Chín Mươi Ba

CHƯƠNG 3: NGƯỜI VÀ RỪNG RÚ CẤU KẾT VỚI NHAU



Những khu rừng bi thảm xứ Bretagne lại giữ vai trò hỗ trợ cho cuộc phiến loạn trước đó.
Bên dưới đất của bất cứ khu rừng nào đó cũng có một hệ thống hiểm hóc những hang hầm và ngõ ngách xuyên đi khắp các ngả. Mỗi căn hầm tối mò ấy giấu được năm, sáu người. Cái khó là làm sao thở được trong đó. Một vài con số lạ lùng đủ nói lên trình độ tổ chức khá cao và quy mô to lớn ấy của cuộc nổi loạn. Ở Ile-et-Vilaine, trong khu rừng Pertre nơi cư trú của hoàng thân Talmont, không nghe thấy một hơi thở, không trông thấy một vết chân, thế mà ở đó có sáu nghìn người cùng với Focard. Ở Morbihan, trong khu rừng Meulac, không thấy một ai, thế mà có tám nghìn người. Vậy mà hai khu rừng Pertre và Meulac đó không phải là những khu rừng lớn nhất xứ Bretagne. Nếu đặt chân tới đó thì thật là ghê sợ. Nơi đây chứa đầy những chiến binh nấp trong một thứ đường hầm quanh co trong lòng đất dưới những bụi cây nham hiểm giống như những tảng bọt bể đồ sộ tối om, và khi gót chân khổng lồ của Cách mạng dẫm lên là cuộc nội chiến vọt ra.
Nhiều tiểu đoàn vô hình đang rình mò. Những đoàn quân không tên tuổi đó luồn bên dưới những đoàn quân cộng hòa, thình lình từ dưới đất chui lên rồi lại rút xuống, nhảy ra hằng hà sa số rồi biến ngay, xuất quỷ nhập thần, như núi lở bụi tan, như những hộ pháp biết phép thu hình, lúc chiến đấu thì to lớn, lúc biến đi thì bé choắt. Khác nào loài báo mà sống theo lối loài chuột chũi.
Không phải chỉ có rừng lớn, còn có rừng nhỏ. Cũng như bên những đô thị có làng mạc, dưới mái rừng có những bụi cây. Những rừng lớn nối với nhau nhờ có rừng nhỏ chi chít, rải rác khắp nơi. Những lâu đài cũ biến thành những pháo đài, những thôn xóm thành những doanh trại, những trang trại thành những khu đất rào kín đặt nhiều cạm bẫy, những thôn ấp được xẻ hào, rào cây, tất cả là những cái mắt của tấm lưới mà quân đội cộng hòa sa vào.
Toàn cảnh đó gọi là miền Bocage [138]. Ở đó có khu rừng Misdon, giữa rừng là một cái hồ và thuộc quyền của Jean Chouan; khu rừng Gennes thuộc quyền Taillefer; khu rừng Huisserie thuộc quyền Gouge-le-Bruant; khu rừng Charnie thuộc quyền Courtillé-le-Bâtard biệt hiệu là thánh đồ Saint Paul thủ lĩnh trại Bò Cái Đen; khu rừng Burgault thuộc quyền ông Jacques sống một cách bí ẩn và chết âm thầm dưới hầm Juvardeil; khu rừng Charreau, ở đó Pimousse và Petit-Prince bị đơn vị đồn Chateauneuf tấn công đã xông vào hàng ngũ cộng hòa tóm ngang lưng bọn lính bắt về làm tù binh! Khu rừng Heureuserie được chứng kiến cuộc tan vỡ của đồn Longue-Faye; khu rừng Aulne, ở đó có thể thám thính con đường từ Rennes đến Laval; khu rừng Gravelle mà một hoàng thân dòng La Trémoille đánh cuộc mà được; khu rừng Lorges ở Côtes-du-Nord nơi mà Charles De Boishardy thống trị sau Bernard De Villeneuve; khu rừng Bagnard gần Fontenay, nơi mà Lescure khiêu chiến với Chalbos, tay này dù một chọi năm vẫn nghênh chiến; khu rừng Durondais mà xưa kia Alain Le Redru và Hérispoux, hai con trai của Charles Đầu Hói đã tranh nhau; khu rừng Croqueloup, ở bên bờ truông ấy là nơi mà Coquereau đã gọt đầu tù binh; khu rừng Croix-Bataille đã từng nghe Chân-Bạc mắng Morière và Morière mắng lại theo kiểu Homère; khu rừng Saudraie mà chúng ta đã thấy một tiểu đoàn quân Paris sục sạo. Còn nhiều nữa…
Trong nhiều khu rừng lớn và nhỏ đó, không phải chỉ có những làng mạc ở dưới đất quây quần quanh hầm thủ lĩnh mà còn có những xóm lẻ gồm những lều thấp núp dưới rặng cây, và nhiều đến nỗi đôi khi dày đặc cả rừng. Khói thường làm lộ những làng mạc đó. Có hai xóm như thế ở khu rừng Misdon đến nay còn nổi tiếng, xóm Lorrière gần Létang và cụm lều Rue-de-Bau về phía Saint-Ouen-les-Toits.
Đàn bà sống trong lều và đàn ông ở dưới hang. Trong cuộc chiến tranh này, họ sử dụng những hang tiên và những hầm cũ của người Celte ngày xưa. Có người mang thức ăn xuống cho họ. Có những người bị bỏ quên rồi chết đói. Thật ra đó là những người vụng về không biết cách mở nắp hầm mà lên. Thông thường nắp hầm làm bằng rêu và cành cây khéo đến nỗi nhìn bên ngoài không thể nhận ra nó nằm trong cỏ; còn ở trong hầm thì mở và đóng nắp rất dễ dàng. Những hầm hố đó đào rất cẩn thận. Đất đào ở hầm lên người ta đem đổ xuống một cái ao nào gần đó. Vách trong và nền hầm phủ cỏ đuôi chồn và rêu. Họ gọi đó là “biệt phòng”; ở trong đó cũng tốt, chỉ có điều là thiếu ánh sáng, thiếu lửa, thiếu bánh và thiếu không khí.
Từ dưới hầm chui lên giữa đám người sống mà không thận trọng và thò mình ra không phải lúc thì thật nguy hiểm. Có thể lọt vào giữa chân một đoàn quân đi qua. Những khu rừng đáng sợ; những chiếc bẫy hai tròng.
Quân xanh chẳng dám vào, quân trắng chẳng dám ra.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.