Dạy Con Làm Giàu – Tập 3

CHƯƠNG 6 Bài học đầu tư số 4: Đầu tư là một kế hoạch, cbứ không phải là một kỹ thuật hay sản phẩm



Nhiều người thường hỏi tôi: “Tôi có 10.000 đô để đầu tư. Theo anh, tôi nên đầu tư vào đâu bây giờ?”

Câu trả lời của tôi luôn luôn là: “Anh có một kế hoạch không?”

Cách đây vài tháng, tôi được mời tham gia một chương trình phát thanh trực tiếp ở San Francisco. Chủ đề chương trình hôm đó là đầu tư và người dẫn chương trình là một nhà môi giới khá nổi tiếng trong vùng. Một cú điện thoại của một bạn nghe đài muốn được hướng dẫn về đầu tư. “Tôi 42 tuổi. Tôi hiện có một công việc khá tốt nhưng không có nhiều tiền. Mẹ của tôi hiện sở hữu một căn nhà trị giá 800.000 đô và chỉ còn nợ ngân hàng 100.000 đô. Bà nói bà sẽ cho tôi dùng trị giá căn nhà thế chấp để vay vốn đầu tư. Theo ông, tôi nên đầu tư vào đâu? Vào cổ phiếu hay địa ốc?”

Tôi trả lời: “Thế ông có một kế hoạch không?”

“Tôi chẳng cần kế hoạch nào cả,” người đàn ông đáp.

“Tôi chỉ muốn ông cho tôi biết nên đầu tư vào đâu. Tôi muốn biết ý kiến ông về cổ phiếu và địa ốc, cái nào tốt hơn.”

“Tôi biết ông đang muốn gì thưa ông… thế nhưng xin lỗi ông, ông có một kế hoạch không?” Tôi cố hỏi lại một cách hết sức lịch sự.

“Tôi đã bảo ông là tôi không cần một kế hoạch gì hết,” vị thính giả trả lời. “Tôi đã bảo ông là mẹ tôi sẽ cho tôi tiền. Do đó, tôi sẽ có tiền nên không cần kế hoạch. Tôi hiện đang sẵn sàng để đầu tư đây. Tôi chỉ muốn biết theo ông thị trường chứng khoán tốt hơn hay xấu hơn thị trường bất động sản. Tôi cũng muốn biết tôi nên xài bao nhiêu tiền của mẹ tôi để mua một căn nhà mới cho tôi. Trong vùng vịnh này, giá cả cứ tăng vùn vụt và tôi không muốn đợi lâu hơn nữa.”

Tôi quyết định sử dụng một “chiến thuật” khác và hỏi ông ta: “Nếu ông hiện 42 tuổi và có một công việc khá tốt, vậy tại sao ông không có tiền? Nếu ông làm tiêu số vốn vay, liệu mẹ anh có đủ sức gánh thêm một khoản nợ khác nữa không? Và nếu ông bị mất việc, thị trường lại sụp đổ, liệu ông có đủ sức trả nợ căn nhà mới mà ông không thể bán được nó ở mức giá ông đã mua hay không?”

Vị thính giả đó đã trả lời thế này trên đài, trước khoảng 400.000 người nghe. “Đó không phải là chuyện của ông. Tôi tưởng ông là nhà đầu tư. Ông không cần soi mói vào đời tư của tôi để mách nước cho tôi đầu tư. Và ông không được đụng đến mẹ của tôi. Những gì tôi muốn chỉ là một lời khuyên về đầu tư, chứ không phải tư vấn về đời tư của tôi.”

TƯ VẤN ĐẦU TƯ CHÍNH LÀ TƯ VẤN ĐỜI TƯ

Một trong những bài học quan trọng nhất tôi học được từ người bố giàu chính là: “Đầu tư là một kế hoạch, chứ không phải là một kỹ thuật hay một sản phẩm.” Người còn nói tiếp: “Đầu tư là một kế hoạch rất riêng, rất cá nhân.”

Trong một buổi học về đầu tư, ông đã hỏi tôi: ”Con có biết tại sao có nhiều kiểu xe ôtô hay xe tải khác nhau không?”

Tôi suy nghĩ một hồi rồi cuối cùng trả lời: “Con çho rằng là vì có nhiều người khác nhau có nhu cầu không giống nhau. Một người sống độc thân thì không cần có chiếc xe bảy chỗ, thế nhưng một gia đình có 5 đứa con thì lại rất cần.”

“Đúng vậy,” người bố giàu nói. “Chính vì thế mà các sản phẩm đầu tư còn được gọi là phương tiện đầu tư.”

“Tại sao lại là phương tiện đầu tư vậy bố?” tôi hỏi.

“Bởi vì bản chất của chúng là như thế,” ông đấp. “Có nhiều phương tiện – sản phẩm đầu tư – khác nhau là vì những người khác nhau có nhu cầu khác nhau. Cũng giống như một gia đình 5 con có nhu cầu khác với một người độc thân.”

“Nhưng tại sao lại gọi là phương tiện chứ?”, tôi hỏi.

“Vì tất cả mọi phương tiện đều có thể giúp con đi từ điểm A đến điểm B. Một sản phẩm đầu tư đơn giản sẽ giúp con đi từ vị trí tài chính hiện tại đến chỗ con muốn đạt tới sau này.”

“Và cũng chính vì thế mà bố cho rằng đầu tư là một kế hoạch.” Tôi vừa nói vừa chiêm nghiệm ra những gì người bố giàu đã nói với tôi.

“Đầu tư cũng giống như lên kế hoạch một chuyến đi, chẳng hạn từ Hawaii đến New York. Con thừa biết rõ để băng qua Thái Bình Dương, nếu con đi bằng xe đạp hay xe hơi, con sẽ khó đến đích được. Chỉ đi bằng tàu thủy hay máy bay con mới có thể đến New York được,” người bố giàu nói tiếp.

“Và một khi con đến được đất liền, con có thể chọn đi bộ hay đi xe đạp, xe hơi, xe lửa, xe buýt hay máy bay đến New York,” tôi thêm vào. “Tất cả đều là những phương tiện khác nhau.”

Người bố giàu gật đầu. “Và một phương tiện này không nhất thiết tốt hơn phương tiện kia. Nếu con có nhiều thời gian và thực sự muốn ngắm phong cảnh, con có thể đi bộ hoặc đạp xe. Không chỉ tới được đích bằng phương tiện đó mà sức khỏe của con còn được tăng lên rất nhiều. Nhưng nếu con muốn đến New York vào ngày mai, rõ ràng máy bay là phương tiện duy nhất có thể đưa con đến đó đúng giờ.”

“Chính vì thế mà có rất nhiều người chỉ biết tập trung vào một sản phẩm như cổ phiếu chẳng hạn, và một kỹ thuật đầu tư như trao đổi mua bán. Thế nhưng họ không hề có một kế hoạch nào cả. Đó có phải là điều bố muốn nói không?” tôi hỏi.

Người bố giàu gật đầu. “Hầu hết mọi người cố kiếm tiền bằng những gì họ nghĩ là đầu tư, như mua bán cổ phiếu chẳng hạn. Thế nhưng việc mua bán đó không phải là đầu tư.”

“Vậy thì nó là gì chứ?” tôi hỏi.

“Chỉ là mua bán đơn thuần thôi con ạ. Đó chỉ là một kỹ thuật, một cách thức. Người mua bán cổ phiếu chẳng khác gì mấy những người đi mua địa ốc, sửa chữa chút ít rồi bán lại ở giá cao để kiếm lời. Kỹ thuật mua bán đã có mặt cách đây hàng thế kỷ, và nó đã phát triển dần thành một công việc chuyên nghiệp. Thế nhưng đó vẫn không phải là đầu tư.”

“Như vậy theo bố, đầu tư là một kế hoạch giúp cho bố chuyển từ vị trí hiện có đến chỗ bố mong muốn trở thành sau này.” Tôi vừa nói vừa cố hiểu cho được sự phân biệt của người bố giàu.

Ông gật đầu và nói: “Ta biết điều đó có vẻ nhỏ nhặt. Nhưng ta đang cố gắng giúp con bớt rối rắm về đề tài đầu tư. Ngày nào ta cũng gặp nhiều người cứ cho những gì họ đang làm là đầu tư, nhưng về mặt tiền bạc ta biết chắc là họ sẽ chẳng đi đến đâu cả. Những người đó chẳng khác nào cứ đẩy một chiếc xe cút kít chạy vòng vòng.”

KHÔNG PHẢI CHỈ LÀ MỘT PHƯƠNG TIỆN

Trong chương trước, tôi đã liệt kê một vài sản phẩm và kỹ thuật đầu tư khác nhau hiện có. Ngày nay có rất nhiều hình thức được tạo ra để đáp ứng nhu cầu khác nhau của nhiều người. Khi mọi người không có một kế hoạch tài chính rõ ràng cho bản thân mình, tất cả những sản phẩm và kỹ thuật đầu tư càng trở nên rối rắm và phức tạp.

Người bố giàu giải thích: “Một số người chuyên về một sản phẩm và một kỹ thuật đầu tư. Chính vì vậy mà ta cho rằng những người ấy chỉ biết đẩy xe cút kít chạy vòng vòng. Chiếc xe đó nếu hoạt động tốt họ sẽ kiếm được nhiều tiền, nhưng bản chất của nó vẫn chỉ là một chiếc xe không hơn không kém. Một nhà đầu tư thực thụ không cố chấp hay lệ thuộc vào bất kỳ một sản phẩm hay kỹ thuật đầu tư nào cả. Anh ta có một kế hoạch, một danh sách các sản phẩm và kỹ thuật đầu tư khác nhau để chọn lựa. Tất cả những gì mà nhà đầu tư ấy muốn đạt tới là đi từ điểm A đến điểm B một cách an toàn trong một khoảng thời gian dự định. Nhà đầu tư ấy chẳng hề mong muốn sở hữu hay đẩy chiếc xe đó.”

Tôi vẫn lờ mờ không hiểu và nhờ ông giải thích rõ hơn. Ông đáp có vẻ không hài lòng: “Này nhé, nếu ta muốn đi từ Hawaii đến New York, ta có nhiều chọn lựa phương tiện khác nhau. Thế nhưng ta thực sự không hề muốn sở hữu chúng, mà ta chi muốn sử dụng những phương tiện đó thôi. Khi ta leo lên chiếc Boeing 747, ta chẳng hề muốn lái nó cũng như chẳng hề yêu thích nó tí nào cả. Ta chỉ muốn nhờ nó để có thể đi đến nơi mà ta muốn tới. Khi ta đáp xuống phi trường Kennedy, ta muốn sử dụng taxi đi đến khách sạn. Khi ta đến khách sạn, nhân viên khuân hành lý giúp ta mang hành lý lên phòng. Ta chẳng hề mong muốn làm công việc đó tí nào cả.”

“Vậy khác nhau thế nào hở bố?” tôi hỏi.

“Nhiều người tự cho mình là nhà đầu tư thường chỉ bám vào một sản phẩm đầu tư. Họ nghĩ họ phải ưa thích cổ phiếu hay bất động sản để sử dụng chúng như phương tiện đầu tư. Cho nên những người ấy thường đi kiếm những khoản đầu tư họ yêu thích mà không hề vạch ra cho mình một kế hoạch. Những người ấy chỉ chạy vòng vòng mà sẽ không bao giờ đi được từ điểm A đến điểm B về tiền bạc con ạ.”

“Như vậy có nghĩa là bố không nhất thiết phải ưa thích chiếc Boeing 747 mà bố đi, cũng như không nhất thiết phải ưaa thích cổ phiếu, trái phiếu, quỹ hỗ tương hay cao ốc văn phòng của mình. Tất cả những thứ đó đều chỉ là phương tiện giúp bố đi tới nơi bố muốn đến.”

Ông gật đầu: “Đúng vậy. Ta rất trân trọng những phương tiện đó, cũng như ta tin tưởng những người đang quản lý những phương tiện đầu tư đó cho ta. Thế nhưng ta chỉ không muốn bám vào những phương tiện đó, cũng như không muốn sở hữu hay bỏ thời gian quản lý, theo dõi chúng.”

“Điều gì xảy ra khi mọi người chỉ biết bám vào những phương tiện đầu tư của mình?” tôi hỏi.

“Họ cho rằng những phương tiện đó là những phương tiện đầu tư duy nhất, hiệu quả nhất. Ta quen nhiều người chỉ biết có mỗi cổ phiếu, hoặc quỹ hỗ tương, hoặc bất động sản. Và đó là lý do tại sao mà ta ví von những người ấy chỉ biết đẩy một chiếc xe chạy vòng vòng. Dĩ nhiên kiểu suy nghĩ đó chẳng có gì sai cả. Đó chẳng qua là sự khác nhau trong định hướng mà thôi, tức là họ chỉ thường tập trung vào phương tiện thay vì một kế hoạch. Cho nên, dù những người ấy có kiếm được thật nhiều tiền đi chăng nữa, số tiền ấy vẫn không giúp họ đạt được những gì họ mong muốn.”

“Như vậy, con cần phải có môt kế hoạch,” tôi nói. “Và kế hoạch đó của con sẽ quyết định những loại phương tiện đầu tư mà con cần.”

Ông gật đầu: “Trong thực tế, con đừng nên đầu tư một khi con chưa có kế hoạch. Hãy luôn ghi nhớ điều này trong đầu con: đầu tư là một kế hoạch, chứ không phải là một sản phẩm hay một kỹ thuật. Đó là một bài học hết sức quan trọng.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.