Chín Mươi Ba

CHƯƠNG 2: TÒA ÁN QUÂN SỰ



Cánh cửa hầm giam đã khép lại. Gauvain ở trong đó.
Hồi đó, trong các tòa án binh, gần như mọi việc còn do vị chánh án tùy tiện quyết định. Ở Quốc hội lập pháp, Dumas đã phác thảo một bản dự luật về pháp chế trong quân đội, về sau Talot trong Hội đồng năm trăm người có tu chỉnh lại, nhưng đạo luật chính thức về các hội đồng quân sự thì mới được thảo ra trong thời đế chính [190]. Xin nói thêm là đến thời kỳ đế chính mới có quy định bắt buộc các tòa án binh khi quyết án phải lấy biểu quyết từ cấp dưới. Dưới thời Cách mạng, luật này chưa hề có.
Năm 1793, viên chánh án tòa án binh nắm cả quyền hành; ông ta chọn các thành viên của phiên tòa án xếp đặt thứ tự cấp bậc, định ra phương thức quyết án; vừa là quan tòa, vừa là chúa tể.
Cimourdain quyết định phiên tòa mở ngay tại gian phòng ở tầng dưới cùng, trước đó là hầm cố thủ và bây giờ là trạm gác. Ông ta muốn rút gọn tất cả lại, cả con đường từ nhà tù tới tòa án và từ tòa án đến đoạn đầu đài.
Đến trưa, theo lệnh của ông, phiên tòa mở với hình thức long trọng như sau: ba ghế tựa bằng rơm, một bàn gỗ thông, hai cây nến thắp sáng, một cái ghế đầu ở trước bàn.
Các quan tòa ngồi ghế tựa, bị can ngồi ghế đẩu. Ở hai đầu bàn còn có thêm hai ghế đẩu nữa, một cái cho ủy viên dự thính, một hạ sĩ quan quân nhu, một cái cho viên lục sự đeo lon cai.
Trên bàn có một thỏi xi đỏ, một con dấu của chính phủ cộng hòa bằng đồng, hai giá bút mực, mấy chiếc cặp đựng giấy trắng và hai tờ thông cáo in trải rộng trên bàn, một tờ là lệnh đặt tội nhân ra ngoài vòng pháp luật, tờ kia là bản sắc luật của Viện Quốc ước.
Ghế chính giữa tựa vào một cụm cờ tam tài; trong thời kỳ hết sức giản đơn ấy việc trang trí giải quyết hết sức nhanh gọn và chỉ cần một ít thời giờ để chuyển một trạm gác thành một phòng xử án.
Ghế giữa là ghế chánh án ngồi nhìn thẳng vào cửa hầm giam. Công chúng dự phiên tòa là binh sĩ.
Hai cảnh binh đứng canh ghế bị can.
Cimourdain ngồi ghế giữa, bên phải là đại úy Guéchamp, hội thẩm thứ nhất, bên trái là viên đội Radoub, hội thẩm thứ hai.
Ông ta đội mũ có chùm lông màu tam tài, bên cạnh đặt thanh kiếm, ở thắt lưng giắt hai khẩu súng lục. Cái sẹo đỏ thắm làm cho vẻ mặt ông ta dữ tợn thêm.
Radoub rốt cuộc rồi cũng đã để cho người ta băng bó. Đầu ông ta buộc chiếc khăn tay có vết máu thấm ra từ từ và loang rộng.
Đến trưa, phiên tòa vẫn chưa mở, một liên lạc viên đứng chờ bên bàn các quan tòa; người ta thấy ngựa của anh ta giậm móng ở bên ngoài.
Cimourdain đang viết, ông ta viết thế này: Các công dân ủy viên Ủy ban cứu quốc,Đã bắt được Lantenac. Sáng mai sẽ hành hình.
Ông ta để ngày tháng, ký tên, gấp lại, niêm bức thư, rồi trao cho người liên lạc, người này vội vã đi ngay. Xong, Cimourdain tuyên bố dõng dạc.
— Mở cửa ngục.
Hai người cảnh binh kéo chốt, mở cửa ngục rồi đi vào.
Cimourdain ngoảnh đầu lên, khoanh tai lại, nhìn cánh cửa nói to:
— Giải phạm nhân ra đây!
Một người đàn ông hiện ra giữa hai người cảnh binh, dưới khung bán nguyệt của cái cửa mở.
Đó là Gauvain.
Cimourdain giật mình, kêu lên:
— Gauvain!
Rồi ông nói tiếp:
— Tôi đòi phạm nhân kia mà.
— Chính là tôi – Gauvain đáp.
— Anh?
— Chính tôi.
— Thế Lantenac?
— Thoát rồi.
— Thoát?
— Vâng.
— Trốn?
— Trốn.
Cimourdain run lên, miệng lẩm bẩm:
— Đúng rồi, tòa tháp này là của hắn, hắn biết hết mọi ngóc ngách, dưới ngục chắc là có đường thông ra ngoài, lẽ ra ta phải để ý đến điều đó, có lẽ hắn tìm được cách trốn thoát, chẳng cần ai giúp đỡ.
— Có người giúp hắn – Gauvain nói.
— Giúp hắn trốn?
— Giúp hắn trốn.
— Ai giúp hắn?
— Tôi.
— Anh?
— Tôi.
— Anh ngủ mê!
— Tôi vào ngục, chỉ có tôi với phạm nhân, tôi cởi áo của tôi khoác lên người hắn, tôi kéo sụp mũ xuống che mặt cho hắn, hắn thay tôi đi ra, tôi thay hắn ở lại. Và bây giờ thì tôi đây.
— Anh không làm như vậy!
— Tôi đã làm như vậy.
— Giải Lantenac ra đây!
— Hắn không còn đây nữa. Binh sĩ thấy hắn mặc áo khoác của người chỉ huy nên tưởng lầm là chính tôi và để cho hắn đi. Lúc đó còn là đêm.
— Anh điên rồi.
— Tôi nói sự thật.
Im lặng một lát, Cimourdain lắp bắp:
— Thế thì anh đáng…
— Tội chết – Gauvain nói.
Cimourdain tái nhợt đi như một cái đầu chết chém. Ông ta lặng đi như người vừa bị sét đánh. Hình như ông ta không thở nữa. Một giọt mồ hôi to tướng long lanh trên trán.
Ông ta lấy giọng đĩnh đạc rồi nói:
— Cảnh binh, cho bị can ngồi xuống.
Gauvain ngồi xuống chiếc ghế đẩu.
Cimourdain lại ra lệnh.
— Cảnh binh, tuốt gươm ra.
Đó là nghi thức thời ấy khi bị can đáng tội xử chém.
Cảnh binh tuốt gươm ra.
Giọng Cimourdain trở lại bình thường. Ông nói:
— Bị can, đứng dậy.
Ông ta không xưng hô thân mật với Gauvain nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.