chân lông của anh, như thể người anh bắt đầu đổ mưa. Hai chân anh bỗng khuỵu xuống, như thể hai đầu gối anh đã tan ra thành nước. Anh cố hết sức để đứng dậy, nhưng mặt đất cứ hút anh xuống. Anh đã lạc vào một khoảng đầm lầy. Anh nhìn xuống chân. Không, đất vẫn cứng. Đó là vì đôi chân anh. Chính đôi chân anh mềm nhũn ra thì có. Bọn săn đuổi anh đã gần lắm rồi. Chúng đi thắng về phía anh. Sau một cố gắng phi thường, anh đứng dậy được, nhưng lại khuỵu xuống ngay. Chân anh không chịu đỡ anh nữa. Anh lết đi qua những bụi rậm, luôn luôn nghe thấy tiếng chân bước gần lại. Bỗng qua các cành cây anh trông thấy một khoảng trời xanh. Anh biết là mình sẽ đi đứt nếu không chạy qua được khoảng rừng thưa này thật nhanh. Anh vẫn tiếp tục lết đi, và đột nhiên anh quay lại thì thấy ở sau lưng một cái mặt đang mỉm cười nụ cười ma quỷ. Cái mặt của Haake. Anh gục xuống, bất lực, ngạt thở. Móng tay anh cào rách cả ngực, anh rên lên một tiếng…
Anh đang ở đâu thế này? Anh vừa rên lên một tiếng ư? Anh nhận thấy hai tay anh đang co quắp lại trên cổ anh. Hai tay anh đẫm mồ hôi, và người anh cũng ướt sũng. Anh mở mắt ra. Anh chưa hiểu được ngay mình đang ở đâu, anh không biết cái cảnh đang ở trước mắt anh là khoảng đầm lầy trong rừng thông hay là một cái gì khác. Anh chưa hề thoáng nghĩ đến Paris. Anh chỉ thấy vầng trăng trắng bệch mắc vào một cây thập tự ở trên một thế giới hãy còn xa lạ. Một vầng sáng nhợt nhạt trên một cây thập tự đen, như vòng hào quang của một kẻ tuẫn đạo. Một ánh sáng nhợt nhạt và u buồn ném lời than thở câm lặng của mình lên bầu trời màu sắt. Trăng rằm đang sáng ở phía sau chấn song chữ thập trên cửa sổ căn phòng khách sạn International ở Paris. Ravic choàng dậy. Anh xua hết những hình ảnh sau cùng ra khỏi óc… đoàn xe lửa đẫm máu lăn trên hai đường ray đỏ lồm những máu… giấc chiêm bao đã hàng trăm lần lặp lại đưa anh trở về Đức, giấc chiêm bao trong đó anh bị săn đuổi, vây hãm, truy bức bởi những tên đao phủ của cái chế độ đã hợp pháp hóa sự tàn sát. Đã bao nhiêu lần anh mơ trở lại giấc chiêm bao này! Anh nhìn vầng trăng, con ma hút máu người nhợt nhạt đã cho cảnh vật mượn màu của nó. Những giấc chiêm bao ấy, đầy rẫy cảnh khủng khiếp của những trại tập trung với những khuôn mặt đã kiệt hết máu của mấy người bạn bị giết hại, những khuôn mặt không còn thần sắc và không còn nước mắt của những người sống sót, những giấc chiêm bao đầy rẫy những cảnh chia ly, những cảnh cô đơn kinh hoàng… Ban ngày còn có cách dựng lên một bức tường, một cái thành, để che khuất những cảnh ấy… một bức tường phải mấy năm trời mới xây được, một bức tường xây bằng những khát vọng, bị bóp chết bằng vô liêm sỉ, bằng những kỷ niệm bị vùi trong chai sạn và bị dẫm nát… qua những năm ấy người ta có thể cởi bỏ hết, kể cả tên mình, có thể chôn sống những tình cảm của mình… Và những khi nào bất chấp những cái đó, bộ mặt tái nhợt của dĩ vãng vẫn hiện ra với những tiếng kêu than ma quỷ của nó, thì người ta có thể dìm chết nó trong men rượu, cho đến khi nào trạng thái vô giác diễm phúc tràn ngập tất cả. Ban ngày thì còn được… nhưng ban đêm, người ta đành chịu. Ban đêm, kỷ luật của tư duy mất đi, dĩ vang lại mọc lên chân trời của mộng mị, trườn ra khỏi những nấm mồ… Nỗi đau đã chết sống lại, những bóng ma lại tràn vào tâm trí, những vết thương lại rỉ máu, cơn giông đen tối và buồn nôn lại tràn qua chiến lũy. Chừng nào mà ý chí còn thức thì còn có cách lãng quên… nhưng trong cõi im lặng của đêm khuya, khi mà ngay cả tiếng quằn mình của dòi bọ cũng nghe thấy được, thì cái thế giới đã đổ nát ấy lại từ cõi hỗn mang nhô lên như một thành phố vùi dưới đáy biển. Lúc bây giờ người ta tự phục rượu hết đêm này sang đêm khác… lúc bấy giờ người ta biến đêm thành ngày và biến ngày thành đêm. Những giấc chiêm bao ban ngày dường như đỡ cô quạnh hơn, đỡ xa cách mọi sự. Đã bao nhiêu lần Ravic trở về khách sạn khi những tia đầu tiên của ánh sáng ban mai đã rọi lên các đường phố? Đã bao nhiêu lần anh ngồi lại trong Hầm Mộ uống rượu cho đến khi Morozov về đây ngồi với anh để tiếp tục uống cho qua hết một đêm? Nó như thể người ta uống say bí tỉ trong một chiếc tàu ngầm. Tưởng đâu chỉ cần lắc đầu, tự nhủ rằng dù sao cũng nên phải chăng. Nhưng đâu có dễ thế? Có lẽ cuộc sống cũng chẳng đáng giá là bao, và rời bỏ nó cũng chẳng khó gì. Nhưng rời bỏ cuộc sống đồng thời cũng là rời bỏ chí phục thù. Không thể gạt bỏ một cuộc sống như gạt bỏ một cái vỏ đạn rỗng. Cuộc sống vẫn đáng cho người ta giữ lại, chờ cái ngày sự vật sẽ khác đi. Không phải vì những lý do vị kỷ, dù đó là chí phục thù sâu xa đến đâu chăng nữa, cũng không phải vì tính vị tha, dù nhu cầu cứu giúp những kẻ cần được cứu giúp có to lớn đến đâu chăng nữa, mà chỉ để chiến đấu, chỉ vì niềm vui được chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Nhưng thêm vào sự chờ đợi đầy sức xói mòn và có thể là vô hy vọng, còn có cả nỗi lo sợ ngấm ngầm rằng đến lúc ấy thể chất và tinh thần đã quá mòn mỏi, đã quá sứt mẻ, đã quá đờ đẫn, và các tế bào đã quá rã rời để cho mình còn có thể tiến lên với những người khác. Phải chăng đó chính là cái lý do khiến cho người ta dốc sức vào việc gạt vào quên, lãng tất cả những kỷ niệm có thể gặm mòn sức lực thần kinh, tại sao người ta cứ hầm hè tìm cách phá hủy những kỷ niệm ấy đi bằng sự tàn nhẫn, bằng những lời mỉa mai và nhạo báng, tìm cách trốn vào một nhân cách mới và khác trước? Nếu không, đợt thủy triều đen tối ấy sẽ luôn luôn dâng lên trở lại để dìm ngập chúng ta khi chúng ta đang làm mồi cho giấc ngủ và cho những bóng ma.
Vầng trăng đã đổi chỗ trên nền trời. Nó không còn là một cái quầng sáng bị đóng đinh câu-rút nữa. Bây giờ nó là một kẻ lữ hành dâm đãng đang dòm vào các căn buồng và các giường ngủ. Ravic đã tỉnh giấc hẳn. Giấc chiêm bao đã trốn biệt. Anh đã mơ thấy những giấc chiêm bao khủng khiếp hơn, nhưng đã lâu anh mới mơ thấy một giấc chiêm bao như thế này. Anh nhận ra rằng từ khi anh không ngủ một mình nữa, anh không nằm mơ lần nào.
Anh sờ soạng quanh mình. Chai rượu không có ở đấy. Nó ở trên bàn đặt ở góc phòng. Anh do dự một lát. Anh không có nhu cầu uống nữa. Anh biết thế. Anh cũng không cần cưỡng lại ý muốn uống rượu. Anh đứng dậy và đi chân không đến chỗ cái bàn. Anh uống. Đó là chỗ calvados còn lại. Anh giơ cái cốc về phía cửa sổ, và dưới ánh trăng nó dường như đựng một hòn mã não lỏng. Anh nhận thấy Jeanne đã mở mắt, và đang nhìn anh. Anh không biết Jeanne đã thực sự tỉnh giấc chưa.
– Ravic. – Cô nói.
– Ừ…
– Ravic. – Cô nhắc lại, giọng lạc đi – Anh làm gì đấy?
– Anh uống rượu.
– Sao lại thế? – Cô nhổm người trên giường, hỏi – Có chuyện gì thế anh?
– Chẳng có gì đâu?
Jeanne hất mái tóc ra phía sau.
– Trời ơi! Em sợ quá.
– Anh không muốn làm cho em sợ. Anh không biết em sẽ thức giấc.
– Vừa rồi em có cảm giác là anh bỏ đi rồi. Em lạnh toát cả người. Và bỗng nhiên em trông thấy anh ngồi ở trong góc. Không có chuyện gì chứ anh?
– Không có gì hết, Jeanne ạ. Anh tỉnh giấc, muốn uống chút gì.
– Cho em một ít với.
Ravic rót rượu ra cốc, đến cạnh giường.
– Em trông như đứa bé con. – Anh nói.
Jeanne cầm lấy cái cốc trong tay anh, uống một ngụm. Cô nhìn Ravic hỏi.
– Tại sao anh tỉnh dậy?
– Anh không biết. Chắc tại ánh trăng.
– Em ghét ánh trăng lắm.
– Ở Antibes em sẽ yêu nó.
– Chúng mình có đi thật không anh?
– Thật chứ.
– Chúng mình sẽ rời khỏi đám sương mù và cảnh mưa dầm này thật chứ?
– Thật thế, chúng mình sẽ rời khỏi những thứ đó.
– Cho em uống nữa đi.
– Em không muốn ngủ à?
– Không. Phải ngủ thật là tiếc. Khi ngủ người ta thiếu hết các thứ của cuộc đời. Đây là thứ calvados ngon đây. Ta sẽ mang theo chứ?
– Không bao giờ nên mang theo bất cứ cái gì.
– Không bao giờ ư? – Cô nhìn anh chăm chăm.
– Không bao giờ.
Ravic ra cửa sổ, kéo rèm lại. Rèm chỉ khép hờ, bây giờ ánh trăng kẻ thành một đường mảnh chia căn phòng ra làm hai khu vực bóng tối.
– Sao anh không trở về giường nằm? – Jeanne hỏi.
Ravic đang ở cạnh chiếc đi-văng, phía bên kia dải sáng trăng. Anh áng chừng Jeanne đang ngồi trên giường. Mái tóc xõa xuống cổ và vai. Nàng đang trần truồng. Giữa hai người là dải ánh trăng, như giữa hai bờ tối. Những tia sáng trườn đi trong căn phòng phảng phất mùi ấm ấm của giấc ngủ đến từ cõi hư không đen và lạnh, một ánh sáng đã vỡ được phản chiếu từ một tinh cầu chết, những tia nắng ấm và rung rinh đã bị ma thuật biến thành dòng sông chì này, một dòng sông không ngưng chảy nhưng vẫn không bao giờ đầy được căn phòng này.
– Sao anh không lại đây? – Jeanne hỏi.
Ravic đi qua căn phòng. Chỉ mấy bước mà anh thấy như phải vượt qua một khoảng cách xa xôi.
– Mấy giờ rồi anh?
Ravic nhìn chữ số lân tinh trên mặt đồng hồ.
– Khoảng năm giờ.
– Ngộ thật: ban đêm, thời gian như thể nằm im. Lẽ ra cũng có thể là ba giờ. Chỉ có kim đồng hồ cho ta biết là thì giờ vẫn trôi qua.
– Thế mà cái gì cũng xảy ra vào lúc ban đêm.
– Cái gì đã xảy ra?
– Tất cả những cái gì sẽ lộ rõ trong ban ngày.
Leval cầm cốc uống. Jeanne rất đẹp, và Ravic thấy mình yêu nàng. Nàng không đẹp theo kiểu một pho tượng hay một bức tranh. Nàng đẹp như một cánh đồng cỏ dưới làn gió. Nàng đẹp vì tất cả sự sống đang phập phồng trong nàng và đã cấu tạo nên nàng một cách huyền bí bằng sự gặp gỡ của hai tế bào trong chiều sâu của một sinh vật. Điều bí ẩn không sao hiểu được chứa đựng trong cái hạt nhỏ li ti gần như vô hình mà lại bao hàm lời hứa hẹn của một cây đại thụ khổng lồ cành lá xum xuê và nặng trĩu quả. Cái phép mầu đã muốn rằng từ một đêm ái ân, từ sự gặp gỡ của hai tế bào, nảy sinh ra mái đầu này, đôi vai này, đôi mắt này, và những cái này, vào tới nọ, giữa hàng triệu sinh linh, sẽ có mặt trên cầu Alma và sẽ đến với anh.
– Tại sao cái gì cũng xảy ra vào ban đêm? – Jeanne nói.
– Hãy đến sát bên anh, em yêu, vừa trở về với anh từ vực thẳm của giấc ngủ. Đó là vì giấc ngủ và bóng đêm bao giờ cũng phản lại ta. Em còn nhớ cái đêm chúng mình đã ngủ thiếp đi bên nhau, gần sát nhau, gần đến mức không thể nào gần hơn nữa. Trán chúng mình, da thịt chúng mình, những ý nghĩ của chúng mình, hơi thở của chúng mình đều chạm sát vào nhau. Giấc ngủ không màu đã dần dần len vào giữa chúng mình; nó đã chảy vào mạch máu của chúng mình và làm tê dại luồng máu đi, làm cho chúng mình dần dần mất tri giác… Và bỗng nhiên, mỗi đứa chỉ còn lại một mình, bắt đầu trôi dạt, bị một luồng nước xa lạ cuốn đi, bị phó thác cho những quyền lực tối tăm, cho những nguy cơ vô hình thù. Anh đã thức dậy và đã trông thấy em. Em vẫn còn ngủ. Em đang ở xa anh. Em không biết gì về anh nữa. Em đang ở một nơi nào mà anh không thể theo em đến được. – Ravic đặt một chiếc hôn lên mái tóc mượt mà – Làm sao tình của chúng ta có thể trọn vẹn được khi mà mỗi đêm anh lại mất em trong giấc ngủ?
– Nhưng em ngủ rất gần anh, bên cạnh anh trong vòng tay anh mà!
– Thế mà em vẫn ở một miền nào không thể biết được. Em nằm trong vòng tay anh mà như vẫn cách anh cả một thiên hà. Ban ngày, khi em ở xa, thì không sao cả. Ban ngày anh hiểu hết. Nhưng ban đêm…
– Em vẫn với anh.
– Không, em chỉ ở bên anh thôi. Làm sao biết được khi từ cái miền bí ẩn ấy trở về, người ta lại chẳng đã hoàn toàn thay đổi, biến hóa đi?
– Anh cũng thế.
– Phải, anh cũng thế. Và bây giờ em trả lại anh cái cốc đi. Trong khi anh nói nhảm, em uống calvados.
– Em mừng là anh đã thức giấc. Ravic ạ… Cám ơn ánh trăng. Không có nó, chúng mình sẽ ngủ, không hay biết gì về nhau. Thậm chí, ý nghĩ ra đi có thể nảy mầm ở một trong hai chúng mình, trong trạng thái vô tri giác. Một ngày kia, rồi ý đó có thể lớn lên, phát triển lên.
Jeanne cười khanh khách.
– Em không nhận thức điều đó như một cái gì nghiêm chỉnh cho lắm thì phải. – Ravic nói.
– Không đâu. Còn anh?
– Cũng không.
– Em không sợ. Em tin vào thân thể chúng ta. Nó biết nó muốn gì hơn là những ý nghĩ đêm đêm hiện lên trong óc ta.
– Em nói đúng. – Ravic nói và uống cạn cốc.
– Đêm nay chúng mình đừng ngủ nữa.
– Cứ thử ngủ đi. Em giống tất cả những dục vọng của một người đàn ông, cộng thêm một dục vọng mà hắn không ý thức được.
– Mỗi đêm ta phải thức giấc một lần. – Jeanne nói.
– Ban đêm, anh khác.
– Hay hơn, tốt hơn chăng?
– Khác. Ban đêm, anh đầy những bất ngờ. Bao giờ anh cũng như từ cõi bất tri trở về.
– Còn ban ngày?
– Ban ngày thì thỉnh thoảng mới thế.
– Cách đây mấy tuần, chắc em không nói thế đâu.
– Không đâu. Cách đây mấy tuần, em biết anh ít hơn.
Trên gương mặt mà anh đang quan sát không hề có chút gì lấp lửng bóng gió. Jeanne nói những điều đó một cách hoàn toàn tự nhiên. Cô không tìm cách xỏ xiên, mà cũng không có tham vọng nói một cái gì quan trọng.
– Em càng biết anh hơn thì anh càng ít làm em ngạc nhiên hơn.
– Em cũng thế.
– Không, em thì không.
– Tại sao?
– Tại năm mươi ngàn năm sinh học. Tình yêu làm cho người đàn bà trở bên sáng suốt, nhưng nó lại làm cho người đàn ông mù quáng đi.
– Thế thì anh có yêu em?
– Có.
– Anh ít nói thế quá.
Jeanne vươn vai với cái vẻ thỏa thuê của con mèo đã nhắm chắc mồi.
– Có những khi anh muốn ném em qua cửa sổ.
– Thế sao anh không ném đi?
Ravic không nói gì.
– Liệu anh có thể làm như thế được không? – Jeanne hỏi lại – Giết vì yêu? Hủy diệt một con người chỉ vì quá yêu người đó?
Ravic cầm lấy cái chai và nói:
– Trời ơi, tôi đã làm gì nên tội mà thức giấc giữa đêm khuya để nghe những điều như thế?
– Em nói thế không đúng hay sao?
– Đúng đối với những thi sĩ hạng bét, và đối với những người đàn bà mà điều đó không xảy ra với họ.
– Đối với tất cả những người làm như thế nữa.
– Đồng ý.
– Anh có thể làm như thế không?
– Jeanne, – Ravic nói – anh van em, xin em chấm dứt những câu chuyện nhảm nhí của hạng rởm đời ấy đi. Là người lính và là người làm phẫu thuật, anh đã giết quá nhiều người rồi, đừng đưa anh ra làm đối tượng cho những kiểu tư biện như thế. Giết người – việc đó làm cho người ta vừa khinh miệt sự sống, vừa dửng dưng đối với nó, vừa kính trọng nó. Người ta không hủy diệt được bao lăm khi giết một con người. Nhiều khi một kẻ sát nhân sẽ không giết người vì yêu đâu. Như thế là nhạo báng và khinh rẻ cái chết, trong khi cái chết không bao giờ lố bịch và rẻ rúng, vả chăng đây là một vấn đề có liên quan đến đàn ông chứ không liên quan đến đàn bà. – Ravic cúi sát người Jeanne – Em chẳng phải là hạnh phúc của anh bị nhổ rễ lên sao? Hạnh phúc trên mây của anh? Em để anh hôn em đi. Ngày nay sự sống chẳng còn được coi trọng bao nhiêu, nhưng nó lại càng quý giá hơn bao giờ hết.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.