Tôt-Tô-Chan Cô Bé Bên Cửa Sổ

Bộ môn thể dục nghệ thuật



Sau kỳ nghỉ hè, học kỳ hai bắt đầu vì ở Nhật năm học bắt đầu vào tháng tư. Ngoài các bạn cùng lớp, Tôt-tô-chan còn làm quen với các bạn trai gái lớn hơn nhờ các cuộc sinh hoạt trong dịp nghỉ hè. Và em càng yêu trường Tô-mô-e Ga-ku-en hơn.

Ngoài việc các lớp học ở đây không giống lớp học ở các trường bình thường khác, trường Tô-mô-e còn giành nhiều thời gian hơn cho việc học âm nhạc. Có tất cả các loại bài học âm nhạc, kể cả một tiết “thể dục nghệ thuật” hàng ngày. Môn thể dục nghệ thuật” là sáng kiến của một giáo sư và nhà soạn nhạc Thụy sỹ tên là Ê-mi-lơ Giăc-cơ Đan-crô-dơ. Người ta biết đến những nghiên cứu của ông vào khoảng năm 1904. Phương pháp của ông được nhanh chóng chấp nhận ở châu Âu, châu Mỹ. Những cơ quan nghiên cứu, đào tạo mọc lên khắp nơi. Dưới đây là câu chuyên về môn thể dục nghệ thuật của Đan-crô-dơ đã đươc đưa vào chương trình học ở trường Tô-mô-e như thế nào.

Trước khi mở trường Tô-mô-e Ga-ku-en, thầy hiệu trưởng Sô-ba-ku Kô-ba-y-a-si, đã sang châu Âu để tìm hiểu trẻ em nước ngoài được giáo dục như thế nào. Ông đi thăm nhiều trường tiểu học và tiếp xúc với nhiều nhà giáo dục. Ở Pari, ông gặp ông Đan-crô-dơ, một nhà soạn nhạc giỏi, đồng thời là một nhà giáo dục. Đan-crô-dơ đã để tâm suy nghĩ nhiều năm về việc dạy trẻ em nghe và cảm thụ âm nhạc bằng tâm hồn chứ không phải chỉ bằng tai; để các em cảm thấy rằng âm nhạc là một cái gì đó sống động chứ không phải buồn bã vô hồn, để khơi dậy tính nhạy cảm của trẻ.

Về sau, trong khi quan sát các em nhảy và đi lại tung tăng, ông nảy ra sáng kiến tạo ra những bài tập nhịp điệu, mà ông gọi là “thể dục nghệ thuật”. Ông Kô-ba-y-a-si theo học trường Đan-crô-dơ ở Pari hơn một năm và nghiên cứu thật kỹ lưỡng phương pháp này. Nhiều người Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng của Đan-crô-dơ. Nhà soạn nhạc Kô-sac Y-a-ma-đa, người khởi xướng khoa múa hiện đại ở Nhật Bản, Ba-kư I-si-i, nghệ sĩ Ka-bu-ki I-chi-ka-oa Sa-đan-gi II, người tiên phong của nền kịch nói hiện đại Kao-ru Ô-san-nai; diễn viên múa Mi-chi-ô I-tô. Tất cả những người này đều cảm thấy những bài dạy của Đan-crô-dơ là nền tảng của nhiều bộ môn trong nghệ thuật. Nhưng Sô-sa-ku Kô-ba-y-a-si là người đầu tiên áp dụng nó vào nền giáo dục tiểu học ở Nhật Bản.

Nếu bạn hỏi ông “Thể dục nghệ thuật” là gì, ông sẽ trả lời:

– Đấy là một môn thể thao làm cho bộ máy cơ thể hoàn thiện hơn; một môn thể thao dạy cho trí óc điều khiển và chế ngự thân thể; một môn thể thao khiến đầu óc và thân thể hiểu được nhịp điệu. Rèn luyện thể dục nghệ thuật làm cho nhân cách phát triển hài hòa; có một nhân cách phát triển hài hòa thì đẹp, khỏe, thích hợp và tuân thủ các quy luật của thiên nhiên.

Các buổi học của Tôt-tô-chan đều bắt đầu bằng việc rèn luyện cho thân thể hiểu được nhịp điệu. Thầy hiệu trưởng thường đánh pi-a-nô trên sân khấu nhỏ trong phòng họp và các học sinh, dù đứng ở đâu đều bắt đầu đi theo nhịp nhạc. Các em có thể đi theo kiểu nào cũng được miễn là không đươc xô đẩy, do đó các em có xu hướng đi theo đường vòng tròn. Nếu các em thấy nhạc là điệu nhịp hai, các em thường vung tay lên xuống, như một nhạc trưởng, trong khi đi. Còn về chân, các em không giẫm mạnh, nhưng không có nghĩa là đi bắng đầu ngón chân như trong ba-lê. Nguời ta dạy các em đi thật thoải mái, y như thể kéo lê ngón chân vậy. Điêu quan trọng là phải tự nhiên, nên các em có thể đi theo kiểu nào các em cho là hợp nhất. Nếu chuyển sang nhịp ba, các em vung tay theo cho đúng và điều chỉnh bước đi theo nhịpn hoặc đi nhanh hơn hay chậm hơn theo yêu cầu. Các em phải học cách giơ tay lên và hạ tay xuống cho hợp với nhip sau. Nhịp bốn thì khá đơn giản:

– Xuống, xung quanh, ra hai bên và lên. Nhưng khi là nhịp năm thì:

– Xuống, xung quanh, ra phía trước, ra hai bên và lên.

– Xuống, xung quanh, ra phía trước, lại xung quanh, sang hai bên và lên. Do đón khi đổi nhịp là khá khó.
Điều còn khó hơn nữa là khi thầy hiệu trưởng nói to:

– Dù tôi có đổi nhịp trên đàn pi-a-nô, các em hãy đợi khi nào tôi bảo đổi hãy đổi. Giả thử các em đang đi theo nhịp hai và nhạc chuyển sang nhịp ba, các em phải tiếp tục đi theo nhịp hai trong khi nghe nhịp ba.

Như vậy là rất khó, nhưng thầy hiệu trưởng nói là để rèn luyện khả năng tập trung của các em.

Cuối cùng ông nói to:

– Bây giờ các em có thể chuyển được!

Thật là nhẹ nhõm cả người, các em chuyển ngay sang nhịp ba. Nhưng làm được vậy các em phải phản ứng hết sức nhanh. Trong thời gian cần thiết để ý thức kịp bỏ nhịp hai và điều khiển các cơ bắp cho phù hợp với nhịp ba thì nhạc có thể bất thình lình chuyển sang nhịp năm. Lúc đầu, chân tay các em khua lung tung và thường thấy có tiếng đề nghị: ” Thầy ơi! Đợi chúng em với!” nhưng dần dà, do tập luyện, các động tác đó trở nên vui, thậm chí các em còn cải biên và rất thích thú.

Thường thường, mỗi em chuyển động chân tay một cách riêng rẽ, nhưng thỉnh thoảng có từng cặp cùng phối hợp động tác, cầm tay nhau khi là nhịp hai, hoặc khi các em thường tập bước đi nhưng nhắm mắt. Điều cấm kỵ duy nhất là không được nói chuyện.

Thỉnh thoảng khi có cuộc họp của Hội cha mẹ học sinh và giáo viên, các bà mẹ thuờng ghé nhìn qua cửa sổ. Theo dõi từng em một, lúc giơ chân tay một cách nhẹ nhàng thoải mái, lúc nhảy qua lại một cách hớn hở, khớp với nhịp điệu của bài nhạc, ai cũng thấy vui vui.

Do đó, mục đích của môn thể dục nghệ thuật trước hết là để rèn luyện trí óc và cơ thể có ý thức về nhịp điệu, nhờ đó đạt đến sự hài hòa giữa trí óc và cơ thể, và cuối cùng khơi dậy trí tưởng tượng, đẩy mạnh tính sáng tạo.

Hôm Tôt-tô-chan đến trường lần đầu tiên, Tôt-tô-chan nhìn thấy tên trường trên cổng và hỏi mẹ:

– Mẹ ơi, Tô-mô-e nghĩa là gì hả mẹ?

“Tô-mô-e” là một ký hiệu có hình dấu phẩy và thầy hiệu trưởng đã chọn cho trường mình cái biểu tượng truyền thống gồm hai “Tô-mô-e”- một đen một trắng kết vào nhau thành một vòng tròn hoàn hảo. Điều này tượng trưng cho mục đích của ông đối với trẻ em: cơ thể và trí tuệ cùng phát triển tuyệt đối hài hòa.

Thầy hiệu trưởng đã đưa môn thể dục nghệ thuật vào chương trình ở trường vì ông cảm thấy nhất định môn này sẽ mang lai kết quả tốt và giúp cho nhân cách của các em phát triển một cách tự nhiên, không chịu ảnh hưởng quá nhiều của người lớn.

Thầy hiệu trưởng phàn nàn về nền giáo dục đương thời quá nhấn mạnh vào chữ viết, như vậy sẽ làm teo sự cảm nhận thiên nhiên qua giác quan và sáng tạo bản năng của trẻ đối vói tiếng nói hãy còn non nớt của Chúa, đó là cảm hứng.

Chính nhà thơ Ba-sô đã viết:

Hãy nghe! Một con ếch nhảy vào sự yên tĩnh của một mặt hồ cổ

Ấy vậy mà đẫ có biết bao nhiêu người, hẳn đã phải thấy hiện tượng một con ếch nhảy vào mặt hồ. Trải qua bao nhiêu thời đại, trên khắp thế giới, Oát và Niu-tơn không thể là những người duy nhất để ý đến hơi nước thoát ra từ một ấm nước đang sôi và nhận xét một quả táo rơi.

Có mắt, nhưng không nhìn thấy vẻ đẹp; có tai, nhưng không nghe được âm nhạc; có óc, nhưng không nhận ra chân ký; có trái tim, nhưng không bao giờ rung đông, và do đó không bao giờ rực cháy. Thầy hiệu trưởng nói đó là những điều đáng sợ.

Còn Tôt-tô-chan, trong khi chạy nhảy chân không, như I-sa-đo-ra Đun-can, em vô cùng sung sướng và hầu như không ngờ rằng đấy lại là một phần của sinh hoạt nhà trường!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.