Chín Mươi Ba

CHƯƠNG 2: XIN CÁC NGƯỜI CHỨNG MINH CHO, BẰNG TIẾNG VANG QUA BÓNG TỐI



Danton vừa đứng lên; ông ta gạt mạnh chiếc ghế ra phía sau và nói to:
— Các anh nghe đây, chỉ có một điều khẩn cấp là nền cộng hòa đang lâm nguy. Tôi chỉ biết một việc là cứu nước Pháp thoát khỏi quân thù. Để đạt mục đích ấy, tất cả các phương sách đều tốt. Tất cả! Tất cả! Tất cả! Khi tôi phải đối phó với mọi nguy hiểm thì tôi tìm mọi kế, và khi tôi sợ tất cả thì tôi cũng coi thường tất cả. Ý nghĩ tôi như một con sư tử cái. Làm cách mạng không thể nửa vời, không thể dè dặt. Thần Báo oán không phải là một cô gái e lệ rụt rè. Chúng ta phải tỏ ra đáng sợ và hữu ích. Có bao giờ con voi lại nhìn chỗ nó đặt chân lên? Phải nghiến nát kẻ thù. Robespierre đáp lại một cách dịu dàng:
— Tôi muốn thế lắm – Và ông nói thêm – Vấn đề là ở chỗ, biết được kẻ thù ở đâu.
— Nó ở bên ngoài, và tôi đã tống cổ nó đi – Danton nói.
— Nó ở bên trong, và tôi đang theo dõi nó – Robespierre đáp lại.
— Tôi cũng sẽ tống cổ cả nó nữa – Danton tiếp.
— Người ta không đuổi được kẻ thù bên trong.
— Thế thì làm thế nào?
— Tiêu diệt.
— Tôi tán thành – Danton nói.
Rồi ông lại tiếp luôn:
— Robespierre, tôi đã nói là kẻ thù ở bên ngoài.
— Danton, tôi nói là chúng ở bên trong.
— Robespierre, chúng ở ngoài biên giới.
— Danton, chúng ở Vendée.
— Hãy bình tĩnh – Một tiếng thứ ba cất lên – Chúng ở khắp nơi; nguy lắm rồi.
Người vừa nói là Marat.
Robespierre nhìn Marat và bình tĩnh tiếp:
— Xin miễn bàn phiếm. Đây là những dẫn chứng cụ thể.
— Lại ba hoa! – Marat làu bàu.
Robespierre đặt tay lên mớ giấy tờ trải trước mặt và tiếp tục:
— Tôi vừa thông báo những bức điện của Prieur De La Marne và những tin tức mà Gélambre đã thu lượm được. Danton, phải biết là chiến tranh chống ngoại xâm chẳng nghĩa lý gì đâu, nội chiến là tất cả. Chống ngoại xâm như sướt tí da ở cùi tay thôi; nội chiến như mụn loét ăn ruỗng lá gan của chúng ta. Từ các điều tôi đã thông báo có thể tóm lại như thế này: bọn phiến loạn ở Vendée trước đây phân tán từ nay đã bắt đầu tập trung. Chúng sắp có một thủ lĩnh chung…
— Một tên tướng cướp đầu sỏ – Danton lẩm bẩm.
Robespierre tiếp:
— Chính là tên đã đổ bộ gần Pontorson ngày 2 tháng 6. Các ngài đã biết nó là ai. Xin nhớ rằng cuộc đổ bộ ấy rất ăn khớp với việc quân phản phúc Calvados bắt hai đại diện của chúng ta đang kinh lý ở Bayeux là Prieur De La Côte-d’Or và Romme cùng ngày hai ấy.
— Cũng là ngày chúng chuyển giam hai người bị bắt sang lâu đài Caen – Danton nói.
Robespierre lại tiếp:
— Tôi tiếp tục tóm tắt các tin tức. Chiến tranh rừng rú đang tiến hành trên một qui mô lớn. Đồng thời, bọn Anh đang chuẩn bị đổ bộ; bọn Vendée và bọn Anh là một đồng một cốt [79]. Những quân thô bỉ ở Vendée cùng nói một thứ tiếng với những thằng chó chết ở Anh [80]. Tôi đã đưa các ông xem một bức thư bắt được của Puisaye [81], trong ấy có nói là “phát hai vạn chiếc áo đỏ cho những người khởi nghĩa là sẽ thúc đẩy mười vạn người khác nổi dậy”. Khi nào bọn dân quê đã nổi lên khắp nơi thì bọn Anh sẽ đổ bộ. Kế hoạch thế này: các anh theo dõi ở bản đồ.
Robespierre đặt ngón tay lên bản đồ và nói tiếp:
— Bọn Anh đang chọn địa điểm đổ bộ từ Cancale đến Paimpol. Craig [82] muốn đổ bộ lên vũng Saint-Brieuc, Cornwallis lại muốn lên vùng Saint-Cast. Đó là một chi tiết. Tả ngạn sông Loire có quân phiến loạn Vendée canh giữ, còn hai mươi tám dặm trống trải giữa Ancenis và Pontorson thì bốn mươi giáo khu Normandie đã hứa hẹn hợp lực. Chúng sẽ đổ bộ ba chỗ, Plérin, Iffiniac và Pléneuf, chúng sẽ tiến đến Saint-Brieuc, từ Pléneuf tiến đến Lamballe; ngày thứ hai, chúng chiếm Dinan, ở đấy có chín trăm tù binh Anh và chúng sẽ chiếm luôn Saint-Jouan, và Saint-Méen, rồi để kỵ binh lại đó: ngày thứ ba, hai cánh quân, một từ Jouan tiến qua Bédée, một từ Dinan tiến qua Becherel, một pháo đài thiên nhiên, và ở đấy, chúng sẽ đặt hai khẩu đội; ngày thứ tư, chúng tới Rennes. Rennes là chìa khóa của xứ Bretagne. Ai chiếm được Rennes là chiếm được tất cả. Rennes bị chiếm thì Châteauneuf và Saint-Malo thất thủ.
Ở Rennes có một triệu viên đạn và năm mươi cỗ dã pháo.
— Mà chúng sẽ đoạt tất – Danton lẩm bẩm.
Robespierre tiếp:
— Tôi xin nói nốt. Từ Rennes, ba cánh quân sẽ tràn lên vùng Fougères, Vitré, Redon. Các cầu đã bị phá nhưng các ông đã thừa biết là bọn giặc sẽ dùng câu nổi ghép lại và chúng sẽ có liên lạc đưa kỵ binh qua những chỗ có thể lội được. Từ Fougères chúng tỏa ra vùng Avranches, từ Redon chúng tỏa ra vùng Ancenis, từ Vitré tỏa ra Laval. Nantes sẽ đầu hàng, Brest sẽ đầu hàng. Chiếm Redon là chiếm được cả lưu vực sông Vilaine, chiếm Fougères là chiếm được đường đi Normandie, còn vị trí Vitré mở đường tiến về Paris. Trong vòng mười lăm ngày, quân giặc sẽ lên tới ba mươi vạn người, và tất cả xứ Bretagne sẽ lọt vào tay vua Pháp.
— Nghĩa là vào tay vua Anh – Danton nói.
— Không, vào tay vua Pháp.
Robespierre tiếp:
— Vào tay vua Pháp mới tệ hại. Chỉ cần mười lăm ngày là đủ đuổi được bọn ngoại xâm, nhưng phải một ngàn tám trăm năm mới trừ được chế độ quân chủ.
Danton ngồi xuống, chống cùi tay lên bàn, hai tay ôm lấy đầu, mơ màng.
Robespierre nói:
— Các anh thấy nguy cơ đấy, Vitré mở đường cho bọn Anh xuống Paris.
Danton ngẩng đầu lên, dằn hai nắm tay xuống bản đồ như lên chiếc đe vậy:
— Này, Robespierre, Verdun chẳng mở đường cho bọn Phổ vào Paris là gì?
— Thì sao?
— Thì ta sẽ đuổi bọn Anh như ta đã đuổi bọn Phổ.
Nói xong Danton lại đứng dậy.
Robespierre đặt bàn tay giá lạnh của mình lên bàn tay nóng hổi của Danton:
— Danton, xứ Champagne trước đây không theo bọn Phổ. Còn xứ Bretagne ngày nay lại theo bọn Anh. Giành lại Verdun là chống ngoại xâm; giành lại Vitré là dẹp nội chiến.
Robespierre lẩm bẩm, giọng lạnh lùng và sâu sắc:
— Hai việc khác nhau xa.
Rồi tiếp luôn:
— Danton, hãy ngồi xuống, và nhìn rõ bản đồ chứ đừng đấm vào nó.
Nhưng Danton vẫn trầm ngâm suy nghĩ.
— Thế mới quá quắt! – Danton thét lên – Tưởng là nguy cơ ở phía tây khi nó ở phía đông. Robespierre, tôi đồng ý với anh là nước Anh thì ở giữa đại dương; nhưng Tây Ban Nha ở phía Pyrénées, Ý ở phía Alpes, Đức ở phía sông Rhin. Và phía sau kia là con gấu Nga to lớn. Robespierre anh thấy chưa? Nguy cơ thắt lại thành một vòng tròn, và ta đang lọt ở giữa. Bên ngoài cấu kết, bên trong phản bội. Phía nam, tướng Servant đang mở hé cửa nước Pháp cho vua Tây Ban Nha. Phía bắc, tướng Dumouriez [83] chạy sang hàng ngũ giặc. Vả lại, hắn từ trước vẫn đe dọa Hà Lan ít hơn là đe dọa Paris. Tướng Nerwinde xóa mờ Jemmappes và Valmy. Tên triết gia Rabaut Saint-Etienne tất nhiên một tín đồ Tin lành, phản trắc, vẫn liên lạc với tên nịnh thần Montesquiou. Quân đội bị tiêu diệt. Không tiểu đoàn nào hiện nay còn trên bốn trăm binh sĩ; trung đoàn anh dũng Deux-ponts chỉ còn một trăm năm mươi người; đồn Pamars lọt vào tay giặc; ở Givet chỉ còn năm trăm bao bột; quân ta phải rút lui về Landeau; Wurmser đang bám sát Kléber; Mayence anh dũng thất thủ, Condé đầu hàng nhục nhã, Valenciennes cũng thế. Mặc dù thế Chancel, người bảo vệ Valenciennes và ông già Féraud, người bảo vệ Condé vẫn xứng đáng là những anh hùng, cũng như Meunier, người đã chiến đấu để bảo vệ Mayence đến cùng. Nhưng những kẻ khác thì phản bội. Dharville phản bội ở Aix-la-Chapelle, Mouton ở Bruxelles. Valence ở Bréda, Neuilly ở Limbourg, Miralda ở Maëstricht; Stengel, phản bội, Lanoue, phản bội; Ligonnier, phản bội; Menou, phản bội; Dillon, phản bội; chúng tiếp diễn hành vi phản bội xấu xa của tên Dumouriez. Phải trừng trị để làm gương. Những cuộc hành quân đổi hướng của Custine thật đáng nghi, tôi ngờ Custine đã muốn chiếm Francfort để mưu lợi hơn là chiếm Coblentz. Francfort có thể nộp bốn triệu đồng binh phí, đồng ý. Nhưng bốn triệu thì thấm gì so với việc tiêu diệt cái ổ lưu vong ở Coblentz. Phản bội, đúng thế. Meunier tử trận ngày 13 tháng 6. Chỉ còn trơ trọi Kléber.
Trong khi chờ đợi thì Brunswick tăng cường lực lượng và tiến quân. Hắn cắm cờ Đức trên tất cả những thành trì nước Pháp mà hắn chiếm được. Thị trưởng Brandebourg bây giờ thành trọng tài của châu Âu; hắn cuỗm các tỉnh của ta; hắn sẽ sáp nhập nước Bỉ cho mà xem; người ta có thể bảo là bọn ta đang làm việc cho bọn Berlin; nếu tình trạng này cứ kéo dài, nếu chúng ta không ổn định được trật tự thì cách mạng Pháp chỉ làm lợi cho Potsdam; nó chỉ đưa lại kết quả duy nhất là mở rộng cái vương quốc nhỏ bé của Frédéric II, và chúng ta đã giết vua nước Pháp để làm lợi cho vua nước Phổ.
Nói xong, Danton, vẻ dữ tợn, phá lên cười. Cái cười của Danton làm cho Marat mỉm miệng.
— Mỗi anh có một định kiến; Danton thì bị nước Phổ ám ảnh; Robespierre thì xứ Vendée. Đây là ý kiến của tôi. Các anh không thấy cái nguy cơ thật sự; ấy là các quán cà phê và sòng bạc. Quán Choiseul thuộc phái Jacobin, quán Patin thuộc phái bảo hoàng, quán Nơi Hẹn Hò chống quốc dân quân, còn quán Cửa Ô Saint-Martin thì bảo vệ nó, quán Régence chống Brissot, quán Corazza ủng hộ ông ta, quán Procope sùng bái Diderot, quán Nhà Hát Pháp sùng bái Voltaire, ở quán Rotonde người ta xé tín phiếu, ở các quán phố Saint-Marceau người ta tranh nhau mua tín phiếu, quán Manouri xôn xao về vấn đề bột, ở quán Foy toàn những chuyện cãi lộn và ẩu đả, ở quán Perron bọn đầu sỏ tài chính vo ve như bày ong. Nghiêm trọng là ở đó.
Danton không cười nữa. Marat vẫn cười mỉm. Cái cười mỉm của con người lùn ấy còn thâm độc hơn tiếng cười rộ của con người khổng lồ.
— Marat, anh chế giễu à? – Danton to tiếng.
Marat giật giật bên hông, cố tật nổi tiếng của ông, nụ cười biến mất trên môi.
— A, thật đúng là cái giọng của anh. Công dân Danton. Chính anh ở giữa Viện Quốc ước đã gọi tôi là “tên Marat”. Thôi, tôi cũng xá cho anh. Chúng ta đang trải qua một thời buổi chẳng ra gì. Tôi chế giễu à? Vậy tôi là người như thế nào? Tôi đã tố cáo Chazot, tôi đã tố cáo Pétion, tôi đã tố cáo Kersaint, Moreton, Dufriche-Valazé, Ligonnier, Menou, Banneville, Gensonné, Biron, Lidon và Chambon; tôi sai lầm chăng? Tôi thấy trước âm mưu phản bội ở một tên phản phúc và tôi thấy cần phải tố cáo nó trước khi nó phạm tội. Tôi có thói quen nói trước những điều mà người ta nói sau. Tôi là người đã đề nghị với Quốc hội lập pháp một kế hoạch đầy đủ về pháp chế đại hình. Từ trước tới nay tôi đã làm gì? Tôi đã yêu cầu huấn luyện quân đội để họ quen với kỷ luật cách mạng. Tôi đã xét tha cho ba mươi hai người bị bắt oan, tôi đã đòi lại cho Nhà nước những viên kim cương nằm trong tay Roland, tôi đã xác minh rằng phái ông Brissot đã giao cho Ủy ban an ninh công cộng những tờ lệnh tống giam khống chỉ, tôi đã vạch rõ những chỗ thiếu sót trong bản cáo trạng của Lindet về tội ác của tên vua Capet, tôi đã thông qua bản án xử tử tên bạo quân trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, tôi đã bênh vực các tiểu đoàn Mauconseil và Cộng Hòa, tôi đã cấm đọc thư của bọn Narbonne và Malouet, tôi đã đưa ra một đề án về vấn đề thương binh, tôi đã cho giải tán hội đồng sáu người, tôi đã dự đoán sự phản bội của Dumouriez trong vụ xảy ra ở Mons, tôi đã yêu cầu bắt mười vạn thân nhân bọn lưu vong làm con tin để thay thế cho những ủy viên đại diện của ta bị chúng phản bội bắt nộp cho địch, tôi đã đề nghị tuyên bố phản quốc tất cả các nghị sĩ nào chạy sang hàng ngũ địch, tôi đã lột mặt nạ nhóm phân liệt Roland trong vụ rối loạn ở Marseille, tôi đã khẩn khoản treo giải thưởng lấy đầu tên Egalité Con, tôi đã bênh vực Bouchotte, tôi đã định đặt vấn đề tín nhiệm để đuổi tên Isnard, tôi đã đề nghị tuyên dương nhân dân Paris xứng đáng với Tổ quốc; do đó mà Louvet bảo tôi là làm trò múa rối, quận Finistère đòi trục xuất tôi, thành phố Loudun yêu cầu đày tôi biệt xứ, thành phố Amiens muốn bịt mõm tôi lại, Cobourg muốn tống giam tôi, và LecointePuiraveau yêu cầu Viện Quốc ước tuyên bố là tôi điên. Ái chà! Công dân Danton, tại sao anh lại mời tôi tới đây họp với anh nếu không phải là để lấy ý kiến của tôi? Có phải là tự tôi yêu cầu đến đây đâu? Không. Tôi chẳng thích thú gì đối diện với những kẻ phản cách mạng như Robespierre, và anh. Vả lại, Robespierre và anh đều không hiểu tôi, điều đó đáng lẽ tôi phải cầm chắc từ trước. Không có ai đáng mặt chính khách ở đây sao? Lại phải dạy các anh tập đánh vần về chính trị sao? Phải giải thích cho các anh từng li từng tí hay sao? Ý tôi muốn nói thế này: cả hai anh đều đã nhầm. Nguy cơ không ở Luân Đôn như Robespierre tưởng, cũng không ở Berlin như Danton tưởng. Nguy cơ ở ngay Paris. Nguy cơ là ở chỗ thiếu sự thống nhất, ở chỗ ai cũng có quyền giành phần hơn về mình, bắt đầu từ hai anh, ở chỗ làm cho nhân tâm phân tán, ý chí hỗn loạn…
Danton cắt ngang:
— Hỗn loạn, do ai gây ra nếu không phải chính anh?
Marat vẫn nói tiếp:
— Robespierre, Danton, nguy cơ ở cái đám quán cà phê, sòng bạc, câu lạc bộ. Câu lạc bộ Người Da Đen, câu lạc bộ Liên Minh, câu lạc bộ Phụ Nữ, câu lạc bộ Trung Lập, có từ thời Clermont-Tonnerre, tức là câu lạc bộ Quân Chủ, có từ 1790 do tu sĩ Claude Fauchet lập ra, câu lạc bộ Mũ Len do nhà báo Prudhomme lập ra, vân vân. Không kể câu lạc bộ Jacobin của anh, Robespierre, và câu lạc bộ Cordelier của anh, Danton. Nguy cơ là ở nạn đói đã gây ra vụ gã khuân vác Blin treo cổ người làm bánh mì ở chợ Palu, tên là Denis, lên cột đèn trước Tòa thị chính, và ở tòa án đã treo cổ tên Blin đó lên vì tội đã treo cổ người làm bánh mì Denis. Nguy cơ là giấy bạc bị hạ giá. Ở phố Temple một tờ tín phiếu trăm quan rơi xuống đất và một thường dân qua đường đã nói: chẳng bõ nhặt. Nguy cơ là ở bọn buôn bạc và bọn tích trữ. Kéo cờ đen trước Tòa thị chính, các anh tưởng thế là đủ! Bắt tên nam tước Trenck cũng chưa đủ. Phải vặn cổ cái tên cáo già ngồi tù mà vẫn âm mưu tác hại. Các ngài cứ tưởng khi ông chủ tịch Viện Quốc ước đặt vòng hoa công dân lên đầu Labertèche sau khi người này đã bị chém bốn mươi mốt nhát gươm ở trận Jemmapes và được Chénier hết sức tâng bốc, như thế đã giải quyết được vấn đề ư? Hài kịch và trò hề. Đáng tiếc là các anh chẳng nhìn đến Paris! Các anh đi tìm nguy cơ tận đâu đâu khi nó ở ngay sát nách. Bộ máy cảnh sát của anh được tích sự gì. Robespierre! Đúng là các anh có tình báo riêng, Payan ở Công xã, Coffinhal ở Tòa án cách mạng, David ở Ủy ban an ninh công cộng, Couthon ở Ủy ban cứu quốc. Tôi biết rất rõ. Này, các anh nên biết: nguy cơ ở ngay trên đầu các anh, nguy cơ ở ngay dưới chân các anh; người ta đang mưu phản, mưu phản, mưu phản! Người ngoài phố đọc bảo cho nhau nghe và gật đầu ra hiệu với nhau; sáu nghìn người không có thẻ công dân, bọn lưu vong trở về, bọn bảo hoàng lén lút trong các hầm rượu, các gác xép, trong các dãy hành lang gỗ ở Hoàng cung; người ta nối đuôi ở các cửa hàng bánh; các bà nội trợ đứng trên bậc cửa chắp tay lại và nói: Bao giờ mới được yên vui? Các anh tha hồ rủ nhau đóng kín cửa ngồi trong phòng của Hội đồng chấp chính, các anh nói với nhau những gì trong đó, người ngoài đều biết cả; và, chứng cớ, Robespierre, đây là những lời anh nói tối hôm qua với Saint-Just: “Barbaroux đã bắt đầu phệ bụng, coi bộ khạng nạng khó chạy trốn đó”. Vâng, nguy cơ ở khắp nơi, nhất là ở nơi trung tâm này, ở Paris. Bọn thống trị trước đây đang mưu đồ làm loạn, những người yêu nước đi chân không, bọn quý tộc bị bắt hôm 9 tháng 3 đã được thả ra hết, những con ngựa sang trọng đáng lẽ phải đi kéo pháo ở biên giới thì lại đang làm bắn bùn lên người ta trên các đường phố, chiếc bánh bốn bảng giá ba quan mười hai xu, các rạp diễn những vở đồi bại, và nay mai, Robespierre sẽ đưa Danton lên máy chém.
— Úi chà! – Danton đáp.
Robespierre vẫn nhìn chăm chú vào bản đồ.
Bỗng Marat kêu lên:
— Bây giờ phải có một tay độc tài. Robespierre, anh biết là tôi muốn có một tay độc tài.
Robespierre ngẩng đầu lên:
— Tôi biết, Marat, anh hoặc tôi.
— Tôi hoặc anh – Marat đáp lại.
Danton làu bàu trong miệng:
— Độc tài! Cứ thử xem!
Đôi lông mày của Danton nhíu lại. Marat tiếp:
— Nào, hãy cố gắng một lần cuối cùng. Chúng ta hãy thỏa thuận với nhau. Tình thế đòi hỏi như vậy. Chúng ta chẳng đã đồng ý với nhau về ngày 31 tháng 5 đó sao? Vấn đề toàn cục quan trọng hơn vấn đề Girondin, phe phái chỉ là một chuyện nhỏ. Các anh cũng đã nói lên sự thật; nhưng sự thật, tất cả sự thật, sự thật thật sự là điều tôi nói. Ở miền nam, phái liên hiệp; ở miền tây, phái bảo hoàng; ở Paris có cuộc đọ sức giữa Viện Quốc ước và Công xã; ở biên giới, Custine lui quân và Dumouriez phản bội. Như thế là cái gì? Ba bè bảy mảng. Chúng ta cần gì? Thống nhất. Lối thoát là ở đó, mà phải gấp rút lên. Paris phải nắm lấy chính quyền cách mạng. Nếu chúng ta chậm một giờ, ngày mai bọn Vendée sẽ chiếm Orléans, bọn Phổ sẽ chiếm Paris. Tôi xin đồng tình với anh điều này, Danton, tôi xin nhượng bộ anh điều kia, Robespierre. Được. Nhưng kết luận là phải chuyên chính. Chúng ta nắm lấy chuyên chính, ba chúng ta sẽ đại diện chính quyền cách mạng. Chúng ta là ba cái đầu của con Cerbère [84]. Trong đó, cái đầu để ăn nói là anh, Robespierre; còn cái đầu để gầm thét là anh, Danton…
— Còn cái đầu để cắn là anh, Marat – Danton nói.
— Cả ba cái đều cắn – Robespierre tiếp.
Một lát im lặng. Rồi cuộc đối thoại trở lại toàn một giọng gầm gừ ám muội.
— Này, Marat, trước khi kết nghĩa thì phải hiểu nhau đã. Thế nào mà anh biết câu tôi nói hôm qua với Saint-Just?
— Robespierre, đó là việc riêng của tôi.
— Marat!
— Đó là nhiệm vụ tôi phải tìm hiểu, và đó là việc tôi phải biết.
— Marat!
— Tôi thích biết.
— Marat!
— Robespierre, tôi biết anh nói gì với Saint-Just cũng như tôi biết Danton nói gì với Lacroix; cũng như tôi biết được việc gì đã xảy ra ở bến tàu Théatins, ở khách sạn Labriffe, cái ổ tiên nữ lưu vong; cũng như tôi biết việc gì xảy ra ở nhà Thilles gần Gonesse, bây giờ là nhà của Valmerange, nguyên giám đốc bưu chính, trước kia Maury và Cazalès hay lui tới đấy, từ hồi đó đến nay thì có Sieyès và Vergniaud, và bây giờ thì người ta đi lại mỗi tuần một lần.
Khi nói đến tiếng người ta, Marat nhìn Danton. Danton kêu lên:
— Nếu tôi có đôi chút quyền hành thì sẽ biết!
Marat tiếp:
— Robespierre, tôi biết anh nói gì cũng như tôi biết ở tháp Temple họ đã nuôi béo tên vua Louis XVI đến nỗi chỉ trong tháng chín mà con sói đực, con sói cái và bầy sói con đã ngốn hết tám mươi sáu giỏ đào. Trong khi đó, dân chúng nhịn đói. Tôi biết việc đó cũng như tôi biết Roland được giấu trong một gian nhà ngảnh ra sân sau ở phố Harpe; cũng như tôi biết sáu trăm ngọn mác ngày 14 tháng 7 là do bác thợ khóa của hầu tước Orléans, tên là Faure, làm ra; cũng như tôi biết người ta làm gì ở nhà mụ Saint-Hilaire, tình nhân của Sillery; những ngày có khiêu vũ, chính lão Sillery tự tay lấy phấn cọ sàn phòng tiếp khách màu vàng ở phố Neuve-des-Mathurins; Buzot và Kersaint đã ăn uống ở đó. Saladin ăn ở đó ngày 27, và ăn với ai, Robespierre? Với bạn anh là Lasource.
— Ba hoa! Lasource đâu phải là bạn tôi – Robespierre lẩm bẩm, rồi vừa ngẫm nghĩ vừa tiếp – Hiện nay ở Luân Đôn có mười tám xưởng làm tín phiếu giả.
Marat tiếp tục nói, giọng bình tĩnh, nhưng hơi rung một cách ghê rợn:
— Các anh là nhóm yếu nhân. Vâng, tôi biết tất cả, cả những điều mà Saint-Just gọi là bí mật quốc gia…
Marat lấy giọng nhấn mạnh vào mấy chữ ấy, nhìn Robespierre và nói tiếp:
— Tôi biết người ta nói những gì ở bàn tiệc của anh những ngày mà Lebas mời David đến thưởng thức bữa ăn do vợ chưa cưới của anh ta là Elisabeth Duplay nấu nướng, cô em dâu tương lai của anh đấy, Robespierre. Tôi là con mắt rộng lớn của nhân dân, và từ trong hầm nhà của tôi, tôi nhìn khắp nơi. Vâng, tôi thấy, vâng, tôi nghe, vâng, tôi biết. Các anh hài lòng với những cái lặt vặt. Các anh tâng bốc nhau. Robespierre thích được phu nhân Chalabre – con gái lão hầu tước Chalabre – ca ngợi, lão Chalabre là người đã từng đánh bài với Louis XVI tối hôm xử tử tướng Damiens. Vâng, người ta tự hào lắm. Saint-Just đi đâu cũng cà-vạt. Legendre đĩnh đạc; nào áo mới, gi-lê trắng, ngực giắt đăng-ten để cho người ta quên cái tạp-dề ngày trước của anh ta. Robespierre đã tưởng đến chuyện để cho người đời sau biết anh mang một chiếc áo lễ xanh màu ô-liu ở Quốc hội lập hiến và mang một chiếc áo xanh da trời ở Viện Quốc ước. Anh treo chân dung anh lên khắp các tường trong phòng ngủ…
Robespierre ngắt lời với một giọng bình tĩnh hơn giọng Marat:
— Còn anh, Marat, chân dung anh thì cống rãnh nào cũng có.
Rồi họ lại tiếp tục với một giọng như là trò chuyện nhưng càng chậm rãi thì lời đối đáp càng gay gắt và pha vào đủ giọng châm biếm lẫn hăm dọa.
— Robespierre, anh đã mệnh danh những người muốn đánh đổ chế độ quân chủ là những Don Quichotte của nhân loại.
— Còn anh, Marat, sau ngày 4 tháng 8, trong báo Bạn dân số 559, à, tôi nhớ rõ con số mới hay chứ, anh đòi trả lại tất cả tước vị cho bọn quý tộc. Anh đã nói: Một quận công lúc nào cũng vẫn là một quận công.
— Robespierre, trong phiên họp ngày 7 tháng 12, anh đã bênh vực mụ Roland chống lại Viard.
— Cũng như anh tôi đã bênh vực anh, khi người ta công kích anh ở câu lạc bộ Jacobin. Cái đó chứng tỏ gì? Chẳng gì cả.
— Robespierre, người ta biết rõ cái phòng trong điện Tuileries, nơi anh đã nói với Garard: Tôi đã mệt với cách mạng rồi.
— Marat, chính ở đây, trong quán này, ngày 29 tháng 10 anh đã ôm hôn Barbaroux.
— Robespierre, anh đã nói với Buzot: Nền cộng hòa là cái gì vậy nhỉ?
— Marat, chính trong quán này anh đã thết tiệc ba tay người Marseille.
— Robespierre, anh dùng một tay khuân vác ở chợ cầm gậy đi hộ vệ anh.
— Còn anh, Marat, trước hôm 10 tháng 8, anh đã nhờ Buzot giúp anh trá hình làm người đánh xe ngựa để trốn xuống Marseille.
— Robespierre, trong những phiên tòa tháng chín, anh đã lánh mặt.
— Marat, còn anh, anh đã vác mặt ra.
— Robespierre, anh đã vứt xuống đất chiếc mũ đỏ.
— Đúng, khi một tên phản bội đội nó. Cái gì trang điểm cho Dumouriez thì làm nhục Robespierre.
— Robespierre, anh đã không cho lấy vải chụp đầu tên Louis XVI lại khi đội quân của Chateauvieux đi qua.
— Tôi đã làm quá việc chụp đầu, tôi đã chặt đầu nó.
Danton nói chen vào, như lửa đổ thêm dầu:
— Robespierre, Marat, các anh bình tĩnh.
Marat không thích tên mình bị gọi sau tên người khác.
Ông ta ngoảnh lại:
— Việc gì đến anh, Danton?
Danton chồm lên:
— Việc gì đến tôi ạ? Việc thế này. Không nên huynh đệ tương tàn; không nên tranh chấp giữa hai người cùng phụng sự nhân dân; chiến tranh chống ngoại xâm đã đủ rồi, nội chiến đã đủ rồi, còn chiến tranh trong nhà nữa thì quá lắm đấy; tôi đã làm nên cách mạng, tôi không muốn ai phá hoại nó. Đấy, tôi dây vào là như thế đấy.
Marat trả lời, nhưng không to tiếng:
— Anh hãy tự xét mình trước đã.
— Tự xét! – Danton thét lên – Về tôi ư, anh hãy đi hỏi đèo Argonne, xứ Champagne giải phóng, nước Bỉ bị thôn tính, những mặt trận mà ở đó đã bốn lần tôi phơi ngực ra để đỡ đạn! Hãy đi hỏi về tôi ở quảng trường Cách Mạng, ở đoạn đầu đài ngày 21 tháng 1, ở cái ngai vàng đã lật đổ, ở cái máy chém con mẹ góa ấy…
Marat ngắt lời Danton:
— Máy chém là một cô gái đồng trinh; người ta nằm lên nó, nhưng nó chẳng sinh sản đâu.
— Anh biết gì? Tôi, tôi sẽ làm cho nó phát triển – Danton cãi lại.
— Rồi xem.
Marat trả lời xong lại cười mỉm.
Danton nhìn thấy nụ cười đó.
— Marat – Danton thét lên – Anh là con người ẩn nấp; còn tôi, tôi là người của thanh thiên bạch nhật. Tôi ghét cuộc sống bò sát. Tôi không thích sống như con bọ đất. Anh sống trong một cái hầm; tôi sống ngoài đường phố. Anh chẳng liên lạc với ai; còn tôi, bất kỳ ai đi qua đều có thể gặp tôi, nói chuyện với tôi.
— À, công tử, cậu có muốn tới nhà tôi không? – Marat lầu bầu trong miệng.
Rồi không cười nữa, Marat lại cất giọng đĩnh đạc:
— Danton, anh hãy cho biết về số tiền ba mươi ngàn đồng écu [85] mà Montmorin theo lệnh tên vua đưa cho anh, lấy cớ là thù lao cho anh về chức vụ biện lý ở Châtelet.
— Tôi đã tham gia ngày 14 tháng 7 [86] – Danton trả lời kiêu hãnh.
— Còn kho tài sản? Và kim cương của bọn vua chúa?
— Tôi đã tham gia ngày 6 tháng 10 [87].
— Còn những vụ trộm của tên Lacroix, thân tín của anh, ở Bỉ?
— Tôi đã tham gia ngày 20 tháng 6 [88].
— Còn những số tiền cho Montansier vay?
— Tôi đã phát động dân chúng, khi Louis XVI bị điệu từ Varennes về.
— Còn nhà Opéra được dựng lên với tiền ông xuất ra?
— Tôi đã sắm khí giới cho đội cảnh vệ Paris.
— Còn mười vạn quan quỹ mật của Bộ Tư pháp?
— Tôi đã tổ chức ngày 10 tháng 8 [89].
— Còn hai triệu đồng của Quốc hội để mật chi mà ông giữ một phần tư?
— Tôi đã chặn bước tiến của quân thù và của bọn vua chúa cấu kết với nhau.
— Đồ vô liêm sỉ! – Marat nói.
Danton đứng phắt dậy, nom ghê rợn:
— Vâng, tôi là của chung của thiên hạ, tôi đã bán mình, nhưng tôi đã cứu sống nhân loại.
Robespierre lại gặm móng tay. Ông không thể cười hoặc mỉm cười được. Ở ông, thiếu cái cười rộ như tia chớp của Danton và cái nhếch miệng như mũi kim châm của Marat.
Danton lại nói tiếp:
— Tôi như biển cả; thủy triều có lúc lên xuống; khi nước xuống, người ta thấy tôi phẳng lặng, khi nước lên, người ta thấy tôi cuồn cuộn như sóng cồn.
— Thấy anh sùi bọt mép – Marat ngắt lời.
— Thấy tôi như bão táp – Danton tiếp.
Cùng một lúc với Danton, Marat đứng thẳng dậy. Chính ông cũng nổi giận. Con rắn nước bỗng biến thành con rồng.
— À! Robespierre! Danton! Các anh không muốn nghe tôi! Này, tôi nói cho các anh biết, các anh chết đến nơi rồi. Chính sách của các anh đi đến chỗ đường cùng; các anh chẳng còn lối thoát nữa; các anh đã cùng đường, chỉ còn con đường đi xuống mồ thôi.
— Đó là vinh dự của chúng tôi – Danton nói. Rồi ông ta nhún vai.
Marat tiếp:
— Danton, coi chừng. Vergniaud trước cũng miệng rộng, môi dầy, lông mày dữ tợn; Vergniaud cũng rỗ hoa như Mirabeau và như anh; cái đó cũng không ngăn được sự kiện 31 tháng 5. Chà! Anh nhún vai! Đôi khi nhún vai làm cho đầu rơi đấy. Danton, tôi nói cho anh biết, anh to tiếng, cà-vạt anh bỏ trễ, đôi bốt anh mềm mại, những bữa ăn ngon, những túi áo rộng, những cái đó chỉ có cô Louisette ưa thôi.
Louisette là tên đùa Marat dùng để chỉ máy chém. Marat tiếp:
— Còn anh, Robespierre, anh là người ôn hòa; nhưng cái đó chẳng ích gì, anh cứ đánh phấn đi, đội mũ vào, chải chuốt đi, tự đắc với những bộ quần áo mới, luôn luôn thay đổi, làm dáng đi, uốn tóc và chải đầu cho mượt, anh cũng chẳng đi đâu cho thoát cái quảng trường Grève [90]; anh đã đọc bản tuyên ngôn của Brunswick [91], rồi anh cũng được xử trí chẳng kém gì Damiens [92] âm mưu giết vua, bây giờ hãy cứ ăn mặc tề chỉnh đi, đợi ngày bốn ngựa phanh thây!
— Đúng giọng lưỡi bọn Coblentz [93]! – Robespierre nói, hàm răng rít lại.
— Robespierre, đây không phải giọng lưỡi ai cả, đây là tiếng nói của tất cả mọi người. Chà! Các anh còn trẻ lắm. Anh bao nhiêu tuổi, Danton? Ba mươi tư. Anh bao nhiêu tuổi, Robespierre? Ba mươi ba. Còn tôi, tôi bất tử, tôi là nỗi khổ đau lâu đời của nhân loại, tôi sống đã sáu ngàn năm.
— Đúng rồi – Danton đáp, từ sáu ngàn năm nay, Caïn bị giữ chặt trong oán thù như con cóc trong tảng đá, đến khi đá nứt, Caïn nhảy ra giữa loài người và đó là Marat vậy [94].
— Danton! – Marat thét lên. Và một tia sáng xanh nhợt lóe lên trong khóe mắt ông ta.
— Cái gì nào? – Danton hỏi.
Ba con người dễ sợ nói năng với nhau như thế đấy. Cuộc giao tranh của sấm động.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.