Chín Mươi Ba

QUYỂN 3: VIỆN QUỐC ƯỚC – CHƯƠNG 1: VIỆN QUỐC ƯỚC



Chúng ta đến gần cái đỉnh cao vĩ đại.
Đấy là Viện Quốc ước.
Tầm mắt sững lại khi đứng trước ngọn núi ấy.
Chưa hề có cái gì xuất hiện với tầm cao hơn thế, trên đường chân trời của loài người.
Có đỉnh Himalaya và có Viện Quốc ước.
Viện Quốc ước có lẽ là đỉnh cao nhất của lịch sử.
Hồi còn sinh thời, Viện Quốc ước – vì một nghị hội cũng có đời sống của nó – không ai biết rõ nó ra sao. Cái mà người đương thời bỏ sót chính lại là tầm vĩ đại của nó; người ta khiếp sợ quá nên bị quáng mắt. Tất cả cái gì vĩ đại cũng có một vẻ ghê sợ thiêng liêng. Ngắm những cái tầm thường và những ngọn đồi là một việc dễ; nhưng nhìn thật sát cái gì cao quá, một thiên tài hoặc một ngọn núi, một nghị viện hoặc một kiệt tác, tất phải ngốt sợ. Đỉnh cao nào cũng hình như là một sự thái quá. Trèo lên rất mệt. Leo dốc thì đứt hơi; xuống dốc thì trượt chân, đá lởm chởm là thắng cảnh đấy nhưng đụng đến thì trầy da rách thịt; thác nước nổi bọt báo trước những vực sâu, mây dù che khuất đỉnh núi; trèo lên cũng khủng khiếp như khi ngã xuống. Do đó, mà kinh sợ hơn là chiêm ngưỡng. Người ta cảm thấy tâm trạng kỳ dị này, lòng ác cảm đối với cái lớn lao, thấy vực thẳm không thấy cảnh hùng vĩ, thấy quái vật không thấy thần kỳ. Buổi đầu người ta đánh giá Viện Quốc ước như vậy. Viện Quốc ước sinh ra cho những con đại bàng ngắm nghía, nhưng lại bị những kẻ cận thị trố mắt nhìn.
Ngày nay, thuộc về viễn cảnh, Viện Quốc ước đang vẽ lên trên nền trời sâu thẳm, trong một xa xăm yên tĩnh và bi đát cái bóng dáng vĩ đại của cuộc Cách mạng Pháp.
2
Ngày 14 tháng 7 đã giải phóng.
Ngày 10 tháng 8 [102] đã giáng đòn sấm sét.
Ngày 21 tháng 9 [103] xây dựng.
Ngày 21 tháng 9, ngày thu phân, ngày ổn định. Libra. Cân đối. Theo nhận xét của Romme, nước cộng hòa được thành lập dưới biểu tượng Bình Đẳng và Công Lý. Một chùm sao sáng báo trước sự kiện đó.
Viện Quốc ước là hóa thân đầu tiên của nhân dân. Chính từ đó, một trang sử mới mở và từ đó bắt đầu một ngày mai đổi mới.
Bất kỳ một tư tưởng nào cũng phải có một vỏ ngoài trông thấy được; bất kỳ nguyên tắc nào cũng cần một hình thức chứa đựng; một ngôi nhà thờ, đó là Chúa ở giữa bốn bức tường; bất kỳ giáo lý nào cũng cần có điện thờ. Khi Viện Quốc ước hình thành, một vấn đề đầu tiên phải giải quyết, đó là vấn đề trụ sở.
Đầu tiên, người ta lấy cung Quần Ngựa, sau đến điện Tuileries.
Ở đó người ta dựng lên một cái khung, một cảnh trí, một bức họa lớn màu xám do David vẽ, xếp những hàng ghế cân đối, một diễn đàn hình vuông, những hàng trụ vuông song song, những bộ kê chân cột như những cái thớt, những lớp ván ghép thẳng tắp ngăn thành những ô vuông thường đông nghịt người và được gọi là khán đài công chúng, bên trên căng rạp kiểu nhà hát La Mã, xung quanh che màn rủ xếp nếp kiểu Hy Lạp; bên trong những góc vuông và đường thẳng ấy, người ta đặt Viện Quốc ước; trong cái khung hình học ấy người ta làm mưa làm bão. Trên diễn đàn đặt chiếc mũ đỏ sơn màu xám. Phái bảo hoàng mới đầu chế diễu cáu mũ đỏ xám, căn phòng giả tạo, tòa lâu đài bằng bìa cứng, điện thờ bằng giấy ép, đền đài bằng bùn và nước bọt ấy. Tất cả những cái trò chẳng mấy chốc mà tan tành! Cột thì bằng vỏ thùng ghép lại, trần khum khum lát gỗ mỏng hình chạm nổi bằng mát-tít, xà bằng gỗ thông, tượng bằng thạch cao, đá hoa vẽ bằng sơn, tường bằng vải. Và trong cái tạm bợ ấy, nước Pháp đã làm nên sự nghiệp vĩnh cửu.
Khi Viện Quốc ước mới đến họp, tường vách của cung Quần Ngựa còn phủ đầy những khẩu hiệu đã từng làm ngập cả thành phố Paris vào thời kỳ Louis XVI bị bắt từ Varennes về. Có những khẩu hiệu như: Vua trở về – Ai vỗ tay sẽ đánh đòn. Ai lăng mạ sẽ treo cổ – Yên lặng. Cứ để nguyên mũ trên đầu. Nó sắp phải ra tòa – Vua đã nhằm bắn vào quốc dân. Y đã bắn không chùn tay; bây giờ đến lượt quốc dân bắn – Pháp luật! Pháp luật! Chính giữa những bức tường ấy, Viện Quốc ước đã xử án Louis XVI.
Ở điện Tuileries, nơi Viện Quốc ước tới họp ngày 10 tháng 5 năm 1793, và được gọi là Cung Điện Quốc Gia, phòng họp chiếm cả khoảng từ cung Đồng Hồ, đổi tên thành cung Thống Nhất, tới cung Marsan, từ nay gọi là cung Tự Do. Còn cung Flore nay gọi là cung Bình Đẳng. Một cầu thang lớn, do Jean Bullant vẽ kiểu, dẫn tới phòng họp. Dưới tầng gác làm phòng họp là một phòng dài chất đầy nhũng bó súng dựng chụm nòng vào nhau và giường nằm của đủ các binh chủng bảo vệ cho Viện Quốc ước. Quốc hội có một đội danh dự gọi là “đội pháo thủ của Viện Quốc ước”.
Một tấm băng tam tài ngăn cách lâu đài, là nơi hội họp, với vườn hoa, nơi dân chúng qua lại.
Hãy nói nốt về phòng họp ấy. Trong cái phòng ghê gớm ấy, cái gì cũng hấp dẫn.
3
Cái mà, mới bước vào, ai cũng phải chú ý đến ngay là bức tượng thần Tự Do cao lớn đặt đứng giữa hai khung cửa sổ rộng.
Bốn mươi hai mét chiều dài, mười mét chiều ngang, mười một mét chiều cao, đó là kích thước của cái nơi xưa kia là vũ đài của nhà vua, và ngày nay là vũ đài của cách mạng. Căn phòng lịch sự và lộng lẫy, vốn được Vigarani xây dựng cho bọn quần thần đến năm 93 biến mất dưới bộ khung nhà man rợ để đương lấy sức nặng của quần chúng. Một chi tiết đáng ghi ở đây là bộ khung nhà, trên đặt khán đài công chúng, chỉ có một cây cột chống đỡ. Cột ấy là một cây gỗ nguyên, cao tới mười thước. Ít có cột nhà nào mà đã phải làm việc nặng nhọc bằng cây cột ấy; bao năm ròng nó đã phải chịu đựng sức xô đẩy của bao cuộc cách mạng: hoan hô có, nhiệt thành có, nguyền rủa có, có những lúc ồn ào, hỗn độn, giận dữ và cả bạo động nữa. Nó vẫn đứng vững. Sau Viện Quốc ước, nó còn được chứng kiến Hội đồng kỳ cựu [104]. Đến ngày 18 tháng Sương Mù mới thay cột khác.
Lúc bấy giờ Percier [105] đem thay cột gỗ bằng những cột cẩm thạch, những cột này lại chẳng được bền bằng cái cột gỗ cũ.
Quan niệm của các nhà kiến trúc đôi khi thật độc đáo; nhà kiến trúc phố Rivoli thích kiểu đường đạn đại bác, nhà kiến trúc ở Carlsruhe thích kiểu lài quạt; kiểu ngăn kéo tủ ngăn khổng lồ có lẽ là kiểu lý tưởng của nhà kiến trúc đã xây dựng phòng họp Viện Quốc ước khai mạc ngày 10 tháng 5 năm 1793; nó vừa dài, vừa cao, lại vừa phẳng lì. Dựa vào một cạnh của hình bình hành ấy, có một khoảng rộng hình bán nguyệt, đó là hội trường xếp đầy ghế dài cho đại biểu ngồi, chẳng có bàn, có yên viết gì cả; Garan-Coulon, vốn hay viết, cứ phải tỳ lên đầu gối mà ghi; trước các dãy ghế là diễn đàn; đằng trước diễn đàn là tượng bán thân của Lepelletier – Saint-Fargo [106]; đằng sau diễn đàn là ghế của chủ tịch. Đầu bức tượng cao hơn bàn diễn đàn một chút; do đó ít lâu sau người ta cất bức tượng ấy đi.
Hội trường gồm có mười chín chiếc ghế dài hình vành cung xếp cái sau cao hơn cái trước; lại có những chiếc ghế dài mở rộng thêm hội trường ra hai góc phòng.
Phía dưới, trong vành móng ngựa ở ngay chân diễn đàn là chỗ các tùy phái viên.
Ở một bên diễn đàn, trong một khung gỗ đen có đóng áp tường một tấm bảng cao chín pi-ê [107] vẽ hai trang sách giữa có hình quyền trượng, trên đó ghi bản Tuyên ngôn Nhân quyền; ở phía bên kia là khoảng trống, về sau này cũng có một cái khung tương tự chép Hiến pháp năm thứ II, giữa hai trang hiến pháp vẽ một thanh kiếm. Bên trên diễn đàn, trên đầu diễn giả, từ một phòng hai ngăn đầy dân chúng, nhô ra ba cây cờ tam tài rất lớn xếp gần như nằm ngang tựa trên một chiếc bàn thờ, ở đó có viết hai chữ: Pháp Luật. Đằng sau bàn thờ dựng một chiếc rìu cổ La Mã [108] cao bằng một cây cột, trông giống như một người lính bảo vệ tự do ngôn luận. Những bức tượng lớn dựng thẳng vào tường đối diện với các đại biểu. Bên phải chủ tịch; là tượng của Lycurgue và bên trái là của Solon, trên đầu chỗ phái Montagnard ngồi là bức tượng của Platon [109].
Những bức tượng ấy có những bệ đơn giản đặt trên một đường gờ xây nhô ra ngoài và làm thành một dãy vành đai quanh phòng họp, ngăn dân chúng với hội nghị. Khán giả ngồi chống cùi tay vào cái gờ tường ấy.
Trên đầu các bức tượng có đặt những vòng lá sồi và lá nguyệt quế xen lẫn nhau.
Một tấm màn màu lục nhạt cũng vẽ những vòng hoa đó bằng màu lục đậm hơn, từ mô tường rủ xuống những nếp lớn che kín xung quanh hội trường. Phía trên bức màn ấy, tường trắng toát và lạnh lẽo.
Khán giả ở tầng dưới đứng tràn bên ngoài hoặc xúm lại cả ở những chỗ xây chạm nổi. Tầng trên có một thanh sắt dài gắn thật vững vừa tầm tay vịn và giữ cho khán giả khỏi bị người ở tầng dưới xô lên chen lấn. Tuy vậy, đã có lần có người bị đẩy rơi xuống giữa hội nghị; người đó ngã vào Massieu, giám mục xứ Beauvais, may mà không chết lại còn đùa: “Ồ! Thì ra một giám mục cũng có khi được việc đấy chứ!”
Phòng họp của Viện Quốc ước có thể chứa được hai nghìn người, và trong những ngày biến động lớn, có thể chứa được ba nghìn.
Viện Quốc ước họp hai buổi, một buổi sáng, một buổi tối.
Ghế vị chủ tịch hình tròn, đóng đanh mạ vàng.
Trên bàn chủ tịch có một cái chuông lắc khá lớn, gần bằng một cái chuông treo, một bình mực to bằng đồng và một quyển sổ biên bản khổ rộng đóng bìa da.
Đầu những kẻ bị chém cắm vào những ngọn dáo dài, đã từng nhỏ máu lên trên bàn này.
Người ta trèo lên diễn đàn bằng một cái thang chín bậc. Bậc cao và dốc, rất khó lên; một hôm, Gensonné trèo lên bị vấp. Ông ta nói: “Đúng là cầu thang lên đoạn đầu đài!” Carrier đáp lại: “Cứ tập dần đi.”
Trong các góc phòng, ở những chỗ tường có vẻ trống trải, các nhà kiến trúc đã trang trí thêm những nghi trượng với lưỡi rìu đặt quay ra ngoài.
Ghế đại biểu sắp hàng gần sát gờ tường khán đài, đại biểu và dân chúng có thể trò chuyện với nhau. Lối ra của các khán đài ăn thông vào các dãy hành lang khúc khuỷu chằng chịt, đôi khi đầy những tiếng ồn ào ghê sợ.
Viện Quốc ước đóng chật cung điện và tràn ra các dinh thự bên cạnh; dinh Longueville, dinh Coigny. Cứ theo một lá thư của nhà quý tộc Anh Bradford, thì sau hôm 10 tháng 8, người ta chuyển hết đồ đạc của Louis XVI sang dinh Coigny. Phải hai tháng mới dọn hết cung điện Tuileries.
Các ủy ban cũng bố trí ở gần phòng lớn; các ban lập pháp, canh nông và thương mại ở cung Bình đẳng; hải quân, thuộc địa, tài chính, tín phiếu, Ủy ban cứu quốc ở cung Tự Do; Ủy ban chiến tranh ở cung Thống Nhất.
Ủy ban tổng an ninh liên lạc thẳng với Ủy ban cứu quốc qua một đường hành lang tối om suốt ngày đêm phải thắp một ngọn đèn dầu, ở đây thường lai vãng bọn mật thám của các phe phái. Người ta chỉ thì thầm với nhau.
Các vị đại biểu vào thẳng trong phòng lớn qua một cái cửa nhìn ra chỗ phái Feuillant [110].
Phòng lớn, ban ngày thì ánh sáng lọt qua cửa sổ rọi vào mờ mờ, chập tối thì ánh đèn nến vàng nhợt, nên khi nào cũng như ban đêm. Ánh sáng mờ mờ ấy cộng với bóng tối buổi chiều làm cho những buổi họp dưới ánh đèn có vẻ ghê rợn. Người ta chẳng nhìn thấy nhau; từ đầu phòng đến cuối phòng, từ tả qua hữu, những nhóm người không rõ mặt nhau cũng cứ chửi nhau. Họ gặp nhau nhưng chẳng nhận ra nhau. Một hôm, Laignelot chạy lên diễn đàn, vấp phải một người đang đi xuống, vội kêu: “Xin lỗi, Robespierre!” “Anh cho tôi là ai?” Một giọng khàn khàn đáp lại. Laignelot tiếp: “Xin lỗi, Marat”.
Ở tầng dưới, bên phải và bên trái chủ tịch có hai khán đài đặc biệt; vì điều lạ là ở Viện Quốc ước vẫn có những vị khách có đặc quyền tới tham dự. Chỉ những khán đài này mới có màn diềm; từ trên đầu tường cuốn hai núm tua vàng buộc vén bức màn đó lên. Chỗ nhân dân ngồi để trần.
Toàn cảnh trông dữ dội, man rợ và nghiêm trang. Vẻ chỉnh tề trong cái hung dữ; một phần nào cũng là hình ảnh của tất cả cuộc cách mạng. Phòng họp của Viện Quốc ước là kiểu mẫu đầy đủ nhất của cái mà các nghệ sĩ gọi là “kiến trúc Messidor [111]” vừa đồ sộ, vừa mảnh dẻ. Hồi đó, các kiến trúc sư lấy cân đối làm đẹp. Thời Louis XV là đỉnh cao nhất của nghệ thuật phục hưng và bây giờ đã có những quan điểm ngược lại. Người ta đã đẩy cái thanh cao đến chỗ nhạt nhẽo, và sự thuần khiết đến chỗ buồn tẻ. Trong khoa kiến trúc cũng có chuyện e dè, nghiêm cẩn. Sau những thời kỳ no say hình sắc lộng lẫy chói mắt của thế kỷ thứ mười tám, nghệ thuật bèn chuyển sang chay tịnh, đạm bạc, và chỉ tự cho phép dùng có đường thẳng mà thôi. Cái lối tiến bộ này đưa đến xấu xí. Nghệ thuật rút lại còn bộ xương, sự tình là vậy. Đó là tai hại của những thứ khôn ngoan và tiết chế kia; kiến thức đơn giản đến nỗi trở thành gầy gò.
Ngoài tất cả các cảm xúc chính trị, và chỉ nhìn về nghệ thuật kiến trúc, một cảm giác rùng mình toát ra từ cái phòng họp này. Người ta mang máng nhớ lại cái nhà hát cũ, nào là những căn phòng kết hoa, trần nhà xanh đỏ, thứ đèn nhiều ngọn nhiều mặt kính nhỏ, những cọc đèn lấp lánh như kim cương, những tấm màn thắt cổ bồ câu, hình vẽ đầy rẫy thần ái tình và lâm tuyền tiên nữ trên các màn che, trướng rủ, tất cả bản tình ca vương giả vẽ thành tranh, chạm hình nổi thiếp vàng, đã đem nụ cười tươi tắn lấp đầy cái khung cảnh nghiêm trang này; giờ đây, người ta chỉ thấy quanh mình những góc cạnh cứng, thẳng, lạnh lùng và sắc như thép; như thể Boucher [112] bị David [113] chém đầu.
4
Ai được tham dự hội nghị thì không tưởng gì tới phòng họp nữa. Ai theo dõi tấn kịch thì không nghĩ tới nhà hát nữa. Chẳng có gì dị hình dị tướng và hùng vĩ bằng. Vô số anh hùng, một bầy hèn nhát. Một đàn thú dữ trên rừng, một bầy rắn rết trong đầm lầy, những chiến sĩ giờ đây đã thành người thiên cổ đã chen chúc nhau, thích cánh nhau, khiêu khích nhau, hăm dọa nhau, chống lại nhau và cùng sống ở nơi đây.
Một tập thể vĩ đại.
Bên hữu là phái Girondin, đội ngũ những nhà tư tưởng, bên tả là phái Montagnard, nhóm lực sĩ. Một bên, có Brissot, người đã tiếp nhận chìa khóa ngục Bastille; Barbaroux, người được dân Marseille phục tùng; Kervélégan, nắm trong tay tiểu đoàn Brest đóng ở ngoại ô Saint-Marceau; Gensonné, người đã thiết lập ưu thế của các nghị sĩ trong các tướng lĩnh; Guadet, con người nguy hiểm, một đêm kia trong điện Tuileries đã được hoàng hậu cho xem hoàng tử đang ngủ, đã hôn trán đứa bé và sau đó làm rơi đầu người cha; Salles, người đã vu cáo hão huyền sự liên hệ mật thiết giữa phái Montagnard và nước Áo; Sillery, anh thọt của phe hữu cũng như Couthon là anh què của phe tả; Lause-Duperret, người đã bị một nhà báo gọi là gian hùng, mời ngay nhà báo kia đi ăn rồi bảo: “Tôi biết gian hùng chỉ có nghĩa rất đơn giản là người không suy nghĩ như chúng ta”; Rabaut-Saint-Etienne, người đã mở đầu quyển thông lịch năm 1790 bằng câu: “Cách mạng đã chấm dứt”; Quinette, một trong những tay lật đổ Louis XVI; Camus thuộc giáo phái Janséniste, người thảo ra điều ước công dân của giáo sĩ, mê tín những phép lạ của thầy trợ tế Pâris [114] và đêm nào cũng quỳ trước một bức tượng Đức Chúa cao bảy pi-ê đóng ở trên tường trong phòng ông ta; Fauchet, một thầy tu đã cùng Camille Desmoulins tổ chức ngày 14 tháng 7; Isnard, người đã phạm tội vì đã nói: “Paris sẽ tan nát”, cùng lúc với tên tướng Phổ Brunswick nói: “Paris sẽ bị thiêu hủy”; Jacob Dupont, người đầu tiên đã kêu lên: “Tôi là vô thần” và đã nghe Robespierre trả lời: “Vô thần là quý tộc”. Lanjuinais, một đầu óc cứng rắn, khôn ngoan và dũng cảm, quê ở Bretagne; Ducos, Euryale [115] của BoyerFonfrède [116]; Rebecqui, Pylade [117] của Barbaroux, đã từ chức chỉ vì Robespierre chưa bị chém; Richaud, đã chống lại việc lập những tiểu đội cảnh vệ thường trực; Lasource, người đã tung ra câu châm ngôn nguy hiểm: “Tai vạ cho những dân tộc biết ơn!” và khi sắp bước lên đoạn đầu đài lại tự nói trái lại bằng một câu nói kiêu hãnh ném vào mặt phái Montagnard: “Chúng tôi chết vì dân chúng còn mê ngủ, và các anh sẽ chết vì dân chúng sẽ thức tỉnh”; Biroteau, đã đưa ra lệnh hủy bỏ quyền bất khả xâm phạm của nghị sĩ và như vậy, đã vô tình rèn lưỡi dao và dựng đoạn đầu đài cho chính mình; Charles Villatte, người đã biết bảo vệ lương tâm mình dưới câu phản kháng: “Tôi không muốn bỏ phiếu dưới lưỡi dao”; Louvet, tác giả cuốn Faublas cuối cùng phải mở hàng bán sách ở Hoàng Cung cùng với Lodoïska ngồi quầy thu tiền; Mercier, tác giả cuốn Cảnh Paris, đã kêu lên: “Tất cả các vua chúa đã cảm thấy ngày 21 tháng 1 [118] ở trên gáy họ”; nhà báo Carra, người đến dưới chân máy chém rồi còn nói với đao phủ: “Chết thì phiền thật. Tôi còn muốn xem tiếp đoạn sau”; Vigée, người tự xưng là pháo thủ ở tiểu đoàn hai quận Mayenne-et-Loire, khi bị công chúng ở các khán đài đe dọa đã kêu lên: “Tôi yêu cầu hễ có tiếng rì rầm ở các khán đài thì chúng ta sẽ rút lui hết và tay cầm kiếm tiến ngay tới điện Versailles”; Buzot, người đã bị xử bắt phải chết đói; Valazé, sau này sẽ tự sát với con dao của mình; Condorcet, về sau chết ở phố Bourg-la-Reine, sau đổi tên là phố Bình Đẳng, vì tội bỏ quyển sách Horace trong túi; Pétion, mà số phận là được quần chúng tôn thờ vào năm 1792 và bị chó sói ăn thịt vào năm 1794; hai mươi người nữa, Pontécoulant, Marboz, Lidon, Saint-Martin, Dussaulx, người dịch sách Juvénal và đã dự trận Hanovre, Boileau, Bertrand, Lesterp-Beauvais, Lesage, Gomaire, Gardien, Mainvielle, Duplantier, Lacaze, Antiboul, và đứng đầu phái này là Barnave, thường gọi là Vergniaud.
Bên kia, có Antoine-Louis-Léon Florelle Saint-Just, người xanh xao, trán thấp, đứng đắn, mắt bí hiểm, u sầu, hai mươi ba tuổi; Merlin de Tionville, người mà quân Đức gọi là “quỷ lửa”; Merlin de Douai, kẻ thủ phạm đã thảo ra đạo luật trừng trị những người bị tình nghi; Soubrany, người đã được dân chúng Paris, ngày 1 tháng Thảo Nguyên [119] yêu cầu giữ chức tướng; Lebon, nguyên là thầy tu mà bàn tay trước đầy rẫy nước thánh bây giờ lại cầm kiếm; Billaud-Varennes, người đã dự đoán tổ chức tòa án tương lai sẽ không có quan tòa mà chỉ có trọng tài; Fabre D’Eglantine, người đã có một sáng kiến thú vị là cuốn lịch cộng hòa cũng như Rouget de Lisle đã có một cảm hứng siêu việt là bài ca Marseillaise, nhưng cả hai người sau đó chẳng làm được gì hơn; Manuel, chánh án của Công xã, người đã nói: “Một tên vua chết đi chẳng phải là bớt đi một người”; Goujon, người đã từng tiến quân vào Tripstadt, Newstadt và Spire, và đã thấy quân Phổ thua chạy; Lacroix, trạng sư trở thành đại tướng và được thưởng bội tinh Thánh Louis sáu ngày trước ngày 10 tháng 8; Fréron-Thersite, con trai của Fréron-Zoïle; Rulh, có duyên tiền định với cuộc tự sát vĩ đại của nền cộng hòa, sau này tự vẫn ngày cộng hòa sụp đổ; Fouchet, tâm địa quỷ quái, mặt như xác chết; Camboulas, bạn của bố Duchesne, người đã từng nói với Guillotin [120]: “Anh thì ở phái Feuillant, mà cô con gái anh [121] thì ở phái Jacobin”; Jagot, người đã trả lời những ai than phiền về việc tù nhân không có quần áo: “Nhà tù đã là áo bằng đá rồi”; Javogues, con người ghê tởm chuyên khai quật mồ mả ở nghĩa địa Saint-Denis; Osselin, người truy nã bọn phản bội mà lại che giấu một người tình nghi là vợ Charry trong nhà mình; Bentabolle mỗi lần ngồi chủ tọa vẫn cứ ra hiệu cho cử tọa hoan hô hoặc la ó; nhà báo Robert, mà cô vợ là tiểu thư Kéralio đã từng viết: “Cả Robespierre lẫn Marat, chẳng ai tới nhà tôi; Robespierre rồi sẽ tới, khi ông muốn, Marat thì chẳng bao giờ”; Garan-Coulon, người đã khẳng khái yêu cầu đại hội không thèm đọc bức thư của một tên vua nọ bênh vực cho một tên vua kia hồi Tây Ban Nha can thiệp vào vụ án của Louis XVI; Grégoire, giám mục, lúc đầu thật xứng đáng với nhà thờ nguyên thủy nhưng về sau, dưới thời đế chế, ông ta từ bỏ con người cộng hòa của mình để trở thành bá tước Grégoire; Amar, người đã nói: “Cả trái đất này kết án Louis XVI. Còn chống án lên đâu? Lên các hành tinh”; Rouyer, người chống lại việc bắn súng đại bác ở Pont-Neuf ngày 21 tháng 1 và nói: “Một cái đầu vua rơi xuống cũng không được chấn động nhiều hơn đầu kẻ khác”; Chénier, anh của André; Vadier, một trong những người hễ bước lên diễn đàn là đặt súng lục lên bàn; Panis, người đã nói với Momoro: “Tôi muốn Robespierre và Marat hôn nhau trong bàn tiệc ở nhà tôi.” “Anh ở đâu?” “Ở Charenton [122].” Momoro trả lời: “Ở nơi khác thì tôi mới ngạc nhiên”; Legendre, anh hàng thịt của cách mạng Pháp, cũng như Pride là anh hàng thịt của cách mạng Anh, đã có lần bảo Lanjuinais: “Lại đây ta đập chết mi.” Ông này bèn trả lời: “Hãy ra sắc luật bắt ta làm con bò đi đã”; Collot D’Herbois, một kịch sĩ ghê rợn, đeo cái mặt nạ thời cổ có hai lỗ miệng biết nói Có và Không cùng một lúc, vừa bài bác vừa tán thành, người đã làm nhục Carrier ở Nantes và thách thức Châlier ở Lyon, đưa Robespierre lên máy chém và đưa Marat vào điện Panthéon [123]; Génissieux, người đã đòi xử tử tất cả những ai đeo huy hiệu Louis XVI bị khổ hình; Léonard Bourdon, giáo học, người đem nhà mình cho ông già ở Mont-Jura; Topsent, thủy binh; Goupilleau, trạng sư; Laurent Lecointre, lái buôn; Duhem, thầy thuốc; Sergent, người tạc tượng; David, họa sĩ, Joseph-Egalité, hoàng thân. Còn những người khác nữa: Lecointe Puiraveau, người đòi ra sắc luật tuyên bố Marat “ở trong tình trạng hỗn loạn thần kinh”; Robert Lindet, người đã sáng tạo ra hình ảnh con bạch tuộc ghê gớm, mà cái đầu là Ủy ban tổng an ninh, tỏa khắp nước Pháp đến hai mươi mốt ngàn cánh tay mà người ta gọi là những Ủy ban cách mạng; còn Leboeuf, người đã được nhà thơ Girey-Dupré tả trong bài Đêm Noël của những kẻ yêu nước giả hiệu là: “Lebeuf thấy Legendre và kêu bò ò ò.” [124]
Thomas Payne, người Mỹ, và nhân từ; Anacharsis Cloots, người Đức, là bá tước, triệu phú, vô thần, theo phái Hébert, hồn nhiên; Lebas, người ngay thẳng, bạn của Duplay; Rovère, một trong số những người hiếm có ác để mà ác, cũng như quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật vẫn có mà ta chẳng ngờ; Charlier, người muốn người ta gọi bọn quý tộc là ông; Tallien, một người sướt mướt và hung bạo, sau này sẽ làm cuộc đảo chính ngày 9 tháng Nóng vì tình yêu; Cambacérès, một ông quan tòa cách mạng về sau trở thành hoàng thân; Carrier, cũng là một ông quan tòa, về sau trở thành hung dữ như con cọp; Laplanche, người đã có lần thốt ra câu: “Tôi đòi quyền ưu tiên cho khẩu đại bác báo động”; Thuriot, người đã đề nghị các hội thẩm của Tòa án cách mạng phải biểu quyết công khai; Bourdon De L’Oise người đã thách đọ súng với Chambon, tố cáo Payne, về sau lại bị Hébert tố cáo; Fayau, người đề nghị gửi một “đoàn quân chuyên đốt phá” đi Vendée; Tavaux, trong ngày 13 tháng 4 gần như là một người đứng giảng hòa giữa phái Girondin và phái Montagnard; Vernier, người đã đề nghị các thủ lĩnh phái Girondin cũng như phái Montagnard đi chiến đấu làm lính trơn; Rewbell nằm lỳ ở tỉnh Mayence; Bourbotte, trong khi công phá thành Saumur, ngồi trên ngựa, ngựa bị trúng đạn chết gục dưới chân; Guimberteau, chỉ huy binh đoàn Bờ Biển Cherbourg; Panvilliers, chỉ huy binh đoàn Bờ Biển La Rochelle; Lecarpentier, chỉ huy hạm đội Cancale; Roberjot, người sẽ bị phục kích ở Rastadt; Prieur De La Marne trong các trại lính vẫn mang lon tiểu đội trưởng cũ; Levasseur De La Sarthe, chỉ nói một tiếng cũng đủ làm cho Serrant, chỉ huy tiểu đoàn Saint-Amand phải hy sinh; Reverchon, Maure, Bernard De Saintes, Charles Richard, Lequinio, và đứng đầu cả nhóm đó là một thứ Mirabeau [125] tên gọi là Danton.
Đứng ra ngoài hai phái này và buộc họ phải nể, phải sợ mình, là Robespierre.
5
Bên dưới là những hạng người cúi rạp xuống, hoặc là nỗi kinh hoàng, có thể là cao quý, hoặc vì nỗi sợ hãi hèn hạ. Dưới những dục vọng, những cử chỉ anh hùng, những gương hy sinh tận tụy, những cơn thịnh nộ, là cái đám ảm đạm gồm những người vô danh. Tầng lớp dưới của Quốc hội gọi là phái Đồng Bằng. Ở đó có tất cả những cái gì bập bềnh, những kẻ hoài nghi, do dự, lùi bước, bỏ cuộc, rình mò, sợ sệt lẫn nhau. Phái Montagnard là tầng lớp tinh hoa, phái Girondin là tầng lớp tinh hoa, phái Đồng Bằng là đám người tầm thường. Phái Đồng Bằng rút lại và kết tinh trong Sieyès [126].
Sieyès, con người sâu sắc đã trở thành con người trống rỗng. Ông ta dừng lại ở đẳng cấp thứ ba và chưa hề vươn được tới nhân dân. Có nhiều đầu óc sinh ra để đứng ở lưng chừng như vậy. Sieyès gọi Robespierre là con hổ, Robespierre gọi Sieyès là chuột chũi. Nhà học giả siêu hình này cuối cùng đã tiến tới không phải là khôn ngoan, nhưng cẩn thận. Ông ta là người xu nịnh chứ không phải là công bộc của cách mạng. Ông ta cũng cầm xẻng theo công chúng ra làm việc ở công trường Mars, nhưng lại cùng đẩy xe với Alexandre De Beauharnais. Ông khuyên người ta cần có nghị lực mà chính ông lại không có. Ông ta nói với phái Girondin: “Hãy bắc súng của các anh lên.” Có những nhà tư tưởng đồng thời là những chiến sĩ như Condorcet, với Vergniau, hoặc Desmoulins, với Danton. Nhưng có những nhà tư tưởng chỉ ham sống như Sieyès.
Thùng rượu tốt nhất cũng có cặn. Dưới phái Đồng Bằng lại còn phái Đồng Lầy. Cái ao tù nước đọng ấy để lộ không biết bao nhiêu là con người ích kỷ. Ở đó, những kẻ yếu bóng vía run cầm cập, lặng im chờ đợi. Không gì khốn nạn bằng. Vô vàn điều ô nhục mà không một ai hổ thẹn; người ta phẫn nộ một cách âm thầm; phản kháng dưới sự khuất phục, khiếp sợ một cách vô liêm sỉ, có tất cả cái can đảm của những con người hèn nhát, thích phái Girondin nhưng lại chọn phái Montagnard; kết cục là tùy ở họ nhưng họ hùa theo phái thắng thế; họ đã giao Louis XVI cho Vergniaud, rồi giao Vergniaud cho Danton, giao Danton cho Robespierre và giao Robespierre cho Tallien. Họ bêu riếu Marat khi còn sống, và tôn lên bậc thánh khi ông ta đã chết. Họ ủng hộ tất cả cho đến ngày họ lật đổ tất cả. Họ có cái bản năng xô đẩy cho lật nhào những cái gì đang lung lay. Theo họ, có vững chắc thì họ mới cộng tác, lung lay là phản lại họ. Họ là số đông, họ là sức mạnh, họ là những người nhút nhát. Từ đó sinh ra tính liều lĩnh khiến họ làm những việc bỉ ổi.
Do đó mà có những ngày 31 tháng 5, ngày 11 tháng Nảy Mầm, ngày 9 tháng Nóng; thắt nút các tấn bi kịch là những con người vĩ đại và mở nút là lũ thấp hèn.
6
Trong số những kẻ đầy dục vọng ấy lẫn lộn những con người đầy mộng tưởng. Cái không tưởng ở đây thật thiên hình vạn trạng dưới hình thức quá khích tán thành máy chém, dưới hình thức ôn hòa xóa bỏ tội tử hình; đối với vua chúa, họ là ma quỷ, đối với dân chúng, họ là thiên thần. Đối diện với những đầu óc chiến đấu là những đầu óc ấp ủ những mộng lớn. Có những người luôn nghĩ đến chiến tranh, có người chỉ nghĩ đến hòa bình; một bộ não như Carnot đẻ ra mười bốn quân đoàn; một bộ não như Jean Debry nghiền ngẫm một liên bang dân chủ toàn thế giới. Giữa những tràng hùng biện sôi sục, giữa những tiếng gầm thét, có những cái lặng lẽ làm nên sự nghiệp. Lakanal lặng thinh và trù tính một nền giáo dục quốc gia; Lanthenas lặng thinh và mở các trường tiểu học; Révellière-Lépeaux lặng thinh và mơ ước nâng triết học lên ngang địa vị của tôn giáo. Một số khác đảm nhiệm những vấn đề chi tiết, nhỏ nhặt hơn, thực tiễn hơn. Guyton-Morveau nghiên cứu cách tẩy uế các nhà thương, Maire nghiên cứu sự hủy bỏ những hình thức nô lệ trong thực tế, Jean-Bon-SaintAndré nghiên cứu hủy việc bỏ tù những con nợ và hình phạt câu thúc thân thể, Romme nghiên cứu đề nghị của Chappe [127], Duboë nghiên cứu cách sắp xếp hồ sơ lưu trữ, Coren-Fustier nghiên cứu việc mở phòng giải phẫu và viện bảo tàng vạn vật học, Guyomard nghiên cứu việc giao thông đường sông và đập nước sông Escaut. Nghệ thuật cũng có những tín đồ của nó; ngày 21 tháng 1, trong khi cái đầu của nền quân chủ rơi xuống ở quảng trường Cách Mạng thì Bézard, đại biểu quận Oise, đi xem một bức họa của nhà danh họa Rubens tìm được trong một đống đồ lặt vặt ở phố Saint-Lazare. Các nghệ sĩ, các nhà hùng biện, các nhà tiên tri, những người khổng lồ như Danton những người ti tiện như Cloots, các võ sĩ và triết gia, tất cả đều đi tới một đích chung là sự tiến bộ. Không có gì lay chuyển được ý chí họ. Cái vĩ đại của Viện Quốc ước là đã tìm thấy thực tiễn trong cái mà mọi người gọi là không thể. Ở một cực, có Robespierre nhìn chằm chằm vào quyền hạn, ở một cực khác, Condorcet mắt dán vào nhiệm vụ.
Condorcet là một con người mơ mộng và sáng suốt. Robespierre là một con người thực hành; và đôi khi, trong những cơn khủng hoảng cuối cùng của những xã hội đã già cỗi, thì thực hành có nghĩa là tiêu diệt. Các cuộc cách mạng đều có hai sườn: sườn đi lên, sườn đi xuống, và trên các sườn đó có đủ các mùa, từ mùa băng tuyết đến mùa hoa nở. Mỗi vùng nảy sinh ra những con người hợp với khí hậu của nó từ những kẻ sống trong nắng ấm cho đến những kẻ sống trong sấm sét.
7
Người ta chỉ trỏ với nhau cái ngách hành lang bên trái, ở đó Robespierre đã rỉ vào tai Garat, bạn của Clavière câu nói đáng sợ: “Clavière thở ở đâu là âm mưu ở đó.” Cũng ở góc đó, nơi thuận tiện cho những cuộc trao đổi thì thầm và những cuộc giận dỗi khẽ tiếng, Fabre D’Eglantine đã gây sự với Romme và trách Romme vì chuyện thay đổi tên một tháng ở cuốn lịch ông ta đã sáng tạo ra, Fervidorđổi là Thermidor [128]. Người ta chỉ cho nhau cái góc bảy vị đại biểu miền Thượng Garonne ngồi sát cửa, được mời đến đầu tiên phát biểu án quyết về Louis XVI, đã trả lời: – Mailhe: Tử hình. – Delmas: Tử hình. – Projean: Tử hình. – Calès: Tử hình. – Ayral: Tử hình. – Julien: Tử hình. – Desaby: Tử hình. Đó là tiếng vọng muôn đời vang dội cả lịch sử, và từ khi loài người đặt ra công lý thì âm vang của nhà mồ đã dội lên trên tường các tòa án. Trong đám đông đúc hỗn độn, người ta chỉ trỏ những con người khi kết án đã lao nhao tuôn ra những biểu quyết bi thảm; Paganel: “Tử hình! Một ông vua chỉ chết đi mới có ích”; Millaud: “Hôm nay, nếu không có thần chết, thì phải tạo ra”; ông già Raffron Du Trouillet: “Tử hình mau!”; Goupillot: “Lên máy chém tức khắc! Càng chậm cái chết càng thêm nghiêm trọng”; Sieyès, ngắn gọn một cách thảm đạm: “Tử hình”; Thuriot bác bỏ đề nghị kêu gọi dân chúng của Buzot: “Sao! Còn phải mở những hội nghị sơ bộ! Sao! Còn phải qua bốn vạn tư tòa án nữa! Xử án không hạn định à? Đợi cho cái đầu ở Louis XVI bạc phơ ra rồi mới chém à?”; tiếp lời Robespierre Anh, Augustin-Bon Robespierre kêu lên: “Tôi không biết cái nhân đạo cắt cổ nhân dân và tha cho bạo chúa. Tử hình! Xin hoãn hành hình tức là thay thế cuộc chống án trước nhân dân bằng cuộc chống án trước bọn bạo chúa”; Foussedoire, người thay thế nhà văn Bernardin De Saint-Pierre, nói: “Tôi rất sợ máu người chảy, nhưng máu vua không phải là máu người. Tử hình”; Jean-Bon-Saint-André: “Bạo chúa không chết, dân chúng không có tự do”; Lavicomterie đã tuyên bố công thức này: “Bạo chúa mà còn thở thì tự do còn ngột ngạt. Tử hình”; Chateauneuf-Randon: “Tử hình tên Louis Cuối Cùng”; Guyardin: “Đem ngai vàng ra xử trảm”; Tellier: “Hãy đúc súng theo cỡ cái đầu Louis XVI mà bắn địch”. Còn đây là những kẻ khoan hồng: Gentil: “Tôi bỏ phiếu cấm cố. Giết vua thì đẻ ra độc tài [129]”; Bancal: “Đưa đi đầy. Tôi muốn thấy lần đầu tiên trên thế giới có một ông vua tự làm lấy mà sống”; Albouys: “Trục xuất. Để cho cái bóng ma sống đó đi thất thểu quanh các ngai vàng khác”; Zangiacomi: “Tội giam. Để làm gương cho kẻ khác”; Chaillon: “Cho nó sống. Tôi không muốn nó chết để rồi tòa thánh La Mã lại tôn nó lên làm thánh”.
Trong khi những lời tuyên án ấy tuôn ra từ những cửa miệng nghiêm khắc, rồi lần lượt biến dần vào lịch sử thì trên các khán đài những bà mặc áo hở cổ và trang điểm diêm dúa theo dõi từng người nói và lấy kim đánh dấu lên một danh sách cầm trên tay.
Bi kịch tới đâu thì những cảnh khủng khiếp và đau thương tồn tại ở đó.
Nhìn vào Viện Quốc ước ở giai đoạn nào cũng thấy lại vụ xử án tên Capet [130] cuối cùng; sự kiện ngày 21 tháng 1 hình như lẩn quất trong tất cả các hoạt động của Viện Quốc ước, cái hội nghị đáng sợ này đầy những hơi thở ghê rợn thổi tắt ngọn đuốc quân chủ già cỗi nhen lên từ mười tám thế kỷ nay; vụ xử án quyết định vận mệnh tất cả các vua chúa trong một ông vua, như là bắt đầu cuộc chiến tranh vĩ đại chống quá khứ; bất kỳ cuộc họp nào của Viện Quốc ước, người ta cũng thấy hiện lên bóng cái máy chém đã chặt đầu Louis XVI; những người đã dự cuộc còn kể lại chuyện các đại biểu Kersaint, Roland xin từ chức hồi đó, hoặc chuyện đại biểu quận Deux-Sèvres là Duchâtel ốm nặng gần chết còn bảo người khiêng tới để bỏ phiếu cho vua sống, việc này làm cho Marat bật cười; và người ta đưa mắt tìm một vị đại biểu, mà ngày nay lịch sử đã quên lãng, dự phiên tòa ấy suốt ba mươi bảy giờ liền, mệt mỏi quá, nằm ngủ lăn trên ghế, đến khi mõ tòa đánh thức dậy bỏ phiếu thì hấp háy con mắt, hô to: tử hình, rồi lại ngủ.
Giữa lúc họ kết án tử hình Louis XVI thì Robespierre cũng chỉ còn sống mười tám tháng nữa, Danton mười lăm tháng, Vergniaud chín tháng, Marat năm tháng và ba tuần, Lepelletier-Saint-Fargeau một ngày. Hơi thở con người sao mà ngắn ngủi và ghê sợ đến thế!
8
Để theo dõi Viện Quốc ước, quần chúng có một cửa sổ mở, những khán đài công chúng và, khi cửa sổ ấy không đủ nữa, họ mở toang cửa lớn, người ngoài đường phố ập vào hội nghị. Cái cảnh quần chúng xâm nhập nghị viện như vậy thật là một trong những cảnh kỳ lạ trong lịch sử. Thông thường những cuộc đột nhập ấy đều thân thiện. Đường phố gắn bó với tòa án tối cao. Nhưng đây là một hiện tượng thân thiện đáng sợ của quần chúng, những người đã từng, trong ba tiếng đồng hồ, đoạt hết đại bác ở điện Thương Binh và bốn vạn khẩu súng. Chốc chốc lại có những đoàn đại biểu vào làm gián đoạn hội nghị; những đoàn đại biểu đưa đơn thỉnh nguyện, đạt lời chúc tụng hoặc tặng quà. Phụ nữ ngoại ô Saint-Antoine rước vào hội trường cây dáo danh dự của khu phố. Có những người Anh hiến hai vạn đôi cho những bàn chân trần của quân đội chúng ta. Báo Moniteur đăng tin: “Linh mục Arnoux ở xứ Aubignan chỉ huy tiểu đoàn Drôme xin tiến quân ra biên khu và xin giữ nguyên chức linh mục địa phận”. Những đoàn đại biểu các phân khu tới, mang theo không biết ba nhiêu là đĩa, cốc, bình thờ vàng, bạc, ngọc, cúng cho tổ quốc; họ đại diện cho đông đảo những người nghèo rách tả tơi và chỉ xin được phép nhảy múa một điệu carmagnole ngay trước viện Quốc ước. Chenard, Narbonne, và Vallière tới xin hát bài ca tụng phái Montagnard. Phân khu Mont-Blanc mang đến bức tượng bán thân của Lepelletier, và một chị phụ nữ đội lên đầu vị chủ tịch Viện Quốc ước chiếc mũ đỏ, ông chủ tịch ôm hôn chị ta; “các nữ công dân phân khu Mail” tung hoa vào các “nhà lập pháp”; “đoàn học sinh của Tổ quốc” có đội nhạc dẫn đầu, đến cảm ơn Viện Quốc ước “đã chuẩn bị cho sự thịnh vượng của thế kỷ”; đoàn phụ nữ phân khu cận vệ quân đến tặng hoa hồng; đoàn phụ nữ phân khu Champs-Elysées tặng vòng hoa lá sồi; đoàn phụ nữ phân khu Temple đến tuyên bố chỉ kết duyên với những người cộng hòa chân chính; đoàn đại biểu phân khu Molière dâng một huân chương mang hình Franklin mà một sắc lệnh cho phép treo lên vòng hoa của tượng thần Tự do; đoàn trẻ mồ côi, mệnh danh là Con của Nhà nước cộng hòa mặc đồng phục diễu qua; đoàn nữ thanh niên phân khu Chín Mươi Hai mặc áo dài trắng thướt tha tới chào và ngày hôm sau báo Moniteur đăng tin: “Chủ tịch nhận một bó hoa từ những bàn tay trong trắng của một mỹ nhân trẻ tuổi”. Các đại biểu chào quần chúng; thỉnh thoảng họ nịnh khéo: “Bạn không thể sai lầm được không thể chê trách được, thật là cao siêu”; quần chúng cũng có khía cạnh trẻ con và thích các loại kẹo ngọt ấy. Đôi khi có cuộc biểu tình qua hội trường, khi vào thì dữ dội, khi ra thì êm dịu, giống như sông Rhône chảy vào hồ Léman, khi vào thì đầy bùn, khi ra thì trong xanh.
Thỉnh thoảng cũng không được hòa bình lắm, và có lần Henriot đã mang tới trước điện Tuileries cả lò nung đạn đại bác.
9
Đồng thời phát sinh ra cuộc cách mạng, hội nghị này sản sinh ra nền văn minh. Lò lửa, nhưng là lò rèn. Trong cái thùng ấy khủng bố đang sôi sục thì tiến bộ đang lên men. Từ cảnh hỗn độn của bóng tối và mây đen đã vút lên những tia sáng mênh mông song song với những định luật vĩnh cửu. Những tia sáng ấy vẫn còn mãi ở chân trời và mãi mãi còn thấy rõ trên bầu trời các dân tộc, đó là công lý, là khoan dung, là nhân từ, là lẽ phải, là chân lý, là tình yêu. Viện Quốc ước đưa ra câu định lý vĩ đại này: “Tự do của người công dân này chấm dứt ở chỗ tự do của người công dân khác bắt đầu”; câu ấy đã tóm tắt lại trong hai dòng chữ tất cả ý thức xã hội nhân quần. Viện Quốc ước tuyên bố nghèo khổ là thiêng liêng, mù, câm, điếc là thiêng liêng và những người tàn tật ấy là con nuôi của Nhà nước, sinh con hoang là thiêng liêng và người mẹ được chính phủ an ủi và nâng đỡ, trẻ mồ côi là thiêng liêng và chúng được tổ quốc nuôi dưỡng, người bị cáo trắng án là trong sạch là thiêng liêng và phải được bồi thường. Viện Quốc ước lên án việc buôn người da đen, tuyên bố hủy bỏ chế độ nô lệ, ban hành đạo luật liên đới trong quan hệ xã hội, chính sách giáo dục không mất tiền, tổ chức nền giáo dục quốc gia với trường sư phạm ở Paris, trường trung học ở quận lỵ và trường sơ cấp ở thôn xã, lập ra các trường chuyên nghiệp và các viện bảo tàng, ra sắc lệnh thống nhất luật pháp, thống nhất đo lường, thống nhất tính toán theo hệ số thập phân, lập nền tài chính của nước Pháp và thay thế nạn phá sản ngân sách thường xuyên của chế độ quân chủ bằng nền tín dụng công cộng. Viện Quốc ước đem lại cho ngành giao thông hệ thống điện tín, cho tuổi già những viện dưỡng lão có trợ cấp, cho ngành y tế những bệnh viện đã tẩy uế, cho ngày giáo dục trường bách khoa, cho khoa học phòng kinh tuyến và cho trí tuệ con người viện khoa học. Viện Quốc ước vừa có tính chất quốc gia vừa mang tính chất quốc tế. Viện Quốc ước đã ban hành một vạn một ngàn hai trăm mười sắc luật thì một phần ba có mục đích chính trị hai phần ba có mục đích nhân đạo. Viện Quốc ước tuyên bố đạo đức phổ biến là nền tảng xã hội và lương tâm phổ biến là nền tảng của pháp luật. Với tất cả những cái đó, ách nô lệ bị xóa bỏ, lòng bác ái được đề cao, lòng nhân đạo được bảo vệ, lương tâm con người được tu chỉnh, luật lao động trở thành pháp quyền, tài sản quốc gia được vững chắc, tuổi trẻ được học hành và nâng đỡ, văn học và khoa học được truyền bá rộng khắp, ánh sáng tỏa trên khắp các đỉnh cao, những cảnh cùng khổ được giúp đỡ, các nguyên tắc được công bố. Tất cả những cái đó, Viện Quốc ước đã làm, mặc dù nó còn mang trong lòng con quái vật là loạn Vendée và trên vai một bầy hùm beo là bọn vua chúa.
10
Đây là nơi vĩ đại. Tất cả các hạng người nhân đạo, vô nhân đạo và siêu nhân đều có mặt. Cả một mớ mâu thuẫn hùng tráng. Guillotin lánh mặt David, Bazire chửi Chabot, Guadet chế giễu Saint-Just, Vergniaud khinh bỉ Danton, Louvet công kích Robespierre, Buzot tố cáo Egalité, Chambon sỉ nhục Pache, tất cả căm ghét Marat. Và biết bao nhiêu tên tuổi nữa cần phải ghi lại! Armonville mệnh danh là Mũ Đỏ vì lần nào đến hội nghị cũng đội mũ cộng hòa, bạn của Robespierre mà lại đòi: “Sau Louis XVI phải chém đầu Robespierre cho cân đối”; Massieu, bạn đồng nghiệp và giống hệt cái ông giám mục Lamourette [131], có cái tên đáng lưu lại cho một cái hôn; Morbihan hay thóa mạ những thầy tu xứ Bretagne; Barère là người của các phe đa số, ngồi ghế chủ tọa khi Louis XVI đến trước vành móng ngựa, và ông ta có quan hệ với Paméla cũng y như Louvet với Lodoïska; tay hùng biện Daunou hay nói: “Chúng ta hãy tranh thủ thời gian”; Dubois-Crancé, mà Marat đã cúi xuống ghé tai thì thầm; hầu tước Chateauneuf, Laclos và Hérault de Séchelles, ông này gặp Henriot vừa lùi vừa kêu: “Pháo thủ, hãy trở lại vị trí pháo!”; Julien thường so sánh phái Montagnard với những người ở Thermopyles; Gamon đòi có diễn đàn riêng cho phụ nữ; Laloy đã thay mặt hội nghị tuyên dương ông giám mục Gobel vì ông này đến trước Viện Quốc ước bỏ mũ tu hành và đội mũ đỏ; Lecomte đã kêu lên: “Thế là các ông thầy tu đua nhau mà hoàn tục!”; Féraud, mà sau này Boissy-d’Anglas chào cái đầu lâu bêu trên mũi dáo, để lại cho lịch sử câu hỏi này: “Boissy-d’Anglas chào cái đầu là người bị nạn hay chào cái dáo là kẻ sát nhân?”; hai anh em Duprat, người theo phái Montagnard, người theo phái Girondin, thù ghét nhau như hai anh em Chénier.
Ở nơi diễn đàn ấy người ta đã từng thốt ra những lời nói rùng rợn, đôi khi chính người thốt ra cũng không biết là nó có giọng báo truyền họa phúc, và tiếp sau những lời đó, các sự việc bỗng nhiên có vẻ như bất bình và mê muội, như thể chúng giận dữ vì những điều vừa nghe thấy; tai vạ đôi lúc xảy ra cũng chỉ vì lời nói. Cũng tỉ như ở trong núi, chỉ cần một tiếng cất lên đủ làm cho núi tuyết đổ sụp. Một lời thêm thắt có thể sinh ra nạn sụp đổ; nếu không nói có thể chẳng xảy ra việc gì cả. Đôi khi tưởng chừng như các sự việc cũng sẵn sàng nổi giận. Chính vì thế, vì một câu nói vô tình bị hiểu lầm mà đầu bà Elizabeth đã bị rơi.
Ở Viện Quốc ước, nói năng vô độ là quyền của mọi người.
Trong cuộc tranh cãi, những lời hăm dọa bùng lên và giao nhau như ngọn lửa trong đám cháy.
PÉTION: – Robespierre, hãy nói vào sự việc.
ROBESPIERRE: – Sự việc chính là anh, Pétion ạ. Tôi sắp nói đến, rồi anh sẽ thấy.
MỘT NGƯỜI KHÁC: – Giết Marat!
MARAT: – Ngày mà Marat chết thì không còn Paris nữa, và ngày Paris không còn thì nền cộng hòa cũng chấm dứt.
BILLAUD-VARENNES đứng dậy và nói: – Chúng tôi muốn…
BARRÈRE ngắt luôn: – Anh nói như bọn vua chúa ấy.
Một hôm PHILIPPEAUX kêu lên: – Một đại biểu rút kiếm đòi đâm tôi đấy.
AUDOUIN: – Yêu cầu chủ tịch bắt tên sát nhân phải giữ trật tự.
CHỦ TỊCH: – Chờ đã.
PANIS: – Ông chủ tịch, tôi yêu cầu ông phải trật tự đấy. Thế là cũng được mẻ cười.
LECOINTRE nói: – Vị linh mục ở Chant-de-Bout phàn nàn về việc giám mục Fauchet cấm ông ta lấy vợ.
MỘT TIẾNG NÓI KHÁC: – Tôi không hiểu tại sao giám mục Fauchet có khối nhân tình mà lại cấm kẻ khác lấy vợ!
MỘT TIẾNG KHÁC: – Thầy tu ơi, lấy vợ đi!
Quần chúng ở khán đài cũng tham gia cuộc đối đáp. Họ cũng anh anh tôi tôi với hội nghị. Tuy vậy, có một lần, trong cuộc lộn xộn ngày 1 tháng 4 năm 1793, chủ tịch phải cho bắt một kẻ ngắt lời ở khán đài.
Một hôm, trong một phiên họp, có Buonarotti chứng kiến, Robespierre thuyết trình liền trong hai tiếng đồng hồ, mắt cứ nhìn Danton, khi thì nhìn chằm chằm, cái đó thật nghiêm trọng, khi thì liếc ngang, thế lại càng tệ hơn. Ông ta đả kích thẳng thừng rồi kết thúc bằng những lời đầy công phẫn và khốc liệt: “Người ta đã biết những kẻ thủ đoạn mưu mô, những kẻ mua chuộc và người bị mua chuộc, những kẻ phản trắc; chúng có mặt trong phòng họp này. Chúng đang nghe chúng ta nói. Chúng ta nhìn thấy chúng và không rời mắt theo dõi chúng. Chúng hãy ngước mắt nhìn lên, chúng sẽ thấy lưỡi gươm pháp luật treo lủng lẳng trên đầu; chúng hãy nhìn vào lương tâm và sẽ thấy sự hèn mạt của chúng. Bọn chúng hãy coi chừng.” Khi Robespierre nói xong, Danton mặt ngửa lên trần, mắt lim dim, một tay buông thõng bên thành ghế, ngả người ra sau và hát nho nhỏ: Cadet Roussel đọc diễn văn, chẳng dài thì ngắn, chẳng ngắn thì dài, ngắn dài cũng mặc, chẳng ai nghe nào.
Những câu nguyền rủa đối đáp nhau: “Đồ mưu phản!” “Đồ giết người!” “Đồ hiểm độc!” “Đồ phiến loạn!” “Đồ ôn hòa!” Người ta tố cáo nhau dưới bức trượng của Brutus. Họ réo nhau, chửi nhau, thách nhau. Không ít những cặp mắt giận dữ, những nắm tay giơ lên, những súng lục thập thò, những dao găm rút nửa chừng. Diễn đàn như một đám cháy lớn. Vài người đang nói mà như đã đặt lưng lên máy chém rồi. Đầu người nhấp nhổm như sóng dợn, khiếp sợ và dữ dội. Phái Montagnard, phái Girondin, phái Feuillants, phái Ôn Hòa, phái Khủng Bố, phái Jacobin, phái Cordelier, mười tám linh mục đồng tình giết vua.
Tất cả những người ấy! Như những luồng khói tỏa ra khắp các ngả.
11
Những đầu óc bị gió cuốn.
Nhưng gió đây là ngọn gió thần kỳ.
Làm một đại biểu của Viện Quốc ước như là một ngọn sóng trong biển cả. Và điều này càng đúng đối với những đại biểu vĩ đại nhất. Sức thúc đẩy từ trên cao dội xuống.
Trong Viện Quốc ước có một ý chí, ý chí của mọi người, không phải là ý chí của riêng ai. Ý chí ấy, một ý niệm không gì khuất phục được, lớn lao quá khổ, thổi trong tối tăm, từ trên trời xuống. Chúng ta gọi đó là Cách mạng. Khi ý niệm ấy đi qua, nó quật kẻ này xuống, bốc người kia lên; người thì cuốn thành bọt nước, kẻ thì bị đá ngầm xé tan xác. Ý niệm ấy biết rõ nó đi đâu, và đẩy vực thẳm phía trước nó. Quy cách mạng cho những con người cũng như quy thủy triều cho sóng.
Cách mạng là hành động của cái Chưa Biết. Gọi nó là việc tốt hay xấu là tùy ảnh hưởng về tương lai hay quá khứ, nhưng hãy nên để mặc nó cho kẻ làm ra nó. Cách mạng hình như là sự nghiệp cộng đồng của những biến cố lớn và của những cá nhân vĩ đại hòa lẫn với nhau, nhưng thực ra nó là lực tổng hợp của các biến cố. Biến cố tiêu pha, con người phải trả nợ. Biến cố ra lệnh con người ký tên. Ngày 14 tháng 7 ký tên Camille Desmoulins, ngày 10 tháng 8 ký tên Danton, ngày 2 tháng 9 ký tên Marat, ngày 21 tháng 9 ký tên Grégoire, ngày 21 tháng 1 ký tên Robespierre, nhưng tất cả: Desmoulins, Danton, Marat, Grégoire, Robespierre chỉ là những viên ký lục mà thôi. Tác giả khổng lồ và ghê sợ của những trang sách vĩ đại này có một cái tên là Chúa và một cái mặt nạ là số mệnh. Robespierre tin ở Chúa. Cố nhiên!
Cách mạng là hình thức biểu hiện của một động lực nội tại thúc bách ta và ta gọi là Tất Yếu.
Trước những lợi ích và đau khổ phức tạp và bí ẩn, dựng lên câu hỏi Tại Sao của lịch sử.
Bởi vì. Câu trả lời này của kẻ không biết gì cũng là câu trả lời của kẻ biết tất cả.
Đứng trước những tai họa chu kỳ nó đang phá phách và tiếp sức cho văn minh, người ta ngần ngại không dám phê phán chi tiết. Căn cứ vào thành quả mà chê khen con người cũng gần như căn cứ vào tổng số mà chê khen các con số. Cái gì phải trôi qua, thì cứ trôi đi, cái gì phải thổi thì cứ thổi lên. Cảnh thanh bình vĩnh cửu không ngại gì những cơn lốc ấy. Bên trên những cuộc cách mạng là chân lý và công bằng như bầu trời đầy sao bên trên những trận bão táp.
12
Cái Viện Quốc ước quá lớn ấy là như thế; đó là dinh lũy của loài người bị các lực lượng đêm tối tấn công, cùng một lúc, đó là những ngọn lửa đốt trong đêm khuya của một đạo quân tư tưởng bị vây hãm, đó là doanh trại bao la của đạo quân trí tuệ trên một sườn dốc đổ xuống vực thẳm. Trong lịch sử, không có gì so sánh được với tổ chức ấy, vừa là một nghị viện, vừa là một tổ chức của quần chúng, vừa là phòng họp kín, vừa là ngã tư đường, vừa là tòa án tối cao, vừa là quảng trường công cộng, vừa là quan tòa, vừa là bị cáo.
Viện Quốc ước đã luôn luôn uốn mình trước gió; những ngọn gió ấy là từ miệng quần chúng thổi ra và cũng là hơi thở của Chúa.
Và ngày nay, sau tám mươi năm trôi qua, mỗi lần Viện Quốc ước hiện ra trước tâm trí con người, dù là ai, sử gia hay triết gia, người đó cũng phải dừng lại và trầm ngâm. Không thể không chú ý đến cuộc diễu hành vĩ đại của những linh hồn đó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.