Tôi Muốn Cuộc Đời Như Tôi Muốn
“Mặc kệ nó, làm tới đi!”
Khi bạn thất nghiệp, thời gian trôi đi sao mà chậm rề rề. Cực kỳ là chậm. Tôi Knghiện Facebook ngày một nặng và nó thực sự là một vấn đề nghiêm trọng.
Trong những ngày này, Farmville đang ở cực điểm của sự ưa chuộng, và mọi người đang điên cuồng gửi cho nhau nào là lợn, gà, chó, ngựa, v.v…
Devika đã đổi avatar bằng một tấm hình xinh không chịu được mà tôi thì vẫn chưa biết làm thế nào để thêm cô ấy vào danh sách bạn bè mà không bị cô ấy nghĩ là thằng gàn dở. Tôi đang xem mấy cái bình luận nọ kia về bức ảnh mới ấy. Ý tôi là mấy cái bình luận kiểu như “tuyệt đẹp”, “đáng yêu quá đi mất”, “chúa ơi, sao mà bạn đáng yêu thế”, và làm sao mà bỏ qua được cái chữ này “thật nóng bỏng”? Đối với các cô gái, đó gần như là một “nghi lễ” vậy đấy, nếu một trong bọn họ đăng tải hình mới thì đám bạn bè gần như phải tự khắc biết đường vào mà bình loạn, tán dương này nọ về bức ảnh đó; ngay cả khi cô gái ấy trông chẳng có vẻ gì là “đáng yêu” cả. Cái Facebook ấy còn quái dị hơn khi một nàng “kết hôn” với một nàng khác trên đó. [Những chuyện thế này diễn ra như cơm bữa, hãy tin tôi đi!]
Ngoài việc chong mắt lên mà nhìn những điều điên rồ của con người, đặc biệt là phụ nữ, bày ra trên Facebook, tôi đã lập ra một kế hoạch sơ bộ về ý tưởng kinh doanh trong những ngày vểnh râu nằm nhà và đang cố gắng tìm mọi cách lôi kéo thằng Mal cùng tham gia. May sao, thằng Mal đã “khóa sổ” cái dự án chết giẫm của nó và thậm chí còn tỏ ra hứng thú với ý tưởng đó hơn cả tôi. Thế nên mới có cái hẹn gặp nhau tối nay tại Shiva’s để cùng “động não”.
Chúng tôi có mặt tại Shiva’s vào khoảng 9 giờ tối. Gã bồi bàn mang cho chúng tôi món Masala dosas(1) cay nóng đi kèm với tương ớt ngon không tưởng. Món Masala dosas tại Bangalore là một trong những thứ tuyệt nhất hành tinh này. Nếu bạn chưa từng “phải lòng” thời tiết nơi đây, con người nơi đây, quán bar, âm nhạc nơi đây, văn hóa “giải trí và thư giãn” nơi đây cùng đủ những thứ khiến thành phố trở nên náo nhiệt, thì vẫn còn một thứ để lôi kéo bạn tới đây, đó là món Masala dosa.
Thằng Mal có vẻ khá bị kích động. Tôi đoán là nó (giống như phần còn lại của thế giới) cảm thấy quá đơn điệu nhàm chán và áp lực với “tám giờ vàng ngọc”. Cả hai chúng tôi đều đang rõ hơn bao giờ hết mục đích xuất hiện trên trái đất này của mình là gì.
Ok, vậy chúng tôi sẽ bắt đầu từ đâu nào? Ừ thì, để khởi động một công ty kinh doanh thì cần phải có sản phẩm tại chỗ! Thứ đầu tiên xuất hiện trong đầu chúng tôi là áo nỉ và T- shirt. Thế rồi cần phải tìm một nhà sản xuất phù hợp có thể cung ứng sản phẩm cho chúng tôi, và quan trọng hơn là đáp ứng chất lượng mà chúng tôi mong muốn. Một cách lý tưởng nhất, mọi người sẽ thực hiện nghiên cứu thị trường, vẽ ra các bảng biểu, đưa ra con số khả quan và viết chằng chịt hết bảng excel này đến bảng excel khác. Nhưng thằng Mal và tôi chẳng muốn tốn thời gian cho bất cứ việc gì kể trên. Chúng tôi đã chứng kiến không ít người có những ý tưởng hay ho để rồi bị chìm nghỉm trong một bể những con số, không bao giờ dám mạo hiểm đi quá xa để khởi nghiệp công ty của họ.
Thế nên, chúng tôi quyết định quẳng hết đi và chỉ làm những gì chúng tôi thấy cần thiết:
1. Tìm một nhà sản xuất phù hợp, từ đó sẽ hình thành nên những đầu mối cho công việc làm ăn này.
2. Tìm một thị trường phù hợp hoặc một sự kiện để kiểm chứng ý tưởng kinh doanh và sản phẩm của chúng tôi.
Thời cơ đã tự tìm đến trong ngày Cựu sinh viên tại trường cũ của chúng tôi, Bishop Cotton Boys’ School, sẽ sớm được tổ chức. Những cựu sinh viên của Cotton sẽ tề tựu đông đủ ở đó và chẳng còn cơ hội nào tuyệt hơn để quan sát phản ứng của họ đối với loại sản phẩm mà chúng tôi đang ấp ủ. Đúng là một thị trường hoàn hảo để kiểm chứng ý tưởng kinh doanh. Nhưng, vẫn còn một vấn đề nan giải là đào đâu ra nhà sản xuất chấp nhận làm cho chúng tôi vài mẫu. Thằng Mal và tôi lại ngồi bàn bạc như thường lệ.
“Ê mày, ngày hội Cựu sinh viên Cotton sẽ diễn ra vào ngày 29 tháng 6. Tao với mày bắt đầu từ đây thì đúng là chuẩn không cần chỉnh.”
“Phải rồi nhóc. Nhưng đào đâu ra vài mẫu áo bây giờ.” Thằng Mal nói.
“Mày có biết xưởng nào không?” Tôi hỏi.
“Không. Giờ chỉ còn nước đi mò thôi.”
Và thế là cuộc gặp gỡ làm ăn đầu tiên trong đời chúng tôi đã được quyết định. À
ừ thì, cuộc gặp gỡ đối tác chính thức của chúng tôi đấy mà. Từ ngày hôm đó trở đi, cả tôi và thằng Mal đều bắt đầu công cuộc lùng sục mấy tay sản xuất.
Sáng hôm sau, chúng tôi đã có một vài liên lạc từ Justdial và cuối cùng cũng thỏa thuận xong xuôi với một vài nhà buôn địa phương. Chúng tôi đã gọi cho tất cả bọn họ và đặt lịch hẹn.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên là Nhà máy dệt Sri Raju. Nhà máy của ông ta cũng tối tăm như cái tên công ty vậy. Một nơi bé tí bé teo, tồi tàn, nhồi nhét khoảng 50 công nhân như nhốt bồ câu trong chuồng. Ông ta không có văn phòng riêng, vì vậy chúng tôi đã tiến hành luôn cuộc thương thảo tại một trong các nhà kho. Ông ta mời chúng tôi một ly nước mía mà tôi đã thẳng thừng từ chối. Thằng Mal có vẻ uống một cách hả hê và chỉ mình tôi lo lắng bụng nó sẽ ễnh cả lên và có khi còn say khướt cũng nên.
Chúng tôi bắt đầu cuộc đàm phán bằng việc kiểm tra chất lượng sản phẩm ở xưởng. Ông ta đưa cho chúng tôi vài mẫu áo phông tồi tàn.
“Saar(2), đây là mẫu có chất lượng hảo hạng rồi đấy,” ông ta vừa nói vừa nhổ bã trầu.
“Ông chủ, có loại nào tốt hơn nữa không?”
“Saar, mọi người đều hài lòng với nó cả đấy, Saar.”
“Chúng tôi thì không; nếu ông có thứ gì tốt hơn thì đưa chúng tôi xem qua.” “Không được, Saar. Nhưng nếu các anh ứng trước một khoản, tôi sẽ cho xem.” “Sao lại phải cần một khoản ứng trước?” “Thì để mua vải tốt đó Saar.”
“Vậy ông muốn bao nhiêu?”
“2 lakh(3), Saar. Tiền mặt nhé.”
Ông ta nói xong cũng vừa đúng lúc chúng tôi té khỏi nơi đó và đang trên đường đến nhà buôn tiếp theo. Người tiếp theo trong danh sách của chúng tôi là Om
Fashions, có tiếng là một nhà buôn lớn. Khi mò tới xưởng của ông ta, chúng tôi thực sự ấn tượng. Chính là cái chúng tôi cần tìm. Cái giá của sự mong đợi là hai giờ đồng hồ chờ dài cổ trước khi thực sự được phép gặp mặt lão chủ. Đó là một người đàn ông đứng tuổi, khoảng 60 tuổi và rõ ràng chẳng lấy gì làm ấn tượng với việc gặp chúng tôi.
“Rohn và Varun, hai anh nhìn có vẻ già hơn so với giọng nói qua điện thoại.” Ông ta nói, thể hiện rõ sự thích thú.
“Ồ, tôi thích ý tưởng của cậu đó.”
“Cảm ơn ông.”
“Vậy, cuộc thương thảo là gì? Ai sẽ đầu tư? Các cậu định đặt bao nhiêu chiếc mỗi tháng? Tôi có phải in luôn không? Và cần in bao nhiêu màu?”
“Thưa ông, chúng tôi chưa có ý định tìm kiếm một điều gì quá to tát bây giờ cả.” Chúng tôi nói.
“Gì hả, vậy tại sao các cậu tới đây?” Ông ta nói với một giọng cộc lốc.
“Trước tiên, chúng tôi chỉ muốn làm một vài mẫu và thử bán trong dịp một sự kiện sắp diễn ra…”
Ông ta chặn ngay họng chúng tôi, “Này các chàng trai, tôi không phải thợ may. Tôi không làm kiểu vài mẫu cỏn con như thế. Các cậu phải mua của tôi 1.700 chiếc mỗi màu. Nó là một khoản đầu tư cỡ 12 lakh. Các cậu có không?”
Thế là, cuộc thương thảo tại Om Fashions cũng nhanh chóng đi đến hồi kết thúc. Nhà buôn thứ ba thậm chí còn không có xưởng riêng, nên chúng tôi cũng sớm chào tạm biệt. Thằng Mal và tôi đã bỏ không biết bao công sức và rồi chỉ nhận lại sự chán nản ê chề. Thật quá xôm so với cái ý tưởng kinh doanh bé nhỏ.
Trong khi đó, dì Anu và mẹ tôi đang ủ mưu bắt tôi đi làm. Cả hai rõ ràng đều biết tôi chúa ghét làm việc cho mấy công ty công nghệ, nhưng tôi vẫn đánh hơi thấy mùi ám muội đâu đó xung quanh những cuộc điện thoại của họ.
Tối hôm sau, tôi nhận được tin nhắn của thằng Mal. “Ê mày, nửa tiếng nữa gặp nhau ở Shiva’s nhé. Chuyện gấp.”
Tôi phi như bay đến Shiva’s, thằng Mal đã ngồi ở đó chờ đợi cùng vài tin tốt lành.
“Nghe này bạn hiền, tao có một gia đình thằng bạn ở Tirupur. Tao nghĩ chúng ta có thể đến và nói chuyện với nó. Nó gia công tất tần tật cho tất cả những thương hiệu lớn,” thằng Mal nói, Shiva và đám nhân viên của lão thì đang dỏng tai hóng hớt cuộc nói chuyện của chúng tôi. Tôi đồ rằng lũ ấy cũng muốn châu chỉa cái sự vụ kinh doanh này.
“Mày có đang nghiêm túc không đấy?”
“Có chứ, bố tao vừa nói với tao, chúng ta phải đi gặp nó thôi.” “Vậy là chúng ta sẽ đi Tirupur.” “Chuẩn.”
“Nhưng chỗ ấy là chỗ quái nào?”
“Thì phải đi mà tìm thôi.”
Trước khi Shiva có thể đánh hơi được điều gì đó và nhen nhóm ý định kinh doanh riêng của mình, thì chúng tôi đã quyết định sẽ bắt tàu đi Tirupur trong tuần đó. Thời gian lên kế hoạch đã hết và ngay cả khi chẳng có cái kế hoạch quái nào, chúng tôi vẫn phải khởi động một điều gì đó tại một nơi nào đó và việc đi đến Tirupur giống như đi đến miền đất hứa vậy. Richard Branson nói rồi còn gì, “khi bạn muốn bắt đầu một điều gì đó, bạn phải nhấc mông lên và thực hiện ngay. Không có chỗ cho việc chỉ ngồi nghĩ về nó thôi.” Và câu nói nổi tiếng của ông chính là: “MẶC KỆ NÓ, LÀM TỚI ĐI.”
Richard Branson là một doanh nhân thành đạt, đồng thời cũng là nhà sáng lập của tập đoàn Virgin. Cuốn tự truyện của ông “Đường ra biển lớn”(4) được đánh giá rất cao.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.