Khải Hoàn Môn

CHƯƠNG 18



Ravic ra khỏi nhà ga. Người anh bẩn và mệt. Mười ba tiếng đồng hồ trong một toa tàu nóng hầm hập, giữa những hành khách sực mùi tỏi, những người đi săn có cả chó, những người đàn bà để trên đùi mấy cái bu đựng gà và bể câu… và trước đó là ba tháng lang thang ở biên giới…
Trong đám bụi vàng của buổi chiều tà, anh đi dọc đại lộ Champ-Elysées. Anh ngẩng dầu lên và mường tượng như trông thấy cả một kim tự tháp bằng gương ở chỗ Bùng binh của Champs-Elysées, phản chiếu những tia nắng cuối cùng của tháng Năm.
Anh dừng lại nhìn kỹ hơn. Quả nhiên đó là những cái tháp hình chữ Kim ghép bằng những tấm gương. Đâu đâu cũng có những cái tháp như thế, nối đuôi nhau tưởng như không bao giờ hết ở phía sau các bình hoa uất kim hương.
– Cái gì mà lắm thế hở bác? – Anh hỏi một ông già làm vườn đang cuốc một khoảnh đất.
– Gương đây mà. – Bác ta trả lời mà không buồn ngẩng đầu lên nữa.
– Gương thì tôi biết là gương rồi. Nhưng lần trước đến đây tôi có thấy đâu.
– Ông đi đã lâu chưa?
– Ba tháng.
– Thế thì phải rồi. Họ mới bày cách đây có hai tuần. Để đón chào nhà vua Anh đấy. Hình như ông ta sắp sang thăm ta. Để cho ông ta thấy bóng mình khắp nơi mà.
– Kinh khủng! – Ravic nói.
– Dĩ nhiên. – Ông già đáp một cách thản nhiên.
Ravic đi tiếp. Ba tháng… ba năm… ba ngày… Nghĩ cho cùng, thời gian là cái gì? Là tất cả, và chẳng là cái gì hết. Ba tháng trước đây, khi anh đi, những cây dẻ còn chưa đâm lá, thế mà nay hoa dẻ đã nở rộ… Nước Đức đã hủy bỏ các hòa ước một lần nữa, và đã chiếm đóng nước Tiệp Khắc… Ở Genève, người tị nạn Josef Blumenthal đã tự sát trước Trụ sở Hội Quốc liên trong tiếng cười điên loạn. Trong ngực anh, anh còn cảm thấy những vết tích của cơn bệnh viêm phổi đã suýt giết anh ở Belfort trong khi anh mang cái tên Guenther… thế mà bây giờ đây, trong một buổi chiều êm như bộ ngực đàn bà, anh đã trở lại. Những cái đó không còn làm cho anh ngạc nhiên nữa. Anh đã quen chấp nhận mọi sự với thái độ điềm nhiên của người theo thuyết định mệnh – thứ vũ khí duy nhất có thể chống lại sự bất lực. Bầu trời đâu đâu cũng chỉ là một… Trên cảnh giết chóc và căm thù, nó xanh như ở trên cảnh hy sinh và nhân ái. Ngày ngày; mặt trời vẫn đắm mình trong đại dương tối tăm của hoàng hôn không hề lo nghĩ đến những tờ hộ chiếu, đến những sự phản trắc, đến nỗi tuyệt vọng. Được ở Pairs thật là sung sướng. Thích thú biết bao khi được bước đi chầm chậm, không suy nghĩ, giữa làn ánh sáng đang tàn lụi nay. Hạnh phúc thay khi còn có được giờ khắc này, chứa chan một sự yên nghỉ dịu dàng, cái giờ khắc mà mọi nỗi đau đã lùi xa vào dĩ vãng và niềm vui được sống và được tự do hòa lẫn vào như những chân trời. Cái giờ khắc nghỉ ngơi trước khi lại dấn thân vào giữa tên bay đạn lạc. Cái cảm giác thật là thú vật, cái nhịp thở đến từ bấy nhiêu xa xăm và thấm vào ta sâu đến thế, cái làn gió tràn qua các đại lộ của trái tim mà không tung lớp bụi cảm xúc lên, làn gió vượt lên trên những đốm lửa lù mù của hiện thực, cũng như cây thập tự đóng đầy đinh của dĩ vãng, cũng như những cái móc sắt nhọn của tương lai; sự ngừng nhịp, sự im lặng ở điểm chết của ba động, cái giây lát ngưng đọng, cái nhịp đập vĩnh hằng buông xuống một cách giản dị, không khoa trương, rơi vào giữa một thế giới mà bản chất là quá độ…
Morozov đang ngồi trong phòng cây Cọ ở khách sạn International. Anh đang uống một chai Vouvray.
– Chào Boris, chào anh bạn già. – Ravic nói – Hình như tôi đến đúng phắp. Đúng là anh đang uống Vouvray đấy à?
– Cũng như mọi khi. Nhưng lần này thì loại ba mươi tư. Không được sánh bằng nhưng lại mạnh hơn một chút. Tôi rất mừng là cậu đã về. Ba tháng rồi đấy nhỉ?
– Đúng. Lần này lâu hơn mấy lần trước.
Morozov lắc cái chuông để trên bàn. Nó kêu lanh lảnh như cái chuông của ông thầy lễ trong một ngôi nhà thờ thôn quê. Gian Hầm mộ có đèn điện, nhưng chuông thì lại không được hiện đại hóa. Vả chăng cũng chẳng cần. Dân tị nạn ít khi dám rung chuông.
– Bây giờ cậu tên gì? – Morozov hỏi.
– Vẫn Ravic. Tôi không khai tên này ở đồn cảnh sát. Tôi xưng là Wozzek, Neumann, và Guenther. Tôi không muốn bỏ Ravic. Hình như tôi đã gắn bó hẳn với nó rồi.
– Họ không phát hiện được cậu ở đây chứ?
– Dĩ nhiên là không.
– Rõ. Nếu có thì cảnh sát đã ập đến ngay rồi. Vậy là có thể ở đây như cũ. Phòng cậu vẫn để không.
– Bà chủ có biết chuyện không?
– Không, không ai biết cả. Tôi nói là cậu đi Rouen. Đồ đạc của cậu đều cất ở phòng tôi.
Cô hầu gái bưng một cái khay bước vào.
– Clarisse, chị lấy một cái ly cho ông Ravic nhé. -Morozov nói.
– A! Ông Ravic! – Cô gái reo lên, để lộ hàng răng vàng khè – Ông đã về đây ư? Ông đi vắng đã sáu tháng nay rồi còn gì?
– Chỉ ba tháng thôi, Clarisse ạ.
– Chả nhẽ? Tôi cứ tưởng là đã sáu tháng rồi.
Cô hầu gái đi ra, và một giây sau người hầu bàn của khách sạn International, tay cầm một cái ly uống rượu vang. Anh ta chẳng buồn lấy khay. Nhưng vì đã làm lâu năm ở khách sạn này, anh tự cho phép cư xử với khách như người nhà. Có thể đọc được trên gương mặt anh ta những điều anh ta định nói. Morozov vượt qua mặt anh ta:
– Jean, anh thử nói xem ông Ravic đã đi được bao lâu rồi? Anh có nhớ chính xác không?
– Dĩ nhiên là nhớ chứ ạ, ông Morozov. Tôi còn nhớ cả ngày ông Ravic ra đi nữa kìa. Cách đây bốn tuần rưỡi.
– Đúng phắp. – Ravic nói ngay, trước khi Morozov kịp lên tiếng.
– Ồ, tôi có nhầm bao giờ đâu, thưa ông. – Jean vừa nói vừa lui ra.
– Tôi không muốn làm anh ta buồn, Boris ạ.
– Tôi cũng không. Chẳng qua tôi muốn chứng minh cho cậu thấy là thời gian chẳng có ý nghĩa gì khi nó đã trở thành quá khứ. Đối với điều đó, có thể vui mừng, sợ hãi, hay không có phản ứng gì cả. Năm 1917 ở Moskva, tôi mất hút bóng trung úy Belski ở trung đoàn Vệ quân Neobrazhensk. Chúng tôi vốn là bạn thân. Anh ta đã về phương Bắc qua Phần Lan. Tôi thì đi qua Mãn Châu và Nhật Bản. Tám năm sau, khi chúng tôi gặp lại nhau ở đây, tôi có cảm giác là hai chúng tôi gặp nhau lần cuối vào năm 1919 ở Kharbin. Anh ta thì tin chắc là đã trông thấy tôi lần cuối ở Helsinki năm 1921. Chỉ chênh nhau có hai năm và mấy ngàn cây số.
Morozov rót đầy hai cốc.
– Dù sao thì họ cũng đã nhận ra cậu. Như thế cũng đã gây được cho cậu cái cảm giác là đã về nhà.
Ravic uống. Cốc rượu vang nhẹ và mát.
– Trong khi đợi ngày trở về đây, tôi ở sát biên giới. Ngay bên cạnh Basel. Một bên đường thuộc về Thụy Sĩ, bên kia thuộc về đất Đức. Tôi đứng bên phía Thụy Sĩ ăn anh đào. Tôi có thể nhổ hột sang Đức.
– Lúc ấy cậu có cảm giác như đang ở gần nhà không?
– Trái lại, tôi chưa bao giờ cảm thấy mình xa nhà đến thế.
Morozov mỉm cười.
– Tôi hiểu điều đó. Cậu gặp khó khăn gì không?
– Cũng gần gần như mọi khi. Có điều là bây giờ khó hơn trước, thế thôi. Các biên giới được giám sát chặt chẽ hơn. Tôi bị bắt một lần ở Thụy Sĩ, một lần ở Pháp.
– Tại sao cậu chẳng bắn tin gì về cả?
– Tôi sợ sẽ làm cho công an chú ý đến các bạn ở đây. Họ thỉnh thoảng có những cơn mẫn cán đột xuất. Tốt hơn là đừng làm cho ai bị liên lụy cả. Những chứng cứ của chúng ta đã không lấy gì làm vững rồi. Tôi đã ứng dụng cái chiến thuật cũ: nằm im và biến đi. Anh có nghĩ là tôi sẽ hành động khác không?
– Không phải tôi.
Ravic quan sát gương mặt của bạn, và nói tiếp:
– Viết thư ư? Để làm gì? Chẳng bao giờ giải quyết được chút gì.
– Đúng.
Ravic rút trong túi ra một bao thuốc lá.
– Sự tình bao giờ cũng có những diễn biến rất lạ khi người ta không có mặt ở đấy.
– Cậu đừng tự huyễn hoặc đấy. – Morozov nói.
– Anh yên trí đi.
– Nếu mình không trở về nữa, thì mọi chuyện đều ổn thỏa. Nếu mình trở về, thì có khác. Thế rồi rốt cục mọi sự lại bắt đầu lại từ đầu.
– Cũng có thể như thế, cũng có thể không.
– Rốt cục, cậu chẳng nói gì hết. Cậu nhìn nhận cách đó là hơn. Cậu đánh với tôi một ván cờ nhé? Giáo sư chết rồi. Đó là địch thủ duy nhất ngang tầm với tôi. Lêvy sang Brésil rồi. Họ đã dành cho cậu một chân bồi bàn ở đấy. Thời buổi này nhịp sống đi nhanh lắm. Tốt hơn là đừng có thói quen gì hết.
– Quả là thế.
Morozov nhìn Ravic.
– Đó không phải là điều tôi đã muốn nói.
– Tôi cũng vậy. Nếu anh muốn, ta sẽ rời bỏ cái phòng cây Cọ buồn tẻ và bụi bặm này. Đã ba tháng nay tôi không đến, thế mà nay tôi vẫn tìm thấy lại tất cả cái mùi hôi hám của nó: mùi hôi của bếp núc, của bụi bặm và của sợ hãi. Mấy giờ anh phải đi?
– Muốn đi lúc nào cũng được. Hôm nay tôi được nghỉ.
– Thế là công bằng – Ravic nói với một nụ cười -Đây là buổi tối của sự trang nhã, của nước Nga cũ và của những cốc rượu lớn.
– Cậu đi với tôi chứ?
– Không tối nay thì không. Tôi mệt nhừ ra rồi: Mấy đêm gần đây tôi hầu như không ngủ. Ta hãy đi dạo một tiếng đồng hồ, nếu anh muốn, và kiếm chỗ nào ngồi với nhau một lát. Đã lâu quá rồi tôi không được hưởng cái thú đó.
– Lại uống Voouvray sao? – Morozov hỏi.
Họ ngồi ở sân hiên nhà hàng Colisée.
– Mới chập tối thôi cậu. Đây là giờ của vodka.
– Tôi biết, nhưng tôi vẫn muốn uống Vouvray.
– Cậu bắt đầu làm tôi lo ngại rồi đấy. ít ra cũng uống lấy một ly fine.
Ravic lắc đầu. Morozov nài thêm:
– Khi đến một nơi nào, đêm đầu bao giờ cũng phải uống cho say. Vẫn tỉnh, để mà tha hồ ngắm cái bộ mặt thiểu não của những bóng ma của dĩ vãng, cái đó theo tôi là một thứ chủ nghĩa anh hùng vô bổ.
– Anh hiểu chưa đúng đâu Boris ạ. Chẳng qua tôi muốn hưởng thụ cuộc sống một cách thận trọng mà thôi.
Anh thấy rõ Morozov không tin. Anh không tìm cách thuyết phục Boris. Anh điềm tĩnh ngồi vào một cái bàn gần sát vỉa hè, và vừa uống ly rượu vang vừa nhìn đám người qua đường diễu qua. Trong khi còn ở xa Paris, anh thấy mọi sự đều minh bạch rõ nét. Bây giờ mọi thứ đều nhợt nhạt, phủ sương mù, tô màu dìu dịu và khá dễ chịu, nhưng đó có phần nào là cái cảm giác mà người ta thể nghiệm khi bắt đầu đi xuống sườn núi quá nhanh: những tiếng động của thung lũng thấu đến tai ta như qua một cái đụn bông.
– Cậu từ ga về thẳng khách sạn đây à?
– Vâng.
– Veber có đến hỏi cậu nhiều lần.
– Tôi sẽ gọi điện cho ông ta.
– Chà, cậu làm sao thế nhỉ? Có chuyện gì không ổn?
– Không có gì đặc biệt, ở Geneve, biên giới được canh phòng cẩn mật quá. Ở đó chính là nơi mà tôi đã thử vượt biên lần đầu. Sau đó tôi đến Basel. Ở đây cũng khó quá. Nhưng rốt cục tôi đã vượt được. Nhưng lại bị một trận cảm chó má. Thế nhưng tôi vẫn phải qua đêm dưới mưa và tuyết, trên một cánh đồng không. Thế là bệnh nặng lên, chuyển thành sưng phổi. Một anh thầy thuốc ở Belfort đã đưa tôi vào một bệnh viện. Đưa vào, đưa ra đều lén lút cả. Sau đó anh ta lại cho tôi ở lại nhà mười ngày.
– Thế cậu khỏi rồi chứ?
– Gần gần.
– Vì thế mà cậu không uống rượu mạnh?
Ravic mỉm cười.
– Sao anh cứ quay trở lại chuyện ấy mãi thế? Chẳng qua tôi chỉ mệt. Tôi muốn trở lại thói quen cũ từ từ. Sự thật chỉ có thế. Kỳ lắm anh ạ, trên đường đi người ta nghĩ hàng đống chuyện, nhưng đến nơi rồi thì chẳng còn nghĩ gì nữa cả.
– Con ơi, – Morozov nói, với một cử chỉ dường như muốn đưa câu chuyện về cái lĩnh vực thật của nó – con đang nói chuyện với bố Boris của con đấy, vốn là một kẻ am hiểu lòng người. Con hãy thôi lẩn tránh đi, và hãy hỏi ngay điều mà con muốn biết để sau đó đừng phải nói đến nữa.
– Đồng ý. Jeanne ở đâu?
– Tôi không biết. – Đã mấy tuần nay tôi không có tin tức gì. Cũng không trông thấy ở đâu cả.
– Thế trước đó?
– Trước đó ư? Cô ấy có đến hỏi cậu mấy lần. Rồi thì thôi.
– Cô ấy không làm ở Scheherazade nữa à?
– Không. Cô ấy thôi làm cách đây khoảng sáu tuần. Sau đó có trở lại hai ba lần. Rồi không thấy nữa.
– Cô ấy có ở Paris không?
– Chắc là không. Hoặc giả tôi có cảm giác như vậy. Vì nếu ở Paris thì thế nào thỉnh thoảng cũng phải ghé lại.
– Anh có biết bây giờ cô ấy làm gì không?
– Làm cái gì trong ngành xinê thì phải. Cô ấy có lần nói như vậy với cô bé ở phòng gửi áo. Một câu chuyện kiểu đó.
– Một câu chuyện ư?
– Chứ gì nữa? Một chuyện bịa – Morozov nói dữ dằn hơn – Chứ còn thế nào khác nữa? Cậu đừng có nói là cậu dự kiến một cái gì khác.
– Vâng.
Morozov im lặng.
– Dự kiến điều gì và biết rõ điều đó là hai việc khác nhau. – Ravic nói.
– Chỉ có những tay lãng mạn chết rấp mới không biết điều đó. Thôi bây giờ cậu uống cái gì cho ra hồn đi. Bỏ cái thứ nước chanh ấy đi. Làm một cốc calvados…
– Không, dĩ nhiên là không uống calvados rồi. Uống cognac, nếu anh vui lòng. Hay thôi calvados cũng được… chẳng có gì quan trọng…
– Có thế chứ! – Morozov nói.
Khung cửa gỗ. Đường viền xanh của các mái nhà. Chiếc đi-văng màu đỏ phai bạc. Cái giường. Ravic nhận thức ra rằng mình sẽ phải chịu đựng nó. Anh ngồi lên đi-văng và châm thuốc hút. Morozov đã đưa đồ đạc tới cho anh, và cho anh biết có thể tìm anh ta ở đâu khi cần.
Ravic đã cởi bỏ bộ đồ cũ kỹ. Anh đã tắm, lúc đầu tắm nước nóng, và sau đó là nước lạnh. Anh tắm rất lâu, xát xà bông thật kỹ. Anh muốn rửa sạch những vết tích của ba tháng vừa qua, tẩy hẳn nó đi khỏi da thịt mình.
Anh mặc đồ lót mới và một bộ quần áo khác. Anh cạo thật sạch mặt. Anh cũng muốn tắm hơi, nhưng bấy giờ muộn quá. Anh đã làm tất cả những việc ấy một cách khoái trá. Giá có thể, anh sẽ làm nữa, vì bây giờ, ngồi trên đi-văng bên cạnh cửa sổ, anh cảm thấy sự cô đơn từ tất cả các ngóc ngách của căn phòng tỏa vào anh.
Anh rót đầy một cốc calvados. Trong mớ đồ đạc của anh còn một chai mới uống hết có một nửa. Anh nhớ lại cái đêm anh cùng uống chai rượu này với Jeanne, nhưng kỷ niệm này không gợi lên một xúc cảm nào. Đã quá lâu rồi. Anh chỉ nhận thấy rượu calvados này cũ lắm, và rất ngon.
Trăng lên chầm chậm, cắt những đường viền đầy gẫy gọn trên các khối nhà. Khoảng sân bẩn thỉu ở phía trước biến thành một tòa lâu đài óng ánh bạc. Với một chút óc tưởng tượng bao giờ ta cũng có thể thiếp bạc lên những vật hèn hạ nhất. Một mùi hoa bay vào cửa sổ. Trên cái bao lơn ngay ở phía dưới có một thùng gỗ trồng đầy hoa. Đấy là phòng của Wiesenhoff, một người tị nạn – nếu anh ta vẫn còn ở đấy. Ravic nhớ là có một hôm anh đã phải rửa dạ dày cho Wiesenhoff. Ấy là vào tiết Noel năm ngoái.
Chai rượu đã cạn. Anh ném cái chai không lên giường. Nó nằm đấy trông như một cái thai đen đen. Anh đứng dậy. Sao anh lại cứ nhìn cái giường làm gì? Khi người ta không có đàn bà thì phải kiếm lấy một, chỉ có thế thôi. Ở Paris việc này chẳng có gì khó.
Anh đi qua những dãy phố hẹp ra đến quảng trường Ngôi Sao. Luồng sinh khí âm âm của thành phố như đang rung rung trong đêm dọc đại lộ Champs-Elysées. Anh rảo bước quay trở lại, rồi đi chậm dần cho tới khi đến trước cửa khách sạn Milan.
– Dạo này thế nào? – Anh hỏi người gác cửa.
– A, ra ông đấy ư? – Hắn giật mình nói – Đã lâu không thấy ông đến.
– Ừ, cũng lâu. Tôi đi vắng, không ở Paris.
Người gác cửa quan sát Ravic bằng đôi mắt nhỏ và sáng.
– Thưa ông, bà không ở đây nữa ạ.
– Ừ, tôi có biết. Cũng lâu rồi nhỉ.
Người gác cổng rất biết nghề. Không cần đợi khách hỏi một câu nào, hắn cũng biết ngay là khách muốn biết những gì.
– Cách đây bốn tuần rồi ạ. Bà ấy đi được bốn tuần rồi.
Ravic lấy một điếu thuốc.
– Bà bây giờ không ở Paris nữa ạ? – Người gác cửa hỏi.
– Bà ấy ở Cannes.
– Ở Cannes.
Người gác cửa đưa bàn tay rộng bản lên xoa mặt.
– Chắc ông không tin được đâu, nhưng trước đây tôi đã từng làm gác cổng cho khách sạn Ruhl ở Nice. Cách đây mười tám năm.
– Tôi tin mà.
– Chà, thời ấy thật huy hoàng! Chao là tiền pourboires! Thời hậu chiến thật tuyệt vời. Ngày nay…
Ravic biết mình phải làm gì. Anh hiểu tường tận tâm lý của những người làm khách sạn. Anh rút trong túi ra một tờ năm quan đặt lên bàn.
– Cám ơn ông ạ. Chúc ông vui chơi thỏa thích. Ông trẻ ra đấy ạ.
– Phải, tôi cũng thấy mình trẻ ra. Chào anh.
Ravic đứng lại trên đường phố. Tại sao anh lại đến khách sạn này? Bây giờ, để cho đủ lệ bộ, anh chỉ còn có một việc là đến Schéhérazade và uống rõ say.
Anh ngắm bầu trời nặng trĩu sao. Anh phải lấy làm hài lòng về diễn biến của sự tình. Anh đã tránh được bao nhiêu là những lời trách móc vô ích. Với lại anh đã biết trước sự thể sẽ kết thúc ra sao. Jeanne cũng biết. Cô đã làm đúng cái cách duy nhất có thể có được. Không cần phân trần giải thích. Việc đó quá vô ích. Khi tình cảm đã thực sự thành vấn đề, thì phân trần giải thích là thừa. Chỉ có hành động là đáng kể. Cũng may là ở đây không có vấn đề về luân lý. Jeanne không hề biết đến nếu những điều sơ đẳng nhất của luân lý. Cô đã hành động, và thế là xong. Không có dùng dằng co kéo. Chính anh cũng đã hành động. Vậy thì tại sao bây giờ anh lại đến lởn vởn ở đây? Chắc là tại khí trời. Tại cái chất trong mờ mờ làm bằng tháng năm, bằng chiều tối và bằng Paris. Và tại ban đêm. Ban đêm người ta bao giờ cũng khác. Anh trở vào khách sạn.
– Tôi có thể dùng điện thoại một chút được không?
– Dĩ nhiên ạ, xin mời ông. Nhưng chúng tôi không có buồng. Chỉ có máy thôi.
Ravic xem đồng hồ. Veber chắc là đang ở bệnh viện. Đây là giờ khám bệnh buổi tối. Bác sĩ Veber có ở đấy không? Anh không nhận ra giọng nói của cô y tá. Chắc là một cô mới vào làm.
– Bây giờ ông chưa nói chuyện được với bác sĩ Veber đâu ạ.
– Bác sĩ có ở đấy chứ?
– Có, nhưng tôi không dám quấy rầy ạ.
– Chỉ xin cô nói hộ là Ravic cần nói chuyện với bác sĩ. Cô đi báo ngay cho, việc rất cần. Tôi đợi.
– Được ạ – Cô y tá nói giọng hơi ngập ngừng – Tôi xin truyền đạt ngay, nhưng bác sĩ sẽ không tiếp ông được đâu.
– Để thử xem – Ravic nói – Cô cứ đi đi.
Một lát sáu, Veber cầm máy.
– Ravic! Anh ở đâu thế?
– Ở Paris. Tôi vừa mới về hôm nay. Anh còn ca mổ nào không?
– Có. Hai mươi phút nữa tôi phải mổ một ca viêm ruột thừa. Cấp. Sau đó tôi sẽ gặp anh nhé?
– Tôi có thể đến anh.
– Thế thì tuyệt! Mấy giờ?
– Ngay bây giờ.
– Đồng ý. Tôi đợi anh.
– Đây là một thứ rượu mùi rất ngon – Veber nói – Đây là mấy tờ nhật báo và tạp chí y học. Anh cứ ngồi chơi thoải mái, đợi tôi nhé?
– Tôi xin anh một ly, rồi một cái áo blouse và một đôi găng.
Veber nhìn Ravic.
– Đây chỉ là một ca viêm ruột thừa tầm thường, không xứng đáng với tầm cỡ của anh. Tôi sẽ thanh toán xong ngay, có Morel phụ giúp. Tôi đã gọi anh ta rồi. Vả lại chắc anh còn mệt.
– Veber, anh cho tôi một đặc ân đi: để cho tôi mổ. Tôi không mệt chút nào đâu.
– Anh vội bắt tay vào việc quá nhỉ – Veber cười lớn nói – Thôi tùy anh. Tôi sẽ báo lại cho Morel biết. Vả chăng, tôi cũng rất hiểu anh.
Ravic rửa tay, nhanh nhẹn mặc blouse và đi găng tay.
Gian phòng mổ.
Anh hít sâu mùi éther. Eugénie đứng cạnh bàn, đang mải gây mê cho bệnh nhân. Một cô y tá khác, trẻ và rất đẹp, đang xếp các dụng cụ theo đúng thứ tự cần thiết.
– Chào chị Eugénie. – Ravic nói.
Eugénie suýt buông rơi cái compte-gouttes.
– Chào bác sĩ Ravic. – Cô đáp.
Veber mỉm cười. Đây là lần đầu Eugénie nói năng với Ravic một cách lễ độ như vậy. Ravic cúi xuống bệnh nhân. Bộ đèn mổ cực mạnh làm cho căn phòng tràn ngập một ánh sáng trắng chói chang. Nó cũng dường như đẩy lùi cả thế giới bên ngoài vào bóng tối. Nó không cho người ta suy nghĩ. Nó khách quan và lạnh lùng, nó không hề biết thương xót, nhưng nó lại hiền lành nhân hậu. Ravic cầm lấy con dao mổ trên tay cô y tá xinh đẹp. Qua lớp cao su, anh cảm thấy cái lạnh lùng của cán dao. Cảm giác ấy. Cảm giác ấy làm cho anh thấy dễ chịu. Anh vui sướng được từ giã cái thế giới của sự bấp bênh mơ hồ để bước vào vương quốc của sự chính xác phân minh. Anh ấn nhẹ con dao xuống. Đỏ và mảnh, nét cắt rớm máu chạy theo sau mũi dao. Mọi sự bỗng trở lại đơn giản và dễ dàng. Lần đầu tiên từ khi về đây, anh cảm thấy mình lại là chính mình. Tiếng vo vo im lặng của ánh đèn. Bây giờ thì anh đã thực sự về đến nhà.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.