Trước cửa chính siêu thị Marukaneya có một công viên nhỏ. Trong không gian nhỏ ấy không thể chơi bóng được, chỉ có mấy trò như xích đu, cầu trượt và hố cát, vừa khéo tiện cho các bà mẹ để lũ trẻ con tới đây chơi đùa trong lúc mình mua đồ. Công viên này cũng là nơi các bà nội trợ tán chuyện gia đình, trao đổi thông tin. Họ có thể gửi con cho những người quen còn mình thì vào siêu thị. Khá nhiều bà nội trợ đến Marukaneya mua đồ cũng chính vì sự tiện lợi này. Khoảng sáu giờ ruỡi chiều hôm Kirihara Yosuke bị hại, Kinoshita Yumie ở gần đấy tình cờ gặp Nishimoto Fumiyo ở siêu thị. Fumiyo dường như đã mua xong đồ đang định đi thanh toán. Còn Kinoshita Yumie thì vừa vào siêu thị, giỏ đồ vẫn rỗng không. Bọn họ trò chuyện với nhau vài ba câu rồi chào tạm biệt. Lúc Kinoshita Yumie mua xong đồ, ra khỏi siêu thị đã là hơn bảy giờ. Cô leo lên chiếc xe đạp dựng cạnh công viên, định đi về nhà, thì trông thấy Fumiyo đang ngồi trên xích du. Fumiyo dường như nghĩ ngợi gì đó, thẫn thờ đung đưa chiếc đu tới lui. Khi cảnh sát muốn cô xác nhận xem người cô trông thấy có đúng là Nishimoto Fumiyo hay không, Kinoshita Yumie khẳng định chắc chắn mình không nhìn lầm. Tựa như để chứng minh cho lời khai của cô, cảnh sát lại tìm được một người khác cũng trông thấy Fumiyo ngồi trên xích đu. Đó là ông chủ sạp hàng bán bạch tuộc viên nướng trước cửa siêu thị. Gần tám giờ, lúc siêu thị sắp đóng cửa, ông ta đã rất ngạc nhiên khi thấy một phụ nữ đang ngồi trên cái xích đu gần đó. Người phụ nữ theo miêu tả của ông, có lẽ chính là Fumiyo. Đồng thời, cảnh sát cũng nhận được thông tin mới về hành tung của Kirihara Yosuke. Khoảng sáu giờ chiều ngày thứ Sáu, ông chủ cửa hàng thuốc nhìn thấy Kirihara một mình đi trên đường. Chủ cửa hàng thuốc nói, ông ta vốn định gọi Kirihara, nhưng thấy ông ấy dường như đang vội nên lại thôi. Nơi ông ta trông thấy Kirihara, vừa khéo ở giữa khu nhà Yoshida và hiện trường phát hiện ra xác chết. Ước đoán thời gian tử vong của Kirihara là từ năm giờ đến tám giờ, nên nếu Fumiyo đứng lên khỏi xích đu bèn lập tức chạy đến hiện trường giết người, thì cũng không phải không có khả năng. Nhưng, đa số các nhân viên điều tra đều cho rằng khả năng đó rất thấp. Vốn dĩ, việc kéo dài thời gian tử vong ước lượng đến tám giờ đã hơi có chút khiên cưỡng rồi. Phương pháp suy đoán thời gian tử vong dựa vào thức ăn chưa tiêu hóa hết trong dạ dày vốn cực kỳ chính xác, có lúc thậm chí còn chuẩn đến tận từng phút. Vậy nên, khả năng cao là thời gian tử vong rơi vào khoảng từ sáu giờ đến bảy giờ. Ngoài ra còn một căn cứ nữa để suy đoán thời gian gây án muộn nhất cũng không quá bảy giờ rưỡi, chính là tình trạng ở hiện trường. Căn phòng phát hiện ra xác chết không có thiết bị chiếu sáng, ban ngày còn đỡ, nhưng đến tối, bên trong sẽ tối om như mực. Tuy nhiên, trong thời gian tòa nhà đối diện còn bật đèn, ánh sáng từ đó sẽ hắt nhẹ vào phòng, đủ sáng để sau khi mắt nhìn quen có thể nhận ra mặt mũi đối phương. Tòa nhà đối diện sau bảy rưỡi sẽ tắt đèn. Nếu trước đó Fumiyo đã chuẩn bị sẵn đèn pin, thì cũng vẫn có khả năng gây án. Có điều, nghĩ đến tâm lý của Kirihara, trong tình trạng ấy, khó mà tưởng tượng được ông ta lại không hề có chút cảnh giác nào. Tuy cho rằng Fumiyo rất đáng nghi, nhưng cũng buộc phải thừa nhận, khả năng cô ta gây án là rất thấp.
Trong lúc nghi ngờ về Nishimoto Fumiyo giảm dần, những điều tra viên khác lại có được thông tin mới liên quan tới tiệm cầm đồ Kirihara. Tiến hành điều tra các khách hàng gần nhất theo danh sách của Matsuura cung cấp, họ phát hiện trong buổi chiều Kirihara Yosuke gặp nạn, có người đã đến tiệm cầm đồ Kirihara. Đó là một phụ nữ, sống ở Tatsumi, cách Oe mấy cây số về phía Nam. Người phụ nữ trung niên này sống một mình, kể từ sau khi chồng bà ta mắc bệnh qua đời năm kia, bà ta thường xuyên ghé đến tiệm cầm đồ Kirihara. Sở dĩ bà ta chọn tiệm Kirihara cách nhà mình một quãng khá xa, là vì không muốn bị người quen nhìn thấy ra vào tiệm cầm đồ. Chiều ngày thứ Sáu xảy ra án mạng đó, bà ta mang theo cặp đồng hồ đeo tay cùng mua với chồng hồi trước đến tiệm cầm đồ Kirihara vào khoảng năm giờ rưỡi chiều. Người phụ nữ nói, tuy tiệm cầm đồ vẫn đang làm việc, nhưng cửa lại khóa. Bà ta ấn chuông mấy lượt mà không ai trả lời. Cuối cùng, bà ta đành phải rời đi, ra chợ gần đấy mua thức ăn cho bữa tối, sau đó trên đường về nhà mới ghé qua lần nữa. Bấy giờ khoảng sáu giờ rưỡi, nhưng cửa vẫn khóa. Bà ta không ấn chuông mà về nhà ba ngày sau, đem cầm cặp đồng hồ ở một tiệm khác. Bà ta không đọc báo, mãi đến khi có nhân viên điều tra đến hỏi, mới biết chuyện Kirihara Yosuke bị giết. Những thông tin này đương nhiên khiến tổ chuyên án chuyển hướng nghi ngờ sang Kirihara Yaeko và Matsuura Isamu. Bọn họ từng khai rằng hôm ấy cửa tiệm mở đến bảy giờ tối.
Vậy là, Sasagaki, Koga và hai viên cảnh sát nữa lại đến tiệm cầm đồ Kirihara.
Matsuura đang trông tiệm trợn tròn hai mắt “Xin hỏi rốt cuộc có chuyện gì vậy?”
“Bà chủ của anh có nhà không thế?” Sasagaki hỏi.
“Có.”
“Phiền anh gọi bà ấy được không?”
Matsuura lộ vẻ kinh ngạc, kéo cánh cửa phía sau ra một chút “Cảnh sát đến.”
Bên trong vẳng ra tiếng động, cửa mở rộng hơn, Yaeko mặc áo len màu trắng và quần bò bước ra. Chị ta chau mày nhìn mấy cảnh sát. “Có chuyện gì vậy?”
“Có thể xin chị một chút thời gian không ạ? Chúng tôi có chuyện muốn hỏi.” Sasagaki nói.
“Được thôi… có chuyện gì vậy?”
“Bọn tôi muốn mời chị đi một lát.” Một viên cảnh sát đi cùng lên tiếng “Ra quán cà phê đằng kia, không tốn nhiều thời gian đâu.”
Yaeko thoáng lộ vẻ khó chịu, nhưng vẫn trả lời “Được ạ”, sau đó đi dép xăng đan. Sasagaki trông thấy rõ chị ta lo lắng liếc nhìn Matsuura. Để Sasagaki và Koga ở lại, hai viên cảnh sát dẫn Yaeko đi. Họ vừa ra khỏi cửa, Sasagaki liền lại gần quầy “Tôi cũng có chuyện muốn hỏi anh Matsuura một chút.”
“Chuyện gì vậy ạ?” Matsuura tuy vẫn nở nụ cười thân thiện, nhưng rõ ràng đã có phòng bị.
“Chuyện hôm xảy ra án mạng. Sau khi điều tra, chúng tôi phát hiện, có một số sự việc mâu thuẫn với lời khai của anh.” Sasagaki cố ý nói thật chậm.
“Mâu thuẫn?” Nụ cười của Matsuura như cứng lại. Sasagaki thuật lại lời khai của người phụ nữ sống ở Tatsumi, Matsuura chăm chú lắng nghe, nụ cười trên mặt hoàn toàn biến mất.
“Thế là thế nào? Anh nói tiệm mở đến bảy giờ, nhưng có người nói trong khoảng từ năm giờ rưỡi đến sáu giờ rưỡi, cửa tiệm lại khóa chặt. Nói thế nào thì việc này cũng rất kỳ lạ, không phải vậy sao?” Sasagaki nhìn thẳng vào mặt Matsuura.
Matsuura tránh ánh mắt của Sasagaki, nhìn lên trần nhà. “Ừm, lúc đó…” Matsuura khoanh hai tay trước ngực ậm ừ nói vậy rồi vỗ tay đánh “bốp” “phải rồi! Đúng là lúc đó! Tôi nhớ ra rồi. Tôi đang ở trong kho.”
“Kho?”
“Kho bảo hiểm ở bên trong. Tôi nhớ là có nói với ông rồi, chúng tôi để những đồ giá trị mà khách gửi lại trong đó. Đợi các ông xem rồi biết ngay, đó là một nhà kho kiên cố có khóa. Tôi muốn xác nhận lại một số thứ, nên mới vào trong, ở trong kho nhiều khi cũng không nghe thấy tiếng chuông cửa.”
“Những lúc như thế đều không có ai trông tiệm à?”
“Bình thường thì có ông chủ, nhưng lúc đó thì chỉ có mỗi mình tôi nên mới khóa cửa lại.”
“Bà chủ và con trai thì sao?”
“Bọn họ đều ở trong phòng khách.”
“Nếu là thế, hai người họ nhất định phải nghe thấy tiếng chuông cửa chứ?”
“Ừm, việc này…” Matsuura ngập ngừng mở miệng, im lặng mấy giây rồi mới nói “Có lẽ họ ở phòng trong xem ti vi, nên không nghe thấy.”
Sasagaki nhìn gương mặt có xương gò má nhô cao của Matsuura, rồi bảo Koga “Cậu ấn chuông thử xem.”
“Vâng.” Koga đáp và đi ra cửa. Tiếng chuông cửa lập tức vang lên trên đỉnh đầu, âm thanh có thể nói là “hơi chói tai”.
“Âm thanh cũng lớn lắm mà.” Sasagaki nói “Tôi nghĩ, dù xem ti vi chăm chú đến mấy, cũng không thể nào không nghe thấy được.”
Matsuura nhăn mặt, nhưng vẫn rặn ra một nụ cười gượng gạo “Bà chủ xưa nay không để ý đến chuyện cửa tiệm. Khách đến, có khi bà ấy còn chẳng chào hỏi tử tế, Ryoji cũng chưa bao giờ trông tiệm. Có lẽ họ cũng nghe thấy tiếng chuông, nhưng cứ để mặc đó.”
“Ừm, cứ để mặc à?”
Cả người phụ nữ tên Yaeko hay cậu bé tên Ryoji, đích thực đều không giống mẫu người chịu giúp đỡ chuyện kinh doanh trong tiệm cầm đồ.
“Xin hỏi, có phải các ông đang nghi ngờ tôi không? Hình như các ông đang có ý ám chỉ tôi đã giết ông chủ.”
“Không có, không có.” Sasagaki xua tay “Chỉ là một khi phát hiện có mâu thuẫn, thì dù chuyện nhỏ bằng hạt vừng cũng phải điều tra rõ ràng, đây là yêu cầu cơ bản để phá án. Nếu các vị hiểu được điểm này, thì chúng tôi dễ làm việc lắm.”
“Vậy ạ? Dù sao, cảnh sát các vị có nghi ngờ gì thì tôi cũng chẳng sợ.” Matsuura để lộ hàm răng hơi ngả vàng, nói móc.
“Cũng không hẳn là nghi ngờ, có điều, tốt nhất vẫn phải có chứng cứ rõ ràng để chứng minh. Vậy là, trong khoảng từ sáu giờ đến bảy giờ, có gì chứng thực anh luôn ở trong tiệm hay không?”
“Sáu giờ đến bảy giờ… bà chủ và Ryoji đều có thể làm nhân chứng, như vậy không được ạ?”
“Nhân chứng, tốt nhất là những người hoàn toàn không liên quan đến sự việc này.”
“Nói như vậy, có khác nào bảo chúng tôi là đồng phạm!” Matsuura giận dữ trừng mắt lên.
“Cảnh sát cần phải nghĩ đến tất cả mọi khả năng có thể xảy ra.” Sasagaki điềm đạm trả lòi.
“Thật nực cười! Giết ông chủ đối với tôi có lợi gì chứ? Ông ấy tuy ở bên ngoài thì vung tiền như nước, nhưng thực chất có tài sản gì đâu.”
Sasagaki không trả lời, chỉ mỉm cười thầm nhủ, khiến cho tay Matsuura nhất thời tức giận lộ ra thêm chút thông tin cũng không phải là tệ. Nhưng Matsuura không nói gì thêm nữa.
“Sáu giờ đến bảy giờ? Nếu nghe điện thoại thì có tính không?”
“Điện thoại? Với ai?”
“Người ở nghiệp đoàn, thảo luận việc tụ họp tháng sau.”
“Là anh gọi điện đi à?”
“Ừm, không, là bọn họ gọi tới.”
“Khoảng mấy giờ vậy?”
“Lần đầu tiên là khoảng sáu giờ, khoảng ba mươi phút sau thì gọi lại lần nữa.”
“Gọi hai lần à?”
“Vâng.”
Sasagaki sắp xếp lại trục thời gian trong đầu. Nếu Matsuura nói thật thì trong khoảng sáu giờ đến sáu giờ rưỡi, anh ta có chứng cứ không có mặt ở hiện trường. Ông lấy đây làm tiền đề để suy xét khả năng Matsuura có phải hung thủ hay không. Rất khó, ông đưa ra kết luận.
Sasagaki lại hỏi họ tên và cách liên hệ với người ở nghiệp đoàn gọi điện đến, Matsuura lấy tập danh thiếp ra tìm kiếm. Đúng lúc ấy, cửa cầu thang mở ra. Trong khe cửa he hé xuất hiện gương mặt cậu bé. Phát hiện ra ánh mắt của Sasagaki, Ryoji tức thì đóng cửa lại, sau đó là tiếng bước chân chạy lên cầu thang.
“Cậu bé nhà Kirihara ở nhà à?”
“À? Vâng, cậu ấy vừa tan học về.”
“Tôi có thể lên đó một chút được không?” Sasagaki chỉ tay về phía cầu thang.
“Lên tầng hai?”
“Vâng.”
“Chuyện này… tôi nghĩ là không có vấn đề gì đâu.”
Sasagaki dặn dò Koga “Cậu ghi lại địa chỉ liên hệ của người ở nghiệp đoàn, rồi nhờ anh Matsuura dẫn vào xem kho bảo hiểm.” Đoạn ông bắt đầu tháo giày.
Ông mở cửa, nhìn lên cầu thang, chỉ thấy tối tăm u ám, đầy mùi vôi ve, bề mặt cầu thang gỗ trải qua nhiều năm đã bị bít tất mài cho đen bóng. Sasagaki vịn tay vào tường, cẩn thận đi lên. Đến cuối cầu thang, có hai gian phòng đối diện nhau, cách một hành lang nhỏ hẹp, một bên là cửa kéo kiểu Nhật, một bên là cửa có ô kính vuông. Cuối hành lang cũng có một cánh cửa, nhưng có lẽ nếu không phải kho chứa đồ thì cũng là nhà vệ sinh.
“Ryoji, bác là cảnh sát, có thể hỏi cháu vài câu được không?” Sasagaki đứng ngoài hành lang cất tiếng hỏi.
Đợi một lúc mà không có tiếng trả lời. Đúng lúc Sasagaki hít một hơi, định hỏi lại lần nữa, thì nghe tiếng “cạch” sau cánh cửa kéo kiểu Nhật. Sasagaki kéo cửa ra. Ryoji đang ngồi trước bàn học nên chỉ nhìn thấy lưng cậu bé.
“Có thể làm phiền cháu một chút không?” Sasagaki bước vào phòng. Đây là một gian phòng kiểu Nhật rộng chừng mười mét vuông, có lẽ cửa sổ hướng về phía Tây Nam, ánh mặt trời tràn trề ùa vào qua cửa sổ.
“Cháu chẳng biết gì cả.” Ryoji vẫn xoay lưng lại với ông.
“Không sao, chuyện gì không biết thì cứ nói là không biết, bác chỉ tham khảo thôi. Bác ngồi đây được không?” Sasagaki chỉ vào cái nệm ngồi trên chiếu tatami.
Ryoji ngoảnh đầu lại nhìn một cái, rồi trả lời “Mời bác ngồi.”
Sasagaki ngồi xếp bằng, ngẩng đầu nhìn cậu bé ngồi trên ghế. “Chuyện bố cháu… bác rất tiếc.”
Ryoji không trả lời, vẫn quay lưng lại với Sasagaki. Sasagaki đảo mắt quan sát căn phòng. Phòng ốc được dọn dẹp tương đối sạch sẽ. Đối với phòng của một học sinh cấp một, thậm chí còn khiến người ta có cảm giác hơi giản dị. Trong phòng không dán poster của Yamaguchi Momoe hoặc Sakurada Junko, cũng không trang trí tranh ảnh xe đua siêu cấp. Trên giá sách không có truyện tranh, chỉ có các sách phổ cập kiến thức khoa học cho nhi đồng như Bách khoa toàn thư, Cấu tạo xe hơi, Cấu tạo ti vi. Thứ thu hút sự chú ý của Sasagaki là khung ảnh treo trên tường, bên trong là một con thuyền buồm cắt từ giấy trắng, đến cả dây thừng cũng được thể hiện một cách rất khéo léo. Sasagaki nhớ là mình đã từng xem nghệ nhân cắt giấy biểu diễn trong buổi liên hoan, nhưng tác phẩm này tinh xảo hơn nhiều. “Cái này đẹp thật đấy! Cháu làm à?”
Ryoji liếc nhìn khung ảnh một cái, khe khẽ gật đầu.
“Ừm!” Sasagaki thật lòng thốt lên một tiếng kinh ngạc “Cháu khéo tay quá, cái này mang đi bày bán cũng được ấy chứ.”
“Bác muốn hỏi gì cháu ạ?” Ryoji dường như không có tâm trạng nói chuyện gẫu với người đàn ông trung niên lạ mặt này.
“À, nhắc mới nhớ,” Sasagaki điều chỉnh lại tư thế ngồi “hôm ấy cháu ở nhà đúng không nhỉ?”
“Hôm nào ạ?”
“Hôm bố cháu qua đời ấy.”
“À… vâng, cháu ở nhà.”
“Từ khoảng sáu giờ đến bảy giờ, cháu làm gì?”
“Sáu giờ đến bảy giờ?”
“Ừ, không nhớ nữa hả?”
Cậu bé nghiêng nghiêng đầu, sau đó trả lời “Cháu ở dưới nhà xem ti vi.”
“Một mình cháu xem à?”
“Xem với mẹ cháu.”
“À.” Sasagaki gật gật đầu. Giọng cậu bé vẫn không có vẻ gì là sợ hãi.
“Bác xin lỗi, nhưng cháu có thể nhìn bác nói chuyện được không?”
Ryoji thở ra một hơi, chầm chậm xoay ghế lại. Sasagaki nghĩ, ánh mắt cậu bé hẳn phải đầy sự phản kháng. Thế nhưng, trong ánh mắt cúi nhìn người cảnh sát của cậu lại không hề có vẻ ý. Ánh mắt cậu thậm chí còn có thể nói là “trống rỗng”, giống như một nhà khoa học đang tiến hành quan sát mẫu vật của mình vậy. Sasagaki thầm nghĩ, cậu bé đang quan sát mình sao?
“Cháu xem đến mấy giờ?”
“Khoảng bảy giờ rưỡi.”
“Sau đó thì sao?”
“Ăn cơm tối với mẹ cháu ạ.”
“Thế à. Bố cháu không về, hai mẹ con hẳn phải lo lắng lắm nhỉ.”
“Ừm…” Ryoji khe khẽ trả lời, sau đó lại thở dài một tiếng nhìn ra cửa sổ. Bị ảnh hưởng từ cậu bé, Sasagaki cũng đưa mắt nhìn theo, bầu trời hoàng hôn đỏ rực.
“Bác làm mất thời gian của cháu rồi. Học hành chăm chỉ nhé.” Sasagaki đứng dậy, vỗ vỗ lên vai cậu bé.
Sasagaki và Koga trở lại tổ chuyên án, đối chiếu lại lời khai với hai viên cảnh sát hỏi Yaeko, không phát hiện ra mâu thuẫn gì lớn giữa lời kể của Matsuura và Yaeko cả. Giống như Matsuura, Yaeko cũng nói lúc người phụ nữ kia đến, chị ta đang xem ti vi với Ryoji ở phòng trong. Chị ta nói, có lẽ nghe thấy tiếng chuông cửa, nhưng không nhớ lắm, tiếp khách không phải việc của chị ta, nên cũng không để tâm. Yaeko còn bảo, chị ta không biết lúc mình đang xem ti vi thì Matsuura làm gì. Ngoài ra nội dung chương trình ti vi mà Yaeko kể lại đại để cũng tương đồng với Ryoji. Nếu chỉ có Yaeko và Matsuura, muốn thông đồng lời khai từ trước không phải việc khó. Nhưng cả Ryoji con trai nạn nhân cũng có mặt, thì lại là chuyện khác. Có lẽ bọn họ nói thật… Bầu không khí trong tổ chuyên án mỗi lúc một nặng nề.
Sự việc này nhanh chóng được xác minh. Cú điện thoại mà Matsuura nói đúng là được gọi đến vào khoảng sáu giờ và sáu giờ rưỡi ngày hôm đó. Cán sự nghiệp đoàn cầm đồ gọi điện tới đã chứng thực người nói chuyện với anh ta chính là Matsuura. Cuộc điều tra lại trở về điểm xuất phát. Cảnh sát tiếp tục thẩm vấn các khách hàng quen của tiệm cầm đồ Kirihara. Thời gian cứ trôi đi. Ở giải bóng chày chuyên nghiệp, đội Yomiuri Giants giành chức vô địch Central Leage lần thứ chín liên tiếp. Esaki Reona phát hiện ra hiệu ứng đường hầm lượng tử của chất bán dẫn giành được giải Nobel Vật lý. Đồng thời, bị ảnh hưởng từ chiến tranh Trung Đông, giá dầu ở Nhật Bản ngày một tăng cao. Bầu không khí trước cơn bão tố bao trùm cả nước Nhật.
Khi tổ chuyên án bắt đầu nôn nóng, thì chợt nhận được một manh mối mới. Manh mối này do viên cảnh sát phụ trách điều tra Nishimoto Fumiyo tìm ra.