Khải Hoàn Môn

CHƯƠNG 16



Ánh sáng như tuôn ra từ đáy xa của chân trời, ánh sáng như lớp bọt trắng xóa giữa màu xanh sâu thẳm của đại dương và màu xanh sáng hơn của bầu trời, ánh sáng vừa là nguồn phát quang vừa là ánh phản chiếu, đang bay lơ lửng qua khí quyển như là hiện thân hư ảo của tất cả những gì xán lạn và của tất cả những gì diễm phúc…
Ánh sáng chiếu dọi và dát vàng lên đầu Jeanne đẹp biết chừng nào! – Ravic nghĩ. Như một đạo hào quang không màu! Nó tuôn ra từ hai vai nàng rực rỡ biết bao! Một tấm lụa dệt bằng tia sáng! Người ta không thể nào trần trụi khi tắm trong ánh sáng này. Làn da bắt lấy những tia sáng và phản chiếu lại, như những tảng đá giữa đại dương, như một tà áo mờ đục làm bằng hơi nước lấp lánh.
– Chúng mình ở đây được bao lâu rồi? – Jeanne hỏi.
– Được tám ngày.
– Cứ như thể đã tám năm.
– Không, như thể mới tám giờ. Tám giờ và ba nghìn năm. Cách đây ba nghìn năm, một cô gái Etrusque đứng ngay ở chỗ em đang đứng, và cũng đúng như hôm nay, gió châu Phi xua ánh sáng đi qua đại dương.
Jeanne nằm xuống cạnh anh trên tảng đá.
– Bao giờ chúng mình phải về Paris?
– Tối nay, sau khi đến Casino, ra sẽ biết.
– Mấy hôm rồi chúng mình có được bạc không?
– Anh đánh bạc như thể đã quen đánh hàng ngày. Anh có biết rằng thật ra em hầu như chẳng biết tí gì về anh không? Tại sao người ta cầm bồ chào anh như thể anh là một ông chủ nhà máy vũ khí giàu có?
– Chắc hắn nhầm anh với một ông chủ nhà máy vũ khí giàu có.
– Không phải, vì anh cũng nhận ra hắn kia mà!
– Làm như mình nhận ra người ta thì lịch sự hơn.
– Anh đến đây hồi nào?
– Anh cũng chẳng nhớ nữa. Cách đây nhiều năm. Da em cũng rám nắng đẹp quá. Lẽ ra lúc nào em cũng phải thế này.
– Nếu thế em phải thường xuyên ở đây.
– Em có thích thế không?
– Chắc là không. Nhưng em mong chúng mình sẽ sống như đã sống ở đây. Chắc anh cho là em là người rất hời hợt nhỉ.
– Không. – Ravic nói.
Jeanne mỉm cười và ngoảnh mặt về phía anh.
– Em biết rằng như thế là hời hợt, nhưng em nghĩ rằng trong hai cuộc đời tội nghiệp của chúng ta đã có quá ít những niềm vui hời hợt. Trên đời này đã có đủ những cuộc chiến tranh, những nạn đói, những cuộc nổi dậy, những cuộc cách mạng, những nạn lạm phát… nhưng chưa bao giờ có đủ an ninh, nhân ái, yên tĩnh và thời gian. Anh có nói rằng bây giờ lại sắp có chiến tranh. Cha mẹ chúng ta đã có được một cuộc sống dễ dàng hơn, Ravic ạ.
– Ừ.
– Chúng ta chỉ có cuộc sống nhỏ mọn của chúng ta thôi, mà nó lại trôi đi quá nhanh…
Jeanne đặt hai bàn tay lên mặt đá ấm.
– Em không muốn gì nhiều, Ravic ạ. Em không có tham vọng sống trong một thời đại lịch sử. Em chỉ mong được hạnh phúc, em muốn rằng mọi sự đừng quá nặng nề và khó khăn như bây giờ, thế thôi.
– Ai mà chẳng muốn như vậy, Jeanne?
– Anh cũng thế ư?
– Dĩ nhiên.
Màu xanh – Ravic nghĩ. Màu xanh kỳ diệu và dường như không màu sắc của chân trời, nơi trời biển gặp nhau, và thứ bão táp màu xanh mỗi lúc một thêm đậm giữa mặt biển và trên đỉnh trời, để kết thúc trong đôi mắt nàng: đôi mắt ấy ở đây xanh hơn ở Paris không biết bao nhiêu mà kể!
– Ước gì điều em muốn có thể thành sự thật.
– Có thể được… trong thời gian này.
– Vâng, trong thời gian này, trong mấy ngày hôm nay; nhưng sau đó, chúng mình sẽ về Paris; trở về với cái hộp đêm mà không bao giờ có gì thay đổi; trở về với cuộc sống khốn khổ của khách sạn…
– Em nói hơi quá đây; khách sạn của em chẳng đến nỗi khốn khổ quá. Khách sạn của anh còn khốn khổ hơn nhiều, trừ căn phòng của anh.
Jeanne chống hai khuỷu tay lên đầu gối, trong khi gió biển thổi tung mái tóc cô lên một cách duyên dáng.
– Morozov nói rằng anh là một người thầy thuốc tuyệt vời. Thật đáng buồn là đời anh lại như thế. Lẽ ra anh có thể kiếm rất nhiều tiền. Giáo sư Durant…
– Em biết ông ta sao?
– Ông ta thỉnh thoảng có đến Scheherazade. Anh hầu bàn René có nói với em rằng dưới mười ngàn quan ông ta không bao giờ thèm nhúc nhích ngón tay út.
– René thạo tin đây.
– Có khi ông ta mổ đến hai ba ca trong một ngày. Ông ta có một ngôi nhà tuyệt đẹp, một chiếc Delage…
Kỳ lạ thật – Ravic nghĩ thầm. Gương mặt nàng không thay đổi. Có lẽ nó lại còn quyến rũ hơn nữa trong khi nàng nói lảm nhảm những câu chuyện có từ muôn thuở của giới đàn bà. Nàng như một cô gái Amozon có đôi mắt màu đại dương, mà lại truyền giảng lý tưởng của bọn chủ nhà băng. Nhưng chẳng phải nàng nói đúng đó sao? Bấy nhiêu nhan sắc chẳng lẽ lại có thể sai lầm? Nàng chẳng có đủ mọi quyền được tha thứ là gì?
Một chiếc xuồng máy tiến lại gần giữa một đám bọt tung lên trắng xóa. Ravic không động đậy; anh chỉ nói:
– Bạn em kia rồi.
– Đâu? – Jeanne đã trông thấy chiếc xuồng – Sao anh lại nói bạn em? Bạn anh thì đúng hơn chứ. Anh biết họ lâu hơn em kia mà.
– Lâu hơn mười phút.
– Thì cũng là lâu hơn.
– Đúng đấy Jeanne ạ. – Ravic vừa cười vừa nói.
– Không nhất thiết là em phải đi với họ. Thôi, em quyết định rồi, em chẳng đi đâu.
– Dĩ nhiên.
Ravic nằm lên tảng đá và nhắm mắt lại. Ánh nắng như một tấm chăn vàng. Anh biết rõ những gì sắp diễn ra. Một lát sau, anh nghe Jeanne nói:
– Chúng mình không được lịch thiệp lắm.
– Những người đang yêu không bao giờ lịch thiệp lắm đâu.
– Họ đến đây chỉ riêng vì chúng mình, cốt để đón chúng mình. Nếu anh không thích đi chơi với họ một vòng, ít ra anh cũng có thể xuống nói với họ một tiếng.
Ravic hé mở đôi mắt.
– Đơn giản hơn cả là em xuống nói họ rằng anh có việc phải làm. Rồi em cứ đi với họ. Như hôm qua ấy.
– Có việc ư? Nghe kỳ quá. Ai lại ra đây để làm việc? Tại sao anh không đi với em? Họ thích anh lắm mà. Hôm qua không thấy anh họ thất vọng lắm.
– Trời ơi! – Ravic mở hẳn mắt ra – Tại sao phụ nữ họ thích những cuộc chuyện trò ngu xuẩn ấy đến thế? Em thì thích dạo chơi, mà anh thì không có thuyền. Đời thì ngắn mà chúng ta ở đây chỉ được mấy ngày. Cho nên anh phải đại lượng và cố gắng thuyết phục cho em làm điều mà dù sao em đã quyết định làm rồi.
– Anh không có việc gì phải thuyết phục em. Em biết rất rõ em muốn làm gì.
Jeanne nhìn anh. Mắt cô vẫn giữ ánh hào quang rạng rỡ ban nãy, chỉ có đôi môi hơi trĩu xuống. Sự chuyển biến ấy nhanh chóng đến nỗi Ravic có thể tưởng mình đã trông nhầm.
Đại dương hung hãn xô vào những tảng đá ghép thành con kè, sóng biển đánh vào đây và vỡ tan ra với những đám bọt xoáy mà gió lập tức cuốn đi. Ravic hơi rùng mình khi những giọt li ti lạnh ngắt chạm vào da anh.
– Con sóng của anh đây, – Jeanne nói – con sóng trong câu chuyện mà anh kể cho em nghe ở Paris.
– Em sực nhớ đến câu chuyện ấy à?
– Vâng, nhưng anh không phải là tảng đá. Anh là một khối xi-măng.
Trong khi Jeanne bước xuống phía bờ xây, cả bầu trời dường như dựa trên đôi vai tuyệt mỹ của nàng. Như thể nàng đang vác cả bầu trời. Ravic hiểu nàng và tha thứ cho nàng. Nàng sẽ ngồi vào con thuyền trắng. Tóc nàng sẽ tung bay trong gió…
“Mình là một thằng ngốc mới chịu đi với họ – Ravic tự nhủ – Nhưng mình chưa sẵn sàng để nhận lấy vai tuồng này. Như thế là điên rồ và cao ngạo, mình biết. – Nhưng còn cách gì khác nữa? Những cây sung nở hoa trong những đêm trăng tròn, triết học của Sénèque và Socrate, bản concerto cho vĩ cầm của Schumann, và mối tiên cảm của những gì mình sẽ mất”.
Từ phía dưới vọng lên giọng nói của Jeanne. Rồi tiếng máy thuyền ì ầm. Anh vẫn nằm yên. Nàng sẽ ngồi ở phía sau. Đâu đây có một hòn đảo trên đó dựng một tu viện. Đôi khi có tiếng gà gáy từ trên đảo vọng lại. Xuyên qua làn mi, ánh sáng của mặt trời đỏ quá! Bài hát ru cổ xưa của biển. Tiếng chuông nhà thờ ở Venise. Niềm hạnh phúc thần kỳ của trạng thái không suy nghĩ. Anh ngủ thiếp đi.
Đến chiều, anh đến ga-ra lấy xe. Đó là một chiếc Talbot mà Morozov đã thuê cho anh, chiếc xe đã đưa hai người từ Paris đến đây.
Anh cho xe đi dọc bờ biển. Ngày hôm nay quang đãng và gần như quá nhiều ánh sáng. Anh men theo dải Moyenne-Comiche đến Nice, rồi Monte-Carlo, rồi đến Villefranche. Anh rất mê cái bến cảng hẹp cũ xưa, và dừng xe lại một lát trước cái quán rượu bên bờ xây. Anh dạo chơi trong khu vườn của nhà Casino của thành Monte-Carlo, và trong nghĩa trang của những người tự tử đặt ở một mỏm núi dựng rất cao trên mặt biển; anh tìm một ngôi mộ, và khi đã thấy nó, anh đứng im một lát trước mộ chí, một nụ cười thấp thoáng trên môi. Anh đi qua những đường phố chật chội của thành Nice cũ, rồi rẽ sang phố mới. Sau đó anh trở về Cannes, và lái xe đến tận dải bờ đá đỏ, nơi mà các làng chài lưới đều mang những cái tên như lấy từ Kinh thánh.
Anh đã quên Jeanne. Anh đã quên cả anh nữa. Anh chỉ còn biết rộng mở cả con người anh đón lấy buổi chiều rực rỡ này, đón lấy cảnh đất, trời và biển giao hoan để làm cho dải bờ này nở hoa, trong khi ở phía bên kia các dãy núi hãy còn phủ tuyết. Đây là mùa mưa ở Pháp, và cơn giông đang gầm gừ trên bầu trời Châu Âu, thế nhưng hình như cái dải bờ mảnh như lụa này không hề biết đến những cái đó. Ở đây cuộc sống phập phồng theo nhịp khác, và trong khi vùng đất phía sau đang phủ kín trong làn sương mù của cảnh bần cùng và của hiểm họa đang đến gần, thì ở đây mặt trời vẫn sáng rực, không khí vẫn trong lành, như thể ánh nắng muốn rọi hào quang lên đợt sóng cuối cùng của một thế giới tàn tạ.
Những vòng bay cuối cùng của đám phù du xung quanh ngọn đèn cuối cùng, điệu múa vòng điên rồ, cuồng loạn như điệu nhạc nhẹ từ các quán cà-phê vẳng tới… Một thế giới đã trở thành yểu mệnh như những con bướm tháng Mười, mà trái tim nhạy cảm và mong manh đã trúng phải hơi lạnh đầu mùa… Một thế giới vẫn đang tiếp tục nhảy múa, nói bi bô, yêu thương, phản bội, đang tìm cách tự huyễn hoặc thêm chút nữa trước khi cây hái của tử thần và những trận gió lớn ập tới.
Ravic dừng xe lại ở St. Raphacl. Cái bến cảng nhỏ đậu đầy những ca-nô và thuyền buồm. Mấy quán cà-phê bên cảng trưng lên những chiếc lộng màu sắc sặc sỡ. Mấy người đàn bà thân hình rám nắng đang ngồi ở các bàn trà. Người ta trở về với cuộc sống giản đơn vô tư lự mới dễ dàng làm sao! Sự cám dỗ, sự thư thái, sự vui chơi – tất cả những cảm giác, những ấn tượng bắt nguồn từ quá khứ. Xưa kia anh đã từng sống cái kiếp bướm ấy, và cũng đã tưởng có thể bằng lòng với nó. Anh quay xe lại, dận ga và phóng về phía ánh hào quang của mặt trời lặn.
Về đến khách sạn, Ravic thấy Jeanne có để lại mấy chữ nói rằng cô sẽ không về ăn bữa tối. Anh đi xuống tiệm Eden Roc. Khách ăn không đông. Phần lớn các khách du lịch đều đang ở Juan-les-Pins hay ở Cannes. Anh ngồi bên lề sân hiên, khoảng sân xây trên mỏm đá cho nên giống như ngồi trên boong tàu. Bên dưới là sóng biển đang sủi bọt. Những đợt sóng như xuất phát từ nơi mặt trời lặn, màu đỏ thẫm và xanh biếc, sau đó chuyển sang một sắc độ nhẹ hơn, thiên về da cam, cho đến khi bóng tối phủ lên tấm lưng mềm của nó, và tan đi trong đám bọt tung lên nhuộm những màu chết của hoàng hôn.
Anh ngồi rất lâu trên sân hiên. Anh cảm thấy vừa rất cô đơn vừa rất thư thái. Anh nhìn thấy rõ mồn một những gì sắp xảy ra, dưới một ánh đèn sáng rực. Anh nhìn thấy, mà lòng không hề xúc động. Anh biết rằng anh còn có thể trì hoãn thêm ít thời gian. Anh còn có thể thực hiện một vài biện pháp nữa. Anh biết những biện pháp ấy, và anh sẽ không dùng đến nó. Những biện pháp như thế chỉ thích hợp với những chuyện yêu đương lăng nhăng. Đàng này sự thể đã đi quá xa. Chỉ còn có cách trực diện ứng phó với nó. ứng phó một cách trung thực, không tìm cách tự huyễn hoặc, không tìm cách nương nhẹ mình.
Anh nâng cái cốc rót đầy vang Provence soi lên ánh sáng. Một đêm mát mẻ, một sân hiên có sóng biển vây quanh, một bầu trời còn tươi cười sau khi từ biệt ánh nắng và đang chào đón những tia pha lê của các vì sao… Bên trong con người ta – Ravic nghĩ, sự điềm đạm là ngọn hải đăng sẽ soi sáng những ngày tháng sắp tới và sau đó sẽ trả nó lại cho bóng tối. Ta nhận thức được mọi sự, tuy ta chưa đau khổ. Nhưng ta biết là nỗi đau sẽ đến. Đời ta như cái cốc ta đang cầm trên tay, rót đầy một chất vang xa lạ không thể giữ lại được, vì nó sẽ chua đi, chẳng bao lâu sẽ biến thành chất dấm nhạt nhẽo của tình yêu đã chết.
Câu chuyện không thể kéo dài được. Những sự cám dỗ đó có quá nhiều, vẫn ngây thơ trong sáng và không hề nghĩ đến tội lỗi, người ta như một cái cây hướng về ánh nắng, hướng về những ân huệ phong phú của một cuộc đời nhẹ nhõm hơn. Người ta cần đến tương lai, mà anh thì chỉ có thể cho được hiện tại với tất cả những nỗi cơ cực bẩn thỉu của nó. Chưa có gì xảy ra cả. Nhưng có nhất thiết là phải xảy ra một cái gì đâu? Mọi sự đều đã được định đoạt sẵn từ lâu. Thường thường, đến khi sự đổ vỡ ngoạn mục xảy ra, người ta không nhận thức được rằng nó chỉ là sự định đoạt thầm lặng đã có từ mấy tháng trước.
Ravic nốc cạn ly. Chất rượu nhẹ dường như đã có một vị khác. Anh lại rót thêm, và lại uống cạn. Lần này, vị rượu lại trở lại như cũ.
Anh đứng dậy, và lái xe đi Cannes, đến tiệm Casino.
Anh bắt đầu chơi một cách điềm tĩnh, đặt cửa từng món nhỏ. Cảm giác mát mẻ vẫn còn đó ở trong anh, và anh biết là mình có thể được bạc chừng nào nó vẫn còn đó. Anh đánh hai con mười hai sau cùng, cửa hăm bảy vuông và con hăm bảy. Sau một tiếng đồng hồ anh đã thu được ba ngàn quan. Anh tăng gấp đôi số tiền đặt ở cửa hăm bảy vuông va đánh con bốn.
Anh trông thấy Jeanne bước vào. Cô mặc một cái áo khác. Như vậy là cô đã về khách sạn ngay sau khi anh đi. Bây giờ cô cùng đi với hai người đàn ông đã đi thuyền máy đến đón cô. Đó là Le Clerq, người Bỉ, và Nugent, người Mỹ, Jeanne rất đẹp. Cô mặc một chiếc áo dài dạ hội có điểm những đóa hoa rộng khổ màu xám. Ravic đã mua cho cô chiếc áo này trước khi lên đường một hôm. Cô đã reo lên, và hỏi anh tại sao anh lại có thể am hiểu thời trang đến như vậy. Cô đã nói:
– Đẹp hơn chiếc của em. – Rồi sau khi ngắm kỹ – Và cũng đắt hơn.
Hôm ấy Ravic đã nhìn Jeanne, nghĩ thầm: “Con chim kia hãy còn đậu trên cành của ta, nhưng đôi cánh đã rung lên, sẵn sàng bay đi rồi”.
Người cầm bồ đẩy một chồng tiền giả về phía anh; con vuông thắng. Anh rút số tiền vừa thu được ra, vẫn để nguyên số tiền đặt cửa. Jeanne đi về phía các sòng baccarat. Anh không biết là cô có trông thấy mình hay không. Có mấy người không đánh gì nhìn theo cô. Bao giờ cô cũng đi như thể không nhắm một cái đích nào, và như thể luôn luôn bị ngược gió. Cô quay lại nói một câu gì với Nugent. Hai bàn tay Ravic bất giác lên gân vì anh toan đứng dậy, anh muốn gạt mớ tiền giả ra, rời bỏ cái bàn trải thảm xanh, đưa Jeanne đi khỏi đám người này, rời xa các cửa tiệm, đến tận hòn đảo nào, có lẽ là hòn đảo thường hiện lên ở chân trời ở ngoài khơi Antibes, đưa nàng đi thật xa… Cách ly nàng ra, và giữ lấy nàng…
Anh lại đặt cửa. Con bảy được. Những hòn đảo không đủ để cách ly nàng. Người ta không thể giam cầm trạng thái bất an của trái tim. Dễ mất hơn cả là cái gì mình đang nắm trong tay, nhưng cái mà người ta buông ra thì không bao giờ mất… Hòn bi trắng đã dừng lại. Con mười hai. Anh lại đặt.
Khi anh ngẩng đầu lên, mắt anh dọi thẳng vào mắt Jeanne. Cô đứng ở bên kia bàn, và đang nhìn anh. Anh gật đầu và mỉm cười với cô. Anh hất hàm chỉ sòng roulette và nhún vai. Con mười chín.
Anh đặt tất cả các cửa và ngẩng lên lần nữa. Jeanne không còn ở đấy. Anh cố buộc mình ngồi yên. Anh lấy một điếu thuốc ở trong bao thuốc lá để ở cạnh anh. Một người phục vụ đánh lửa cho anh châm. Đó là một người đàn ông mập và hói, mặc một thứ đồng phục thêu màu sặc sỡ. Hắn nói:
– Thời thế thay đổi nhiều quá.
– Phải. – Ravic đáp. Anh không quen người này.
– Hồi hai mươi chín khác hẳn.
– Phải…
Ravic không biết hắn đã từng ở Cannes năm 1929, hay hắn chỉ nói chung chung thế thôi. Anh nhận thấy con bốn đã ra mà anh không hề để ý, và cố gắng tập trung hơn. Anh chợt thấy mình ngu ngốc khi cứ ngồi đây kiếm mấy quan để ở lại thêm mấy ngày nữa. Để làm gì? Tại sao anh lại đến đây? Chẳng qua vì nhu nhược, chỉ vì anh yếu đuối mà thôi. Một sự yếu đuối nó xói mòn người ta, và người ta chỉ thấy ra được khi đã quá muộn. Morozov nói đúng. Cách tốt nhất để mất một người đàn bà là bày ra cho người ấy thấy một kiểu sinh hoạt mà mình chỉ đủ sức cho người ấy hưởng trong mấy ngày. Họ sẽ tìm cách hưởng thụ nữa… Nhưng với một người nào khác, đủ sức cho họ hưởng thường xuyên. Ta sẽ nói với Jeanne là hai người phải chia tay thôi – Anh nghĩ – Ta sẽ từ biệt nàng ở Paris, trước khi quá muộn.
Có một lúc anh nghĩ đến việc ngồi sang một bàn khác mà đánh. Nhưng anh không thấy muốn đánh nữa. Anh nhìn quanh quất chẳng thấy Jeanne đâu. Anh ra bar gọi một ly fine. Rồi anh xuống nhà để xe với ý định đánh xe đi một vòng.
Anh đang cho xe nổ máy thì thấy Jeanne đi lại. Anh ra khỏi xe. Jeanne bước tới rất nhanh.
– Anh định bỏ đi một mình đấy à?
– Không, anh định đi một vòng sang phía núi rồi một tiếng nữa sẽ trở lại đây.
– Anh nói dối! Anh không định trở lại đây! Anh định bỏ mặc em với mấy thằng ngốc kia!
– Jeanne, – Ravic nói – rồi chỉ ít nữa em sẽ nói là tại anh em mới đi với mấy thằng ngốc ấy!
– Thì chính là tại anh chứ còn gì nữa! Em đi thuyền với họ vì em tức anh quá! Tại sao anh không có ở khách sạn lúc em về?
– Nhưng em ăn tối với mấy thằng ngốc của em kia mà.
Trong khoảng một giây Jeanne không biết trả lời ra sao.
– Em nhận lời chỉ vì khi em về không thấy anh đâu cả.
– Thôi ta đừng nói chuyện này nữa, Jeanne ạ. Em đi chơi có vui không?
– Không.
Anh trông thấy Jeanne ở trước mặt anh, bứt rứt, sôi nổi, trong bóng đêm màu xanh. Trăng tròn trên mái tóc nàng, và dưới ánh sáng lờ mờ ấy, môi nàng trông gần như đen, vì nó đỏ quá. Bây giờ là tháng Hai năm 1939, và khi về đến Paris rồi thì điều không tránh khỏi sẽ bắt đầu. Những lời nói dối lặt vặt, những cãi vã, những nỗi tủi nhục. Anh quyết định xa Jeanne trước. Họ còn quá ít thời gian.
– Vừa rồi anh định bỏ đi đâu thế? – Jeanne hỏi.
– Chẳng đi đâu đặc biệt cả. Anh chỉ muốn đi dạo chơi thôi.
– Em đi với anh.
– Hai thằng ngốc của em sẽ nói sao đây?
– Chẳng nói sao cả. Em đã tạm biệt họ. Em nói với họ là anh đang chờ em.
– Khá lắm. – Ravic nói – Em là một đứa trẻ, nhưng là một đứa trẻ biết mình muốn gì. Đợi một chút, anh kéo mui xe lên.
– Không anh cứ để thế. Em mặc áo khoác đủ ấm rọi. Ta đi chậm chậm thôi: ta hãy nhìn vào sân hiên các hiệu cà-phê, nơi những người không có việc gì phải làm ngoài việc hưởng hạnh phúc đang ngồi với nhau và không cãi nhau. – Cô nhích lại gần Ravic và hôn anh – Đây là lần đầu tiên em đi Riviera, Ravic ạ. Anh hãy độ lượng với em đi! Đây là lần đầu tiên em thực sự ở với anh, đêm không còn lạnh nữa, mà em thì hạnh phúc thực sự.
Ravic quay xe và lái xe về phía Juan-les-Pins.
– Lần đầu tiên đấy – Jeanne nhắc lại – Không anh đừng nói gì cả, Ravic ạ, em biết hết những gì anh định nói. – Cô gục đầu vào vai anh – Anh quên những gì đã xảy ra hôm nay đi! Đừng nghĩ đến nữa. Anh có biết không? Anh là một người lái xe tuyệt vời đấy, Ravic ạ. Cú tay lái của anh vừa rồi tài tình quá. Hôm qua, khi nhìn anh lái mấy thằng ngốc kia cũng nói thế. Anh thật lỗi lạc. Anh không có dĩ vãng. Không có ai biết gì về anh cả. Trong một tiếng đồng hồ, em biết về cuộc đời hai gã đó còn nhiều gấp ngàn lần so với những gì em biết về đời anh. Anh ạ, liệu có thể kiếm được calvados ở đâu không nhỉ? Sau những việc đã xảy ra tối nay, em thấy cần đến nó. Song với anh chẳng dễ gì.
Chiếc xe ngốn mặt đường như một con chim lớn bay là là mặt đất.
– Có nhanh quá không?
– Không! Nhanh nữa lên anh! Để gió thổi thật mạnh như thổi vào cây ấy. Cứ như đêm tối rách ra thành từng mảnh bay phần phật hai bên. Em bị tình yêu xuyên suốt qua. Vì tình yêu của em, người ta có thể nhìn xuyên qua em. Em yêu anh đến nỗi tim em rạng rỡ lên như cô thôn nữ đứng trên cánh đồng lúa mì rạng rỡ lên dưới cái nhìn của người cô yêu. Tim em muốn ngả mình xuống đất. Trên một cánh đồng cỏ. Nó muốn ngả xuống, và cũng muốn bay lên. Tim em điên rồi.. Nó yêu anh khi anh ngồi sau tay lái. Chúng mình đừng bao giờ về Paris nữa! Nếu anh muốn, ta hãy lấy trộm một rương châu báu hay cướp một nhà băng, và hãy dong xe đi thẳng không trở về nữa?
Ravic dừng xe lại trước một quán rượu nhỏ. Tiếng máy tắt dần, và từ xa vẳng lại tiếng thở sâu thẳm của đại dương.
– Ta vào đây đi – Anh nói – Sẽ có calvados cho ta. Tối nay em đã uống được bao nhiêu rồi?
– Quá nhiều rồi. Tại anh đấy. Với lại em đã chán những câu chuyện phiếm của hai thằng ngốc ấy rồi.
– Thế tại sao em không về với anh?
– Em về đây thôi.
– Phải, khi em tưởng là anh bỏ đi. Em đã ăn chưa?
– Gần như chưa ăn gì. Em đang đói. Anh đánh roulette có ăn không?
– Có.
– Thế thì ta đến tiệm ăn nào sang nhất ấy, uống champagne và nhắm cavier, sao cho được như cha mẹ mình thời tiền chiến, thật sự vô tư lự và thật tình cảm. Chúng mình đừng sợ gì hết, cứ thả cửa cho những kiểu rởm đời, cho nước mắt, cho ánh trăng, cho hoa hướng dương, cho tiếng vĩ cầm, cho sông biển và cho tình yêu. Tối nay em muốn tin rằng ta sẽ có con, có một mảnh vườn, một ngôi nhà, và anh sẽ có một tờ hộ chiếu và tương lai, tin rằng em đã vì anh mà từ bỏ một tiền tuyệt diệu, tin rằng hai mươi năm nữa chúng mình vẫn yêu nhau, vẫn ghen nhau, anh vẫn thấy em đẹp, và em vẫn không ngủ được những hôm anh về khuya…
Ravic thấy nước mắt chảy giàn giụa trên má Jeanne. Cô mỉm cười.
– Ta hãy tưởng tượng ra tất cả những điều đó đi.
– Ta sẽ đi đến tận Château Madrid. Nhà hàng này ở trong núi, có nhạc công Tzigan, và em có thể gọi bất cứ thứ gì em muốn.
Bình minh, ở phía dưới, biển xám xịt và im lìm. Trời không có màu và không có mây. Chỉ có một đường chỉ bạc mờ mờ ẩn hiện ở chân trời. Xung quanh im lặng đến nỗi Jeanne và Ravic có thể nghe thấy tiếng thở của nhau. Họ là những người khách ăn cuối cùng đêm nay.
– Ngày đã bắt đầu – Ravic nói – Bây giờ, đêm đã ở một nơi nào đó bên kia trái đất. Một ngày kia, máy bay sẽ có tốc độ đủ để đuổi kịp đêm và vượt qua nó. Nó sẽ bay nhanh bằng trái đất. Đến ngày ấy, nếu lúc bốn giờ sáng em nói là yêu anh, ta có thể làm cho lúc nào cũng là bốn giờ sáng. Ta sẽ bay không ngừng quanh trái đất, và giờ phút sẽ ngừng lại.
Jeanne ngả người vào anh.
– Thế chiếc máy bay ấy ở đâu? Khi nó được phát minh ra thì anh và em đã già rồi. Mà em thì lại không muốn già. Còn anh?
– Anh cũng vậy.
– Anh nói thật không?
– Sao vậy?
– Em muốn biết hành trình của chúng ta sẽ ra sao. Em không muốn già.
– Em sẽ trẻ mãi. Cuộc sống chỉ chảy qua gương mặt em mà thôi, và làm cho nó càng đẹp thêm. Người ta chỉ già khi người ta không còn cảm thấy gì nữa.
– Không phải. Người ta già khi người ta không còn yêu nữa.
Ravic không trả lời. Bỏ em! Bỏ em ư. – Anh thầm nghĩ. Ở Cannes, cách đây một giờ anh đã nghĩ gì thế không biết?
Jeanne cựa quậy trong tay anh. Anh nói:
– Ngày hội đã tan, bây giờ anh đưa em về nhà chúng mình, chúng mình sẽ cùng ngủ với nhau. Đẹp biết bao nhiêu! Đẹp biết chừng nào khi được sống trọn vẹn chứ không phải chỉ bằng một phần của bản thân! Đi em, ta về đi. Ta hãy về cái tổ ấm mượn tạm trong ngôi khách sạn trắng giống như một ngôi nhà ở thôn quê.
Ravic tắt máy, để cho xe im lặng làn bánh xuống con đường dốc thoai thoải chạy quanh co trên sườn núi. Ngày đang lên dần. Đất tỏa mùi sương sớm. Trên Comiche, xe họ gặp những chiếc xe chở đầy hoa và rau quả đi ngược lại. Họ đang ở trên con đường đi Nice. Đi tiếp một quãng, họ gặp một tiểu đoàn khinh binh miền núi.
Ravic nhìn Jeanne, nàng mỉm cười với anh. Gương mặt xanh xao và mỏi mệt của nàng có một cái gì vô cùng mong manh. Anh thấy nó kiều diễm hơn bao giờ hết trong buổi ban mai chưa sáng hẳn, chưa có giờ phút, như lơ lửng bên ngoài thời gian, tràn đầy thanh thản, không có những nỗi lo sợ, không có những vấn đề.
Đường vòng cung lớn của vịnh Antibes hiện ra trước mắt họ. Bình minh ngày càng sáng tỏ. Tương phản lại bóng dáng xám xịt của ba chiếc tuần dương hạm và một chiếc ngư lôi hạm nổi lên trong ánh sáng xanh của buổi ban mai. Bốn chiếc chiến hạm kia chắc đã đi vào vịnh từ tối đêm qua. Chúng nổi bật trên chân trời, thấp lè tè, lặng lẽ, đầy dọa nạt. Ravic ngoảnh mặt về phía Jeanne. Nàng đã ngủ thiếp trên vai anh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.