Dạy Con Làm Giàu – Tập 3

CHƯƠNG 7 Bài học đầu tư số 5: Bạn sẽ lập kế hoạch để giàu hay để nghèo?



“Hầu hết mọi người chỉ lập kế hoạch để trở nên nghèo!” người bố giàu nói.

“Gì hở bố?” tôi ngạc nhiên hỏi. “Sao bố lại nói như vậy?”

“Ta chỉ cần lắng nghe những gì mọi người nói,” người bố giàu nói. “Nếu con muốn nhìn thấy được quá khứ, hiện tại và tương lai của một người, chi cần lắng nghe những lời người đó nói.”

SỨC MẠNH CỦA LỜI NÓI

Bài học của người bố giàu về sức mạnh của lời nói thật ấn tượng. Ông đã hỏi tôi: “Con có bao giờ nghe một người nào đó nói câu này không: cần phải có tiền mới làm ra tiền?”

Tôi trả lời: “Có, con nghe câu đó hoài à. Tại sao bố lại hỏi vậy?”

“Bởi vì quan niệm đó là một quan niệm tệ hại nhất chưa từng có. Nhất là khi người ấy càng muốn có nhiều tiền hơn nữa,” ông đáp.

“Con không hiểu. Như vậy ý của bố là không cần có tiền mới làm ra tiền à?”

“Không,” ông vừa lắc đầu vừa trả lời. “Không phải có tiền mới làm ra tiền, mà là cần phải có một thứ gì khác có sẵn đối với mọi người, và nhất là phải có kinh nghiệm làm ra tiền. Trong nhiều trường hợp, chẳng cần tốn một đồng nào để làm ra tiền cả.”

Câu trả lời đó làm cho tôi rất tò mò, thế nhưng ông không giải thích thêm gì cả. Thay vào đó, khi bài học về đầu tư sắp kết thúc, ông giao cho tôi một ‘bài tập’: “Trước khi con gặp lại ta, ta muốn con mời bố con đến ăn tối với ta – một bữa cơm tối thoải mái và chẳng cần vội vã gì cả. Trong bữa cơm đó, ta muốn con hãy tập trung lắng nghe những lời nói của bố con. Sau đó con hãy cố suy nghĩ để hiểu cho được ý của bố con qua những câu nói ấy.”

Đến lúc này, tôi đã quá quen thuộc với những ‘bài tập’ của người bố giàu, những ‘bài tập’ mới xem qua chả liên quan gì đến chủ đề mà chúng tôi đang bàn luận. Thế nhưng, ông tin rằng thực hành phải đi trước bài học lý thuyết. Cho nên tôi đã gọi điện cho bố ruột tôi và sắp xếp một bữa cơm tối thân mật ở một nhà hàng ưa thích của ông.

Khoảng một tuần sau đó, tôi gặp lại người bố giàu. “Con thấy bữa tối đó thế nào,” người bố giàu hỏi ngay.

“Thật thú vị bố ạ,” tôi đáp. “Con đã lắng nghe rất cẩn thận cách dùng từ của bố con, cũng như cố tìm ra ý nghĩa thực sự của những gì bố con nói.”

“Và con nghe được những gì?”

“Con đã nghe ‘Tôi chẳng bao giờ giàu cả’,” tôi trả lời. “Nhưng mà con đã nghe câu đó từ nhỏ đến lớn. Thực ra, bô’ con hay nói, ‘Khi ta quyết định chọn nghề giáo viên, ta biết tà sẽ không bao giờ giàu cả.”

“Con đã nghe những câu tương tự như thế trước đây à?” người bố giàu hỏi.

Tôi gật đầu: “Nhiều lần lắm. Cứ nghe đi nghe lại hoài.”

“Và con còn nghe được những câu khác chứ?”

“Có. Chẳng hạn như: ‘Con nghĩ tiền mọc trên cây à?’, ‘Con nghĩ ta sản xuất tiền hay sao?’, ‘Người giàu không quan tâm đến những người như ta’, ‘Tiền thật khó kiếm’, ‘Ta thà sống hạnh phúc hơn là giàu có.'”

“Bây giờ con có hiểu được tại sao mà ta lại nói muốn hiểu được quá khứ, hiện tại, tương lai của một người nào thì chỉ cần lắng nghe những gì họ nói hay không?” ông hỏi.

Tôi gật đầu: “Và con còn nhận ra một diều khác nữa.”

“Điều gì thế?”

“Bố có ngôn ngữ của một nhà kinh doanh và một nhà đầu tư, trong khi bố con có ngôn ngữ của thầy giáo. Bố hay dùng những từ như ‘tỷ lệ vốn vay’, ‘chênh lệnh giữa vốn vay và vốn tự có’, ‘lợi nhuận trước thuế và lãi suất’, ‘chỉ số giá xuất xưởng’, ‘lợi nhuận’, và ‘lưu lượng tiền mặt’. Trong khi đó, bố ruột con lại hay nói những từ như ‘điểm thi’, ‘khoản tài trợ’, ‘văn phạm’, ‘văn học’, ‘phân bổ vốn ngân sách nhà nước’, và ‘bổ nhiệm giáo viên’.”

Người bố giàu mỉm cười và nói: “Không phải có tiền mới làm ra tiền, mà chính là ngộn ngữ. Sự khác nhau giữa người giàu và người nghèo chính là ngôn ngữ sử dụng của họ. Tất cả những gì mà một người cần làm để giàu chính là tăng kho từ vựng về tài chính của mình. Càng tuyệt vời hơn là hầu hết các từ đó đều miễn phí cả.”

Trong suốt thập niên tám mươi, tôi dành nhiều thời gian mở các khóa học về kinh doanh và đầu tư. Trong thời gian dó, tôi ý thức sâu sắc về mối quan hệ giữa cách dùng từ và tình trạng tài chính của một người. Khi nghiên cứu sâu hơn, tôi nhận thấy trong tiếng Anh có khoảng hai triệu từ. Một người bình thường sử dụng khoảng 5.000 từ. Nếu mọi người muốn tăng sự thành đạt trong một lĩnh vực nào đó, họ phải tích lũy và làm giàu kho từ vựng về lĩnh vực đó. Chẳng hạn, khi tôi đầu tư vào địa ốc nhỏ như nhà cho thuê, vốn từ của tôi về lĩnh vực đó đã tăng lên đáng kể. Khi tôi chuyển sang đầu tư vào các công ty tư nhân, vốn từ của tôi trong lĩnh vực đó phải dồi dào trước khi tôi có đủ tự tin bắt tay đầu tư vào những công ty đó.

Ở trường, các luật sư phải học thuộc các thuật ngữ về luật, các bác sĩ phải học thuộc các thuật ngữ y khoa, và các giáo viên phải hiểu rõ các thuật ngữ giáo dục. Nếu một người tốt nghiệp mà không có một vốn từ ngữ về đầu tư, tài chính, tiền bạc, kế toán, luật doanh nghiệp, thuế, thì người ấy sẽ rất khó thấy thoải mái và tự tin để trở thành một nhà đầu tư.

Lý do khiến tôi tạo ra trò chơi Cashflow chính là muốn giúp cho những người đầu tư không chuyên có cơ hội làm quen với các thuật ngữ về đầu tư. Trong trò chơi đó, người chơi sẽ nhanh chóng học được mối quan hệ nằm sau các thuật ngữ về kế toán, kinh doanh và đầu tư. Khi chơi đi chơi lại trò chơi ấy, người chơi sẽ mỗi lúc một sáng ra về ý nghía thực sự của những từ hay được dùng một cách sai lệch như ‘tài sản’ và ‘nợ’.

Người bố giàu thường nói: “Chẳng thà không biết gì hết về định nghĩa các từ, chứ nếu con hiểu sai ý nghĩa thực sự của những từ đó, con sẽ có thể gặp những khó khăn tài chính về lâu về dài. Không gì nguy hiểm hơn đối với sự ổn định tài chính của một người khi người ấy cứ cho các khoản ‘nợ’ là ‘tài sản’ của mình.”

Và đó chính là lý do tại sao mà người bố giàu thường lặp đi lặp lại với tôi: “Không phải có tiền mới làm ra tiền. Chính kho từ vựng của người giàu mới làm cho người ấy kiếm ra tiền, và quan trọng hơn, là giữ được tiền.”

Cho nên khi bạn đọc quyển sách này, rất mong các bạn hãy lưu ý cẩn thận đến những thuật ngữ khác nhau được dùng. Và hãy luôn nhớ rằng một trong những lý do cơ bản làm cho người giàu khác với người nghèo chính là sự hiểu biết những từ ngữ họ dùng. Và các từ đó đều có thể học được hoàn toàn miễn phí.

LẬP KỂ HOẠCH ĐỂ NGHÈO

Sau bài học với người bố giàu, chỉ đơn giản lắng nghe người khác nói, tôi có thể nhận ra ngay tại sao hầu hết mọi người đã vô thức tự lập cho mình một kế hoạch để… nghèo. Ngày nay, tôi thường nghe mọi người nói: “Khi tôi về hưu, thu nhập của tôi sẽ giảm.” Và điều đó xảy ra thật đối với họ.

Họ cũng thường nói: “Nhu cầu của tôi khi ấy không nhiều nữa, cho nên thu nhập ít hơn cũng sống được.” Thế nhưng họ lại không nhìn thấy dược rằng, trong khi một số chi phí sinh hoạt giảm xuống, thi các chi phí khác lại tăng lên. Và thường những chi phí này lại rất đắt đỏ, chẳng hạn như phí y tá chăm sóc hoặc phí dưỡng lão khi họ may mắn sống lâu hơn người khác. Ở Mỹ, chi phí này mỗi tháng trung bình khoảng 5.000 đô, cao hơn rất nhiều so với mức thu nhập hàng tháng hiện nay của nhiều người.

Nhiều người khác lại nói: “Tôi không cần một kế hoạch. Tôi có một chế độ hưu và bảo hiểm y tế ở chỗ tôi làm.” Một kế hoạch tài chính rất quan trọng trước khi một người bắt đầu đầu tư là bởi vì kế hoạch ấy cần phải xem xét những nhu cầu tài chính khác nhau. Những nhu cầu đó có thể bao gồm tiền học đại học cho con cái, thu nhập khi về hưu, chi phí thuốc men và chăm sóc y tế dài hạn. Những nhu cầu cấp thiết và đòi hỏi chi phí cao đó có thể được đáp ứng bằng cách đầu tư vào nhiều loại sản phẩm khác nhau, bảo hiểm chẳng hạn, chứ không chỉ có cổ phiếu, trái phiếu hay bất động sản.

TƯƠNG LAI

Sở dĩ tôi viết về đề tài tiền bạc vì tôi muốn giúp mọi người có thể học hỏi và tìm kiếm cho mình sự giàu có về lâu về dài. Tôi thường nói trong các khóa dạy của mình: “Các bạn hãy luôn bảo đảm cho mình có một kế hoạch. Trước tiên, bạn hãy tự hỏi mình xem mình lập kế hoạch này để giàu hay để nghèo. Nếu các bạn lập kế hoạch để nghèo, thì khi các bạn già đi, con đường đi đến sự giàu có về tài chính sẽ càng khó khăn với các bạn.” Người bố giàu đã nói với tôi cách đây nhiều năm: “Vấn đề khi con còn trẻ là con chẳng biết tuổi già nó như thế nào cả. Nếu con biết được tuổi già như thế nào, chắc chắn con sẽ lập kế hoạch tài chính cho cuộc dời con hoàn toàn khác hẳn.”

LẬP KẾ HOẠCH CHO TUỔI GIÀ

Lập kế hoạch sớm trong đời là một điều hết sức quan trọng. Khi tôi phát biểu câu này trong lớp học, hầu hết các học viện đều gật đầu đồng ý. Không ai lại không đồng ý về sự quan trọng của việc lập kế hoạch cả. Vấn đề trớ trêu là rất ít người lại chịu bắt tay hành động thực sự!

Nhận thấy thực trạng đó, tôi quyết định làm một điều gì đó trong lớp. Khoảng một tiếng trước bữa ăn trưa, tôi lấy ra một số mảnh vải và cắt chúng thành những đoạn dài ngắn khác nhau. Tôi yêu cầu các học viên lấy mảnh vải cột hai mắt cá chân của mình vào nhau. Sau đó, họ lấy một mảnh vải khác quấn quanh cổ và cột xuống đoạn vải dưới chân:

Các sinh viên giờ đây không đứng thẳng được mà phải cúi gập người khoảng 45 độ.

Một trong số những học viên đã hỏi tôi đây có phải là một hình thức tra tấn mới hay không. Tôi đáp: “Không đâu các bạn ạ. Tôi chỉ muốn dẫn các bạn vào tương lai, nếu như các bạn may mắn được sống lâu hơn những người khác. Các mảnh vải đó chính là tuổi già của các bạn.”

Cả lớp cùng ồ lên một cách rầu rĩ. Một số hiểu được ý của tôi. Ngay sau đó, các nhân viên khách sạn dọn bữa cơm trưa lên bàn. Bữa cơm gồm có bánh mì thịt nguội, rau trộn và thức uống. Nhưng các lát thịt nguội và bánh mì còn để nguyên chưa cắt, rau chưa được trộn, còn thức uống chỉ là một loại rượu nguyên chất pha với nước lã. Các sinh viên giờ đây phải tự làm cơm trưa cho mình trong tư thế gù lưng khập khiễng. Trong suốt hai giờ tiếp theo, họ phải tự trét bơ lên bánh mì, cắt thịt, trộn rau, pha thức uống, tìm chỗ ngồi xuống để ăn và dọn dẹp. Nhiều người trong số đó, tự nhiên thôi, còn cần phải đi vệ sinh sau khi ăn.

Hai tiếng trôi qua, tôi hỏi các học viên có muốn bỏ ra vài phút đồng hồ để viết ra một kế hoạch tài chính cho cuộc đời của mình hay không. Câu trả lời ‘có’ của tất cả mọi người hết sức nhiệt tình và tự nguyện. Thật thú vị khi quan sát cách mọi người lập ra kế hoạch cho mình sau khi đã gỡ bỏ các đoạn vải trói buộc trên người. Sự quan tâm của họ đối với việc lập kế hoạch giờ đây đã tăng lên rất nhiều một khi quan điểm của họ về cuộc đời đã thay đổi.

Như người bố giàu đã nói: “Vấn đề khi con còn trẻ là con chẳng biết tuổi già nó như thế nào cả. Nếu con biết được tuổi già như thế nào, chắc chắn con sẽ lập kế hoạch tải chính cho cuộc đời con hoàn toàn khác hẳn.” Người còn nói thêm: “Vấn đề với nhiều người là chỉ lập kế hoạch cho tới lúc về hưu mà thôi. Như thế không đủ đâu con
ạ. Gon cần phải lập kế hoạch xa hơn nữa, không chỉ dừng lại ở tuổi về hưu. Trong thực tế, nếu con muốn là một người giàu thực thụ, con cần phải lập kế hoạch ít nhất là cho ba đời của con sau này. Nếu không, sau khi con mất, mọi số tiền con kiếm được sẽ chẳng còn. Bên cạnh đó, nếu như con không có kế hoạch đối với gia tài của con trước khi con từ giã trái đất này, chính phủ sẽ có kế hoạch xử lý gia tài đó của con.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.