Chín Mươi Ba

CHƯƠNG 2: BÓNG TỐI TRÙM LÊN CON TÀU VÀ NGƯỜI HÀNH KHÁCH



Chiến hạm đáng lẽ theo hướng nam đi về Saint Catherine, lại nhằm hướng bắc, sau lại ngoặt hướng tây, rồi băng vào giữa đảo Serk và đảo Jersey, trong cái eo biển mà người ta gọi là con đường hiểm hóc. Thời kỳ đó, chưa có chiếc đèn biển nào ở hai bên bờ.
Mặt trời đã lặn hẳn; đêm tối như mực, khác hẳn mọi đêm hè; một đêm có trăng nhưng những đám mây rộng phủ đầy trời như từ phía xích đạo chuyển lên chứ không phải từ chí tuyến tới, và xem chừng chỉ khi nào mặt trăng sắp lặn sát chân trời thì mới có ánh sáng trăng. Vài đám mây sà xuống sát mặt nước khiến mặt biển mù mịt.
Cảnh tối trời ấy thật là thuận tiện.
Ý đồ của Gacquoil là đi lướt giữa đảo Jersey và Guernesey rồi mạo hiểm vượt qua các đảo Hanois và Douvres để ghé vào một cái vịnh nào đó thuộc hải phận Saint-Malo, con đường này dài hơn đường qua Minquiers nhưng chắc chắn an toàn hơn, bởi vì hạm đội tuần tiễu Pháp chỉ thường xuyên được lệnh tuần phòng nghiêm ngặt nhất ở giữa Saint-Hélier và Granville.
Nếu thuận gió, không xảy ra biến cố gì và phủ kín vải lên con tàu thì Gacquoil hy vọng cập bờ biển nước Pháp khoảng sáng sớm.
Mọi việc đều trôi chảy; vào khoảng chín giờ con tàu vừa mới vượt dãy đá ngầm Gronet: trời có vẻ trở quẻ, nói theo tiếng con nhà thủy thủ, rồi gió nổi, sóng cồn; nhưng gió vẫn xuôi và sóng tuy lớn mà không dữ dội. Tuy thế, cũng đã có đôi ngọn sóng làm nước ập vào đầu mũi tàu.
Lão “dân quê” mà Lord Balcarras đã gọi là tướng quân và hoàng thân De La Tour-d’Auvergne gọi là ông anh có cặp giò con nhà thủy thủ, đi bách bộ trên boong tàu với một vẻ trang nghiêm, trầm lặng. Lão có vẻ không nhận thấy con tàu lắc mạnh. Thỉnh thoảng lão lại rút trong túi áo ra một thỏi sô-cô-la, bẻ từng miếng nhấm nháp; mặc dầu tóc lão bạc phơ nhưng răng lão còn tốt chán.
Lão chẳng nói với ai, chỉ đôi khi rỉ tai ngắn gọn với viên thuyền trưởng, ông này thì lắng nghe một cách cung kính và hình như ông coi vị khách có quyền chỉ huy hơn cả ông nữa.
Tàu Claymore lái khéo, lần trong sương mù, đang men theo quãng bờ dốc dài phía bắc đảo Jersey, cố đi sát bờ để tránh dãy đá ngầm nguy hiểm Pierres-de-Leeq, giữa đảo Jersey và đảo Serk. Gacquoil, đứng ở vị trí hoa tiêu, lần lượt báo hiệu các dãy đá ngầm Grèves de Leeq, Gros-Nez, Plémont, hướng cho con tàu lướt qua, như thể mò mẫm, nhưng lại vững vàng như là ở nhà mình và biết rành rọt mọi vật trên đại dương. Tàu không thắp đèn hiệu đằng mũi, sợ bị lộ trên những khúc biển bị kiểm soát này. Người ta mừng thầm có sương mù. Tàu đến Grande-Etaque; sương dày đến nỗi bóng dãy núi cao Pinacle chỉ thấy hiện lên mờ mờ. Người ta nghe thấy tháp chuông Saint-Ouen điểm mười giờ, dấu hiệu con tàu vẫn xuôi gió. Mọi sự vẫn tiến triển tốt; đến gần dãy núi Corbière, biển mới nổi sóng mạnh hơn.
Độ hơn mười giờ, bá tước Du Boisberthelot và kỵ sĩ La Vieuville đưa chân lão già mặc quần áo nông dân đến tận phòng riêng, nguyên là phòng thuyền trưởng. Lúc vào trong phòng, lão hạ thấp giọng nói với hai người:
— Các ngài chắc đã biết, cần nhất là giữ bí mật. Im lặng cho đến khi bùng nổ. Chỉ riêng hai ngài ở đây biết tên tôi thôi.
— Chúng tôi sống để bụng chết mang đi – Boisberthelot trả lời.
— Còn tôi – Lão già nói tiếp – Đến chết tôi cũng không nói tên tôi.
Nói xong lão đi vào phòng mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.