Thuyền trưởng và phó thuyền trưởng trở lên boong tàu, vừa bách bộ bên nhau vừa trò chuyện. Dĩ nhiên, họ đang bàn tán về người khách của họ, và đây là gần đủ câu chuyện theo gió tản đi trong bóng tối.
Boisberthelot lẩm bẩm bên tai La Vieuville:
— Để xem có đáng mặt thủ lĩnh không?
La Vieuville trả lời:
— Đó là một bậc vương hầu.
— Gần như thế.
— Dòng quý tộc ở nước Pháp, nhưng là bậc vương hầu xứ Bretagne.
— Như các dòng họ La Trémoille và Rohan.
— Mà ông ta cũng có thân gia với phía ấy.
Boisberthelot nói tiếp:
— Ở trong nước hồi còn đi xe ngựa của nhà vua thì lão ta mang tước hầu cũng như tôi mang tước bá và ngài là kỵ sĩ.
— Còn lâu mới có xe ngựa! – La Vieuville nói – Bây giờ chúng ta đi xe rác cả thôi!
Im lặng một lát.
Boisberthelot lại tiếp:
— Không có ông hoàng Pháp thì người ta kiếm một ông hoàng xứ Bretagne vậy.
— Thiếu họa mi…
— Không, thiếu phượng hoàng kiếm quạ thay.
— Tôi thích một con diều hâu hơn – Boisberthelot nói.
La Vieuville đáp lại:
— Đúng! Cần một cái mỏ và những móng nhọn.
— Để rồi xem.
— Vâng, đã đến lúc cần phải có một thủ lĩnh – La Vieuville nói tiếp – Tôi cũng đồng ý với Tinténiac: một thủ lĩnh và thuốc súng! Này ngài thuyền trưởng ạ, tôi biết gần hết những ông lãnh tụ tạm được và những ông bất thành lãnh tụ; những ông lãnh tụ hôm qua, hôm nay và cả ngày mai nữa; chẳng có anh nào xứng làm đầu não chiến tranh như chúng ta đang cần. Trong cái xứ Vendée bất trị này, cần có một vị vừa là tướng, vừa là khâm sai; phải làm cho kẻ thù mất ăn mất ngủ, phải giành giật từng cái cối xay, từng bụi cây, từng cái hố, từng hòn sỏi, phải quấy nhiễu, gây thiệt hại, lợi dụng mọi trường hợp, bao quát mọi việc, tàn sát quyết liệt, khủng bố để đe dọa, làm cho chúng mất ăn mất ngủ, không thương xót gì cả. Lúc này, trong hàng nông dân quân, anh hùng thì có mà kẻ chỉ huy lại không. D’Elbée thì thất tài, Lescure thì ốm yếu, Bonchamp lại quá độ lượng; anh ta tốt, thế là ngu. La Rochejaquelein chỉ là một thiếu úy xuất sắc; Silz là một sỹ quan quen lối đánh trận địa, không thạo lối chiến tranh dùng mưu mẹo, tùy cơ ứng biến, Cathelineau là một anh đánh xe bò khờ khạo, Stofflet là một lính tuần phòng quỷ quyệt chuyên canh gác những nơi cấm săn bắn, Bérard thì vụng về, Boulainvillers thì lố bịch, Charette thì ghê tởm. Ấy là tôi không nói đến anh thợ cạo Gaston. Bởi vì mẹ kiếp! Sinh sự với cách mạng để làm gì, và giữa bọn cộng hòa với chúng ta khác quái gì nhau, nếu chúng ta để bọn thợ cạo chỉ huy quý tộc?
— Là vì cái cách mạng chó đẻ sau này cũng đã thâm nhập vào cả bọn chúng ta rồi.
— Một thứ bệnh ghẻ của nước Pháp đấy.
— Bệnh ghẻ của đẳng cấp thứ ba đấy – Boisberthelot cãi lại – Chỉ còn nước Anh là có thể lôi chúng ra thoát cảnh đó.
— Nước Anh sẽ lôi chúng ta ra thoát, đừng nghi ngờ gì cả, ngài thuyền trưởng ạ.
— Hãy biết hiện nay tình hình chẳng ra quái gì!
— Quả vậy, đâu đâu cũng rặt một lũ bất tài; chế độ quân chủ có tổng tư lệnh Stofflet là một anh lính canh giữ vườn săn của ngài De Maulevrier thì cũng chẳng có gì đáng ganh tị với bên cộng hòa có ông bộ trưởng Pache là con trai tên gác cổng nhà quận công De Castries. Cuộc chiến tranh hiện nay ở Vendée sao mà cân đối thế: bên này có Santerre nấu rượu bia, bên kia có Gaston làm tóc giả [19]!
— Ông La Vieuville ạ, tôi có một chút ý kiến về gã Gaston ấy. Hồi hắn chỉ huy ở trận Guéménée, hắn cũng khá đấy. Hắn dùng súng hỏa mai hạ thủ rất đẹp một lúc ba trăm tên xanh sau khi bắt chúng tự đào lấy huyệt.
— Tốt lắm, nhưng tôi cũng có thể làm không kém gì hắn.
— Chắc vậy và tôi cũng thế.
— Trong chiến tranh, những việc lớn lao phải có tay của quý tộc mới làm nên – La Vieuville tiếp – Đó là công việc của kỵ sĩ chứ không phải của bọn thợ cạo.
— Tuy vậy trong đẳng cấp thứ ba cũng có những người đáng quý – Boisberthelot tiếp – Thí dụ như anh thợ đồng hồ Joly. Anh ta đóng đội ở trung đoàn Flandres. Về sau anh ta đã thành thủ lĩnh quân Vendée. Anh ta chỉ huy một toán quân dọc bờ biển, đứa con anh ta lại ở bên cộng hòa, và trong lúc bố chiến đấu cho bên trắng thì con chiến đấu cho bên xanh. Chạm trán. Đánh nhau. Bố bắt được con làm tù binh và bắn vỡ sọ con ngay tức khắc.
— Anh chàng ấy thế là tốt – La Vieuville nói.
— Một Brutus [20] bảo hoàng – Boisberthelot tiếp.
— Dẫu sao, để cho một tên Coquereau, một tên Jean-Jean, một tên Moulins, một tên Focard, một tên Bouju, một tên Chouppes chỉ huy thì cũng không chịu được.
— Ngài kỵ sĩ thân mến ơi! Bên kia, bọn chúng cũng tức bực như thế đấy. Bên ta đầy rẫy bọn thị dân; bọn chúng cũng đầy rẫy quý tộc. Ngài thử nghĩ xem đời nào bọn “cộng hòa” [21] ấy lại chịu dưới quyền chỉ huy của bá tước De Canclaux, tử tước De Miranda, tử tước De Beauharnais, bá tước De Valence, hầu tước De Custine và quận công De Biron.
— Thật là rắc rối!
— Lại còn quận công De Chartres nữa [22]!
— Con của Egalité. Ái chà, bao giờ cái của nợ ấy lên ngôi?
— Không bao giờ.
— Hắn lên ngôi đấy. Nhờ những tội ác mà lên.
— Nhưng lại do những thói hư tật xấu làm hỏng chuyện – Boisberthelot nói.
Lại im lặng một lúc, rồi Boisberthelot tiếp:
— Tuy thế, hắn vẫn định dàn hòa. Hắn đã tới yết kiến đức vua. Hồi ấy tôi cũng có mặt ở Versailles, mọi người phỉ nhổ theo.
— Từ trên cầu thang lớn nhổ xuống à?
— Vâng.
— Thế là đúng.
— Chúng tôi gọi hắn là giống Buốc-bùn [23].
— Hắn ta trán hói, đầy mụn nhọt, lại mưu sát đức vua, thật ghê tởm!
Rồi La Vieuville thêm:
— Tôi đã ở với hắn ở Ouessant.
— Trên chiến thuyền Saint-Esprit?
— Vâng.
— Lúc đó, nếu hắn tuân lệnh đô đốc D’Orvilliers bảo lựa theo chiều gió thì hắn đã chặn được bước tiến của quân Anh.
— Đúng thế.
— Có phải lúc đó hắn hoàn toàn bất lực?
— Không. Nhưng mà cũng phải nói thế.
Nói xong, La Vieuville phá ra cười.
Boisberthelot lại nói tiếp:
— Có lắm đứa ngu ngốc. Như thằng cha Boulainvilliers mà ngài vừa nói, tôi hiểu rõ hắn lắm, biết tận mắt. Mới đầu, hắn bắt bọn dân quê vũ trang bằng giáo mác; chẳng biết ai nhét vào đầu óc hắn ý định dạy cho bọn này thành lính đánh bằng giáo! Hắn định dạy chúng những miếng võ về phép đánh giáo đâm chếch và kéo rê. Hắn còn mơ ước biến bọn man rợ đó thành quân đội chính quy. Hắn định dạy chúng cách tiêu hao bốn góc của thế trận hình vuông và thành lập những tiểu đoàn rỗng bụng. Hắn nói sai bét các danh từ quân sự cũ rích: có danh từ dùng từ thời Louis XIV. Hắn khăng khăng lập một trung đoàn gồm toàn những tên đi săn trộm; hắn lập những đại đội chính quy, chiều chiều bắt các viên đội sắp hàng quay tròn lại nhận khẩu lệnh hỏi và khẩu lệnh đáp của viên đội thuộc đại đội thứ nhất của trung đoàn, viên đội này truyền cho viên đội bên cạnh, cứ thế chúng ghé tai nhau truyền khẩu lệnh đến viên đội cuối cùng. Hắn cách chức một sĩ quan vì người này không chịu đứng dậy và cất mũ đón khẩu lệnh do viên đội phát ra. Đấy ngài tính như thế mà thành sự được. Thằng cha đần độn ấy không hiểu rằng bọn dân quê thì thích dạy dỗ theo kiểu nhà quê, chẳng bao giờ có thể đem bọn người rừng biến thành lính được. Vâng, tôi đã được biết cái tên Boulainvilliers đó.
Họ đi vài bước, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng.
Rồi câu chuyện lại tiếp tục:
— À nhân thể, có thật ông Dampierre bị giết không nhỉ?
— Vâng, ngài thuyền trưởng ạ.
— Ở Condé à?
— Ở trại Pamars; bị một quả đại bác – Boisberthelot thở dài.
— Bá tước De Dampierre. Lại một người nữa của ta, trước kia ở bên chúng!
— Đi cho mát mẻ! – La Vieuville nói.
— Còn các phu nhân [24]? Hiện nay ở đâu?
— Ở Trieste.
— Vẫn ở đó?
— Vẫn ở đó.
Rồi La Vieuville kêu lên.
— A! Cái nợ cộng hòa này! Chả ra gì mà biết bao nhiêu thiệt hại! Ai ngờ được, chỉ vì công quỹ hụt vài triệu đồng mà sinh ra cái nạn cách mạng này!
— Chớ coi thường, những cái sẩy dễ nảy ra cái ung! – Boisberthelot nói.
— Mọi việc hỏng bét – La Vieuville tiếp.
— Đúng. La Rouarie thì chết, Du Dresnay thì ngốc. Còn các ngài giám mục nữa, những ông cầm đầu ấy thật đáng buồn, như cái ông Coucy, giám mục xứ La Rochelle, ông Beaupoil Saint-Aulaire, giám mục xứ Poitiers, ông Mercy, giám mục xứ Luçon, tình nhân của bà De L’Eschasserie!…
— Bà ta tên là Servanteau, ngài thừa biết L’Eschasserie là tên đất.
— Còn cái lão giám mục giả hiệu ở Agra, không hiểu lão là cha xứ địa phận nào.
— Ở địa phận Dol. Lão tên là Guillot De Folleville. Nói cho cùng lão ta dũng cảm, lão có tham chiến.
— Hừ! Lúc cần lính, lại chỉ có thầy tu! Giám mục chả ra giám mục! Tướng tá chả ra tướng tá!
La Vieuville ngắt lời Boisberthelot:
— Thưa thuyền trưởng, trong buồng ngài có báo Moniteur không?
– Có.
— Hiện ở Paris đang diễn vở gì?
— Vở Adèle và Paulin, và vở Sào huyệt.
— Muốn xem mấy vở ấy quá.
— Rồi ngài sẽ được xem. Nội một tháng nữa, chúng ta sẽ ở Paris…
Boisberthelot ngẫm nghĩ một lát rồi thêm:
— Là chậm nhất. Ngài Windham đã nói với ngài Hood như thế.
— Thưa ngài, thế ra tình hình không đến nỗi xấu lắm à?
— Có thể tốt, với điều kiện phải chỉ huy cho khéo cuộc chiến tranh ở Bretagne.
La Vieuville gật đầu hỏi tiếp:
— Thưa thuyền trưởng, có cho đổ bộ đơn vị thủy quân lục chiến không?
— Có, nếu trên bờ ủng hộ ta; không, nếu trên bờ chống lại ta. Đôi khi phải đánh thọc vào cửa ngõ và đôi khi cũng phải luồn cho khéo. Tiến hành nội chiến thì luôn luôn phải có nhiều mưu mẹo trong túi. Có thể làm gì thì làm nấy. Cần nhất bây giờ là vị thủ lĩnh.
Rồi Boisberthelot, vẻ trầm ngâm, nói thêm:
— Ngài La Vieuville ạ, theo ý ngài thì kỵ sĩ Dieuzie như thế nào?
— Dieuzie Em ấy ư?
— Vâng.
— Cho ra chỉ huy à?
— Vâng.
— Tôi nghĩ lại thêm một ông nữa chỉ quen tác chiến ở đồng bằng và trên trận địa. Rừng rậm chỉ quen thuộc với dân quê thôi.
— Thế thì ngài đành phải dùng các tướng Stofflet và Cathelineau vậy.
La Vieuville mơ màng một lúc rồi nói:
— Đáng lẽ phải có một ông hoàng, ông hoàng Pháp, ông hoàng chính tông. Một ông hoàng thực thụ.
— Để làm gì. Cứ nói đến ông hoàng…
— Là nói đến phường nhút nhát. Tôi biết thế, thưa ngài.
Nhưng có thế mới làm lóa được những con mắt ngu xuẩn.
— Ông kỵ sĩ thân mến ơi, các vị vương hầu đều tránh mặt cả.
— Không cần họ nữa.
Boisberthelot như một cái máy, đưa tay bóp trán như muốn vắt ra một ý kiến.
Rồi ông ta nói:
— Thôi, hãy thử dùng cái ông tướng này.
— Đó là một nhà đại quý tộc.
— Liệu ông ta có đủ đáp ứng được công việc không?
— Được, miễn là lão ta có tài! – La Vieuville nói.
— Nghĩa là hung dữ – Boisberthelot nói.
Bá tước và kỵ sĩ nhìn nhau.
— Thưa bá tước, ngài dùng đúng chữ quá. Hung dữ. Đúng, đó mới là cái ta đang cần. Đây là một cuộc chiến tranh khốc liệt. Thời buổi này là của những kẻ khát máu. Bọn cộng hòa chặt đầu vua Louis XVI, chúng ta phải chặt cả tay chân của bọn chúng. Đúng, viên tướng mà ta cần bây giờ phải là ông tướng tàn nhẫn. Ở Anjou và miền trên Poitoux, các tướng lĩnh làm ra vẻ cao thượng; họ luẩn quẩn mãi trong cái hào hiệp rởm; chả làm được việc gì. Ở Marais và Retz các tướng lĩnh rất tàn bạo, mọi việc đều chạy. Chính vì Charette hung dữ nên mới đương đầu nổi với Parrein. Chó rừng chọi lại chó rừng.
Boisberthelot chưa kịp trả lời. Câu nói của La Vieuville bị cắt đột ngột vì một tiếng thét tuyệt vọng, rồi cùng lúc đó nổi lên một tiếng động khác hẳn mọi tiếng vẫn thường nghe. Tiếng kêu và những tiếng động từ trong hầm tàu dội ra.
Thuyền trưởng, thuyền phó đâm bổ về phía hầm tàu, nhưng không vào lọt. Tất cả lính pháo đang hoảng hốt kéo lên.
Một sự việc rùng rợn vừa xảy đến.