Tôi Muốn Cuộc Đời Như Tôi Muốn

Phần II “Áo khoác nỉ này bao nhiêu tiền thế, người anh em?”



Cái ngày định mệnh ấy cuối cùng cũng đến – ngày 29 tháng Sáu – ngày Hội cựu sinh viên Cotton. Tất cả đã sẵn sàng để vào cuộc. Danh thiếp mới đã được in, phiếu đặt hàng cũng đã được chuẩn bị, còn có cả một dải băng rôn xinh xắn nữa, mọi thứ đã được chuẩn bị đâu vào đấy. Đối với chúng tôi mà nói, đó là một thời khắc lịch sử. Phòng trường hợp mọi chuyện không được xuôi chèo mát mái, tôi cũng đã nghiên cứu khá kỹ lưỡng về cuộc sống của công nhân ở xưởng rồi.
Cả tôi và thằng Mal đều mặc sản phẩm mẫu của chúng tôi là áo nỉ và áo phông. Sinh viên của Bishop Cotton được gọi là Cottonian, và đây chính là những chiếc áo màu lục sâm siêu đẹp mang dòng chữ COTTONAIN in đậm – một sản phẩm chủ lực của chúng tôi. Ồ, bạn đoán không trật tí nào, nó na ná như áo của Harvard và Stanford, trông cũng ưa nhìn ra phết. Hy vọng chúng cũng nhận được sự đồng cảm từ những tâm hồn đồng điệu.

Chất mẫu sản phẩm và các vật dụng khác lên xe của bố thằng Mal, chúng tôi thẳng tiến đến trường. Vậy là chúng tôi đã đi được một quãng đường khá xa kể từ giây phút ý tưởng chợt lóe lên ở Noon Wines, ngay cả khi kế hoạch này đổ xuống sông xuống bể, ít nhất chúng tôi cũng biết rằng, mình đã sút một cú.

Chúng tôi tới trường từ rất sớm trước khi mọi thứ bắt đầu và lấy làm ngạc nhiên trước cái vẻ hơi hiu quạnh, ở đó mới chỉ lác đác vài người. Khi chúng tôi đang lôi các thứ ra khỏi xe thì một “đương kim” sinh viên tiến tới.

“Này anh, anh là cựu sinh viên của trường à?” Cậu ta hỏi.

“Ờ, phải, khóa 2004.” Tôi đáp.

“Tuyệt. Cái áo anh đang mặc nom cứ ngồ ngộ!”

Thôi chết. Thằng Mal và tôi nhìn nhau. Không thể thế được. Bọn nhóc sinh viên không thích nó ư? Thế mà chúng tôi cứ nghĩ là chúng sẽ xếp hàng để có được cái thứ chết tiệt này chứ.

Dù sao, chúng tôi cũng phải lôi đống áo ra và bày biện gian hàng nhỏ gần tòa nhà chính của trường. Việc còn lại là chờ đợi. Mới 10 giờ sáng, vẫn còn thời gian trước khi bữa tiệc của các Cựu sinh viên kết thúc. Bác bảo vệ loanh quanh gần đó và chỉ ngó qua gian hàng của chúng tôi. Vài giáo viên lướt ngang qua với vẻ hờ hững. Mấy sinh viên lảng vảng quanh đó cũng chẳng thèm ngó ngàng tới gian hàng.

Bữa tiệc sáng cuối cùng cũng kết thúc. Mọi người bắt đầu đổ về sảnh chính. Tình hình không khả quan hơn là mấy. Quầy hàng của chúng tôi không thu hút được nhiều người, mà nếu có cũng chỉ là những cái nhìn lướt qua.

Nhưng rồi, một tia hy vọng cũng lóe lên. Một cựu sinh viên lớp dưới nhận ra tôi và tiến đến.

“Chào anh, ái chà, lâu lắm rồi không gặp.” Cậu ta nói.

“Chào chú em!” Tôi đáp lại.

“Anh đang làm gì ở đây thế?”

“À, bán vài món đồ cho cựu sinh viên ấy mà.”

“Hey, áo đẹp đấy anh ơi,” cậu ta nói, cầm một chiếc áo màu ghi lên xem.

“Cảm ơn chú em.” Tôi nói.

“Đây là cái mà anh đang bán sao?”

So với việc cậu ta rất có thể là khách hàng đầu tiên của chúng tôi, thì việc cậu ta lạm dụng từ “anh” khiến tôi cảm thấy phiền phức quá thể.

“Chuẩn đó chú em.”

“Quá đỉnh anh ơi!”

“Chú muốn mua một cái không?”

“Oh, yeah. Bao nhiêu ạ?”

“500.”

“Ồ… được đấy anh… ok, em đi rút tiền đã nhé. Giữ cho em cỡ L.”

Và cứ thế, “miếng cô- lết ngon nghẻ” biến mất tăm. Ôi, khách hàng “tiềm năng” đầu tiên của chúng tôi. Mấy giờ sau đó, chẳng có ma nào bén mảng đến chỗ chúng tôi cả. “Chú em” của tôi cũng lặn không sủi tăm, cho dù cái máy ATM ở ngay bên kia đường.

Ah! Mẹ kiếp, tôi thầm rủa. Thôi thì chuẩn bị tinh thần đi làm công nhân trả nợ, ít nhất tôi cũng thoát khỏi cái ách của bà dì Anu. Tôi thất thểu đi vào nhà vệ sinh. Khi đang rửa tay, tôi ngước nhìn gương và thấy trong đó cái hình ảnh phản chiếu sự thất vọng của mình. Thất vọng vì bạn bè, vì gia đình và trên hết là vì bản thân. Tôi cảm thấy chán ốm và muốn phi về nhà ngay lập tức. Một lần nữa, dì Anu lại xâm chiếm đầu óc tôi, nghĩ xem dì ta sẽ hớn hở đến mức nào khi nghe được cái tin việc kinh doanh nho nhỏ của tôi đã chết ngắc.

Tôi quay về quầy bán, và chỉ có một từ, một từ mà tôi dùng như cơm bữa, có thể miêu tả chính xác những gì nảy ra trong đầu tôi. MẸ KIẾP.

Ồ, các cậu biết đấy, khi đọc hay nghe người ta nói về những điều kỳ diệu trên TV, các cậu thấy nó nực cười làm sao. Chẳng có cái điều quái nào trong số ấy xảy ra cả, phải không? Nhưng cũng có lúc, một điều gì đó xảy đến với các cậu. Nó đã đến với tôi.

Đó là một đám đông – SIÊU ĐÔNG đứng trước quầy hàng của chúng tôi. “Chú em” của tôi cũng đang ở đó với 20 đứa bạn của cậu ta. Hẳn là, cậu ta đã kiêm luôn chức “mõ làng” đi rao khắp nơi về chúng tôi và lôi cổ luôn cả những cựu sinh viên Cotton khác đến. Đám đông tề tựu đủ cả đương kim Cottonian lẫn cựu Cottonian, ai cũng muốn mua một thứ gì đó. Bọn họ đang gọi cả bạn bè của mình và đám bạn ấy lại loan tin cho những người khác nữa, họ đang truyền tai nhau về “Alma Mater”.

Cỡ 100 tấm danh thiếp được in ra đã bốc hơi hết chỉ trong vòng 15 phút. Chúng tôi đành phải viết số điện thoại lên những mẩu giấy nhỏ. Thật khó tin! Tôi bận đến mức không có thời gian để òa khóc vì sung sướng! Áo của chúng tôi không đủ để bán cho mọi người. Đằng kia đang bán bánh nóng và chúng tôi còn không có cả thời gian mà ăn. Khi buổi bán hàng kết thúc, chúng tôi ngẩng lên đã là 6 giờ chiều.

Tất cả áo mẫu của chúng tôi đều đã được bán sạch sẽ. Ngay cả chiếc áo chúng tôi mặc trên người cũng bị “lột” luôn, hai thằng tôi đành phải mượn tạm áo T -shirt của mấy sinh viên nội trú. Nhưng đây mới là phần hay nhất – các cậu có thể tưởng tượng được chúng tôi đã bán bao nhiêu chiếc áo trong vòng 5 giờ không? 600 chiếc. Vâng, 600 chiếc đấy, khỉ thật!!!

Này các cậu, nếu một ngày nào đó, các cậu bắt đầu kinh doanh một thứ gì đó, một ngày như hôm nay rồi sẽ đến. Khi ngày đó tới, hãy giở lại chương phía trên một lần nữa. Bạn sẽ hiểu được cảm giác của tôi lúc này.

Phùuuu… Cùng lúc đó, chúng tôi cũng đã làm một việc khá hợp tình hợp lý – đến Noon Wines để ăn mừng.

Đó là một trong những ngày đã nhất cuộc đời tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.