Chín Mươi Ba

CHƯƠNG 5: ĐỜI SỐNG TRONG CHIẾN TRANH



Nhiều người chỉ có những chiếc dáo nhọn. Súng săn tốt thì nhan nhản. Chẳng ai bắn thạo bằng những tay săn trộm ở miền Bocage và những tay buôn lậu ở Loroux. Đó là những chiến binh kỳ lạ, ghê sợ và gan góc. Lệnh trưng binh ba mươi vạn người làm cho sáu trăm làng cùng báo động. Đồng thời các đám cháy nổ ran khắp nơi. Hai tỉnh Poitou và Anju bùng nổ cùng một ngày. Phải nói rằng một tiếng súng đầu tiên đã nổ từ ngày 8 tháng 7 năm 1792, một tháng trước ngày 10 tháng 8 trên đồng cỏ Kerbarder. Alain Redeler, ngày nay ít người biết đến, hồi ấy là tiền bối của La Rochejaquelein và Jean Chouan. Bọn bảo hoàng ép mọi người còn mạnh khỏe ra trận, nếu không nghe sẽ bị xử tử. Chúng trưng dụng lừa, ngựa, xe cộ, lương thực. Ngay tức khắc, Sapinaud có ba nghìn lính. Cathelineau một vạn, Stofflet hai vạn, và Charette thành chúa tể vùng Noirmoutier. Tử tước Scépeaux huy động miền Thượng Anjou, hiệp sĩ Dieuzie miền lưu vực giữa sông Vilaine và sông Loire, Tristan-l’Hermite miền dưới sông Main, anh thợ cạo Gaston ở thị trấn Guéméné và thầy tu Bernier những vùng còn lại. Muốn phát động những đám đông ấy chẳng cần gì nhiều chuyện. Người ta bỏ một con mèo đen to tướng vào trong tủ thánh thể trên bàn thờ của một vị linh mục đã được tín nhiệm, họ thường gọi là linh mục tuyên thệ, rồi giữa buổi lễ, cho con mèo đột ngột nhảy vọt ra. Dân quê kêu ầm lên: “Quỷ hiện!” Thế là có cả một tổng nổi loạn. Một luồng lửa từ những phòng xưng tội thổi ra. Để tấn công quân cách mạng và để vượt các hào hố, họ có sẵn cái gậy dài năm mét, dùng để đánh nhau và để chạy trốn. Trong những trận ác liệt nhất, khi họ đang tấn công những đội quân cộng hòa, nếu bắt gặp một cây thập ác hay một ngôi nhà thờ, tất cả đều quỳ xuống và cầu kinh dưới làn mưa đạn; lần hết chuỗi hạt, ai còn sống lại đứng dậy và lao vào đối phương. Những con người vĩ đại thay! Vừa chạy, họ vừa lắp đạn; đó là biệt tài của họ. Người ta muốn lừa dối dân quê thế nào cũng được; bọn thầy tu chỉ những thầy tu khác mà họ đã lấy dây, xiết chặt vào cổ cho đỏ bầm lên và nói: “Đó là những thầy tu chết chém đã sống lại.” Dân quê có những lúc thật là hiệp sĩ; họ sùng bái Fesque, một người lính cộng hòa cầm cờ thà chịu chém chứ không buông lá cờ. Họ cũng châm biếm; họ gọi các thầy tu bên cộng hòa lấy vợ là “các thầy tu không mũ calô thành những kẻ không quần chẽn”. Lúc đầu, họ cũng sợ đại bác; về sau, với cái gậy, họ xông tới các cỗ đại bác và chiếm lấy. Đầu tiên, họ chiếm được một khẩu đại bác bằng đồng đen và đặt tên là khẩu Truyền Đạo; rồi một khẩu khác từ thời chiến tranh tôn giáo, khắc huy hiệu của tể tướng Richelieu và vẽ hình Đức mẹ Đồng trinh; họ gọi là khẩu Marie Jeanne. Khi mất thị trấn Fontenay, họ mất cả súng Marie Jeanne và sáu trăm dân quê chết không nao núng quanh khẩu súng đó; sau đó, họ chiếm lại Fontenay, cốt để chiếm lại Marie Jeanne và họ kéo khẩu pháo về, dưới lá cờ bảo hoàng, phủ đầy hoa, bắt phụ nữ đi qua phải hôn khẩu súng. Nhưng có hai khẩu súng thì ít quá. Stofflet đã chiếm được Marie Jeanne; Cathelineau ghen tức liền xuất quân từ Pin-en-Mange tấn công Jallais và chiếm được một khẩu thứ ba, Forest đánh Saint-Florent và chiếm được khẩu thứ tư. Hai viên chỉ huy khác là Chouppes và Saint-Pol còn nghề hơn; họ đẽo thân cây giả thành hình đại bác, và bện bù nhìn làm pháo thủ, và với cỗ pháo đó họ vừa cười cợt một cách dũng cảm vừa đánh lui được quân cộng hòa ở Mareuil. Đó là thời oanh liệt. Về sau, khi Chalbos đánh tan La Marsonnière, thì dân quê đã để lại trên chiến trường ba mươi hai khẩu đại bác kiểu Anh. Nước Anh hồi đó xuất tiền cho bọn hoàng thân Pháp, và người ta “cấp vốn cho họ vì người ta đã nói với ông Pitt [139] rằng như vậy mới lịch sự”, theo như thư của Nantiat viết ngày 10 tháng 5 năm 1794. Trong một bản báo cáo ngày 31 tháng 3, Mellinet đã viết: “Tiếng hô của bọn phiến loạn là người Anh muôn năm!” Đám dân quê thường cướp bóc. Bọn sùng đạo này là lũ kẻ cướp. Quân man rợ có sẵn những thói hư. Sau này văn minh sẽ nắm lấy chỗ ấy để điều khiển họ. Puysaye viết trong tập II, trang 187: “Rất nhiều lần tôi bảo vệ thôn Plélan khỏi bị cướp phá”, và tới trang 434, ông viết là ông tránh không vào Montfort: “Tôi phải đi đường vòng để tránh cho nhà những người Jacobin khỏi bị cướp phá”. Họ cướp phá Cholet; họ vơ vét Challans. Sau khi thất bại ở Granville, họ cướp phá Ville-Dieu. Họ gọi những người dân theo cách mạng là “đám dân quèn Jacobin” [140] và tiêu diệt họ ác liệt hơn các tầng lớp khác. Họ thích đâm chém như binh lính và thích tàn sát như kẻ cướp. Họ thích thú nhất là giết những “đồ ngốc”, nghĩa là thị dân: họ gọi thế là “phá giới”. Ở Fontenay, một tên thầy tu trong bọn họ, linh mục Barbotin, đã chém một nhát kiếm giết chết một ông già. Ở Saint-Germain-sur-Ille [141], một tên chỉ huy chính gốc quý tộc, đã bắn một phát súng giết một thẩm phán của xã, và lột lấy chiếc đồng hồ. Ở Machecoul, họ đem giết từng loạt những người cộng hòa, cứ đều đặn mỗi ngày ba chục người liên tiếp, như thế trong năm tuần lễ, mỗi chuỗi ba mươi người gọi là “chuỗi tràng hạt”. Họ bắt mỗi xâu người đứng quay lưng vào một cái hố đào sẵn rồi bắn; những người bị bắn rơi xuống hố, nhiều khi còn sống họ cũng chôn lấp tất cả. Chúng ta đã thấy lại những phong tục man rợ ấy. Chủ tịch quận Joubert bị họ cưa tay. Họ bắt tù binh cộng hòa mang những chiếc cùm tay sắc cạnh. Họ thổi kèn săn rồi hạ sát từng loạt tù binh trên các quảng trường. Tướng Charette, ký tên: Bác ái, hiệp sĩ Charette,và cũng bắt chước Marat đội một chiếc mùi soa thắt nút phía trên lông mày, đã thiêu hủy thị trấn Pornic và tất cả những người ở trong nhà. Hồi ấy, Carrier [142] cũng thật đáng sợ. Khủng bố đáp lại khủng bố. Quân phiến loạn xứ Bretagne cũng hao hao giống quân phiến loạn Hy Lạp, cũng áo ngắn, súng đeo vai, xà cạp, quần rộng lùng thùng như váy xòe; giống hệt như bọn cướp vùng Klephte [143]. Henri De La Rochejaquelein mới hai mươi mốt tuổi đã đi theo bọn phiến loạn với một chiếc gậy và một cặp súng lục. Quân Vendée gồm có một trăm năm mươi tư binh đoàn. Họ hãm thành rất đúng cách; họ bao vây Bressuire ba ngày. Một ngày thứ sáu tuần lễ Thánh [144], một vạn dân quê đã dội vào thị trấn Sables những viên đạn đại bác đỏ rực. Có khi trong một ngày họ tiêu diệt mười bốn đồn của quân cộng hòa từ Montigné đến Courbeveilles. Ở Thouars, trên bờ thành cao, người ta nghe được câu đối thoại lý thú giữa La Rochejaquelein với một tên lính:
— Carl!
— Có.
— Ghé vai đây cho tao leo lên.
— Xin bước lên.
— Đưa súng đây.
— Có.
Rồi La Rochejaquelein nhảy vào trong thành, và không cần thang, họ chiếm được cái pháo đài mà Duguesclin đã vây hãm. Họ quý một viên đạn hơn một đồng tiền vàng. Họ khóc khi nhìn mất hút gác chuông của quê mình. Chạy trốn đối với họ rất giản đơn; chỉ cần chỉ huy hô: “Vứt guốc đi, giữ lấy súng!” Thiếu đạn, họ cầu kinh rồi xông vào cướp thuốc súng trong các thùng xe chở pháo của quân cộng hòa; về sau Elbée xin được đạn của bọn Anh. Khi đối phương tới gần, nếu có thương binh, họ đem giấu vào trong đồng lúa mì hay bụi đuôi chồn tốt um, đợi yên rồi họ trở lại mang về. Không có đồng phục. Quần áo tả tơi. Dân quê cùng quý tộc vớ được mảnh nào mặc mảnh ấy. Roger Mouliniers đội một chiếc khăn và mặc một chiếc áo lính kiểu Thổ Nhĩ Kỳ cướp được trong kho quần áo của rạp hát La Flèche; hiệp sĩ De Beauvilliers mặc áo biện lý và đội mũ phụ nữ trên chiếc mũ nồi bằng len. Tất cả đều mang đai và thắt lưng trắng; các cấp bậc được phân biệt bằng nơ thắt. Stofflet thắt nơ đỏ; La Rochejaquelein thắt nơ đen; Wimpfen có đôi phần theo phái Girondin, mà cũng ít khi ra khỏi xứ Normandie, mang băng ở cánh tay kiểu dân vùng Caen. Trong hàng ngũ có cả đàn bà: bà De Lescure về sau trở thành vợ La Rochejaquelein; Thérèse De Mollien, tình nhân của La Rouarie, người đã đốt danh sách các cha xứ; bà La Rochefoucauld đẹp, trẻ, kiếm cầm tay, đã tập hợp dân chúng dưới chân tháp lớn của lầu Puy-Rousseau, và Antoinette Adams, thường gọi là hiệp sĩ Adams rất anh dũng, cho nên đến khi y bị bắt, quân cộng hòa vì trọng nể đã cho y đứng để xử bắn. Thời ấy, con người trở nên cuồng bạo. Bà Lescure cho ngựa dẫm lên quân cộng hòa có lẽ bị thương đã ngã xuống; nhưng bà ta bảo họ đã chết. Đàn ông thỉnh thoảng còn phản bội, đàn bà thì không bao giờ. Cô Fleury ở Kịch viện Pháp bỏ La Rouarie theo Marat chỉ vì tình yêu. Chỉ huy thường khi cũng dốt nát như lính; lão De Sapinaud rất kém chính tả; hắn ta viết vần này lẫn sang vần kia. Tướng tá ghen ghét lẫn nhau; bọn chỉ huy thuộc phái Đồng Lầy kêu: “Đả đảo bọn mạn trên!” Kỵ binh ít và khó tổ chức. Puysaye viết: “Một người nào đấy có thể vui vẻ cho tôi hai đứa con, nhưng khi xin họ một con ngựa thì họ tỏ vẻ lạnh nhạt.” Sào, xiên hái, súng cũ, súng mới, mác đi săn, gậy đóng đanh bịt sắt là vũ khí của họ; vài người đeo thánh giá làm bằng hai ống xương người chết. Lâm trận, họ hét vang, xông ra từ khắp nơi, từ rừng, đồi nương nho, đường hẻm, họ đánh tỏa ra, nghĩa là theo thế gọng kìm, họ chém, giết loạn xạ rồi sau đó lại biến mất. Khi qua một xóm cộng hòa, họ hạ Cây Tự Do xuống đốt và nhảy múa vòng quanh lửa. Họ chuyên đi đêm. Kỷ luật quân Vendée: luôn luôn đột xuất. Họ vượt mười lăm dặm im hơi, lặng tiếng, không làm rạp một ngọn cỏ. Tối đến, sau khi các tướng lĩnh và hội đồng quân sự đã quyết định địa điểm hôm sau sẽ đánh úp quân cộng hòa, họ liền lắp đạn vào súng, lẩm nhẩm cầu kinh, rút guốc ra và cứ từng hàng dài, họ luồn qua rừng, chân đất, bước trên cỏ, rêu, không một tiếng động, không một lời nói, không một hơi thở.
Chẳng khác mèo đi trong đêm tối.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.