Chín Mươi Ba

CHƯƠNG 7: AI RA KHƠI LÀ CHƠI XỔ SỐ



Nhưng rồi con tàu sẽ ra sao?
Suốt đêm, mây cứ là là mặt biển, bây giờ mây càng sà thấp đến nỗi tưởng như không còn chân trời nữa và biển cả như đang khoác một chiếc áo rộng. Chỉ thấy toàn là sương mù. Ngay đối với một con tàu còn tốt, tình huống ấy vẫn là nguy kịch.
Đã sương mù lại thêm sóng dữ.
Người ta đã tranh thủ thời gian, để cho con tàu được nhẹ nhõm, người ta đã vứt xuống biển tất cả những vật bị khẩu pháo phá hủy, nòng pháo hỏng, bệ súng vỡ, những bộ phận trên tàu đã long đanh hoặc cong vắt, những mảnh ván, khúc sắt gãy vụn; người ta đã mở các cửa sổ thành tàu và đã dùng những tấm ván để trút xuống bể những xác chết và những mảnh thây người nát vụn bọc trong những túi vải bạt.
Mặt biển bắt đầu chuyển dữ dội. Cơn bão chắc chắn không đến nhanh; trái lại, nghe như cơn bão đang chuyển ào ào và giảm dần ở phía sau chân trời, luồng gió chuyển lên hướng bắc; tuy vậy, sóng biển dâng rất cao, đó là dấu hiệu đáy biển động và con tàu ọp ẹp như thế không chịu nổi những cơn lắc mạnh, gặp sóng to thì thật là tai hại.
Gacquoil vẫn đứng đăm chiêu ở tay lái.
Tươi tỉnh trước nguy nan, đó là thói quen của những người chỉ huy trên mặt biển.
La Vieuville, người vốn vui tính ngay trong hoàn cảnh bi đát nhất, đến bên Gacquoil. Ông ta bảo:
— Này, bác hoa tiêu, bão chuyển hướng khác rồi. Nó muốn hắt hơi mà không được. Thế là thoát. Gió sẽ mạnh lên. Thế thôi.
Gacquoil nghiêm nghị, đáp:
— Còn gió là còn sóng.
Không vui, không buồn, con người thủy thủ là như vậy.
Câu trả lời có một ý nghĩa đáng lo ngại. Với một con tàu đã ngấm nước, nói “còn sóng” tức là “chóng ngập nước”. Gacquoil hơi chau mày lại để nhấn mạnh thêm điều tiên đoán của mình. Có lẽ sau câu chuyện tai hại về khẩu pháo và người pháo thủ, La Vieuville đã bông lơn quá sớm. Còn ở ngoài khơi, còn nhiều điều gieo tai họa. Biển cả là bí mật; nào ai lường được nó chứa chấp những gì. Phải đề phòng.
La Vieuville thấy cần trở lại nghiêm túc.
— Chúng ta đang ở đâu hoa tiêu? – La Vieuville hỏi.
Người hoa tiêu trả lời:
— Chúng ta đang ở trong ý muốn của Chúa.
Hoa tiêu là một người làm chủ; thường phải để mặc anh ta làm và đôi khi để mặc anh ta nói. Vả chăng, hạng người ấy ít nói. La Vieuville bèn bỏ đi chỗ khác.
La Vieuville vừa hỏi người hoa tiêu xong, chân trời như trả lời ông ta.
Biển bỗng nhiên hiện rõ.
Sương mù đang phủ lê thê trên mặt biển bỗng rách từng mảng, những đợt sóng tối sẫm trải ra xa tắp trong ánh sáng mờ mờ, và họ đã trông thấy rõ.
Mây tụ lại như một cái vung trên trời; nhưng mây không sà thấp xuống mặt nước nữa; phía đông, hiện lên một màu bàng bạc lúc sang ngày, phía tây tái nhợt một màu bàng bạc lúc trăng lặn. Hai vệt sáng trắng nhờ nhờ đối diện nhau ở hai phía chân trời giữa cảnh biển âm u và vòm trời tăm tối.
Trên hai vầng sáng đó, in rõ nhiều hình thù đen sẫm, sừng sững, không nhúc nhích.
Phía tây, trên nền trời còn sáng ánh trăng, nổi bật lên hình ba khối đá cao đứng sừng sững như những nham tự thạch từ đời Celte còn lưu lại [26].
Phía đông, nơi chân trời tái nhạt ban mai, in hình tám chiếc tàu buồm dàn thành tuyến tiếp cận nhau một cách đáng sợ.
Ba khối đá là dãy núi đá ngầm nổi lên giữa biển. Tám chiếc tàu buồm kia là một hạm đội.
Như vậy, đằng sau họ là dãy Minquiers nổi tiếng nguy hiểm, và đằng trước họ là hạm đội tuần tiễu Pháp. Phía tây là vực thẳm, phía đông là cuộc tàn sát; họ đang bị kẹp giữa cái thế hoặc bị đắm tàu, hoặc phải chiến đấu.
Đối phó với đá ngầm, con tàu chỉ có một cái vỏ thủng, những khí cụ rã rời, những cột buồm lung lay tận gốc; còn để giao chiến, một khẩu đội ba chục pháo thì hai mươi mốt khẩu đã bị xộc xệch và những pháo thủ thiện chiến nhất đã chết rồi.
Trời mới tờ mờ sáng, và phía trước vẫn còn mờ mờ bóng đêm. Có thể còn lâu mới sáng rõ vì mây cao, dày và đen đặc, trông như một cái vòm vững chãi. Cuối cùng gió đã cuốn hết những đám sương mù thấp là là và đang đẩy con tàu đến dãy Minquiers.
Con tàu mệt mỏi và hư nát, hầu như không theo chiều lái, cứ thế trôi băng băng, phó mặc cho sóng dồi.
Minquiers, một dãy đá ngầm ghê rợn, thời đó còn gập ghềnh hơn ngày nay nhiều lắm. Bức thành của vực thẳm ấy có vô số cái tháp đã bị san bằng vì sóng biển không ngừng cắt xén; hình dãy đá ngầm luôn luôn thay đổi; không phải là vô hình mà sóng còn gọi là lưỡi dao, mỗi đợt thủy triều là một mạch cưa. Vào thời đó, đụng vào dãy Minquiers là tự sát.
Về phía hạm đội tuần tiễu, đó là hạm đội Cancale, nổi tiếng từ khi thuyền trưởng Duchesne chỉ huy, người mà Leskinio gọi là “bố Duchêne” [27].
Hoàn cảnh thật nguy ngập. Con tàu, trong khi xảy ra vụ tuột xích pháo, đã đi chệch hướng về phía Granville chứ không phải về Saint-Malo mà không biết. Dù nó còn có thể giương buồm vượt sóng thì dãy Minquiers cũng đã chặn mất đường rút về đảo Jersey, và hạm đội tuần tiễu cũng đã chặn mất đường vào đất Pháp.
Vả chăng, bão tuy không có, nhưng vẫn còn sóng, đúng như người hoa tiêu đã nói. Đại dương cuồn cuộn dưới luồng gió hung dữ và trên một đáy biển đang gào thét, trông thật tàn bạo.
Biển cả chẳng bao giờ chịu nói ngay cái mà nó muốn. Trong vực thẳm có tất cả, kể cả sự lừa lọc. Hầu như có thể nói rằng biển có một thủ tục riêng; tiến rồi thoái, đề nghị rồi thủ tiêu, phát ra một cơn bão tố rồi lại thôi, dứ vực thẳm rồi lại ngừng, dương đông mà lại kích tây. Suốt đêm, tàu Claymore chìm trong sương mù và sợ một cơn bão; nhưng biển vừa lật lọng một cách tàn bạo; nó phác ra một trận bão nhưng lại đẩy con tàu đến chỗ đá ngầm. Rốt cuộc cũng là nạn đắm tàu, dưới một hình thức khác.
Con tàu có thể vừa bị đắm vì đá ngầm, vừa bị tiêu diệt trong chiến đấu. Kẻ địch nọ tiếp tay cho kẻ địch kia.
La Vieuville cười dũng cảm, kêu lên:
— Chỗ này tàu đắm, chỗ kia chiến trường. Ở cả hai phía chúng ta đang chơi xổ số.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.