Chín Mươi Ba

CHƯƠNG 10: RADOUB



Quân tấn công bỗng ngẩn người ra. Radoub đã chui qua lỗ tường thủng cùng với những người đi đầu trong mũi xung kích: anh là người thứ sáu và trong số sáu người của tiểu đoàn Paris thì bốn người đã ngã. Sau khi anh kêu lên: tôi, người ta thấy Radoub không tiến lên mà lùi lại, cúi lom khom gần như bò giữa chân mọi người, qua lỗ tường thủng đi ra. Anh trốn chăng? Một người như thế mà trốn sao? Như thế nghĩa là thế nào?
Ra ngoài lỗ tường thủng Radoub dụi cặp mắt bị khói làm mờ đi, như muốn xua đi cảnh ghê rợn và tối tăm; rồi dưới ánh sao, anh đứng nhìn bức tường ngôi tháp. Anh gật đầu đắc ý, có ý nói ta không nhầm!
Radoub đã để ý là bức tường bị mìn nổ làm rạn nứt một đường dài từ lỗ hổng lên đến chỗ lỗ châu mai tầng thứ nhất, một viên đạn đại bác đã phá tung cái lưỡi sắt, trấn song lơ lửng; một người có thể chui lọt.
Một người có thể chui qua, nhưng ai có thể leo lên tới đó? Cứ theo đường nứt thì leo lên được nhưng phải là giống mèo.
Radoub là người như thế đấy. Anh thuộc vào loại người mà Pindare [176] gọi là “những lực sĩ lanh lợi”. Người ta có thể vừa là lính kỳ cựu vừa là trang thanh niên; Radoub đã từng là quốc dân quân, tuổi chưa đến bốn mươi, một lực sĩ nhanh nhẹn.
Radoub đặt khẩu súng dài xuống đất, bỏ tấm da khoác và cởi áo ngoài, chỉ giữ lại hai khẩu súng lục ở thắt lưng và cây kiếm trần kẹp giữa hai hàm răng. Chuôi của hai khẩu súng lục nhô lên phía trên thắt lưng.
Trút hết những cái vô ích, và trước hàng trăm con mắt của đoàn quân tấn công còn đứng ngoài lỗ tường thủng theo dõi trong bóng tối, Radoub bắt đầu leo lên những tảng đá ở đường nứt rạn như trèo lên các bậc thang. Không đi giày lúc này lại hóa tốt; không gì trèo nhạy bằng chân không; anh quắp ngón chân vào kẽ đá, dùng nắm tay rút mình lên và co đầu gối lại, bặm môi trèo chẳng khác gì leo trên một hàng răng cưa. Anh nghĩ: “May mà chẳng có ma nào trong căn phòng gác một, nếu không, người ta chẳng để cho mình leo thế này.”
Anh phải leo như thế suốt. Càng lên cao càng bị vướng bởi hai chuôi súng, đường nứt càng hẹp lại càng khó trèo, vực mỗi lúc một sâu thêm, nhìn xuống càng dễ choáng, dễ ngã.
Cuối cùng, anh lên đến gờ lỗ châu mai rồi gạt tấm lưới sắt đã cong lại và bật ra, kẽ hở thừa sức lọt vào; anh nhún người một cái mạnh, đầu gối dựa vào gờ tường, một tay nắm lấy khúc chấn song bên phải, một tay nắm khúc chấn song bên trái, rồi nhô nửa mình lên trước lỗ châu mai, lưỡi kiếm chắn ngang miệng, và nhờ hai nắm tay, anh treo mình lơ lửng trên vực sâu. Chỉ cần nhảy một bước và anh lọt vào gian phòng gác một.
Nhưng một mặt người xuất hiện trong lỗ châu mai. Radoub đột nhiên thấy trong bóng tối hiện ra một cái gì kinh khủng: một con mắt bị chọc thủng, một cái quai hàm bị gãy, một cái mặt nạ đầy máu.
Cái mặt nạ ấy chỉ còn một con ngươi nhìn anh.
Cái mặt nạ ấy có hai bàn tay: hai bàn tay ấy từ bóng tối giơ ra về phía Radoub, một tay giật lấy hai khẩu súng ngắn giắt ở thắt lưng, tay kia giật lưỡi kiếm cắn giữa hai hàm răng anh.
Radoub bị tước hết vũ khí. Đầu gối anh tuột trên thành cửa sổ ngả ra ngoài, hai nắm tay quắp vào trấn song hầu như không còn đủ sức giữ anh, và sau lưng anh là vực thẳm sâu mười ba mét.
Cái mặt nạ ấy và đôi bàn tay ấy, chính là Chante-en-Hiver. Chante-en-Hiver, bị khói từ dưới bốc lên làm nghẹt thở, đã cố bò lên khỏi lỗ châu mai; ở đây khí trời đã làm hắn tỉnh lại, đêm mát cũng đã làm cho máu đông lại, hắn đã hồi sức đôi chút; đột nhiên hắn thấy trước lỗ châu mai hiện lên nửa thân trên của Radoub; bấy giờ Radoub, hai tay đang bám chặt lấy song cửa, không còn cách nào khác là buông tay rơi xuống vực thẳm, hoặc để cho người kia tước khí giới, Chante-en-hiver ghê rợn và bình tĩnh đã cướp lấy súng và kiếm của anh.
Một trận đọ sức khủng khiếp bắt đầu, trận đọ sức giữa một người bị tước khí giới và một người bị thương. Tất nhiên kẻ chiến thắng chỉ có thể là kẻ đang bị thương. Một viên đạn cũng đủ ném Radoub xuống cái vực sâu đang há miệng dưới chân.
May cho Radoub, Chante-en-Hiver một tay bận nắm cả hai khẩu súng, nên đã không bóp cò được, hắn chỉ có thể sử dụng thanh kiếm. Hắn đâm một nhát vào vai Radoub. Mũi kiếm làm Radoub bị thương đồng thời cứu sống anh.
Radoub không còn khí giới nhưng còn đủ sức lực, coi thường cái vết thương không ăn sâu đến xương, liền đu về phía trước, buông song cửa nhảy vào trong.
Tại đây anh mặt đối mặt với Chante-en-Hiver, tên này đã vứt gươm ra đằng sau và hai tay hai khẩu súng. Chante-enHiver rướn mình, nhằm vào Radoub đang ở trước miệng súng, nhưng cánh tay hắn yếu đi đang run lẩy bẩy, hắn chưa bắn ngay.
Radoub lợi dụng phát ấy, cười vang lên.
— Nào! Đồ con trừu! Mày tưởng đem cái mặt ngoáo ộp của mày ra dọa tay chắc? Mẹ kiếp! Sao nhà người ta phá cái mặt mày ghê đến thế!
Chante-en-Hiver nhằm bắn.
Radoub tiếp:
— Chẳng phải đùa đâu, cái mặt mày bị đạn nó phá nát đẹp quá! Con ơi, chúng đã phá cái bộ mặt của mày rồi. Nào thì mày nhả đạn đi, đồ nỡm.
Tiếng súng nổ và tiếng đạn sạt sát đầu Radoub, hớt mất nửa cái tai. Chante-en-Hiver giơ khẩu thứ hai nhưng Radoub không để cho nó có thì giờ ngắm bắn nữa.
— Tao mất một cái tai đủ rồi. Mày đã làm tao bị thương hai lần. Nào, chơi vào!
Radoub nhảy xổ vào Chante-en-Hiver đẩy cánh tay nó lên thẳng cho viên đạn bay đi phía khác rồi túm lấy và vặn một vòng cái quai hàm nát của nó. Chante-en-Hiver rú lên một tiếng ngất đi.
Radoub bước qua, bỏ mặc nó nằm gần cửa.
— Bây giờ thì tao đã cho mày rõ cái tối hậu thư của tao rồi, mày đừng cựa quậy nữa. Nằm đó, đồ bò sát hung dữ. Mày cũng biết là bây giờ tao chẳng cần giết mày làm gì. Cho mày tùy ý bò dưới đất làm bạn với đôi dép của tao. Mày chết đi, đời mày cũng đến thế thôi. Chốc nữa mày sẽ biết là cha xứ của mày chỉ toàn nói nhảm với mày. Về với địa ngục, dân quê!
Rồi anh nhảy vào trong phòng ở gác một.
— Chả thấy đếch gì! – Anh lầu bầu.
Chante-en-Hiver giãy giụa và rú lên trong cơn hấp hối.
Radoub quay lại.
— Im đi! Mày làm ơn im đi. Mặc xác mày. Tao chẳng thèm kết liễu đời mày. Để cho tao yên.
Và băn khoăn, anh ta lùa tay vào trong tóc, mắt vẫn nhìn Chante-en-Hiver.
— Chà! Bây giờ ta làm gì đây? Được đấy, nhưng thế là ta mất hết vũ khí. Ta chỉ có hai viên đạn. Đồ súc sinh, mày đã làm phí đạn của ta. Lại còn cái khói làm cho mắt cay xè!
Rồi anh đụng phải cái tai rách.
— Ái! – Anh kêu lên.
Rồi anh tiếp:
— Mày tước của ông mất một tai, tưởng bở lắm đấy! Thật ra, tao cũng không quý nó bằng cái khác đâu, nó chỉ là đồ trang trí thôi. Mày cũng làm xước vai tao, nhưng chẳng sao. Tử đi, dân quê, ta tha thứ cho mày đấy.
Anh lắng nghe. Tiếng vang dội ở phòng dưới thật là kinh khủng. Cuộc chiến đấu ác liệt hơn bao giờ hết.
— Phía dưới đánh khá đấy. Thế mà chúng vẫn gào “đức vua vạn tuế”. Chúng chết một cách quý phái.
Chân anh đụng phải thanh kiếm nằm dưới đất. Anh nhặt lên, nói với Chante-en-Hiver, bây giờ đã nằm im và có lẽ đã chết:
— Mày thấy không, người rừng kia, đối với tao, kiếm hay cái gì cũng thế thôi. Nhưng tao cần hai khẩu súng. Đồ man rợ, ma bắt mày đi! Chà! Mình làm gì bây giờ? Đứng đây thì chẳng được tích sự gì cả.
Anh tiến vào trong phòng, cố nhìn cho rõ và dò phương hướng. Bỗng nhiên, trong bóng tối, sau cây cột giữa nhà, anh thấy một cái bàn dài và trên bàn ấy có cái gì lấp lánh. Anh mò mẫm. Toàn là súng dài súng ngắn, đặt thành hàng ngay ngắn, như chỉ còn chờ bàn tay cầm lấy; đó là kho dự trữ mà những kẻ bị vây chuẩn bị cho đợt chiến đấu thứ hai; Cả một kho vũ khí. Radoub kêu lên:
— Tuyệt!
Rồi anh nhảy xổ tới, mặt mày rạng rỡ và dữ tợn.
Bên cạnh bàn đầy vũ khí là cửa cầu thang thông với các tầng trên và dưới mở toang. Radoub bỏ cây kiếm xuống, cầm lấy hai khẩu súng lục, mỗi khẩu có hai viên đạn, bắn bừa một lúc qua phía dưới cửa vào trong cầu thang xoắn ốc rồi anh tiếp tục nhả đạn với một khẩu súng dài và một khẩu miệng loa kèn đầy đạn. Súng này khạc ra mười lăm viên đạn cùng một lúc. Rồi Radoub lấy sức thét to vào cầu thang: Paris muôn năm!
Và nắm lấy một khẩu súng miệng loa kèn lớn hơn, anh chĩa xuống dưới vòm cầu thang quanh co và đứng đợi.
Cảnh hoảng hốt ở phòng dưới không thể tả được. Tình trạng đột biến này làm tan rã khí thế cầm cự.
Trong ba loạt đạn của Radoub, hai viên đạn đã trúng đích; một viên giết Houzard tức De Quélen. Lão hầu tước kêu lên:
— Chúng ở phía trên!
Tiếng kêu ấy làm cho bọn cố thủ bỏ chạy, tán loạn hơn một đàn chim hoảng hốt, giành nhau chạy thoát thân vào cầu thang. Lão hầu tước cũng giục bọn này tháo chạy.
— Nhanh lên! Thoát là dũng cảm. Lên tầng hai cả! Lên đó rồi sẽ đánh lại.
Lão ra khỏi phòng sau cùng. Sự can đảm ấy cứu lão.
Radoub núp trên đầu cầu thang, ngón tay để sẵn trên cò súng nhằm bắn bọn rút lui. Những tên đầu tiên chạy lên đến vòng cầu thang bị đạn quạt vào giữa mặt, lăn ra chết. Nếu lão hầu tước chạy trong số đó thì đã chết rồi. Trước khi Radoub có thì giờ cầm một khẩu súng khác thì những tên đi sau đã vượt qua, lão hầu tước đi sau cùng và chậm hơn. Chúng tưởng tầng thứ nhất đầy quân địch nên chạy thẳng lên tầng hai, tức là phòng gương. Đấy chính là nơi có cánh cửa sắt, có mồi dẫn lửa tẩm lưu hoàng, nơi Lantenac sẽ phải đầu hàng hoặc chết.
Gauvain cũng ngạc nhiên như bọn kia về tiếng súng nổ ở cầu thang, và cũng không biết sự viện trợ ấy từ đâu đến, ông ta thừa cơ, cùng đồng đội vượt qua lũy cố thủ, và thúc kiếm vào tận lưng bọn địch, dồn chúng lên tận tầng thứ nhất.
Đến đây ông gặp Radoub.
Radoub chào theo kiểu nhà binh và nói:
— Xin một phút, thưa tư lệnh. Tôi đã làm thế đấy. Tôi nhớ đến trận Dol. Tôi đã làm như tư lệnh. Tôi kẹp địch giữa hai hỏa lực.
— Học trò giỏi – Gauvain vừa nói vừa cười mỉm.
Ở lâu trong tối, mắt đã quen bóng tối như mắt chim đêm, Gauvain bỗng nhận ra mặt Radoub đầy máu.
— Nhưng anh bạn, anh bị thương rồi.
— Xin tư lệnh đừng lo. Thêm hay bớt đi một tai thì đã hề gì? Tôi còn bị một nhát kiếm nữa, nhưng chả cần. Khi người ta đập vỡ một ô cửa kính, thế nào cũng bị sứt da một chút. Với lại, không phải chỉ có máu tôi đâu.
Họ tạm dừng lại trong gian phòng tầng thứ nhất do Radoub chiếm lĩnh được. Người ta mang tới chiếc đèn dầu. Cimourdain đã theo kịp Gauvain. Hai người hội ý. Quả thật cũng có điều phải suy nghĩ. Quân bao vây không nắm được điều bí mật của bên bị vây; họ không biết bọn kia thiếu đạn; thuốc súng cũng đã cạn; gác hai là nơi chống đỡ cuối cùng, họ còn ngại cái cầu thang có gài mìn.
Điều chắc chắn là kẻ định không thể thoát ra được. Những kẻ còn sống sót đó như đã bị khóa chặt. Lantenac đang nằm trong bẫy chuột. Tin chắc như vậy nên họ muốn giành chút thì giờ tìm một cách kết thúc tốt nhất. Đã có khá nhiều thương vong. Phải cố gắng đừng mất mát quá nhiều trong đợt tấn công cuối cùng này. Đợt tấn công sau cùng này nguy hiểm hơn nhiều. Chắc là họ sẽ phải chịu đựng một loạt đạn đầu gay go.
Cuộc chiến đấu ngừng lại. Quân bao vây đã làm chủ tầng cuối cùng và tầng gác thứ nhất, đang chờ lệnh của chỉ huy để tiếp tục. Gauvain và Cimourdain bàn bạc. Radoub lặng lẽ chứng kiến cuộc trao đổi ý kiến.
Anh đánh bạo chào lối nhà binh, dáng bẽn lẽn:
— Thưa tư lệnh!
— Gì thế, Radoub?
— Tôi có quyền được một phần thưởng nhỏ chăng?
— Được lắm, anh muốn gì?
— Tôi muốn là người lên gác trước nhất.
Người ta không thể từ chối anh. Vả lại anh có thể làm mà không cần xin phép.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.