Gian đại sảnh của khách sạn Prince de Galles vắng tanh khi Ravic bước vào. Một cái máy thu vô tuyến điện đang phóng thanh trên quầy tính tiền. Hai người đàn bà lao công đang dọn dẹp ở các góc phòng. Ravin im lặng bước nhanh qua gian phòng rộng thênh thang. Anh nhìn lên cái đồng hồ treo trên cửa. Năm giờ sáng.
Anh đi ngược đại lộ George V và đến tiệm Fonquet’s. Không thấy ai. Tiệm đã đóng cửa từ lâu. Anh đứng lại một lát. Rồi anh nhảy lên một chiếc taxi, bảo đưa anh đến tiệm Schéhérazade.
Moraozov đứng trước cửa nhìn anh có ý dò hỏi.
– Chưa có gì. – Ravic nói.
– Tôi cũng nghĩ thế. Tôi biết chắc là không phải hôm nay.
– Sao thế? Hôm nay là ngày thứ mười bốn.
– Không nên tính quá chính xác như vậy. Cậu vẫn nằm ở Prince de Galles không nhúc nhích đấy chứ?
– Từ sáng đến giờ.
– Ngày mai hắn sẽ gọi – Morosov – Chắc hôm nay hắn còn bận việc gì đấy, hay là hắn lên đường muộn hơn một chút.
– Sáng nay tôi có một ca mổ.
– Hắn chẳng gọi điện đến sớm thế đâu.
Ravic không đáp. Anh mải nhìn một chiếc taxi vừa có một anh chàng điếm đực mặc smoking bước ra, theo sau là một người đàn bà xanh xao, răng dì. Morozov mở cửa cho họ. Mùi nước hoa Chanel số Năm bỗng như tràn ngập cả dãy phố. Người đàn bà đi hơi khập khiễng. Anh điếm đực uể oải bước vào theo sau khi trả tiền taxi. Người đàn bà quay lại chờ. Dưới ánh đèn, mắt bà ta xanh lục. Đôi đồng tử thu lại rất nhỏ. Morozov quay lại.
– Giờ này chắc chắn là hắn không gọi điện đến đâu. – Morozov nói với Ravic.
Ravic không đáp.
– Nếu cậu để chìa khóa cho tôi, tôi sẽ lên phòng cậu lúc tám giờ, và sẽ ở lại đấy cho đến khi cậu về.
– Anh phải ngủ chứ…
– Đồ ngu. Có muốn ngủ thì tôi cứ ngủ trên giường cậu cũng được chứ sao. Tôi biết là sẽ không có ai gọi điện đâu. Nhưng để cho cậu yên tâm tôi vẫn vui lòng đến trực cho cậu.
– Tôi sẽ ở bệnh viện đến mười một giờ.
– Rất tốt. Cậu cứ việc đưa chìa khóa cho tôi. Nếu không, trong một trạng thái thần kinh bị kích thích như vậy, cậu có thể khâu liền buồng trứng với dạ dày của một bà ở Faubourg Saint-Germain lắm. Cậu có chìa khóa đấy không?
– Có. Đây.
Morozov bỏ cái chìa khóa vào túi. Rồi anh chìa ra cho Ravic một hộp kẹo bạc hà. Ravic ra hiệu từ chối. Morozov lấy ra mấy viên, ném từng viên một vào mồm. Mấy viên kẹo mất hút trong bộ râu xồm của anh như những con chim nhỏ màu trắng bay vào rừng.
– Mát tuyệt. – Anh tuyên bố.
– Anh đã bao giờ ngồi đợi suốt ngày trong một xó chưa?
– Còn lâu hơn thế nữa. Còn cậu?
– Tôi cũng đã từng. Nhưng chưa bao giờ đợi một cái gì tương tự như thế này.
– Cậu không mang sách sang bên ấy à?
– Có. Nhưng tôi chẳng đọc được gì. Anh còn phải đứng đây lâu không?
Morozov ra mở cửa một chiếc taxi chở đầy người Mỹ. Anh lại đến mở cửa tiệm cho họ vào. Rồi anh quay lại nói với Ravic:
– Ít nhất phải hai tiếng nữa. Cậu thấy bọn mới đến chưa? Đây là mùa hè quái đản nhất mà tôi đã từng thấy. Có cả Jeanne trong đó nữa.
– Thật à?
– Ừ. Đi với một tay khác, nếu cậu quan tâm.
– Không. – Ravic nói đoạn quay lại và bỏ đi – Mai tôi sẽ gặp lại anh.
– Ravic. – Morozov gọi giật lại.
Ravic quay lại. Morozov rút cái chìa khóa trong túi ra.
– Cầm lấy. Cậu quên mất là cậu còn phải về phòng cậu thuê bên Prince de Galles. Từ giờ đến mai tôi không gặp cậu nữa. Cậu chỉ cần để cửa mở khi đi.
– Tôi sẽ không ngủ ở Prince de Galles – Ravic vừa nói vừa cầm lấy chìa khóa – Tôi ngủ ở International, ở bên kia người ta càng ít trông thấy tôi càng tốt.
– Lẽ ra cậu nên ngủ ở đấy. Ai lại thuê phòng khách sạn mà không ngủ ở đấy? Như thế có thể phiền hà nếu công an đến dò hỏi sau này.
– Đúng. Nhưng mặt khác tôi phải có căn cứ để chứng minh rằng tôi cư trú thường xuyên tại khách sạn International, chưa có lần nào dọn đi đâu hết. Tôi đã thu xếp mọi thứ ở Prince de Galles. Giường để bề bộn, bồn tắm, chậu rửa mặt, khăn lông, mọi thứ đều cho thấy là tôi đã ra đi từ sáng sớm.
– Nếu vậy cậu trả cái chìa khóa lại cho tôi.
– Không. – Ravic nói – Tôi nghĩ lại rồi. Đừng để cho người ta trông thấy anh ở Prince de Galles thì hơn.
– Có làm sao đâu nhỉ?
– Boris ạ. Chúng ta đừng có ngu. Bộ râu của anh thế nào cũng đập vào mắt người ta. Vả lại, như anh đã từng nói, tôi phải sống và hành động như thể không có chuyện gì đặc biệt xảy ra cả. Nếu sáng mai Haake gọi điện mà không có tôi ở đấy, thế nào quá trưa hắn cũng gọi lại. Nếu tôi không tin chắc như vậy, tôi đã phát điên từ lâu rồi.
– Bây giờ cậu đi đâu?
– Đi ngủ. Muộn quá rồi. Giờ này hắn không gọi nữa đâu.
– Hết việc tôi có thể gặp cậu ở đâu đấy nếu cậu muốn.
– Cám ơn Boris. Nhưng đến giờ anh hết việc chắc tôi đã ngủ từ lâu rồi. Tám giờ sáng tôi có ca mổ.
Morozov nhìn bạn, vẻ trầm ngâm.
– Tốt lắm. Nếu vậy chiều mai tôi sẽ ghé qua cậu ở Prince de Galles. Từ đây đến đó nếu có chuyện gì cậu cứ cho tôi biết ở khách sạn.
– Đồng ý.
Đường phố. Đô thành. Bầu trời đỏ. Ngọn gió vật vờ quanh các góc đường có quán rượu như một con mèo nũng nịu cà vào chân người. Những bóng người qua lại và một làn gió mát sau cả một ngày tôi ngồi trong cái không khí tù hãm của một phòng khách sạn. Ravic đi dọc đại lộ chạy qua phía sau tiệm Scheherazade. Những gốc cây có rào sắt bao quanh ngập ngừng tỏa lên bầu trời bằng chì một mùi hương nhắc nhở những cánh rừng và những bãi cỏ. Ravic thấy mình như bị dốc kiệt, mệt lử, chỉ chực ngã xuống. Có một cái gì ở trong anh như đang thầm thì: “Hay là quên quách những chuyện ấy đi? Hay là lột bỏ nó đi như con rắn lột bỏ lớp da cũ? Cái màn kịch bi lụy rút ra từ một quá khứ gần lãng quên ấy có hệ trọng gì đối với ta? Có hệ trọng gì cái thằng người ấy, chỉ là một công cụ cực kỳ nhỏ bé đã hành động khi thế giới qua một mảng đen tối của thời trung thế kỷ, trong khi mặt trời bị che lấp, dìm cõi Trung Âu vào bóng tối?”
Những chuyện ấy có quan hệ gì với anh? Một cô gái điếm tìm cách kéo anh vào một cái cổng kín. Trong bóng tối, cô mở áo ra. Một kiểu áo có thể mở hết ra như một chiếc áo choàng ngủ khi cô ta tháo nịt thắt lưng. Cái thân thể trắng xanh nổi lên mờ mờ trong bóng tối. Đôi bít tất đen dài, đôi hốc mắt tối tăm trong đó chỉ thấy hai điểm sáng long lanh, một chất thịt mong manh như đã mục nát, trông gần như có lân tinh.
Một tên ma cô miệng ngậm mẩu thuốc lá, lưng dựa vào một cái cây, đứng nhìn anh đi qua. Những chiếc xe chở đầy rau quả lăn bánh gần bên. Mấy con ngựa kéo xe, đầu cúi gằm, gân bắp căng thẳng nổi rõ dưới làn da. Mùi thơm hăng hắc của các thứ rau cỏ, những đầu hoa su-flơ trông như những bộ óc đông cứng lại trong cái ổ làm bằng lá xanh, những quả cà chua đỏ ối, những giỏ đậu la-pheo, hành, anh đào, cần tây.
Những thứ đó có liên quan gì đến anh? Bớt một tên hay thêm một tên. Thêm một tên hay bớt một tên trong cái số mười vạn tên cũng xấu xa như thế, hay lại còn tệ hơn nữa. Bớt một tên. Anh đứng phắt lại. Đúng rồi! Anh bỗng tỉnh hẳn. Phải, đúng rồi! Bớt một tên! Chính từ đấy đã nảy ra những ý nghĩ làm cho anh chán nản, mệt mỏi, những ý nghĩ, đang tìm cách áp đặt sự lãng quên. Bớt một tên! Phải, bớt một tên chẳng là cái gì hết. Nhưng cũng lại là tất cả! Tất cả! Anh rút trong túi ra một điếu thuốc lá và châm lửa. Anh quan sát cái ánh sáng vàng của que diêm, và hai lòng bàn tay úp lại giống như một cái động có hai vách đá nứt nẻ. Giây phút này anh biết rằng không có một sức mạnh nào trên đời có thể ngăn cản anh giết Haake. Bây giờ anh thấy mọi sự đều lệ thuộc vào việc này. Nó đã đột nhiên trở thành một cái gì lớn hơn cuộc trả thù riêng rất nhiều. Anh cảm thấy nếu không làm tròn việc đó anh sẽ thành thủ phạm của một tội ác quái gở, như thể việc anh từ chối hành động sẽ vĩnh viễn làm cho cuộc đời thiếu mất một cái gì cực gì quan trọng. Vượt rất xa qua những lời giải thích và qua luận lý học, trong những chiều sâu thẳm của máu, anh cảm thấy mình phải hành động, dường như thể từ hành động của anh phải phát đi những xạ khí, những làn sóng sau này sẽ gây ra những biến cố lớn lao. Anh nhận thức được rằng Haake chỉ là một tên sai nha cỡ nhỏ của bạo lực, hầu như chẳng có chút tầm quan trọng nào. Nhưng đồng thời anh cũng nhận thức rằng giết nó là việc cần thiết hơn hết mọi sự trên đời.
Que diêm tắt trên tay anh, và anh ném nó đi thật xa. Bình minh đang làm cho những khóm lá run rẩy. Một cảm giác ngạc nhiên kỳ lạ chiếm lấy anh. Có một cái gì lớn lao đã xảy đến với anh. Một tòa án vô hình vừa họp lại và một bản tuyên án đã được đọc lên. Anh trông thấy các cây cối một cách minh xác phi thường, bức tường vàng của một ngôi nhà, màu xám của một dãy rào sắt, dãy phố trong làn sương xanh; anh cảm thấy mình sẽ không bao giờ quên những gì đang nhìn thấy trong phút này. Anh hiểu ra rằng anh sẽ giết Haake và đây không còn là một cuộc trả thù riêng nhỏ nhặt của anh, mà là một sự khởi đầu…
Anh đi ngang trước cửa tiệm Osiris. Mấy người khách say đang loạng choạng bước ra khỏi tiệm. Mắt họ lờ đờ, mặt họ đỏ gay. Anh nhìn theo họ. Họ đứng đợi taxi mấy phút, rồi vừa chửi rủa vừa bước đi, nặng nề và ồn ào. Họ đều nói tiếng Đức.
Ravic vốn có ý định trở về khách sạn. Bây giờ anh đổi ý. Anh nhớ lại rằng Rolande có nói với anh là mấy tháng gần đây có rất nhiều khách du lịch Đức lui tới tiệm Osiris. Anh đi vào tiệm.
Rolande đang đứng sau bar, vẻ điềm đạm và thanh thản trong bộ y phục đen của người gia sư. Chiếc máy nghe đĩa ném ra những làn sóng âm rất mạnh dội vào mấy bức tường xây kiểu Ai Cập.
– Rolande. – Anh gọi.
Cô ta quay ra.
– Ravic! Đã mấy thế kỷ rồi chẳng thấy anh đâu! Trông thấy anh tôi mừng quá!
– Vì sao?
Đứng bên cạnh cô, anh đưa mắt nhìn khắp phòng một lượt. Chẳng còn được bao nhiêu khách. Lác đác đó đây chỉ có mấy người ngủ gà ngủ vịt bên bàn.
– Tôi sắp đi đây anh ạ. Một tuần nữa thôi.
– Đi hẳn à?
Cô gật đầu, rồi rút trong coóc xê ra một bức điện.
– Đây anh xem.
Ravic mở bức điện ra đọc.
– Bà cô của chị? Vậy ra, cuối cùng bà ấy cũng chết nhỉ?
– Vâng. Cho nên tôi về. Tôi đã báo cho Madame biết. Bà ấy tức lắm, nhưng rồi cũng thông cảm với tôi. Jeanne sẽ thay tôi. Tôi chưa kịp báo cho cô ta biết.
Rolande cười.
– Tội nghiệp bà chủ! Thế mà bà ấy định năm nay sẽ đi nghỉ mát ở Cannes. Biệt thự của bà đã đầy khách khứa. Bà ấy đã thành bá tước phu nhân cách đây một năm: cái ông bá tước ấy là một thứ ma cô ở Toulouse mỗi tháng nhận năm ngàn quan của bà ấy cấp cho với điều kiện phải nằm yên ở Toulouse chứ không được về quấy rầy bà ấy ở Cannes. Nhưng bây giờ thì bà ấy không đi được nữa rồi.
– Chị sẽ mở hiệu cà phê chứ?
– Vâng. Bây giờ ngày nào tôi cũng ngồi đặt mua các thứ cần thiết. Ở Paris cái gì cũng rẻ hơn. Hàng chintz để làm màn cửa. Đây, anh thử xem.
Vẫn từ trong coóc xê cô ta rút ra một miếng hàng mẫu nhàu nhò. Hoa trắng trên nền vàng.
– Tuyệt! – Ravic tuyên bố.
– Tôi được giảm ba mươi phần trăm. Hàng này là hàng tồn từ năm ngoái.
Mắt Rolande long lanh vì hưng phấn và cảm khích.
– Thế là tôi tiết kiệm được ba trăm bảy mươi lăm quan. Thế có tuyệt không chứ!
– Tuyệt thật. Thế chị lấy chồng chứ?
– Vâng.
– Sao phải cưới ngay? Sao chị không chờ thu xếp xong xuôi mọi việc đã?
Rolande cười phá lên.
– Anh chẳng hiểu gì công việc hết Ravic ạ. Những chuyện toan tính của tôi đều cần có một người đàn ông. Tôi biết việc tôi làm chứ!
Rolande quả rất tự tin, cương nghị, bình tĩnh. Cô đã trù liệu hết mọi việc, cần có một người đàn ông mới bảo đảm được cho các ý đồ của cô thành công.
– Chị đừng đứng tên chồng mà gửi tiền ngân hàng.
– Ravic nói – Ít nhất là lúc đầu. Chị phải chờ xem công việc chạy ra sao đã.
Cô lại cười.
– Tôi biết công việc sẽ chạy ra sao chứ. Cả hai vợ chồng chúng tôi đều hiểu biết cả. Chúng tôi rất cần nhau. Một người đàn ông không còn là đàn ông nữa nếu để vợ giữ tiền. Tôi không muốn có một anh ma cô trong nhà. Tôi muốn được kính trọng chồng tôi. Tôi không thể thế được nếu chồng tôi động một chút là cứ phải đến hỏi xin tiền tôi. Anh hiểu tôi chứ?
– Tôi hiểu. – Anh trả lời không lấy gì làm quả quyết.
– Thế chứ! – Cô hài lòng nói – Anh uống cái gì nhé?
– Thôi cám ơn. Tôi phải đi đây. Sáng mai tôi phải làm việc.
Bà Rolande nhìn kỹ anh.
– Anh điều độ như một ông quan tòa. Anh có cần một người đàn bà không?
– Không.
Bà Rolande vẫy tay ra hiệu cho hai cô đến săn sóc ông khách đang ngồi ngủ gật trên chiếc ghế dài. Mấy người khắch ban nãy đều ồn ào. Bây giờ trong phòng không còn ông khách nào nữa. Mấy cô gái rỗi rãi đều xoay ra chơi trò truyệt trên sàn đánh bóng như trẻ con đùa nghịch trên sân băng. Hai cô phi nước đại cầm tay một cô thứ ba ngồi xổm lôi cô ta trượt suốt chiều dài gian phòng. Tóc họ xổ tung ra, vú họ phơi trần trước gió, vai họ bóng lộn lên, và những bộ trang phục bằng lụa màu rất ngắn không còn che được chút gì trên thân thể họ nữa. Họ reo lên vì vui thích, và đột nhiên, tiệm Osiric dường như đã biến thành một hình ảnh cổ điển của cảnh điền viên tươi vui và trong trắng.
– Bây giờ là mùa hè – Rolande nhún vai nói – Buổi sáng cũng phải để cho các em nó tự do một chút. Thứ Năm là buổi cuối cùng của tôi. Madame có tổ chức một dạ hội để tiễn tôi. Anh đến nhé?
– Thứ Năm à?
– Vâng.
Thứ Năm. – Ravic nghĩ. Tức bảy ngày nữa. Những bảy ngày. Cứ như là bảy năm ấy. Thứ Năm… thì việc ấy đã xong rồi. Thứ Năm. Làm sao có thể dự tính những việc còn lâu mới diễn ra như vậy nhỉ?
– Dĩ nhiên – Anh nói – Ở đâu?
– Ở đây, lúc sáu giờ.
– Được. Tôi sẽ đến. Chào Rolande nhé.
– Chào anh, Ravic.
Anh đang đặt cái banh vào miệng vết mổ thì điều đó xảy ra. Nó đến một cách hết sức đột ngột… dường như có một luồng hơi nóng phả vào anh, một nỗi lo âu bất ngờ và dữ dội, tưởng có thể chết đi được. Anh phân vân một giây. Cái khoang bụng mở ra đỏ loét, dòng máu nhỏ ứa ra từ những dải băng giữ chặt mớ ruột, những tia máu phun ra từ các tĩnh mạch nhỏ gần sát mấy cái cặp nhíp… anh bỗng thấy Eugénie nhìn anh như dò hỏi; anh thấy khuôn mặt rộng của Veber gần sát đến nỗi anh có thể gần như đếm được những lỗ chân lông và những sợi ria của ông ta. Anh định thần lại và bình tĩnh làm tiếp.
Anh khâu vết mổ. Mấy ngón tay của anh khâu. Đường rạch khép lại. Anh cảm thấy mồ hôi toát ra từ nách chảy ròng ròng xuống dọc thân thể anh.
– Anh làm ơn khâu nốt nhé? – Anh thỉnh cầu Veber.
– Được. Có chuyện gì thế?
– Không có gì. Nóng. Thiếu ngủ.
Anh trông thấy cái nhìn của Eugénie.
– Tình trạng này thỉnh thoảng vẫn thấy có đấy, Eugénie ạ. Ngay những người có đạo đức cũng có khi như vậy.
Có lúc anh cảm thấy như căn phòng chao đảo. Anh thấy mệt vô cùng. Veber khâu tiếp. Ravic giúp ông ta như cái máy. Lưỡi anh cộm, ngực anh như độn bông. Anh thở rất chậm và rất khó nhọc. Mình không mổ được nữa. – Anh nghĩ. Chừng nào việc kia còn chưa thanh toán xong.
Veber bôi iode lên vết mổ đã khâu kín.
– Xong.
Eugénie hạ chân bàn mổ xuống. Cáng đã đẩy vào, lăn trên bốn bánh xe hoàn toàn im lặng.
– Hút điếu thuốc nhé? – Veber mời.
– Thôi, tôi phải đi đây. Tôi có việc cần. Không còn việc gì phải làm nữa chứ?
– Không.
Veber ngạc nhiên nhìn anh.
– Sao anh vội thế? Anh không uống tí vermonth soda hay cái gì cho nó mát một chút sao?
– Thôi cám ơn. Tôi phải đi gấp. Tôi không ngờ đã muộn thế. Tạm biệt Veber.
Anh đi xa rất nhanh. Ra ngoài, anh nghĩ: taxi, nhanh nên, phải tìm taxi! Một chiếc Citroen lại gần. Anh nhảy lên.
– Đến khách sạn Prince de Galles. Nhanh lên!
Phải báo cho Veber biết là mình bận mấy ngày – Anh tự nhủ. Không có cách gì khác. Nếu đang mổ mà mình tưởng tượng là Haake đang gọi điện về khách sạn thì đến phát điên mất.
Anh trả tiền taxi rồi bước nhanh vào khách sạn. Anh có cảm giác là buồng thang máy bò lên từng chút một. Anh chạy dọc dãy hành lang dài hun hút và mở cửa phòng. Máy điện thoại. Anh nhấc ông nghe lên một cách khó nhọc.
– Von Horn đây. Có ai gọi điện cho tôi không?
– Xin ông chờ cho một chút.
Ravic chờ. Lát sau có tiếng cô gác điện thoại.
– Thưa ông không ạ. Không có ai gọi.
– Cám ơn.
Quá trưa, Morozov đến.
– Cậu ăn chưa? – Anh ta hỏi.
– Chưa. Tôi muốn đợi anh đến rồi cùng ăn một thể ở đây.
– Sao cậu ngu thế? Để cho người ta để ý à? Cậu thừa biết là ở Paris không ai lại ăn trong buồng riêng, trừ khi đau ốm. Cậu đi ăn cái gì đi. Tôi gác cho. Vả lại giờ này người ta ăn chứ không ai đi gọi điện thoại. Tục lệ thiêng liêng đấy. Nếu nhỡ hắn gọi thì tôi đóng vai người hầu của cậu, tôi sẽ hỏi số điện thoại của hắn, và nói với hắn là nửa giờ nữa cậu sẽ về.
Thoạt tiên Ravic do dự, rồi anh nói:
– Anh có lý. Hai mươi phút nữa tôi sẽ về.
– Cậu cứ thong thả đi. Cậu đã đợi nhiều rồi. Và cố bình tĩnh đi. Cậu định ra tiệm Fouquet’s phải không?
– Phải.
– Cậu gọi Vouvray 37 mà uống. Tôi vừa uống thử, ngon lắm.
– Cảm ơn.
Ravic đi xuống. Anh băng qua đường đi dọc sân hiên. Rồi anh nhìn vào tiệm ăn. Không có Haake. Anh ngồi vào một cái bàn bỏ trống ngoài sân hiên trông về phía đại lộ George V, gọi món thịt à la mode, một đĩa xà lách, một lát pho mát sữa dê, và một bình vouvray.
Trong khi ăn, anh cố tự chủ. Anh tự buộc mình phải nhận thấy cốc rượu vang nhẹ và sáng long lanh. Anh ăn chậm rãi, mắt nhìn xung quanh. Anh ngắm bầu trời bên trên Khải Hoàn Môn, giống như một lá cờ bằng lụa xanh, và gọi thêm chén cà phê nữa. Anh nhấm nháp chất nước đắng và bổ ích này, châm một điếu thuốc, rồi nhất định không vội vàng, anh ngồi thêm mấy phút nữa nhìn những người qua đường. Rồi anh đứng dậy, vượt qua đường sang phía khách sạn Prince de Galles và lập tức lâm vào tình trạng bồn chồn như cũ.
– Cậu thấy vang Vouvray thế nào? – Morozov hỏi.
– Ngon.
Morozov rút trong túi ra một bàn cờ nhỏ xíu.
– Đánh một ván nhé?
– Vâng.
Họ bày quân ra. Morozov ngồi ghế tựa. Ravic ngồi trên đi-văng.
– Chắc tôi không thể ở đây nhiều hơn ba bốn ngày mà không có hộ chiếu. – Ravic nói.
– Ồ, ở các khách sạn sang trọng họ không tọc mạch lắm đâu.
– Nhỡ họ hỏi hộ chiếu thì phiền lắm.
– Dù sao thì lúc này họ cũng chẳng hỏi đâu. Tôi đã hỏi dò ở hai khách sạn George V và Ritz. Cậu ghi danh là người Mỹ phải không?
– Không. Người Hà Lan ở Utrecht. Như vậy không ăn nhập với tên họ của người Đức. Cho nên tôi ghi là Van Horn thay vì Von Horn. Haake sẽ không nhận thấy chỗ khác nhau khi hắn gọi điện.
– Cậu làm thế là phải. Cậu lại không thuê loại phòng rẻ tiền nhất. Người ta sẽ không làm phiền cậu đâu.
– Tôi cũng mong như thế.
– Cậu lấy tên là Horn kể cũng đáng tiếc. Nếu không thì tôi đã có thể kiếm cho cậu một tờ căn cước hoàn chỉnh còn có giá trị hơn một năm nữa. Nó là giấy của một người bạn của tôi, chết cách đây vài tháng. Khi họ đến điều tra, bọn tôi đã khai rằng đó là một người Đức tị nạn không có giấy tờ. Thế là cứu được tờ giấy chứng nhận căn cước. Anh ta cũng chẳng thiệt gì khi được đem đi chôn dưới cái tên Josef Weiss. Và đã có hai người tị nạn sử dụng căn cước của anh ta. Anh ta tên là Ivan Kiuge. Cái tên này không phải là tên Nga đâu. Tấm ảnh bị mờ hết, lại không có dấu, muốn thay chẳng có gì khó cả.
– Không, tôi thấy cứ thế này là hơn – Ravic nói – Khi tôi ra khỏi đây, Horn không còn tồn tại nữa, và chẳng còn có giấy tờ gì.
– Đồng ý. Như thế sẽ có lợi hơn khi có cảnh sát đến hỏi. Nhưng cảnh sát sẽ không đến đâu. Họ không đến những khách sạn lấy đến hơn trăm quan tiền phòng. Tôi biết một người tị nạn sống ở Ritz năm năm nay mà chẳng có giấy tờ gì. Người duy nhất biết chuyện này là người gác đêm. Này, cậu đã nghĩ đến trường hợp nhân viên khách sạn hỏi giấy tờ của cậu chưa?
– Dĩ nhiên là nghĩ rồi. Hộ chiếu của tôi ở sứ quán Argentina, để làm giấy nhập cảnh. Tôi sẽ hứa với họ là đến mai sẽ đi lấy về. Tôi sẽ để cái va-li lại, và đi thẳng một mạch. Tôi sẽ có đủ thì giờ, vì cuộc điều tra đầu tiên là do ban quản trị khách sạn tiến hành, chứ không phải cảnh sát. Tôi trông mong chính là vào đây. Chỉ có điều là nếu điều đó xảy ra thì việc sẽ hỏng bét.
– Mọi sự sẽ ổn, cậu đừng lo.
Họ đánh cờ đến tám rưỡi.
– Bây giờ cậu đi ăn cái gì đi – Morozov nói. – Tôi sẽ đợi cậu ở đây, cậu về thì tôi đi.
– Tôi sẽ ăn sau, ăn ngay ở đây.
– Không được, ngốc ạ. Đi ăn ngay đi, và phải ăn một bữa cho đàng hoàng. Khi nào hắn gọi cậu, chắc là trước tiên cậu phải uống với hắn. Trong trường hợp đó mà bụng lại rỗng thì không hay đâu. Cậu đã quyết định sẽ đưa hắn đi đâu chưa?
– Quyết định rồi.
– Tôi muốn nói là nếu hắn muốn đi uống vài ly ấy.
– Rồi. Tôi biết rất nhiều chỗ người ta chỉ chú ý đến việc mình mà thôi.
– Thế thì bây giờ đi ăn đi. Đừng uống gì nhé, và chọn những món thật béo mà ăn.
– Được rồi.
Ravic lại sang tiệm Fouquet’s. Anh có cảm giác là tất cả những gì anh đang làm đều hư ảo, là anh đang đọc một cuốn truyện, đang xem một cuốn phim ly kỳ, hay đang nằm mơ. Các sân hiên đều đông nghịt. Anh nhìn kỹ từng bàn một. Haake không có ở đây.
Anh chọn một cái bàn con gần cửa ra vào để có thể quan sát cả ngoài phố lẫn lối vào. Ở bàn bên, hai người đàn bà đang bàn luận về Schiaparelli và Mainbocher. Một ông râu nhọn ngồi với họ, chẳng thấy nói gì. Bên kia, mấy thanh niên Pháp đang nói chuyện chính trị. Một người bênh bọn Thập tự Lửa, một người đứng về phía cộng sản. Những người còn lại chế giễu hai người kia. Cả bọn đều ngắm kỹ hai cô người Mỹ rất đẹp, đầy vẻ tự tin, đang uống vermouth.
Ravic vừa ăn vừa quan sát dãy phố. Anh không khờ khạo đến mức không tin vào những chuyện ngẫu nhiên. Chuyện ngẫu nhiên đâu đâu cũng có, trừ trong các tác phẩm văn học ưu tú; những chuyện ngẫu nhiên phi lý nhất mà người ta có thể tưởng tượng được đều xảy ra hàng ngày. Anh ngồi ở Fouquet’s nửa giờ. Rồi anh lại trở về khách sạn.
– Chìa khóa xe đây – Morozov nói – Tôi đổi xe rồi. Đó là một chiếc Talbot màu xanh ghế đệm da. Chiếc kia thì ghế đệm nhung kẻ. Da dễ rửa sạch hơn. Đó là kiểu xe cabriolet, mui vải. Đừng quên để cửa sổ mở thường xuyên, để khi bắn thì đạn ra lối cửa sổ. Tôi thuê hai tuần, và nhất là đừng đưa về ga ra vì bất cứ lý do gì. Cứ bỏ xe ở một phố nhỏ. Cậu sẽ tìm thấy nó ở phố Berri, trước mặt khách sạn Lancaster.
– Cám ơn. – Ravic nói. Anh đặt cái chìa khóa bên cạnh máy điện thoại.
– Đây là giấy chứng nhận đăng ký xe. Tôi không kiếm được cho cậu một cái bằng lái xe. Tôi không muốn làm người ta chú ý.
– Tôi không cần bằng lái xe đâu. Suốt chuyến đi nghỉ ở Antibes tôi chẳng phải dùng đến thứ đó lần nào.
– Tối nay cậu cất xe ở một chỗ khác nhé.
Đúng là chuyện phim trinh thám. – Rivic nghĩ. Loại dở.
– Được rồi. Tôi cảm ơn anh lắm, Boris ạ.
– Giá tôi cùng đi được với cậu thì hay quá.
– Tôi thì tôi không nghĩ thế. Loại công việc này phải làm một mình.
– Cậu cứ đến phòng đánh thức tôi dậy nếu không có tôi ở Schéhérazade.
– Thế nào tôi cũng đến. Dù có xảy ra chuyện gì hay không.
– Tốt. Chào Ravic nhé.
– Tạm biệt Boris.
Ravic đóng cửa lại sau lưng Morozov. Căn phòng bỗng lặng hẳn đi. Quá tĩnh mịch. Anh ngồi xuống một góc đi-văng. Anh ngắm mấy bức màn. Hàng màu xanh dương có đường viền. Mới có hai ngày mà anh đã biết rõ mấy tấm màn này hơn cả những tấm anh đã trông thấy mấy năm liền. Anh thuộc hết mấy tấm gương, tấm thảm xám trên sàn, với các vết sẫm gần cửa sổ. Mỗi đồ vật trong phòng anh đều biết chính xác từng ly từng tí đến nỗi buồn nôn lên được. Chỉ có chiếc máy điện thoại là anh hoàn toàn không biết được chút gì.