Người Làm Chứng

CHƯƠNG 8



Mùa đông năm 1987, tôi chuyển đến một tòa nhà ở Câu lạc bộ Polo. Tôi đến đó nghỉ ngơi khi đang học năm thứ hai ở Duke, cũng là trường cũ của cha tôi.
Tôi không phải là một sinh viên xuất sắc, không phải bởi vì tôi không có khả năng mà do lúc đó tôi muốn chọc tức cha mình. Dĩ nhiên, tôi đã chọn trường Duke chính vì lý do này.
Cả cuộc đời, tôi chỉ coi Edward Estess là một người cha trên danh nghĩa. Thậm chí ngay cả trong những hồi ức thủa đầu đời, ông cũng luôn bị xếp sang một bên, chẳng có mối liên hệ nào giữa hai cha con, chỉ hiện hữu cho có mặt vậy thôi. Có thể ông cũng nói hệt như vậy về tôi, về nỗ lực làm con của ông, nhưng tôi mới chỉ là một đứa trẻ, còn ông thì không.
Trẻ con là những sinh vật nhỏ bé dại dột. Chúng đọc được những ý nghĩ của người lớn, nhìn thấy những hành động của họ và tự điều chỉnh suy nghĩ, hành động của chính mình. Trẻ con gần gũi những điều đó, tin tưởng vào điều đó, bằng trực giác của chúng, và người lớn chẳng thể nào làm vẩn đục sự trong sáng bẩm sinh
Edwward Estes không phải là cha đẻ của tôi. Tôi được ông và bà Helen Ralston Estes nhận về từ trại trẻ mồ côi. Một cuộc trao đổi bí mật và tốn kém, chí ít thì điều mà tôi biết được đó lúc nào cũng dằn vặt tôi.
Họ không thể sinh con. Bực tức vì thiếu khả năng sản sinh ra một người thừa kế cộng với những cơn bất ổn về tinh thần khiến ông chĩa mũi dùi vào tôi và Helen. Với Helen, ông khó chịu vì bà nhất quyết nhận con nuôi. Còn tôi, là một bằng chứng sinh động về sự thiếu hụt thể chất của ông.
Helen, một đứa trẻ được nuông chiều và hời hợt, đã nhận ra rằng cuộc đời bà đã thiếu mất một thứ đồ trang sức thời thượng mà tất cả bạn bè đều có: một đứa con. Và thế là bà tìm đến một người môi giới, thanh toán hết chi phí, đăng kí và kiên nhẫn chờ đợi. Điều này được lặp lại chính xác như thế, với một sự mong muốn y như thế vào những năm 90, khi bà phải có cho bằng được một chiếc túi xách Birkin màu xanh đồng đôla của nhà Hermes.
Không như chiếc túi xách Birkin kinh điển, sự sành điệu của tôi đến rồi đi theo những mùa thời trang trong cuộc đời của Helen. Cái khoảnh khắc tôi phát hiện ra sự nổi loạn là năm lên hai tuổi, khi tôi được chuyển giao cho vú nuôi và người ta hầu như không hề nhìn thấy tôi cho đến khi tôi bước vào lứa tuổi dễ thương nhất: 5 tuổi. Khi đó, tôi lại trở thành con búp bê Helen thích nhất, được ăn diện và theo ra ngoài để thực hiện chức năng mẹ con và tham gia các hoạt động giao tế lý tưởng như các bài học cưỡi ngựa chẳng hạn.
Tôi có khả năng cưỡi ngựa thiên bẩm. Không chỉ dễ thương với cái nơ cài tóc và mũ bọc nhung, tôi còn có thể dán mình trên lưng ngựa như một con trùng dính và mang về vô số giải thưởng.
Tất cả đều hâm mộ những người chiến thắng.
Thậm chí ngay cả cha tôi, người luôn vô cùng ghét bỏ tôi, cũng hoan hỉ với những thứ tôi mang về, báo hiệu một tài năng bắt đầu hé lộ và một ngôi sao tương lai. Tài cưỡi ngựa là một tấm thẻ để tôi thương lượng không phải đi du học Thụy Sĩ năm 14 tuổi và thỏa thuê tụ tập hút xách, uống rượu cùng cậu con trai 20 tuổi của người làm vườn. Lúc ấy, ảnh của tôi xuất hiện trên nhiều tạp chí ăn khách của vùng Palm Beach và điều đó cho phép tôi nghỉ cả nửa học kỳ ở Duke để biểu diễn ở Wellington vào mùa đông năm 198
Đó là quãng thời gian tôi có mối tình đầu tiên trong đời. Tôi chưa trải qua cảm giác đó bao giờ. Trong suốt 19 năm đầu tiên trong cuộc đời, tôi quan sát, và chỉ thấy những chuyện tình tồi tệ, đổ vỡ. Chẳng có người nào mang vẻ hạnh phúc hoặc không bị tổn thương. Cuối cùng tôi nảy ra ý tưởng chỉ chờn vờn và vui vẻ, cũng như nhanh chóng giải tán khi mối quan hệ có vẻ chuẩn bị lên đường nam tiến.
Tôi cảm thấy thực sự thoải mái khi tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc này. Ngưng rồi cuối cùng Bennett Walker xuất hiện. Cái ngày mà tôi phải lòng anh ta, tôi biết rằng đó sẽ là thời khắc làm thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi. Nhưng tôi không biết điều đó sẽ thành hiện thực và bi kịch đến mức nào.
Gia sản của nhà Wallker được gây dựng từ Thế chiến thứ nhất nhờ ngành công nghiệp đóng tàu. Trong thời kỳ suy thoái, họ bán hết các công ty tàu biển và chuyển sang kinh doanh thép. Sau Thế chiến thứ hai, số tài sản của họ tăng lên gấp đôi, gấp ba, rồi gấp bốn và bắt đầu tiến vào những cuộc tranh dành toàn cầu. Vào thập niên 50, họ thiết lập chi nhánh trong lĩnh vực thương mại và thị trường bất động sản.
Còn cha tôi, là một trong những luật sư đắt giá nhất nước và được những kẻ giàu có, bỉ ổi trọng vọng. Trong suốt nhiều năm, cha tôi nổi tiếng vì đã cứu giúp những kẻ giàu có tội lỗi thoát khỏi giá treo cổ. Ông nổi tiếng vì điều đó hơn vì sở hữu một số tài sản khổng lồ. Những gia đình truyền thống ở Palm Beach có thái độ khinh bỉ sự giàu có của ông – dĩ nhiên chỉ giám nói sau lưng. Khi chính mình bị mắc vào vòng lao lý, họ lại coi ông là người bạn thân thiết và gần gũi nhất.
Lẽ tất nhiên ông cũng biết thế, và ông thấy vừa thú vị vừa oán giận điều đó. Nỗi oán giận ấy lúc nào cũng thường trực nơi ông. Không có ai mang gánh nặng trên vai khổ hơn Edward Estes.
Thử tưởng tượng xem ông đã hân hoan đến cỡ nào, khi thấy đứa con gái nổi loạn trong vòng tay người con trai còn độc thân, đủ tư cách nhất của gia đình dòng dõi giàu có nhất Palm Beach. Con gái ông, nổi tiếng vì cặp kè với những cậu trai chẳng hề tương xứng, các tay chơi polo và các tay chơi nhạc rock tôi vốn rất thích. Bên cạnh khả năng cưỡi ngựa thì việc qua hệ với Bennett Walker là điều đầu tiên khiến cha tôi hài lòng về tôi, nhưng cũng vì lý do đó mà mối quan hệ giữa hai cha con đã thất bại hoàn toàn.
Tôi rời Star Polo trong tình trạng mê và chỉ biết lái xe, không nghĩ, không định làm gì. Tôi trở thành một cỗ xe tự động. Đó là một sự giảm tải đến tê liệt và trống rỗng. Một đống hỗn độn chìm vào góc tối trong óc khi tôi lái xe. Tôi không nghe thấy gì. Mọi vật xung quanh dường như xa xăm và vô định.
Trí óc tỉnh táo của tôi đã trở nên quá tải. Trong lúc này giải phóng nó là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng tiềm thức dường như đã được lập trình sẵn, sau khi lái xe qua những thương xá bẩn thỉu, tôi thấy mình đang hướng về phía cầu Lake Worth bắc ra đảo Palm Beach.
Palm Beach là một thế giới riêng, một bãi cát trải dài 16 dặm với những cây cọ và các ngôi nhà lớn. Ở phía nam của hòn đảo khá hẹp và chỉ có một con đường duy nhất dẫn ra bờ bắc. Ở những phần rộng hơn, đường lộ tỏa ra thêm nhiều nhánh quanh co, là cát phân nửa đắt, cắt cổ so với Lake Worth và cái đại dương kia. Phong cảnh nơi đây căng tràn nhựa và đứng từ dưới phố có thể thấy lờ mờ những ngôi nhà lớn, trông nhỏ hơn nhiều so với chiều cao thực sự của chúng.
Ngôi nhà của cha mẹ tôi là một biệt thự kiểu Italia sơn màu hồng có cổng sắt cao. Một lối mòn trải đá cuội bao quanh đài phun nước có hình nàng tiên cá ngự trên ba chú cá ngựa đang đổ nước xuống từ một cái bình. Hồi còn nhỏ, đã hơn một lần tôi bị lôi lên khỏi đài phun, trần truồng như em bé mới đẻ, nhưng tràn đầy niềm vui được giải thoát.
Tôi đậu xe trái phép trên phố và cứ ngồi nguyên ở đó. Nếu tôi ngồi thêm 15 phút nữa, thể nào xe tuần tra của cảnh sát cũng xuất hiện và những nhân viên mặc sắc phục sẽ quát mắng tôi om sòm vì hiển nhiên tôi không thuộc về nơi này. Tôi nhếch mép cười.
Đã gần 20 năm trôi qua tôi không đặt chân vào ngôi nhà đó. Thậm chí tôi còn không muốn lái xe qua đó nữa. Tôi cảm thấy vô cùng xa lạ khi ngồi đây để ngắm cánh cổng. Nơi này chẳng có gì thay đổi. Suốt những năm 10 tuổi, 15 tuổi, rồi 21 tuổi, tôi mong đợi giờ phút sẽ được biến khỏi cánh cửa màu đen sừng sững kia.
Rồi một ngày, khi tôi 21 tuổi, tôi ra khỏi cửa và không bao giờ quay trở lại.
Dạo này bố hoặc mẹ tôi lái chiếc mui trần Bentley màu đen, vì tôi nhìn thấy nó đậu ở cổng vào. Có thể đó là xe của cha tôi. Mẹ tôi ghét cay ghét đắng ánh nắng mặt trời và luôn bịt kín từng xăng ti mét da thịt bằng the và vải lụa, lắm khi trông như xác ướp được thiết kế bởi thương hiệu Valentino. Cha tôi thì luôn thích thể thao và tắm nắng, thích chơi golf và tennis, thậm chí còn tự lái thuyền trong cuộc đua trên hồ Lake Worth.
Tôi tự hỏi ông sẽ làm gì nếu bây giờ ra khỏi nhà, lái chiếc Bentley qua cổng và nhìn thấy tôi ngồi đó. Ông có nhận ra tôi không? Lần cuối cùng ông nhìn thấy tôi là khi tôi để tóc bờm ngựa dài thượt màu đen hoang dại. Vẻ bề ngoài của tôi đã từng hoang dã như thế, nó song hành cùng những giọt lệ luôn thường trực trong mắt tôi.
Năm vừa rồi, trong một cơn giận dữ, tôi đã xén mái tóc ngắn như con trai và cứ giữ nguyên như vậy. Cách thể hiện của tôi đến giờ vẫn chẳng thay đổi gì, một vẻ ngoài trung tính mà ông bác sĩ thẩm mĩ đã mang lại cho tôi sau gần hai năm phẫu thuật chỉnh hình để hồi phục. Nhưng bây giờ thì tôi không thể khóc được nữa.
Ông ta là một kẻ tự mãn chỉ biết quan tâm đến bản thân mình. Thậm chí tôi còn nghi ngờ rằng ông sẽ nhìn tôi chẳng khác gì một kẻ lang thang. Ông sẽ rút điện thoại ra và bấm phím tắt cho cảnh sát khi xuôi xuống phố.
Mẹ tôi cũng đến bệnh viện thăm tôi sau cái ngày tôi bị kéo lê trên đường. Không phải vì tôi gọi cho bà. Cũng không phải vì bà là mẹ của tôi và vẫn muốn giữ liên lạc với tôi. Bà đến đơn giản bởi vì người quản gia của bà nhìn thấy tôi trên tờ Palm Beach Post trong mục tai nạn và hỏi bà xem tôi có phải là một người thân trong gia đình hay không.
Helen đến thăm tôi nhưng không biết phải làm thế nào hay nói gì. Tôi cho rằng bà đang cố gắng thực hiện chức năng của người mẹ, thậm chí cho dù bà chỉ có kiến thức trải nghiệm về mặt lý thuyết. Tôi chẳng có dáng vẻ gì của đứa con gái mà bà vẫn lưu trong tâm trí, kể cả về hình dáng lẫn tinh thần. Tôi đã ra khỏi cuộc đời bà quá lâu rồi.
Bà cảm thấy khó khăn đến nỗi sau 15 phút tôi giả vờ ngủ, bà cũng đi luôn ra ngoài.
Tôi tự hỏi mình vậy thì tôi còn đến đây để làm gì. Những hồi ức cũ chưa đủ làm thành vết sẹo hay sao? Tôi phải đến đây để tự làm khổ mình hay sao?
Hiển nhiên là tôi nghĩ như vậy.
Thật nực cười đến kỳ lạ là cái chết của Irina lại quyện vào quá khứ của tôi và trong khi muốn giúp đỡ cô ấy tôi lại phải đối mặt với quá khứ, đmuốn tránh né trong suốt quãng đời còn lại.
Tôi khởi động xe và lái đi. Tôi về nhà.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.