Tôt-Tô-Chan Cô Bé Bên Cửa Sổ
Bếp dã chiến
Một hôm, sau khi tan học, Tôt-tô-chan ra khỏi cổng trường rồi không nói với ai, thậm chí không chào tạm biệt ai, em đi vội tới nhà ga Gi-y-u-gao-ka, vừa đi vừa lẩm bẩm:
– Hẻm núi sấm, bếp dã chiến… Hẻm núi sấm, bếp dã chiến…
Đó là một nhóm từ khó đối với một em gái nhỏ, nhưng cũng không khó bằng tên của người đàn ông trong vở ra-ku-gô hài hước, tên dài đến nỗi ông ta chết đuối ở giếng trước khi những người đến cứu biết được ông ta là ai. Tôt-tô-chan phải tập trung rất căng vào để nhớ nhóm từ đó. Và nếu ai đứng gần bỗng nhiên nói cái tên dài nổi tiếng bắt đầu bằng “Giu-ge-mu Giu-ge-mu”, chắc hẳn lập tức em sẽ quên nhóm từ đó ngay. Thậm chí nếu em nói: “Nào ta bắt đầu!” khi em nhảy qua một vũng nước, chỉ thế cũng đủ để em lẫn lộn lung tung, do đó em đành phải nhẩm đi nhẩm lại.
Cũng may, không ai nói chuyện với em trên tàu và em cũng gắng không phát hiện điều gì thú vị, do đó em đến ga của mình mà không phải hỏi: “Cái gì nhỉ?”.
Nhưng khi em ra khỏi ga, một người quen biết làm việc tại đấy bỗng hỏi: “Thế nào, đã về rồi đấy à!”, em dịnh trả lời nhưng sợ bị nhầm lẫn, em vội dừng ngay lại và chỉ giơ tay vẫy vẫy ông ta rồi chạy luôn về nhà.
Khi em về đến cửa trước, em nói với mẹ thật to:
– Hẻm núi sấm, bếp đã chiến.
Đầu tiên, mẹ ngỡ là tiếng hô của võ sĩ giu-đô hoặc tiếng hô tập trung của bốn mươi bảy Rô-nin. Nhưng rồi, mọi việc đã dần dần được sáng tỏ. Gần nhà ga Tô-đô-rô-ki, cách Gi-y-u-gao-ka ba bến, có một thắng cảnh nổi tiếng tên là Tô-đô-rô-ki Kây-kô-ku. Hẻm núi Thần Sấm. Đấy là một trong những nơi nổi tiếng nhất của Tô-ky-ô cổ. Thắng cảnh có một thác nước, một con suối và một cánh rừng đẹp – Còn về “bếp dã chiến” – thì chắc là học sinh sẽ nấu ăn ở đó. Mẹ cứ ngạc nhiên, vì sao dạy trẻ em câu gì mà khó thế! Nhưng thực ra trẻ em học dễ vô cùng, một khi các em thích thú.
Rất mừng là cuối cùng đã được thoát khỏi cái nhóm từ khó nhớ đó, Tôt-tô-chan dần dần kể cho mẹ tất cả các chi tiết có liên quan đến chúng. Theo kếhoạch, các em sẽ phải tập trung tại trường vào sáng thứ sáu tới. Các em phải mang theo một bát to, một bát ăn cơm, đũa và một chén gạo. Thầy hiệu trưởng nói là khi nấu xong sẽ được hai bát cơm đầy, em nhớ bổ sung chi tiết ấy. Các em cũng sẽ nấu xúp thịt lợn, vì thế cũng cần có thịt lợn, rau. Và nếu muốn, các em có thể mang thêm một chút gì để ăn quà chiều. Mấy ngày sau, Tôt-tô-chan cứ bám sát mẹ ở trong bếp chăm chú quan sát cách mẹ dùng dao, bắc nồi, xới cơm như thế nào. Quan sát mẹ làm việc trong bếp rất thú vị, nhưng điều Tôt-tô chan thích nhất là cách mẹ thường nói:
– Úi chà, nóng quá!
Rồi vội vàng để ngón tay cái và tay trỏ vào thùy tai mỗi khi bà cầm cái gì nóng, như cái vung chẳng hạn.
Mẹ giải thích:
– Là vì thùy tai rất lạnh.
Động tác đó gây cho Tôt-tô-chan ấn tượng là người lớn thạo nấu nướng. Em tự nhủ: “Khi nào làm bếp dã chiến ở Hẻm núi Thần Sấm, mình cũng sẽ làm như vậy!”
Cuối cùng, ngày thứ sáu đã đến. Khi các em tới Hẻm núi Thần Sấm sau lúc xuống tàu, thầy hiệu trưởng theo dõi các em tập trung trong rừng. Các khuôn mặt xinh tươi thân thương của các em ánh lên trong ánh nắng rọi qua những thân cây cao. Lưng đeo ba lô căng phồng, các em chờ nghe thầy hiệu trưởng nói trong khi ở phía bên kia, thác nước đổ xuống ầm ầm, tạo thành một nhịp điệu rất hay.
Thầy hiệu trưởng bảo:
– Bây giờ, trước hết, các em hãy chia thành nhóm, dựng bếp bằng những hòn gạch các thầy giáo đã mang theo. Sau đó, một vài em có thể vo gạo ở suối để nấu cơm. Cuối cùng, chúng ta sẽ làm món súp thịt. Nào, bây giờ chúng ta bắt đầu nhé!
Thế là, các em “oẳn, tù, tì” để chia nhóm. Vì chỉ có chừng năm mươi em, các em chia thành 6 nhóm rất nhanh. Các em đào hố, xung quanh xếp gạch. Sau đó, các em bắc ngang các que sắt để đặt các nồi xúp, nồi cơm lên. Trong khi một số nhóm làm việc này, thì một số khác đi nhặt củi trong rừng, và một số khác nữa đi vo gạo ở suối. Các em tự phân công nhau. Tôt-tô-chan xung phong thái rau và phụ trách món xúp thịt. Một học sinh nam học hơn Tôt-tô-chan hai lớp cũng được phân công thái rau, nhưng cậu ta thái chẳng ra to cũng chẳng ra bé và làm hỏng cả. Cậu ta làm trông thật vất vả, mũi bóng lên vì mồ hôi, Tôt-tô-chan bắt chước mẹ, cắt rất khéo cà, khoai tây, hành, cải cúc vv… mà các em đã mua, thành những miếng vừa miệng. Em cũng tự nguyện đảm nhận làm cả món nộm. Em thái cà và dưa chuột thật mỏng rồi bóp muối; thấy các em khác lớn tuổi hơn nhưng lóng ngóng, em cũng góp ý cách làm. Em thật sự cảm thấy mình cứ như đã thành một người mẹ vậy! Ai ăn món nộm cũng khen ngon. Em chỉ khiêm tốn nói:
– Dạ, tôi cũng chỉ cố gắng xem có làm được không đấy thôi!
Đến khi xem món xúp thịt lợn đã vừa chưa, ai cũng được hỏi ý kiến. Các nhóm cùng reo:
– Úi chà!
– Được!
Và ai nấy đều cười rộ lên. Chim rừng cũng hót ríu rít hòa vào niềm vui chung. Trong lúc đó, từ các bếp mùi thơm đã bay tỏa khắp. Từ trước đến nay, đã có em nào phải nấu nướng hoặc đun lửa củi gì đâu. Các em cứ việc ngồi vào bàn và ăn, thế thôi. Niềm vui sướng được chính mình đun nấu, với tất cả sự lo lắng – và thấy sự thay đổi khác nhau khi gia giảm mắm, muối – là một điều hoàn toàn mới đối với các em.
Dần dần, công việc của các nhóm nấu bếp đã xong. Thầy hiệu trưởng bảo các em dọn dẹp một khoảng đất trên bãi cỏ, để cả lớp có thể ngồi thành vòng tròn.
Trước mỗi nhóm đều có một nồi xúp và một nồi cơm. Nhưng Tôt-tô-chan không đồng ý mang nồi xúp của nhóm em đi, trước khi em phải làm một động tác mà em đã định từ trước. Vừa nhấc cái vung nóng ra, em vừa kêu một cách khá lúng túng:
– Úi chà, nóng quá? – và để các ngón tay của cả hai bàn tay lên thùy tai. Lúc ấy, em mới nói – Bây giờ các bạn có thể mang nồi xúp đi được rồi!
Thế là nồi xúp được trịnh trọng mang ra chỗ các em đang ngồi, ngơ ngác không hiểu việc gì đã xảy ra.
Hình như không ai để ý. Tuy nhiên, Tôt-tô-chan cảm thấy rất bằng lòng.
Ai cũng chỉ chăm chăm nhìn vào bát cơm để trước mặt và những thứ trong bát xúp nóng. Các học sinh đều đói. Nhưng trước hết đấy là bữa cơm các em tự nấu lấy!
Sau khi các em đã hát: “Ăn phải nhai, nhai, nhai cho kỹ” và đã nói: “Em sung sướng được tham gia”, rừng lại trở nên yên tĩnh. Chỉ còn nghe tiếng thác nước dổ ào ào.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.