Thức ăn dự trữ trên chiếc xuồng không phải là vô ích.
Hai kẻ trốn tránh vì phải đi đường vòng nên mất ba mươi sáu tiếng đồng hồ mới vào được bờ. Họ qua một đêm trên biển; nhưng là một đêm đẹp trời, tuy nhiên trăng hơi sáng quá đối với những người đang tìm cách tẩu thoát.
Lúc đầu họ phải rời xa đất Pháp và vượt ra khơi về phía Jersey.
Họ nghe những tiếng súng sau cùng của con tàu bị xé tan như tiếng rống cuối cùng của con sư tử bị người đi săn giết chết, giết trong rừng. Rồi biển cả trở lại im lặng.
Tàu Claymore cũng đã đắm như kiểu tàu Le Vengeur [30] trước đây, nhưng không chút vinh quang; chống lại tổ quốc thì anh hùng sao được.
Halmalo là một thủy thủ kỳ tài. Anh ta khéo léo và thông minh lạ lùng; phải gọi là kiệt tác cái việc anh ta ứng biến nghĩ ra con đường quanh co qua đá ngầm, sóng cả và cả con mắt của kẻ địch. Dần dần, biển lặng và sóng yên, biển dễ vượt hơn.
Halmalo tránh hòn Caux thuộc dãy Minquiers, vòng qua hòn Chaussée-aux-Boeufs, ẩn vào đó, nghỉ vài giờ trong cái vũng nhỏ về phía Bắc khi nước xuống, rồi lại lần xuống phía nam, tìm cách vượt qua giữa Granville và các đảo Chausey mà không hề bị tháp canh ở hai nơi này trông thấy. Rồi anh ta đưa xuồng vào vịnh Saint-Michel, thật là táo tợn vì vịnh đó ở cạnh Cancale, nơi hạm đội tuần tiễu thả neo.
Chiều hôm sau, độ một giờ trước khi mặt trời lặn, Halmalo chèo xuồng bỏ dãy núi Saint-Michel lại sau, và ghé vào một bãi cát lẫn sỏi lúc nào cũng vắng vẻ vì nơi này nguy hiểm; vào đây là bị sa lầy.
May sao lúc đó nước triều lên cao.
Halmalo đẩy xuồng tiến vào sâu, dò chỗ có cát, thấy chắc chắn mới cho xuồng mắc cạn và nhảy xuống đất.
Lão già theo anh ta lên bờ, và quan sát chân trời.
Halmalo nói:
— Thưa đức ông, đây là cửa sông Couesnon. Bên phải là Beauvoir, bên trái là Huisnes. Gác chuông đằng trước mặt là Ardevon.
Lão già cúi vào trong chiếc xuồng, lấy một chiếc bánh bích quy bỏ túi rồi bảo Halmalo:
— Lấy nốt đi.
Halmalo bỏ vào bọc chỗ thịt và bánh bích quy còn lại, khoác túi lên vai. Xong, anh ta nói:
— Thưa đức ông, con phải dẫn đức ông đi hay đi theo đức ông?
— Không phải dẫn cũng chẳng phải theo.
Halmalo sửng sốt nhìn lão.
Lão già tiếp:
— Halmalo, chúng ta chia tay thôi. Đi hai người chẳng ích gì. Phải hàng nghìn, hoặc chỉ có một mình.
Lão ngừng lại, móc túi lấy ra một cái nơ bằng lụa xanh hơi giống một cái huy hiệu đính vào mũ, ở giữa có thêu một bông hoa bách hợp bằng vàng. Lão nói tiếp:
— Ngươi có biết đọc không?
— Thưa không.
— Tốt, một người biết đọc chỉ thêm phiền. Trí nhớ ngươi tốt chứ.
— Thưa vâng.
— Tốt. Nghe đây, Halmalo. Ngươi đi về bên phải và ta rẽ bên trái. Ta sẽ đi về phía rừng Fougères, ngươi đi về phía rừng Bazouges. Ngươi cứ giữ cái túi cho có vẻ dân quê. Giấu kín vũ khí đi. Chặt lấy một cây gậy trong các hàng rào. Bò qua các ruộng lúa mạch mọc cao. Luồn sau những bờ dậu. Bước theo những giàn cây leo mà vượt khỏi cánh đồng. Đi cách xa những người qua đường. Tránh đường cái và cầu cống. Đừng vào Pontorson. À! Ngươi sẽ phải qua sông Couesnon. Qua bằng cách nào?
— Bơi qua.
— Tốt. Vả lại ở đó có chỗ cạn lội qua được. Có biết quãng nào không?
— Giữa Ancey và Vieux-Viel.
— Tốt. Ngươi đúng là người địa phương.
— Nhưng sắp tối rồi. Đức ông ngủ ở đâu?
— Ta tự liệu. Còn ngươi, ngươi định ngủ ở đâu?
— Đã có các hốc cây. Trước khi đăng lính thủy, con là nông dân.
— Hãy vứt chiếc mũ lính thủy đi, cái thứ ấy nó sẽ phản ngươi đấy. Ngươi kiếm cho được một chiếc mũ dân chài.
— Ồ! Loại mũ cụp vành ấy đâu chẳng có. Gặp một anh thuyền chài nào cũng mua được ngay.
— Tốt. Bây giờ nghe đây. Ngươi biết các khu rừng?
— Tất cả.
— Suốt cả xứ này chứ?
— Từ Noirmoutier đến tận Laval.
— Thuộc tên cả chứ?
— Con thuộc rừng, thuộc tên, thuộc tất cả.
— Ngươi sẽ không quên gì chứ?
— Không.
— Tốt. Bây giờ, chú ý đây. Một ngày ngươi đi nổi bao nhiêu dặm?
— Mười, mười lăm, mười tám, hai mươi, nếu cần.
— Cần đấy. Không được quên một lời nào ta dặn đây. Ngươi đến rừng Saint-Aubin.
— Gần Lamballe?
— Phải. Ở rìa con ngòi giữa Saint-Rieul và Plédéliac có một cây dẻ lớn. Ngươi sẽ dừng lại đó. Ngươi sẽ không thấy ai cả.
— Song không vì thế mà không có người nào. Con biết.
— Ngươi làm hiệu gọi. Ngươi có biết mật hiệu không?
Halmalo phùng má, quay ra phía biển, và người ta bỗng nghe tiếng một con cú mèo kêu hu hu.
Tưởng chừng như tiếng kêu đó từ trong đêm thẳm vọng lại; thật giống và thật ghê rợn.
— Tốt – Lão già nói – Ngươi làm được đấy.
Lão đưa cho Halmalo cái nơ lụa xanh.
— Đây là cái nơ chỉ huy của ta. Cầm lấy. Chưa cần cho ai biết tên ta vội. Cái nơ này là đủ. Bông hoa bách hợp do bà Royale [31] thêu trong nhà ngục ở lâu đài Temple.
Halmalo quỳ một gối xuống đất. Anh ta run run nhận lấy chiếc nơ có bông hoa bách hợp và ghé sát môi; rồi bỗng anh ta ngừng lại như sợ hôn như vậy chẳng biết có phải phép chăng. Anh ta hỏi:
— Con hôn được chứ?
— Được, vì ngươi cũng hôn thánh giá.
Halmalo hôn bông hoa bách hợp.
— Đứng lên – Lão già bảo.
Halmalo đứng lên và luồn chiếc nơ vào áo trước ngực.
Lão già bảo tiếp:
— Nghe kỹ điều này. Đây là mệnh lệnh: Nổi dậy đi. Không cho sống sót. Vậy, đến rìa rừng Saint-Aubin ngươi làm hiệu gọi. Ngươi cứ làm ba lần. Lần thứ ba ngươi sẽ thấy một người ở dưới đất chui lên.
— Từ một lỗ dưới các cây. Con biết rồi.
— Người đó là Planchenault, người ta còn gọi là Coeurde-Roi. Ngươi đưa cái nơ này cho người đó xem. Hắn sẽ hiểu. Rồi ngươi tiếp tục tìm lấy đường mà đến khu rừng Astillé. Ở đó ngươi gặp một người chân vòng kiềng tên gọi là Mousqueton, hắn thì chẳng nhân từ với ai cả. Ngươi nói với hắn rằng ta mến hắn và hắn hãy khuấy động khắp giáo khu của hắn. Rồi ngươi đi tới rừng Couesbon cách Ploërmel một dặm. Ngươi lại làm hiệu cú mèo kêu, một người sẽ từ trong lỗ chui ra; đó là ông Thuault, một quan chức ở địa phương, một người đã ở trong cái gọi là Quốc hội lập hiến [32], nhưng thuộc phái tốt. Ngươi nói với ông ta hãy vũ trang lâu đài Couesbon của hầu tước Guer, hiện đang sống lưu vong. Hào rãnh, rừng cây, đường sá gập ghềnh, đó là căn cứ tốt. Ngài Thuault là người thẳng thắn và khôn ngoan. Sau đó, ngươi tới Saint-Ouen-les-Toits, ngươi sẽ nói chuyện với Jean Chouan, người này theo ý ta đúng là một thủ lĩnh. Sau đó, ngươi tới rừng Ville-Anglose, ở đó ngươi gặp Guitter mà người ta thường gọi là Saint-Martin, ngươi nói với ông này để ý theo dõi một đứa tên là Courmesnil, con rể lão Goupil de Prefeln, là đứa cầm đầu bọn Jacobin vùng Argentan. Nhớ kỹ tất cả. Ta không viết gì bởi vì không nên viết tí gì cả. La Rouarie trước đây có chép cả một bản danh sách; rồi hỏng hết. Sau đó ngươi tới rừng Rougefeu, ở đấy có ông Miélette, ông ta vẫn dùng một cây sào dài để đu mình nhảy qua các khe hào.
— Cái đó gọi là ferte [33].
— Ngươi biết dùng nó không?
— Vậy hóa ra con chẳng phải là người Bretagne, cũng chẳng phải là nông dân nữa sao? Cây sào đó là bầu bạn của chúng con. Nó nối thêm tay, thêm chân cho chúng con.
— Có nghĩa là làm cho kẻ địch bé đi và rút ngắn đường lại. Một vật tốt.
— Một lần, với cây sào ấy, con chống lại ba tên lính đoan có mang gươm.
— Từ bao giờ?
— Mười năm rồi.
— Dưới thời còn đức vua?
— Vâng.
— Ngươi đã đánh nhau dưới thời đức vua?
— Vâng.
— Chống lại ai?
— Thật ra, con chẳng biết. Lúc đó con làm muối lậu.
— Tốt.
— Người ta gọi là đánh lại bọn thuế muối. Bọn ấy có phải là cũng như đức vua không?
— Ừ. Không. Mà ngươi cũng chẳng cần hiểu điều đó làm gì.
— Con xin đức ông tha lỗi vì đã dám hỏi lại đức ông.
— Ta tiếp tục. Ngươi có biết lâu đài Tourgue không?
— Con biết lâu đài Tourgue lắm! Con là người ở vùng ấy.
— Sao?
— Vâng, vì con là người vùng Parigné.
— Đúng thế. Ừ. Tourgue ở cạnh Parigné.
— Con biết lâu đài Tourgue lắm! Cái lâu đài tròn đồ sộ là của gia quyến các lãnh chúa của con! Có một cái cửa sắt lớn ngăn tòa nhà cũ với tòa nhà mới, đến đại bác cũng chẳng phá nổi. Trong tòa lâu đài mới ấy có cuốn sách rất hay, nói về thánh Barthélémy, ai cũng tò mò tới xem cho biết. Vô số ếch nhái dưới cỏ. Lúc còn bé tí, con đã đến bắt ếch chơi ở đấy. Lại còn con đường ngầm nữa! Con cũng biết. Có lẽ chỉ còn một mình con biết con đường ngầm đó thôi.
— Con đường ngầm nào? Ta không hiểu ngươi định nói gì?
— Đó là chuyện ngày xưa, lúc lâu đài Tourgue bị bao vây. Người trong lâu đài đã trốn ra ngoài bằng một con đường ngầm từ lâu đài thông ra rừng.
— Ừ, có kiểu đường ngầm đó ở các lâu đài Jupellière, Hunaudaye và Champéon; nhưng ở lâu đài Tourgue thì làm gì có.
— Có đấy ạ, thưa đức ông. Mấy nơi đức ông vừa nói thì con không biết. Con chỉ biết con đường ngầm ở lâu đài Tourgue vì con là người vùng ấy mà lại. Hơn nữa, chỉ còn mình con đường đó. Chẳng còn ai nhắc đến nó nữa. Điều đó bị cấm bởi vì con đường đó đã dùng trong chiến tranh thời ngài De Rohan [34]. Bố con biết điều bí mật đó và đem chỉ nó cho con. Con biết cách bí mật vào và ra. Nếu con ở ngoài rừng, con có thể đi vào trong cái tháp và nếu con ở trong tháp, con có thể ra rừng mà chẳng ai thấy được. Và đến khi quân địch vào thì chẳng còn ma nào nữa. Đó, lâu đài Tourgue là như thế đấy. Chà! Con biết rõ lắm mà!
Lão già đứng im lặng một lát.
— Chắc ngươi lầm rồi; nếu có điều bí mật đó thì ta cũng phải biết chứ.
— Thưa đức ông, con tin chắc như thế, rõ ràng là có một tảng đá biết quay.
— À đúng rồi! Dân quê các ngươi, tin nhảm nhí những chuyện đá biết quay, đá biết hát, cả chuyện ban đêm đá đi ra suối uống nước nữa. Trăm thứ chuyện.
— Nhưng mà con đã được xoay tảng đá ấy, tảng đá…
— Thì cũng như những người khác đã nghe nó hát thôi. Anh bạn ạ, Tourgue là một pháo đài chắc chắn và mạnh, phòng ngự dễ; nhưng kẻ nào định bám vào một con đường ngầm để mà thoát ra thì thật là ngây thơ.
— Nhưng, thưa đức ông…
Lão già nhún vai.
— Thôi, đừng mất thì giờ nữa. Bàn công việc chúng ta thôi.
Giọng nói như ra lệnh đó cắt đứt không cho Halmalo nói thêm.
Lão già lại bảo:
— Ta dặn nốt. Nghe đây. Từ Rougefeu, ngươi tới rừng Montchevrier, ở đó có ông Bénédicité, thủ lĩnh nhóm Mười hai [35]. Đấy cũng là một người có tài. Trong lúc bắn người, ông ta không ngừng cầu kinh Benedicite. Trong chiến tranh, không thể có tình cảm được. Rồi từ Montchevrier, ngươi đi đến…
Lão bỗng ngừng lại.
— Ta quên mất chuyện tiền.
Lão lấy ở túi ra, đặt vào tay Halmalo một bọc tiền và một cái ví.
— Trong ví này có ba mươi ngàn quan bằng tín phiếu, khoảng ba bảng với mười xu; đây là tín phiếu giả, nhưng tín phiếu thật giá trị cũng vậy thôi; còn trong bọc này thì cẩn thận đấy, có tất cả một trăm louis vàng. Có bao nhiêu ta cho ngươi hết. Ở đây, ta không cần gì nữa. Vả lại, tốt hơn là họ không thấy trong người ta có tiền. Ta nói nốt. Từ Montchevrier, ngươi đi Antrain, ở đó ngươi gặp ông De Frotté; từ Antrain đi Jupellière, ở đấy gặp ông Rochecotte; từ Jupellière đi Noirieux, ở đó gặp linh mục Baudouin.
Ngươi nhớ tất cả chứ?
— Nhớ như nhớ kinh Pater.
— Ngươi sẽ gặp ông Dubois-Guy ở Saint-Brice-en-Cogle, gặp ông De Turpin ở Morannes, một thị trấn phòng thủ tốt, và gặp hoàng thân De Talmond ở lâu đài Gonthier.
— Liệu một hoàng thân có nói chuyện với con không?
— Thì ta chả đương nói với ngươi là gì.
Halmalo ngả mũ chào.
— Mọi người sẽ tiếp đón ngươi trọng vọng khi họ nhìn thấy bông hoa bách hợp của công chúa. Đừng quên rằng ngươi phải đi trong những vùng có dân miền núi và những người hủ lậu. Cải trang đi. Điều đó rất dễ. Cái bọn cộng hòa ấy hết sức ngu, chỉ cần mặc bộ áo xanh, cái mũ chào mào với huy hiệu tam tài là đi đâu cũng lọt. Bọn chúng chẳng có trung đoàn, chẳng có quân phục, các đơn vị cũng chẳng có số hiệu nữa; ai muốn khoác đồ tã gì cũng được. Thế rồi ngươi đến Saint-Mhervé. Ở đó, ngươi gặp ông Gaulier, thường gọi là Grand-Pierre. Rồi ngươi đến doanh trại Parné, ở đó, người nào mặt cũng nhọ nhem. Họ thường nhét sỏi vào súng và bao giờ cũng nhồi gấp đôi số thuốc cho nổ thật to. Bọn họ làm thế là tốt; nhưng tốt hơn hết là nhắc họ phải giết, giết, giết nữa. Rồi ngươi tới trại Vache-Noire ở trên một ngọn đồi cao, giữa rừng Charnie, rồi tới trại Avoine, rồi trại Vert, trại Fourmis. Ngươi còn phải tới Grand-Bordage, cũng còn gọi là Haut-des-Prés ở đó có một người đàn bà góa có con gái gả cho Treton, vẫn gọi là lão người Anh. GrandBordage ở trong khu vực nhà xứ Quelaines. Ngươi sẽ gặp Epineux-le-Chevreuil, Sillé-le-Guillaume, Parannes và tất cả những người bạn rồi ngươi sẽ phái họ tới ria rừng miền trên và miền dưới sông Maine, ngươi sẽ gặp Jean Treton ở giáo khu Vaisges, Sans-Regret ở Bignon, Chambord ở Bonchamps, anh em Corbin ở Maisoncelles và anh chàng Petit-Sans-Peur ở Saint-Jean-sur-Erve. Người đó cũng tên là Bourdoiseau. Xong những việc đó rồi và khi khẩu lệnh nổi dậy đi, không cho sống sót đã truyền khắp nơi, khi gặp đại quân thiên chúa giáo và hoàng gia ở bất cứ chỗ nào thì ngươi nhập vào. Ngươi sẽ được gặp các ngài D’Elbée, De Lescure, De La Rochejaquelein, những người thủ lĩnh còn sống đến lúc đó. Ngươi đưa các ngài xem chiếc nơ chỉ huy của ta. Các ngài sẽ hiểu hết. Ngươi chỉ là một thủy binh nhưng Cathelineau cũng chỉ là anh đánh xe. Ngươi thay ta nói với họ thế này: Đã đến lúc tiến hành cùng một lúc hai lối chiến tranh đại và tiểu quy mô. Chiến tranh đại quy mô thì tiếng tăm hơn, chiến tranh tiểu quy mô thì kết quả nhiều hơn. Đánh theo lối Vendée thì tốt, đánh theo lối bọn Chouan thì tồi; nhưng trong nội chiến thì cái tồi lại hơn. Cái nhân nghĩa của một cuộc chiến tranh là ở chỗ nó gây ra nhiều tội ác.
Lão ngừng lại.
— Halmalo, ta nói với ngươi ngần ấy điều. Ngươi không hiểu những từ, nhưng ngươi hiểu sự việc. Ta đã tin ở ngươi khi nhìn ngươi điều khiển con thuyền; ngươi không biết về hình học, nhưng ngươi hoạt động trên mặt biển thật kỳ diệu; kẻ nào biết lái con thuyền, kẻ đó biết điều khiển một cuộc nổi dậy. Cứ xem cách ngươi xoay xở trên mặt biển thì ta quyết là ngươi có thể làm tròn những việc ta ủy thác. Ta nói nốt. Ngươi nói lại điều này với các thủ lĩnh, nói đại để như ngươi hiểu, thế là tốt; rằng ta thích lối chiến tranh rừng rậm hơn là chiến tranh đồng bằng. Ta không chủ trương xếp hàng trăm người dân quê ra hứng đạn của lính áo xanh và trọng pháo của ông Carnot [36]. Trong vòng non một tháng ta muốn có năm trăm nghìn tay súng phục kích các ngả rừng. Quân cộng hòa là mồi săn của ta. Bán trộm cũng là chiến tranh. Ta là nhà chiến lược của rừng rậm. Được, đó cũng là một danh từ mà ngươi không hiểu; không hiểu cũng được, ngươi phải nhớ điều này: Không để sống sót, mà phục kích khắp nơi! Ta thích lối đánh của bọn Chouan hơn lối Vendée. Ngươi hãy nói thêm là người Anh ủng hộ chúng ta. Kẹp nền cộng hòa vào giữa hai hỏa lực. Châu Âu giúp chúng ta. Chuyến này ta hãy thanh toán hết bọn cách mạng đi; phát động các quốc gia để chống lại chúng; còn chúng ta huy động các giáo khu đánh nhau với chúng. Ngươi sẽ nói thế. Hiểu không?
— Vâng, nghĩa là đốt sạch, giết sạch.
— Đúng thế.
— Không để sống sót.
— Không từ ai. Đúng thế.
— Con sẽ đi khắp nơi.
— Mà phải cẩn thận. Vì ở các xứ này, chết dễ như chơi.
— Chết, điều đó không quan hệ lắm. Ai đã bước đi được rồi thì có thể dùng cho mòn hết đôi cuối cùng của mình.
— Ngươi thật là dũng cảm.
— Thế nếu người ta hỏi con về tên của đức ông?
— Người ta chưa cần biết vội. Ngươi cứ nói là không biết tên ta, mà sự thật là như thế.
— Con gặp lại đức ông ở đâu?
— Ở nơi nào ta sẽ đến.
— Làm sao con biết nơi đó?
— Bởi vì mọi người sẽ biết nơi ta ở. Trong vòng trước tám ngày, người ta sẽ bàn tán về ta, ta sẽ khủng bố để làm gương cho chúng, ta sẽ trả thù cho đức vua và cho giáo hội, và ngươi sẽ nhận rõ rằng chính họ nói về ta đó.
— Con hiểu.
— Không được quên điều gì cả.
— Đức ông yên tâm.
— Bây giờ thì đi đi. Xin Chúa dìu dắt cho ngươi. Đi thôi.
— Con sẽ làm mọi việc đức ông dạy. Con sẽ đi, con sẽ nói.
Con sẽ vâng lệnh. Con sẽ chỉ huy.
— Tốt.
— Rồi nếu con thành công…
— Ta sẽ thưởng ngươi huân chương Thánh Louis.
— Như anh con; và nếu con không thành công, đức ông sẽ cho bắn con?
— Như anh ngươi.
— Rõ, thưa đức ông.
Lão già cúi mặt xuống và như đang rơi vào một giấc mơ nghiêm trọng. Khi lão ngẩng lên, thì chỉ còn một mình lão. Halmalo chỉ là một chấm đen đang dấn sâu vào nơi chân trời xa tắp.
Mặt trời vừa lặn.
Đàn chim hải âu lớn và giống hải âu chụp mũ đã bay về; biển đã rút ra xa. Người ta cảm thấy trong không gian cái xốn xang trước khi trời sắp tối; ếch nhái kêu ộp oạp, đàn rơi vừa lượn trên vũng nước vừa huýt gió, sơn ca và quạ đủ các loài kêu ầm ĩ khi đêm xuống; chim trên bãi biển gọi nhau; nhưng không có tiếng người. Cô quạnh sâu thẳm. Trong vịnh không một cánh buồm, trong làng không một người dân. Xa tít là chân trời hoang vắng. Những cây gai to trên đụn cát run rẩy. Trời bàng bạc lúc hoàng hôn rọi xuống bãi cát một thứ ánh sáng nhợt nhạt. Xa xa, những đầm nước trên cánh đồng tối sẫm giống như những mảng thiếc đặt trên mặt đất. Gió ngoài khơi thổi vào lồng lộng.