Khải Hoàn Môn

CHƯƠNG 25



Veber đi vào phòng băng bó. Ông ra hiệu cho Ravic, và cả hai ra ngoài.
– Durant gọi điện. Ông ta xin gặp anh ngay. Có một ca đặc biệt, với những hoàn cảnh hoàn toàn bất bình thường.
– Tôi hiểu rồi – Ravic lạnh lùng đáp – Ông ta đã làm hỏng một ca mổ và muốn tôi đến để gánh lấy hậu quả. Đúng thế không?
– Tôi nghĩ là không phải thế. Ông ta rất lo lắng bứt rứt. Tôi có cảm giác là ông ta đã tới bước đường cùng.
– Làm sao ông ta biết được là tôi đã trở về?
Veber nhún vai.
– Chịu thôi. Chắc là có một cô y tá nào đấy nói.
– Tại sao ông ta không nhờ Binot? Binot rất giỏi.
– Tôi cũng có khuyên ông ta như vậy. Nhưng ông ta lại nói đây là một trường hợp hết sức phức tạp, chỉ có anh mới thật chuyên về những ca như thế này.
– Thôi đi! Cứ nói thế chứ cái thành phố Paris này thiếu gì những chuyên gia cực giỏi? Ông ta cứ cho mời Marteau; đó là một trong những nhà phẫu thuật giỏi nhất thế giới.
– Anh chắc phải hiểu tại sao ông ta không nhờ Marteau chứ!
– Dĩ nhiên. Ông ta không muốn bị hạ nhục trước mặt bạn đồng nghiệp. Còn trước mặt một người thầy thuốc sống ngoài vòng pháp luật thì khác. Người này không nói sự thật ra được.
– Ca này hết sức khẩn cấp. Anh có đi không?
Ravic cởi mấy cái dải khuy áo blouse trắng.
– Cố nhiên. Không có cách nào khác. Nhưng tôi phải đặt một điều kiện. Anh phải đi với tôi.
– Được. Lấy xe tôi mà đi, ta cùng đi.
Họ bước xuống thềm. Chiếc xe của Veber đang đợi trước cửa bệnh viện, choáng lộn dưới ánh nắng. Hai người lên xe.
– Tôi chỉ làm trước mặt anh mà thôi. Nếu không, tôi có cơ chui thẳng đầu vào một cái bẫy.
– Tôi cho là bây giờ ông ta chẳng còn tâm địa đâu mà nghĩ đến chuyện bẫy anh.
Chiếc xe mở máy.
– Tôi đã chứng kiến quá nhiều chuyện tương tự. – Ravic nói – Ở Berlin tôi có một nhà phẫu thuật lớn. Một hôm, ông giáo sư của anh ta bắt tay vào một phẫu thuật tinh vi trong khi đã say chuếnh choáng, và cắt hơi quá tay. Ông ta không nói lấy nửa lời, cứ thế bảo anh học trò làm tiếp. Anh này không nhận thấy gì hết. Một phút sau, ông thầy cho anh một trận ra trò, tuôn ra một tràng những lời mắng nhiếc thậm tệ nhất, buộc tội cho anh làm hỏng ca phẫu thuật. Bệnh nhân chết, và ngày hôm sau anh bác sĩ trẻ đã tự sát. Còn ông giáo sư thì vẫn tiếp tục mổ và tiếp tục uống rượu.
Xe đã đỗ ở đại lộ Marceau. Một dãy xe vận tải đi qua đường Galilée. Nắng làm cho không khí trong xe nóng hầm hập. Veber ấn một cái nút. Mui xe từ từ lùi lại và xếp gọn vào phía sau ghế. Ông ném sang Ravic một cái nhìn đắc thắng.
– Tôi mới cho lắp đấy. Hoàn toàn tự động. Thời nay ghê gớm thật, cái gì họ cũng lo liệu chu đáo.
Bây giờ gió thổi vào xe mát rượi. Ravic nói:
– Vâng, tuyệt thật. Phát minh mới nhất gần đây là trong lĩnh vực mìn và thủy lôi từ tính. Hôm qua tôi vừa đọc một cái gì đó về vấn đề này. Khi nào chệch mất mục tiêu, loại thủy lôi mới này lại quay trở lại để đâm vào mục tiêu lần nữa. Loài người có tinh thần xây dựng lạ lùng.
Veber quay về phía Ravic một khuôn mặt đỏ au, rạng rỡ lên vì một ý chế giễu hồn hậu.
– Chao ôi, tôi đến chịu anh và cái ám ảnh chiến tranh của anh đấy, Ravic ạ. Chúng ta cách xa chiến tranh còn hơn cả xa mặt trăng kia! Tất cả những tin đồn đại về xung đột võ trang chỉ là chính trị thuần túy, trước sau chỉ là một thủ đoạn gây áp lực, chứ chẳng có gì khác, anh cứ tin tôi đi!
Nước da bệnh nhân giống như xà cừ xanh. Gương mặt ngả sang màu xám tro. Và xung quanh khuôn mặt, như thể bị ánh sáng gay gắt của bộ đèn mổ làm bốc cháy lên, một khối tóc dày màu vàng Venise tuyệt đẹp. Sự tương phản giữa vầng hào quang chói lọi của mớ tóc này với cái nước da mặt xám ngoét kia trông gần như thô bỉ. Quả mái tóc là bộ phận duy nhất còn sinh động, rực rỡ, tưng bừng, như thể sự sống đã rút ra khỏi thân thể và chỉ còn được những món tóc này níu lại.
Người thiếu phụ nằm trên bàn mổ có một sắc đẹp phi thường. Vóc người cao dong dỏng và thanh tú lạ lùng, với một gương mặt mà ngay cả những bóng tối ghê rợn của trạng thái bất tri giác cũng không thể nào làm cho xấu đi được. Một người đàn bà sinh ra để sống trong xa hoa và trong tình ái.
Bệnh nhân ra máu rất ít. Quá ít.
– Ông đã mở tử cung ra? – Ravic hỏi Durant.
– Vâng.
– Rồi sau đó?
Durant không đáp. Ravic ngước măt lên và gặp cái nhìn của Durant.
– Rất tốt – Ravic nói – Bây giờ ta chưa cần đến các cô y tá. Ở đây có ba bác sĩ là đủ rồi.
Durant gật đầu tán thành. Mấy cô y tá và viên trợ lý phu mổ lui ra.
– Rồi sau đó? – Ravic nhắc lại câu hỏi sau khi cánh cửa đã đóng lại.
– Ông có thể tự mình thấy rõ. – Durant đáp.
– Không được.
Ravic thấy rõ. Nhưng anh muốn Durant tự mình nói ra trước mặt Veber. Như thế an toàn hơn.
– Có thai ba tháng. Rong huyết, cần nạo thai. Nội mạc tử cung có biểu hiện tổn thương.
– Có biểu hiện tổn thương?
– Ông nhìn cũng có thể thấy… Thôi được, màng trong của dạ con bị tổn thương.
– Rồi sao nữa? – Ravic hỏi gặn.
Anh quan sát bộ mặt của Durant. Nó chứa chất một nỗi căm thù bất lực. Không bao giờ lão ta có thể tha thứ cho mình. – Anh nghĩ. Nhất là lại trước mặt Veber.
– Thủng dạ con. – Durant nói.
– Bị thìa nạo đâm thủng?
– Dĩ nhiên – Durant nói sau một lát do dự – Chứ còn cái gì vào đấy được nữa?
Tình trạng xuất huyết đã ngừng hẳn. Ravic im lặng khám tiếp. Một lát sau anh đứng thẳng dậy.
– Ông đã nạo thủng cả tử cung mà không hề biết. Khi làm thủng chỗ đó, ông đã lôi một khúc ruột lọt vào lỗ thủng. Ông không biết đó là cái gì. Chắc ông tưởng đó là một mảnh còn sót của cái màng thai. Ông đã tìm cách móc nó ra. Ông đã làm cho khúc ruột bị dập ra. Có đúng thế không?
Trán Durant ướt đẫm mồ hôi. Phía sau cái khẩu trang, bộ râu ông ta nhúc nhích như thể ông đang nhai một miếng gì quá lớn.
– Có thể.
– Ông đã làm mất bao lâu?
– Tôi bắt đầu khoảng bốn mươi phút trước khi ông đến.
– Băng huyết bên trong. Ruột non tổn thương. Nguy cơ nhiễm trùng cực lớn. Ruột phải được khâu và tử cung phải cắt bỏ. Ngay lập tức.
Durant chớp chớp đôi mi mắt.
– Tôi biết hết rồi. Tôi cho mời ông lại đây, không phải để ông nói cho tôi nghe những điều đó.
– Đó là điều duy nhất tôi có thể làm. Ông gọi người của ông vào và làm tiếp đi. Tôi khuyên ông đừng để mất thời gian.
Durant càng nhai dữ.
– Tôi đang bối rối quá. Ông có thể làm phẫu thuật thay tôi được không?
– Không. Ông cũng biết là tôi ở đây bất hợp pháp, tôi không có quyền làm.
– Ông thật là… – Durant mở đầu, nhưng rồi trấn tĩnh lại, ông lặng thinh.
Mấy anh phụ mổ, mấy anh sinh viên chưa học hết khóa, mấy anh lang băm, hễ cứ sang đến đây là đều tuyên bố rằng ở Đức họ là những bậc danh y… Ravic chưa quên những điều Durant đã nói với Leval. Anh nói:
– Ông Leval đã dạy cho tôi biết điều đó, trước khi tôi bị trục xuất.
Anh thấy Veber vụt ngẩng đầu lên. Durant không đáp.
– Nhưng ông đã mổ thay tôi khá nhiều lần… Nếu là vấn đề giá cả…
– Ở đây chẳng có gì liên quan đến giá cả. Từ khi trở về đây, tôi đã thôi làm phẫu thuật. Dù sao tôi cũng không thể nào nhận mổ một bệnh nhân chưa tỏ ý thuận tình cho một phẫu thuật loại này.
– Nhưng đằng nào tôi cũng không thể đánh thức bệnh nhân dậy lúc này để hỏi ý kiến người ta!
– Đúng hơn là không thể làm như thế mà không tạo khả năng nhiễm trùng máu.
Mặt Durant nhễ nhại mồ hôi. Veber đưa mắt sang Ravie. Ravic gật đầu.
– Có thể trông cậy vào các nữ y tá của ông không? – Veber hỏi.
– Chúng ta sẽ không cần đến người trợ lý của ông. Ở đây có ba bác sĩ và hai y tá, thế là đủ rồi.
– Vâng…
– Ravie… – Durant bắt đầu nói. Nhưng rồi ông không nói thêm gì nữa.
– Lý ra ông phải mời Binot – Ravic nói – Hay Mallon, hay Martel. Họ đều là những nhà phẫu thuật ưu tú.
Durant không đáp.
– Ông có sẵn sàng tuyên bố trước mặt ông Veber rằng ông đã làm thủng tử cung và làm rách một khúc ruột vì tưởng đó là một cái màng thai không?
Durant không trả lời ngay.
– Vâng. – Durant bật ra, giọng khản đặc.
– Vậy ông có đồng thời sẵn sàng tuyên bố rằng ông có yêu cầu Veber cắt bỏ tử cung và dây chằng tử cung, và có yêu cầu tôi phụ giúp cho Veber nhân tôi có mặt ở đây không?
– Vâng.
– Ông có nhận là sẽ chịu hết trách nhiệm về ca phẫu thuật và về những kết quả của nó, và cả về việc bệnh nhân không được thông báo và chưa tỏ ý thuận lòng cho làm phẫu thuật nói trên không?
– Dĩ nhiên. – Durant gầm gừ.
– Rất tốt, vậy xin ông gọi hai cô y tá vào. Chúng ta sẽ không cần đến ông trợ lý của ông. Ông có thể giải thích cho ông ta biết rằng ông đã cho phép Veber và tôi trợ giúp cho ông vì đây là một ca đặc biệt, hết sức phức tạp. Vì ông đã trót hứa gì đấy, đại loại như vậy. Riêng ông, bây giờ ông có thể đảm nhiệm theo dõi gây mê. Có cần y tá chuẩn bị lại không?
– Không. Phòng bên cũng khử trùng rồi.
– Càng tốt.
Khoang bụng đã mở. Rất chậm rãi, hết sức thận trọng, Ravic tách khúc ruột bị lọt vào lỗ thủng ở vách dạ con. Anh bọc nó vào một lớp băng vô khuẩn, để giữ nó cách xa phúc mạc cho đến khi giai đoạn nguy hiểm nhất qua đi. Sau đó anh bao bọc toàn bộ tử cung trong một lớp băng khác.
– Một trường hợp có thai ngoài tử cung – Anh thì thầm về phía Veber – Anh thấy không, một phần nằm trong tử cung, một phần nằm trong ống dẫn trứng. Cũng không nên chê trách ông ta quá đáng. Trường hợp này cực hiếm. Nhưng dù sao…
– Thế nào? – Durant hỏi – Ông vừa nói gì cơ?
– Không có gì.
Ravic mở khúc ruột và cắt bỏ đoạn bị tổn thương. Rồi anh khâu rất nhanh hai đầu ruột hở lại. Anh tập trung hết sức chú ý vào thủ thuật khẩn trương này. Anh quên hẳn Durant. Anh thắt ông dẫn trứng và các động mạch lại, rồi cắt đầu ống. Sau đó anh bắt đầu cắt bỏ cái dạ con. Tại sao chỉ chảy có ngần này máu? Tại sao một cơ quan như cơ quan này lại không chảy nhiều máu hơn cả trái tim? Khi mà người ta vừa cắt đứt cả cái phép mầu của sự sống, cả cái khả năng truyền thụ sự sống?
Người đàn bà tuyệt mỹ đang nằm trước mặt anh đã chết. Lẽ ra nàng có thể tiếp tục sống, nhưng nàng đã chết. Một cái cành chết trên cây phổ hệ. Đang giữa kỳ khai hoa, nhưng đã bị tước mất điều bí ẩn của kỳ kết quả. Bước ra từ những cánh rừng mà sau đó đã hóa than từ lâu, những con người to lớn và hãy còn dáng dấp đười ươi đã dọn một con đường qua hàng ngàn thế hệ. Người Ai Cập đã dựng lên các đền đài của họ, đất nước Helias đã đạt tới áng vinh quang của họ. Và bước đi huyền bí của máu đã tiếp diễn, cao hơn lên, cao hơn mãi, để cuối cùng tạo ra con người này, giờ đây cũng cằn cỗi vô sinh như một bông lúa đã trẫy hết hạt, và sẽ không bao giờ còn lưu truyền dòng máu của mình cho một đứa con. Bàn tay vụng về của Durant đã cắt đứt chuỗi di truyền. Nhưng chẳng phải cũng chính hàng nghìn những thế hệ ấy đã đưa đến Durant sao? Hy Lạp và Phục Hưng đã nảy nở phồn vinh chẳng phải để rồi cuối cùng sản sinh ra bộ râu dê lỗi thời ấy sao?
– Thật là tởm lợm. – Ravic nói.
– Cái gì kia? – Ravic hỏi.
– Thiếu gì cái!
Ravic đứng thẳng lên.
– Xong!
Anh nhìn kỹ gương mặt diễm lệ xanh xao với áng hào quang làm bằng vàng sẫm. Anh nhìn cái xô trong đó anh đã vứt cái vật máu me nhầy nhụa đã từng làm cho mặt nàng đẹp đến nhường ấy. Rồi anh nhìn Durant.
– Xong rồi! – Anh nhắc lại.
Durant chấm dứt việc gây mê. Ông ta không nhìn Ravic. Ông đợi cho các nữ y tá đưa bệnh nhân ra khỏi phòng. Rồi ông lặng lẽ đi theo họ.
– Ngày mai lão ta sẽ giảng giải cho nữ bệnh nhân hiểu rằng lão đã cứu sống cô ta – Ravic nói – Và sẽ đòi cô ta trả thêm năm ngàn quan.
– Nhưng bây giờ thì lão chưa có vẻ gì là đang tính toán chuyện đó.
– Một ngày cũng lâu lắm, mà sự hối hận thì lại chóng qua đi. Nhất là khi người ta có thể chuyển nó thành lợi nhuận.
Ravic rửa tay. Qua khung cửa sổ ở cạnh lavabo, anh trông thấy một cái bao lơn trên thành có trồng mấy chậu hoa phong lữ đỏ thắm. Một con mèo xám đang ngủ dưới khóm lá.
Tối hôm ấy anh gọi điện đến bệnh viện của Durant. Anh đang ở tiệm Schéhérazade. Cô y tá trực đêm cho anh biết rằng người thiếu phụ đang ngủ. Trước đó mấy giờ cô ta có trằn trọc vật vã đôi chút. Veber đã đến và cho thuốc an thần nhẹ. Mọi sự hình như đều ổn.
Ravic mở cửa đi về phía phòng rửa mặt. Một mùi nước hoa rất mạnh xộc vào mũi anh. Một người đàn bà tóc nhuộm uy nghi bước vào phòng toa lét “quý bà”, vẻ như thách thức. Người thiếu phụ ở bệnh viện có bộ tóc vàng tự nhiên. Một bộ tóc bằng vàng cũ ngả sang màu đỏ hung! Giàn hợp xướng Nga đang hát bài “Đôi mắt đen” vĩnh hằng. Hai mươi năm trường bi kịch có nhiều nguy cơ trở thành lố lăng. – Anh nghĩ. Bi kịch có bổn phận phải ngắn gọn.
– Xin lỗi chị nhé, – Anh nói với Kate Hegstroem – nhưng vừa rồi tôi phải đi gọi điện một chút.
– Tôi mong là mọi sự ổn cả chứ?
– Hiện giờ thì đang ổn.
Tại sao chị ta lại hỏi mình như vậy nhỉ – Anh tự hỏi một cách bực bội. – Đối với chị ta thì chẳng ổn tí nào.
– Thế này đã đủ cho chị chưa? – Anh chỉ bình vodka hỏi.
– Chưa.
– Sao, chưa đủ ư?
Kate chỉ lắc đầu.
– Bây giờ là mùa hạ. – Ravic nói – Lẽ ra không bao giờ nên qua những buổi tối mùa hạ trong một hộp đêm. Mùa hạ là phải ngồi ngoài đường. Bên một gốc cây, dù còm cỏi đến đâu, dù có bị bọc rào sắt cũng được.
Anh ngước mắt lên, và cái nhìn của anh chiếu thẳng vào cái nhìn của Jeanne. Chắc cô đã vào trong khi anh đang gọi điện. Trước đó không thấy có cô trong phòng. Bây giờ cô ngồi ở góc đối diện.
– Ta đi nơi khác vậy chị nhé? – Anh hỏi Kate Hegstroem.
– Anh muốn nói là đến chỗ nào có gốc cây còm cỏi? Tôi chẳng thiết lắm đâu.
– Chị có lý. Vả lại rượu vodka này tuyệt ngon.
Giàn hợp xướng đã hát xong. Giàn nhạc bắt đầu chơi một điệu blues. Anh thấy Jeanne đứng dậy để ra nhảy. Anh không trông thấy cô rõ lắm. Cũng không thấy rõ cô đang nhảy với ai. Nhưng cứ mỗi lần ngọn đèn chiếu quét qua sàn nhảy chùm ánh sáng xanh nhạt của nó, cô lại nổi lên trong ánh đèn để rồi lại chìm vào bóng tối mờ mờ.
– Hôm nay anh có làm ca phẫu thuật nào không?
– Có…
– Anh có cảm giác như thế nào khi sau ca mổ, anh lại đến ngồi ở một hộp đêm? Chắc cũng có phần giống như trở về thành phố sau khi ra trận nhỉ. Hay giống như chuyển từ trạng thái bệnh tật sang trạng thái khỏe mạnh?
– Không phải lúc nào cũng thế. Nhiều khi tôi chỉ thấy như mình bị hút cạn đến tận đáy.
Đôi mắt Jeanne trông như trong suốt trong chùm tia sáng xanh nhạt. Cô nhìn về phía anh. Không phải trái tim đang xao xuyến, mà là cái dạ dày. Một cái sốc ở ức. Người ta đã viết hàng ngàn bài thơ về cái sốc ấy. Nhưng cái sốc ấy không bắt nguồn từ ngươi, cái thân xác đang ứa mồ hôi nhè nhẹ trong khi khiêu vũ, mà từ những chiều sâu của óc ta, và chỉ vì ngẫu hợp mà một mối dây vô hình làm cho nó sắc nét hơn mỗi lần ngươi đi qua chùm tia sáng.
– Có phải là người đàn bà trước đây đã từng hát ở đây không? – Kate Hegstroem hỏi.
– Phải.
– Bây giờ cô ấy không hát nữa à?
– Hình như không.
– Cô ấy đẹp nhỉ.
– Chị thấy thế à?
– Vâng. Cô ấy còn hơn là đẹp ấy. Cô ấy có một gương mặt mà cả cuộc sống đã ghi lên một dấu ấn dễ nhìn thấy.
– Có thể.
Kate Hegstroem quan sát Ravic bằng khóe mắt. Cô mỉm cười. Một nụ cười có thể dễ dàng kết thúc bằng nước mắt.
– Rót cho tôi một ly vodka nữa, rồi ta đi. – Kate nói.
Ravic cảm biết được cái nhìn của Jeanne khi anh đứng dậy. Anh đỡ cánh tay của Kate. Cử chỉ này không cần thiết. Kate hoàn toàn có thể đi một mình. Nhưng anh tự nhủ nếu Jeanne trông thấy thì cũng hay hay.
– Anh có thể chiều tôi một chút không? – Kate hỏi khi hai người đã vào căn phòng của cô ở khách sạn Lancaster.
– Dĩ nhiên, Kate ạ. – Ravic nói trong khi mải bận tâm nghĩ một điều gì không rõ. – Nếu tôi làm được.
– Anh có thể cùng đi với tôi đến buổi vũ hội nhà Montfort không?
Anh ngẩng đầu lên.
– Cái buổi vũ hội ấy là thế nào? Tôi chưa bao giờ nghe nói đến.
Kate ngồi xuống một chiếc ghế tựa đặt cạnh cái lò sưởi giả. Chiếc ghế trông quá rộng đối với cô. Cô có vẻ mong manh như một bức tượng nhỏ bằng sứ. Làn da trên má cô căng thẳng hơn mọi khi.
– Vũ hội nhà Montfort là một sự kiện xã hội lớn của mùa hạ Paris. Nó đã được định vào ngày thứ Sáu tuần sau, trong dinh thự và trong khu vườn của Louis Montfort. Chắc anh chẳng có khái niệm gì về dòng họ này nhỉ?
– Tôi chẳng biết gì đâu.
– Anh sẽ cùng đi với tôi nhé?
– Chị thấy như vậy có được không?
– Tôi sẽ kiếm cho anh một tấm thiếp mời.
Ravic nhìn cô.
– Để làm gì thế, Kate?
– Tôi muốn đi dự buổi đó. Mà tôi không muốn đi một mình.
– Có những bạn khác…
– Không. Tôi không muốn đi với những người tôi quen. Tôi không còn chịu được họ nữa. Anh hiểu cho tôi chứ?
– Tôi hiểu.
Kate mỉm cười. Ngay cả nụ cười của cô bây giờ cũng khác. Nó đã trở thành một thứ màng voan thanh lịch, mà phía sau đó sắc mặt không hề thay đổi.
– Đó là buổi garden-party cuối cùng của mùa hạ. Từ bốn năm nay, năm nào tôi cũng dự. Anh chiều tôi một chút nhé?
Ravic biết tại sao Kate muốn anh cùng đi. Đó là để cảm thấy an toàn hơn. Anh không thể từ chối được.
– Được, Kate ạ. Không cần thiếp mời đâu. Họ đã biết là thế nào cũng phải có người cùng đi với chị, thì như thế cũng đủ rồi.
– Dĩ nhiên, cảm ơn anh, Ravic ạ. Mai tôi sẽ gọi điện cho Sophie Montfort.
Ravic đứng dậy.
– Tôi sẽ đến đón chị ngày thứ Sáu. Chị sẽ trang phục như thế nào?
Kate ngoảnh mặt về phía anh. Ánh đèn phản chiếu trên mái tóc trơn bóng của cô. Một cái đầu thằn lằn – Ravic nghĩ. Sự hoàn mỹ thanh tú, khô khan, rắn rỏi, trang nhã và không có xác thịt, không bao giờ mang dấu hiệu của sức khỏe.
– Có điều này tôi chưa nói, Ravic ạ. Đây là một vũ hội trang. Một buổi garden-party thời Louis XIV.
– Trời ơi! – Ravic vừa nói vừa ngồi xuống.
Kate Hegstroem cất tiếng cười khanh khách. Tiếng cười của cô bỗng nhiên nghe thẳng thắn và thoải mái như tiếng cười con trẻ.
– Tôi có thứ cognac ngon tuyệt. Nếu anh thích…
Ravic lắc đầu.
– Tôi đang tự hỏi không biết người ta lấy từ đâu ra những cái ý như vậy!
– Năm nào cũng đại loại như vậy.
– Và như thế có nghĩa là ta sẽ phải…
– Tôi sẽ lo hết – Kate ngắt lời anh – Anh đừng bận tâm. Tôi sẽ có cho anh một bộ trang phục. Một thứ gì rất giản dị. Thậm chí cũng không cần mặc thử trước nữa. Chỉ cần anh cho biết số đo.
– Tôi e rằng đến nước này rốt cục tôi phải cần đến cognac mất.
Kate đưa chai rượu cho anh.
– Anh không được từ chối đấy!
Anh uống một ngụm cognac. Mười hai ngày. – Anh nghĩ. Còn mười hai ngày nữa Haake mới trở lại Paris. Mười hai ngày phải vượt qua. Đời anh chỉ còn có mười hai ngay; anh không thể nhìn quá cái thời hạn đó. Mười hai ngày, rồi sau đó dường như là một cái vực sâu hở hoác đang chờ anh. Anh làm gì để giết thì giờ – điều đó không có gì quan trọng. Một vũ hội hóa trang… xét cho cùng thì trong hai tuần chờ đợi ấy có làm gì cũng chẳng sợ lố lăng.
– Tôi đã hứa rồi mà, Kate!
Anh quay trở về bệnh viện của Durant. Người thiếu phụ có bộ tóc vàng hung đang ngủ. Trán cô điểm những giọt mồ hôi lớn. Gương mặt đã phơn phớt hồng và miệng cô hơi hé mở.
– Nhiệt độ? – Anh hỏi cô y tá.
– Gần bình thường.
– Rất tốt.
Anh cúi xuống khuôn mặt lấm tấm mồ hôi. Anh có thể cảm thấy hơi thở của cô. Mùi ether không pha lẫn vào đây. Hơi thở của cô thơm mát như mùi cỏ xạ hương. Anh nhớ lại… một thung lũng trong dãy núi Forêt Noire… anh đang hổn hển bò dưới ánh nắng thiêu đốt, gần kiệt sức… không xa lắm, anh nghe thấy tiếng quát tháo của những kẻ đang săn đuổi anh, và pha lẫn vào đấy là cái mùi tinh tế của cỏ xạ hương… Thật lạ lùng! Khi đã quên hết, người ta vẫn còn giữ lại kỷ niệm của những mùi hương. Hai mươi năm nữa, mùi cỏ xạ hương sẽ còn đến thức tỉnh trong những chiều sâu bụi bặm của ký ức anh hình ảnh của cái ngày chạy trốn trong núi Forêt Noire. Không, không phải hai mươi năm nữa, mà mười hai ngày nữa thôi.
Băng qua thành phố ngột ngạt, anh đi bộ về khách sạn International. Đã gần ba giờ sáng. Anh leo lên cầu thang. Một chiếc phong bì trắng lấp một nửa dưới khe cửa. Anh nhặt nó lên. Nó mang tên anh, nhưng không dán tem mà cũng không đề địa chỉ. Jeanne – Anh nghĩ trong khi xé phong bì. Một tờ ngân phiếu rơi ra. Ravic nhìn con số, lúc đầu hoàn toàn dửng dưng, nhưng rồi dần dần chăm chú hơn. Không thể nào tin được! Đó không phải là con số hai trăm quan thường lệ. Mà là hai ngàn. Chắc lão đã được một mẻ sợ hết hồn. – Anh nghĩ. Durant mà lại tự mình bỏ ra hai ngàn quan! Thật là kỳ quan thứ tám của thế giới!
Anh bỏ tờ ngân phiếu vào ví và để một chồng sách lên cái bàn đặt cạnh giường. Anh mua mấy cuốn sách ấy cách đây hai ngày để phòng khi không ngủ được. Anh nhận thấy sách đối với anh ngày càng thêm quan trọng. Sách không thay thế được hết mọi thứ, nhưng nó đưa anh vào một lĩnh vực mà không có gì có thể với thấu anh được. Những năm đầu, anh không bao giờ giở một cuốn sách ra; anh thấy sách không có sự sống nếu đem so với thực tại. Ngày nay, sách đối với anh đã thành một bức thành; nó không bảo vệ được anh, nhưng ít ra anh cũng có thể dựa vào nó. Sự giúp đỡ mà nó đem lại cho anh khá mỏng manh, nhưng nó giữ cho anh khỏi rơi vào nỗi tuyệt vọng cuối cùng trong một thồi đại đang đi giật lùi về phía sự tối tăm hoàn toàn. Như thế là đủ rồi. Ngày xưa đã có những tư tưởng nảy sinh mà bây giờ đang bị khinh miệt và phỉ báng; nhưng nó đã nảy sinh, và nó vẫn sống mãi, và như thế cũng là đủ.
Anh chưa kịp bắt đầu đọc thì có tiếng chuông điện thoại. Anh không cầm máy lên. Tiếng chuông lặp lại mấy lần. Khi chiếc máy đã im hẳn, anh nhấc ống nghe lên và hỏi người gác cửa xem ai vừa gọi anh.
– Bà ấy không cho biết tên ạ.
– Một người phụ nữ à?
– Vâng.
– Bà ấy nói có lơ lớ giọng ngoại quốc không?
– Cái đó thì tôi chịu thôi ạ.
Ravic có thể nghe thấy rõ hắn vừa nói vừa ăn.
Anh xin số điện thoại của Veber. Ở đấy không có ai gọi anh. Ở bệnh viện của Durant cũng vậy. Anh hỏi cả khách sạn Lancaster. Cô điện thoại viên xác định rằng không có ai ở đấy gọi anh cả. Vậy đó là Jeanne. Chắc cô gọi từ Schéhérazade.
Một giờ sau, chuông điện thoại lại reo lên. Ravic đặt cuốn sách xuống. Anh đứng dậy và đi ra cửa sổ, tựa khuỷu tay lên bậu cửa và đứng đợi. Gió nhẹ đưa tới một mùi hương dã huệ. Anh tị nạn Wiesenhoff đã thay mấy khóm hoa héo ở cửa sổ. Nhà anh ta bây giờ có mùi như một gian phòng quàn hay một khu vườn tu viện vào một đêm nồng nực. Ravic bất giác tự hỏi không biết Wiesenhoff đã làm như vậy vì muốn tạ lỗi với hương hồn ông Goldberg hay chẳng qua vì hoa dã huệ trồng trong thùng dễ mọc tốt hơn. Chuông điện thoại đã im bặt. Có lẽ đêm nay ta sẽ ngủ được, anh nghĩ, và lại lên giường nằm.
Jeanne vào phòng trong khi anh đang ngủ. Cô bật đèn lên và đứng ở ngưỡng cửa.
– Thực sự yêu em! Em đã nói dối khi nói rằng chuyện này đến với em vì anh đi vắng hai tháng trời! Thật ra dù anh có ở nhà thì việc ấy vẫn xảy ra! Anh đừng có cười! Em biết là khác, em thấy rất rõ chỗ khác nhau. Em biết rằng người kia không thông minh, không như anh. Nhưng người ấy hiến dâng mình cho em, người ấy chỉ cần em mà thôi! Người ấy chỉ nghĩ đến em và chỉ biết có em! Và đó chính là điều em cần!
Jeanne đứng trước giường, thở rất mạnh. Ravic vói tay lấy chai calvados.
– Thế thì em đến đây làm gì? – Anh chỉ nói.
Cô không trả lời ngay.
– Anh thừa biết – Cô nói khẽ – Sao còn hỏi làm gì?
Ravic rót rượu ra cốc đưa cho cô.
– Em không uống được đâu – Cô nói – Người đàn bà ấy là ai?
– Một người ốm rất nặng.
– Anh nói dối. Kiếm chuyện gì khác đi cho nó dễ nghe hơn một chút. Ốm nặng thì nằm ở bệnh viện, chứ không phải ngồi ở hộp đêm.
Ravic đặt cốc xuống. Sự thật nhiều khi nghe cũng thật khó tin.
– Nhưng đó lại là sự thật đấy! – Anh nói.
– Anh yêu cô ta à?
– Thì việc gì đến em?
– Anh có yêu cô ta không?
– Nhưng cái đó có can hệ gì đến em đâu, Jeanne?
– Có chứ! Chừng nào anh không yêu ai… – Cô do dự một lát.
– Em vừa gọi cô ta là con vạc. Nếu thế thì làm sao có chuyện yêu đương được?
– Em chỉ nói thế thôi. Em đã thấy ngay từ đầu. Cô ta không phải là con vạc. Nếu cô ta như thế thì em thèm vào đến đây. Anh có yêu cô ta không?
– Em tắt đèn rồi đi đi!
Jeanne nhích tới gần hơn.
– Em biết chắc là có. Em thấy rất rõ!
– Em đi đi cho khuất mắt tôi – Ravic nói – Tôi mệt lắm rồi. Em mang cái trò đố chữ bỉ ổi ấy đi đâu thì đi đi cho rảnh. Em tưởng nó mới lắm đấy chắc!… Một thằng đàn ông dành cho sự choáng váng đột ngột hay cho sự nghiệp tiền đồ, rồi một thằng nữa mà em nói là yêu trọn vẹn và yêu khác hẳn thằng kia, dành làm nơi trú ẩn lâm thời, nếu thằng ấy đủ ngu ngốc để ưng chịu. Em đi đi, em đừng có quá nhiều thứ tình yêu.
– Không đúng. Không phải như anh nói đâu. Không phải thế. Em muốn trở về với anh. Và em đang trở về với anh.
Ravic rót rượu đầy cốc.
– Có thể là em cũng muốn thế. Nhưng đó chỉ là một ảo giác. Một ảo giác mà em đã dựng đứng lên để làm cho mọi việc dễ dàng hơn đối với em.
– Phải, em sẽ trở về!
– Không. Quá lắm cũng chỉ được một thời gian. Rồi sẽ có một người nào khác đi qua, mà người đó chỉ muốn có em, chỉ riêng em thôi, và mọi sự lại sẽ bắt đầu như cũ. Một tương lai khá thú vị đối với anh!
– Không, không! Em muốn ở lại với anh!
Ravic cười.
– Jeanne ạ, – Anh nói gần như âu yếm – em sẽ không ở lại với anh đâu. Không thể nào giam gió lại được. Nước cũng vậy. Nếu người ta cầm tù các thứ đó, nó sẽ thổi ra. Gió bị tù hãm sẽ thành không khí xú uế. Em sinh ra không phải để ngồi yên một chỗ.
– Anh cũng thế thôi.
– Anh?
Ravic uống cạn cốc rượu. Sáng nay là người thiếu phụ có bộ tóc bằng vàng hung đỏ; rồi đến Kate Hegstroem, người mang cái chết trong bụng, có làn da như làm bằng lụa bở; rồi bây giờ lại đến người đàn bà này, không hề biết suy xét, ham hố cuộc sống, vẫn còn xa lạ đối với chính mình nhưng lại tự biết mình rất rõ, vừa mưu mẹo lại vừa ngây thơ, trung thành theo một kiểu kỳ cục, nhưng lại hay bay bướm như nàng Thiên nhiên mẹ mình, bay lượn vật vờ theo các chiều gió, muốn hãm mình dừng lại nhưng rốt cục vẫn cất cánh bay đi…
– Anh ấy à? – Ravic nhắc lại – Em phỏng biết gì về thứ tình yêu thâm nhập vào cuộc đời của một con người mà tất cả đều đã trở thành bấp bênh và bất định? Cái sự “choáng váng” thảm hại của em là cái thá gì, so với thứ tình yêu đó? Khi mà tình cảm trỗi dậy như là một ảo ảnh giữa bãi sa mạc của im lặng rồi thành hình trọn vẹn?… Khi mà ảo giác của khí huyết phát triển lên một cách không có gì cưỡng nổi để trở thành một phong cảnh mà so với nó tất cả các giấc chiêm bao đều nhạt nhẽo và dung tục? Một phong cảnh bằng bạc, một kinh thành dệt bằng ngân tuyến và bằng thạch anh, chói lọi như ánh phản chiếu của máu đỏ… em biết gì về những thứ đó? Em tưởng nói về những thứ đó dễ lắm sao? Em tưởng một người hoạt bát láu lỉnh có thể diễn đạt nó bằng một chuỗi ngôn từ, sáo ngữ hay dù là bằng tình cảm đi nữa, mà được sao? Em biết gì về những ngôi mộ mở tung ra và nỗi kinh hoàng của những đêm trống trải và không màu? Những ngôi mộ ấy mở ra, và bên trong không hề thấy có những bộ xương trơ trụi. Trong đó sẽ tấy đất màu, những hạt mầm phì nhiêu và chưa chi đã có những chiếc lá xanh đầu tiên. Em biết gì về những cái đó? Em thích được choáng váng, em thích sự chinh phục, em thích thấy cái bản ngã thứ hai của em muốn chết trong em, nhưng rồi chẳng bao giờ chết, em thích sự lừa dối giông bão của máu, nhưng lòng em vẫn sẽ trống trải… vì không thể lưu giữ chút gì của những cái không bắt đầu có trong bản thân mình. Trong bão tố không có cái gì mọc lên được. Mọi vật đều nảy mầm trong những đêm trống trải của sự cô đơn, nếu người ta không tuyệt vọng. Em biết gì về những cái đó?
Ravic nói chậm rãi, không nhìn Jeanne, như thể đã quên mất sự hiện diện của cô. Bây giờ anh quay mặt về phía cô.
– Anh định nói những gì thế nhỉ? – Ravic nói – Những chuyện lẩm cẩm cũ rích. Hôm nay anh uống nhiều quá. Nào thôi, em đến đây uống một chút gì rồi đi đi.
Jeanne ngồi lên gitròng, rồi cầm lấy ly rượu.
– Em hiểu rồi. – Cô nói.
Gương mặt cô đã thay đổi. Giống như một tấm gương.
– Anh nghĩ thầm. Xưa nay lúc nào nó cũng phản chiếu những gì người ta để trước mặt nó. Bây giờ nó đã được điều tiết và đã đẹp lạ lùng.
– Em đã hiểu, – Cô nhắc lại – đã đôi khi em cảm thấy được những điều đó. Nhưng Ravic ạ, nếu nhiều khi anh quên em đi để chỉ nghĩ đến tình yêu của anh đối với tình yêu và đối với cuộc sống. Em chỉ là một điểm xuất phát; từ cái điểm đó, anh lên đường đến những kinh thành bằng bạc của anh, và hầu như không còn nghĩ đến em nữa.
– Có thể. – Anh nói sau khi nhìn Jeanne một hồi lâu.
– Anh quá bận tâm với bản thân; anh phát hiện ra quá nhiều điều ở bản thân, đến nỗi em phải đứng lại ở bên bờ cuộc đời anh.
– Có thể như thế. Nhưng em không phải là người có thể làm nền cho người ta xây dựng một cái gì ở bên trên, Jeanne ạ. Em cũng biết rõ điều đó.
– Anh muốn xây dựng ư?
– Không. – Ravic nói sau một lát suy nghĩ.
Anh mỉm cười.
– Khi đã xa lánh tất cả những gì trường tồn, người ta đôi khi lâm vào những tình thế rất kỳ quặc. Và người ta làm những việc thật kỳ quặc. Không, dĩ nhiên anh không muốn thế. Nhưng kẻ nào chỉ có một con cừu nhiều khi lại muốn dùng nó làm thật nhiều việc khác nhau.
Đêm bỗng nhiên tràn ngập khí thanh bình. Nó như là một trong những cái đêm vốn thuộc một cõi vĩnh hằng đã qua đi, một trong những đêm mà Jeanne đã nằm bên cạnh anh. Kinh thành đã lùi ra rất xa, đã mờ mịt đi, chỉ còn là một tiếng rì rầm mơ hồ ở tận chân trời; chuỗi ngày giờ đã đứt đoạn, và thời gian lặng im như thể bất động. Cái cảnh ngộ đơn giản nhất và cũng là vô lý nhất lại một lần nữa trở thành sự thực; hai con người đều nói mỗi người một đàng; và những âm thanh được gọi là từ ngữ khắc chạm những hình ảnh và những tình cảm lên cái khối mềm đang thao thức dưới lớp xương sọ, và từ những chấn động rời rạc của các thanh huyền, từ những phản ứng khó hiểu nổi của nó, cả những bầu trời bỗng nảy sinh, phản chiếu những áng mây, những dòng suối, thời dĩ vãng, sự trưởng thành, sự suy vong, và cả sự hiền minh mà người ta phải vất vả bao nhiêu mới có được.
– Anh yêu em, Ravic ạ, – Jeanne nói… và đó không còn là một câu hỏi nữa.
– Đúng, nhưng anh sẽ làm tất cả để thoát khỏi em.
Anh nói như vậy một cách điềm tĩnh, như nói một điều không có gì quan trọng đối với hai người. Anh không chú ý đến điều đó.
– Em không thể tưởng tượng là anh và em xa cách nhau. Trong một thời gian thì được. Nhưng mãi mãi thì không. Mãi mãi thì em không sao tưởng tượng được – Jeanne nhắc lại và rùng mình – Mãi mãi là một từ ngữ khủng khiếp, Ravic ạ. Em không thể quan niệm nổi một cuộc sống không có anh.
Ravic không đáp.
– Anh để cho em ở lại đây – Cô nói – Em không muốn đi nữa. Không bao giờ nữa!
– Mai em sẽ đi. Em cũng biết thế.
– Mỗi khi em ở đây, em không thể tưởng tượng là em có thể đi nữa.
– Thì cũng thế thôi. Và em cũng biết thế…
Một khoảng trống ở giữa thời gian. Căn phòng, một nơi trú ẩn nhỏ có ánh đèn… cũng vẫn là căn phòng trước kia… và trong phòng cũng vẫn là người mình yêu, thế nhưng lại không còn là người ấy nữa… chỉ giơ tay ra là chạm vào người ấy, thế nhưng lại không bao giờ còn có thể chạm tới nữa.
Ravic đặt cốc xuống.
– Em biết rằng em sẽ lại bỏ anh… ngày mai, ngày kia, hay một ngày nào đây…
Jeanne cúi đầu.
– Vâng.
– Và nếu em lại trở về lần nữa, em cũng biết là em lại sẽ ra đi…
– Vâng.
Cô ngẩng mặt lên. Mặt cô ràn rụa nước mắt.
– Như thế là sao, Ravic? Là cái gì?
– Anh cũng không biết nữa.
Anh thoáng mỉm cười.
– Có những khi tình yêu chẳng vui vẻ gì, nhỉ?
– Tại sao chúng mình lại như thế Ravic?
Anh nhún vai.
– Anh không biết, Jeanne ạ. Có lẽ tại vì chúng ta không còn có gì để bấu víu vào nữa. Ngày xưa có rất nhiều cái… sự an toàn, niềm tin, lý tưởng… đều là những dãy lan can thuận lợi mà ta có thể vịn vào khi tình yêu lay chuyển chúng ta. Bây giờ, chúng ta không còn gì hết, quá lắm cũng chỉ có một chút tuyệt vọng, một chút can đảm… ngoài ra, tất cả đối với chúng ta đều xa lạ… Và nếu tình yêu đến, nó như một bó đuốc ném vào rơm khô. Ta chỉ còn có tình yêu, và lúc bấy giờ tình yêu khác đi, nó quan trọng hơn, hoang dã hơn, và có sức phá hoại lớn hơn.
Anh rót rượu ra cốc.
– Không nên nghĩ đến đấy quá nhiều. Chúng ta không còn đủ sức nghĩ. Nghĩ nhiều chỉ làm cho ta trở thành vô ích. Mà chúng ta lại không muốn trở thành vô ích.
Jeanne lắc đầu.
– Người đàn bà ấy là ai vậy, Ravic?
– Một bệnh nhân. Có một buổi tối người ấy và anh đã đến đó. Đó là vào hồi em còn hát ở đó. Cách đây một trăm năm rồi? Bây giờ em làm gì?
– Em đóng những vai phụ. Em không có tài, nhưng em kiếm đủ để tự lập. Em muốn mình có thể ra đi bất cứ lúc nào. Em không có tham vọng.
Bây giờ mắt Jeanne ráo hoảnh. Cô uống cạn cốc và đứng dậy. Trông cô rất mệt mỏi.
– Tại sao chúng mình lại như thế, Ravic? Phải có một nguyên do gì. Nếu không, chúng mình sẽ không hỏi như vậy.
Anh trầm ngâm mỉm cười.
– Đó là câu hỏi cổ xưa nhất đấy, Jeanne ạ. Tại sao: cái câu hỏi mà toàn bộ lô-gich học, toàn bộ triết học, tất cả các khoa học đều vấp phải…
– Em đi đây. – Jeanne nói, mắt không nhìn Ravic.
Cô cầm lấy những đồ đạc của cô để trên giường, và đi ra cửa.
Cô ra đi. Cô đã ra đến cửa. Ravic cảm thấy có một cái gì tan vỡ trong anh. Anh chợt thấy không thể được; mọi sự đều không thể được. Một đêm nữa, đêm nay thôi, một lần nữa để cho mái đầu ấy tựa vào vai anh mà ngủ. Ngày mai anh có thể đấu tranh, nhưng chỉ xin một lần nữa hơi thở của nàng trên ngực anh, một lần nữa, giữa cơn bão tố, cái ảo giác dịu ngọt, sự gian dối diệu kỳ; đừng đi, em đừng đi; anh có cái gì khác ngoài em đâu? Sự can đảm sắt thép của anh có ý nghĩa gì? Chúng ta trôi về đâu? Chỉ có em là hiện thực! Giấc mơ xán lạn! Những thung lũng của quên lãng nở đầy hoa nhất quang lan. Một lần nữa, một lần thôi, tia lửa của vĩnh hằng! Ta còn giữ mình cho ai nữa? Cho cái gì chẳng có niềm vui? Cho sự vô định tối tăm nào? Bị chôn vùi, bị thất lạc, bị tiêu ma, cuộc đời ta chỉ còn mười hai ngày nữa, mười hai ngày rồi sau đó không còn gì nữa hết, mười hai ngày và cái đêm duy nhất hôm nay. Hỡi sinh vật sáng chói kia, sao ngươi lại đến giữa một đêm giành giật được của các vì sao, chơi vơi và tràn đầy những giấc mơ cũ càng? Tại sao em đã đạp đổ tất cả các chiến lũy của đêm nay trong đó không có một cái gì sống ngoài hai chúng ta?
– Jeanne! – Anh kêu lên.
Jeanne quay lại. Gương mặt nàng bỗng bừng lên một ánh sáng hổn hển và man dại. Nàng mở rộng hai tay và chạy đến với chàng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.