Chắc chắn là có kẻ nào đang bị lùng riết.
Ai vậy?
Con người sắt đá ấy bỗng rùng mình.
Không thể nào là lão được. Người ta không thể đoán được là lão đã trở về đây; không có lẽ nào những ngài đại diện chính phủ đến công cán đã được báo tin về lão; vì lão vừa mới đổ bộ thôi. Con tàu Claymore chắc chắn đã bị đắm, không một người nào thoát. Mà ngay trong tàu thì ngoài Boisberthelot và La Vieuville ra, chẳng còn ai biết tên lão.
Các gác chuông vẫn tiếp tục rung lên ghê rợn. Lão quan sát, đếm từ cái nọ đến cái kia một cách máy móc và nghĩ ngợi lan man, suy diễn từ giả thiết này sang giả thiết khác, tư tưởng trôi nổi bập bềnh từ một cảnh ổn định tuyệt đối chuyển sang một trạng thái lo ngại khủng khiếp. Nhưng xét cho cùng, tiếng chuông cấp báo đó có thể giải thích bằng nhiều cách, rồi lão trở lại yên tâm và cuối cùng lão tự nhủ một mình: “Tóm lại, chẳng ai biết được ta đã về đây và cũng không ai biết được tên ta”.
Từ nãy, ở mé trên và sau lưng lão vẫn có một tiếng động nhè nhẹ. Tựa như tiếng sột soạt của lá cây. Mới đầu, lão không để ý; về sau vì tiếng động cứ dai dẳng, cứ như dán vào tai, nên lão đành quay đầu lại. Đó là một tờ giấy. Trên đầu lão, gió đang bóc dần một tờ cáo yết rộng dán trên tấm bia đá. Tờ cáo yết ấy cũng mới dán vì hồ còn ướt và phơi ra giữa gió cho gió đùa giỡn và làm bong ra.
Lúc nãy, lão già leo lên cồn cát từ phía bên kia nên không nhìn thấy tờ cáo yết. Lão bèn đứng lên cái mốc từ nãy lão vẫn ngồi, lấy tay đè lên góc tờ cáo thị bị gió lật lên; trời quang đãng, hoàng hôn tháng sáu bao giờ cũng dài; dưới chân cồn cát, đã tối mò nhưng trên đỉnh thì vẫn còn sáng; một phần cáo thị được in bằng cỡ chữ lớn, và trời cũng còn đủ sáng để đọc được. Lão đọc thấy thế này:
NƯỚC CỘNG HÒA PHÁP THỐNG NHẤT VÀ KHÔNG THỂ CHIA CẮT
Chúng tôi, Prieur De La Marne, đại biểu quốc hội công cán tại binh đoàn bờ biển Côtes-de-Cherbourg, ra lệnh:
— Tên nguyên hầu tước De Lantenac, tử tước De Fontenay, tục xưng là hoàng thân xứ Bretagne, lén lút đổ bộ lên bờ biển Granville, nay bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.
— Nay treo giải để bắt hắn.
— Ai đem nộp dù còn sống hay đã chết, cũng sẽ được thưởng số tiền là sáu mươi ngàn bảng. Không trả bằng tín phiếu mà trả bằng vàng.
— Một tiểu đoàn thuộc quân đội vùng bờ biển Cherbourg sẽ được phái ngay lập tức lùng bắt tên nguyên hầu tước De Lantenac.
— Các xã đều có nhiệm vụ giúp sức.
— Làm tại hội quán Granville ngày 2 tháng 6 năm 1793.
Ký tên, Prieur De La Marne
Dưới cái tên này còn một chữ ký nữa, in bằng cỡ chữ nhỏ quá, không thể nào đọc được vì trời đã tối.
Lão già kéo sụp mũ xuống tận mắt, khép chiếc áo choàng đi biển sát tận cằm rồi bước nhanh xuống dưới chân cồn cát. Cứ lẩn quẩn trên mỏm cao sáng sủa lúc này quả là vô ích.
Có lẽ lão ở trên đó quá lâu; cồn cát chỉ còn đỉnh cao đó là điểm duy nhất còn nom rõ.
Khi đã xuống dưới thấp và vào trong bóng tối, lão bước chậm lại.
Lão đi theo hướng đã tự phác ra về phía ấp có lẽ vì lão biết chắc rằng đi về phía đó là được an toàn.
Xung quanh vắng ngắt. Vào giờ đó chẳng còn ai qua lại nữa.
Tới sau một bụi rậm thì lão dừng lại, cởi áo khoác ra, lộn trái chiếc áo cộc đang mặc để mặt có lông xù ra bên ngoài, buộc lại vào cổ chiếc áo khoác, nó chỉ còn là một tấm rách mướp thắt bằng một sợi dây thừng rồi lại tiếp tục đi.
Trời sáng trăng.
Lão đi tới một ngã ba đường, ở đó có dựng một cái giá chữ thập bằng đá đã lâu đời. Dưới chân giá cũng có một hình vuông trắng giống như tờ cáo thị lão vừa được đọc.
Lão tới gần bên.
— Ngài đi đâu?
Có một tiếng cất lên hỏi lão.
Lão quay ngay lại.
Một người đã đứng trong bờ lũy, thân hình cao như lão, già như lão, tóc bạc như lão và lại rách rưới hơn lão nữa.
Gần hoàn toàn giống lão.
Người kia chống chiếc gậy dài.
— Tôi hỏi xem ngài đi đâu?
— Trước hết đây là đâu? – Lão nói, với giọng bình tĩnh, gần như trịch thượng.
Người kia bảo:
— Ngài đang ở trong lãnh địa De Tanis, mà tôi là kẻ ăn mày, còn ngài là lãnh chúa.
— Tôi ấy ư?
— Vâng, chính ngài, thưa hầu tước De Lantenac.