Dạy Con Làm Giàu – Tập 3

CHƯƠNG 25 Nhà đầu tư bên trong



Nhà đầu tư bên trong là một người đầu tư từ phía bên trong cơ hội và có khả năng kiểm soát sự quản lý ở một mức độ nào đó.

Mặc dù sự phân biệt quan trọng đối với nhà đầu tư bên trong là khía cạnh kiểm soát sự quản lý, người bố giàu đã chỉ ra một sự phân biệt khác quan trọng hơn – đó là bạn không cần phải có nhiều thu nhập hay tài sản thực để được coi là nhà đầu tư thuộc cấp bậc này. Một công chức, giám đốc hay những cổ đông mà nắm giữ từ 10% trở lên số lượng cổ phiếu phát hành của một công ty chính là những nhà đầu tư bên trong.

Hầu hết các quyển sách đầu tư đều tập trung vào những người đầu tư từ phía bên ngoài sân chơi đầu tư. Riêng quyển sách này sẽ dành cho những bạn đọc muốn đầu tư từ phía bên trong sân chơi.

Trong đời thực, có những hoạt động đầu tư bên trong hợp pháp và bất hợp pháp. Người bố giàu luôn mong muốn Mike và tôi trở thành những nhà đầu tư từ bên trong hơn là bên ngoài. Đó là một cách thức đầu tư rất quan trọng nhằm giảm rủi ro và tăng lợi nhuận.

Một người có hiểu biết tài chính nhưng không có đủ tiền bạc ở mức đầu tư đủ điều kiện vẫn có thể trở thành nhà đầu tư bên trong. Đây chính là điểm xuất phát của nhiều người trong thế giới đầu tư. Khi xây dựng kinh doanh cho mình, các nhà đầu tư bên trong cũng đang xây dựng những tài sản mà họ có thể quản lý, bán đi hoặc đem niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Trong quyển sách Hoạt động ở phố Wall, tác giả James P O’Shaughnessy dã phân tích lợi nhuận trên tổng vốn của nhiều loại công cụ đầu tư khác nhau trên thị trường. Tác giả cho thấy cổ phiếu của những công ty nhỏ thường đánh bại các công cụ đầu tư khác. Dưới đây là sơ đồ tóm tắt các kết quả tìm thấy được trích từ quyển sách đó.

Hầu hết mức lợi nhuận cao đều thuộc các cổ phiếu của công ty nhỏ, với tổng vốn trên thị trường xấp xỉ 25 triệu đô. Điểm hạn chế của những cổ phiếu loại này là chúng chiếm tỷ lệ quá nhỏ để các quỹ hỗ tương đầu tư vào, và người đầu tư trung bình khó mua chúng trên thị trường. Khối lượng giao dịch lại quá nhỏ nên giá bán và giá mua của các cổ phiếu này thường chênh lệch rất cao. Đây cũng là một ví dụ 10% các nhà đầu tư kiểm soát tới 90% cổ phiếu trên thị trường.

Nếu bạn không thể mua được những cổ phiếu này cho mục đích đầu tư, tốt hơn hết là bạn hãy nghĩ đến việc xây dựng cho mình một doanh nghiệp thuộc loại đó và gặt hái siêu lợi nhuận như một nhà đầu tư bên trong.

TÔI LÀM ĐIỀU ĐÓ NHƯ THẾ NÀO?

Tôi đã tìm thấy sự tự do tài chính như một nhà đầu tư bên trong. Hãy nhớ là tôi đã bắt đầu từ nhỏ và tích lũy các tài sản địa ốc như một nhà đầu tư lão luyện. Tôi đã học cách sử dụng các hình thức hợp doanh và công ty để giảm thiểu mức thuế thu nhập và bảo vệ tài sản cho mình. Từ đó, tôi đã bắt đầu xây dựng nhiều doanh nghiệp để có thêm kinh nghiệm trong thương trường. Với vốn kiến thức học được từ người bố giàu, tôi đã xây dựng doanh nghiệp như một nhà đầu tư bên trong. Tôi không trở thành nhà đầu tư đủ điều kiện cho tới khi tôi nhận ra sự thành công của mình đã đưa mình vào cấp bậc đầu tư lão luyện. Tôi cũng chưa bao giờ tự coi mình là nhà đầu tư chuyên môn cả. Tôi không biết chọn lựa cổ phiếu và mua cổ phiếu như một người đứng ngoài. (Tại sao thế? Bởi vì nếu trở thành một người đầu tư bên trong, tôi càng có khả năng giảm thiểu rủi ro của mình mà lại kiếm được nhiều lời hơn!)

Tôi chia sẻ với bạn những điều này để có thể giúp bạn tự tin và hy vọng. Nếu tôi có thể học hỏi từng bước để trở thành nhà đầu tư bên trong thông qua xây dựng kinh doanh, thế thì bạn cũng có cơ hội làm được như thế. Hãy nhớ rằng một khi bạn có nhiều kiểm soát cơ hội đầu tư của mình chừng nào, bạn sẽ gặp càng ít rủi ro chừng nấy.

CÁC CÁCH KIỂM SOÁT CỦA NHÀ ĐẦU TƯ BÊN TRONG

1. Kiểm soát chính bạn

2. Kiểm soát thu / chi trên tài sản / nợ

3. Kiểm soát việc quản lý đầu tư

4. Kiểm soát về thuế

5. Kiểm soát khi nào nên bán và khi nào nên mua

6. Kiểm soát các giao dịch thông qua môi giới

7. Kiểm soát về hình thức kinh doanh, thời gian và đặc điểm

8. Kiểm soát các điều kiện, điều khoản hợp đồng

9. Kiểm soát nguồn tiếp cận thông tin

3K CỦA NHÀ ĐẦU TƯ BÊN TRONG

1. Kiến thức

2. Kinh nghiệm

3. Khoản tiền dư dồi dào

GHI CHÚ CỦA SHARON – ĐỒNG TÁC GIẢ

Ủy ban Giao dịch Chứng khoán (SEC) định nghĩa một người ‘bên trong’ là một người có thông tin về một công ty trong khi thông tin đó chưa phổ biến ra công chúng.

Cách dùng từ của Robert – ‘nhà đầu tư bên trong’, dùng để chỉ cho những người đầu tư có khả năng kiểm soát các hoạt dộng của một doanh nghiệp và hướng đi của doanh nghiệp đó. Trong khi đó, những người đầu tư bên ngoài không có khả năng này. Robert phân biệt giữa việc đầu tư bên trong hợp pháp và bất hợp pháp, và ông hoàn toàn phản đối chuyện đầu tư bất hợp pháp. Kiếm tiền một cách hợp pháp đâu phải là chuyện khó khăn.

Tạo ra sự kiểm soát

Số tiền bạn đầu tư và chịu rủi ro trên tư cách chủ doanh nghiệp tư nhân là của chính bạn. Nếu bạn có các nhà đầu tư bên ngoài, bạn phải có trách nhiệm pháp lý trong việc chăm sóc quản lý các khoản đầu tư đó của họ. Tuy nhiên, bạn vẫn có quyền kiểm soát sự quản lý đầu tư cũng như có khả năng tiếp cận các thông tin bên trong.

Mua sự kiểm soát

Ngoài cách xây dựng doanh nghiệp cho chính mình, bạn có thể trở thành nhà đầu tư bên trong bằng cách sở hữu quyền kiểm soát trong một doanh nghiệp khác. Nắm giữ một số lượng lớn cổ phiếu doanh nghiệp sẽ cho phép bạn sở hữu quyền kiểm soát đó. Hãy nhớ rằng khi bạn tăng quyền kiểm soát, bạn sẽ giảm thiểu rủi ro của mình trong đầu tư, dĩ nhiên chi khi nào bạn có được kỹ năng quản lý đầu tư một cách hiệu quả.

Nếu bạn dã làm chủ một doanh nghiệp và muốn khuếch trương mở rộng, bạn có thể thu mua hay sát nhập với một doanh nghiệp khác. Ở đây chúng tôi không tiện bàn về những vấn đề trong thu mua và sát nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tìm kiếm tư vấn về luật pháp, thuế và kế toán sẽ rất quan trọng và cần thiết trước khi bạn dự định kế hoạch thu mua hay sát nhập một doanh nghiệp khác.

Để có thể phát triển lên cấp bậc đầu tư thực sự từ cấp bậc đầu tư bên trong, bạn cần phải quyết định bán toàn bộ hay một phần doanh nghiệp của mình. Những câu hỏi sau đây có thể giúp bạn trong quá trình quyết định đó:

1. Bạn có còn thích thú với doanh nghiệp của mình không?

2. Bạn có muốn bắt đầu một doanh nghiệp khác hay không?

3. Bạn có muốn về hưu chưa?

4. Doanh nghiệp của bạn có lời không?

5. Doanh nghiệp của bạn có phát triển quá nhanh và vượt ngoài tầm kiểm soát của bạn hay không?

6. Doanh nghiệp của bạn có cần gọi nhiều vốn bằng cách phát hành cổ phần hay bán cho một doanh nghiệp khác hay không?

7. Doanh nghiệp của bạn có đủ điều kiện về vốn và thời gian để niêm yết chưa?

8. Cá nhân bạn có thể tách ra khỏi việc quản lý hàng ngày để tập trung thương lượng việc phát hành cổ phiếu mà không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp hay không?

9. Doanh nghiệp của bạn nằm trong ngành đang phát triển hay suy thoái?

10. Các đối thủ của bạn sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc phát hành cổ phiếu?

11. Nếu doanh nghiệp của bạn vững mạnh, bạn có thể chuyển giao nó cho con của bạn hoặc người thân hay không?

12. Con của bạn, hay người thân của bạn có đủ khả năng và trình độ quản lý doanh nghiệp do bạn chuyển giao hay không?

13. Doanh nghiệp có nhu cầu về những kỹ năng quản lý mà bạn còn yếu kém hay không?

Nhiều nhà đầu tư bên trong hoàn toàn hài lòng với việc quản lý doanh nghiệp hay danh mục đầu tư của mình. Họ không muốn bán một phần doanh nghiệp của mình cho công chúng, cũng như không muốn sang nhượng doanh nghiệp cho người khác. Đây chính là nhóm nhà đầu tư mà người bạn thân của Mike đã trở thành. Anh ta hoàn toàn hài lòng trong việc quản lý vương quốc mà anh ta và bố anh ta đã dày công xây dựng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.