Tôi Muốn Cuộc Đời Như Tôi Muốn

Oh F**K và lời thú tội hùng hồn



Ngày hội cựu sinh viên của Joseph’s diễn ra vào tháng 9 năm 2009 đúng là một ngày trọng đại. Chúng tôi có một lô hàng khổng lồ bao gồm áo phông và áo nỉ dành cho họ. Thằng Sid đã phát điên lên vì mấy cái thùng hàng và chúng tôi phải sớm tìm một nơi khác để làm kho. Chúng tôi cũng nhận thêm nhiều đơn đặt hàng từ những trường khác, và bây giờ, điều duy nhất ngăn không cho chúng tôi đến với cả thế giới chỉ là cái trang web đang trong quá trình hoàn tất. Hay chí ít thì chúng tôi cũng hy vọng như vậy.

Ngày hôm sau, chúng tôi mang cả 24 thùng hàng, được chia làm hai xe đến trường St Joseph’s. Đã trở thành chuyên gia trong những ngày hội cựu sinh viên như thế này, chúng tôi không tốn quá nhiều thời gian để sắp xếp gian hàng và bày biện tất cả những thứ cần thiết. Lần này, chúng tôi có cả kho dự trữ những chiếc áo khá đẹp để bán. Chẳng cần phải đặt hàng trước, còn áo thì sẽ được chuyển về tận nhà.

Không giống như Bishop Cotton, sinh viên ở đây đến từ rất sớm, ngay khi chúng tôi bắt đầu bán hàng, và thật may làm sao, họ thích những món hàng của chúng tôi. Doanh số bán hàng tăng nhanh và một lần nữa, chúng tôi lại gặp được những nhân vật tiếng tăm trong các công ty. Thương hiệu của chúng tôi đã dần bay cao bay xa theo hình thức “truyền miệng”, một vài người còn nói họ được nghe về chúng tôi từ những người bạn Cotton của họ. Cứ thế, một đồn mười, mười đồn trăm, mặt hàng chất lượng của chúng tôi được người ta truyền tai nhau và quảng bá hộ.

Các cậu biết không, trước khi bắt tay vào gây dựng công ty, hãy nắm vững những vấn đề cơ bản. Dành nhiều thời gian và tiền bạc đầu tư vào chất lượng. Nếu chất lượng được chăm sóc kỹ lưỡng thì mọi người ắt tự động kháo nhau về sản phẩm và các cậu sẽ không phải vứt hàng đống tiền qua cửa sổ để quảng cáo. Không có gì tốt hơn là quảng bá truyền miệng. Hãy tin tôi đi.

Thằng Mal vừa đi ra ngoài nghỉ trưa, còn lại tôi trông hàng một mình. Quả thật là bận tối mặt tối mũi, tôi còn chẳng có thời gian gặp gỡ ai cả. Đột nhiên, một giọng nói thân quen hỏi tôi một điều gì đó.

“Xin chào, chiếc áo nỉ này giá bao nhiêu thế?” Cái giọng sao mà ẻo lả và kỳ dị phát gớm.

“5 lít(1)”, tôi thậm chí còn không nhìn lên.

“Đắt quá, Varun.”
Oái. Cái quái gì thế?

Tôi ngước lên thì hóa ra đó là Arjun, vẫn với cái giọng eo ẻo của nó. Nó làm cái quái gì ở đây thế? Nó có phải là sinh viên của Joseph đâu.

“Arjun, ừ, chú em làm gì ở đây thế?”

“Gia đình Rahul ở đây. Chúng em đến với cậu ta.” “À, ok… Dì Anu vẫn khỏe chứ?”

“Vâng, mẹ em vẫn khỏe, mẹ em đang ở đây, anh có muốn gặp không?”

Ok, tôi chẳng ngán đếch gì.

“À, không. Bình tĩnh đã, đi đâu mà vội?” “Nhưng này anh, đây là sở thích hay cái gì thế?” “Uh, một dạng như thế.”

“Vậy thì tốt nhất anh nên đóng cửa sớm đi. Anh sẽ đi làm vào ngày thứ Hai tới phải không?”

“Ừ, đúng, thực ra thì…”

Trước khi tôi có thể nói được điều gì thì thằng khốn đấy đã gọi mẹ nó, “Mẹ ơi, mẹ ơi, lại đây,” và bắt đầu vẫy vẫy tay như con gái.

Và dì Anu đến rồi đây. Mạch của tôi đập loạn lên, tôi sắp hóa đá tới nơi rồi. Cuộc chơi của tôi bắt đầu.

“Varun, cháu làm gì ở đây vậy?”

“À, dì…”

“Aaaa, đây là cái gì? Poo có biết không?”

“Uhm…”

“Cháu đang bán quần áo đấy hả?”

“Không dì ơi…”

“Hừ, quả là quá sức tưởng tượng đấy. Đây có phải chính là những gì cháu đang làm không hử Varun?”

Mọi người xung quanh ngừng nói chuyện và nhìn chúng tôi, cứ như thể tôi nhập lậu áo từ Dubai về và dì Anu vừa mới bắt quả tang được hành động bất hợp pháp của tôi vậy.

Và đúng lúc đó, thằng Mal lạnh lùng đi tới.

“Hả? Rohn, cả cháu nữa ư?” Bà dì Anu hỏi Rohn giọng đầy kinh ngạc.
Cứ như thể nó vừa giúp tôi thủ tiêu ai đó.

“Ồ vâng, thưa cô. Varun và cháu cùng nhau kinh doanh, cô không biết ạ?”

Thằng Mal kéo tôi ra một góc và nói, “Tao phải làm điều này. Mày vẫn chưa nói ra, vậy nên ai đó sẽ phải giúp mày thôi.”
Nghẹn ngào làm sao.
Không ngoài dự đoán, hai phút sau tôi nhận được cuộc gọi là Lalit.

“Bhaiya, về ngay. Mẹ cháu đang khóc đây này.”

Thế là tôi coi như tiêu đời.

Thằng Sid bán hàng hộ tôi, còn tôi phi thẳng về nhà để giải quyết tình hình. Khi đến chỗ xe taxi, một tấm áp phích lớn trên tường đập vào mắt tôi, có ghi – “Mẹ là đấng tối cao.”

Cảnh tượng ở nhà không thể tệ hơn. Mẹ tôi tựa đầu vào một bên ghế sô pha. Nước mắt lăn dài trên má. Đám “tùy tùng” của bà nom cũng không khá khẩm hơn. Lalit khóc lóc theo và Sivamma mang bộ mặt như đưa đám. Cảnh tượng quá thê lương, lần này thì không còn ai có thể giúp tôi được. Không có thằng Mal, không có thằng Sid hay Rohit, không ai cả. Tôi sẽ phải tự mình đương đầu và thú nhận với mẹ tôi mọi điều.

“Mẹ,” tôi cất lời và bà bắt đầu khóc to hơn.

Đám tùy tùng của bà như thể thấy vẫn chưa đủ nước mắt, liền hùa vào khóc lóc theo, điều này thực sự gây thêm khó khăn cho tôi.

“Con đã nói dối mẹ, con đã nói dối mẹ.” Bà vừa nói vừa khóc.

“Mẹ ơi, con đâu có.”

“Con làm mẹ thất vọng. Con không còn là con của mẹ nữa.” “Mẹ, mẹ đang làm quá mọi chuyện lên đấy.”

“Cút ngay, Varun, mẹ không muốn nói chuyện với mày nữa.” “Nhưng mẹ ơi,” và mẹ tôi bắt đầu khóc to hơn.
Và hai tùy tùng của bà cũng vậy.

“Thôi được, con đang định kể cho mẹ nghe một câu chuyện. Sau khi nghe xong, mẹ muốn làm gì cũng được, ok?”

Không một phản hồi.

“Mẹ có nhớ chuyến bay chúng ta trở về từ Kolkata và con nói chuyện không ngừng với người đàn ông ngồi ghế kế bên không?”

Tên của ông ta là Rajan. Ngài Rajan chính là người mà mẹ mong muốn con trở thành. Ông ấy học ở Harvard, nhận bằng tiến sĩ ở Kellogg, làm việc cho những công ty hàng đầu và hiện là phó chủ tịch của một trong bốn công ty lớn. Nhưng ông lại đi du lịch và ngồi ghế hạng thường, với chúng ta, quả là điều đáng ngạc nhiên. Con đã nói vài lời về Alma Mater, và thật tình cờ làm sao, ông ấy đã xem một trong số những ấn phẩm quảng cáo của chúng con. Ông ấy rất hài lòng với ý tưởng này, thế nên, con với ông ấy đã nói về mọi chủ đề, từ đầu tư, đầu tư mạo hiểm, tài trợ, mở rộng quy mô, v.v…

Ngài Rajan còn nói với con về một người bạn tên là Ashok. Ashok và Rajan học ở IIT Bombay và tốt nghiệp năm 1971. Ashok dẫn đầu lớp, luôn nhận được huy chương vàng, học bổng và mọi thứ. Ông ấy được những người bạn bình chọn là người sẽ trở thành triệu phú đầu tiên ở tuổi 30.

Ashok và Rajan đều được nhận vào chương trình kinh doanh uy tín của Harvard. “Ashok có một niềm đam mê vô bờ bến đối với xe hơi,” Rajan đã nói với con như thế. Cả hai cùng làm việc cật lực, nhưng để bắt kịp với tài năng của Ashok quả là điều khó khăn đối với hầu hết các sinh viên. Khi lễ tốt nghiệp đang tới gần, Ashok trở thành ứng cử viên sáng giá và công ty nào cũng muốn lôi kéo ông ta về mình. Ra trường, Rajan có được một công việc tại một công ty đầu tư hàng đầu, còn Ashok lại làm việc cho một công ty máy tính chẳng mấy ai biết đến với cái tên phỏng theo một loại trái cây.

Những ngày trước khi Facebook ra đời, thì mẹ ạ, Rajan và Ashok đã mất liên lạc. Họ không gặp lại nhau sau rất nhiều năm. Rajan kể với con là ông hiện đang tới Ấn Độ để làm việc và đang lái chiếc xe của một hãng nổi tiếng. Xe của ông ta bị hỏng và phải đưa đến một gara sửa xe. Lúc đó là giờ ăn trưa nên phần lớn mọi người đã đi ra ngoài. Chỉ còn lại một người thợ máy, tuy bị làm phiền, nhưng ông ta vẫn vui vẻ giúp đỡ. Khi hoàn thành xong công việc, người thợ cơ khí thoáng nhìn thấy người đàn ông đang ngồi trong chiếc Mercedes. ‘Rajan?’, người thợ máy hỏi vẻ hoài nghi. Ngài Rajan không thể tin vào mắt mình được. Đó chính là Ashok.

Sau khoảng thời gian ngắn làm việc cho Apple, Ashok nhận ra niềm đam mê thực sự của mình là xe hơi nên quyết định quay về Ấn Độ và phát triển một vài bộ phận chính của động cơ xe hơi. Những sản phẩm này của ông đã được bán rất chạy và ông mở xưởng sửa chữa này, sửa mọi chiếc xe dưới sự hỗ trợ của những người thợ. Và ông ấy nói, mỗi ngày trôi qua, ông cảm giác như mình thực sự được làm việc.

Khi máy bay hạ cánh, ngài Rajan đã gợi ý cho con về việc xem một bộ phim tên About Schmidt . Ông ấy nói ông ấy cũng có cảm giác giống y như nhân vật chính.

Con đã tìm và xem bộ phim này ngay tối hôm đó. Bộ phim bắt đầu bằng ngày cuối cùng làm việc của Schimidt. Ông ta nghỉ hưu ở tuổi 60 và là phó chủ tịch của một công ty rất uy tín. Đột nhiên, ông nhìn lại cuộc đời mình và tự hỏi làm sao ông ta lại bị mắc kẹt trong những lối mòn mà không một lần nghĩ đến chuyện mình thực sự muốn gì. Ông ta tốt nghiệp Harvard, đi làm, kết hôn và tự hỏi tại sao mình không thèm dành ra một ngày trong quãng thời gian đó để nghĩ về điều ông thực sự muốn và làm theo nó.

Trước khi chia tay, Rajan nói, “Tôi 60 tuổi, vô cùng giàu có và đang giữ một vị trí cao trong một công ty lớn. Khi nhìn lại, tôi có thể nói, tôi đã đạt được mọi thứ mà bất cứ ai cũng đều muốn tôi đạt được.”

“Và mẹ biết câu cuối cùng của ông ấy là gì không?”

“Tôi không sống một cuộc đời như tôi muốn. Tôi đã sống cuộc đời của một kẻ khác.”

Và tôi kết thúc câu chuyện của mình. Sự tĩnh lặng bao trùm cả căn phòng. Nước mắt của mẹ tôi lại tuôn rơi.

“Mẹ ơi, con không muốn trở thành một ngài Rajan. Con không muốn sống một cuộc đời như ông ấy.”

“Nhưng tại sao con không nói với mẹ sớm hơn về công việc kinh doanh của con?” Bà nói với giọng nghẹn ngào.

“Bởi con biết mẹ sẽ ngăn cản con làm việc đó.” “Tại sao mẹ lại ngăn cản con cơ chứ?”

“Bởi đó là những gì mà bậc cha mẹ nào cũng sẽ làm, phải không ạ? Họ không bao giờ muốn con cái mình gặp rủi ro cả.”

“Tất nhiên rồi, con biết bố mẹ đã phải hy sinh vì con. Và tại sao? Bởi bố con cũng đã từng khởi nghiệp. Chúng ta đều biết nó khó khăn đến mức nào và chúng ta không muốn con phải trải qua những chuyện đó.”

“Nhưng mẹ ơi, nếu như bố mẹ nào cũng nghĩ như vậy, thì làm sao chúng ta có được những doanh nhân ở cái đất nước này? Nếu mẹ của Azim Premji cũng nói những điều tương tự với ông ấy, thì ai sẽ tạo công ăn việc làm cho thằng Rohit?”

“Mẹ biết…”

“Mẹ à, con thực sự rất yêu thích công việc đang làm. Đây là ý tưởng của chúng con, việc kinh doanh của chúng con. Con muốn nhìn thấy nó phát triển. Con không thể nghĩ đến một điều gì khác, ngày qua ngày, thứ duy nhất luẩn quẩn trong đầu con đó là Alma Mater. Lúc nào con cũng nghĩ đến việc chúng con sẽ phải làm gì tiếp theo? Làm thế nào để bán được hàng và làm thế nào để tăng thêm vốn? Rồi cả tỷ thứ như vậy nữa. Đây là cuộc đời của con, mẹ ơi. Làm ơn đừng bắt con phải rời xa nó.”

“Ôi con, đã bao giờ mẹ ngăn cản con làm những gì con muốn chưa?”

“Bởi mẹ lúc nào cũng nghe theo dì Anu. Những gì dì ấy quyết định cho con sẽ là

quyết định cuối cùng.”

“Dì Anu là cái thá gì mà dám quyết định thay con??” Mẹ tôi hét lên.

Oái, chờ đã. Tôi có nghe nhầm không đấy? Ngay cả hai tùy tùng của mẹ tôi cũng giật mình thảng thốt.

“Dì Anu chỉ can thiệp bởi con đang bối rối mà mẹ thì chẳng biết phải làm gì cả. Dì ấy không phải là người có thể áp đặt bất cứ một quyết định nào lên con và cuộc đời của con hết. Nếu con muốn làm công việc này, con hãy cứ việc làm và Anu Panu không thể nói ra nói vào được đâu.”
Thôi được, chắc tôi đang mơ. Họ đang cãi nhau à? Hay đại loại thế?

“Hồi con học lớp 1, con muốn một chiếc xe hơi tự động. Lúc đó, bố con vẫn chưa dư dật để có thể mua cho con chiếc xe đó. Nhưng mẹ không bao giờ từ chối con điều gì, thế nên mẹ đã bán vòng tay của mẹ và mua nó cho con. Con nghĩ là mẹ sẽ ngăn cấm con được hạnh phúc ư?”

Câu nói ấy của mẹ quả thật đã khiến tôi nghẹn ngào. Người ta nói, mẹ chính là người gần với Chúa nhất mà bạn có được, tôi đã khắc cốt ghi tâm câu nói đó. Không thể kìm nén được thêm giây phút nào nữa, tôi lao tới ôm lấy mẹ, chúng tôi đã khóc một hồi lâu. Một thằng con trai trưởng thành khó mà tìm được cách thể hiện tình cảm của mình, nhất là đối với mẹ. Không phải chúng tôi không yêu thương họ, chúng tôi chỉ không biết phải biểu đạt nó ra sao. Phần lớn, các bà mẹ lại nghĩ điều ấy theo chiều hướng sai lệch và cho rằng con trai họ không còn yêu quý họ. Nhưng quả tình, chúng tôi vẫn luôn yêu thương họ, chỉ là chúng tôi không thể nói ra. Tôi ôm mẹ thật chặt. Thế rồi, tôi ngủ thiếp đi trên đùi bà như hồi còn là một cậu nhóc. Có lẽ đây mới là điều tôi cần. Tôi muốn tình yêu thương của mẹ quay trở lại.
Cứ gọi tôi là thằng ẻo lả nếu muốn, nhưng tôi yêu mẹ tôi vô ngần.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.