Khải Hoàn Môn

CHƯƠNG 17



Ravic đang đi đến bệnh viện. Anh đi Riviera về đã được một tuần nay. Anh bỗng đứng phắt lại như bị găm xuống đất vì cái cảnh đang diễn ra trước mắt anh. Tòa nhà mới sắp xây xong lấp lánh dưới ánh mặt trời như một thứ đồ chơi mới tinh. Những cái gian xây kẻ lên nền trời tràn đầy ánh sáng những đường thẳng mảnh. Anh thấy cái thanh gỗ trên đó có một bóng người đứng chênh vênh đột nhiên tách ra khỏi giàn rồi rơi xuống khoảng không. Anh có cảm giác như đường rơi chẳng bao giờ chấm dứt. Cái hình người nhỏ xíu đã rời ra khỏi thanh gỗ, trông như một con búp bê chân tay dang ra một cách vụng dại. Mọi vật xung quanh anh đều như ngưng lại, không nhúc nhích nữa. Không còn gió, không còn tiếng động… chỉ có cái hình người nhỏ xíu và thanh gỗ cứng đờ đang rơi xuống…
Ravic không còn trông thấy gì nữa. Anh chợt nhận ra rằng anh đã nín thở từ nãy. Anh cắm cổ chạy tới.
Nạn nhân nằm trên đá lát đường. Trước đó một giây, con đường vắng. Bây giờ nó đông nghịt những người. Từ khắp bốn phía người ta đổ xô lại, như thể vừa được báo động. Anh rẽ đám đông đi vào. Hai người thợ đang cố đỡ người bị thương dậy.
– Để nằm yên đấy! – Anh quát.
Người ta tránh cho anh vào. Hai người thợ vẫn còn đỡ lấy nạn nhân.
– Đặt xuống từ từ! Cẩn thận! Chậm chậm thôi!
– Ông là ai? – Một người thợ hỏi – Bác sĩ à?
– Vâng.
Hai người thợ đặt người bị thương xuống đất. Ravic quỳ xuống một bên, xem xét nạn nhân. Hết sức thận trọng, anh mở khuy chiếc áo đẫm mồ hôi, sờ nắn các khớp xương. Một lát anh đứng dậy.
– Sao? – Người thợ ban nãy hỏi – Ngất rồi à?
– Chết rồi. – Ravic nói.
– Chết rồi sao?
– Vâng.
Người kia vẫn có vẻ không tin.
– Chúng tôi vừa mới ăn trưa với nhau đây mà. – Anh ta nói như thể nghi ngờ Ravic lừa mình.
– Ở đây có ai là thầy thuốc không? – Một người trong đám đông lên tiếng hỏi.
– Việc gì thế? – Ravic hỏi lại.
– Bà kia…
– Bà nào?
– Thanh gỗ rơi trúng bà ta. Máu chảy nhiều lắm…
Ravic đi tới. Một người đàn bà mặc chiếc tạp dề rộng màu xanh đang nằm trên một đống cát bên cạnh một cái hố tôi vôi. Từ chỗ nào ở phía dưới cổ, máu phun ra như nước mạch. Dưới đầu, một vệt đỏ thẫm loang rộng dần trên cát.
Ravic dùng mấy ngón tay ấn lên động mạch. Anh rút trong túi ra bọc y cụ nhỏ mà anh bao giờ cũng mang theo.
– Cầm lấy cái này. – Anh nói với người đàn ông đứng bên cạnh anh.
Bàn tay giơ ra cầm cái bọc da đựng y cụ. Nó tuột xuống đất và mở phanh ra. Ravic rút cái kéo và một cuộn gạc.
Người đàn bà không rên la. Người đàn bà cứng lại, tay chân căng thẳng.
– Bà đừng lo – Ravic nói – Không có sao đâu.
Thanh gỗ đã rơi trúng cổ và vai. Vai bị dập, xương đòn gánh đã gãy, và khớp vai bị tổn thương khá nặng.
– Bà bị thương ở tay trái. – Ravic vừa nói với người bị thương vừa tiếp tục khám. Da cổ bị rách, nhưng vết thương không sâu. Bàn chân bị dập, nhưng xương ống chân vẫn nguyên vẹn. Bà ta đi đôi tất xám vá nhiều chỗ, nhưng sạch sẽ, ngang đầu gối thắt một dải ruy-băng đen. Những chi tiết này bao giờ cũng hiện ra một cách minh xác quá! Một đôi giày buột dây cũng vá víu nhiều mảng…
– Đã gọi xe cứu thương chưa? – Anh hỏi.
Không thấy ai trả lời. Một, lát sau có tiếng người nói:
– Hình như viên cảnh binh đã lo mọi chuyện rồi.
– Cảnh binh à? Đâu? – Ravic vừa nói vừa đứng dậy.
– Kia kìa, đứng gần ông kia kìa.
– Thế thì không có việc gì phải làm nữa. – Ravic nói.
Anh toan bỏ đi thì viên cảnh binh đã tới. Đó là một người còn trẻ măng, tay cầm cuốn sổ. Nhận thức được tầm quan trọng của cương vị mình, anh ta đưa bút chì lên thấm nước miếng.
– Xin ông đợi cho một chút. – Anh ta nói.
– Không còn việc gì phải làm nữa. – Ravic nói.
– Nhưng cũng xin ông vui lòng đợi cho một lát, thưa ông.
– Tôi đang vội. Tôi phải đi gấp đến nhà một bệnh nhân.
– Ông là người thầy thuốc đã…?
– Tôi đã thắt động mạch lại rồi: thế là xong. Chỉ cần đợi xe cấp cứu đến.
– Tôi phải ghi tên bác sĩ lại. Bác sĩ là nhân chúng.
– Tôi không trông thấy tai nạn xảy ra. Sau đó tôi mới đến.
– Thế nhưng tôi vẫn phải ghi nhận mọi sự việc. Thưa bác sĩ, đây là một tai nạn nghiêm trọng.
– Tôi biết rồi. – Ravic nói.
Viên cảnh binh tìm cách hỏi cho ra tên người đàn bà. Bà ta không đủ sức trả lời những câu hỏi của anh ta. Bà nhìn anh ta chẳng trông thấy gì. Anh ta ân cần cúi xuống sát người bà. Ravic nhìn quanh. Đám đông đã chận hết lối đi.
– Anh ạ, – Ravic nói với viên cảnh binh – tôi vội lắm…
– Thưa bác sĩ, tôi có bổn phận phải ghi đủ sự việc. Tôi cần biết tên bác sĩ. Bà kia có thể chết, bác sĩ ạ.
– Bà ấy không chết đâu.
– Chưa thể nói trước được. Với lại còn có vấn đề bồi thường nữa ạ.
– Anh đã gọi xe cứu thương chưa?
– Đồng nghiệp của tôi đã lo việc này. Nếu ông làm khó dễ, chỉ mất thêm thì giờ mà thôi.
– Bà ta sống dở chết dở thế kia mà ông thầy thuốc lại đòi bỏ đi. – Có tiếng ai nói trong đám đông, giọng trách móc.
– Nếu tôi không cấp cứu thì bây giờ bà ta đã chết rồi. – Ravic trả lời người đối thoại vô danh.
– Trong trường hợp đó, – Tiếng nói kia đáp lại với một lô-gích không thể bác bỏ – thì ông lại càng phải ở lại.
Ravic nghe tiếng máy ảnh chụp đánh tách một tiếng. Rồi một người tươi cười nói với anh:
– Thưa bác sĩ, bác sĩ có thể vui lòng cúi xuống sát nạn nhân như ban nãy không?
– Không.
– Thưa để đăng báo ạ – Người kia nói – Chúng tôi sẽ đăng tên và địa chỉ của bác sĩ, có chú thích rõ là bác sĩ đã cứu sống người này. Đó là một dịp quảng cáo tốt. Xin bác sĩ ra phía này, ánh sáng tốt hơn.
– Thôi anh xéo đi! – Ravic nói – Phải đưa nạn nhân đi ngay. Tôi mới băng bó tạm thôi, không thể để lâu hơn được.
– Cứ phải tuần tự, bác sĩ ạ – Viên cảnh binh nói -Tôi phải làm xong báo cáo đã.
– Cái anh chết đã nói tên cho cậu biết chưa? – Anh bụi đời hỏi.
– Câm cái mõm! – Viên cảnh binh đáp.
– Chụp thêm một bức từ phía này này. – Một người nào đó mách.
– Để làm gì?
– Để cho thấy rằng người đàn bà đang đứng ở khu vực đã được coi là nguy hiểm.
Người vừa nói chỉ một cái biển có đề mấy chữ “Coi chừng! Nguy hiểm!”.
– Ta sẽ cần đến bức ảnh này. Để loại bỏ vấn đề bồi thường.
– Tôi thuộc giới báo chí – Người chụp ảnh đáp – Tôi chỉ chụp những pô nào tôi thấy là đáng chụp.
– Nhưng cảnh này đáng chụp quá chứ còn gì? Có cái biển này ở hậu cảnh.
– Cái biển không có gì đáng quan tâm.
– Nếu không chụp thì phải cho vào bản báo cáo của ông. – Người kia quay sang phía viên cảnh binh nãy giờ vẫn hí hoáy viết.
– Ông là ai? – Viên này hỏi, giọng hách dịch.
– Tôi là đại diện của công ty.
– Nếu vậy yêu cầu ông ở lại đây luôn. – Nói đoạn viên cảnh binh quay sang hỏi người đàn bà – Bà tên gì? Chúng tôi cần biết.
Bà mấp máy môi, nhưng không phát ra được một tiếng nào. Bà chớp chớp đôi mắt, như một con bướm mệt lả đập đập đôi cánh, Ravic nghĩ – mình thật dại đột quá chừng. Bây giờ biết làm cách nào chuồn đi?
– Merde! – Viên cảnh binh nói – Bà ta chắc loạn óc rồi còn gì. Lại càng thêm rắc rối. Thế mà mình phải xong trước ba giờ!
– Merde!… – Người đàn bà phều phào.
– Hả? Cái gì? – Người cảnh binh vội vàng cúi xuống.
– Thưa bà, bà vừa nói gì ạ?
Anh ta chẳng nhận được một câu trả lời nào.
Cáu tiết, người cảnh binh quay sang người đại diện công ty.
– Với những câu chuyện phiếm của ông tôi làm sao viết báo cáo cho tử tế được?
Vừa lúc ấy, có tiếng “tách” của chiếc máy ảnh.
– Cảm ơn, – Người chụp ảnh nói – cảnh vừa rồi rất sinh động.
– Trong ảnh có cái biển không? – Người đại diện hỏi.
– Nếu có, tôi xin đặt ngay một tá.
– Không ạ, – Người chụp ảnh nói – tôi là đảng viên xã hội. Ông sẽ phải bồi thường, ông chó giữ nhà của bọn triệu phú ạ.
Tiếng rú thảm thiết của coi xe át hết mọi tiếng động.
Đó là chiếc xe cấp cứu. Đến lúc rồi – Ravic nghĩ. Anh thận trọng bước đi một bước. Nhưng viên cảnh binh liền giữ anh lại.
– Bác sĩ phải về đồn với chúng tôi. Tôi rất tiếc, nhưng không thể khác được.
Bây giờ mỗi bên có một viên cảnh binh đứng kèm Ravic. Không còn biết làm sao được nữa. Anh tự nhủ – mong sao mọi sự đều trót lọt – rồi đi theo hai viên cảnh binh.
Ở đồn cảnh sát, viên sĩ quan trực nhật đã kiên nhẫn nghe viên cảnh binh báo cáo. Bây giờ ông ta quay sang Ravic.
– Ông không phải là người Pháp – Ông ta nói – Đây không phải là một câu hỏi, đây là một lời khẳng định.
– Đúng. – Ravic nói.
– Ông là người gì?
– Người Tiệp Khắc. – Ravic mỉm cười nói.
– Hộ chiếu của ông đâu?
– Fernand ạ, có thật cần thiết không? – Một người nào đó hỏi – Ông này đã đến giúp người bị nạn, và ta đã có địa chỉ của ông ta rồi, như thế cũng đủ. Đã có những người làm chứng khác.
– Tôi biết, nhưng tôi cần hỏi. Sao, ông có hộ chiếu không? Ông có thẻ căn cước đây không?
– Dĩ nhiên là không – Ravic nói – Ông cũng thừa biết là người ta không giữ những thứ đó trong người làm gì.
– Thế nó ở đâu?
– Ở lãnh sự quán. Tôi gửi ở đấy đã một tuần nay để xin gia hạn cư trú.
Anh biết rằng nếu anh nói là hộ chiếu của anh để ở khách sạn, chắc hẳn người ta sẽ phái một viên cảnh binh theo anh về lấy. Hơn nữa, anh đã cho họ một địa chỉ giả. Nói đến lãnh sự quán may ra còn có hy vọng.
– Lãnh sự quán nào?
– Lãnh sự quán Tiệp Khắc.
– Chúng tôi có thể gọi điện đến đấy để thẩm tra lại. – Ông nhìn Ravic.
– Dĩ nhiên.
Fernand đợi một giây, rồi nói:
– Được, chúng tôi sẽ hỏi ngay.
Ông ta đứng dậy và đi sang phòng bên. Người ban nãy đã can viên sĩ quan có vẻ rất ngượng ngùng.
– Thưa bác sĩ, xin ông thứ lỗi cho – Anh ta lại gần Ravic nói – Tôi biết rằng tất cả các thủ tục này đều thừa. Nhưng chỉ mất vài giây thôi. Trong khi chờ đợi, xin ông cho phép tôi cảm ơn ông đã giúp đỡ cho.
Ravic rút một điếu thuốc lá, vẻ hết sức điềm tĩnh. Một viên cảnh binh đang đứng trước cửa. Có lẽ còn cơ may. Hiện giờ chưa có ai nghi ngờ anh. Anh có thể lấn người cảnh binh ấy và ra ngoài. Nhưng lại con người đại diện công ty và hai người thợ. Không thể được. Ngoài cửa còn có thể có những viên cảnh binh khác.
Lúc bấy giờ Femand trở lại.
– Ở lãnh sự quán không có một tờ hộ chiếu nào tên ông.
– Chắc người ta nhầm đấy.
– Không thể nhầm được.
– Người đã nói chuyện điện thoại với ông không nhất thiết phải biết hết mọi việc.
– Nhưng người này thì lại biết hết.
Ravic lặng thỉnh.
– Ông không phải là người Tiệp Khắc, – Fernand nói tiếp – giọng của ông không phải là giọng Tiệp Khắc.
– Có thể.
– Ông là người Đức! – Fernand nói, giọng đắc thắng.
– Và ông không có hộ chiếu.
– Không, – Ravic nói – tôi là người Ma-rốc, và tôi có đủ các thứ hộ chiếu Pháp trên đời.
– Thưa ông! – Femand điên tiết quát – Ông đang lăng mạ Đế quốc Thuộc địa Pháp!
– Merde! – Một trong hai người thợ nói.
Người đại diện công ty có vẻ như chỉ chực giơ tay theo kiểu nhà binh.
– Ông không phải là người Tiệp Khắc. Ông có hộ chiếu hay không, ông trả lời đi.
Bản năng của con chuột cống – Ravic nghĩ thầm, bản năng khó hủy diệt nhất trong tất cả các bản năng. Mình có hay không hộ chiếu thì việc gì đến cái thằng ngốc ấy? Nhưng con chuột công đã đánh hơi thấy một cái gì đây, thế là nó bò ra khỏi lỗ.
– Ông trả lời đi! – Femand sủa.
Một mảnh giầy! Có nó hay không có nó. Giá mình có, thì thằng cha này sẽ xin lỗi rối rít lên. Hắn sẽ cúi rạp xuống chào mình. Nhưng ngày nay thì đến Chúa Ki-tô mà không có hộ chiếu thì cũng vào tù thôi, hoặc giả sẽ chết trước cái tuổi ba mươi ba của Người từ lâu.
– Ông sẽ phải ở lại đây cho đến khi xác minh xong mọi sự.
Ravic chỉ nhún vai. Femand ra khỏi phòng và đống sầm cửa lại.
– Thưa ông – Người ban nãy đã bênh Ravic nói – Tôi rất lấy làm tiếc. Đây là một vấn đề mà ông ta cho là cực kỳ hệ trọng.
– Ông đừng phiền lòng.
– Xong chưa nhỉ? – Một trong hai người thợ hỏi.
– Xong rồi.
Người thợ nói với Ravic:
– Khi nào Cách mạng toàn thế giới thành công, ông sẽ không cần đến hộ chiếu nữa.
– Tôi phải giảng giải để ông hiểu – Người cảnh sát ban nãy lại nói – rằng ông bố của Fernand đã chết trong chiến tranh. Vì thế anh ta thù ghét người Đức. – Ông ta nhìn Ravic như thể đã hiểu tình thế này – Tôi rất tiếc, giá việc này nằm trong tay tôi.
– Xin ông đừng phiền lòng – Ravic nhắc lại – Ông có thể cho phép tôi dùng điện thoại trước khi cái ông Fernand trở lại không?
– Dĩ nhiên. Kia, ở trên bàn kia. Xin ông dùng nhanh cho.
Ravic liền gọi điện cho Morozov, dùng tiếng Đức kể lại sự việc vừa qua cho anh ta nghe. Anh nhờ Morozov báo cho Veber biết.
– Cả Jeanne nữa chứ? – Boris hỏi.
– Chưa, chưa được. Anh nói giúp cô ấy là tôi bị giữ, nhưng hai ba hôm nữa mọi việc sẽ được dàn xếp xong xuôi. Anh trông nom cô ấy hộ nhé.
– Được – Boris đáp không lấy gì làm nhiệt thành -Tạm biệt Wozzek.
Ravic vừa đặt máy xuống thì Fernand trở vào.
– Vừa rồi ông nói tiếng Tiệp đấy à? – Hắn hỏi, giọng ngạo nghễ.
– Không tiếng Esperanto.
Sáng hôm sau Veber đến.
– Ở đây bẩn thỉu quá!
– Các nhà tù ở Pháp bao giờ cũng là những nhà tù thứ thiệt – Ravic đáp – Ở đây người ta dành rất ít cho nhân đạo. Đây là nhà vệ sinh của thế kỷ mười tám.
– Tởm quá – Veber nói – Anh đã bị bắt như thế này thì tởm quá.
– Lẽ ra không bao giờ nên làm việc thiện. Làm việc thiện bao giờ cũng phải trả giá. Lẽ ra tôi phải để cho người đàn bà ấy chảy máu cho đến chết. Chúng ta sống trong một thời đại bằng sắt, Veber ạ.
– Phải, bằng sắt rèn. Họ đã phát hiện ra rằng anh sống ở đây một cách bất hợp pháp?
– Dĩ nhiên.
– Họ cũng biết cả địa chỉ của anh chứ?
– Không. Tôi không bao giờ để liên lụy đến khách sạn International. Bà chủ sẽ bị trừng trị vì đã chứa những kẻ ở ngoài vòng pháp luật. Sẽ có một cuộc kiểm tra của cảnh sát và mươi, mười hai người tị nạn sẽ bị bắt. Không, lần này tôi đã khai khách sạn Lancaster. Một khách sạn sang trọng và đứng đầu. Tôi có ở đấy. Nhưng cách đây lâu lắm rồi.
– Tên anh bây giờ là Wozzek?
– Vladimir Wozzek – Ravic mỉm cười nói – Đây là cái tên thứ tư của tôi.
– Tôi có thể làm gì được cho anh, Ravic?
– Không có gì nhiều. Trước hết là đừng để họ phát hiện rằng trước kia tôi đã từng vào đất Pháp một lần rồi. Nếu không là sáu tháng tù ngay.
– Quỷ thật! – Veber mỉm cười nói.
– Phải, thế giới mỗi ngày một thêm nhân bản. Nietzsche có nói cần phải sống trong nguy hiểm. Những người tị nạn đang làm như thế một cách bất đắc dĩ.
– Thế nếu họ không phát hiện được gì?
– Thì hai tuần phạt giam, sau đó là trục xuất.
– Rồi sao nữa?
– Rồi tôi lại trở về.
– Cho đến khi nào anh lại bị bắt?
– Thế đấy. Lần vừa rồi kỳ hạn kéo được khá dài. Hai năm. Cả một đời người!
– Phải làm cách gì chứ không thể tiếp tục mãi như thế được.
– Liệu anh có thể làm gì hở Veber?
Veber trầm ngâm một lát.
– Durant! – Anh ta bỗng bật ra – Phải rồi, chứ còn gì nữa! Durant quen cả lô những nhân vật trọng yếu. Ông ta có thế lực đấy… – Anh ngừng lại – Sẽ có cách! Bản thân anh đã mổ cho một yếu nhân đấy. Cái ông có cái túi mật ấy.
– Không, không phải tôi mổ. Durant mổ đấy.
Veber cười xòa.
– Dĩ nhiên không thể nói chuyện đó với Leval. Nhưng ông ta có thể làm một cái gì đó cho anh. Tôi sẽ nói chuyện với Durant.
– Chẳng ăn thua gì đâu. Cách đây mấy tuần tôi đã làm ông ta thiệt hai ngàn quan. Ông ta chẳng dễ gì quên chuyện đó đâu.
– Ô quên chứ – Veber nói, vẻ thích thú – Lão ta phải sợ anh nói toẹt ra là anh vẫn làm phẫu thuật cho lão ta. Với lại lão ta vẫn còn cần đến anh kia mà.
– Lão có thể dễ dàng kiếm một người nào khác. Binot hay là một người tị nạn khác. Còn khối người ra đấy.
– Nhưng làm gì có người có năng lực như anh – Veber nói – Dù sao thì ngay hôm nay tôi sẽ thử xem. Có thể gửi vào cho anh thứ gì không?
– Không. Tôi có đủ thứ cần dùng. Điều duy nhất mà tôi cần thực sự thì anh lại không kiếm cho tôi được đâu: tôi cần tắm.
Trong hai tuần Ravic sống bên cạnh một anh thợ hàn người Do Thái, một nhà văn Do Thái và một người Ba Lan. Anh thợ hàn nghĩ đến Berlin: anh ta nhớ thành phố này quá. Anh nhà văn thì lại căm thù Berlin. Còn anh người Ba Lan thì chẳng thiết thứ gì, anh ta thờ ơ với mọi sự. Ravic mời thuốc lá. Anh nhà văn kể những giai đoạn Do Thái. Những tài năng của anh thợ hàn được thi thố để chống lại cái mùi hôi thối của căn nhà giam.
Sau hai tuần, Ravic được gọi lên. Trước tiên người ta dẫn anh đến gặp viên thanh tra cảnh sát. Viên này chỉ hỏi xem Ravic có tiền không. Anh nói là có.
– Nếu thế ông có thể gọi taxi mà đi.
Một viên cảnh binh đi kèm theo anh. Ngoài đường quang đãng và đầy ánh sáng. Cạnh cửa, một ông già đứng bán bong bóng. Ravic không hiểu nổi tại sao ông ta lại phải đến trước cửa tù mà bán.
– Ta đi đâu thế này? – Anh hỏi viên cảnh binh khi lên taxi.
– Gặp ông sếp.
Ravic không biết ông sếp ấy là ông nào. Anh cũng chẳng cần biết, vì đây không phải là ông sếp của một trại tập trung Đức. Trên đời này chỉ có một điều thực sự khủng khiếp: nằm trong tay một chế độ khủng bố tàn bạo. Việc đang xảy ra với anh chẳng có gì nghiêm trọng hết.
Chiếc xe taxi có lắp máy thu thanh, Ravic mở máy ra, và được nghe tin giá cả các thứ rau quả, rồi sau đó là tin chính trị. Sau cùng là âm nhạc. Chiếc xe taxi dừng lại. Ravic trả tiền. Người ta đưa anh vào một căn phòng đợi sực mùi lo âu, mùi mồ hôi và mùi bụi bặm như tất cả mọi căn phòng đợi trên đời này.
Anh ngồi đợi nửa tiếng đồng hồ, đọc một số cũ của tạp chí La Vie Parisienne mà một người khách nào đó đã bỏ lại. Cứ như thể được đọc văn học cổ điển sau hai tuần liền không có sách. Cuối cùng người ta đưa anh vào gặp ông sếp.
Mãi một lát sau anh mới nhận ra con người thấp và béo ấy. Hôm nọ anh chỉ quan tâm đến những bộ phận bị bệnh. Nhưng anh cũng đã tò mò nhìn kỹ gương mặt này. Leval ngồi rất thoải mái sau cái bàn giấy. Bụng ông ta đã lại phệ ra – cái bụng mà anh đã cắt bỏ túi mật. Ravic sực nhớ ra rằng Veber có hứa nhờ Durant can thiệp, và anh hiểu tại sao họ đưa anh đến gặp đích thân Leval. Ông ta nhìn anh hồi lâu từ đầu đến chân.
– Dĩ nhiên tên anh không phải là Wozzek. – Cuối cùng ông ta nói.
– Không phải.
– Thế thì anh tên gì?
– Neumann.
Ravic đã thỏa thuận với Veber về chuyện này, và ông ta đã cho Durant biết trước. Wozzek là một cái tên quá lạ tai.
– Anh là người Đức.
– Vâng.
– Tị nạn?
– Vâng.
– Anh không có vẻ là dân tị nạn.
– Không phải người tị nạn nào cũng là Do Thái. -Ravic phân bua.
– Tại sao anh lại khai tên giả?
– Tôi không biết làm cách nào khác? – Ravic nhún vai nói – Cùng lắm chúng tôi phải nói dối. Nhưng rốt cục cũng không tránh được… Ông tưởng chúng tôi thích thú lắm sao?
Leval làm ra vẻ quan trọng.
– Thế anh tưởng về phía chúng tôi, chúng tôi cũng lấy làm thích thú lắm khi phải lo những công việc có liên quan đến các anh sao?
Ravic nhớ lại rằng hôm ấy anh thấy cái đầu của lão ta xám ngoét ra và hai cái túi mỡ dưới mi mắt như bôi một màu xanh bẩn. Cái miệng thì mở hé. Lúc bấy giờ lão ta không nói năng. Lão ta chỉ là một đống thịt vô tri vô giác, trong đó anh phải tìm một cái túi mật tối tha.
– Anh cư trú ở đâu?
– Tôi ở khắp nơi. Nay đây mai đó.
– Từ bao lâu rồi?
– Từ ba tuần nay. Tôi từ Thụy Sĩ sang. Tôi bị trục xuất. Ông cũng biết rằng chúng tôi không có quyền được sống ở đâu mà không có giấy tờ. Phần đông chúng tôi chưa đành lòng tự sát. Vì vậy mà chúng tôi vô tình gây phiền toái cho các ông.
– Lẽ ra anh phải ở lại nước Đức – Leval làu bàu – Ở bên ấy cũng không đến nỗi nào. Người ta cứ hay phóng đại lên.
Nếu hôm ấy tao đưa con dao mổ chệch đi một ly, mày sẽ không còn ngồi đấy để nói những điều ngu xuẩn như thế. Ravic nghĩ thầm. – Dòi bọ sẽ không cần hộ chiếu để xâm nhập vào thân thể mày. Hoặc giả mày sẽ chỉ còn là một nắm bụi, một ít tro tàn vô danh đựng trong một cái bình.
– Anh trọ ở đâu? – Leval hỏi.
Đây là điều mày muốn biết để lùng bắt những người tị nạn khác – Ravic nghĩ. Anh trả lời:
– Ở các khách sạn có hạng. Dưới những tên họ khác nhau. Và không bao giờ ở quá dăm ngày.
– Không đúng.
– Vậy thì sao ông còn hỏi tôi? – Ravic nói. Anh đã chán lắm rồi.
– Anh đừng có hỗn! – Leval đập bàn quát, rồi lập tức đưa tay lên nhìn.
– Ông đấm phải cái kéo rồi. – Ravic nói.
– Anh không thấy anh có phần nào xấc xược sao? -Leval hỏi với cái giọng điềm tĩnh của một người biết tự kiềm chế khi người đối thoại lệ thuộc hoàn toàn vào mình.
– Xấc xược ư? Ông gọi như thế là xấc xược sao? Đây không phải là một trường học, cũng không phải là một nhà cải huấn cho các tội nhân ăn năn sám hối. Tôi không chấp nhận! Hẳn là ông muốn tôi xử sự như là một tên tội phạm phải van xin người ta giảm nhẹ án cho? Chỉ vì tôi không phải là một tên quốc xã cho nên không có giấy tờ? Chúng tôi đã phải nếm đủ mùi vị cay đắng trong các nhà tù, chúng tôi đã bị cảnh sát nhục mạ đủ cách, nhưng chẳng lẽ ông không biết rằng chỉ vì nhờ chúng tôi biết mình không phải là tội phạm mà chúng tôi còn tiếp tục sống được hay sao? Có trời chứng giám rằng ở đây tuyệt nhiên không thể nói đến hai tiếng xấc xược.
– Anh có hành nghề ở đây không? – Leval hỏi.
– Không.
Cái sẹo bây giờ chắc chắn chỉ còn một chút xíu -anh nghĩ thầm. Mình đã khâu cẩn thận từng ly từng tí. Chẳng dễ gì khâu được như thế với cái lớp mỡ dày cộm của lão ta. Nhưng sau đó lão lại ních mãi vào.
– Chính đây là vấn đề nguy hiểm, nhất – Leval nói – Anh ở đây không được đặt dưới bất kỳ một sự giám sát, một chế độ kiểm tra nào. Có ai biết anh ở bao lâu? Anh đừng tưởng tôi tin khi anh nói là anh mới ở đây được ba tuần. Ai mà biết được anh đã nhúng tay vào bao nhiêu việc ám muội?
Chẳng hạn như nhúng tay vào cái bụng phệ của mày với những động mạch xơ cứng, với cái bộ gan nở to và cái túi mật thối nát – Ravic nghĩ thầm. Và giả sử tao không nhúng tay vào đây, cái lão Durant bạn mày sẽ đưa mày về địa ngục một cách hoàn toàn đúng quy cách. Danh tiếng lão ta lại còn tăng lên nữa là khác, và lão ta sẽ tha hồ tăng giá biểu.
– Đó là điều nguy hiểm nhất – Leval nói tiếp – Anh không có quyền hành nghề. Do đó anh sẵn sàng làm bất cứ việc gì. Vừa rồi tôi đã có dịp nói chuyện về vấn đề này với một người có uy tín tuyệt đối trong lãnh vực này. Người ấy hoàn toàn nhất trí với tôi. Nếu anh có biết một chút gì về nghề y thì ắt phải biết tên ngứơi đó.
Không – Ravic tự nhủ, không thể thế được! Lão ta không thể nói cái tên Durant ra đây được. Cuộc đời không thể bày ra những trò đùa vô liêm sỉ như thế được!
– Giáo sư Durant – Leval nói một cách trang trọng – Bậc danh y ấy đã giải thích cho tôi rõ. Những anh học trò, những anh sinh viên chưa học hết giáo trình, những anh thợ xoa bóp, những anh y tá phụ mổ đều nhất loạt tự xưng là những bậc danh y ở Đức. Ai có thể xác minh được? Và kết quả là thế nào? Là những cuộc phẫu thuật bất hợp pháp, những vụ phá thai, những vụ hợp tác với các bà mụ lang băm, có trời biết còn những trò gì nữa! Chúng tôi có nghiêm khắc bao nhiêu cũng vẫn chưa đủ.
Bàn tay của Durant đây! – Ravic tự nhủ. Đây là đòn trả thù của lão về cái món hai ngàn quan. Vậy bây giờ ai sẽ mổ cho lão ấy? Binot. Phải rồi, chắc thế. Lão ta giảng hòa với Binot rồi.
Anh không nghe Leval nói nữa. Mãi đến khi nghe lão ta nhắc đến tên Veber, anh mới lại chú ý.
– Có một ông bác sĩ Veber nào đó có bênh vực cho anh. Anh có quen ông ta không?
– Chỉ chút ít thôi.
– Ông ta có đến đây.
Leval hắt hơi một cái, xì cái mũi ầm ĩ, nhìn kỹ cái khăn mùi xoa trước khi đút vào túi, rồi nói:
– Tôi không làm gì cho anh được đâu. Tôi có bổn phận phải nghiêm khắc. Anh sẽ bị trục xuất.
– Tôi biết.
– Trước đây anh đã đến đất Pháp lần nào chưa.
– Chưa.
– Anh còn quay lại nữa là sáu tháng tù đấy. Anh có biết không?
– Có.
– Tôi sẽ trông nom cho anh được đưa ra biên giới trong thời hạn ngắn thôi. Anh có tiền không?
– Có.
– Nếu thế anh sẽ phải trả chi phí lộ hành của anh và của người áp giải từ đây ra đến biên giới. – Lão ta ra hiệu là cuộc tiếp xúc đã kết thúc – Anh đi đi.
– Anh và tôi có phải trở về đúng vào một giờ nào đó không? – Ravic hỏi viên cảnh binh đã đưa anh đến đây.
– Không. Để làm gì?
– Tôi muốn uống một ly. Tôi không trốn đâu. – Ravic nói thêm khi thấy người kia nhìn anh ngờ vực. Anh rút túi lấy ra tờ hai mươi quan, mở ra gấp vào một cách lơ đễnh.
– Thôi được. Mấy phút đồng hồ chẳng có gì quan trọng.
Họ cho xe taxi dừng lại trước cửa quán rượu gần nhất. Trên sân hiên có mấy cái bàn. Trời không nóng, nhưng nắng to.
– Ông uống gì? – Ravic hỏi.
– Một amer-pocon. Giờ này tôi chỉ uống thế.
– Còn tôi một fine. Không pha nước.
Ravic thở rõ sâu. Trên vỉa hè, các cành cây đã đâm từng đám chồi sẵn sàng nở rộ. Trên không phảng phất mùi bánh mì và mùi rượu vang mới. Người bồi mang hai cái ly ra.
– Điện thoại ở chỗ nào?
– Trong kia, bên phải.
– Nhưng… – Viên cảnh sát toan phản đối.
Ravic đút vào tay anh ta tờ giấy bạc hai mươi quan, nói:
– Chắc ông phải hiểu tôi gọi điện thoại cho ai chứ. Tôi không biến mất đâu. Vả lại ông có thể đi với tôi.
Viên cảnh sát đứng dậy đi theo Ravic, nói:
– Dù sao một con người vẫn là một con người.
– Jeanne…
– Ravie! Trời ơi! Anh đang ở đâu thế? Họ đã cho anh ra ngoài à! Anh nói đi, anh đang ở đâu?
– Trong một quán rượu.
– Kìa, anh nói thật đi, anh ở đâu thế?
– Ở quán rượu thật mà!
– Ở đâu? Thế anh không ở tù nửa à? Suốt mấy hôm qua anh đi đâu mà… Cái anh Morozov của anh…
– Anh ấy đã nói đúng sự việc vừa xảy ra.
– Anh ấy cũng chẳng nói cho em biết họ đưa anh đi đâu nữa. Chứ không thì em đã đến ngay rồi.
– Chính vì thế mà anh ấy không nói cho em biết đấy, Jeanne ạ. Như thế tốt hơn.
– Tại sao anh lại gọi điện thoại đio em từ một quán rượu? Sao anh không đến em?
– Anh không thể đến được. Anh chỉ có được mấy phút. Anh đã phải thuyết phục người cảnh sát cho phép anh ghé vào đây một lát. Vài ngày nữa họ sẽ đưa anh ra biên giới Thụy Sĩ, Jeanne ạ. Nhưng anh sẽ về ngay.
Anh chờ một lát, rồi nói tiếp:
– Jeanne ạ…
– Em đến đây, em đến ngay. Anh ở đâu?
– Không được đâu em bé ạ. Em đến đây phải mất nửa giờ, mà anh chỉ còn ở đây được vài phút nữa thôi.
– Anh cố trì hoãn đi! Cho hắn tiền nữa đi! Nếu cần em sẽ đem tiền đến!
– Jeanne ạ, người ta đang đợi anh. Anh phải đi đây.
– Vậy anh không thể gặp em được nữa sao?
Lẽ ra mình không nên gọi điện. – Anh tự nhủ. Làm sao cắt nghĩa được hết mọi điều khi không nhìn thấy nhau?
– Trên đời không có gì anh ao ước thiết tha cho bằng nữa.
– Thế thì anh đến đi. Người áp giải cùng đi cũng được mà!
– Không được đâu. Anh sắp phải cắt máy đây. Em nói nhanh lên: bây giờ em đang làm gì?
– Anh muốn nói gì thế?
– Em đang mặc áo gì? Em đứng ở đâu?
– Ở trong phòng em. Trên giường. Hôm qua em đi ngủ muộn. Nhưng em có thể mặc quần áo đến chỗ anh ngay.
Jeanne đi ngủ muộn. Phải, đúng đấy. Mọi việc đều tiếp tục như cũ, ngay cả khi mình ở tù. Mình quên mất, Jeanne đang nằm trên giường. Gần như đang ngủ, tóc xõa trên gối, bít tất và đồ lót ném rải rác trên bàn trên ghế. Ravic cảm thấy mọi vật quay tròn xung quanh anh. Tấm kính của buồng điện thoại mờ hơi. Anh trấn tĩnh lại.
– Hết giờ rồi Jeanne ạ.
Một giọng nói đầy nỗi lo âu khắc khoải trả lời anh:
– Không! Anh không thể… Anh không thể ra đi khơi khơi như thế trong khi em chẳng biết gì cả, chẳng biết anh sẽ ở đâu.
Anh nhìn thấy rõ Jeanne trước mắt, đang ngồi trên giường, tóc rối tung, tay cầm ống nghe vừa như là một kẻ thù vừa như là một vũ khí trong tay, đôi mắt tối xẫm lại vì sợ hãi…
– Anh không đi xa đâu. Ngay ở Thụy Sĩ thôi. Anh sẽ chóng về. Em cứ như anh là một thương gia đi bán một tàu súng máy cho Hội Quốc Liên.
– Nhưng đến khi anh về thì lại vẫn thế. Em sẽ sống trong nỗi lo sợ phải thấy anh ra đi. Em bao giờ cũng là kẻ sau cùng được người ta nói cho mà biết những gì đang xảy ra! Anh gọi Morozov chứ có thèm gọi em đâu!
– Chúng mình đừng gây chuyện cãi nhau, Jeanne ạ.
– Em có gây chuyện đâu.
– Anh phải đi thôi, Jeanne ạ. Từ biệt em!
– Ravic! – Cô gọi hốt hoảng – Anh Ravic ơi!
– Ơi.
– Trở về đi! Trở về đi! Không có anh em chết mất!
– Anh sẽ trở về.
– Ừ! Ừ! Anh sẽ trở về nhé!
– Chào em. Anh sẽ chóng về thôi.
Ravic đứng im một giây trong cái buồng điện thoại ngột ngạt. Anh sực nhớ ra rằng mình vẫn cầm máy trên tay. Anh đặt nó xuống và mở cửa. Viên cảnh binh nhìn anh rồi hỏi nhẹ nhàng.
– Xong rồi chứ?
– Vâng.
Hai người trở ra bàn ở ngoài sân hiên. Ravic uống cạn ly rượu, nghĩ thầm: Mình gọi điện cho Jeanne thật không hay. Trước đó mình bình tĩnh. Bây giờ mình chẳng còn biết ra sao nữa. Lẽ ra mình phải hiểu từ đầu rằng một cuộc nói chuyện bằng điện thoại chẳng đem lại được một chút gì hữu ích. Trong khoảng một giây anh muốn gọi lại một lần nữa để nói cho hết những điều đang chất chứa trong lòng, để giảng giải cho Jeanne hiểu tại sao anh không thể gặp nàng được, để nói cho Jeanne biết rằng anh không muốn nàng nhìn thấy anh phờ phạc bẩn thỉu, lại đang bị một viên cảnh binh giải đi.
– Ta về đi thì hơn. – Viên cảnh binh nói.
– Vâng.
Ravic vẫy người hầu bàn lại.
– Cho tôi hai chai cognac loại nhỏ, tất cả các báo ra ngay hôm nay và mười hai bao Caporal.
Anh trả tiền rồi hỏi viên cảnh sát.
– Có được phép không?
– Một con người là một con người. – Anh ta chỉ nói có thế.
Ravic đút hai chai rượu và bọc thuốc lá vào túi, rồi đi ra xe, theo sau là người áp giải.
Anh chàng người Ba Lan và anh nhà văn tỏ lòng hân hoan tột bực khi thấy hai chai cognac. Anh thợ hàn không uống rượu mạnh. Anh chỉ thích bia, và giảng giải dài dòng cho họ hiểu bia Berlin ngon hơn bia ở đây đến mức nào. Nằm trên tấm ván dùng làm giường cho anh, Ravic đọc mấy tờ báo. Anh Ba Lan không đọc; anh ta không biết chữ Pháp. Cho nên anh chỉ hút thuốc thôi.
Nửa đêm anh thợ hàn òa khóc. Ravic không ngủ. Anh vừa lắng nghe những tiếng khóc ấm ức vừa nhìn nền trời tái nhợt qua khung cửa sổ hẹp. Giấc ngủ không chịu đến với anh. Con người hình như có một khả năng đau khổ vô hạn mà cuộc đời không sao làm cho cùn đi được.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.