Khải Hoàn Môn

CHƯƠNG 20



Ravic mở mắt ra. Jeanne không có ở bên cạnh. Anh nghe thấy tiếng nước chảy trong buồng tắm, bèn ngồi dậy. Anh lập tức tỉnh ngủ hoàn toàn. Đây là một thói quen mà anh đã phải luyện lại trong mấy tháng qua. Nhiều khi đó là cách duy nhất để thoát khỏi vòng nguy hiểm. Anh xem đồng hồ. Mười giờ sáng. Chiếc áo dạ hội và chiếc áo măng-tô của Jeanne nằm giữa sàn nhà. Giày nàng để gần cửa sổ. Một trong hai chiếc bị lật sang một bên.
– Jeanne, – Anh gọi – em có cái lối tắm ban đêm từ bao giờ thế?
Cô mở cửa ra.
– Em không muốn làm anh thức giấc.
– Không sao đâu. Anh vẫn ngủ được. Sao em lại dậy vào giờ này?
Jeanne đội một chiếc mũ tắm, người nàng ướt đầm đìa. Đôi vai nàng ánh lên như đồng đỏ. Trông nàng giống như một nữ kỵ binh đội mũ sắt chật.
– Em không còn là một con dạ điểu nữa, em không còn làm ở Scheherazade nữa.
– Anh biết rồi.
– Ai nói?
– Morozov.
Jeanne tò mò quan sát anh.
– Morozov, cái ông già lắm điều ấy à! Ông ta có nói gì với anh nữa không?
– Không. Còn có một cái gì nữa à?
– Không, còn cái gì khác mà anh gác cửa hộp đêm có thể biết được? Họ chẳng khác gì các cô hầu phòng mắc áo, họ sống bằng những chuyện ngồi lê đôi mách.
– Nào thôi, em hãy để cho anh ấy yên. Những người gác cửa và những người thầy thuốc vốn bi quan do nghề nghiệp, nguồn sinh nhai của họ bao giờ cũng là một cái gì thuộc mặt đen tối trong cuộc sống. Nhưng họ không đi phao chuyện. Họ buộc lòng phải kín đáo.
– Mặt đen tối của cuộc sống. – Jeanne nói – Ai mà có thể bằng lòng với nó được?
– Chẳng có ai cả. Nhưng phần đông người ta phải chấp nhận nó. Với lại, em quên rằng Morozov là người đã xin việc cho em làm ở Scheherazade rồi sao?
– Dù sao thì anh cũng chẳng lẽ nào bắt em biết ơn ông ta suốt đời được. Em cũng xứng đáng với những gì họ cho em ở đấy, nếu không em đã chẳng ở lại đó đâu. Vả lại Morozov làm việc đó là vì anh chứ chẳng phải vì em.
Ravic rút một điếu thuốc lá.
– Em ghét Morozov vì lẽ gì?
– Chẳng có gì đâu. Chẳng qua em không ưa. Ông ta có một cách nhìn nó thế nào ấy. Em thấy nghi ngại quá. Mà anh cũng nên cẩn thận.
– Sao?
– Anh phải coi chừng. Dù sao anh cũng biết là mấy người gác cửa ít nhiều đều có làm chỉ điểm cho công an.
– Chỉ có thế thôi à? – Ravic hỏi, giọng điềm tĩnh.
– Ồ, em thừa biết là anh không tin. Tuy vậy ở Scheherazade mọi người đều biết chắc là như thế. Biết đâu…
– Jeanne! – Ravic vừa nói vừa tung chăn đứng dậy – Em đừng nói bậy nữa. Em bỗng dưng lên cái cơn gì thế?
– Có gì đâu. Em không chịu nổi ông ta, có thế thôi. Ông ta có một ảnh hưởng chẳng lành. Mà anh thì lúc nào cũng ngồi với ông ta.
– À, ra thế – Ravic nói – Anh hiểu rồi.
Jeanne cười xòa.
– Vâng, đúng là thế đấy.
Ravic cảm thấy đó không phải là lý do duy nhất. Còn có một lý do khác nữa.
– Em muốn ăn sáng món gì? – Anh hỏi.
– Anh giận em rồi. – Jeanne nói, thay cho câu trả lời.
– Không đâu.
Jeanne bước vào phòng và quàng hai tay lên cổ anh. Anh cảm thấy sự tiếp xúc của hai cánh tay ướt qua lần áo pyjama mỏng. Sự tiếp xúc ấy làm cho máu anh chảy nhanh hơn.
– Anh giận em vì em ghen với bạn bè anh chứ gì?
Anh lắc đầu. Cái mũ tắm… một nữ kỵ binh. Một nàng tiêu biểu từ đại dương nổi lên, mùi nước và mùi của tuổi trẻ bốc lên từ thân thể nàng.
– Em buông anh ra đi. – Anh nói.
Jeanne không đáp. Cái nét chạy từ đôi lưỡng quyền cao đến gần cằm. Cái miệng. Đôi mi nặng trĩu. Đôi vú áp vào da anh dưới lần áo pyjama phanh ngực.
– Em buông anh ra, nếu không…
– Nếu không thì sao nào?… – Jeanne hỏi.
Một con ong bay vo vo cạnh cửa sổ. Ravic đưa mắt nhìn theo. Hình như mấy khóm hoa cẩm chướng của ông Wiesenhoff đã thu hút nó đến đây, và bây giờ nó đang đi tìm thêm những bông hoa khác. Nó bay vào phòng, và đến đậu trên một cái ly đã dùng để uống calvados.
– Anh có nhớ em không? – Jeanne hỏi.
– Có.
– Nhiều không?
– Nhiều.
Con ong bay đi. Nó đã lượn vòng mấy lượt quanh cái ly, và bây giờ, qua cửa sổ, nó bay vút về phía mặt trời và về phía mấy khóm hoa cẩm chướng của ông Wiesenhoff.
Ravic nằm bên cạnh Jeanne. Mùa hè – Anh nghĩ. Mùa hè, những cánh đồng cỏ trong không khí ban mai, mái tóc đượm cái mùi phong phú của rơm rạ, làn da thơm như hoa tam diệp. Bầu máu đầy lòng biết ơn lặng lẽ tuần hoàn trong các huyết mạch, tuôn chảy như một dòng suối đang thấm ướt lòng cát mà không vương dục vọng, mặt nước lặng lờ phản chiếu một hình ảnh tươi cười. Một khoảnh khắc ngắn ngủi trong đó không còn có chút sạn cát khô cằn. Những khóm bạch dương và phong dương, cõi tĩnh mịch trong đó len qua một tiếng rì rầm êm dịu, xa xăm như tiếng vọng của một thiên đường đã mất, vẳng tới để đập nhịp nhàng trong các mạch máu.
– Em muốn ở lại đây. – Jeanne nói, và nép sát vào anh.
– Em ở lại đi. Ta ngủ nhé; chúng mình ngủ chưa đủ.
– Em không ngủ được. Em phải đi thôi.
– Giờ này mặc áo dạ hội ra đường không được đâu.
– Em có mang theo một cái áo khác.
– Ở đâu?
– Em để trong áo măng-tô. Cả giày nữa. Em có mang theo đủ thứ cần dùng.
Jeanne không nói mình phải đi đâu, và tại sao phải đi, Ravic không hỏi.
Con ong lại trở lại. Nó không bay hú họa. Nó bay thẳng đến đậu trên thành cốc. Tưởng chừng như thể nó đã quen mùi calvados, hoặc nhận ra chất ngọt của táo.
– Vậy ra khi đến đấy, em biết chắc là em sẽ ở lại?
– Vâng. – Jeanne trả lời, người không động đậy.
Rolande bưng lên một chiếc khay có bày mấy chai rượu và mấy cái ly.
– Tôi không uống gì được đâu. – Ravic nói.
– Cả vodka cũng không ư? Subrovka đấy.
– Hôm nay thì không. Nhưng tôi sẵn sàng, uống cà phê, thật đặc.
– Tùy anh.
Ravic đẩy cái kính hiển vi ra. Anh châm một điếu thuốc và đi ra cửa sổ. Mấy cây hàng đã thay bộ lá mới.
Lần trước anh đến đây, chúng hoàn toàn trơ trụi. Rolande bưng cà phê ra.
– Các cô bây giờ đông hơn đấy nhỉ. – Ravic nói.
– Thêm hai mươi đứa nữa.
– Công việc chạy đến thế sao? Tháng Sáu mà được thế à?
Rolande ngồi xuống cạnh anh.
– Tôi cũng chẳng biết tại sao nó lại ra thế. Cứ như thể họ phát điên lên cả rồi. Bây giờ cứ sau buổi trưa là bắt đầu. Còn đến tối thì khỏi phải nói…
– Chắc là do nhiệt độ.
– Không, không phải do nhiệt độ, vì mọi năm cứ vào tháng Năm, tháng Sáu là ế ẩm hẳn đi. Đàng này thì trái lại. Như có một thứ dịch điên ấy. Quán bar cứ gọi là hốt vàng. Khách người Pháp mà cũng gọi champagne!
– Vô lý!
– Anh thấy đấy! Khách ngoại quốc thì đã đành; champagne cất dưới hầm là để bán cho họ. Đàng này lại là người Pháp… mà là dân Paris cơ chứ! Mà lại chính họ trả tiền! Thay vì Dubonnet, Pemod, hay bia. Thật khó tin!
– Thật thế.
Rolande rót cà phê.
– Lại còn tiếng ồn nữa! – Cô nói tiếp – Inh tai nhức óc. Chốc nữa xuống anh sẽ thấy. Ngay giờ này cũng thế! Không phải như trước kia, chỉ có những khách thạo đời đợi khám xong mới chơi. Bây giờ đã có một đám đông đang chờ dưới kia. Anh có thể nói cho tôi biết họ mắc cái dịch gì thế không, Ravic?
Anh nhún vai.
– Có lẽ vẫn là chuyện con tàu lạc hướng.
– Nhưng ở đây có lạc hướng gì đâu! Chưa bao giờ đắt khách như bây giờ.
Cánh cửa mở ra. Ninette bước vào. Hai mươi mốt tuổi, mảnh dẻ như thằng con trai mới lớn trong cái quần chẽn màu hồng. Cô có một gương mặt thiên thần và là một trong những cô gái được ưa chuông nhất ở đây. Cô bưng một cái khay có bánh mì, bơ và hai lọ mứt.
– Madame nghe nói bác sĩ uống cà phê – Cô nói, giọng trầm trầm, khàn khàn – Madame gửi mứt nhà làm để bác sĩ dùng. Tự tay Madame làm đấy ạ. – Đột nhiên Ninette mỉm cười, và cái vẻ thiên thần lập tức nhường chỗ cho một thái độ láu lỉnh, nghịch ngợm. Cô đặt cái khay lên bàn và lui ra.
– Anh thấy chưa. – Rolande nói – Chúng nó biết người ta cần chúng nó là quay ra xấc xược ngay.
– Đúng đây – Ravic nói – Chị thử nói tôi nghe cái mứt này là thế nào đây?
– Đó là niềm kiêu hãnh lớn của Madame. Bà ấy tự tay làm ra. Trong dinh thự riêng của bà ở Riviera. Ngon lắm đấy. Anh nếm thử mà xem.
– Tôi chúa ghét mứt. Nhất là khi nó do các nhà triệu phú làm ra.
Rolan lấy cái thìa múc một mảng mứt lớn để lên tờ giấy, thêm vào đây một lát bơ và mấy khoanh bánh mì, gói cả lại rồi đưa cho Ravic.
– Ra khỏi nhà anh vút nó đi. Đây là vì bà chủ. Bà ta sẽ muốn biết anh có ăn hay không. Niềm kiêu hãnh cuối cùng của một người đàn bà già nua và chán đời, anh ạ. Anh nên vì nể bà mà làm như vậy.
– Đồng ý.
Ravic đứng dậy mở cửa. Ở phía dưới có tiếng nói cười, tiếng nhạc.
– Ồn quá nhỉ! – Anh nói – Toàn người Pháp cả đấy à?
– Không, không phải loại khách nói ban nãy. Hôm nay phần nhiều là khách ngoại quốc.
– Người Mỹ à?
– Không. Cái này tôi cũng làm lạ. Phần lớn là người Đức đấy. Chưa bao giờ thấy lắm khách người Đức như mấy ngay hôm nay.
– Cái đó chẳng có gì lạ.
– Phần đông nói tiếng Pháp một cách hoàn hảo. Tuyệt nhiên không phải như người Đức vẫn nói tiếng Pháp cách đây mấy năm.
– Tôi cũng nghĩ thế. Chắc cũng có nhiều khách quân nhân Pháp phải không? Những người lính mộ và lính thuộc địa?
– Lúc nào cũng có.
– Người Đức tiêu nhiều tiền lắm?
Rolande cười.
– Ai muốn sống với họ họ cũng thết đãi hết.
– Nhất là lính tráng chứ gì? Thế mà nước Đức đã ban bố luật cấm vận tiền tệ và đã đóng cửa biên giới. Không ai có thể ra khỏi nước nếu không có phép của nhà chức trách. Và không ai có thể đem theo trên mười mark. Thật kỳ lạ: những người Đức này lại cực kỳ vui vẻ hào phóng, tiêu tiền như nước, nói tiếng Pháp tuyệt hảo, chị không thấy lạ sao?
Rolande nhún vai.
– Cái đó thì tôi đếch cần biết… miễn tiền của họ là tiền thật…
Lúc Ravic về đến khách sạn thì đã hơn tám giờ.
– Có ai gọi tôi không? – Anh hỏi người gác cửa.
– Không ạ.
– Ban chiều cũng không sao?
– Không ạ. Suốt ngày không thấy ai gọi.
– Có ai đến tìm tôi không?
– Cũng không ạ.
Ravic lên lầu. Ở lầu một, anh nghe tiếng vợ chồng Goldberg đang cãi nhau. Ở lầu hai, một đứa bé đang khóc ré lên. Đó là thằng Lucien Silbermann, một công dân Pháp mười bốn tháng. Nó là hiện thân của tất cả những niềm hy vọng của bố mẹ nó: hai người có một tình cảm gì như sự sùng kính đối với đứa con trai. Siegfried Silbermann, làm nghề buôn bán cà phê, và vợ ông ta là Nelly, họ con gái là Lévi, quê ở Frankfurtam-Main. Thằng bé ra đời ở Pháp, cho nên bố mẹ nó hy vọng là sẽ nhờ nó mà có được hộ chiếu Pháp sớm hơn trước hai năm. Kết quả là thằng Lucien trở thành một thứ bạo chúa, với trí thông minh của một đứa trẻ lên một. Ở lầu ba, một cái máy hát đang mở. Đó là cái máy hát của anh tị nạn Wohlmeier, trước kia là khách trọ của trại tập trung Oranienburg. Anh ta ngồi nghe hàng giờ những điệu dân ca Đức. Dãy hành lang sực mùi bắp cải và mùi bóng tối.
Ravic vào phòng mình để đọc sách. Mấy hôm trước anh có mua mấy cuốn sử. Đọc thứ sách này chẳng vui thú gì cho lắm. Cái thú bệnh tật duy nhất mà người ta có thể rút ra được từ nội dung mấy cuốn này là nhận ra rằng những việc đang diễn ra trên thế giới ngày nay chẳng có gì khác thường. Việc gì cũng đã từng xảy ra từ trước hàng chục lần. Những lời lẽ dối trá, những vụ bội ước, những vụ thảm sát Saint-Barthélémy, sự thối nát đi kèm theo lòng khát khao quyền bính, những chuỗi chiến tranh liên tục… lịch sử của nhân loại được viết bằng máu và nước mắt, và giữa hàng ngàn pho tượng vĩ nhân đẫm máu của quá khứ, chỉ có một vài pho được trang hoàng bằng một vành hào quang nhân hậu. Những kẻ mỵ dân, những kẻ mạo danh, những kẻ giết chúa, những kẻ ích kỷ tham quyền bính, những bậc tiên tri cuồng tín truyền giảng tình yêu thương mà tay lăm lăm cầm dao kiếm, thời nào những trò đó cũng lại tái diễn như cũ… và cứ mỗi lần như thế những đám dân ngoan ngoãn lại để cho họ lùa đi chém giết lẫn nhau một cách điên rồ để vun thành một đống thây ma vô nghĩa lý, cho bọn vua chúa, cho các tôn giáo và cho những thằng điên. Cứ thế không bao giờ hết được.
Anh gạt mớ sách ra. Từ một cửa sổ ở tầng dưới đưa lên những tiếng nói. Anh nhận ra giọng của Wiesenhoff và của bà Goldberg.
– Bây giờ thì không được đâu. – Ruth Goldberg nói.
– Ông ấy sắp về bây giờ. Chỉ một giờ nữa là cùng.
– Thì hẵng được một giờ.
– Ông ấy có thể về sớm hơn.
– Ông ấy đi đâu?
– Sứ quán Mỹ. Tối nào ông ấy cũng đến đây. Không vào mà chỉ đứng ngoài đường nhìn tòa nhà. Rồi trở về.
Wiesenhoff nói một câu gì Ravic không nghe ra.
– Dĩ nhiên – Ruth Goldberg trả lời bằng một giọng gây gổ – Vả lại ai mà chẳng điên? Còn ông ấy già thì tôi cũng biết chứ.
– Đừng làm thế, – Ruth nói sau một lát im lặng -bây giờ tôi không thích…
Wiesenhoff trả lời một câu gì không rõ.
– Anh nói nghe dễ nhỉ – Ruth nói – Tiền thì ông ấy giữ. Tôi chẳng có lấy được một xu. Thế mà anh…
Ravic đứng dậy. Anh nhìn cái máy điện thoại, phân vân. Lúc bây giờ khoảng gần mười giờ. Từ sáng không có tin tức gì của Jeanne. Khi cô rời phòng anh đi ra, anh không hỏi xem tối nay cô có đến không. Lúc ấy anh tin chắc là cô sẽ đến. Nhưng bây giờ anh không còn tin chắc như vậy nữa.
– Đối với anh thì dễ lắm – Giọng Ruth Goldberg nói tiếp – Anh chỉ cần chơi cho thích thế thôi.
Ravic đi tìm Morozov. Phòng anh ta khóa. Ravic bèn xuống nhà và đến Hầm Mộ. Anh dặn người gác cửa: “Nếu có ai gọi điện thoại thì bảo tôi ở nhà dưới”.
Morozov đang ngồi đấy. Anh ta đang đánh cờ với một người đàn ông tóc hung đỏ. Trong mấy góc phòng còn có mấy người đàn bà ngồi lại. Họ đan hay đọc sách, gương mặt buồn thiu.
Ravic theo dõi ván cờ một lúc. Người có bộ tóc đỏ đánh rất cao. Hắn đi rất nhanh, vẻ hoàn toàn dửng dưng. Morozov đang bí.
– Cậu thấy đây, tôi nguy mất.
Ravic nhún vai, và người tóc đỏ ngẩng đầu lên.
– Đây là ông Fikenstein – Morozov nói – Ông mới ở Đức sang.
– Bên ấy dạo này ra sao ạ? – Ravic hỏi cho có lệ.
Người kia so vai chẳng nói gì. Vả lại Ravic cũng không chờ nghe trả lời. Anh không còn như những năm đầu, khi người ta còn háo hức chờ đợi nghe tin thời sự bên nhà, còn chứa chan hy vọng là chế độ quốc xã sẽ đổ. Bây giờ thì ai nấy đều biết rằng chỉ có chiến tranh mới có thể làm cho nó đổ được. Cũng như mọi người đều biết rằng một Chính phủ mà giải quyết vấn đề thất nghiệp bằng cách xây dụng một nền công nghiệp chiến tranh thì chỉ có hai khả năng: hoặc đưa đến chiến tranh, hoặc đưa đến thảm họa nội chính.
– Chiếu bí. – Fïkenstein nói, không chút phấn khởi. Hắn đứng dậy và nhìn Ravic.
– Có thể làm cách nào để ngủ được không? – Hắn hỏi anh – Ở đây tôi không sao ngủ được. Hễ chợp được một chút là lại thức giấc ngay.
– Ông uống rượu đi, – Morozov nói – uống bourgogne ấy. Thật nhiều bourgogne vào, hoặc uống bia.
– Tôi không biết uống rượu. Tôi đã đi bộ qua các phố cho đến khi mệt lử. Thế mà cũng chẳng ăn thua. Không sao ngủ được.
– Tôi sẽ cho ông mấy viên thuốc – Ravic nói – Mời ông lên nhà với tôi.
– Rồi quay lại Ravic nhé – Morozov nói – Đừng để tớ ở đây một mình, người anh em cố tri ạ!
Mấy người đàn bà ngẩng đầu lên, rồi lại cúi xuống đan hay đọc sách, như thể trên đời này chẳng có một cái gì có thể làm cho họ vội vã. Ravic lên phòng với Fikenstein. Mở cửa ra, anh cảm thấy hơi đêm tràn vào phòng qua khung cửa sổ mở rộng. Không có ai trong phòng. Anh lấy mấy viên thuốc ngủ đưa cho Fikenstein.
– Cám ơn. – Fikenstein nói mà không có một thớ thịt nào trên gương mặt của hắn cử động. Hắn đi vào dãy hành lang tối om, tan đi như một bóng ma.
Ravic chợt cảm thấy Jeanne sẽ không đến. Cùng một lúc, anh lại hiểu ra rằng ngay từ ban sáng anh đã trực giác được điều đó. Chẳng qua lúc ấy anh không muốn tin như vậy. Anh đột ngột quay ngoắt lại, như nghe thấy ai nói gì sau lưng. Mọi sự đều trở nên rõ ràng và đơn giản. Jeanne đã có được điều mà cô muốn, và bây giờ cô đang thong dong đi nơi khác. Vậy anh đã hy vọng cái gì khác thế nữa? Anh mong rằng Jeanne sẽ từ bỏ hết mọi thứ vì anh chăng? Rằng cô sẽ trở về như đã từng trở về với anh chăng? Thật là điên rồ! Dĩ nhiên là đã có một người đàn ông khác trong đời cô, và không phải chỉ là một người đàn ông khác, mà là một cuộc sống khác mà cô không muốn từ bỏ.
Ravic xuống nhà. Anh thấy khổ sở.
– Có ai gọi điện cho tôi không? – Anh hỏi.
Người gác đêm vừa mới đến lắc đầu. Mồm hắn còn đầy xúc xích tỏi.
– Tôi đang đợi điện thoại. Có gì cho người xuống gọi tôi ở dưới nhà.
Anh đi xuống với Morozov.
Hai người đánh với nhau một ván cờ. Morozov thắng, bèn đưa mắt nhìn quanh một cách thỏa mãn. Mấy người đàn bà đã lặng lẽ rút lui. Anh lắc cái chuông thầy lễ để trên bàn.
– Clarisse! Một bình rosé nhé! Cái thằng cha Fikenstein ấy đi cờ như cái máy khâu ấy. – Thật tởm! Một nhà toán học. Tôi chúa ghét sự hoàn thiện. Nó không có tính người. – Anh quan sát Ravic – Tối nay cậu làm gì ở đây?
– Tôi chờ một cú điện thoại.
– Cậu có đang giết ai theo đúng thủ thuật nghiệp vụ không?
– Hôm qua tôi vừa cắt bỏ dạ dày cho một gã đàn ông.
Morozov rót rượu rosé ra cốc.
– Trong khi nạn nhân của cậu đang giãy giụa đau đớn trong cơn mê sảng, thì cậu điềm nhiên ngồi đây uống rượu. Như thế cũng là phi nhân. Ít ra cậu cũng phải thấy xót ruột chứ.
– Đúng. – Ravic đáp – Anh đã phát hiện ra cái bí quyết của những nỗi khổ của nhân loại, Boris ạ. Người ta không bao giờ thấy đau vì những cái gì người ta bắt kẻ khác phải chịu đựng. Nhưng tại sao anh lại bắt đầu những cuộc cải cách của anh bằng giới thầy thuốc? Tốt hơn là nên bắt đầu bằng giới chính khách và giới tướng lĩnh, vì nếu thế ta sẽ có được hòa bình trên thế gian.
Morozov ngả hẳn người ra phía sau và nhìn kỹ gương mặt bạn.
– Quen thân với một anh thầy thuốc bao giờ cũng là một sai lầm – Anh ta nói – Người ta sẽ mất lòng tin đối với người đó. Tôi với cậu đã từng uống rượu với nhau say bí tỉ, thế thì làm sao tôi có thể để cho cậu mổ tôi được nữa? Dù tôi có biết chắc cậu mổ giỏi hơn một người khác, tôi cũng sẽ chọn người ấy thôi. Đó là lòng tin vào Cái-chưa-biết, một thuộc tính người, đã bắt rễ rất sâu! Lẽ ra phải bắt các thầy thuốc ở trong bệnh viện, đừng bao giờ cho họ sống lẫn với người trần mắt thịt. Những kẻ tiền bối của các cậu, là các ông bà phù thủy ngày xưa, biết rất rõ điều này. Nếu có bao giờ tôi phải mổ, thì tôi muốn tin vào một quyền lực siêu nhiên.
– Anh cứ yên tâm: tôi cũng không bao giờ chịu mổ cho anh đâu, Boris ạ.
– Tại sao?
– Có người thầy thuốc nào lại chịu mổ anh em ruột của mình!
– Dù sao thì tôi cũng không để cho cậu có cơ hội làm việc đó. Tôi sẽ chết vì đứt mạch máu não trong khi ngủ. Tôi vui lòng tiến lên đón một cái chết như vậy.
Morozov bỗng dưng có cái vẻ mặt của một đứa trẻ đang sung sướng. Anh đứng dậy.
– Tôi phải đi đây. Phải đi mở mấy cái cửa Montmartre, một trung tâm văn hóa. Tôi cứ tự hỏi chúng ta sống vì mục đích gì.
– Chẳng qua chỉ để có thể tự hỏi như thế. Còn câu hỏi nào khác nữa không?
– Còn. Tại sao ta lại chết khi đã biết tự hỏi như vậy và khi ta đã khôn ngoan lên được ít nhiều?
– Có những người chết trước khi trở thành khôn ngoan hơn.
– Cậu đừng lảng tránh câu hỏi. Và đừng nói đến luân hồi.
– Trước hết tôi xin hỏi anh một câu. Sư tử giết sơn dương, nhện giết ruồi, cáo giết gà, còn cái giống vật cứ giết lẫn nhau mãi mãi là giống gì?
– Đó là một câu hỏi dành cho trẻ con. Dĩ nhiên đó là cái kiệt tác của tạo hóa, là loài người, là kẻ đã phát minh ra các từ ngữ Tình Yêu, Lòng Nhân Hậu và Lòng Thương Xót.
– Câu trả lời đúng. Thế trong thiên nhiên sinh vật duy nhất có thể tự sát và đã từng tự sát là sinh vật nào?
– Lại vẫn là con người, kẻ đã phát minh ra Vĩnh Cửu, Thượng đế và sự sống lại.
– Rất tốt – Ravic nói – Anh thấy chúng ta chứa đựng biết bao nhiêu là mâu thuẫn. Thế sao anh còn hỏi tại sao chúng ta lại chết?
Morozov lâm vào thế bí.
– Đồ ngụy biện, đồ cáo già! – Anh mắng.
Ravic nhìn bạn. Trong anh có một cái gì đang nghĩ: Jeanne! Giá bây giờ nàng bước vào đây qua cánh cửa lắp kính này!
– Boris ạ – Anh nói – Sai lầm là ở chỗ bắt đầu suy nghĩ. Nếu chúng ta cứ đứng nguyên ở tình trạng chỉ biết hưởng thụ theo bản năng, theo sự thèm ăn thèm uống, thì sẽ không hề có những chuyện như thế. Có một kẻ nào đó đang dùng nhân loại để làm thí nghiệm… và hình như cho đến nay kẻ đó vẫn chưa tìm ra được kết luận. Ta đừng kêu ca. Dù là con chuột bạch cũng phải có lòng tự trọng.
– Đó là cách nói của đồ tể. Bò thì không bao giờ nói thế. Đó là cách nói của các nhà khoa học, chứ nạn nhân của họ thì không bao giờ nói thế. Đó là cách nói của các ông thầy thuốc, chứ lũ chuột bạch thì không bao giờ nói thế.
– Anh nói đúng… (Ước gì bây giờ nàng bước vào với dáng đi lảo đảo như lúc nào cũng đi ngược gió!)… Những quy luật của lý trí muôn năm! Nào, Boris, ta hãy uống vì sắc đẹp – sự vĩnh cửu đầy duyên dáng của khoảnh khắc hiện tại! Anh có biết là còn có những hành động nào mà chỉ có con người làm được không? Khóc và cười.
– Và tự làm cho mình say nữa. Bằng rượu vang, bằng cognac, bằng triết học, bằng đàn bà, bằng hy vọng hay là bằng tuyệt vọng. Thế cậu có biết có cái gì mà chỉ có con người biết không? Con người biết là mình sẽ chết. Để làm thuốc trị độc, người ta cũng đã cho con người trí tưởng tượng. Hòn đá là hiện thực. Cái cây cũng vậy. Và con vật cũng thế luôn. Nó được thích nghi với số phận của nó. Nó không biết là nó sẽ chết. Còn con người thì lại biết. Vậy thì hãy bịa ra linh hồn. Linh hồn ơi, hãy vươn lên, hãy bay lên! Cậu đừng khóc, hỡi tên sát nhân theo đúng thủ tục kia! Chẳng phải ta vừa cất tiếng ca khúc Thánh ca của các thánh ca của nhân loại đó sao?
Morozov lắc lắc cây cọ cằn cỗi, làm tung lên một đám bụi.
– Biểu trưng anh hùng của một hy vọng Nam phương! Thực vật đã là ước mơ của một bà chủ khách sạn Pháp, vĩnh biệt nhé! Và cả cậu nữa, con người không gia đình, cây leo không có rễ, kẻ cắp của tử thần! Hãy tự hào là mình lãng mạn!
Anh mỉm cười với Boris.
Ravic không mỉm cười đáp lại. Cánh cửa mở ra. Người gác đêm bước vào và đến cạnh bên hai người. Có điện thoại rồi – Ravic nghĩ bụng. Có thế chứ! Anh không đứng dậy. Anh ngồi đợi, cảm thấy các bắp thịt trên tay căng lên.
– Thưa ông Morozov, thuốc lá của ông đây ạ. – Người gác đêm nói – Anh bồi mới đem lại đấy ạ.
– Cám ơn. – Morozov bỏ bao thuốc lá vào túi – Tạm biệt Ravic nhé. Đêm nay chắc còn gặp nhau nữa nhỉ?
– Có thể. Tạm biệt Boris.
Con người không có dạ dày nhìn Ravic. Anh ta thấy buồn nôn, nhưng không nôn được. Anh ta không còn có cái mà người ta cần để nôn ọe nữa. Cũng như một người cụt chân đến háng bị đau chân vậy.
Anh ta cứ bứt rứt không yên. Ravic tiêm cho anh ta một mũi thuốc. Người này rất ít khả năng sống sót. Tim không được khỏe và một bên phổi đầy những vết tổn thương đã thành sẹo. Trong suốt ba mươi lăm năm đã sống qua, anh ta chưa bao giờ được khỏe cho lắm. Mấy năm liền bị loét dạ dày, rồi lại bị lao phổi tiềm tàng, rồi đến bây giờ lại bị ung thư. Y bạ của anh ta cho biết là anh ta lấy vợ đã được bốn năm; vợ anh ta chết khi sinh đứa con đầu; ba năm sau đứa con cũng chết, vì bệnh ho lao. Anh ta không có ai thân thuộc. Anh ta nằm đây, rất thẳng trước mặt Ravic, không chịu chấp nhận cái chết, đầy can đảm, không biết rằng từ nay mình phải hấp thụ thức ăn bằng hậu môn, và không bao giờ còn có thể thưởng thức món ăn ưa chuộng của mình. Món gà hầm ăn với dưa ngón muối chua. Anh ta nằm đấy, bụng phanh ra, hôi hám, nhưng vẫn còn một cái gì cho phép anh nhìn qua nhìn lại được gọi là linh hồn. Hãy tự hào rằng mình lãng mạn! Khúc Thánh ca của các thánh ca của nhân loại.
Ravic móc lại tờ bệnh án trên đầu giường. Cô y tá đứng dậy và chờ đợi. Trên cái ghế cô vừa ngồi, một tấm len đan dở. Hai chiếc kim đan gắm vào tấm len, còn cuộn len thì đã lăn xuống đất. Trông như một dòng máu mảnh chảy ra từ tấm áo đan chưa xong.
Người này như bị đóng đinh vào giường – Ravic nghĩ – và tuy đã tiêm morphine, anh ta sẽ qua một đêm khủng khiếp, phải nằm bất động, luôn luôn đau đớn, ngạt thở, một đêm đầy ác mộng. Còn ta, ta chờ đợi một người đàn bà, và ta tưởng rằng đêm sắp tới sẽ khủng khiếp lắm nếu nàng không đến. Ta biết rằng như thế là lố bịch nếu đem so ta với người này, với bệnh nhân Baston Perrier đang nằm ở phòng bên với cánh tay dập nát, với hàng ngàn người khác, với tất cả những tai biến xảy ra trên thế giới trong buổi tối hôm nay… ta biết như thế là lố bịch, nhưng điều đó chẳng thay đổi được chút gì. Morozov nói gì nhỉ? Tại sao còn không thấy xót ruột? Phải, tại sao lại không?
– Nếu có gì, nhớ báo cho tôi biết ngay. – Anh dặn cô y tá. Đây chính là cô y tá đã được Kate Hegstroem tặng cái máy nghe dĩa.
– Bệnh nhân này rất cam phận.
– Rất gì?
– Rất cam phận ạ. Đây là một bệnh nhân rất tốt.
Ravic nhìn quanh. Anh không thấy có cái gì để cho cô ta mong được tặng làm quà. Rất cam phận… các cô y tá nhiều khi dùng từ ngữ đến là lạ! Anh chàng tội nghiệp này đang vật lộn với cái chết bằng tất cả các huyết cầu và tất cả các tế bào thần kinh của anh ta… còn lâu anh ta mới đành tâm chịu chết.
Ravic về khách sạn. Anh gặp Goldberg trước cửa. Một ông già có bộ râu hoa râm đeo một sợi dây chuyền đồng hồ bằng vàng nặng trịch.
– Tối nay đẹp trời nhỉ. – Goldberg nói.
– Vâng.
Ravic nghĩ đến người đàn bà trong phòng Wiesenhoff.
– Ông đi dạo đấy à? – Anh hỏi.
– Tôi vừa đi về. Tôi vừa ra quảng trường Concorde.
Đi ra quảng trường Concorde. Sứ quán Mỹ ở đấy, một tòa nhà trắng toát dưới ánh sao, im lặng và trống trải, một cái nhà nổi của Noe, trong đó có những con dấu đóng vào giấy nhập cảnh mà không ai với tới được. Goldberg đã đứng trước tòa nhà ấy, gần khách sạn Crillon, và đã ngắm cái cửa vào và những khung cửa sổ tối tăm, như thể ngắm một bức họa của Rembrandt ngắm tháp Koh-i-Noor.
– Ông đi với tôi một vòng nữa đi. Ta ra Khải Hoàn Môn rồi về.
Anh nghĩ, nếu mình cứu được cái đôi trên lầu kia, khi mình về sẽ thấy Jeanne ở trong phòng. Nàng sẽ đến trong khi mình đi với Goldberg.
Goldberg từ chối.
– Tôi phải lên phòng thôi. Tôi biết chắc là vợ tôi đang đợi tôi. Tôi đi đã hơn hai tiếng đồng hồ rồi.
Ravic nhìn đồng hồ. Gần mười hai giờ rưỡi. Không cần phải cứu ai nữa. Bà Goldberg chắc đã trở về phòng từ lâu. Anh nhìn theo Goldberg đang chậm rãi bước lên cầu thang. Rồi anh đi ra bàn người gác cửa.
– Có ai gọi điện cho tôi không?
– Không ạ.
Phòng Ravic đèn rất sáng. Anh nhớ rằng khi ra đi anh đã để đèn. Cái giường trắng tinh, như thể tuyết vừa rơi xuống đây. Anh lấy mảnh giấy để lại trên bàn, trong đó có viết là anh sẽ trở về trong vòng nửa giờ nữa, và xé vụn ra. Anh tìm một cái gì uống. Chẳng có gì cả. Anh quay trở xuống dưới nhà. Anh gác cửa không có calvados. Chỉ có cognac thôi. Ravic lấy một chai Hennessy và một chai Vouvray. Anh nói chuyện với anh gác cửa một lát: anh này tìm cách thuyết phục Ravic rằng trong cuộc đua ngựa sắp tới ở Saint-Cloud con Loulou II là con ngựa có nhiều khả năng về nhất hơn cả.
Anh Alvarez người Tây Ban Nha đi ngang qua, và Ravic nhận thấy anh ta đi vẫn còn hơi khập khiễng. Anh mua một tờ báo và trở về phòng. Một buổi tối như thế này có thể vô tận đến nhường nào! Kẻ nào không còn tin ở những phép mầu trong tình yêu thì kẻ ấy là người bỏ đi; đó là điều trạng sư Arensen đã nói ở Berlin năm 1933. Hai tuần sau ông ta bị đưa vào trại tập trung do lời tố giác của người yêu. Ravic mở chai Vouvray và vói tay lên bàn lấy một tập trước tác của Platon. Một lát sau anh bỏ sách xuống và ra ngồi cạnh cửa sổ.
Anh nhìn trừng trừng vào cái máy điện thoại. Cái máy đen đáng nguyền rủa! Anh không thể gọi điện cho Jeanne. Anh không biết số điện của cô. Thậm chí anh cũng không biết địa chỉ nữa. Anh chẳng hỏi gì, mà Jeanne thì chẳng nói. Có lẽ cô cố tình để như vậy. Để dành cho mình một cái cớ.
Anh uống một cốc rượu vang nhẹ. Mình điên thật – Anh tự nhủ. Mình đợi một người đàn bà mới sáng hôm nay còn ở đây. Mình xa cô ta trong ba tháng rưỡi liền, thế mà mình không nhớ cô ta bằng từ sáng đến giờ. Giá đừng gặp lại thì đơn giản hơn. Trước kia mình đã quen được. Còn bây giờ…
Anh đứng dậy. Cũng vẫn không phải thế. Đây là vì cái tình trạng bấp bênh nó dày vò anh thì đúng hơn. Đây là sự ngờ vực đã dần dần thấm vào anh mỗi lúc một thêm mạnh trong khi thì giờ trôi qua.
Anh đi ra cửa. Anh biết là cửa không khóa. Nhưng anh vẫn thử lại một lần nữa. Anh đọc tờ báo; nhưng anh có cảm giác như đọc qua một cái màn. Những vụ lộn xộn ở Hà Lan. Cuộc xung đột không sao tránh khỏi. Những lời khiếu nại chống quy ước Hành Lang. Hiệp ước giữa Anh, Pháp với Ba Lan. Chiến tranh đến gần. Anh bỏ tờ báo xuống và tắt đèn. Anh nằm trong bóng tối chờ đợi.
Anh không ngủ được. Anh lại bật đèn lên. Chai Hennessy vẫn để trên bàn. Anh không mở nút chai. Anh đứng dậy và ra ngồi cạnh cửa sổ. Đêm mát rượi và đầy sao. Mấy con mèo rên rỉ trong ngõ hẹp. Trên cái bao lơn ở trước mặt, một người đàn ông mặc quần lót đứng gãi sồn sột một lát rồi ngáp dài và trở vào phòng. Ravic nhìn cái giường. Anh biết là anh sẽ không ngủ được. Thử đọc sách đọc báo chỉ vô ích. Anh đọc mà chẳng hiểu trong đó nói gì. Đi ra ngoài có lẽ hơn cả. Nhưng đi đâu? Đi đâu cũng thế thôi. Anh cũng chẳng muốn ra ngoài. Trong một khoảnh khắc nổi khùng anh nắm lấy chai cognac, nhưng rồi lại để lại trên bàn. Anh lục túi tìm thuốc ngủ, thứ thuốc anh đã cho Fikenstein, người đàn ông tóc đỏ. Hắn ta bây giờ chắc chắn là đang ngủ. Ravic nuốt mấy viên thuốc. Anh không tin lắm là sẽ ngủ được. Anh nuốt thêm viên nữa. Nếu Jeanne đến, anh khắc thức dậy được.
Nàng không đến. Đêm sau cũng không.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.