Chín Mươi Ba

PHẦN 2: Ở PARIS – QUYỂN 1: CIMOURDAIN – CHƯƠNG 1: PHỐ XÁ PARIS THỜI ẤY



Người ta sống giữa công chúng, kê bàn ăn ngay trước cửa, đàn bà ngồi trên bậc thềm các nhà thờ làm những băng vải bó vết thương, vừa hát bài La Marseillaise, vườn Monceaux và vườn Luxembourg thành nơi tập trận, ở các ngã tư, xưởng võ khí làm việc tới tấp; người ta chế súng, khách qua đường nhìn thấy, vỗ tay thích thú; ở cửa miệng mọi người, thường chỉ nghe thấy câu: Kiên trì! Thời buổi cách mạng mà! Họ mỉm cười, hiên ngang. Họ đi xem kịch như ở Athènes trong thời chiến tranh ở Péloponèse; quảng cáo dán khắp các góc phố: Hãm thành Thionville – Bà mẹ được cứu thoát khỏi lửa thiêu – Câu lạc bộ những kẻ vô tư lự – Jeanne, bà cả của các nữ giáo hoàng – Những triết gia mặc áo lính – Nghệ thuật yêu đương ở nông thôn. Quân Đức đã ngấp nghé ở cửa ngõ thành phố; tin đồn vua nước Phổ đã cho dành chỗ ở rạp Opéra. Cái gì cũng rùng rợn nhưng chẳng ai sợ cả. Đạo luật đen tối về những người tình nghi [40], tội ác của Merlin de Douais [41], làm cho mọi người như thấy chiếc máy chém trên đầu. Một ông quan tòa, tên là Séran, bị truy tố, chờ người tới bắt, vẫn mặc áo ngủ, đi giày vải, và thổi sáo trước giá treo cổ. Hình như chẳng ai có thì giờ nhàn rỗi. Ai cũng vội vã. Không chiếc mũ nào không có huy hiệu. Phụ nữ bảo: Đội chiếc mũ đỏ chị em chúng tôi trông đẹp ra. Cả thành phố Paris như đang dọn nhà. Những người bán đồ cũ chất ngổn ngang nào mũ miện của vua chúa, và giáo chủ, nào quyền trượng bằng gỗ thếp vàng, nào những vật có hình hoa bách hợp, là những di vật của các cung điện. Đấy là hình ảnh sụp đổ của chế độ quân chủ. Các loại áo lễ được đem bày bán ở cửa hàng quần áo cũ. Ở cửa hàng Porcherons và Ramponneau có nhiều tay quấn đầy mình áo lễ và những tấm vải thêu, ngồi ngất ngưởng trên những con lừa cũng choàng áo lễ, tự mình rót rượu vào những chiếc bình trước kia dùng đựng bánh thánh ở các nhà thờ lớn. Ở phố Saint-Jacques, mấy bác thợ lát đường, đi chân đất đã giữ lại chiếc xe của một người bán hàng rong chở giấy đi bán, rồi góp tiền mua người lăm đôi giày gửi lên Viện Quốc ước tặng cho quân đội cách mạng. Những tượng của Franklin, Rousseau, Brutus và thêm cả Marat nữa, bày nhan nhản; dưới một tượng bán thân của Marat ở phố Cloche-Perce có treo một bản kể tội Malouet, trong một chiếc khung gỗ đen, lồng kính, với chứng cớ cụ thể và hai dòng chú thích ngoài lề: “Những chi tiết này đều do một công dân yêu nước có cảm tình với tôi là cô tình nhân của Sylvain Bailly cung cấp. Ký tên: Marat.” Tại quảng trường Hoàng Cung, hàng chữ La-tinh Quantos effundit in usus! [42] bị che khuất sau hai bức tranh lớn vẽ bằng thuốc màu, một bức vẽ Cahier De Gerville tố cáo lên Quốc hội mật hiệu cấu kết của bọn bảo hoàng ở Arles; bức kia vẽ vua Louis XVI bị giải từ Varennes về, ngồi trong xe loan, phía dưới cỗ xe có một tấm ván có dây chằng, hai đầu có hai người lính, lưỡi lê cắm đầu súng. Có ít hiệu buôn lớn mở cửa; những xe hàng xén và đồ chơi trẻ con lưu động, do đàn bà kéo, trên xe thắp nến, mỡ nến chảy nhòe nhoẹt trên mặt hàng; nhiều nữ tu sĩ mới hoàn tục đội mớ tóc giả hung hung ngồi bán hàng giữa trời, có bà trước kia là nữ bá tước nay ngồi vá thuê bít tất trong một gian nhà hẹp; có chị thợ may nguyên là một bà hầu tước; bà De Boufleurs nay ở trong một cái gác xép, ngồi đó trông thấy biệt thự cũ của bà ta. Bọn trẻ vừa chạy vừa rao mời mua “tờ tin tức”. Người ta gọi những anh chàng rụt cằm trong chiếc cà-vạt là “mắc bệnh tràng nhạc”. Những người hát rong chen chúc nhau. Dân chúng đả đảo Pitou, anh chàng làm vè bảo hoàng, vốn can trường ra phết, vì hắn đã bị bỏ tù hai mươi lần và bị đưa ra tòa án cách mạng về tội vừa vỗ đít vừa nói “yêu nước đấy”; khi thấy có thể bị mất đầu, hắn lại kêu lên: Chính cái bộ phận ngược với cái đầu của tôi mới là thủ phạm! Cả tòa bật cười và tha cho hắn. Anh chàng Pitou này chế giễu cái mốt hồi ấy đua nhau đặt tên Hy Lạp và La-tinh; bài thứ nhất của y viết về một người thợ vá mà y đặt cho cái tên La-tinh là Cujusvà đặt tên cho chị vợ là Cujusdam. Người ta đua nhảy vòng tròn kiểu “cách mạng”; không ai còn dùng những tiếng như chàng và nàng mà người ta gọi là nam công dân và nữ công dân. Người ta nhảy trong những nhà tu kín hoang tàn, trên bàn thờ vẫn còn những chiếc đèn cốc, trên vòm trần vẫn còn chiếc gậy kết chữ thập mang bốn cây sáp, và dưới chỗ họ nhảy là hầm mộ. Họ mặc áo vét màu xanh thẫm. Họ đính những kim cài áo sơ-mi kiểu “mũ tự do” làm bằng đá trắng, đá xanh đá đỏ. Phố Richelieu [43] đổi tên là phố Pháp Chế; ngoại ô Saint-Antoine đổi tên là ngoại ô Vinh Quang; ở quảng trường Ngục Bastille dựng một bức tượng thần Thiên Nhiên. Người ta chỉ trỏ cho nhau những kẻ qua lại quen thuộc như Chatelet, Didier, Nicolas, và Garnier-Delaunay, đang canh gác ở cửa nhà người thợ mộc Duplay [44]; anh chàng Voullant không bao giờ vắng mặt trong những ngày xử chém, theo sau những xe chở những người bị tử hình và gọi đó là “đi cầu lễ đỏ”; ông thẩm phán cách mạng Monflabert, hầu tước, tự xưng là Dix-Août [45]. Người ta đi xem sinh viên trường võ bị diễu binh, những sinh viên được các sắc luật của Viện Quốc ước mệnh danh là “những chuẩn úy học viện Mars” còn dân chúng lại gọi là “lính hầu cận của ông Robespierre”. Người ta đọc những bản thông báo truy tố những kẻ bị tình nghi tội hoạt đầu. Bọn bảo hoàng tụ tập trước cửa tòa đốc lý, chế giễu những đám cưới không theo nghi lễ nhà thờ, xúm lại lúc cô dâu chú rể đi qua và gọi họ là “vợ chồng thị chiếng” [46]. Tại điện Thương Binh, tượng thánh và tượng vua đều đội mũ cộng hòa. Người ta chơi bài cái mốc đặt ở ngã tư đường; cỗ bài cũng rất cách mạng; con vua thì đổi bằng tên thiên thần, con đầm là con tự do, con bồi là con bình đẳng, con át là con pháp chế. Người ta cày các công viên lên, cả ở vườn điện Tuileries [47]. Chen lẫn với cảnh náo nhiệt trên đây là cái cảnh chán đời, kênh kệu của các phe phái thất thế. Có người viết thư cho ông Fouquier-Tinville [48]: “Nhờ ngài làm ơn cho tôi thoát khỏi cuộc đời này. Đây là địa chỉ của tôi”. Champcenetz [49] bị bắt vì đứng giữa Hoàng Cung kêu rống lên: “Bao giờ thì cách mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ nhỉ? Tôi muốn thấy một chính phủ cộng hòa thay thế chính phủ ở Thổ.” [50] Báo chí nhan nhản khắp nơi. Mấy chú thợ cạo uốn những mớ tóc giả của phụ nữ giữa phố, trong lúc đó lão chủ cao giọng đọc báo Moniteur; một số khác múa tay hoa chân giữa đám đông bình luận về tờ báo Chúng ta hãy đoàn kết lại của Dubois Crancé hay Tiếng kèn của Bố Bellerose. Đôi khi thợ cạo kiêm cả bán thịt; bên cạnh búp bê tóc vàng, họ lại treo từng chuỗi đùi lợn muối và dồi lợn. Trên đường phố người ta bán các loại “rượu lưu vong”; có người quảng cáo bán năm mươi hai loại rượu vang; có người buôn đồng hồ treo hình đàn thất huyên và hình ghế xô-pha kiểu quận chúa; một anh thợ cạo treo tấm biển như sau: “Tôi cạo cho giáo hội, tôi chải cho quý tộc, tôi sửa sang đẳng cấp thứ ba”. Người ta đến nhờ Martin bói bài ở số nhà 173, phố Anjou, trước gọi là phố Quận Chúa. Bánh mì thiếu, than thiếu, xà phòng thiếu; người ta thấy hàng đàn bò sữa từ các tỉnh kéo về. Ở khu Vallée, thịt cừu non bán mười lăm quan một li-vrơ [51]. Một thông cáo của Công xã quy định cứ mười ngày, mỗi nhân khẩu được mua một li-vrơ thịt. Người ta phải sắp hàng nối đuôi trước các hiệu buôn; một “cái đuôi” như vậy đã thành nổi tiếng vì kéo dài từ một cửa hàng xén phố Petit-Carreau đến giữa phố Montorgueil. Nối đuôi, gọi là “chăng dây”, vì người ta phải sắp hàng, kẻ trước người sau cùng nắm vào sợi dây dài. Trong cảnh thiếu thốn đó, phụ nữ tỏ ra rất dũng cảm và dịu dàng. Họ thức suốt đêm đợi phiên mua bánh. Những phương sách cuối cùng đã đem lại kết quả; cách mạng vượt qua được tình thế vô cùng nguy ngập bằng hai biện pháp nguy hiểm; tín phiếu và giá tối đa; tín phiếu là đòn bẩy, giá tối đa là điểm tựa. Phương thuốc kinh nghiệm ấy đã cứu vãn được nước Pháp. Kẻ thù, cả kẻ thù ở Coblentz lẫn kẻ thù ở Luân Đôn đều đầu cơ tín phiếu. Bọn gái hư lang thang bán nước hoa, nịt bít tất, bím tóc, và làm nghề buôn bạc; có những bọn buôn bạc ở bậc tam cấp phố Vivienne, giấy bê bết bùn, tóc bôi sáp mỡ, đội mũ lông chỏm hình đuôi cáo, bọn con buôn phố Valois, giấy đánh xi bóng lộn, miệng ngậm tăm, đầu đội mũ nhung, cùng với bọn gái điếm xưng hô mày tao. Nhân dân săn chúng như săn kẻ trộm mà phe bảo hoàng gọi là những “công dân tích cực”. Nói cho đúng, rất ít vụ trộm xảy ra. Quần chúng thiếu thốn ghê gớm, nhưng liêm khiết vô cùng. Những người đầu trần chân trụi, bụng đói dạ khát, nghiêm trang cúi mặt đi qua các cửa hàng vàng bạc. Trong một cuộc khám xét nhà Beaumarchais [52] của trung đội Antoine, một người đàn bà vào vườn hái một đóa hoa; chị ta liền bị dân chúng sỉ vả. Một bó củi giá bốn trăm quan, bằng bạc; trên đường phố, nhiều người cưa giường để đun, mùa đông giếng nước đóng băng; mỗi gánh nước giá hai hào; ai cũng tự túc xách nước. Đồng louis vàng giá ba nghìn chín trăm năm mươi quan. Một chuyến xe ngựa giá sáu trăm quan. Sau một ngày đi xe, người ta nghe thấy khách và người đánh xe trao đổi với nhau: “Bác xà ích, tôi phải giả bác bao nhiêu?” “Sáu nghìn quan.” Một chị bán cỏ mỗi ngày thu được hai mươi nghìn quan. Một người ăn mày kêu: Xin ông bà làm phúc cứu tôi! Tôi còn thiếu hai trăm ba mươi quan nữa mới đủ tiền mua. Ở các đầu cầu người ta thấy những bức tượng khổng lồ do Davíd tạc và sơn, những bức tượng mà Mercier rủa: Những con rối bằng gỗ kệch cỡm. Những bức tượng này tượng trưng khối liên minh và khối đồng minh đã bị đánh đổ. Dân chúng không chút tuyệt vọng. Họ trầm ngâm nhưng vui sướng đoạn tuyệt với các ngai vàng. Quân tình nguyện ùn ùn tới, hiến dâng lồng ngực của mình. Mỗi đường phố cung cấp một tiểu đoàn. Cờ các quận diễu đi diễu lại, mỗi lá cờ có một châm ngôn riêng, trên lá cờ quận Capucin, người ta đọc thấy hàng chữ: Chẳng ai áp bức được chúng ta. Trên một lá cờ khác: Không còn tầng lớp cao quý nữa, chỉ còn cao quý của lòng người. Trên các tường nhan nhản những mảnh giấy, nhỏ có, to có, trắng, vàng, xanh, đỏ, in máy, viết tay với những khẩu hiệu: Cộng hòa muôn năm!
Trẻ con bập bẹ bài hát Ta sẽ thắng.
Những chú bé ấy, chính là tương lai vĩ đại.
Sau này cái thành phố hà khắc thay cho cái thành phố bi thảm: phố xá Paris có hai quang cảnh hết sức rõ rệt, trước và sau ngày 9 tháng Nóng [53].
Paris thời Saint-Just [54] nhường chỗ cho Paris thời Tallien [55].
Rõ ràng là một cơn điên loạn lôi kéo tất cả mọi người. Tám mươi năm về trước cũng vậy. Người ta thoát khỏi Louis XIV cũng như thoát khỏi Robespierre để thở cho nhẹ nhõm; do đó thế kỷ mở đầu với thời phụ chính và kết thúc với thời đốc chính. Hai đợt truy hoan sau hai đợt khủng bố. Nước Pháp tự do thoát khỏi nhà tu khổ hạnh và cũng đồng thời thoát khỏi nhà tu quân chủ với niềm vui của một quốc gia được thả lỏng.
Sau ngày 9 tháng Nóng, thành phố Paris đã trở nên vui tươi, nhưng lại quá trớn, tràn ngập một niềm hoan lạc độc hại. Qua cơn điên cuồng lao vào cái chết, tiếp đến cơn cuồng loạn chạy theo cái sống, và cái vĩ đại đã lu mờ. Có bọn hãnh tiến, có một nhân vật như Trimalcion [56], tên là Grimod De La Reyière; có cuốn Niên lịch của những kẻ háu ăn. Buổi tối, người ta tiệc tùng giữa tiếng nhạc nhà binh, ở gác điện Palais-Royal với những dàn nhạc do phụ nữ đánh trống và thổi kèn. Hồi ấy thịnh hành lối khiêu vũ theo điệu gấp, người nhạc công tay cầm cung đàn chỉ huy mọi người cùng nhảy. Người ta mở tiệc đêm kiểu “phương đông” ở nhà Méot giữa những lư trầm hương thơm nghi ngút. Họa sĩ Boze vẽ những người con gái ngây thơ và kiều diễm trong tuổi mười sáu, theo kiểu “lên máy chém”, nghĩa là ngực và vai để hở, sơ mi đỏ. Tiếp theo những điệu nhảy giật gân trong các nhà thờ hoang tàn là những cuộc dạ vũ ở các lâu đài De Ruggieri, De Luquet, De Wenzel; kế tục những nữ công dân nghiêm nghị cắt xé quần áo cũ để làm băng buộc vết thương là những gái ăn chơi, mặc diêm dúa, lố lăng, lòe loẹt. Tiếp theo những bàn chân không, lấm máu, lấm bùn, lấm bụi của quân đội là những gót chân trần của đàn bà trang sức bằng kim cương; những cảnh vô sỉ, gian tà cùng tái diễn; trên thì có các chủ thầu, dưới thì có trộm cắp; Paris kẻ cắp như rươi, ai cũng phải lo giữ lấy túi tiền; một cách giết thì giờ hồi ấy là đến quảng trường Tòa Án xem kẻ trộm đàn bà bị đem ra bêu ở đấy, váy buộc lại với nhau; ở cửa rạp hát, bọn trẻ ranh đã biết mời khách lên xe với những câu: Nam nữ công dân ơi, có đủ chỗ cho hai người ngồi đây. Bọn bán báo không còn rao tên các báo Le vieux Cordelier và Bạn dân mà lại chỉ rao Thư của Polichinelle và Thỉnh nguyện của nhãi nhép; hầu tước De Sade chủ trì ở sở cảnh sát thành phố, tại quảng trường Vendôme. Sự phản ứng thật là vui nhộn và dữ dội. Đội quân chiến sĩ tự do năm 92 tái sinh dưới danh hiệu mới là Hiệp sĩ dao găm. Đồng thời xuất hiện trên sân khấu một nhân vật điển hình, Jocrisse [57]; có những phụ nữ “kỳ diệu” [58] hơn thế nữa, kỳ quái; người ta thụt lùi từ Mirabeau [59] đến Bobèche [60]. Thành phố Paris diễn biến như vậy đó; như một cái đồng hồ đồ sộ của văn minh từ cực này sang cực nọ. Sau năm 93, Cách mạng bị lu mờ một cách kỳ quặc, thế kỷ hiện tại như quên làm trọn cái đã bắt đầu, một lối sống trụy lạc đã xen vào, chiếm lĩnh vị trí hàng đầu…
Nhưng vào năm 93 mà chúng ta đang nói đây, phố xá Paris còn giữ được tất cả quang cảnh vĩ đại và ghê rợn của buổi ban đầu. Hàng phố có những nhà hùng biện như Varlet, đứng trên một chiếc xe lưu động để diễn thuyết trong dân chúng; có những vị anh hùng mà một người được tôn làm “đại úy của những gậy bịt sắt”; có những con cưng như Guffroy, tác giả bài đả kích Rougiff. Một vài người có tiếng tăm thì nguy hiểm; còn những người khác thì trong sạch, trong số đó, có một nhân vật vừa liêm chính, vừa tàn nhẫn: chính là Cimourdain.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.