Tiết học môn Công trình điện cao áp thật buồn ngủ. Theo tin hành lang trong đám sinh viên, môn này chẳng những không điểm danh, mà lúc thi cũng dễ quay cóp nên phòng học có thể chứa hơn năm mươi người chỉ có khoảng hơn chục sinh viên. Tomohiko ngồi ở hàng thứ hai, cố nén cơn buồn ngủ thi thoảng lại làm người ta mất ý thức, chép lại vào vở những nguyên lý phóng điện hồ điện, phóng điện phát sáng mà vị giáo sư tóc bạc đang chậm rãi giảng giải. Vì nếu không cử động tay, anh ta có thể gục xuống bàn ngủ thiếp đi bất cứ lúc nào.
Ở trường, Sonomura Tomohiko là một sinh viên chăm chỉ, chí ít, sinh viên bộ môn Điện cơ khoa Kỹ thuật trường đại học Shinwa đều nghĩ như thế. Sự thật là, phàm môn nào anh ta chọn học thì nhất định sẽ tới. Anh ta chỉ trốn tiết những môn học chung không liên quan đến điện cơ như Pháp luật, Nghệ thuật hay Tâm lý học đám đông… Tomohiko mới học năm thứ hai, thời khóa biểu có rất nhiều môn bắt buộc đại loại thế. Tomohiko chăm lên giảng đường nghe giảng các môn chuyên ngành này chỉ vì một nguyên nhân… Kirihara Ryoji yêu cầu, lý do là vì công việc làm ăn.
Việc Tomohiko chọn học khoa Điện cơ cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ của Kirihara. Hồi cấp III, kết quả môn Toán và Lý của anh ta rất tốt nên nghĩ sẽ học khoa Kỹ thuật hoặc khoa Lý. Đương lúc anh ta còn phân vân chưa quyết định được bộ môn thì Kirihara nói với anh ta.
“Từ giờ sẽ là thời đại của máy tính. Nếu cậu học được kiến thức về phương diện này, có thể giúp được cho tớ.”
Hồi đó, Kirihara tiếp tục bán trò chơi máy tính qua bưu điện, kiếm được rất khá, Tomohiko cũng giúp anh ta mở rộng thêm các chương trình. Kirihara nói “giúp”, chắc là việc phát triển công việc kinh doanh của riêng mình. Đáp lại, Tomohiko từng hỏi Kirihara, nếu nói vậy, sao cậu không tự đi học. Vì kết quả hai môn Toán và Lý của Kirihara cũng không hề thua kém anh ta chút nào.
Nhưng lúc đó, Kirihara lại nở một nụ cười méo mó. “Nếu có tiền đi học đại học, tớ còn phải buôn bán kiểu này hay sao?”
Tomohiko khi ấy mới biết lý do Kirihara không định tiếp tục học lên nữa. Đồng thời anh ta cũng hạ quyết tâm học bằng được kiến thức về điện tử và máy tính. Anh ta nghĩ quyết định tương lai dựa trên mục đích vì người khác sẽ có ý nghĩa hơn là quyết định một cách vu vơ. Huống hồ, anh ta chịu Kirihara một cái ơn buộc phải trả, cho dù tốn bao nhiêu năm đi nữa. Sự việc xảy ra vào mùa hè năm lớp mười một đó, đến nay vẫn còn để lại vết thương sâu trong lòng Tomohiko. Vì lý do ấy, Tomohiko quyết định sẽ cố gắng tham gia các buổi học chuyên ngành trong thời gian có thể. Thật ngạc nhiên là, Kirihara đọc say sưa vở ghi chép các nội dung đó. Để hiểu được chúng, anh ta còn đặt sách chuyên môn bên cạnh. Kirihara mặc dù chưa từng đến đại học Shinwa học buổi nào, nhưng rõ ràng là người hiểu nội dung bài học nhất. Gần đây, một Kirihara như thế lại có hứng thú với một thứ. Đó chính là các loại thẻ từ như thẻ rút tiền, thẻ ghi nợ…
Lần đầu tiên họ ra tay là khi Tomohiko mới vào đại học không lâu. Ở trường, anh ta đã thấy một loại thiết bị có thể đọc và viết lại những dữ liệu được nhập vào băng từ, gọi là máy mã hóa. Nghe Tomohiko nhắc đến máy mã hóa, Kirihara lập tức sáng mắt lên, nói “Dùng thứ đó, có khi có thể làm giả thẻ tín dụng ấy chứ.”
“Có lẽ là được.” Tomohiko trả lời “nhưng làm xong cũng chẳng có ý nghĩa gì. Lúc sử dụng thẻ ghi nợ, còn cần mật khẩu nữa, vì vậy dù mất thẻ cũng không cần lo lắng, không phải thế à?”
“Mật khẩu à…” Kirihara im lặng, dường như đang nghĩ gì đó.
Khoảng hai ba tuần sau đó, Kirihara mang một hộp giấy to cỡ cái máy cát xét vào phòng chế tác chương trình phần mềm cho máy tính cá nhân. Trong hộp chính là máy mã hóa, có chỗ cắm thẻ từ vào, cũng có cả màn hình hiển thị thông tin trên thẻ.
“Cũng chỉ có cậu mới kiếm được thứ này thôi.” Nghe Tomohiko nói vậy, Kirihara chỉ khẽ nhún vai, cười cười.
Sau khi có được chiếc máy mã hóa cũ ấy không lâu Kirihara làm giả một tấm thẻ rút tiền. Tomohiko không biết người sở hữu thẻ gốc là ai, vì tấm thẻ ấy chỉ ở trong tay Kirahara có mấy tiếng đồng hồ. Kirihara hình như đã dùng tấm thẻ giả đó hai lần, rút khoảng hơn hai trăm nghìn yên. Đáng kinh ngạc nhất là anh ta đọc được mật khẩu dựa vào các số liệu ghi trên băng từ. Nhưng, trong chuyện này cũng có nguyên lý của nó. Sự thật là, trước khi có được máy mã hóa, hình như Kirihara đã thành công trong việc đọc khuôn thức của thẻ từ.
Nhưng không có máy móc đặc thù, làm sao đọc được? Kirihara từng biểu diễn cho Tomohiko xem một lần, đúng là khiến người ta phải ngã dập mặt vì ngạc nhiên. Anh ta chuẩn bị những hạt bột từ tính nhỏ li ti, rải trên băng từ của tấm thẻ. Chỉ thoáng sau, Tomohiko “A.” lên một tiếng…
Trên dải băng từ xuất hiện những đường vân mỏng mảnh.
“Thực ra rất giống tín hiệu Morse,” Kirihara nói “tớ thực hiện thao tác này trên tấm thẻ đã biết trước mật khẩu là có thể hiểu được ý nghĩa của khuôn thức. Tiếp sau đó dò ngược lại, cho dù không biết mật khẩu, chỉ cần làm cho mô thức hiện ra, là biết được thôi.”
“Vậy thì chỉ cần rắc bột từ tính lên những thẻ rút tiền nhặt được hoặc trộm được là…”
“Là có thể dùng được rồi.”
“Thật đúng là…” Tomohiko không nghĩ ra phải nói gì nữa.
Có lẽ bộ dạng của anh ta rất tức cười, nên hiếm hoi lắm, Kirihara mới nở một nụ cười vui vẻ tự đáy lòng.
“Tức cười lắm phải không! Thế này thì an toàn gì nữa? Nhân viên ngân hàng dặn dò chúng ta phải cất riêng sổ tiết kiệm và con dấu, nhưng dùng cái thứ thẻ ghi nợ này, cũng coi như để két bảo hiểm với chìa khóa cạnh nhau rồi còn gì.”
“Bọn họ thật sự cho rằng như vậy sẽ không xảy ra vấn đề gì à?”
“Chắc một số người liên quan cũng biết thứ này khá nguy hiểm, nhưng không kịp rút tay ra nữa rồi, đành phải ngậm miệng mà âm thầm lo lắng thôi.” Kirihara lại cười thành tiếng.
Thế nhưng, Kirihara không lập tức ứng dụng kỹ thuật bí mật này. Ngoài nguyên nhân bận rộn với công việc chính là chế tác chương trình phần mềm cho máy tính cá nhân, thì quan trọng hơn là không thể dễ dàng lấy được thẻ của người khác. Vì thế, sau khi có được chiếc máy mã hóa kia, anh ta chỉ dùng để phục chế lại mấy tấm thẻ không rõ lai lịch. Khoảng thời gian sau đó, Kirihara không nhắc đến chuyện thẻ ngân hàng nữa.
Vậy mà, đến năm nay, Kirihara lại nói điều này:
“Nghĩ kỹ lại, có lẽ không cần lấy được thẻ ghi nợ của người khác.” Lúc đó, bọn họ đang ở trong văn phòng chật chội, ngồi đối diện cách nhau một chiếc bàn ăn cũ kỹ uống cà phê tan.
“Thế nghĩa là sao?” Tomohiko hỏi.
“Nói một cách đơn giản, cái ta cần là số tài khoản đang sử dụng, chứ không phải mật khẩu. Nghĩ thử xem, điều này là lẽ dĩ nhiên rồi.”
“Tớ không hiểu.”
“Nghĩa là,” Kirihara dựa lưng vào ghế, gác hai chân lên mặt bàn ăn, rồi cầm một tấm danh thiếp lên “giả sử đây là thẻ, nhét nó vào trong máy rút tiền, cái máy sẽ đọc ra các số liệu ghi trên dải từ, trong đó có một trường số liệu là số tài khoản và mật khẩu. Đương nhiên, cái máy không biết người đút thẻ vào có phải chính là chủ thẻ hay không. Để xác định được điểm này, phải yêu cầu người ta nhập mật khẩu. Chỉ cần có người nhập vào các số giống như các số được ghi trên dải từ kia, cái máy sẽ không nghi ngờ mà nhả tiền ra theo yêu cầu. Cậu nghĩ xem, nếu cầm một tấm thẻ trắng, trên dải từ không có số liệu gì, chép vào đó các số liệu cần thiết như số tài khoản… cuối cùng nhập bừa một mật khẩu vào nữa, thì sẽ có kết quả thế nào?”
“Hả?”
“Tấm thẻ làm kiểu đó đương nhiên nội dung không giống như thẻ thật, vì mật khẩu không giống. Nhưng mà, cái máy không có khả năng đánh giá điều đó. Máy chỉ xác nhận con số ghi trên dải từ và con số người rút tiền nhập vào có giống nhau hay không.”
“Vậy nếu biết được số tài khoản thật…”
“Muốn làm bao nhiêu tấm thẻ giả cũng không thành vấn đề. Là giả nhưng lại có thể rút tiền thật.” Kirihara nhếch môi lên.
Tomohiko sởn hết da gà. Vì anh ta hiểu, những lời Kirihara nói chắc chắn không phải vô căn cứ.
Sau đó, hai người bắt đầu làm giả thẻ ngân hàng. Đầu tiên, bọn họ phân tích lại các mã ẩn ghi trên tấm thẻ, tìm ra quy tắc sắp xếp bên trong, lần lượt là ký hiệu ban đầu, mã người dùng, mã chứng thực, mật khẩu và mã ngân hàng. Tiếp đó, họ nhặt về rất nhiều các biên lai hóa đơn vứt trong thùng rác ngân hàng, dựa theo quy tắc đã tìm được, chuyển số tài khoản và mật khẩu tự đặt sang số hệ thập lục phân và chữ số La Mã. Tiếp sau nữa, dùng máy mã hóa nhập một loạt các số liệu và mã số vào dải từ, dán lên thẻ nhựa, là hoàn thành. Tấm thẻ trắng mà Tomohiko rút được tiền mặt thành công lúc nãy, chính là sản phẩm đầu tay của bọn họ. Họ chọn ra số tài khoản có số dư lớn nhất trong số những biên lai nhặt về. Ý kiến của Kirihara là như vậy sẽ khó bị phát hiện, Tomohiko cũng đồng tình.
Đây rõ ràng là hành vi phạm pháp, nhưng Tomohiko lại không hề có cảm giác tội lỗi. Một trong các nguyên nhân có lẽ vì quá trình làm thẻ giả quả thực quá giống chơi trò chơi điện tử. Hoặc cũng có thể do hoàn toàn không nhìn thấy đối tượng mình lấy cắp. Thế nhưng, lý do lớn hơn cả là trong đầu anh ta lúc nào cũng khắc ghi câu nói cửa miệng của Kirihara.
“Nhặt đồ người khác đánh rơi không trả, và lấy thứ người ta để lung tung tùy tiện chẳng khác gì nhau hết. Có lỗi là những kẻ để túi đựng tiền bừa bãi kìa. Trong cái xã hội này, kẻ nào để cho người khác có cơ hội lợi dụng, kẻ đó phải chịu thiệt.”
Mỗi lần nghe thấy những lời đó, Tomohiko vừa sợ hãi, vừa thấy một thứ khoái cảm làm toàn thân run rẩy.