Dạy Con Làm Giàu – Tập 3

CHƯƠNG 4 Bài học đầu tư số2 : Bạn nhìn thấy thế giới nào?



Một trong những sự khác nhau nổi bật giữa người bố giàu và người bố nghèo của tôi là cách nhìn về thế giới của mỗi người. Người bố nghèo luôn coi thế giới là một sự khan hiếm về tiền bạc, được phản ánh trong những câu nói như thế này của ông: “Con nghĩ tiền mọc trên cây à?”, hoặc “Con nghĩ là bố được làm bằng tiền hay sao?”, hoặc “Ta không mua nổi thứ ấy đâu.”

Khi ở bên cạnh người bố giàu, tôi lại nhận thấy cách nhìn của ông về thế giới hoàn toàn khác hẳn. Ông có thể nhìn thấy một thế giới thật nhiều tiền, và do đó ông hay phát biểu những câu nói đại loại thế này: “Đừng lo lắng về tiền bạc. Nếu chúng ta biết làm những điều đúng, lúc nào chúng ta cũng kiếm được nhiều tiền cả,” hoặc “Đừng vì không có tiền mà con lại cho rằng con không mua nổi thứ con muốn.”

Vào năm 1973, trong một lần dạy tôi về tiền bạc, ông nói: “Chỉ có hai vấn đề về tiền bạc mà thôi. Một là không có đủ tiền. Hai là có quá nhiều tiền. Thế con muốn gặp vấn dề nào về tiền bạc đây?”

Trong những lớp đầu tư do tôi dạy, tôi thường dành nhiều thời gian cho đề tài này. Phần lớn nhiều người xuất thân từ những gia đình giàu có, không gặp khó khăn thiếu thốn về tiền bạc. Vì tiền chỉ là một ý tưởng, một khái niệm, cho nên nếu bạn cứ quan niệm là không lúc nào mình có đủ tiền, thì thực tế cuộc đời của bạn sẽ xảy ra y như vậy. Một trong những thuận lợi mà tôi có được chính là có cơ hội trải qua và sống thực tế với hai gia đình có hai vấn đề khác hẳn nhau về tiền bạc. Và tôi dám cam đoan với bạn là cả hai hiện trạng tiền bạc đó đều không tốt cả.

Người bố giàu từng bình luận về một hiện tượng thường gặp trong xã hội: “Nhiều người bỗng trở nên giàu sụ – chẳng hạn như thừa kế một gia tài kếch sù, hoặc trúng số độc đắc, đều thường nghèo trở lại. Đó là do về mặt tâm lý, những người ấy trước đây chỉ biết có một thế giới không có đủ tiền. Và khi xài hết gia tài từ trên trời rơi xuống đó, họ lại quay trở về với thế giới trước đây của họ: một thế giới không có đủ tiền.”

Một trong những vật lộn lớn nhất trong đời tôi chính là làm sao xoay chuyển quan niệm một thế giới không có đủ tiền của mình. Kể từ năm 1973 trở về sau, người bố giàu đã dạy cho tôi cách suy nghĩ về tiền bạc, phương cách làm việc và đạt được mục tiêu làm giàu. Người bố giàu thực sự tin rằng những người nghèo vẫn hoàn nghèo đơn giản là vì họ chỉ biết có một thế giới tồn tại trước mắt họ. Ông nói:

“Những gì con thấy về tiền bạc trong tâm tưởng của con cũng chính là những gì con thấy về tiền bạc thực sự ngoài đời. Con sẽ không thể nào thay đổi cuộc đời thực của con nếu như con không thay đổi trước hết thế giới nội tâm của con về tiền bạc.”

Người bố giàu đã tóm lược những nguyên nhân về quan điểm khan hiếm mà ông đã nhìn thấy từ những thái độ sống khác nhau của mọi người:

1. Bạn càng cần sự ổn định an toàn bao nhiêu, thì càng có sự khan hiếm trong cuộc đời của bạn bấy nhiêu.

2. Bạn càng cạnh tranh chừng nào, thì đời sống của bạn càng khan hiếm. Đó chính là lý do tại sao mọi người cạnh tranh nhau trong công việc, trong khen thưởng đề bạt, và trong điểm thi đua học tập ở trường.

3. Để đạt được sự phong phú trong cuộc sống, một người cần có nhiều kỹ năng hơn, sáng tạo hơn và biết hợp tác. Những người có đầu óc sáng tạo, có kỹ năng kinh doanh, tài chính, và biết hợp tác thường đạt dược một cuộc sống dư dả tiền bạc.

Tôi có thể nhìn thấy ngay sự khác nhau đó trong cách sống của hai người bố. Người bố ruột của tôi luôn khuyến khích tôi chơi an toàn và tìm kiếm sự ổn định an toàn. Trong khi đó, người bố giàu lại khuyến khích tôi phát triển các kỹ năng và sự sáng tạo.

Trong những lần trò chuyện về đề tài khan hiếm đó, người bố giàu thường lấy ra một đồng xu và nói với tôi: “Khi một người nói ‘Tôi không có khả năng mua nổi nó,’ người ấy chỉ thấy có một mặt của đồng tiền. Khi con biết đặt câu hỏi: ‘Làm thế nào tôi có thể mua nổi nó?’, đó chính là lúc con bắt đầu nhìn ra mặt bên kia của đồng tiền, vấn đề ở chỗ, ngay cả khi mọi người thấy được mặt bên kia của đồng tiền đi nữa, họ chỉ nhìn thấy bằng mắt thường của mình. Chính vì vậy, người nghèo chỉ thấy những gì người giàu làm trên bề mặt mà không thấy được những suy tính trong đầu của họ. Nếu con muốn thực sự thây được mặt bên kia của đồng tiền, con cần phải thấy được những gì đang diễn ra trong đầu của một người giàu con ạ.”

Nhiều năm sau, khi chứng kiến nhiều người trúng số độc đắc trở nên nghèo túng, tôi đã nhờ người bố giàu giải thích về hiện tượng này. Ông trả lời: “Một người bỗng dưng dược quá nhiều tiền và sau đó bị phá sản vì những người ấy chỉ thấy có một mặt của đồng tiền. Nói cách khác, họ xử lý số tiền ấy theo cách họ thường làm trước đây, và chính cách xài tiền ấy đã khiến cho họ nghèo túng hoặc phải sống chật vật trở lại như trước khi họ có tiền. Họ chỉ nhìn thấy một thế giới không có đủ tiền. Đối với những người đó, điều an toàn nhất mà họ nên làm là gởi số tiền đó vào ngân hàng và sống bằng khoản tiền lãi tiết kiệm. Nhưng cũng có những người nhìn thấy được mặt bên kia của đồng tiền, và nhanh chóng nhân đôi số tiền ấy mà không gặp rủi ro nào hết.”

Vào cuối thập niên tám mươi, sau khi người bố giàu quyết định rửa tay gác kiếm và giao phó lại vương quốc tài chính của mình cho Mike, ông đã gọi hẹn gặp tôi. Trước khi trò chuyện, ông cho tôi xem số dư một tài khoản ngân hàng của ông với 39 triệu đô tiền mặt trong đó. Khi tôi vẫn còn há hốc mồm vì kinh ngạc, ông nói: “Đó chỉ mới là một tài khoản của ta thôi con ạ. Sở dĩ ta tự cho mình về hưu là vì luân chuyển số tiền ấy để đầu tư vào những khoản sinh lời khác vốn là một công việc toàn thời con ạ. Và ta nhắc lại công việc toàn thời ấy cứ mỗi năm lại có nhiều thách thức hơn, khó khăn hơn.”

Khi sắp chia tay, ông nói: “Ta đã bỏ nhiều năm trời ròng rã để huấn luyện Mike cách xây dựng cỗ máy sản xuất ra tiền. Giờ đây, sau khi ta về hưu, nó sẽ vận hành cỗ máy mà ta đã dày công xây dựng. Lý do khiến ta rút khỏi sân chơi là vì ta rất yên tâm với Mike. Nó không chỉ biết cách vận hành cỗ máy đó, mà còn biết cách sửa chữa khi có trục trặc xảy ra. Phần lớn bọn con nhà giàu thường tiêu tán hết số tiền do bố mẹ chúng để lại cho dù bọn chúng lớn lên trong một thế giới đầy ắp tiền bạc. Đó là vì chúng nó không bao giờ chịu học hỏi cách xây dựng một cỗ máy làm ra tiền, hay cách sửa chữa cỗ máy ấy khi bị hỏng hóc. Bọn ấy lớn lên trong thế giới bên kia của đồng tiền, nhưng không bao giờ học được làm thế nào để đi đến thế giới đó. Còn con, con có cơ hội dưới sự dìu dắt của ta có thể làm nên bước đột phá sang thế giới bên kia của đồng tiền.”

Yếu tố then chốt trong việc kiểm soát bản thân tôi chính là việc kiểm soát thế giới nội tâm của mình về tiền bạc. Lúc nào tôi cũng phải tự nhắc nhở mình là ngoài kia có một thế giới rất nhiều tiền, bởi vì trong tận sâu thẳm trái tim và trí óc của mình tôi luôn có cảm giác mình chỉ là một người nghèo.

Bất cứ khi nào tôi có cảm giác hoảng sợ hay kinh khiếp dày vò bao tử của mình, mà cảm giác đó thường phát xuất từ nợi s không có đủ tiền, người bố giàu đã tập cho tôi một trong những bài tập vận dộng tinh thần khá đơn giản: Hãy đọc lên câu này và suy nghĩ, “Có hai vấn đề về tiền bạc. Một là không có đủ tiền, và hai là có quá nhiều tiền. Thế tôi sẽ chọn vấn đề nào đây?” Cứ hỏi câu hỏi ấy trong đầu mình cho dù lúc ấy cả con người tôi đang trong trạng thái khủng hoảng, sợ hãi về tiền bạc.

Tôi không phải là loại người sống mơ tưởng hay loại người chỉ tin vào sức mạnh của sự quả quyết. Tôi dã thường xuyên đặt câu hỏi đó cho mình để có thể chống lại quan điểm về tiền bạc mà tôi được thừa hưởng từ gia đình của mình. Một khi cảm xúc lắng dịu và thần kinh trở về trạng thái bình thường, tôi liền vắt óc tìm kiếm những giải pháp khắc phục những khó khăn về tiền bạc mà tôi đang gặp phải. Giải pháp chính là những câu trả lời hay hướng đi mới mẻ, hoặc tìm kiếm những người tư vấn khác, hoặc tham dự một lớp học về vấn đề mà tôi còn yếu. Mục đích chủ yếu khi tôi đặt câu hỏi là để khống chế trạng thái sợ hãi của bản thân tôi, để giúp tôi có thể lắng dịu lại, bình tâm lại và tiếp tục tiến lên phía trước.

Tôi nhận ra phần lớn mọi người thường để sự khủng hoảng, sự sợ hãi đó đánh bại bản thân mình và khống chế suốt cuộc đời mình. Và cứ thế, những người ấy mãi mãi bị kẹt trong trạng thái hoảng sợ, không dám chấp nhận rủi ro về tiền bạc. Như tôi đã đề cập trước đây trong quyển II, mọi người thường để cho cảm xúc chiếm lĩnh và cai trị cuộc đời họ. Những cảm xúc dó là nỗi sợ hãi, sự nghi ngờ mà từ đó dẫn đến sự hạ thấp bản thân và thiếu tự tin.

Vào đầu thập niên chín mươi, nhà tỷ phú trong lĩnh vực bất động sản, Donald Trump, bị nợ gần 1 tỷ đô và tập đoàn của ông bị nợ gần 9 tỷ. Một nhà báo hỏi ông có lo lắng không. Ông đã trả lời: “Lo lắng chi tổ làm mất thời gian. Thay vì lo lắng, tôi tập trung suy nghĩ cách giải quyết những khó khăn chồng chất đó.” Tôi nhận thấy một trong những nguyên nhân chính khiến cho mọi người không giàu được là bởi vì họ lo lắng quá nhiều cho những chuyện không đâu.

Bài học đầu tư số 2 của người bố giàu chính là phải tập nhìn cho được cả hai thế giới tiền bạc đó: một thế giới không có đủ tiền và một thế giới có quá nhiều tiền. Sau đó, mới cần có một kế hoạch tài chính. Người bố giàu rất tin tưởng vào một kế hoạch tài chính cần phải có lúc bạn không có đủ tiền, cũng như một kế hoạch tài chính khác cần phải có lúc bạn trở nên có quá nhiều tiền. Ông nói: “Nếu con không chuẩn bị trước một kế hoạch khi con có quá nhiều tiền, sớm hay muộn con sẽ mất hết toàn bộ số tiền con kiếm được và quay lại với một kế hoạch duy nhất mà con chỉ biết trước đây, cũng như 90% dân số thế giới chỉ biết có mỗi một thế giới không có đủ tiền.”

SỰ ỔN ĐỊNH AN TOÀN VÀ SỰ KHAN HIỂM

Người bố giàu nói: “Một người càng đi tìm sự ổn định an toàn chừng nào, cuộc đời của người ấy sẽ càng gặp nhiều sự khan hiếm chừng ấy. Sự ổn định an toàn và sự khan hiếm luôn là bạn đồng hành của nhau. Một trong những lý do khiến cho quy luật 90/10 luôn đúng là vì hầu hết mọi người chỉ biết đi tìm sự ổn định suốt cuộc đời họ, mà lẽ ra họ nên đi tìm những kỹ năng về tài chính. Một khi con càng có nhiều kỹ năng về tài chính chừng nào, thì đời con sẽ càng phong phú và đầy dẫy tiền bạc chừng nấy.”

Chính những kỹ năng tài chính đó đã giúp cho người bố giàu đủ sức dể sở hữu được nhiều địa ốc có giá trị nhất ở Hawaii mặc dù khi ấy ông không có nhiều tiền. Chính những kỹ năng tài chính đó đã giúp cho nhiều người có đủ sức mạnh chộp lấy một cơ hội nào đó và biến nó thành một chú vịt đẻ trứng vàng đến hàng triệu đô la. Hầu hết mọi người đều thấy được cơ hội, nhưng bởi vì họ không thể biến cơ hội ấy thành tiền nên họ càng tìm kiếm sự ổn định an toàn nhiều hơn. Người bố giàu còn nói: “Một người càng đi tìm sự ổn định an toàn, thì người ấy càng ít thấy các cơ hội xung quanh. Những người ấy chỉ thấy có một mặt của đồng tiền, và sẽ không bao giờ thấy được mặt kia của nó. Cũng như cầu thủ bóng chày vĩ đại Yogi Bera đã từng nói: ‘Chỉ cần đánh trúng 7 lần trong 10 lần là anh sẽ có tên trong danh sách những cầu thủ vĩ đại.'” Nói cách khác, nếu bạn đập bóng 1000 lần trong suốt cuộc đời cầu thủ chuyên nghiệp của mình, và nếu như bạn chỉ cần đập trúng 700 lần, bạn sẽ được liệt vào hàng ngũ những cầu thủ xuất sắc. Thế mà phần lớn mọi người lại quá chú tâm đến sự an toàn ổn định đến mức chỉ cần “đánh trúng” một lần trong đời thôi, họ cũng tìm cách né tránh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.