Dạy Con Làm Giàu – Tập 3

CHƯƠNG 41 Tại sao người giàu phá sản?



Tôi thường nghe mọi người nói, “Khi tôi kiếm được nhiều tiền, tôi sẽ không còn gặp khó khăn về tiền bạc nữa.” Trong thực tế, những vấn đề mới về tiền bạc của họ chỉ mới bắt đầu. Một trong những lý do giải thích vì sao có nhiều người mới phất lên lại bỗng nhiên trắng tay là bởi vì họ sử dụng tiền theo những thói quen cũ khi gặp phải những khó khăn mới về tiền bạc.

Vào năm 1977, tôi khởi nghiệp kinh doanh lần đầu tiên trong sản xuất mặt hàng các loại túi nylon có khóa Velcro. Như tôi đã đề cập trong những chương trước, tài sản được tạo ra đã vượt khổ hơn những người tạo ra nó. Một vài năm sau, tôi lại tạo ra một tài sản khác mà cũng phát triển nhanh chóng và vượt quá khả năng kiểm soát của người tạo ra. Tôi lại đánh mất tài sản đó của mình một lần nữa. Phải đến doanh nghiệp thứ ba mới làm cho tôi mở mắt và thấm thía những lời khuyên, hướng dẫn của người bố giàu.

Người bố nghèo của tôi hoảng sợ trước những biến động thăng trầm dữ dội của tôi về mặt tiền bạc. Người là một người bố rất thương yêu con cái, cho nên ông cảm thấy rất đau lòng khi vừa mới chúc mừng đứa con yêu của minh đang đứng trên đỉnh cao danh vọng, thì chẳng bao lâu sau lại phải an ủi nó khi dứa con đó rớt xuống sự nghèo nàn túng thiếu. Thế nhưng người bố giàu lại nhìn những điều đó bằng con mắt lạc quan và hy vọng. Người nói, “Sau hai lần tạo ra tài sản và thất bại thảm hại như thế, con hãy nên nhớ là hầu hết các triệu phú đều mất trung bình 3 công ty trước khi họ thắng đậm. Còn con chỉ mất có hai công ty. Một người trung bình thì lại không bao giờ mất một công ty nào cả, và đó là lý do tại sao 10% dân số kiểm soát đến 90% tiền bạc.”

Sau những câu chuyện của tôi về những trận thắng thua hàng triệu đô trên thương trường và sân chơi đầu tư, mọi người thường hỏi tôi một câu mà tôi cho là rất quan trọng: “Tại sao người giàu lại phá sản?”. Dưới đây là một vài lý giải có thể, nhưng chúng hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm cá nhân của bản thân tôi.

NGUYÊN NHÂN #1: Những người lớn lên trong một thế giới trung lưu đều không hề có ý niệm làm thế nào để xử lý tiền bạc khi có nhiều tiền. Như tôi đã từng đề cập trước đây, có quá nhiều tiền cũng là một vấn đề khó khăn không kém khi không có tiền. Nếu một người không được đào tạo hay hướng dẫn cách xử lý với những số tiền lớn hoặc không có các nhà tư vấn tài chính phù hợp, chắc chắn người đó hoặc sẽ đem hết số tiền mình có gởi vào ngân hàng, hoặc sẽ tiêu xài để cuối cùng mất hết. Người bố giàu từng nói, “Tiền bạc không làm cho con giàu. Trong thực tế, tiền có sức mạnh làm cho con trở nên giàu hoặc nghèo.” Mỗi ngày có hàng tỷ người trên thế giới đang minh chứng điều đó. Hầu hết mọi người có tiền nhưng họ chỉ biết tiêu xài để trở nên nghèo hơn hay lún sâu hơn vào nợ. Điều đó giải thích hiện tượng có nhiều vụ phá sản lại xảy ra trong một nền kinh tế hùng mạnh nhất của mọi thời đại. Vấn đề một lần nữa đều xuất phát từ bản thân mọi người sử dụng đồng tiền có trong tay nhưng lại đi mua những khoản nợ mà cứ cho là tài sản. Trong một vài năm tới, tôi chắc chắn nhiều thanh niên triệu phú ngày nay sẽ phải vật lộn với tiền bạc vì họ không được trang bị những kỹ năng quản lý tiền bạc.

NGUYÊN NHÂN #2: Khi mọi người có nhiều tiền, điều đó chẳng khác nào như một liều thuốc kích thích làm hưng phấn tinh thần của họ. Người bố giàu nói, “Khi có nhiều tiền, mọi người có cảm giác mình thông minh hơn, nhưng trên thực tế họ chỉ trở nên ngu đần hơn. Những người đó cho rằng mình đang sở hữu cả thế giới, cho nên họ cứ đi chơi và tiêu xài phung phí, xa xỉ như những ông hoàng, bà chúa.”

Chuyên viên về thuế vụ và kế toán của tôi, Diane Kennedy, từng nói với tôi thế này, “Tôi đã từng tư vấn cho nhiều người giàu. Sau khi kiếm được hàng tấn tiền và ngay trước khi phá sản, những người ấy thường làm ba thứ như sau. Một, họ mua du thuyền hay phi cơ trực thăng. Hai, họ đi chơi liên tục. Và ba, họ ly dị với người vợ cũ của mình và cưới một thiếu nữ trẻ trung xinh đẹp hơn. Khi tôi thấy những điều đó xảy ra, tôi biết chắc thế nào cũng sẽ có sụp đổ và khủng hoảng đi liền sau đó.” Một lần nữa, cũng như nguyên nhân trước, những người đó mua nợ và ly dị với tài sản của mình, tạo ra một nợ khác, rồi còn cưới một nợ khác đem về nhà. Kết cuộc là họ càng có nhiều thêm nợ cho chính mình mà không hay.

NGUYÊN NHÂN #3: Khi bạn có tiền, sẽ có một số bè bạn và người thân của bạn trở nên gần gũi và thân thiện với bạn hơn. Thật khó cho bạn nếu nói ‘không’ với những người thân yêu đó khi họ đến hỏi mượn tiền của bạn. Điều đó chưa xảy ra cho tôi, thế nhưng tôi đã chứng kiến nhiều gia đình và tình bạn bị đổ vỡ khi một người đột nhiên trở nên giàu có. Người bố giàu từng nói, “Một kỹ năng rất quan trọng trên con đường làm giàu là phải biết nói ‘không’ với chính mình và những người bạn thương yêu.” Những người sau khi có tiền và bắt đầu tiêu xài cho những thứ như du thuyền hay biệt thự đều không thể nói ‘không’ với chính họ, chưa kể đến những người thân của họ. Những người đó sẽ càng mắc nợ nhiều hơn chỉ bởi vì họ đột nhiên có quá nhiều tiền.

Khi bạn có tiền, không chỉ những người khác muốn mượn tiền của bạn mà các ngân hàng cũng muốn cho bạn vay tiền. Đó là lý do tại sao mà nhiều người hay nói,

“Ngân hàng cho bạn vay chỉ những lúc bạn không cần đến.” Nếu mọi thứ trở nên tồi tệ, không chi bạn sẽ gặp rắc rối khi đòi lại nợ mà bạn cho người thân và bè bạn vay tiền, mà các ngân hàng cũng sẽ gặp khó khăn khi đòi nợ từ bạn.

NGUYÊN NHÂN #4: Người có nhiều tiền đột nhiên trở thành một người ‘đầu tư’ có tiền nhưng lại không có kiến thức và kinh nghiệm. Một lần nữa, điều này lại chứng minh câu nói của người bố giàu là khi họ bỗng dưng có nhiều tiền, họ cứ nghĩ là chỉ số thông minh của mình cũng tăng lên theo, mà thực tế là giảm xuống. Khi họ có tiền, đột nhiên họ sẽ nhận liên tục các cú phone từ những tay môi giới cổ phiếu, bất động sản và đầu tư.

Tôi có một người bạn được thừa kế gia tài từ gia đình, tài sản trị giá 350.000 đô. Trong vòng chưa tới 6 tháng, toàn bộ số tiền thừa hưởng đó đều mất hết trên thị trường chứng khoán, nhưng không mất vào tay thị trường mà vào tay một gã môi giới đã làm ‘mê mẩn’ người bạn tôi khiến anh ta cứ tin rằng mình là người thông minh thực sự. Tay môi giới ấy đã khuyên bạn tôi nên mua bán cổ phiếu thường xuyên, mà nhờ đó hắn dược hưởng phần trăm hoa hồng trên mỗi giao dịch. Hành vi đó của tay môi giới, về nguyên tắc bị cấm triệt để, và nếu như hãng môi giới ấy biết được anh ta có hành vi như thế sẽ phạt anh ta rất nặng theo các quy định pháp luật. Vậy mà chuyện đó cứ xảy ra.

Như đã đề cập trong phần đầu của quyền sách này, chỉ vì bạn đáp ứng các tiêu chuẩn cần có của một nhà đầu tư đủ điều kiện, tức là một người có nhiều tiền, điều đó không có nghĩa là bạn biết hết mọi thứ về đầu tư.

Trong khi thị trường chứng khoán đang lên cơn sốt như hiện nay, thì nhiều công ty đang đầu tư một cách ngu ngốc chẳng khác nào như các cá nhân. Khi có quá nhiều tiền trên thị trường, nhiều công ty quay sang thu mua những công ty khác mà họ hy vọng sẽ trở thành tài sản sau này.

Hiện tượng đó còn được gọi là ‘thu mua và sát nhập doanh nghiệp’. Vấn đề là những công ty được thu mua này có thể trở thành nợ. Thông thường, một công ty lớn mua lại một công ty nhỏ thường gặp vấn dề về tài chính.

NGUYÊN NHÂN #5: Làm tăng nỗi sợ bị mất tiền. Trong nhiều trường hợp, một người có quan điểm về tiền bạc của người nghèo luôn sống một cuộc đời ám ảnh với nỗi sợ bị nghèo. Cho nên, khi người ấy dột nhiên có nhiều tiền, nỗi sợ bị nghèo đó không hề giảm đi mà trái lại còn tăng lên. Một người bạn của tôi là một chuyên gia tâm lý trị liệu cho nhiều tay mua bán đầu tư chuyên nghiệp đã nói thế này, “Sợ của nào trời trao của đó.” Tôi cũng có nỗi sợ giống như nhiều người khác, do đó trong ê kíp của tôi cũng có một chuyên viên tâm lý trị liệu. Như dã từng đề cập trước đây, còn có nhiều cách mất tiền khác mà không nhất thiết phải diễn ra trên các thị trường đầu tư.

NGUYÊN NHÂN #6: Một người không biết sự khác nhau giữa chi phí tốt và chi phí xấu. Tôi thường bị chuyên viên kế toán và thuế vụ của mình gọi điện, “Anh phải mua một miếng bất động sản khác.” Nói cách khác, tôi hiện đang gặp phải vấn đề có quá nhiều tiền, và tôi cần phải đầu tư nhiều tiền hơn vào một thứ tài sản nào đó, như địa ốc chẳng hạn, bởi vì kế hoạch hưu trí của tôi không thể tiếp nhận nhiều tiền hơn được nữa. Một trong nhiều lý do giải thích tại sao người giàu lại mỗi lúc một giàu hơn là vì họ mua nhiều khoản đầu tư hơn bằng cách tận dụng các ưu đãi về thuế, về bản chất số tiền lẽ ra phải đóng thuế lại được sử dụng để mua thêm các tài sản khác, từ đó làm giảm thu nhập chịu thuế và do dó càng làm giảm khoản thuế thu nhập cần phải đóng một cách hợp pháp.

Khối tứ diện được minh họa trong các chương trước, đốì với tôi là một trong những sơ đồ quan trọng nhất trong việc tạo ra của cải cũng như giữ gìn và làm tăng số của cải tạo ra đó. Khi tôi trình bày sơ đồ ấy với mọi người, mọi người thường hỏi tôi tại sao chi phí lại đóng vai trò như một yếu tố của cấu hình ấy. Lý do là vì chính việc chỉ tiêu của bản thân chúng ta sẽ quyết định sự giàu nghèo của chúng ta, cho dù chúng ta có làm ra bao nhiêu tiền đi chăng nữa. Người bố giàu thường nói, “Nếu con muốn biết một người nào đó sẽ giàu hơn hay nghèo hơn sau này, chỉ cần nhìn vào cột chi phí của họ trong bảng tóm tắt tài chính.” Đối với người bố giàu, chi phí rất quan trọng. Người nói, “Có những chi tiêu làm cho con giàu và những chi tiêu làm cho con nghèo. Một chủ doanh nghiệp hay một nhà đầu tư khôn ngoan biết rõ loại chi phí nào họ muốn và có cách kiểm soát các chi tiêu đó.”

Người nói tiếp, “Lý do chính khiến ta tạo ra tài sản là vì ta có thể tăng các chi phí tốt của mình. Một người trung bình chỉ có những khoản chi tiêu xấu.” Những tài sản do Người tạo ra lại được dùng dể mua những tài sản khác. Cũng như Người đã từng tâm sự với tôi trên bờ biển, “Ta không thể mua nổi miếng đất đó con ạ, nhưng chính việc kinh doanh của ta đã mua được nó.”

Nếu bạn có thể hiểu được những quy định thuế dành riêng cho nhóm C, bạn sẽ nhận thây ngay sở dĩ người giàu lại càng giàu hơn là vì các quy định thuế đó cho phép nhóm C dùng những khoản thu nhập trước thuế để xây dựng, tạo ra hoặc mua lại các tài sản khác. Trong khi đó, nhóm L phải sử dụng khoản thu nhập sau thuế để xây dựng, tạo ra hoặc mua lại các tài sản khác cho mình.

LÀM GÌ KHI CÓ QUÁ NHIỀU TIỀN

Người bố giàu nói, “Nếu con muốn giàu, con cần phải có một kế hoạch làm giàu và một kế hoạch nên làm gì với số tiền mà con sẽ kiếm được. Nếu con không có kế hoạch đó, con sẽ mất nó nhanh hơn khi con kiếm được nó.” Một trong những lý do mà Người thường bắt tôi học hỏi về đầu tư địa ốc là nhằm giúp tôi hiểu được cách đầu tư vào địa ốc trước khi tôi kiếm tiền từ đó. Giờ đây, hễ mỗi khi chuyên viên kế toán của tôi gọi đến và nói, “Anh có quá nhiều tiền rồi. Anh cần mua thêm các khoản đầu tư khác,” là tôi biết ngay mình nên di chuyển số tiền của mình đi đâu, sử dụng hình thức pháp lý nào và nên mua gì với số tiền đó. Tôi thường gọi cho người môi giới địa ốc và mua thêm bất động sản. Nếu tôi mua các tài sản chứng khoán, tôi thường gọi cho chuyên viên tài chính của mình và mua một loại sản phẩm bảo hiểm mà từ đó mua các loại cổ phiếu, trái phiếu hoặc quỹ hỗ tương. Nói cách khác, ngành bảo hiểm tạo ra những loại sản phẩm bảo hiểm đặc biệt cho người giàu vốn là chủ doanh nghiệp. Khi một doanh nghiệp mua bảo hiểm, chi phí đó trở thành chi phí của công ty và trở thành tài sản của chủ doanh nghiệp với nhiều ưu đãi về thuế. Khi chuyên viên kế toán gọi đến, tôi chi tiêu số tiền đó theo một kế hoạch đã được vạch sẵn. Và chính cách chi tiêu có kế hoạch như thế lại càng làm cho một người trở nên giàu hơn và ổn định hơn.

Trong nhiều năm qua, tôi chứng kiến nhiều người khi lập nghiệp rất thành công và có lời, nhưng sau đó đều trở nên trắng tay. Tại sao thế? Bởi vì họ không kiểm soát dược chi phí của mình. Thay vì chi tiêu để thu thập thêm nhiều tài sản như địa ốc hay chứng khoán, họ lại chi tiêu cho những khoản xa xỉ như giao dịch kinh doanh, hay mua biệt thự, du thuyền, xe thể thao và giao du với nhiều bạn bè mới. Thay vì cần phải vững vàng hơn về mặt tài chính, họ trở nên yếu kém hơn trên mỗi đồng tiền họ kiếm được và chi tiêu.

MẶT BÊN KIA CỦA ĐỒNG TIỀN

Người bố giàu thường nói, “Chính qua cột chi phí mà người giàu thấy được mặt bên kia của đồng tiền. Hầu hết mọi người chỉ xem chi phí là xấu, là những căn cơ làm cho minh nghèo đi. Thế nhưng một khi con nhận ra chi phí có thể làm cho con giàu hơn, khi đó con đã bắt đầu nhìn thấy được thế giới bên kia của đồng tiền.” Người còn nói, “Nếu con muốn giàu, con cần phải biết được sự hy vọng, nỗi sợ và ảo ảnh của cả hai thế giới của đồng tiền.”

Trong một lần nọ, người bố giàu đã nói một câu làm cho suy nghĩ của tôi đảo lộn và chuyển hẳn từ kiểu suy nghĩ của người nghèo sang của người giàu. Người bảo tôi, “Khi có một kế hoạch làm giàu, hiểu được các đạo luật về thuế và doanh nghiệp, ta có thể tận dụng cột chi phí của ta để làm giàu. Một người trung bình chỉ sử dụng cột chi phí để nghèo đi. Nếu con muốn trở nên giàu có và giàu mãi, con cần phải kiểm soát cho được những chi phí của con.” Nếu bạn hiểu thấu được câu nói đó, bạn sẽ hiểu ngay tại sao người bố giàu chỉ muốn có thu nhập thấp và chi tiêu cao. Đó chính là cách làm giàu của Người. Người nói, “Hầu hết mọi người chỉ muốn có thu nhập cao và chi tiêu thấp, cho nên phần lớn họ đều mất tiền và trắng tay. Đó chỉ là kiểu suy nghĩ của người nghèo. Nếu con không đổi được quan niệm này trong đầu con, con sẽ luôn luôn sống trong nỗi sợ bị mất tiền, chỉ biết cố gắng tằn tiện mà không tập trung tự đào luyện mình để khôn ngoan hơn về tiền bạc và trở nên giàu có hơn. Khi con thấm được kiểu suy nghĩ dó của người giàu, là lúc con đã thấy được thế giới bên kia của đồng tiền mà nhiều người giàu đã thấy.”

ĐIỀU RẤT QUAN TRỌNG

Đoạn trên là một trong những đoạn quan trọng nhất của quyển sách này. Thực sự mà nói, toàn bộ quyển sách này của tôi đều xoay quanh đoạn văn đó. Nếu bạn vẫn không hiểu, tôi đề nghị bạn nên ngồi xuống với một người bạn cũng đã đọc qua quyển sách này, và bắt đầu trao đổi, thảo luận để đào sâu hơn ý nghĩa của đoạn văn đó. Dĩ nhiên, tôi không bắt buộc bạn nhất thiết phải đồng ý với thông điệp trong đoạn văn mà điều quan trọng hơn là tôi chỉ mong muốn bạn có thể bắt đầu hiểu được nó. Từ đó, bạn có thể bắt đầu hiểu được tại sao tôi lại nói còn có một thế giới khác có rất nhiều tiền, và làm thế nào dể bạn có thể trở thành một phần tử của thế giới đó. Người bố giàu nói, “Những người không chịu thay đổi quan điểm của họ về tiền bạc trong đầu, họ sẽ chỉ thấy được một mặt của đồng tiền. Đó là một thế giới không có đủ tiền. Họ sẽ không bao giờ thấy dược mặt bên kia của nó, cho dù họ kiếm được bao nhiêu tiền đi chăng nữa.”

Khi hiểu được có một thế giới khác có rất nhiều tiền dang tồn tại, khi hiểu được đôi điều về các đạo luật thuế, về kinh doanh và nhận thức được tại sao kiểm soát chi phí là quan trọng, bạn có thể bắt đầu nhìn thấy một thế giới hoàn toàn khác hẳn mà rất ít người nhìn thấy. Sự nhìn thấy đó của bạn sẽ bắt đầu trước hết từ trong đầu bạn. Nếu quan điểm và suy nghĩ của bạn có thể thay đổi, bạn sẽ bắt đầu hiểu được tại sao người bố giàu luôn nói: “Ta dùng chi phí để trở nên giàu có hơn, trong khi một người trung bình sử dụng chi phí để trở nên nghèo nàn hơn.” Và nếu bạn hiểu được câu nói đó, bạn có thể hiểu được tại sao mà tôi lại cho rằng việc dạy các kiến thức về tiền bạc và tài chính trong hệ thống giáo dục đương thời của chúng ta là cần thiết và quan trọng.

LÀM THẾ NÀO MÀ THU NHẬP THẤP VÀ CHI TIÊU CAO LẠI TỐT?

Cũng như người bố giàu đã từng nói, “Tiền bạc chỉ là một ý tưởng.” Nếu bạn đã hoàn toàn hiểu được tại sao thu nhập thấp và chi phí cao lại tốt, bạn hãy tiếp tục đi. Còn nếu không hiểu, rất mong bạn bỏ chút ít thời gian trao đổi với một người nào đó cũng đã đọc quyển sách này. Những ý tưởng đó còn giải thích nguyên nhân tại sao nhiều người giàu bị phá sản. Do đó, chúng tôi vô cùng mong muốn bạn hãy cố gắng tối đa để hiểu thấu được vấn dề mấu chốt đó, bởi vì sẽ còn có ý nghĩa gì khi bạn sáng tạo ra một tài sản và kiếm thật nhiều tiền từ tài sản đó nhưng để rồi bị mất hết tất cả. Khi tôi nghiền ngẫm quy tắc 90/10, tôi đã phát hiện ra rằng hết 90% dân số chỉ kiểm soát được 10% tiền bạc là vì mọi người chỉ muốn có thu nhập cao và chi phí thấp. Chính vì vậy mà mọi người vẫn cứ dậm chân tại chỗ và không khá hơn được chút nào.

MỘT LỜI HƯỚNG DẪN

Như vậy, câu hỏi sẽ là: “Làm thế nào mà thu nhập thấp và chi phí cao lại làm cho bạn giàu?”. Câu trả lời có thể được tìm thấy ở những nhà đầu tư lão luyện tận dụng các quy định thuế và luật doanh nghiệp để chuyển các chi phí quay trở lại cột thu nhập của mình.

Chẳng hạn, đây là sơ đồ hành động của một nhà đầu tư lão luyện:

Tôi xin lặp lại câu hỏi: “Làm thế nào mà thu nhập thấp và chi phí cao lại làm cho bạn giàu?”

Nếu bạn có thể hiểu dược làm thế nào và tại sao như vậy, bạn sẽ nhìn thấy một thế giới đầy ắp những vàng và kim cương.

Bây giờ hãy so sánh sơ dồ trước với sơ đồ dưới đây:

Trên đây là sơ đồ tiền bạc của phần lớn dân số thế giới. Nói cách khác, tiền chảy vào và đi ra ngoài qua cột chi phí mà không bao giờ quay trở lại. Điều đó khiến cho nhiều người cố gắng dành dụm, sống tằn tiện và cắt giảm chi phí. Sơ đồ đó cũng là sơ đồ của một người cứ cho rằng ‘căn nhà của tôi là tài sản’, hay của một người luôn miệng nói: “Tôi mất tiền hàng tháng nhưng chính phủ sẽ cho phép tôi giảm thuế để bù trừ vào khoản lỗ đó.” Lẽ ra, những người đó nên phát biểu thế này, “Tôi kiếm được tiền từ khoản đầu tư của mình, và chính phủ lại ưu đãi giảm thuế cho tôi khi tôi đầu tư sinh lời như thế.”

Người bố giàu nói, “Một trong những cách kiểm soát quan trọng nhất mà con rút được từ bài học đó chính là: ‘Bao nhiêu phần trăm, số tiền con chi tiêu sẽ quay trở lại cột thu nhập của con trong cùng một tháng?’.” Nếu bạn có thể hiểu được cách làm như thế, một chân trời mới sẽ mở ra trước mắt bạn. Còn nếu bạn vẫn không hiểu, hãy tìm một người bạn chia sẻ và trao đổi ý tưởng này. Sự thảo luận đó sẽ rất có lợi cho bạn, bởi vì nó có thể giúp bạn thay đổi từ quan niệm về một thế giới không có đủ tiền sang quan niệm một thế giới có rất nhiều tiền.

TẠI SAO CÓ NHIỀU KINH DOANH LẠI TỐT HƠN MỘT?

Tôi gặp gỡ nhiều doanh nhân rất giỏi khi xây dựng kinh doanh, nhưng lại không nhận thức được giá trị thực sự của Hệ thống kinh doanh đó. Lý do là vì có một quan niệm phổ biến cho rằng xây dựng doanh nghiệp chỉ nhằm mục đích sang nhượng và bán lại. Đó là suy nghĩ của một chủ doanh nghiệp không biết cách làm của một nhà đầu tư lão luyện – vốn có hiểu biết về các luật thuế và doanh nghiệp. Cho nên lẽ ra xây dựng kinh doanh để mua tài sản, họ lại thường xây dựng kinh doanh, bán chúng đi, trả thuế, bỏ tiền vào ngân hàng và bắt đầu lại toàn bộ quy trình kiếm tiền ấy. Tôi có nhiều người bạn ra xây dựng kinh doanh chỉ với một mục đích bán chúng đi để kiếm lời. Hai người bạn của tôi đã bán công ty của mình để lấy tiền mặt, nhưng sau dó bị mất trắng khi xây dựng một công ty khác. Họ mất tiền bởi vì quy tắc 90/10 về sự sống còn trên thương trường luôn có hiệu lực áp dụng trong mọi thời đại. Hai người bạn đó xuất thân từ nhóm T đi xây dựng kinh doanh ở nhóm C. Họ bán lại công ty của mình cho những người nhóm C khác thấy được giá trị tiềm ẩn của các công ty đó mà hai người bạn của tôi không nhìn thấy. Kết quả là họ trở nên trắng tay cho dù kiếm được hàng triệu đô sau lần sang nhượng đó, trong khi những công ty họ bán đi đã làm cho những người chủ mới càng giàu có thêm.

Một chủ doanh nghiệp hay một nhà đầu tư lão luyện sẽ tìm mọi cách giữ doanh nghiệp hay việc kinh doanh của mình tồn tại càng lâu càng tốt, để có thể thu thập càng nhiều tài sản chắc chắn càng tốt bằng cách tận dụng các ưu đãi về thuế trong đầu tư, và giữ càng nhiều tài sản càng tốt. Cũng như người bố giàu đã nói, “Nguyên nhân chính mà ta xây dựng kinh doanh là vì những tài sản mà việc kinh doanh đó sẽ mua lại cho ta.” Đối với nhiều doanh nhân, doanh nghiệp mà họ xây dựng chỉ là tài sản duy nhất của họ bởi vì họ sử dụng chiến lược của một công ty, mà không chịu khai thác ưu điểm của chiến lược đầu tư bằng cách sử dụng nhiều công ty (dĩ nhiên để tận dụng chiến lược đó, bạn cần phải có một ê kíp bao gồm những nhà tư vấn chuyên môn).

Như vậy, chính, chi phí sẽ là tài sản hay nợ của bạn, cho dù bạn kiếm được bao nhiêu tiền đi chăng nữa. Người bố giàu nói, “Một người giàu biết cách sử dụng rác rưởi và biến nó thành vàng, trong khỉ phần lớn mọi người lại biến vàng thành rác rưởi.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.