Khải Hoàn Môn

CHƯƠNG 9



Ravic trở về khách sạn. Khi anh ra đi, Jeanne Madou hãy còn ngủ. Anh đi đã được hơn ba tiếng đồng hồ. Anh đang đi lên cầu thang thì có tiếng ai nói:
– Chào bác sĩ ạ.
Ravic không nhận ra gương mặt xanh xao, mái tóc đen rậm rạp, đôi kính trắng ấy.
– Tôi là Jaime Alvarez – Người kia nói – Bác sĩ không nhận ra tôi sao?
Ravic lắc đầu. Người kia cúi xuống vén ông quần lên. Một vết sẹo lớn chạy dài từ mắt cá lên đến đầu gối.
– Bây giờ thì bác sĩ nhớ rồi chứ?
– Tôi mổ đấy à?
– Vâng. Trên một cái bàn ở nhà bếp, gần sát mặt trận. Đó là một bệnh xá tạm thời ở gần Aranjues. Một ngôi nhà nhỏ sơn trắng, xung quanh trồng hạnh đào…
Ravic chợt nhớ lại mùi hương tanh tanh và ngọt ngọt của hoa hạnh đào. Cứ như thể cái mùi ấy đang phảng phất ngay ở đây, trên dãy cầu thang này, quyện lẫn với cái mùi tanh hơn và ngọt hơn của máu.
– Phải. Tôi nhớ rồi.
Người ta đã xếp những người bị thương nằm cạnh nhau trên cái sân thượng tràn ngập ánh trăng. Đây là chiến công của mấy chiếc máy bay Đức và Ý. Mấy đứa trẻ, mấy người đàn bà, mấy anh nông dân, bị mảnh bom cắt xé. Một thằng bé không có mặt; một bà có mang bụng bị khoét đến ngang vú; một ông già tay trái cầm khư khư mấy ngón tay phải đã bị đứt lìa ra, yên trí rằng người ta sẽ khâu liền lại cho. Và bao trùm lên cảnh ấy là mùi hương đêm và làn sương lạnh đang buông xuống.
– Chân anh bây giờ khỏi hẳn rồi chứ?
– Vâng, cũng tàm tạm. Chỉ có điều không co gập lại được – Anh ta cười – Tuy vậy cũng đủ cho tôi leo qua dãy Pyrénées. Gonzales chết rồi.
Ravic không còn nhớ Gonzales là ai nữa. Nhưng anh lại nhớ đến một cậu sinh viên còn ít tuổi hồi ấy làm phụ mổ cho anh.
– Manolo bây giờ ra sao?
– Bị chúng nó bắt, rồi xử bắn.
– Thế còn Sema? Người chỉ huy lữ đoàn ấy mà?
– Ông ấy chết rồi. Trước thành Madrid. – Anh ta vẫn mỉm cười. Đó là một nụ cười cứng đơ, không cảm xúc – Mura và La Pena cũng bị bắt rồi bắn.
Hai người này Ravic cũng không còn nhớ nữa. Anh đã rời Tây Ban Nha sau sáu tháng khi mặt trận vỡ và bệnh viện của anh bị giải tán.
– Garnero, Orta và Goldstein bị giam ở một trại tập trung. Ở Pháp thì có Blaczky còn sống, hiện trốn ở bên kia biên giới.
Chỉ có Goldstein là Ravic còn nhớ. Còn thì đông quá không sao nhớ hết được.
– Anh ở khách sạn này à?
– Vâng. Chúng tôi đến từ hôm qua. Họ giữ chúng tôi ở trại biên phòng khá lâu. Cuối cùng họ thả cho chúng tôi đi. Chúng tôi còn một ít tiền. – Anh ta lại cười – Ở đây có giường nằm. Giường thứ thiệt ấy. Khách sạn nay khá lắm. Lại có cả ảnh các lãnh tụ của chúng tôi treo trên tường nữa.
– Tôi biết – Ravic nói, không hề có ý mỉa mai – Sau những gì các anh đã phải trải qua, dĩ nhiên là rất khá. – Ravic chào Alvarez và đi về phòng.
Căn phòng sạch và vắng. Jeanne đi rồi. Anh nhìn xung quanh. Jeanne không để lại gì cả. Mọi sự đúng như anh dự kiến. Anh bấm chuông gọi. Một chị hầu phòng đến ngay.
– Bà ấy đi rồi ạ. – Chị ta nói, không chờ anh hỏi.
– Tôi rõ rồi. Làm sao chị biết có người ở đây?
– Kìa thưa ông Ravic… – Rõ ràng là chị ta mếch lòng.
– Cô ấy ăn sáng chưa?
– Chưa ạ. Tôi không trông thấy bà ấy. Chứ không thì tôi đã dọn lên rồi. Như lần trước ấy.
Câu sau cùng này làm cho Ravic khó chịu. Anh rút túi lấy vài quan đưa cho chị ta.
– Được. Lần sau chị cứ thế. Khi nào tôi gọi, chị hẵng đưa lên. Và đừng lên dọn buồng nếu chưa biết chắc là không có ai.
Chị hầu phòng mỉm cười ra vẻ am hiểu.
– Thưa ông vâng ạ.
Anh thấy phiền phiền. Anh biết chị ta nghĩ gì. Chị ta cho rằng Jeanne là gái có chồng cho nên không muốn ai nhìn thấy mình đến đây. Giả sử trước kia thì anh chỉ cười trong bụng thôi. Nhưng bây giờ thì anh thấy bực mình. Chà, thì cũng được chứ sao? Anh nhún vai rồi đi ra cửa sổ. Đã ở khách sạn thì nó thế thôi. Chẳng làm thế nào được.
Anh mở cửa sổ. Trưa rồi. Mây như đè nặng lên các mái nhà. Trên các ống máng, chim sẻ kêu ríu rít. Có những tiếng người ở tầng dưới vọng lên. Vợ chồng Goldberg lại cãi nhau rồi. Ông chồng hơn vợ đến hai mươi tuổi. Trước kia ông bán sỉ ngô hột ở Dreslau. Vợ ông dan díu với một người tị nạn tên là Wiesenhoff. Bà ta tưởng không có ai hay biết gì. Thật ra chỉ còn ông Goldberg là chưa biết mà thôi.
Ravic đóng cửa sổ lại. Sáng nay anh vừa cắt bỏ một túi mật. Một cái túi mật vô danh mà Durant nhờ anh cắt bỏ. Anh đã mổ giùm Durant một cái bụng đàn ông mà anh không hề biết là của ai. Hai trăm quan thù lao. Rồi anh đã ghé thăm Kate Hegstroem. Cô ta đang ở trạng thái sốt. Sốt hơi quá mức bình thường. Anh đã ở lại bên Kate một tiếng đồng hồ. Cô vừa qua một đêm trằn trọc. Chẳng có gì đáng lo ngại, nhưng giá sốt nhẹ hơn một chút thì anh sẽ hài lòng hơn.
Ravic nhìn ra ngoài. Anh thể nghiệm cái cảm giác kỳ lạ mà các sự việc để lại sau khi đã lùi vào quá khứ. Cái giường mà nay đã không còn mang ý nghĩa gì nữa. Cái ngày mới đang xé tan ngày hôm trước ra như một con linh cẩu xé xác một con sơn dương. Tất cả những gì mà đêm khuya đã làm nẩy nở thành rừng hoa, nhưng bây giờ thì xa xăm và hư ảo, một kỷ niệm mơ hồ trong hoang mạc của thời gian.
Anh đến cạnh bàn lấy ra một tờ giấy có ghi địa chỉ của Lucienne Martinet. Cô ta mới vừa ra viện. Cô ta cứ nằng nặc đòi về cho bằng được. Ravic có gặp cô ta cách đây hai ngày. Cô ta không cần đến anh nữa. Nhưng bây giờ anh chẳng có việc gì phải làm, cho nên quyết định đến thăm cô ta.
Căn nhà ở phố Clavel ở tầng trệt có một cửa hàng thịt. Một người đàn bà tay cầm con dao phay đứng bán hàng. Bà ta mặc đồ tang. Chồng bà mới chết cách đây hai tuần. Bây giờ bà là người cai quản cửa hàng, cùng với một người phụ việc. Ravic nhìn thấy bà khi đi ngang qua. Hình như bà đang sửa soạn đi đâu đó. Bà đội một cái mũ có đính mạng crêpe đen. Bà đang nhanh nhẹn chặt mấy cái giò heo cho một người quen. Cái mạng đu đưa trên cái xác heo phanh rộng. Con dao phay loáng lên rồi bổ mạnh xuống.
– Chỉ một nhát là đứt. – Bà ta vừa nói một cách đắc ý vừa ném cái giò heo lên bàn cân.
Lucienne ở một căn buồng nhỏ ở tầng trên cùng. Cô không ở nhà một mình. Một chàng thanh niên trạc hai mươi lăm tuổi đang ngồi ngả ngớn trên một chiếc ghế tựa. Hắn đội một cái mũ cát-két đua xe đạp, ngậm một điếu thuốc lá mà mỗi khi hắn nói vẫn dính vào môi trên. Khi Ravic bước vào, hắn vẫn ngồi yên.
Lucienne đang nằm trên giường. Thấy Ravic cô luống cuống đỏ mặt.
– Bác sĩ!… Em không biết là bác sĩ đến hôm nay. -Cô chỉ gã con trai – Đây là…
– Là một người! – Hắn cắt ngang – Không cần nói tên, vô ích – Hắn lại ngả ra lưng ghế tựa – Thế ra ông là ông thầy thuốc ở đàng ấy đấy!
– Cô thấy trong người ra sao rồi, Lucienne? – Ravic hỏi, không để ý đến hắn – Cô nằm yên thế là tốt đây.
– Lẽ ra cô ấy đã đứng dậy được từ lâu rồi – Gã thanh niên lầu bầu – Bây giờ thì khá lắm rồi. Không làm việc được là chi phí nó tăng lên dữ lắm.
Ravic quay về phía hắn, nói:
– Anh để cho chúng tôi nói chuyện.
– Hả?
– Anh đi ra ngoài đi. Tôi phải khám Lucienne.
Gã con trai cười phá lên.
– Không cần phải giữ gìn gì trước mặt tôi đâu. Tôi không nhạy cảm đến thế! Với lại việc gì phải khám nữa? Chỉ tổ tốn tiền thêm mà chả được cái đếch gì.
– Có phải anh trả tiền đâu? Mà việc này chẳng liên quan gì đến anh cả. Thôi anh đi ra đi.
Gã con trai cười gằn rồi duỗi dài đôi chân ra một cách khoan khoái. Hắn đi giày da bóng mũi nhọn, bên trong đi bít tất tím.
– Bobo, em xin anh, – Lucienne nói – một phút thôi mà.
Bobo không để ý đến cô. Hắn tiếp tục nói với Ravic.
– Vả lại ông đã đến đây tôi cũng mừng. Nhân đây tôi có thể nói ngay cho ông biết. Chắc ông tưởng có thể moi kiệt tiền của chúng tôi bằng những thứ viện phí, tiền mổ, tiền xẻ linh tinh phải không? Thế thì đừng hòng! Tôi có bảo cô ấy đến bệnh viện đâu, tôi cần đếch gì các ông mổ? Thành thử tôi là tôi không chơi! Các ông mổ không có giấy phép, người ta chưa bắt các ông bồi thường là may lắm rồi, còn đòi gì nữa? – Hắn để lộ ra một hàng răng cửa vàng khè – Ông không ngờ hả? Cái thằng Bobo này nào có phải mới đẻ hôm qua! Chẳng dễ gì bịp nó đâu!
Hắn có vẻ hoàn toàn tự mãn. Hắn chắc mẩm là đã giải quyết xong được chuyện này một cách xuất sắc. Lucienne tái mặt đi. Cô lo lắng nhìn hết người này lại nhìn sang người kia.
– Thế nào, hiểu nhau rồi chứ? – Bobo nói, giọng đắc thắng.
– Có phải anh này không? – Ravic hỏi Lucienne. Cô không đáp – Thế thì đúng hắn!
Anh nhìn kỹ Bobo từ đầu đến chân.
Đó là một gã cao và gầy, quàng một cái khăn rằn quanh cái cổ khẳng khiu lộ hầu. Hai vai xuôi, mũi quá dài, cằm lẹm… nói tóm lại, một điển hình hoàn chỉnh của loại ma-cô vùng ngoại ô.
– Sao đây hả? – Bobo hỏi, giọng thách thức.
– Tôi đã hai lần yêu cầu anh đi ra, để cho tôi khám Lucienne.
– Cút! – Bobo đáp gọn lỏn.
Ravic thong thả bước về phía hắn. Anh chán ngấy cái thằng Bobo này rồi. Hắn đứng bật dậy và lùi ra, rồi đột nhiên rút từ trong túi ra một sợi dây thùng dài khoảng hai mét. Ravic biết hắn định làm gì: hắn sẽ nhảy sang bên, nhanh nhẹn vòng ra sau lưng anh rồi dùng sợi dây siết cổ anh lại. Ngón này ăn chắc mười phần nếu đối thủ không biết mà đề phòng, lại định dùng hai quả đấm để tấn công lại.
– Bobo! – Lucienne hét – Bobo, em van anh!…
– Đồ rác rưởi! – Ravic nói – Mày không có được ngón gì hơn sao? – Đoạn anh cười lớn.
Bobo bắt đầu hoang mang. Mắt hắn ngơ ngác. Trong nháy mắt, Ravic đã cầm hai vạt áo gi-lê của hắn chụp lưng áo lên đầu hắn, làm cho hai tay hắn không sao cựa quậy được.
– Mày không biết ngón này hả? – Anh vừa nói vừa nhanh nhẹn mở cửa rồi xô mạnh đối thủ ra khỏi phòng.
– Nếu muốn học thì đi lính đi mà học, đồ du côn phải nhép. Nhưng đừng có trêu vào người lớn mà ốm đồn. – Anh khóa trái cửa – Nào Lucienne, bây giờ tôi sẽ khám lại cho cô. – Thấy cô ta run cầm cập, anh nói – Bình tĩnh, xong rồi mà. – Anh nhấc cái đệm đắp chân bằng bông để sang cái ghế tựa, rồi kéo chăn ra – Sao lại mặc pyjama? Không tiện đâu. Cô phải tránh cử động đến tối đa, trong một thời gian nữa, Lucienne ạ.
Lucienne do dự một lát rồi mới nói:
– Chỉ hôm nay em mới mặc thôi.
– Cô không có áo dài ngủ sao? Tôi có thể nói ở bệnh viện họ gửi cho cô hai cái.
– Không, không phải vì thế. Em lấy pyjama ra mặc vì em biết anh ấy sẽ tới. – Cô nói khẽ lại – Anh ấy bảo là em khỏi hẳn rồi. Anh ấy không chịu đợi nữa…
– Sao? Thật đáng tiếc là tôi không biết trước – Ravic nhìn ra phía cửa – Rồi cô thấy, hắn sẽ đợi cho mà xem.
Lucienne có cái nước da rất trắng của những người thiếu máu. Những đường gân xanh hiện lên rất rõ dưới lớp da mịn và trong. Người cô rất cân đối, khung người thì mảnh dẻ, nhưng không xương xẩu. Ravic băn khoăn tự hỏi tại sao thiên nhiên bỏ nhiều công sức đến như vậy cho những con người đáng thương mà công việc nặng nhọc và cách sinh hoạt bừa bãi chẳng mấy chốc đã làm mất hết vẻ kiều diễm.
– Phải nằm yên thêm một tuần nữa Lucienne ạ. Thỉnh thoảng có thể đứng dậy một chút ở trong phòng. Nhưng đừng làm gì gắng sức. Đừng nhắc cái gì hết. Nhất là mấy ngày đầu đừng ra cầu thang. Cô có ai có thể săn sóc cô một chút không?… Ngoài Bobo ra ấy?
– Bà chủ nhà. Nhưng bà ta bắt đầu ca thán rồi.
– Còn ai khác nữa?
– Chẳng còn ai. Trước kia có Marie. Nhưng nó chết rồi.
Ravic quan sát căn phòng. Nó được bày biện sơ sài, nhưng sạch sẽ. Trên bậu cửa sổ có một chậu hoa linh lan.
– Anh ấy không đến nỗi tệ đâu bác sĩ ạ. Chỉ hơi kỳ cục chút thôi.
– Thế ra khi mọi việc đã xong xuôi, Bobo lại quay về à? – Không thấy trả lời – Sao cô không đuổi cổ hắn đi?
Ravic nhìn Lucienne.
Tình yêu – Anh nghĩ. Đây cũng là tình yêu. Là cái phép mầu muôn thuở vẫn chiếu dọi những màu sắc óng ả lên bầu trời xám xịt và buồn bã của thực tại, vẫn soi một tia sáng của cái đẹp lên đống bùn… Phép mầu muôn thuở, mà cũng là sự trớ trêu muôn thuở. Anh tự dưng thấy mình như có phần nào là một tòng phạm.
– Cô không nên lo lắng buồn phiền gì. Lucienne ạ. Trước hết cô phải nghĩ đến việc làm sao chóng hồi sức.
Yên tâm, Lucienne nhìn Ravic mỉm cười.
– Bác sĩ ạ, những gì anh ấy nói về chuyện tiền bạc là… là không đúng đâu. Em sẽ trả tất. Trả kỳ hết thì thôi. Từng kỳ một. Bao giờ em có thể làm việc trở lại ạ?
– Khoảng hai tuần nữa, nếu cô thật cẩn thận. Và không được gì với Bobo hết! Tuyệt đối đấy, Lucienne nhé! Nếu không, cô có thể chết như chơi đấy. Hiểu chưa?
– Em hiểu ạ. – Cô trả lời, không lấy gì làm quả quyết lắm.
Ravic kéo chăn đắp lên cái thân hình mảnh khảnh. Anh chợt nhận thấy Lucienne khóc.
– Không sớm hơn thế một chút được sao? Em có thể ngồi mà làm cũng được, cần phải…
– Cũng có thể. Ta sẽ xem. Còn tùy ở cách giữ gìn của cô. Cô phải nói cho tôi biết tên bà mụ đã phá thai cho cô, Lucienne ạ. – Lập tức, anh thấy Lucienne chuyển sang giữ thế thủ – Tôi không có ý định đi báo cảnh sát. Nhất định không. Tôi chỉ muốn làm cách nào cho bà ta hoàn lại số tiền cô đã trả. Cô sẽ đỡ vất vả đi. Bao nhiêu cả thảy?
– Ba trăm quan. Bà ấy không trả đâu.
– Ta cứ thử xem sao. Cô nói cho tôi biết tên và địa chỉ của bà ấy đi. Cô sẽ không bao giờ cần nhờ đến bà ấy nữa đâu, Lucienne ạ. Cô sẽ không có con được nữa đâu. Vả lại bà ta không có cách gì hại cô cả.
Lucienne phân vân một lát, rồi cuối cùng nói:
– Trong ngăn kéo kia. Bên phải ấy.
– Tờ giấy này đây à?
– Vâng.
– Mấy hôm nữa tôi sẽ ghé bà ta. Cô đừng sợ gì hết. – Ravic mặc áo khoác vào – Cái gì thế? Sao cô lại định ngồi dậy?
– Bobo! Bác sĩ chưa biết rõ anh ấy đâu.
Ravic mỉm cười:
– Tôi còn biết cả những tay tệ hơn hắn nhiều. Cô cứ nằm yên đừng lo cho tôi. Tạm biệt Lucienne nhé. Tôi sẽ ghé lại.
Ravic vừa vặn chìa khóa vừa xoay quả nắm cửa cùng một lúc, rồi mở cánh cửa ra thật nhanh. Không có ai ngoài hành lang cả. Anh không ngạc nhiên. Anh biết rõ cái kiểu của những tay như Bobo.
Ở nhà dưới, bây giờ là người phụ việc đang đứng ở quầy hàng thịt, một người có gương mặt xanh xao, dĩ nhiên là không có được cái hăm hở của bà chủ. Hắn đang thái thịt một cách uể oải. Từ khi ông chủ qua đời, rõ ràng là hắn phải làm việc mệt nhọc hơn. Hắn rất ít có hy vọng lấy được bà chủ. Đó là điều mà một ông thợ làm bàn chải lớn tiếng tuyên bố trong khi ngồi trong cái quán rượu ở trước mặt. Ông ta còn nói thêm rằng bà chủ sẽ đưa hắn xuống mồ trước khi điều đó xảy ra. Anh phụ việc quả nhiên đã sút cân đi nhiều, trong khi đó thì bà quả phụ mỗi ngày một thêm tươi tốt rỡ ràng.
Ravic uống một cốc rượu râu rồi đứng dậy trả tiền. Anh tưởng sẽ tìm thấy Bobo trong quán rượu này. Nhưng không có.
Jeanne nhanh chóng ra khỏi quán Schéhérazade. Cô mở cửa chiếc xe taxi trong đó Ravic đang ngồi đợi cô.
– Về chỗ anh nhanh lên thôi. – Cô nói.
– Có chuyện gì vừa xảy ra sao?
– Không, nhưng em chán cái không khí hộp đêm ấy lắm rồi.
– Đợi một phút nhé. – Ravic gọi bà già bán hoa ở trước cửa ra vào – Bà cho tôi tất cả chỗ hoa hồng và đừng tính giá cắt cổ đấy…
– Ông thì tôi chỉ lấy sáu mươi quan. Vì ông đã kê đơn thuốc tê thấp cho tôi.
– Có đỡ không?
– Dĩ nhiên là không. Muốn đỡ chỉ có cách đừng đứng ngoài hè ban đêm bất kể thời tiết như tôi đang phải đứng.
– Bà quả là người biết điều nhất trong tất cả các nữ bệnh nhân của tôi. – Ravic đỡ lấy bó hoa hồng rồi đặt xuống sàn xe – Đây là để lễ tạ em về cái tội đã để cho em thức giấc một mình sáng nay. Em có muốn chúng mình đi uống cái gì không?
– Không, về thẳng chỗ anh thôi. Này, anh để hoa lên ghế đi, nó sẽ được dễ chịu hơn ở dưới sàn.
– Để đây được rồi. Phải yêu hoa nhưng đừng quá quan tâm đến nó.
– Chắc anh muốn nói là không nên phóng đại tầm quan trọng của hoa đẹp?
– Ồ không. Anh chỉ muốn nói là không nên quá tôn sùng những cái gì đẹp. Với lại riêng lúc này thì tốt hơn cả là đừng cố cái gì, kể cả hoa, ở giữa hai chúng ta.
Jeanne nhìn anh có phần băn khoăn một chút, nhưng gương mặt cô lại rạng rỡ lên.
– Anh có biết hôm nay em đã làm gì không? Em đã sống! Đúng thế, em đã sống, đã thở, đã tồn tại. Từ lâu lắm rồi, đây là lần đầu em bỗng cảm thấy mình có tay, có mắt, có mồm!
Xe lắc mạnh, xô Jeanne vào người Ravic. Anh giữ Jeanne lại một lát trong vòng tay, cảm thấy người cô áp sát vào người mình. Nó như một làn gió biển ấm áp, làm tan những nỗi gian nan của ngày qua, làm tan cả cái lạnh lùng phòng ngự đã tích tụ lại trong anh, Jeanne nói tiếp, bị lôi cuốn theo đà tình cảm nồng nàn của mình:
– Đúng, cả ngày hôm nay đã ôm chầm lấy em, đã nép vào ngực em, như thể muốn em bắt rễ và nở hoa trong lòng nó. Hạnh phúc đã giữ lấy em và không phút nào buông em ra nữa… Và bây giờ em đã ở đây… với anh…
Người Jeanne chồm ra phía trước, trên chiếc ghế xe bọc da cũ kỹ. Đôi vai trần lộ ra ngoài chiếc áo dài dạ hội như đang sáng lên dìu dịu. Cô nói một cách hồn nhiên, không e lệ. Cô nói lên hết những gì cô đang cảm thấy, và tự so sánh với cô. Ravic thấy mình cằn cỗi và khô héo.
Anh mải làm phẫu thuật, Ravic nghĩ thầm. Anh đã quên khuấy em đi. Anh đến với Lucienne. Hoặc anh lùi về một nơi nào trong quá khứ. Không có em. Rồi đến tối, một cái gì êm dịu đã đến với anh. Nhưng lúc đó cũng không có em. Anh nghĩ đến Kate Hegstroem.
– Jeanne, – Anh cầm hai tay cô trong hai bàn tay mình – bây giờ chúng mình chưa về phòng anh ngay được đâu. Anh phải ghé bệnh viện đã. Một phút thôi.
– Đó là vì người đàn bà anh đã mổ, phải không?
– Không phải người vừa mổ sáng nay. Một người khác. Em có thể ngồi ở đâu đấy chờ anh được không?
– Có nhất thiết là anh phải đến đó ngay bây giờ không?
– Anh đến ngay bây giờ thì hơn. Để sau đó khỏi bị quấy rầy.
– Em có thể đợi anh. Chúng mình có đủ thì giờ ghé qua khách sạn của anh không?
– Có.
– Thế thì ta về đi. Em ở lại phòng anh đợi anh về.
Ravic cho người lái xe biết địa chỉ. Anh ngả người ra phía sau, và cảm thấy lớp da lạnh áp vào gáy anh. Hai tay anh vẫn cầm hai bàn tay Jeanne. Anh có cảm giác lạ cô đang chờ anh nói một cái gì. Một cái gì có liên quan đến hai người. Nhưng anh không nói được. Jeanne đã nói biết bao nhiêu điều, mà sao vẫn còn ít quá. Chiếc xe taxi dừng lại.
– Em có thể đi lên một mình – Jeanne nói – Em không sợ. Anh cứ đưa chìa khóa cho em.
– Chìa khóa treo ở bảng ấy.
– Em sẽ bảo họ đưa cho em. Em phải tập cho quen. – Jeanne nhặt bó hoa lên – Với một người đàn ông bỏ em mà đi trong khi em đang ngủ, và trở về khi em không đợi, em còn phải học nhiều lắm. Bắt đầu học ngay bây giờ là hơn.
– Anh lên với em. Phải chia tay với em ngay cũng đã đủ khổ rồi.
Jeanne cười. Cô bỗng như trẻ hẳn ra.
– Đợi tôi một chút nhé. – Anh nói với người lái xe.
Anh ta nháy mắt nói:
– Hai ba chút cũng được, nếu cần.
– Đưa chìa khóa cho em. – Jeanne nói khi họ lên hết cầu thang.
– Để làm gì?
– Anh cứ đưa đây!
Jeanne mở cửa, bước hai bước vào phòng và đứng lại.
– Tuyệt quá! – Cô nói trong khi ngắm căn phòng tối, có một dải ánh trăng mờ từ cửa sổ lọt vào.
– Tuyệt gì căn buồng khốn khổ này?
– Tuyệt chứ! Cái gì cũng tuyệt.
– Bây giờ thì có thể. Vì tối om thế này. Nhưng… – Anh vói tay về phía nút bấm đèn.
– Không. Anh để đây em. Anh đi đi. Và mai nhớ về trước mười hai giờ trưa.
Jeanne đứng trong khung cửa. Dải ánh trăng bạc soi sáng đôi vai và mái đầu nàng từ phía sau. Nàng hiện ra mờ ảo, huyền bí và đầy sức gợi cảm. Cái áo khoác tụt xuống chân nàng như một đám bọt biển sẫm màu. Nàng tựa vào khung cửa, và ánh sáng từ ngoài hành lang chiếu vào cánh tay nàng.
– Anh đi đi, và nhớ về nhé. – Jeanne vừa nói vừa đóng cửa lại.
Cơn sốt của Kate Hegstroem đã hạ xuống.
– Bà ấy có thức giấc lần nào không? – Ravic hỏi cô y tá còn ngái ngủ.
– Có ạ, lúc mười một giờ. Bà ấy có hỏi bác sĩ. Em đã trả lời như bác sĩ dặn.
– Bà ấy có nhắc đến những chỗ băng bó không?
– Có ạ. Em nói với bà ấy là bác sĩ phải rạch một đường nhỏ. Rồi đến mai bác sĩ sẽ giải thích để bà rõ.
– Chỉ có thế thôi?
– Vâng ạ. Bà ấy nói là bác sĩ đã bằng lòng thì bà ấy cũng bằng lòng. Bà ấy dặn em là nếu có gặp bác sĩ tối nay thì cho bà ấy gửi lời chào, và nói với bác sĩ là bà ấy tin ở bác sĩ.
– Được…
Ravic nhìn đường ngôi rạch ròi giữa mái tóc đen lánh.
– Cô bao nhiêu tuổi? – Anh hỏi.
Cô y tá ngạc nhiên nhìn anh.
– Hai mươi ba ạ.
– Hai mươi ba. Cô làm y tá được bao lâu rồi?
– Hai năm rưỡi kể đến tháng Giêng ạ.
– Em có yêu nghề không?
Cô y tá mỉm cười.
– Em rất yêu nghề nay. Dĩ nhiên có những bệnh nhân khó tính, nhưng phần nhiều đều dễ chịu. Hôm qua bà Brissort vừa cho em một cái áo lụa rất đẹp, gần như mới nguyên. Tuần trước em lại được một đôi giày da bóng của bà Lerner. Bà này mất ở nhà. – Cô lại mỉm cười – Em hầu như chẳng phải mua áo quần cả. Người ta cho đã gần đủ rồi. Cái nào không mặc được em đem đổi cho một cô bạn gái có cửa hiệu. Bà Hegstroem cũng hào phóng lắm. Bà ấy cho em tiền. Lần trước là một trăm quan. Chỉ có mười hai ngày mà bà ấy cho những ngần ấy. Lần này bà ấy sẽ nằm đây bao lâu hả bác sĩ?
– Sẽ lâu hơn: vài ba tuần.
Cô ta có vẻ hài lòng. Trong cái đầu xinh xắn, trán chưa có lấy một nếp nhăn kia, cô đã tính toán xem mình sẽ được bao nhiêu. Ravic cúi xuống Kate Hegstroem. Cô thở đều đều, nhịp thở yên tĩnh. Cái mùi thoang thoảng từ vết mổ tỏa ra hòa lẫn với mùi hương của mái tóc cô. Một nỗi tuyệt vọng bất lực tràn vào anh. Kate tin ở anh. Tin ở anh… với cái bụng mở toang, trong đó con quái vật ghê tởm kia vẫn tiếp tục sống bằng cách đục khoét gặm nhấm thân thể cô. Anh đã khâu vết mổ lại mà không hề làm được cho cô một chút gì. Kate tin…
– Chào cô nhé.
– Chào bác sĩ.
Cô y tá mũm mĩm ngồi vào góc phòng, nắn lại cái chao đèn để cho ánh sáng khỏi chiếu vào giường bệnh nhân, lấy chăn bọc hai cổ chân mình lại, rồi cầm lên một tờ họa báo. Đó là một thứ tạp chí rẻ tiền đăng những chuyện hình sự và những kịch bản phim. Cô ngồi lại cho thật thoải mái và bắt đầu đọc. Trên bàn cô đã mở sẵn một hộp bánh gaufrettes nhân sô-cô-la. Trước khi ra về, Ravic trông thấy cô cầm lên một chiếc ăn. Những chuyện đơn giản nhất nhiều khi lại không thể nào hiểu nổi. Trong căn phòng này có một người đàn bà đang chết dần, và một người đàn bà khác vẫn hoàn toàn dửng dưng. Anh đóng cửa lại. Xét cho cùng chẳng phải chính anh cũng đang ở trong một trạng thái như vậy đó sao? Chẳng phải là anh đang rời căn phòng này để về một căn phòng khác mà…
Căn phòng chìm trong bóng tối. Cửa phòng tắm hé mở. Trong ấy có ánh đèn. Ravic phân vân. Anh không biết Jeanne có còn ở trong buồng tắm không. Chợt anh nghe thấy tiếng cô thở. Anh lặng lẽ đi qua phòng. Anh biết chắc là Jeanne đang thức. Nhưng Jeanne cũng lặng thinh. Căn phòng đột nhiên đầy tràn một sự đợi chờ im lặng và khẩn trương, như một luồng nước xoáy có sức cuốn hút… một vực thẳm chưa từng biết, không sao tưởng tượng được, từ đó bốc lên những làn hơi rực cháy và khi đứng trên bờ người ta bị cảm giác ngợp lôi cuốn xuống cõi hỗn mang bị nung đỏ rực ấy.
Ravic đóng cửa buồng tắm lại sau lưng. Dưới ánh đèn sáng trưng, mọi vật lại trở lại thân quen. Anh vặn vòi nước gương sen. Đó là cái vòi gương sen duy nhất trong khách sạn. Chính anh đã bỏ tiền riêng ra lắp nó vào buồng tắm. Anh biết rằng những khi anh đi vắng, bà chủ vẫn thường hãnh diện dẫn những người quen biết lên xem cái buồng tắm có gương sen của bà.
Nước nóng phun lên da thịt anh. Ở phòng bên, Jeanne Madou đang nằm đợi anh. Da nàng mềm và mịn. Trên chiếc gối, mái tóc nàng như một làn sóng dũng mãnh. Đôi mắt nàng lấp lánh trong cả bóng tối mờ mờ, như thể nó phản chiếu cái ánh sáng xanh dịu của những vì sao mùa đông đang long lanh ngoài cửa sổ. Jeanne gieo niềm khích động vào anh vì trong nàng không bao giờ còn lại một chút gì của người đàn bà mà anh đã biết cách đấy một tiếng đồng hồ… Vì nàng là tất cả những gì mà sự cám dỗ và sức quyến rũ có thể đem lại khi không có tình yêu. Thế nhưng bỗng nhiên, anh thấy gần như có ác cảm đối với Jeanne… một sức kháng cự lạ lùng pha lẫn vào sức cuốn hút dữ dội. Anh bất giác nhìn quanh gian buồng tắm. Giá có một cánh cửa khác, có thể là anh đã mặc quần áo bỏ đi rồi.
Anh lấy khăn bông chậm rãi lau mình. Cái gì đó vừa đột nhiên nảy sinh trong lòng anh nó mới kỳ quặc làm sao! Một cái bóng… chung quy chẳng là cái gì cả. Có lẽ đó là việc anh ghé thăm Kate Hegstroem. Hay là những lời Jeanne nói trước đó trong xe taxi. Quá sớm và quá dễ dàng. Hay cũng có lẽ là vì một người đang đợi anh trong khi lẽ ra phải là anh đang đợi người đó. Anh mím môi lại, và mở rộng cửa phòng.
– Ravic ạ, – Jeanne nói – chai calvados ở trên cái bàn ở cạnh cửa sổ ấy.
Anh đứng im, nhận thức ra được là tất cả con người anh đã được chờ đợi đến mức nào. Ban nãy anh đã sợ phải nghe những lời lẽ mà anh không sao chịu nổi. Nhưng Jeanne đã nói đúng những lời cần nói. Anh thấy mình điềm tĩnh hơn, nhẹ nhõm hơn, và đầy tự tin.
– Em tìm được chai rượu à?
– Dễ thôi. Nó ở đây mà. Em đã tìm được cái mở nút chai và đã mở nó ra. Anh cho em một ít đi.
Ravic rót rượu ra hai cái ly, rồi đưa một ly cho Jeanne. Anh uống ngon lành. Anh cảm thấy mình hạnh phúc.
Jeanne ngửa đầu ra uống một ngụm. Mái tóc nàng xõa xuống hai vai, và nàng có vẻ như không nghĩ đến một cái gì khác hơn là uống rượu. Từ trước Ravic đã nhận thấy cái khả năng này của Jeanne: làm gì cũng dốc hết tâm lực vào đó. Anh có một ý nghĩ mơ hồ là cái thiên bẩm ấy vừa đang say mê mà vừa nguy hiểm. Những người đàn bà như thế, khi họ yêu thì cả linh hồn và thể xác của họ chỉ còn là một khối tình, khi họ tuyệt vọng thì cả linh hồn và thể xác của họ chỉ còn là một khối tuyệt vọng; và khi họ lãng quên, thì cả linh hồn và thể xác của họ chỉ còn là một khối lãng quên.
Jeanne đặt ly rượu xuống, vừa nói vừa cười:
– Ravic ạ, em biết anh đang nghĩ gì rồi.
– Thật ư?
– Thật. Anh vừa cảm thấy mình đã thành gia thất quá nửa rồi. Em cũng thế. Bị để đứng ngoài cửa không phải là điều đáng mong ước nhất. Bị bỏ lại với một bó hoa hồng trên tay. May mà đã có chai calvados ở ngay cạnh.
Ravic rót rượu đầy hai ly.
– Em thật phi thường – Anh nói – Em nói hoàn toàn đúng. Mới vừa đầy thôi, trong buồng tắm, anh thấy em gần như không thể nào chịu được. Thế mà bây giờ anh lại thấy em tuyệt vời. Salute.
– Salute.
– Đây là đêm thứ hai, cái đêm nguy hiểm. Không còn có được cái sức mê hoặc của cái chưa từng biết nữa, mà cũng chưa có được cái thú vị của sự thân quen. Nhưng chúng ta sẽ sống sót!
– Anh có vẻ tự tin lắm nhỉ. – Jeanne vừa nói vừa đặt ly xuống.
– Không đâu. Anh nói đơn giản thế thôi. Con người ta thật chẳng bao giờ biết được cái gì. Dù là cái gì thì bao giờ cũng khác đi. Không bao giờ là đêm thứ hai cả. Bao giờ cũng là đêm thứ nhất. Nếu có thì đêm thứ hai sẽ là đêm cuối cùng.
– Đội ơn Chúa! Nếu không thì tất cả những cái đó sẽ dẫn ta đến đâu? Mọi thứ đều sẽ trở thành số học. Còn bây giờ anh lại đây. Em chưa muốn ngủ. Em muốn uống với anh. Mấy ngôi sao trên kia có vẻ bị lạnh cóng hết rồi. Người ta dễ bị lạnh khi người ta có một mình. Dù trời đang ấm cũng vậy. Nhưng người ta không bao giờ thấy lạnh khi có hai người.
– Em nhầm đấy. Khi có hai người, có khi người ta có thể chết rét đấy.
– Chúng mình thì không đâu.
– Nhất định rồi. – Ravic nói. Và trong bóng tối Jeanne không thể nhìn rõ gương mặt anh biểu hiện cảm xúc gì.
– Chúng mình thì không.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.