Một vết rạch ở mặt cũng chóng khỏi; nhưng ở nơi khác còn có một người bị thương nặng hơn Cimourdain nữa. Đó là người đàn bà bị bắn đã được lão ăn mày Tellmarch nhặt được trong cái ao ở trại Herbe-en-Pail.
Vết thương của chị Michelle Fléchard nguy hiểm hơn Tellmarch tưởng, cùng với lỗ thủng phía trên vú còn có lỗ thủng xương bả vai. Cùng một lúc với viên đạn làm gãy xương quai xanh, một viên đạn khác xuyên qua vai. Tuy nhiên, nhờ phổi không hề gì nên chị ta có thể khỏi được.
Tellmarch là một “ông thầy”, dân quê gọi thế, có nghĩa là lão biết một ít về thuốc, một ít về mổ xẻ, và một ít về tà thuật. Lão săn sóc người đàn bà bị thương trong cái hang thú của lão, trên cái ổ bằng rong biển với các thứ bí mật mà người ta gọi là thuốc vặt, và nhờ lão mà chị Fléchard đã sống.
Xương quai xanh nối liền lại được, vết thương ở ngực và vai đã kín lại. Sau một tuần, người đàn bà đã bình phục.
Một buổi sáng, chị ta tựa vào lão Tellmarch bước được ra khỏi hang thú. Chị ta đến ngồi sưởi nắng dưới gốc cây. Tellmarch biết về chị ta rất ít, vết thương trên ngực chị đòi hỏi phải im lặng, và từ lúc gần như hấp hối cho tới khi khỏi bệnh, chị ta mới chỉ nói được đôi ba tiếng. Khi chị ta muốn nói thì Tellmarch lại bắt chị ta phải im; những lúc ấy, chị ta mơ màng có vẻ bướng bỉnh, và Tellmarch nhận thấy trong con mắt chị ta nhiều ý nghĩa xót xa đang day dứt. Buổi sáng hôm đó, chị ta đã khỏi gần như có thể bước đi được một mình. Lão Tellmarch chất phác đã chạy chữa cho chị ta như tình cha con lúc này sung sướng nhìn chị mỉm cười, nói:
— Người ta đứng được rồi. Người ta chẳng còn thương tích nữa.
— Còn ở trong lòng – Chị ta bảo.
Rồi chị ta nói tiếp:
— Thế là cụ không biết chúng nó ở đâu ư?
— Ai kia? – Tellmarch hỏi.
— Các con tôi.
Tiếng “thế là” ấy nói lên biết bao nhiêu ý nghĩa, điều đó có nghĩa là “cụ chẳng nói gì về các con tôi, bao nhiêu ngày cụ ở bên cạnh tôi mà không cho tôi mở miệng nhắc đến chúng nó, cụ không cho tôi nói năng gì mỗi khi tôi muốn phá tan không khí im lặng, cụ có vẻ sợ tôi nhắc đến chúng nó, như thế nghĩa là cụ chẳng có điều gì để nói với tôi về chúng nó”. Nhiều lúc, trong cơn sốt, trong cơn mê sảng, chị ta đã gọi con và chị ta đã thấy rõ, vì trong cơn mê, người ta vẫn nhận xét, lão già không trả lời gì chị cả.
Vì quả thật, Tellmarch cũng chẳng biết nói gì với chị. Mà cũng chẳng dễ gì nói chuyện với một bà mẹ về những đứa con mất tích của người ta. Với lại, lão biết gì? Chẳng biết gì hết. Lão chỉ biết rằng một người mẹ đã bị bắn, người mẹ đó lão đã trông thấy nằm trên đất, khi lão đem về nhà thì gần như một cái xác không hồn, cái xác ấy có ba đứa con mà lão hầu tước De Lantenac, sau khi sai bắn người mẹ, đã bắt chúng đem đi. Tất cả tin tức lão nhặt được mới chỉ có thế. Những đứa trẻ ấy giờ ra sao? Có còn sống không? Hỏi han mãi, lão cũng chỉ biết rằng trong ba đứa trẻ, có hai đứa con trai và một đứa con gái vừa mới cai sữa. Chẳng còn biết gì hơn nữa. Lão đã tự đặt bao nhiêu câu hỏi về lũ trẻ không may ấy, nhưng lão không thể giải đáp được. Dân địa phương mà lão hỏi thăm cũng chỉ biết lắc đầu. Đức ông De Lantenac là một người mà người ta không thích nói động đến.
Người ta không thích nói đến Lantenac và người ta cũng không thích nói chuyện với Tellmarch. Dân quê thường có cái lối ngờ vực riêng của họ. Họ không thích Tellmarch. Lão ăn mày Tellmarch là một người đáng ngại. Có việc gì mà lão cứ luôn luôn nhìn lên trời? Và hàng giờ không nhúc nhích như vậy thì lão làm gì và lão suy nghĩ gì? Quả là kỳ dị. Trong cái xứ đang chiến tranh, đang xung đột, đang thiêu đốt, nơi mà tất cả mọi người chỉ có một chuyện là tàn phá, chỉ có một việc là chém giết, trong cái xứ mà người ta đua nhau đốt nhà, cắt cổ cả một gia đình, tàn sát cả một đồn lính, làm cỏ cả một thôn xóm, trong cái xứ mà người ta chỉ nghĩ chuyện phục kích, lừa nhau vào cạm bẫy và chém giết lẫn nhau, thì cái lão già cô độc ấy cứ mải mê với trời đất, chìm đắm trong cái yên tĩnh mênh mông của cảnh vật, đi hái các thứ cây cỏ, chỉ bận bịu với hoa lá, chim chóc và trăng sao, cái lão ấy nhất định là kẻ nguy hiểm. Rõ ràng, lão ta không có lý trí; lão chẳng phục kích, cũng chẳng bắn vào ai. Do đó mà đối với lão người ta thấy sờ sợ.
— Lão ấy điên đấy – Những người qua đường thường bảo thế.
Vì vậy, Tellmarch không chỉ là con người cô độc mà là một con người bị xa lánh.
Không ai hỏi lão một lời, và người ta cũng ít khi trả lời lão. Vì vậy lão đã không hỏi han được tất cả những điều lão cần biết. Chiến tranh đã lan đi nơi khác, người ta đã đi đánh nhau ở nơi xa, lão hầu tước De Lantenac đã mất hút ở phương nào rồi và trong tâm trạng Tellmarch lúc đó muốn cho lão biết là có chiến tranh thì chiến tranh phải đặt chân lên người lão.
Sau tiếng “các con tôi”, lão Tellmarch thôi không mỉm cười nữa và người mẹ kia lại nghĩ ngợi. Cái gì xảy ra trong tâm hồn người mẹ ấy? Chị ta như chìm dưới đáy vực thẳm. Đột nhiên, chị ta nhìn lão Tellmarch và lại thét lên, giọng nói gần như căm giận:
— Các con tôi!
Lão Tellmarch cúi đầu xuống như một kẻ phạm tội.
Lão đang nghĩ đến tên hầu tước De Lantenac, nhưng hắn thì chắc hẳn không tưởng gì đến lão và rất có thể, hắn cũng không biết là có lão nữa. Lão nhận ra điều đó và tự nhủ thầm: “Bọn lãnh chúa, khi nguy biến thì họ biết đến mình; thoát nạn rồi thì họ chẳng biết mình là ai.”
Và lão lại tự hỏi: “Nhưng thế thì tại sao ta lại cứu cái tên lãnh chúa kia?”
Rồi lão lại tự trả lời: “Vì đó là một con người.”
Tới đó, lão lại suy nghĩ thêm giây lát, rồi lại hỏi mình: “Có chắc thế không?”
Rồi lão lại tự nhắc lại câu nói chua chát:
— Nếu ta biết trước!
Tất cả câu chuyện này đè trĩu lên lão; vì cái điều lão đã làm, lão thấy như có một cái gì bí ẩn. Lão càng nghĩ càng thấy đau đớn. Vậy ra làm một điều thiện có khi lại hóa ra làm điều ác. Cứu con sói là giết con cừu. Chắp cánh cho con diều hâu thì phải chịu trách nhiệm về vuốt nhọn của nó.
Quả là lão cảm thấy mình có tội. Nỗi giận dữ vô tình của người mẹ ấy là đúng.
Tuy thế, việc cứu sống người đàn bà này cũng an ủi lão về việc đã cứu tên hầu tước.
Nhưng còn những đứa trẻ?
Người mẹ cũng đang nghĩ ngợi. Hai dòng tư tưởng ấy xuôi chảy bên cạnh nhau và, tuy không thổ lộ ra, nhưng hẳn đã gặp gỡ nhau trong cơn suy tưởng âm thầm.
Nhưng rồi người mẹ lại nhìn chăm chắm vào lão Tellmarch, cái nhìn thăm thẳm âm u.
— Có lẽ nào mà lại xảy ra cơ sự này – Chị ta nói.
— Suỵt! – Lão Tellmarch đặt một ngón tay lên miệng ra hiệu.
Chị ta vẫn nói:
— Cụ cứu tôi là sai rồi, tôi giận cụ lắm. Tôi muốn chết đi, vì chết thì chắc sẽ gặp chúng nó. Tôi sẽ biết chúng ở đâu. Chúng sẽ chẳng thấy tôi, nhưng tôi sẽ ở bên cạnh chúng nó. Chết đi thì còn có thể che chở cho chúng.
Lão cầm lấy tay chị ta và bắt mạch.
— Bình tĩnh lại đi, không khéo lại lên cơn sốt đấy.
Chị ta hỏi lão, giọng hơi xẵng:
— Bao giờ thì tôi có thể ra đi được?
— Chị ra đi à?
— Vâng. Đi.
— Nếu biết điều, thì mai đi được. Nếu không, thì chưa biết bao giờ.
— Biết điều nghĩa là thế nào?
— Nghĩa là tin ở Chúa.
— Chúa! Chúa đã đem các con tôi đi đâu?
Rồi chị ta nhớn nhác. Giọng nói trở nên hết sức dịu dàng.
— Cụ hiểu cho – Chị ta nói – Tôi không thể cứ như thế này. Cụ không có con, nhưng tôi đã có chúng nó. Khác nhau lắm. Người ta không thể phán đoán về một việc khi người ta không biết nó là cái gì. Cụ không có con cái gì, phải không?
— Không – Lão Tellmarch trả lời.
— Còn tôi, tôi chỉ có các con tôi thôi. Không có chúng nó, tôi có còn là tôi nữa không? Tôi muốn người ta giải thích cho tôi biết tại sao bây giờ tôi lại không có các con của tôi. Tôi cảm thấy như có một việc gì đã xảy ra vì tôi không hiểu được. Người ta giết chồng tôi, người ta bắn tôi, nhưng biết vậy thôi, tôi chẳng hiểu sao cả.
— Thôi – Lão Tellmarch bảo – Lại lên cơn sốt rồi. Đừng nói nữa.
Chị ta nhìn lão, rồi im lặng.
Từ hôm đó, chị ta không nói gì nữa.
Tellmarch được người ta nghe theo quá cả ý muốn của mình. Chị ta ngồi hàng giờ dưới chân tường xiêu vẹo vẻ mặt đờ đẫn, chị mơ màng và lặng thinh. Sự im lặng thường an ủi được những tâm hồn bình dị khi gặp cảnh vô cùng đau đớn, thâm trầm và bi thảm. Chị ta hình như không muốn hiểu biết gì nữa. Đến một độ nào đó, người thất vọng không hiểu nổi sự thất vọng của mình nữa.
Lão Tellmarch nhìn chị ta, cảm động. Trước cảnh đau thương ấy, con người già lão kia có những ý nghĩ như đàn bà. Phải rồi! Lão tự nhủ. Mồm chị ta không nói nhưng đôi mắt đã nói thay, ta biết chị ấy chỉ có một định kiến. Chị đã từng làm mẹ, đã từng nuôi con. Chị ta không thể cam chịu được. Chị ta nhớ cái con bé mà cách đây không bao lâu chị còn cho bú. Chị ta nhớ nó, nhớ nó, nhớ nó. Thực vậy, còn gì thú vị bằng khi một cái miệng con trẻ bé xíu đỏ hồng nó lôi kéo tâm hồn ta từ trong da thịt ta ra, và nó biến cái sống của ta thành cái sống của nó.
Về phần lão, Tellmarch cũng lặng thinh và hiểu rằng trước một nỗi tuyệt vọng như thế, lời nói nào cũng bất lực. Khi người ta có một định kiến thì sự im lặng thật là đáng sợ. Và khi một người mẹ đã có một định kiến thì làm thế nào cho họ nghe theo lẽ phải được? Tình mẫu tử là khăng khăng một mực: không thể bàn cãi gì nữa. Cái gì làm cho một người mẹ được cao siêu, chính là vì người mẹ là một người có thú tính, có thú tính một cách kỳ diệu.
Người mẹ không còn là người đàn bà nữa, họ là giống cái.
Những đứa con cũng là những con vật nhỏ.
Do đó, trong người mẹ có một cái gì vừa thấp lại vừa cao hơn lý trí. Người mẹ có một cái khiếu đánh hơi rất thính. Cái ý chí bao la, mù mịt của tạo hóa nằm trong người mẹ và điều khiển họ. Mù quáng nhưng rất minh mẫn.
Lúc này, lão Tellmarch muốn làm sao cho người đàn bà khốn khổ kia nói lên; nhưng không làm thế nào được.
Một lần, lão nói với chị ta:
— Khốn khổ, lão già rồi, lão không bước nổi nữa. Đi chưa cùng đường thì lực đã tận. Chỉ đi một khắc là chân đã chùn lại, thế là lão phải nghỉ; nếu không, lão có thể sẽ cùng đi với chị. Kể ra thì lão không đi được lại là cái hay. Đi với chị, có lẽ lão giúp chị thì ít mà gây nguy hiểm cho chị thì nhiều. Ở đây, người ta làm lơ cho lão; nhưng gặp bọn Xanh, chúng sẽ nghi lão là dân quê phiến loạn và gặp dân quê thì họ lại nghi lão là phù thủy.
Lão chờ đợi xem chị ta trả lời thế nào. Chị ta cũng chẳng buồn ngước mắt nhìn lên nữa.
Một định kiến thường dẫn đến sự điên rồ hoặc đến hành động anh hùng. Nhưng một người đàn bà quê mùa khốn khổ kia có thể có được hành động anh hùng gì? Chẳng có gì hết. Chị ta có thể làm mẹ, và thế thôi. Mỗi một ngày qua, chị ta lại chìm sâu hơn vào trong cơn mơ tưởng. Lão Tellmarch vẫn theo dõi chị ta.
Lão tìm cách làm cho chị ta có việc; lão đem cho chị ta kim chỉ, một cái khâu tay; kết quả là chị ta bắt đầu may vá, điều ấy làm cho lão vui lòng; chị ta vẫn nghĩ ngợi, nhưng chị ta làm việc, đó là dấu hiệu sức khỏe đã hồi phục; chị ta ngày càng khỏe lên; chị ta vá quần áo, vá; nhưng mắt chị vẫn lờ đờ. Vừa may vá, chị ta vừa cất tiếng hát nho nhỏ, âm thầm. Chị ta lẩm bẩm những tên người, rất có thể là tên mấy đứa trẻ, nhưng tiếng không rõ lắm, lão Tellmarch không thể nghe được. Có lúc chị bỗng ngừng lại và lắng nghe tiếng chim kêu như là đàn chim sắp mách tin gì mới vậy. Chị ta theo dõi thời tiết. Đôi môi chị mấp máy. Chị ta nói lẩm bẩm một mình. Chị ta khâu một cái túi và chứa đầy hạt dẻ. Một buổi sáng, lão Tellmarch thấy chị ta ra đi, vơ vẩn nhìn đăm đăm vào những nơi sâu thẳm của núi rừng.
— Chị đi đâu? – Lão hỏi.
Chị ta trả lời:
— Tôi đi tìm chúng nó.
Lão cũng không tìm cách giữ chị ta lại nữa.