Chín Mươi Ba

CHƯƠNG 8: 9 = 380



Con tàu gần như chỉ còn là một cái xác trôi bập bềnh.
Trong cái cảnh ánh sáng ban mai tản mát, nhợt nhạt, mây đen thẫm, trong những chuyển động lờ mờ của chân trời, trong những lớp sóng nhăn nhó, bí ẩn, có một vẻ trang nghiêm như trong nhà mồ.
Mọi vật im lặng, ngoài tiếng gió vù vù, hằn học. Từ vực thẳm, tai họa hiện ra một cách oai nghiêm. Nó giống như ma quỷ hiện hình chứ không giống như một cuộc công kích. Núi đá không có cái gì động đậy, trong các chiến hạm không có cái gì nhúc nhích. Một thứ im lặng mênh mông. Trước mặt là cảnh thật chăng? Tưởng như đó chỉ là một giấc mơ lướt trên mặt biển. Trong truyện cổ tích vẫn có những cảnh huyền ảo như thế; con tàu như đang ở giữa dãy núi quỷ và hạm đội ma.
Bá tước Boisberthelot ra lệnh khẽ cho La Vieuville và ông này xuống khoang pháo ngay, rồi viên thuyền trưởng mang ống nhòm tới đứng bên cạnh người hoa tiêu ở phía cuối tàu.
Gacquoil chỉ còn biết cố giữ cho con tàu đứng vững trong sóng gió, bởi vì gió và sóng biển cùng đập vào sườn tàu, con tàu khó mà tránh khỏi bị lật nhào.
— Hoa tiêu, chúng ta đang ở đâu? – Thuyền trưởng hỏi.
— Dãy Minquiers.
— Về phía nào?
— Phía nguy hiểm.
— Bề sâu ra sao?
— Đầy mỏm đá.
— Có thể neo lại được không?
— Lúc nào cũng có thể chết được – Người hoa tiêu trả lời.
Viên thuyền trưởng đưa ống kính về phía tây và quan sát dãy Minquiers; rồi ông ta lại quay sang quan sát đoàn tàu buồm.
Người hoa tiêu tiếp, như nói với mình:
— Đây là dãy Minquiers, nơi dừng chân của giống hải âu nhí nhảnh, khi từ đất Hà Lan bay đi và cũng là nơi nghỉ ngơi của giống hải âu lớn lông đen.
Trong lúc đó, viên thuyền trưởng đã đếm đủ các tàu buồm. Đúng tám chiếc tàu sắp hàng nghiêm chỉnh, dựng lên trên mặt nước cái hình thù công kích của chúng. Giữa đoàn tàu, nổi lên hình cao lớn của một chiến hạm ba tầng.
Viên thuyền trưởng hỏi hoa tiêu:
— Anh có biết các tàu đó không?
— Biết chứ! – Gacquoil trả lời.
— Gì vậy?
— Hạm đội.
— Của nước Pháp à?
— Của quỷ sứ.
Một lát im lặng. Viên thuyền trưởng tiếp:
— Tất cả hạm đội tuần tiễu ở đó phải không?
— Không phải tất cả.
Quả vậy, hôm 2 tháng 4, Valazé [28] đã báo cáo trước viện quốc ước là trên biển Manche có mười tuần dương hạm và sáu chiến hạm làm nhiệm vụ tuần tiễu. Viên thuyền trưởng chợt nhớ lại tin đó. Ông ta nói:
— Đúng rồi, hạm đội có mười sáu tàu, mà ở đây mới chỉ có tám.
— Số còn lại đang rải khắp bờ biển làm nhiệm vụ do thám – Gacquoil nói.
Viên thuyền trưởng, vẫn không rời ống nhòm, lẩm bẩm:
— Một chiến hạm ba tầng, hai tàu hạng nhất, năm tàu hạng nhì.
Gacquoil làu bàu:
— Tôi cũng đã từng do thám chúng.
— Toàn là chiến thuyền tốt – Viên thuyền trưởng nói – Tôi cũng đã được chỉ huy chúng ít lâu.
— Còn tôi – Gacquoil nói – Tôi đã nhìn chúng tận mắt. Tôi không thể lẫn cái nọ với cái kia được. Hình thù từng cái đã in sâu trong óc tôi.
Viên thuyền trưởng đưa ống nhòm cho hoa tiêu.
— Hoa tiêu, anh có nhận ra chiến hạm có tầng cao kia không?
— Có, đó là tàu Côte-d’Or.
— Thay tên rồi – Viên thuyền trưởng nói – Ngày trước tàu đó là Etats-de-Bourgogne. Một tàu mới. Trăm hai mươi tám khẩu đại bác.
Ông ta rút trong túi ra cuốn sổ tay, cái bút chì và ghi con số 128.
Ông ta tiếp:
— Hoa tiêu, còn chiếc tàu thứ nhất bên mạn trái?
— Expérimentée.
— Chiến hạm loại trung hạng nhất. Năm mươi hai đại bác.
Tàu này mới lắp súng hai tháng trước đây ở Brest.
Viên thuyền trưởng ghi vào sổ tay con số 52.
— Hoa tiêu, còn chiếc thứ hai bên mạn trái? – Ông ta hỏi tiếp.
— Dryade.
— Hạng trung loại nhất. Bốn mươi đại bác mười tám ly. Tàu này đã qua Ấn Độ. Nó có lịch sử chiến đấu khá.
Rồi ông ta viết con số 40 dưới con số 52; viết xong, ông ta lại ngửng đầu lên:
— Bây giờ, bên mạn phải.
— Thưa thuyền trưởng, toàn là tàu loại trung hạng nhì, có cả thảy năm chiếc.
— Chiếc thứ nhất tính từ chiến hạm lớn?
— Résolue.
— Ba mươi hai khẩu mười tám ly. Cái thứ nhì?
— Richemont.
— Trang bị như chiếc trước. Còn chiếc sau?
— Athée [29].
— Đi biển mà mang tên kỳ khôi như vậy. Chiếc sau?
— Calypso.
— Sau nữa?
— Preneuse.
— Năm tàu, mỗi tàu có ba mươi hai khẩu.
Viên thuyền trưởng ghi con số 160 xuống dưới hàng chữ số đã viết.
— Hoa tiêu, anh nhận ra được cả chứ? – Thuyền trưởng hỏi.
— Thưa thuyền trưởng, ngài còn biết rõ hơn – Gacquoil đáp – Nhận ra là một chuyện, biết được mới quan trọng.
Viên thuyền trưởng mắt chăm chú nhìn vào quyển sổ, miệng cộng lẩm nhẩm.
— Trăm hăm tám, năm mươi hai, bốn mươi, trăm sáu mươi.
Vừa lúc đó, La Vieuville bước lên boong tàu. Thuyền trưởng bảo ông ta:
— Ngài kỵ sĩ, chúng ta chạm trán với ba trăm tám mươi khẩu đại bác.
— Được – La Vieuville đáp.
— Ngài La Vieuville, ngài vừa kiểm tra xong; vậy dứt khoát còn bao nhiêu khẩu bắn được?
— Chín khẩu.
— Được – Đến lượt Boisberthelot nói.
Ông ta lại lấy chiếc ống nhòm trong tay người hoa tiêu đưa lên nhìn phía chân trời.
Tám chiếc tàu lặng lẽ và đen chũi vẫn như không nhúc nhích, nhưng lớn dần lên.
Chúng xích lại gần nhau từng tí một.
La Vieuville chào theo lối nhà binh rồi nói:
— Thưa thuyền trưởng, tôi xin báo cáo. Tôi vốn không tin vào chiếc chiến hạm Claymore này. Bỗng dưng xuống một chiếc tàu chẳng biết mình hoặc chẳng ưa gì mình bao giờ cũng phiền toái. Khẩu pháo chó má kia đã chứng tỏ điều đó. Tôi vừa đi xem xét qua. Neo tốt. Không phải loại sắt đúc sạch cặn mà làm bằng các thanh sắt hàn lại, nện bằng búa máy. Ngạnh neo chắc. Giây cáp tốt, dễ thả, chiều dài đúng kích thước quy định, trăm hai chục sải. Đạn dược đầy đủ. Sáu pháo thủ chết. Mỗi khẩu còn có thể bắn một trăm bảy mươi mốt phát đạn.
— Vì chỉ còn chín khẩu thôi – Viên thuyền trưởng lẩm bẩm.
Boisberthelot lại chĩa ống nhòm về phía chân trời. Hạm đội vẫn từ từ tiến đến.
Những khẩu pháo kiểu cổ có cái lợi là chỉ ba người cũng sử dụng được; nhưng lại bất lợi là tầm bắn không xa và không chính xác bằng đại bác. Như thế là phải đợi cho đoàn tàu kia tới tầm súng bên này. Viên thuyền trưởng khẽ ra lệnh. Trên tàu im lặng. Người ta không khua chuông báo động mà chỉ thực hiện lệnh báo động. Tàu Claymore đã không đủ sức chống chọi với người cũng như với sông nữa. Người ta sử dụng triệt để cái thân tàn của con tàu. Họ tập trung lại trên sàn tàu, gần chỗ dây chuyền bánh lái, và các dây thép dự trữ để khi cần thì níu chặt cột buồm. Họ thu dọn chỗ cho thương binh. Theo cách sử dụng chiếc thuyền thời đó, họ cho che boong tàu, làm cách đó thì chống được các đạn cỡ nhỏ, nhưng không chống được đạn lớn. Họ đem khuôn đo cỡ đạn tới, tuy rằng đến bây giờ mới đo thì cũng đã muộn; nhưng nào ai ngờ đã xảy ra đến bấy nhiêu chuyện. Mỗi thủy thủ được phát một túi đạn và giắt ở thắt lưng hai khẩu súng lục và một con dao găm. Họ xếp võng ngủ lại; họ lấy tầm cho súng lớn; họ dàn các tay súng trường để bắn từng loạt; họ xếp sẵn rìu búa và móc sắt. Trong kho họ đã chuẩn bị xong những túi thuốc súng và đạn đại bác, kho thuốc nổ được mở toang. Người nào về vị trí người ấy. Họ làm các việc trên không nói một lời, như phục dịch trong buồng người sắp chết. Thật nhanh và thật ảm đạm.
Rồi họ hạ neo. Tàu này có sáu neo như loại chiến hạm hạng trung. Họ bỏ cả sáu neo, neo tiền, neo hậu, neo mạn nước dâng ở phía biển khơi, neo mạn nước rút ở phía có đá ngầm, neo nhiều ngạnh ở mạn phải, neo cái ở mạn trái.
Cả chín khẩu pháo còn sót lại đều được dựng dậy sẵn sàng chiến đấu, cả chín khẩu chĩa về một phía, phía có quân địch.
Phía hạm đội, không kém lặng lẽ cũng đã chuẩn bị xong. Tám chiếc tàu giờ đây hợp thành một cánh cung mà dây cung là dãy Minquiers. Tàu Claymore bị vây trong cánh cung đó, ngoài ra còn bị neo của mình trói chặt, dựa vào dãy đá ngầm, nghĩa là sẽ bị đắm.
Như một bầy chó săn vây quanh một con lợn lòi, không cất tiếng mà chỉ nhe nanh.
Hình như đôi bên đều chờ đợi nhau.
Các thủy thủ tàu Claymore đều đã về vị trí pháo của mình.
Boisberthelot bảo La Vieuville:
— Tôi muốn nổ súng trước.
La Vieuville đùa:
— Cái thú làm đỏm đấy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.