Dạy Con Làm Giàu – Tập 3

CHƯƠNG 9 Bài học đầu tư số 7



Làm thế nào bạn có thể tìm ra một kế hoạch phù hợp với mình?

Để trả lời câu hỏi đó, theo tôi cần phải thực hiện những bước sau đây:

1. Hãy bỏ thời gian suy nghĩ chín chắn về cuộc đời của bạn cho tới thời điểm này. Bạn có thể mất vài ngày, hay thậm chí vài tuần (nếu bạn thấy cần thiết) để làm điều đó.

2. Trong những phút yên tình một mình, hãy tự hỏi: “Tôi muốn được gì từ món quà – cuộc sống – mà đời đã cho tôi?”

3. Đừng nói với bất kỳ ai về diều đó, ít nhất là cho tới khi bạn xác định được điều bạn muốn. Thông thường, mọi người hoặc vô tình hay cố ý luôn áp đặt những điều họ muốn cho bạn, mà lẽ ra chính bạn phải làm những điều đó cho chính mình. Không có gì tệ hại hơn khi những giấc mơ thầm kín đó bị ảnh hưởng bởi những lời từ phía người thân hay bạn bè của bạn, những lời đại loại như: “Này đừng có khờ dại đến thế”, hoặc “Bạn không thể làm được diều dó”, hoặc “Thế còn tôi thì sao?”

Nên nhớ, khi Bill Gates lập nghiệp ở tuổi 20, trong tay ông ta chỉ có 50.000 đô. Vậy mà ngày nay ông đã trở thành người giàu nhất hành tinh với tổng tài sản trị giá 90 tỷ đô. Điều may mắn cho ông là ông đã không tham khảo ý kiến của quá nhiều người về những gì mà họ cho là có thể xảy ra trong cuộc đời của ông.

4. Hãy gọi một chuyên viên tư vấn tài chính. Mọi kế hoạch đầu tư đều bắt đầu bằng một kế hoạch tài chính. Nếu bạn không thích chuyên viên tư vấn này, thì cứ đi tìm người khác. Bạn có thể tham khảo ý kiến của nhiều bác sĩ cho một triệu chứng bệnh, vậy thì tại sao lại không làm như vậy cho những vấn đề tiền bạc? Các chuyên viên tài chính có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau mà tôi sẽ liệt kê ở cuối chương này. Hãy chọn một nhà tư vấn có đủ kinh nghiệm và trình độ để giúp bạn lập ra một kế hoạch tài chính trên giấy trắng mực đen.

Nhiều chuyên viên tài chính rao bán các loại sản phẩm khác nhau, như bảo hiểm chẳng hạn. Bảo hiểm là một sản phẩm rất quan trọng và cần được xem xét như một phần trong kế hoạch tài chính của bạn, nhất là khi bạn vừa mới bắt đầu còn đường đầu tư. Ví dụ, nếu bạn không có tiền nhưng có đến ba đứa con nhỏ, bảo hiểm sẽ trở nên rất quan trọng khi bạn qua dời, bị thương tật, hay vì bất kỳ một nguyên nhân nào khiến bạn không thể thực hiện đến cùng kế hoạch đầu tư của mình. Bảo hiểm chính là một công cụ phòng ngừa an toàn, hay một hình thức giúp bạn trong những lúc gặp khó khăn về tài chính hay bất trắc trong cuộc đời. Tương tự như vậy, khi bạn trở nên giàu có, vai trò và loại bảo hiểm bạn cần cho kế hoạch tài chính của mình sẽ thay đổi theo tình trạng tiền bạc và nhu cầu của bạn. Do dó, bạn nên luôn cập nhật loại bảo hiểm nào nên sử dụng trong kế hoạch của mình.

Cách đây 2 năm, một người thuê nhà của tôi quên tắt đèn trên cây thông Giáng sinh và bỏ ra ngoài suốt cả ngày. Không may căn hộ phát cháy. Ngay lập tức, đội cứu hỏa xuất hiện và dập tắt dám cháy. Tôi chưa bao giờ cảm thấy biết ơn những người cứu hỏa như lúc ấy. Và những người khác lập tức xuất hiện theo sau vụ tai nạn chính là các nhân viên bảo hiểm. Họ cũng chính là những người mà tôi rất biết ơn đã xuất hiện ngay trong ngày hôm ấy.

Người bố giàu thường nói: “Bảo hiểm là một sản phẩm rất quan trọng đối với kế hoạch tài chính của một đời người, vấn đề duy nhất với bảo hiểm chính là bạn không thể nào mua được nó khi bạn cần đến nó. Cho nên, bạn phải biết liệu trước những gì bạn cần, và mua bảo hiểm với hy vọng sẽ không bao giờ cần đến nó. Nói cách khác, bảo hiểm đơn giản chỉ là một cách làm cho bạn không còn phải bận tâm lo lắng.”

GHI CHÚ: Nhiều chuyên viên tài chính chỉ tư vấn cho người đầu tư theo một cấp bậc tài chính nhất định nào dó. Trên thực tế, nhiều chuyên viên tài chính giới hạn dịch vụ tư vấn của mình, chỉ nhắm vào giới đầu tư giàu có. Thế nhưng cho dù bạn có ít hay nhiều tiền đi chăng nữa, điều quan trọng là bạn phải tìm một chuyên viên tài chính mà bạn thích và người ấy có thiện chí tư vấn giúp bạn. Tôi và Kim thường thay đổi các nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp. Nếu người tư vấn thuộc hàng chuyên nghiệp, người ấy sẽ thông cảm với sự thay đổi của bạn. Tuy nhiên, cho dù bạn thay đổi các nhà tư vấn của mình, nên nhớ hãy luôn luôn bám sát kế hoạch tài chính của bạn.

VẬY LÀM THẾ NÀO TÌM ĐƯỢC MỘT KẾ HOẠCH PHÙ HỢP VỚI MÌNH?

Mục tiêu của tôi là trở thành triệu phú ở tuổi ba mươi. Và đó chính là điều mà tôi phải đạt tới theo kế hoạch của mình. Vấn đề ở chỗ tôi thường xuyên kiếm được nhiều tiền, nhưng chẳng chóng thì chầy bao nhiêu tiền tôi kiếm được đều bị mất hết. Sau khi rà soát lại những điểm yếu trong kế hoạch của mình, tôi vẫn không thay đổi kế hoạch mà tôi đã lập ra trước đây. Tôi đã trở thành triệu phú ở tuổi 30, nhưng không bao lâu sau tôi bị phá sản và sạt nghiệp. Thực tế đó buộc tôi phải ngồi xuống, xem xét lại và điều chỉnh kế hoạch của mình từ kinh nghiêm cay đắng đó. Tôi đã sửa lại mục tiêu của mình là trở thành triệu phú và hoàn toàn tự do về tiền bạc ở tuổi 45. Vậy mà phải đến lúc 47 tuổi, tôi mới đạt được mục tiêu đó.

Điều cốt yếu là kế hoạch của tôi vẫn không thay đổi. Kế hoạch đó chỉ càng được cải thiện hơn khi tôi càng học được nhiều bài học trên con đường đi tới của mình.

Vậy làm thế nào bạn tìm được cho mình một kế hoạch phù hợp với đời bạn? Câu trả lời là hãy bắt đầu với một nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp. Hãy tìm kiếm nhiều nhà tư vấn khác nhau và tìm hiểu kinh nghiệm chuyên môn của họ. Nếu bạn chưa từng bao giờ có người nào đó giúp bạn lập ra một kế hoạch tài chinh cho tương lai của bạn, thì đây sẽ là một kinh nghiêm sống sinh động giúp bạn mở mắt với cuộc đời.

Hãy đặt ra những mục tiêu hết sức thực tế, bắt đầu với chúng và chỉ mở rộng thêm những mục tiêu khác một khi kiến thức và kinh nghiệm của bạn đã trở nên phong phú, dồi dào. Hãy luôn chuẩn bị tốt trước khi bạn tham gia một cuộc thi marathon, tốt nhất nên bắt đầu tập luyện từ những bước đi bộ của mình.

Tất cả những công việc đó – tìm kiếm nhà tư vấn chuyên nghiệp, đạt mục tiêu, v.v… sẽ thay đổi khi con người bạn thay đổi. Nhưng có một điều bạn không được thay đổi, đó chính là kế hoạch của mình. Đối với hầu hết mọi người, kế hoạch tối hậu chính là sự tự do về tiền bạc, sự giải phóng khỏi lệ thuộc và làm việc vì tiền.

Bạn cũng cần nhận thấy rằng đầu tư đòi hỏi tinh thần đồng đội như trong thể thao. Trong quyển sách này, tôi sẽ bàn về tầm quan trọng của tinh thần đồng đội trong tài chính. Tôi thấy có rất nhiều người luôn cho rằng phải tự hành động một mình. Dĩ nhiên, có những điều bạn phải tự thực hiện lấy bằng chính sức lao động của bạn, thế nhưng dôi khi bạn vẫn phải cần một nhóm đồng đội. Sự thông minh về tài chính sẽ giúp cho bạn biết khi nào bạn nên tự làm việc một mình, và khi nào cần sự hợp tác.

Khi dính đến tiền bạc, nhiều người thường ngậm đắng nuốt cay chịu lỗ một mình. Khi kế hoạch của bạn bắt đầu chuyển động và đi vào quỹ đạo, bạn sẽ bắt đầu gặp gỡ nhiều thành viên mới trong nhóm của bạn, mà những người ấy sẽ giúp bạn đạt được giấc mơ tài chính của mình. Những thành viên trong nhóm tài chính của bạn có thể là:

1. Chuyên viên lập kế hoạch tài chính

2. Chuyên viên ngân hàng

3. Kế toán viên

4. Luật sư

5. Nhà môi giới

6. Nhân viên bảo hiểm

7. Người đỡ đầu

Bạn có thể mong muốn dùng cơm trưa thường xuyên với những người này. Điều đó người bố giàu của tôi đã từng làm, và chính trong những dịp đó tôi đã học được biết bao nhiêu điều về kinh doanh, đầu tư, và con đường làm giàu.

Bạn nên nhớ rằng tìm kiếm một thành viên cho nhóm tài chính của mình cũng giống như tìm kiếm một đối tác kinh doanh vậy. Họ chính là đối tác của bạn bởi vì họ sẽ cùng làm việc với bạn để hướng đến một mục tiêu quan trọng nhất – việc kinh doanh của đời bạn. Hãy luôn nhớ câu nói của người bố giàu: “Cho dù con làm việc cho chính mình hay cho người khác, nếu con muốn giàu con phải biết chăm sóc và quan tâm đến việc riêng của con.” Và một khi biết lo việc của mình, một kế hoạch phù hợp với bạn nhất sẽ từ từ hiện ra. Do đó bạn hãy kiên nhẫn, nhưng nếu mỗi ngày đi được một bước bạn sẽ càng có cơ hội đạt được những gì bạn muốn có trong dời.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.