Tôi Muốn Cuộc Đời Như Tôi Muốn

“Varoon, giờ này vẫn còn trương thây chưa dậy?”



Khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau, thực ra là gần trưa thì đúng hơn, tôi vẫn còn khá chuếnh choáng. Lalit, đầu bếp kiêm anh em chí cốt, và là nơi trút bầu tâm sự của tôi, đang ngồi cạnh giường với một tách trà trên tay. Lalit, sinh ra tại Bihar, đã làm đầu bếp trong nhà chúng tôi từ lâu lắm rồi. Anh chàng là một fan ruột của Sunny Deol(1) và luôn ấp ủ giấc mơ trở thành diễn viên một ngày không xa.

Tôi nhấp một ngụm trà và đi ra sảnh. Toàn thân tôi như hóa đá khi nhìn thấy thân hình ục ịch quen thuộc trong phòng vẽ của mình. Đó là bà dì Anu đang “buôn dưa” với mẹ tôi, trông nghiêm trọng ra phết! Đến thằng điếc cũng biết họ đang xì xào về tôi.

“Chị lo quá, Anu ạ. Thằng bé chẳng có tí trách nhiệm nào. Nó ngủ từ 3 giờ sáng, trương thây đến 1 giờ chiều mới dậy.” Mẹ tôi nói.

“Poo, chị nói sao cơ, hừ?” Búi tóc của dì ta đung đưa khi lúc lắc cái đầu.

“Chị không biết phải làm gì bây giờ cả”, mẹ tôi nức nở. “Làm ơn giúp chị dạy dỗ thằng bé với?”

Khốn thật. Thế này thì nhục rồi.

“Chị đừng lo, Poo ạ. Giờ chị đã có lời, em đảm bảo Varun của chúng ta sẽ đâu vào đấy.” Bà dì Anu khẳng định như đinh đóng cột. Dấu làm phép bindi giữa trán đỏ rực của dì kết hợp với chiếc sari màu cam chói lọi như muốn thiêu rụi cả căn phòng. Toàn thân tôi mồ hôi lạnh túa ra như tắm.

Đứng trước hiểm nguy, tôi thiết nghĩ “quay đầu là bờ” và nơi trú ẩn an toàn nhất chính là căn phòng của mình. Nhưng khi vừa chuẩn bị tẩu thoát, họ lại tóm được tôi, như thể tôi là một đặc vụ của CIA vừa tình cờ nghe trộm được cuộc nói chuyện của những tên mafia hay đại loại như vậy.

“Varooon, giờ này còn chưa thèm dậy à?” Dì Anu nói với giọng đầy châm biếm mỉa mai.

Vẫn còn ngủ ư? Cả hai người ấy có biết chuyện kinh khủng gì đã diễn ra đêm qua không…

“Vâng dì, không, là hmmm…” Tôi ậm ừ như gà mắc tóc vậy.

“Này, này, dì biết hết rồi đấy nhé. Mẹ cháu đang than thở với dì về cháu. Ngủ từ ba giờ sáng đến tận một giờ chiều mới thèm dậy. Chuyện này còn tái diễn đến khi nào nữa hả? Cái nhúm lông tả tơi ở trên cằm cháu là sao kia?” Ý là dì ta đang nói đến chòm râu dê của tôi đấy mà.

“Uhm… không đâu dì. Hôm qua cháu đã dậy lúc 11 giờ đấy ạ.” Tôi cười một cách ngượng ngùng và đưa tay lên vò đầu.

“Cháu nhìn Arjun mà noi gương kia kìa,” dì Aun nói. “Nó ngày nào cũng dậy từ 6 giờ sáng, chạy bộ rồi đi làm đấy.”

Ôi, phải rồi, cái thằng, rượu chè không, chơi bời không, đến một mảnh tình vắt vai cũng không, chẳng biết thế nào gọi là hưởng thụ cuộc sống! Nó chỉ đòi một biệt đội G.I. Joe với 95 điểm mà nó đạt được, thế nên thằng dở đó dậy lúc 6 giờ hẳn là chuyện thường ngày ở huyện.

“Thế nào, dự định cho cuộc sống sau này của cháu là gì hả Varoon?” Cái giọng the thé của dì ta xuyên thẳng vào tai tôi. “Sao cháu không nói chuyện với chú Biju xem?”

Mặt tôi nhăn nhúm. Chú Biju chính là chồng của dì Anu. Chính là cái ông đã nói ngon nói ngọt thế nào để đến mức mẹ nhét tôi vào cái lớp khoa học dành cho bọn 11 và 12, cái lớp mà tôi ghét cay ghét đắng. Thế rồi, không ai khác, chính ông ấy rỉ tai khuyên mẹ tống tôi vào trường kỹ sư, nơi mà tôi căm thù hơn tất cả. Chúa mới biết được bây giờ ổng còn có âm mưu quỷ quái nào nữa.

Trong khi dì ta và mẹ tôi đang đồng tâm hiệp lực để tôi cải tà quy chính thì tôi bịa tạc ra vài lý do và ngấm ngầm tìm cách tẩu thoát êm đẹp. Quý bà này sục xạo khắp mọi ngóc ngách cuộc sống của tôi, lắm khi còn hơn cả mẹ tôi, và niềm vui của bà ta là chọc ngoáy, chõ mũi càng sâu càng tốt vào cuộc đời tôi. Tôi dám chắc rằng, bà ta lấy làm hả hê, khoái chí vô cùng về việc con trai bà ta giỏi giang hơn tôi gấp vạn lần. Trong khi tôi tìm cách chạy thoát khỏi tầm tay dì Anu thì cuộc đời nghiệt ngã cũng đang quay lưng lại với tôi. Tốt nghiệp kỹ sư gần một năm và vẫn đang ăn bám gia đình, ối chao, đó là thực tế của tôi lúc này đấy. Một sinh viên với học lực nhàng nhàng, và trên hết, không thể chịu đựng được cái ý nghĩ sẽ đầu quân cho một công ty kỹ thuật nào đó. Bố mẹ tôi đương nhiên chẳng lấy gì làm hài lòng với một đứa con như tôi, nhất là trong khi lũ bạn khỉ gió ma toi kia đều đã có công ăn việc làm, nếu không thì cũng đang vùi đầu vào học hòng kiếm mấy cái bằng cao hơn; giữa bọn chúng, tôi đúng là chẳng khác nào một con cừu ghẻ, một quả táo thối, và là chuyên gia trong việc làm mọi chuyện trở nên bung bét. Mẹ tôi lo sốt vó, bởi điều ấy đồng nghĩa với việc tôi bị cho ra rìa trong chuyện phân chia hồi môn này nọ. Dầu sao cũng chẳng ai thèm để tâm, từ khi có trí nhớ đến giờ, tôi đã luôn ấp ủ việc tạo ra một thứ gì đó của riêng mình.

Tôi nếm đòn đau lần đầu tiên năm lên 8. Lần ấy, mẹ làm bánh brownie và gói chúng vào hộp cơm trưa cho tôi. Đúng là ngon tuyệt cú mèo, và tôi vẫn để dành một chiếc khi giờ giải lao đến. Karan Dutta, thằng bạn chí cốt và nổi danh vì thói háu ăn của tôi, đang thung dung tiến đến bàn tôi.

“Ê, cho xin miếng đi.” Nó nói và thè cái lưỡi ra.

“Điên à, tao còn mỗi một mẩu thôi.” Tôi vừa lầm bầm vừa cắn nốt miếng bánh dở và giấu chiếc còn lại tránh khỏi sự dòm ngó của nó.

“Năn nỉ mà, cho tao cắn một miếng thôi.”

“Xin lỗi nhé cưng.” Tôi nói, chẳng là tôi cũng tham ăn và đếch thèm quan tâm đến nó.

“Tao cho mày 2 rupees được không?” Thằng Dutta nài nỉ.

Việc ăn bánh lập tức được hoãn lại để lắng nghe bản năng mách bảo, đây là thời điểm kiếm chác có một không hai đấy. Tôi đồng ý để bản năng của tôi trỗi dậy, bán chiếc bánh cuối cùng cho Dutta và mang đến một hộp bánh brownie khác vào ngày hôm sau. Sau khi kiếm được tiền từ trong lớp, tôi nuôi hy vọng sẽ bán bánh cho cả trường. Nhưng kế hoạch đó đã đổ bể khi mẹ nghe phong thanh đâu đó việc “kinh doanh” của tôi. Mặc dù vậy, tôi vẫn hả hê, mãn nguyện với 25 rupees kiếm được – cả một gia tài đối với một thằng lớp 4.

Nhưng ở cái đất nước này, việc bạn muốn làm nghề gì khác ngoài kỹ sư hay bác sĩ cũng là một cái tội. Từ “doanh nhân” không có đất để tồn tại, và nếu muốn làm điều gì đó cho riêng mình, bạn sẽ bị đối xử như một tên khủng bố.

Sau cuộc tranh cãi với dì Anu, tôi cứ dán mắt vào cái quạt trần trong cỡ một tiếng đồng hồ, kiểu như làm thế thì sẽ tu thành chính quả ấy. Tôi nằm nhìn cái quạt và suy nghĩ. Vô số suy nghĩ bay lượn trong đầu tôi về cái xã hội phi lý đến phát bệnh khi ngăn cản một người làm những gì anh ta thực sự đam mê.

Nhưng khi bạn là một thằng vô công rồi nghề, có một thứ mà cuối cùng bạn cũng sẽ đổ phần lớn thời gian vào nó – đó chính là FACEBOOK.

Hiện tượng mạng xã hội này chính là thứ đã đánh cắp mất một nửa tổng hiệu suất lao động của cả thế hệ chúng tôi. Cho dù ở nơi làm việc, ở nhà hoặc đơn giản là thất nghiệp như tôi, có một thứ mà tất cả bọn con trai sẽ sử dụng để “tăm tia” các cô gái – chính là FACEBOOK. Một điều nực cười là, cho dù bạn ghét phải thừa nhận nó đến mức nào, bạn vẫn luôn lén lút dõi theo những cô nàng trong danh sách bạn bè của bạn. Bạn ngắm nghía những bức ảnh của họ, lục tìm sở thích của họ, ngốn ngấu thông tin về họ, thế rồi bạn sảy chân lạc vào trang cá nhân của mấy cô bạn gái xinh xắn của họ, cứ thế và cứ thế. Việc khôn ngoan nhất mà Facebook làm, đó là không bao giờ tiết lộ kẻ đã lẳng lặng ghé thăm trang cá nhân của bạn. Lẽ ra tôi chẳng bao giờ nên xem thông tin của Devika. Ấy vậy mà tôi xem thông tin của cô ấy liên tục. Mỗi lần nhìn thấy bức ảnh đại diện đen trắng của cô ấy, trái tim tôi lại như muốn tan chảy. Tôi cũng không thể rời mắt khỏi chiếc khuyên mũi đính kim cương và cái hình xăm nho nhỏ ở gần cạp quần của cô.
Vâng vâng, tôi biết rồi. Tôi đã ngắm tổng cộng 367 bức ảnh của cô ấy, thì sao nào?
Chắc bạn chưa từng theo dõi ai trên Facebook ý nhỉ?

Cứ gọi tôi là thằng cổ hủ cũng được, nhưng khuyên mũi và hình xăm trên người của một cô gái Nam Ấn Brahmin đơn giản là làm cho cô ấy trông thật khó cưỡng, nhìn cứ như thánh thần hiển linh vậy. Tôi từng đôi lần nghĩ đến việc “kết bạn” với cô, nhưng vẫn chưa đủ dũng khí để làm điều đó. Hơn nữa, dẫu có vô số bạn chung, cô ấy cũng có thể cho tôi là một thằng gàn dở lắm chứ. Trên hết, tôi là một thằng ăn bám vô vị.

Trong khi tôi đang bận rộn chiêm ngưỡng hình xăm của Devika thì thằng Mal bắn tin sang:

“Ê mày, còn sống đấy chứ?” Nó viết.

“Ha ha, cũng tàm tạm, mày ạ.”

“Gặp nhau tợp miếng trà và làm vài điếu chứ hở?” “Ưng đó, khi nào đây bạn hiền?”

“7 giờ tao tan làm. Gặp nhau ở Shiva’s nhé?”

Shiva’s là một quán trà trong khu phố của chúng tôi. Không gì có thể sánh bằng hỗn hợp mùi của một vài gia vị trà Shiva’s xộc lên, một bao Classic Mild và rõ ràng thời tiết ở Bangalore thật miễn chê. Ông chủ Shiva’s và mấy tay bồi bàn của quán là những gã dám nghĩ dám làm, những người hùng của trái tim tôi. Khi bài hát “Sutta na Mila” đang ở đỉnh cao được ưa chuộng, họ đã tận dụng nó để lôi kéo và khiến khách hàng nấn ná lại hút thuốc lâu hơn, nhờ thế mà tăng doanh thu của cửa hàng.
Thằng Mal đến siêu đúng giờ, chúng tôi ngồi xuống cùng tợp trà và làm vài điếu thuốc.

“Đêm qua kinh hoàng quá mày nhỉ?” Tôi nói.
“Uh, đúng là kinh hoàng”, thằng Mal nói. “Mẹ tao tóm được khi tao về đến nhà.

Chết tiệt.” Thằng Mal hiếm khi bị dính tóm như vậy lắm.

“Còn tao thì được ăn nguyên cả bài giáo huấn,” tôi rít một hơi. “Và bà dì Anu chết giẫm cũng ở đó.”

Thằng Mal cười như điên, suýt sặc cả trà. “Dì Anu hả? Mày chắc phải được nghe đã tai lắm hử?” Chẳng có đứa bạn nào của tôi là không biết đến danh tiếng của dì ấy; chuyện về dì ấy, nói chẳng ngoa, đã trở thành giai thoại rồi ấy chứ.

“Mẹ kiếp. Mày có nhớ chuyện chúng ta nói đêm qua không?”

“Tao không say bí tỉ chỉ với hai chặp bia như mày đâu”, thằng Mal cười toe toét. “Vậy mày nghĩ sao?” Tôi hỏi

“Làm lẹ đi thôi, còn chờ gì nữa,” nó nói, như thể đóng dấu triện cho cái số phận đang bắt đầu thành hình của chúng tôi.

Đó là một ý tưởng rất oách: Chúng tôi sẽ gây dựng một công ty chuyên làm sản phẩm cho hội cựu sinh viên của trường và các trường đại học khác, đồng thời cũng cung cấp cho cộng đồng sinh viên nói chung. Chuẩn, quả là một ý tưởng quá oách. Nhưng tất cả chỉ mới đang dừng lại ở đó.

Một thực tế nan giải là mọi ý tưởng tuyệt vời đều cần đến tiền. Chúng tôi vẽ ra một viễn cảnh thế này, những cửa hàng bán lẻ được mở ra trên toàn quốc, chất đầy những sản phẩm dành cho trường học và cao đẳng của mỗi thành phố. Nhưng “chum to nhiều nước mới đầy”, một dự án sẽ chỉ là mớ giấy lộn nếu không có một khoản đầu tư kếch xù. Thằng Mal thì đang “cày thuê” tại KGMP, còn tôi, chính cống là một thằng thất nghiệp giẻ rách. Họa có điên mới đi đầu tư cho cái lũ chúng tôi. Cũng đừng có mơ tưởng đến việc vay mượn gia đình hay bạn bè. Thế nên, chẳng còn cách nào khác là phải tạo ra những cách thức của riêng mình, đi trên đôi chân của chính mình để không phải dựa dẫm vào bất kỳ ai.

Mal và tôi gấp rút lên kế hoạch thực hiện việc này. Những ý tưởng kinh doanh điên rồ cứ thế được tuôn ra trên bàn nhậu, những con số được ước lượng, kế hoạch hoành tráng được lập ra, nhưng chỉ qua ngày hôm sau, cơn chuếnh choáng bay biến, mọi thứ cũng tịt ngóm. Cầu giời lạy phật cho cái ý tưởng này sẽ không đội nón ra đi như thường lệ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.