Chín Mươi Ba

CHƯƠNG 2: CIMOURDAIN



Cimourdain là một lương tâm trong sạch nhưng u sầu. Với ông, cái gì cũng tuyệt đối. Ông đã từng là thầy tu, điều đó càng hệ trọng. Con người, cũng như bầu trời, có thể có một thứ bình thản u ám; chỉ cần có một cái gì đó gieo đêm tối vào tâm hồn. Nghề giáo sĩ đã làm cho tâm hồn Cimourdain càng tăm tối. Ai đã làm thầy tu cũng đều thế cả.
Cái đã gieo đêm tối trong ta có thể để lại trong ta những vì sao. Con người Cimourdain chất chứa đạo đức và chân lý, nhưng chỉ sáng ngời trong bóng tối.
Lịch sử của ông cũng ngắn gọn. Ông đã từng làm cha xứ ở làng và làm gia sư trong một nhà quý tộc; rồi được thừa hưởng một gia tài nhỏ, ông bắt đầu sống tự do.
Trước hết, ông là người kiên trì. Ông trầm tư mặc tưởng chẳng khác người ta sử dụng một chiếc kìm; ông cho rằng ông chỉ có quyền từ bỏ một ý kiến sau khi đã suy nghĩ đến cùng; ông suy nghĩ ráo riết. Ông biết đủ các thứ tiếng của châu Âu và của một ít nước khác; con người này học tập không mệt mỏi, điều đó giúp ông giữ được tiết trinh; nhưng tự kiềm chế như vậy không gì nguy hiểm bằng.
Khi còn là thầy tu, ông đã giữ được lời nguyền, có lẽ vì tự ái, do ngẫu nhiên hay do tâm hồn cao thượng; nhưng ông đã không thể giữ được tín ngưỡng. Khoa học đã làm sụp đổ lòng tin của ông; giáo lý cũng đã tàn lụi trong lòng ông. Rồi, tự xét mình, ông cảm thấy như què quặt, và không thể từ bỏ nghiệp tu hành. Ông cố gắng làm lại tư cách con người, nhưng lại quá hà khắc với mình; người ta đã cướp mất của ông gia đình, ông lấy tổ quốc làm gia đình; người ta không cho ông có vợ, ông lấy nhân loại làm bạn trăm năm. Tình trạng tràn đầy mênh mông ấy thực ra chỉ là trống rỗng.
Bố mẹ ông, những người nông dân, khi gây dựng cho ông thành thầy tu là muốn ông tách khỏi quần chúng; nhưng ông đã trở về với quần chúng.
Và ông đã trở về với quần chúng một cách say mê. Ông nhìn những kẻ đau khổ với tấm lòng trìu mến dễ sợ. Từ một thầy tu, ông đã trở thành một nhà triết lý, và từ nhà triết lý ông trở thành lực sĩ. Ngay từ hồi xưa vua Louis XV còn sống Cimourdain đã cảm thấy mang máng mình là cộng hòa rồi. Cộng hòa nào? Có thể là cộng hòa kiểu Platon [61], và cũng có thể là cộng hòa kiểu Dracon [62].
Bị cấm thương yêu, ông quay ra thù ghét. Ông thù ghét những điều dối trá, quân quyền, thần quyền và bộ áo thầy tu của ông; ông thù ghét hiện tại, và ông lớn tiếng kêu gọi tương lai; ông đã linh cảm, đã thoáng thấy, đã phỏng đoán được tương lai ấy vừa ghê sợ vừa huy hoàng; ông hiểu rằng để chấm dứt cảnh bần cùng thê thảm của loài người, sẽ có cái gì như bàn tay báo oán đồng thời là bàn tay giải phóng. Từ xa, ông đã tôn thờ cái tai họa ấy.
Năm 1789, cái tai họa ấy đã tới, ông đã sẵn sàng tiếp đón nó, Cimourdain lao mình vào cuộc đổi đời vĩ đại ấy một cách lô-gích, nghĩa là quyết liệt, hợp với một con người có bản lĩnh như ông; đã lô-gích thì không mềm yếu. Ông đã sống những năm vĩ đại của cuộc cách mạng và đều đã rung cảm theo những trận gió lùa. Năm 89 ngục Bastille đổ, chấm dứt những cực hình của nhân dân; năm 90, ngày 19 tháng 6, chế độ phong kiến cáo chung; năm 91, Varennes [63] kết thúc nền quân chủ; năm 92, nền cộng hòa thành lập. Ông đã trông thấy cách mạng nổi lên. Ông không phải là kẻ sợ sức mạnh khổng lồ ấy; trái lại, mọi cái lớn lên đã tăng thêm sức sống cho ông; và mặc dầu tuổi đã khá cao – ông đã 50 tuổi và thầy tu thường già sớm hơn người thường – ông cũng lớn dần lên. Năm này qua năm khác, ông nhìn tình hình phát triển, và ông trưởng thành theo. Lúc đầu, ông sợ Cách mạng đẻ non, ông theo dõi, khi Cách mạng có đủ lý đủ quyền để tồn tại, ông đòi hỏi nó phải thành công; rồi, càng ngày nó càng khủng khiếp thì ông cảm thấy yên tâm. Ông muốn rằng Minerve quấn những vòng hoa đầy những ngôi sao sáng tương lai, đồng thời cũng phải là Pallas sử dụng một chiếc khiên chạm đầy rắn [64]. Ông muốn khi cần thiết thì con mắt thần tiên của cách mạng cũng phải rọi ánh sáng địa ngục đến lũ ma quỷ và dùng khủng bố đáp lại khủng bố.
Thế rồi đến năm 93.
Năm 93 là cuộc chiến tranh của châu Âu chống lại nước Pháp và nước Pháp chống lại Paris. Và Cách mạng là gì? Là nước Pháp chiến thắng châu Âu và Paris chiến thắng nước Pháp. Do đó, cái giây phút kinh hoàng này, 93 bỗng lớn lao hơn cả thời gian còn lại của thế kỷ.
Không gì bi thảm hơn là cảnh châu Âu đánh vào nước Pháp và nước Pháp đánh vào Paris. Tấn bi kịch đó có tầm vóc của một bản hùng ca.
Năm 93 là một năm dữ dội. Năm ấy, dông tố nổi lên điên cuồng nhất và cũng hùng tráng nhất. Sống trong đó, Cimourdain cảm thấy thoải mái. Cái cảnh cuồng loạn, man rợ và tráng lệ ấy hợp với bản chất vĩ đại của ông. Ông giống như loài diều hâu biển, bên trong rất trầm tĩnh, bên ngoài lại thích mạo hiểm. Có những thiên tư bay bổng, hung dữ và điềm tĩnh, vốn sinh ra để sống với bão tố. Có những tâm hồn bão táp.
Ông có riêng một tình thương yêu, chỉ dành cho những người khốn khổ. Trước cảnh đau thương ghê rợn, ông thật tận tụy. Không có gì làm cho ông ghê tởm được. Đó là kiểu từ thiện của ông. Ông cứu người một cách gớm ghiếc và thần thánh. Ông tìm những ung nhọt để hôn. Những nghĩa cử không đẹp mắt lại khó nhất; ông thích những việc ấy. Một hôm, tại nhà thương Hôtel Dieu, một người sắp chết vì một cái nhọt chặn ngang cổ họng, nhọt hôi thối, kinh tởm, có thể truyền độc và cần phải nặn gấp. Cimourdain ở đấy; ông ghé miệng vào cái nhọt hút mủ, miệng đầy thì lại nhổ ra, cho đến khi kiệt mủ, và nhờ vậy cứu sống người kia. Hồi ấy, ông còn khoác áo thầy tu, có người đã nói với ông: “Nếu cha làm thế cho đức vua thì cha sẽ được thăng chức giám mục.” “Với đức vua, tôi sẽ không làm như thế.” Cimourdain trả lời.
Việc làm và lời nói của ông làm cho ông được lòng dân chúng trong những khu phố tối tăm của Paris.
Đến nỗi ông có thể làm cho những người đang đau khổ, đang khóc lóc, đang hăm dọa nhau, cũng răm rắp nghe lời ông. Hồi quần chúng phẫn nộ chống bọn đầu cơ tích trữ gây nên biết bao nhiêu là sai lầm, chính Cimourdain, chỉ với một câu nói, đã ngăn cản được vụ cướp phá một chiếc tàu thủy chở xà phòng đậu ở cảng Saint-Nicolas, và ông đã giải tán được những đám phẫn nộ tụ tập để ngăn xe cộ ở cửa ô Saint-Lazare.
Chính ông, mười ngày sau ngày 10 tháng 8, đã cầm đầu quần chúng đi lật đổ các tượng vua. Tượng đổ xuống làm chết người: ở quảng trường Vendôme, một người đàn bà là Reine Violet bị tượng vua Louis XIV đè chết vì đã buộc dây vào cổ tượng mà kéo. Pho tượng Louis XIV ấy đứng vững đã một trăm năm, dựng lên ngày 12 tháng 8 năm 1692, đổ xuống ngày 12 tháng 8 năm 1792. Tại quảng trường Hòa Hợp, tên Guinguerlot bị đánh chết tươi trên bệ tượng Louis XV vì hắn gọi những người tới phá hủy là đồ súc sinh! Tượng bị đập nát. Ít lâu sau, người ta dùng tượng để đúc xe. Còn lại cánh tay; đó là cánh tay phải của Louis XV giơ lên như kiểu hoàng đế La Mã. Do đề nghị của Cimourdain mà một đoàn đại biểu nhân dân đã mang cánh tay đó tặng Latude, người bị chôn sống đã ba mươi bảy năm ở ngục Bastille. Khi mà Latude cổ đeo gông, thân mang xiềng, rũ mòn trong cái ngục ấy theo lệnh của ông vua mà pho tượng nhìn bao quát cả thủ đô Paris, ai dám bảo rằng nhà ngục kia sẽ đổ xuống, pho tượng ấy sẽ đổ xuống, rằng Latude từ ngôi mộ sẽ bước ra và chế độ quân chủ sẽ nằm thế vào đó, rằng anh ta từ một người tù, đã thành người chủ cánh tay đồng đen đã từng ký giấy giam anh ta và cả tên vua bùn kia cũng chỉ còn có cánh tay đồng đen ấy nữa thôi!
Cimourdain thuộc hạng người trong lòng ấp ủ một tiếng nói thầm kín, và lắng nghe tiếng nói ấy. Những người ấy bề ngoài coi bộ đãng trí; không; họ rất chú ý.
Cimourdain vừa uyên bác vừa dốt đặc. Uyên bác về khoa học nhưng lại dốt đặc về cuộc đời. Do đó, ông rất cương quyết. Mắt ông bị che như mắt Thémis [65] trong Homère. Ông tin tưởng một cách mù quáng như mũi tên chỉ thấy đích và cứ nhằm thẳng mà lao tới. Trong cách mạng, không có gì đáng sợ bằng con đường thẳng.
Cimourdain tiến thẳng phía trước, không gì ngăn cản nổi.
Cimourdain tin rằng trong quá trình phát triển của xã hội, điểm cực là khu vực vững chắc nhất; sai lầm của những đầu óc lấy luận lý thay cho lẽ phải. Ông vượt quá Viện Quốc ước, ông vượt quá Công xã; ông ở phái Tòa giám mục.
Phái Tòa giám mục, sở dĩ đặt tên thế là vì phái ấy hội họp trong một gian phòng của tòa giám mục cổ kính, một nhóm người phức tạp, ô hợp. Đến dự họp ở đấy cũng như ở Công xã, có những kẻ ngồi lặng thinh nhưng rất tiêu biểu, và nói như Garat, “có bao nhiêu túi là bấy nhiêu súng lục”. Phái Tòa giám mục là một tập đoàn hỗn độn kỳ lạ; có cả người Paris và người bốn phương, hai điều này không loại trừ lẫn nhau, vì Paris là nơi có tiếng đập của trái tim các dân tộc. Đây cũng là nơi cao trào dân chúng đang bùng lên sôi nổi. Bên cạnh phái Tòa giám mục, Viện Quốc ước là nguội lạnh và Công xã là ôn hòa. Phái Tòa giám mục là một trong những tổ chức cách mạng giống như những hòn núi lửa; chứa đủ thứ, dốt nát có, ngu ngốc có, liêm chính có, anh hùng có, giận dữ có, mật thám có. Tướng Brunswick [66] cũng có tay chân ở đấy. Có những người xứng đáng với dân Sparte [67] và có những kẻ đáng phải tù đầy. Đa số nóng nảy và thật thà. Phái Girondin, qua cửa miệng Isnard, chủ tịch nhất thời của Viện Quốc ước đã nói một câu kinh khủng: “Dân Paris, hãy coi chừng. Rồi đây sẽ chẳng còn lấy một viên đá của thành phố đứng vững và có ngày người ta sẽ phải đi tìm cái chỗ xưa kia đã là Paris”.Câu nói đó đã tạo ra phái Tòa giám mục. Những con người, như chúng tôi vừa nói, những con người ở khắp bốn phương, thấy cần phải kề vai sát cánh lại.
Nhóm này chống lại bọn phản động. Nó sinh ra từ yêu cầu dùng bạo lực của quần chúng; đó là mặt đáng sợ và bí hiểm của các cuộc cách mạng. Dựa vào sức mạnh ấy, phái Tòa giám mục đã tích cực hoạt động. Trong những đợt biến động lớn của Paris, chính Công xã nã đại bác và phái Tòa giám mục kéo chuông cấp báo.
Cimourdain với bản tính ngây thơ không bao giờ thay đổi tin rằng tất cả mọi cái phục vụ cho chân lý đều là công minh; điều đó làm cho ông ta có một cái thế đặc biệt để làm khuất phục các phái cực đoan. Những kẻ bất lương cảm thấy ông ta chính trực, và lấy làm bằng lòng.
Chúng núp dưới một bộ mặt đạo đức để phạm những tội ác. Điều đó làm chúng lúng túng nhưng chúng lấy làm khoái trá. Palloy, kiến trúc sư đã lợi dụng việc phá hủy ngục Bastille, đem tiền bán các phiến đá bỏ túi riêng, rồi khi được giao việc quét vôi lại ngục giam Louis XVI thì đã hăng hái vẽ vời khắp tường nào song sắt nào xiềng xích và gông cùm; Gonchon, nhà diễn thuyết khả nghi ở ngoại ô Saint-Antoine, mà sau này người ta mới tìm lại được các chứng từ; Fournier, người Mỹ, hôm 17 tháng 7 đã bắn một phát súng lục vào Lafayette [68], nghe nói lại chính do Lafayette thuê; Henriot [69] ở nhà thương điên ra và đã từng làm đủ nghề, nấu bếp, leo dây múa rối, trộm cắp, gián điệp, trước khi làm tướng, và chĩa đại bác bắn vào Viện Quốc ước. La Reynie, nguyên làm phó giám mục xứ Chartres đã thay kinh nhật tụng bằng tờ Père Duchesne; tất cả bọn người này phải kiêng nể Cimourdain, và, đôi lúc, để ngăn những bọn tồi tệ dở trò thì chỉ cần chúng thấy sừng sững trước mặt chúng con người tượng trưng cho niềm trong trắng đáng sợ kia. Chính vì thế mà Saint-Just khiến Schneider phải khiếp sợ. Đồng thời, đa số trong phái Tòa giám mục gồm chủ yếu những người nghèo và những người sôi nổi; họ rất tốt, họ tin tưởng và theo Cimourdain. Ông ta có một linh mục trợ tế, hay gọi là người hộ vệ cũng được, là thầy tu cộng hòa Danjou được dân chúng yêu chuộng, vì vóc người cao, và vẫn gọi đùa là Cha Hai Thước. Cimourdain lại có thể sai khiến viên tướng rất dũng cảm mà người ta gọi đùa là tướng La Pique [70] cũng như tay ngổ ngáo Truchon tức Nicolas Lớn, tay này đã định cứu bà Lamballe, và đã đưa tay dắt bà ta bước qua các xác chết; y đã thành công nếu không bị tay thợ cạo Charlot chế giễu cay độc.
Công xã giám sát Viện Quốc ước, phái Tòa giám mục lại giám sát Công xã; Cimourdain, đầu óc thẳng thắn, ghét lối mưu mô, đã từng phá tan nhiều âm mưu của Pache mà Beurnonville gọi là “con người đen tối”. Ở phái Tòa giám mục, Cimourdain xử bình đẳng với mọi người. Dobsent và Momoro thường xin ý kiến ông. Ông nói tiếng Tây Ban Nha với Gusman, tiếng Ý với Pio, tiếng Anh với Arthur, tiếng Flandres với Peireyra, tiếng Đức với người Áo Proly, con hoang một hoàng thân. Giữa đám người ấy, ông đã gây được sự nhất trí. Do đó ông có một thế lực ngấm ngầm và vững mạnh. Hébert [71] cũng kiêng sợ ông.
Giữa những thời kỳ và những nhóm người bi tráng ấy, Cimourdain có cái sức mạnh của những con người sắt đá. Ông là một nhân vật hoàn toàn và rất tự tin không thể sai lầm. Chưa có ai thấy ông khóc. Một con người đức hạnh tuyệt vời và giá lạnh. Một bậc công minh đáng sợ.
Trong cách mạng không thể có vị trí trung gian cho một nhà tu hành. Một tu sĩ chỉ có thể lao mình vào cuộc phiêu lưu kỳ diệu hiển nhiên ấy với những lý do hoặc đê tiện nhất hoặc cao cả nhất; chỉ có thể hoặc làm người hèn mạt hoặc làm người cao siêu. Cimourdain cao siêu, nhưng lại trong cảnh cô độc, trong cảnh cheo leo, cảnh xám ngắt chẳng dung người cao siêu giữa một vùng vực thẳm. Những đỉnh núi cao thường có cái trinh khiết thảm đạm ấy.
Cimourdain có cái bề ngoài của một người bình thường, mặc những bộ quần áo tầm thường, có vẻ nghèo khổ. Hồi trẻ, ông phải gọt tóc đi tu; đến lúc già, đầu ông hói. Tí tóc còn lại đã ngả hoa râm. Trán ông rộng, trên trán ấy người tinh ý sẽ thấy một dấu hiệu đặc biệt. Cimourdain có lối nói đột ngột, say sưa và trịnh trọng; tiếng nói gọn, giọng đĩnh đạc; miệng ông buồn rầu, chua chát; con mắt sáng và thâm trầm. Và trên toàn bộ khuôn mặt có cái vẻ gì như phẫn nộ, bất bình.
Cimourdain là như thế.
Ngày nay, chẳng còn ai biết tên ông. Lịch sử thường có những kẻ vô danh kinh khủng như vậy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.