Ở dưới hầm, một ngọn đèn đặt trên nền lát đá, bên cạnh khung cửa sổ vuông.
Ngoài ra, còn có một bình nước đầy, miếng bánh quân lương và bó rơm. Cái hầm ấy khoét sâu trong đá tảng, người tù nếu có ngông cuồng đốt rơm phóng hỏa thì cũng chỉ toi công; nhà giam không cháy được, còn tù nhân chắc chắn sẽ chết ngạt.
Lúc cánh cửa xoay xoay trên bản lề, lão hầu tước đang đi lại trong hầm như cái máy, giống như con thú bị nhốt trong chuồng.
Nghe tiếng động của cánh cửa mở ra rồi khép lại, lão hầu tước ngẩng đầu, và ngọn đèn đặt dưới đất giữa Gauvain và lão soi rõ mặt cả hai người.
Họ nhìn nhau, và cái nhìn đó làm cho cả hai cùng đứng yên.
Lão hầu tước phá lên cười và nói to:
— Chào ngài. Đã bao nhiêu năm rồi, tôi không được cái diễm phúc gặp mặt ngài. Bây giờ ngài lại hạ cố tới gặp tôi. Xin cảm ơn ngài. Được nói chuyện một lát, thật tôi không mong gì hơn. Tôi bắt đầu thấy buồn. Các bạn ngài mất nhiều thời giờ quá, nào thẩm tra căn cước, nào mở phiên tòa quân sự, những cung cách thật nhiêu khê quá. Phải tay tôi, tôi làm nhanh hơn nhiều. Đây là nhà tôi. Xin ngài quá bộ vào trong. Vậy thưa ngài, những chuyện đang xảy ra, ngài thấy thế nào? Thật là độc đáo, phải không ngài? Ngày xưa có một ông vua và một bà hoàng hậu; ông vua là ông vua, hoàng hậu là nước Pháp. Người ta đã chặt đầu vua, rồi gả hoàng hậu cho ông Robespierre; hai ông bà ấy có được một cô con gái mà người ta gọi là cái máy chém, mà hình như sáng mai tôi sẽ được làm quen với nó. Thật là thú vị. Cũng như được gặp ngài vậy. Ngài đến vì việc đó ư? Ngài đã được thăng cấp chưa? Ngài sẽ là đao phủ? Nếu chỉ là một cuộc gặp gỡ thân mật thì tôi hết sức cảm động. Thưa ngài tử tước, chắc ngài không còn biết thế nào là một nhà quý tộc. Vậy thì ở đây có một nhà quý tộc; đó là tôi. Ngài nhìn xem. Lạ lắm; hắn tin ở Chúa, hắn tin vào truyền thống, hắn tin vào dòng họ, hắn tin vào tổ tiên, hắn tin vào lòng ngay thẳng, tin vào nghĩa vua tôi, tôn trọng các cổ lệ, tin vào đạo đức, tin vào công lý; và hắn sẽ thích thú được bắn chết ngài. Xin ngài vui lòng ngồi chơi. Ngồi xuống nền thôi; vì phòng khách này không có ghế đệm; nhưng mà kẻ nào sống trong bùn thì ngồi đất cũng được. Tôi nói điều đó không phải để xúc phạm ngài, bởi vì cái mà chúng tôi gọi là bùn thì các ngài gọi là quốc dân. Chắc ngài không ép tôi phải hô Tự do, Bình đẳng, Bác ái chứ? Đây là một phòng cũ của nhà tôi, ngày xưa là nơi các lãnh chúa nhốt bọn dân quê hủ lậu; bây giờ bọn hủ lậu ấy lại giam các lãnh chúa. Những trò trẻ con ấy mệnh danh là một cuộc cách mạng. Hình như trong vòng ba mươi sáu tiếng đồng hồ nữa họ sẽ chặt đầu tôi. Tôi chẳng thấy gì phiền cả. Nhưng giá họ lịch sự hơn một chút thì họ đã chuyển cho tôi cái hộp thuốc để trong phòng gương kia, căn phòng mà hồi còn nhỏ ngài vẫn chơi ở đó và tôi vẫn bế ngài nhảy lên đùi tôi. Thưa ngài, và điều lạ là trong mạch máu ngài, có dòng máu quý tộc, cùng một dòng máu với tôi; tiếc thay, dòng máu ấy biến tôi thành một con người danh dự thì lại biến ngài thành một kẻ hèn hạ. Đó là những đặc thù. Ngài sẽ bảo đó không phải là lỗi của ngài. Cũng không phải là lỗi của tôi. Khốn nạn, người ta làm điều ác mà không biết. Đấy là tại cái không khí người ta thở; trong những thời kỳ như chúng ta đang sống, không ai chịu trách nhiệm về hành vi của mình, vì cách mạng bất lương đối với tất cả mọi người; và tất cả những kẻ phạm những tội nặng nhất của các ngài đều là bọn người ngây thơ nhất. Một lũ ngu dốt! Bắt đầu từ ngài. Cho phép tôi được bái phục ngài. Vâng, tôi vẫn phục một trang thanh niên như ngài, một con người quý phái, có địa vị trong nước, có một dòng máu cao quý để hy sinh cho đại nghĩa, tử tước của cái tháp Gauvain này, hoàng thân xứ Bretagne, một người có quyền trở thành quận công và có thể thừa hưởng chức vị nguyên lão nước Pháp, đại khái tất cả những cái mà một kẻ có trí khôn ở trên đời này có thể thèm khát, nhưng con người như thế lại đâm đi làm con người như ngài hiện nay, dưới con mắt kẻ thù, ngu si, dưới dưới con mắt bạn bè. A, nhân thể, xin ngài cho tôi gửi lời chào cha xứ Cimourdain.
Lão hầu tước nói thoải mái, bĩnh tĩnh, không cần nhấn mạnh chỗ nào cả, với một giọng thân mật, mắt sáng và lặng lẽ, hai tay đút túi. Lão ngừng lại, thở một hơi dài rồi lại tiếp:
— Tôi chẳng giấu ngài rằng tôi đã cố hết sức giết ngài. Chính tôi đây đã ba lần đích thân chĩa đại bác bắn ngài. Cung cách ấy không lịch sự, tôi xin thừa nhận, nhưng nếu tưởng rằng trong chiến tranh, kẻ thù tìm cách làm vui lòng ta thì thật là ngờ nghệch. Vì rằng, thưa ông cháu của tôi, chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh. Tất cả đều là máu và lửa. Đúng là người ta đã giết vua. Thế kỷ đẹp thật.
Lão ngừng lại một chút rồi lại tiếp luôn:
— Nghĩ cho cùng thì những chuyện thế này chẳng bao giờ xảy ra nếu trước đây người ta đem treo cổ Voltaire và bắt Rousseau [183] đi khổ sai chèo thuyền! Trời! Những nhà trí thức, thật là tai họa! Nào, các ngài chê trách gì về cái chế độ quân chủ? Đúng là người ta đã để cho cha Pucelle tùy tiện sử dụng phương tiện và thời gian cần thiết để đi đến nhà xứ Corbigny; đối với lão Titon, một tên phóng đãng, đi chơi gái trước khi xem phép lạ của thầy trợ tế Pâris, người ta đã thuyên chuyển lão từ lâu đài Vincennes sang lâu đài Ham ở Picardie, một địa phương hủ lậu đến thế. Đấy là những việc đáng chê trách. Tôi còn nhớ. Thời tôi còn trẻ tôi cũng đã phản đối; tôi cũng đã từng ngu ngốc như ngài vậy.
Lão hầu tước sờ túi như thể muốn tìm hộp thuốc, rồi tiếp:
— Nhưng không độc ác như các ngài. Thời trước chúng tôi nói chỉ để mà nói thôi. Hồi ấy cũng có những cuộc điều tra khiếu nại ồn ào, thế rồi các ngài triết gia xen vào; đáng lẽ phải thiêu chết bọn tác giả thì người ta chỉ thiêu hủy sách vở thôi, các cuộc âm mưu chống đối ở trong triều cũng phụ họa vào; lại còn bọn ngờ nghệch như Turgot, Quesnay, Malesherbes [184], bọn chủ trương chủ nghĩa trọng nông, và vân vân, rồi thế là các vụ lộn xộn bắt đầu. Vạn sự khởi đầu từ bọn văn sĩ dở, thi sĩ cùn. Phái Bách khoa! Diderot! D’Alembert! [185] Chà! Một bọn vừa độc hại vừa đần độn. Một người thông minh như vua nước Phổ mà cũng bị chúng lôi cuốn! Phải tay tôi, tôi đã trừ tiệt hết cái bọn cạo giấy đó. Đúng! Chúng tôi là những người phán xét. Người ta có thể thấy ở đây, trên tường, vết những bánh xe xé xác. Chúng tôi không đùa. Không, không, không thể có bọn thợ văn ấy được! Còn có bọn Arouet [186] thì còn có bọn Marat. Còn có bọn văn sĩ tồi bôi bác thì còn có bọn du côn giết người; còn mực thì còn nhem nhuốc; còn có người quắp trong mấy ngón tay cây bút lông ngỗng thì những chuyện dại dột phù phiếm sẽ đẻ ra những chuyện dại dột tàn khốc. Sách vở gây ra tội ác. Từ chimère bao hàm hai nghĩa, một nghĩa là ảo mộng, một nghĩa là quái vật. Người ta khéo bày bao nhiêu trò hão huyền. Các ngài muốn nói gì khi nói về cái gọi là quyền lợi của chúng ta? Nhân quyền! Dân quyền! Thật là rỗng tuếch, ngu dại, mơ hồ, vô nghĩa! Tôi đây, khi tôi nói: Havoise, chị của Conan II đem của hồi môn là lãnh địa Bretagne về cho Hoën bá tước vùng Nantes và Cornouailles, ông này truyền ngôi lại cho Alain Fergant, chú của Berthe, bà này kết duyên với Alain Le Noir, lãnh chúa vùng Laroche-sur-Yon và sinh ra Conan Con [187], tổ tiên của Gauvain de Tour, tổ tiên chúng ta, là tôi đã nói ra một việc cụ thể, đó là một cái quyền. Nhưng còn bọn vô lại, bọn đểu giả, bọn làm loạn của các ngài họ gọi quyền của họ là cái gì? Quyền giết chúa, quyền giết vua. Quả là ghê tởm! Bọn khốn kiếp! Tôi lấy làm buồn cho ngài, nhưng ngài vốn thuộc dòng máu kiêu hãnh của xứ Bretagne, ngài và tôi, hai ta cùng có tổ nội là Gauvain de Thouars, trong số tổ tiên của chúng ta còn có Quận công De Montbazon, nguyên lão nước Pháp, đã được tặng thưởng bội tinh vàng, người đã tấn công vào ngoại ô thành Tours và bị thương trong trận Arques, thọ tám mươi tuổi, mất tại lâu đài của ngài ở Touraine. Tôi còn có thể nói với ngài về nhiều vị quý tộc trong họ ta nữa. Nhưng để làm gì? Ngài đã có vinh dự được làm thằng ngốc; ngài thích được bình đẳng với tên giữ ngựa của tôi. Xin ngài biết cho điều này, lúc ngài còn là một đứa trẻ thì tôi đã luống tuổi rồi. Tôi đã vắt mũi cho ngài và đáng lẽ tôi còn vắt mũi cho ngài nữa. Càng lớn lên, ngài lại càng tìm cách co rúm lại. Từ khi hai chúng ta xa cách nhau, mỗi người đi một đường, tôi đi theo con đường danh giáo, ngài đi con đường ngược lại. Tôi chẳng biết rồi những chuyện đó sẽ kết thúc như thế nào; nhưng những ông bạn của ngài đều là những quân khốn nạn kiêu căng. Phải, đẹp lắm, tôi đồng ý, nhiều tiến bộ huy hoàng trong quân đội, người ta đã bỏ chế độ phạt người lính say rượu phải uống nước trừ bữa trong ba ngày liền; ta có hình phạt tối đa, Viện Quốc ước, giám mục Gobel, ngài Chaumette và ngài Hébert, và người ta diệt trừ ồ ạt tất cả quá khứ, từ ngục Bastille đến cuốn thông lịch. Người ta lấy rau cỏ thay cho các thánh. Được, thưa các ngài công dân, các ngài cứ làm chủ, tất cả những chuyện đó không ngăn nổi tôn giáo vẫn là tôn giáo, nền quân chủ vẫn có một nghìn năm trăm năm lịch sử và hàng ngũ quý tộc lâu đời của nước Pháp mặc dầu bị mất đầu vẫn còn cao hơn các ngài. Còn như các ngài không thừa nhận đặc quyền có tính chất lịch sử của tầng lớp quý tộc thì chúng tôi hoài hơi mà cãi vã với các ngài. Đó không phải là vấn đề. Vấn đề là sự tồn tại của một vương quốc lớn, một nước Pháp cổ kính, một quốc gia có tổ chức quy củ tuyệt vời, trong đó trước hết người ta coi trọng vai trò thần thánh, nhà vua, chúa tể tối cao của nhà nước, rồi đến các hoàng thân, các quan chức trong thủy quân lục quân, pháo binh, ngân khố. Ngoài ra còn có tòa án tối cao và hạ thuộc, các tổ chức quản lý thuế muối và tổng thu nhập quốc gia, cuối cùng là ngành cảnh sát ở trung ương, địa phương và cơ sở. Như thế đấy, thật là đẹp và sắp đặt chững chạc; các ngài đã phá hủy hết. Các ngài đã xóa bỏ hệ thống tỉnh cũ, dốt nát đến thế là cùng, các ngài chẳng hiểu gì về ý nghĩa của hệ thống tỉnh. Tinh hoa của nước Pháp là kết tinh của tinh hoa lục địa, và mỗi một tỉnh của nước Pháp tiêu biểu cho một đức tính của châu Âu; tính cương trực của nước Đức thể hiện ở Picardie, tính độ lượng của Thụy Điển ở Champagne, cái tinh xảo của Hà Lan ở Bourgogne, tính chất linh lợi của Ba Lan ở Languedoc, tính chất nghiêm nghị của Tây Ban Nha ở Gascogne, cái khôn ngoan của Ý ở Provence, cái tế nhị của Hy Lạp ở Normandie, truyền thống trung thực của Thụy Sĩ ở Dauphiné. Các ngài không biết mảy may về tất cả cái đó; các ngài phá vỡ, đập nát, hủy hoại, và các ngài cứ thản nhiên như những con vật vô tri. A ha! Các ngài không muốn có quý tộc nữa! Được, các ngài sẽ không có họ nữa. Các ngài sẽ được vừa ý. Các ngài sẽ không có hiệp sĩ, không có anh hùng. Kính chào những vang bóng một thời. Hãy tìm xem cho tôi một Assas [188] của ngày nay! Tất cả các ngài chỉ sợ chết. Các ngài sẽ không thể có những người như các hiệp sĩ ở Fontenoy [189] kính cẩn chào nhau trước khi nổ súng, cũng không thể có những chiến sĩ đi bít-tất lụa để chiến đấu, trong trận bao vây Lérida, các ngài không thể có những cuộc diễu hành hùng vĩ với các chùm lông cắm trên mũ các binh sĩ lướt như sao bay trên bầu trời, các ngài là một dân tộc kiệt quệ, một dân tộc sẽ bị ngoại bang đè đầu cưỡi cổ, nếu Alaric II trở lại sẽ không có Clovis nào chặn đường hắn; nếu Abdérame trở lại thì cũng không còn Charles Martel nào đón đánh, nếu giặc Saxon trở lại cũng không còn ai như Pépin chặn chúng nữa; các ngài sẽ không bao giờ có Agnadel, Rocroy, Lens, Staffarde, Nerwinde, Steinkerque, La Marsaille, Raucoux, Lawfeld, Mahon; các ngài sẽ không có những chiến thắng như François I ở Marignan; các ngài sẽ không có Bouvines với Philippe Auguste một tay tóm cổ bá tước De Boulogne và tay kia bá tước De Flandre. Các ngài có thể có một Azincourt, nhưng các ngài sẽ không có một đội viên giữ cờ vĩ đại như Bacqueville lấy quốc kỳ quấn thân mình mà chết! Mà thôi! Các ngài là những con người mới. Các ngài muốn làm gì cứ làm, muốn trở thành nhỏ mọn, cũng tùy.
Lantenac im lặng một lát rồi lại tiếp:
— Muốn gì thì muốn, chúng tôi vẫn là những kẻ cả. Các ngài giết vua, giết quý tộc, giết tu sĩ, cứ đạp đổ, tàn phá, sát hại, dày xéo tất cả, cứ dẫm lên các châm ngôn cổ kính, đánh đổ ngai vàng, xéo lên bàn thờ, tiêu diệt Chúa! Đó là việc của các ngài. Các ngài là bọn phản trắc và hèn nhát, những con người không thể biết đến tận tụy, hy sinh. Tôi nói hết rồi. Thưa tử tước, ngài cho chặt đầu tôi đi. Tôi rất vinh hạnh được hầu ngài.
Rồi lão nói thêm:
— Tôi đã nói tất cả sự thật về các ngài! Tôi chết đến nơi rồi, còn sợ gì nữa.
— Ông được tự do – Gauvain nói.
Rồi Gauvain tiến đến gần hầu tước, cởi chiếc áo choàng của mình ra khoác lên vai lão và kéo sụp cái mũ chụp xuống trước mắt lão. Tầm vóc hai người bằng nhau.
— Này, làm gì vậy? – Hầu tước hỏi.
Gauvain cất cao giọng nói:
— Trung úy, mở cửa cho tôi.
Cửa mở ra.
Gauvain vẫn cao giọng nói:
— Tôi ra khỏi thì anh đóng cửa lại.
Rồi Gauvain đẩy lão hầu tước, đang sửng sốt, ra ngoài.
Gian phòng thấp, biến thành trạm gác, như ta còn nhớ, chỉ có một ngọn đèn chao nhỏ, ánh sáng chập chờn, hắt ra nhiều bóng tối hơn ánh sáng. Trong ánh sáng mờ nhạt ấy những người lính còn thức nhìn thấy một người cao lớn mặc áo choàng có mũ chụp gắn lon chỉ huy trưởng đi qua chỗ họ để ra cửa; họ chào nhau theo kiểu nhà binh và người này đi qua.
Lão hầu tước từ từ đi qua tốp lính canh, chui qua lỗ tường thủng, nhiều lần đụng vào tường, và ra ngoài.
Người lính gác phía ngoài, tưởng là Gauvain, bồng súng chào.
Ra ngoài rồi, chân đã dẫm lên cỏ, chỉ còn đi hai trăm bước nữa là ra đến rừng, trước mắt là không gian, là đêm tối, là tự do, là cuộc sống, lão dừng lại và đứng lặng một lúc như một người bị động, sau giây lát ngỡ ngàng đã thừa cơ thoát thân, nay muốn điểm lại xem làm như vậy có đúng không, ngập ngừng trước khi đi xa hơn và suy nghĩ lần cuối cùng. Sau vài giây thẫn thờ lão giơ bàn tay phải lên, bật ngón tay giữa vào ngón tay cái, rồi nói.
— Đành vậy thôi!
Rồi lão bước đi.