Bạch Dạ Hành

CHƯƠNG IV – PHẦN 2



Nakamichi Masaharu là người của phòng nghiên cúu số 6 bộ môn Kỹ thuật điện thuộc khoa Kỹ thuật trường đại học Kita Osaka, đề tài nghiên cứu tốt nghiệp mà anh ta lựa chọn là điều khiển người máy bằng phương pháp sử dụng lý thuyết đồ thị. Nói cụ thể tức là làm cho máy tính có thể phán đoán được hình dạng lập thể của sự vật chỉ với nhận thức thị giác đơn hướng. Anh ta đang ngồi trước bàn sửa chữa mã lệnh chương trình thì nghiên cứu sinh Minobe gọi. “Này, Nakamichi, đến xem cái này này.”
Minobe đang ngồi trước chiếc máy tính cá nhân hiệu HP, mắt nhìn chăm chăm vào màn hình. Masaharu đến đứng sau lưng đàn anh, nhìn vào màn hình đen trắng, trên đó hiển thị ba hình vuông nhỏ và một hình vẽ trông giống như chiếc tàu ngầm. Anh ta nhận ra màn hình này, đó là trò chơi được bọn họ gọi là “Submarine”, cách chơi là nhanh chóng đánh chìm tàu ngầm của kẻ địch đang lặn sâu dưới đáy biển. Dựa vào mấy số liệu của ba tọa độ được đưa ra để suy đoán vị trí kẻ địch, chính là niềm vui của trò chơi này. Đương nhiên, nếu chỉ lo tấn công, sẽ bị địch phát hiện vị trí của bên mình, dẫn đến bị phản kích bằng ngư lôi. Trò chơi này do các sinh viên và nghiên cứu sinh của phòng nghiên cứu số 6 tranh thủ khoảng thời gian rảnh rỗi làm ra. Việc lập trình và nhập liệu đều tiến hành chung, có thể nói là đề tài nghiên cứu tốt nghiệp không công khai của bọn họ.
“Có gì không ổn ạ?” Masaharu hỏi.
“Cậu nhìn kỹ xem, có chút khác biệt so với Submarine của chúng ta.”
“Ồ!”
“Chẳng hạn như cách thức hiển thị tọa độ này, và cả hình dạng tàu ngầm cũng hơi khác.”
“Ơ?” Masaharu quan sát kỹ những phần đó “Đúng rồi.”
“Kỳ lạ lắm phải không?”
“Vâng ạ, có người sửa chương trình ạ?”
“Nhưng, không phải vậy.”
Minobe khởi động lại máy tính, ấn nút chiếc máy cát xét đặt bên cạnh, lấy cuộn băng bên trong ra. Chiếc máy cát xét này không phải loại dùng để nghe nhạc, mà là thiết bị lưu trữ bên ngoài của máy tính cá nhân. Mặc dù hãng IBM đã công bố phương thức lưu trữ sử dụng đĩa từ, nhưng thiết bị lưu trữ bên ngoài của máy tính cá nhân đa số vẫn là băng cát xét.
“Tôi bỏ cái này vào, khởi động xong liền hiện lên như vừa rồi.” Minobe đưa băng cát xét cho Masaharu. Nhãn trên cuộn băng chỉ đề “Marine Crash”, là kiểu chữ in chứ không phải viết tay.
“Marine Crash? Đây là cái gì?”
“Cậu Nagata bên phòng 3 cho tôi mượn đấy.” Minobe nói. Phòng 3 là cách nói tắt của Phòng nghiên cứu số 3.
“Sao anh ấy lại có thứ này?”
“Vì cái này.” Minobe lấy vé tháng trong túi quần bò, rút ra một tờ giấy đã gấp nhỏ, chắc là cắt từ tạp chí. Anh ta mở tờ giấy đó ra. Bán các loại trò chơi máy tính cá nhân qua đường bưu điện… một hàng chữ đập vào mắt. Bên dưới còn có tên 150 sản phẩm và giới thiệu đơn giản về trò chơi, cùng với bảng giá. Sản phẩm tổng cộng có ba mươi loại, giá rẻ thì khoảng hơn một nghìn yên, đắt thì chừng hơn năm nghìn yên. Marine Crash nằm ở khoảng giữa của bảng giá, nhưng kiểu chữ đậm hơn các trò khác, còn phụ chú thêm “Mức độ hấp dẫn * * * * ”. Ngoài ra, còn có ba trò chơi khác cũng dùng kiểu chữ đậm, nhưng chỉ có trò này được đánh dấu bốn sao, vừa nhìn đã biết là bên bán đang ra sức giới thiệu. Bên bán là một công ty tên “Kế hoạch Vô hạn”, cái tên Masaharu chưa từng thấy cũng chưa từng nghe ai nhắc đến bao giờ.
“Đây là cái gì? Lại có cả người làm nghiệp vụ bán hàng qua bưu điện này ư?”
“Gần đây thỉnh thoảng tôi cũng thấy, nhưng không để ý, có điều Nagata bên phòng 3 nói cậu ta đã biết từ lâu rồi. Thấy nội dung của trò Marine Crash này rất giống với Submarine của chúng ta, cậu ta cũng lấy làm lạ. Sau đấy, cậu ta có người bạn đặt mua đồ ở đây, liền đi mượn xem thế nào. Kết quả như cậu đã thấy đấy, nội dung giống hệt. Cậu ta giật nẩy mình, liền chạy đến báo cho tôi.”
“Chậc…” Masaharu như người lạc giữa sương mù.
“Chuyện này là sao?”
“Submarine,” Minobe vừa nói vừa dựa lưng vào ghế, tiếng kim loại bị đè xuống kêu ken két “là tác phẩm của chúng ta sáng tạo ra. Thật ra, nói chính xác hơn, là chúng ta dựa trên cơ sở trò chơi các sinh viên học viện Kỹ thuật Massachusetts tạo ra, nhưng mà, thứ này được triển khai nhờ ý tưởng sáng tạo của chúng ta, điểm này thì không có gì để nghi ngờ nữa. Không thể tồn tại một sự ngẫu nhiên là một người hoàn toàn không liên quan, ở một nơi hoàn toàn không liên quan cũng có cùng ý tưởng sáng tạo như vậy, lại còn thực hiện một cách cụ thể ra nữa, đúng không?”
“Nói như vậy…”
“Khả năng duy nhất, chính là trong số chúng ta có người tiết lộ mã lệnh chương trình của Submarine cho cái công ty Kế hoạch Vô hạn này.”
“Không thể nào chứ?”
“Cậu nghĩ ra được khả năng khác không? Có quy định là chỉ những người làm mới có chương trình Submarine trong tay, nếu không phải trường hợp đặc biệt thì cũng không được tùy tiện cho người khác mượn.”
Masaharu im lặng trước câu hỏi của Minobe. Đúng vậy, anh ta thực sự không nghĩ ra khả năng nào khác. Sự thực đã bày ra trước mắt, trò chơi rất giống Submarine của bọn họ đang được bán thông qua đường bưu điện.
“Có cần tập hợp mọi người lại không ạ?” Masaharu đề nghị.
“Cần đấy. Sắp nghỉ trưa rồi, bảo mọi người ăn cơm xong tập trung ở đây đi. Hỏi tất cả mọi người, có thể sẽ có đầu mối. Đương nhiên, với điều kiện là người đó không nói dối.” Minobe nhếch mép, dùng đầu ngón tay đẩy gọng kính vàng.
“Em thực khó lòng tưởng tượng nổi có người nào lại phản bội mọi người, đem thứ đó bán cho người ngoài.”
“Nakamichi, cậu tin mọi người thì tùy cậu thôi nhưng rõ ràng có người đã phản bội.”
“Cũng chưa chắc đã là cố tình đúng không?”
Nghe Masaharu nói vậy, Minobe nhướng mày lên. “Cậu nói thế là có ý gì?”
“Cũng có thể người đó đã bị trộm mất mã lệnh chương trình mà không hay biết.”
“Ý cậu là, thủ phạm không phải thành viên, mà là người quen của các thành viên sao?”
“Đúng.” Mặc dù không thích cách nói “thủ phạm” này nhưng Masaharu vẫn gật đầu.
“Dù thế nào, cũng cần phải hỏi tất cả mọi người trong nhóm.” Nói đoạn, Minobe khoanh hai tay trước ngực.
Tổng cộng có sáu người, bao gồm cả Minobe, tham gia nghiên cứu làm ra Submarine. Trong giờ nghỉ trưa, tất cả đều tập trung tại phòng nghiên cứu số 6. Minobe thuật lại toàn bộ sự việc nhưng tất cả đều khăng khăng nói mình hoàn toàn không hay biết.
“Thứ nhất, nếu làm chuyện đó, chắc chắn sẽ có lúc lòi đuôi ra. Làm gì có người nào ngu đến mức không nghĩ đến vấn đề này chứ.” Một sinh viên năm thứ tư nói với Minobe.
Một người khác lại nói “Nếu đã muốn bán, đương nhiên phải thương lượng với mọi người xong rồi chúng ta tự bán chứ, như vậy đảm bảo kiếm được nhiều tiền hơn.”
“Có ai từng đem mã lệnh chương trình cho người khác mượn không?” Minobe đưa ra câu hỏi.
Có ba sinh viên trả lời, từng cho bạn mượn chơi, nhưng đều là khi bọn họ có mặt tại đấy, ai nấy đều đảm bảo bạn mình không có thời gian sao chép lại mã lệnh.
“Nói như vậy, chắc là có người tự tiện mang mã lệnh chương trình ra ngoài rồi.” Minobe nói rồi yêu cầu mỗi người phải trình bày rõ cách quản lý băng cát xét ghi lại mã lệnh chương trình. Nhưng, không ai nói là đã đánh mất cả.
“Mọi người thử nghĩ lại xem. Nếu không phải chúng ta, thì tức là bên cạnh chúng ta có người tự tiện đem Submarine đi bán cho người khác, mà người bỏ tiền ra mua ấy, lại công nhiên mang đi chào bán khắp nơi.” Minobe đau khổ nói rồi lần lượt đưa mắt nhìn chằm chằm từng người trong bọn.
Sau khi giải tán, Masaharu trở về chỗ ngồi, lục lọi ký ức xác nhận thêm lần nữa. Kết luận cuối cùng là ít nhất thì cuộn băng cát xét của anh ta không có khả năng bị người khác lấy trộm. Bình thường, anh ta đều cất băng cát xét lưu trữ các số liệu khác và băng chứa Submarine trong ngăn kéo bàn học ở nhà. Nhũng lúc mang ra ngoài cũng luôn cầm trên tay không rời ra phút nào, thậm chí còn chưa từng để cuộn băng lại phòng nghiên cứu. Nói cách khác, đồ vật tuyệt đối không thể bị trộm từ chỗ anh ta được. Dù vậy, nhưng chuyện này đã khiến anh ta có một cảm tưởng hoàn toàn khác. Anh ta không thể ngờ được chương trình họ tạo ra với mục đích tiêu khiển lại có thể trở thành hàng hóa. Có khi, đây sẽ là một cơ hội kinh doanh hoàn toàn mới mẻ…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.