Gauvain đứng dậy.
— Tên họ là gì? – Cimourdain hỏi.
Gauvain trả lời:
— Gauvain.
Cimourdain tiếp tục hỏi cung:
— Anh là ai?
— Tôi là tư lệnh trưởng quân đoàn chinh phạt Bờ Biển Phía Bắc.
— Anh có họ hàng thân thích gì với tên phạm nhân vượt ngục không?
— Tôi là cháu gọi phạm nhân bằng ông.
— Anh đã biết sắc lệnh của Viện Quốc ước chứ?
— Tôi trông thấy tờ in sắc lệnh để trên bàn kia.
— Anh có ý kiến gì về sắc lệnh đó?
— Chính tôi đã ký tiếp vào đó, chính tôi đã ra lệnh thi hành, chính tôi đã cho yết lên và dưới tờ cáo thị đó có tên tôi.
— Anh hãy chọn người bào chữa.
— Tôi tự bào chữa lấy.
— Cho anh nói.
Cimourdain đã trở lại lạnh lùng. Có điều là vẻ lạnh lùng ấy giống cái im lìm của một tảng đá hơn là sự bình thản của một con người.
Gauvain im lặng một lát và có vẻ trầm mặc.
Cimourdain lại hỏi:
— Anh muốn nói gì?
Gauvain từ từ ngẩng lên, không nhìn ai cả, trả lời.
— Tôi muốn nói thế này: một việc này đã ngăn tôi không thấy việc kia; một nghĩa cử nhìn quá gần đã che mắt tôi không trông thấy hàng trăm tội ác; một bên là một ông già, một bên là lũ trẻ thơ, những cái đó đã ngăn cách tôi với nhiệm vụ. Tôi đã quên mất những xóm làng bị đốt cháy, những cánh đồng bị xéo nát, những tù binh bị tàn sát, những thương binh bị hạ thủ, những người đàn bà bị bắn, tôi đã quên cả nước Pháp đang bị đem bán cho nước Anh; tôi đã phóng thích cho một kẻ sát hại tổ quốc. Tôi có tội. Nói như vậy hình như tôi buộc tội tôi; nhưng không. Tôi nói để bênh vực tôi. Khi một kẻ phạm tội đã nhận ra lỗi của mình thì kẻ đó cứu vãn được một điều duy nhất đáng cứu vãn, đó là danh dự.
— Đó là tất cả những điều anh tự bào chữa? – Cimourdain hỏi lại.
— Tôi xin nói thêm, là chỉ huy, tôi phải làm gương, và các ngài cũng vậy, là quan tòa, các ngài cũng phải làm gương.
— Anh muốn làm gương bằng cách nào?
— Bằng cái chết của tôi.
— Anh cho thế là đúng?
— Và cần thiết nữa.
— Anh ngồi xuống.
Viên hạ sĩ quan quân nhu, ủy viên dự thính, đứng dậy đọc, thứ nhất quyết nghị đặt nguyên hầu tước Lantenac ra ngoài vòng pháp luật; thứ hai sắc lệnh của Viện Quốc ước kết án tử hình bất cứ ai giúp cho kẻ phản nghịch thoát ngục. Ông ta đọc cả mấy câu sắc lệnh in ở dưới tờ cáo thị “cấm cứu giúp che chở” cho tên phản nghịch có tên trên đây, “ai vi phạm sẽ bị xử tử”, và ký tên: Tư lệnh trưởng quân đoàn chinh phạt, Gauvain.
Đọc xong, ông ủy viên dự thính lại ngồi xuống.
Cimourdain khoanh tay lại, nói:
— Bị cáo, chú ý. Công chúng, hãy lắng nghe, nhìn cho rõ và giữ im lặng. Trước mắt các người là pháp luật. Bây giờ đến lúc quyết án. Tòa tuyên án theo đa số tương đối. Mỗi vị quan tòa sẽ lần lượt nói lên ý kiến của mình và nói to trước mặt bị cáo, vì công lý không có gì phải giấu giếm.
Cimourdain nói tiếp:
— Mời ông hội thẩm thứ nhất nói. Đại úy Guéchamp, xin mời ông.
Đại úy Guéchamp hình như không thấy Cimourdain, cũng không thấy Gauvain. Mí mắt ông hạ xuống, che lấp đôi tròng mắt đang chăm chú nhìn tờ cáo thị in sắc lệnh như nhìn một vực thẳm. Ông ta nói:
— Bản chất pháp luật là cứng rắn. Một quan tòa hơn một con người bình thường mà cũng là một con người thường; kém một con người thường vì quan tòa không có trái tim; ông ta hơn người thường vì ông ta có thanh kiếm. Năm 414 thời đế chế La Mã, Manlius đã hạ lệnh giết con trai chỉ vì con ông đã thắng trận nhưng không được ông cho lệnh đánh. Người vi phạm kỷ luật phải bị trừng phạt. Ở đây chính pháp luật bị vi phạm mà pháp luật còn cao hơn kỷ luật. Vì một phút thương người mà Tổ quốc lại bị lâm nguy. Lòng thương hại có thể gây tác hại như tội ác. Tư lệnh Gauvain đã để cho tên phiến loạn Lantenac vượt ngục. Gauvain đã phạm tội. Tôi biểu quyết tử hình.
— Lục sự, ghi vào – Cimourdain nói.
Gauvain cất cao giọng nói:
— Guéchamp, quyết nghị của ông rất đúng, xin cám ơn.
Cimourdain lại cất tiếng:
— Mời vị hội thẩm thứ hai phát biểu. Ông đội Radoub, xin mời ông.
Radoub đứng dậy, quay lại Gauvain và chào bị cáo theo lối nhà binh. Rồi anh ta nói to:
— Nếu vậy, hãy chém đầu tôi. Tôi xin nói ở đây rằng nếu tôi ở trong trường hợp này tôi rất muốn hành động, trước hết như lão già, sau như tư lệnh của tôi. Khi tôi thấy con người tám mươi tuổi đầu kia nhảy vào lửa cứu ba đứa trẻ thơ, tôi đã bảo rằng: Tốt đấy! Và khi tôi được biết rằng chính tư lệnh của tôi đã cứu lão già khỏi cái máy chém chết tiệt của các ngài thì xin thề là tôi đã nói rằng: Thưa tư lệnh, đáng lẽ ngài phải làm vị tướng của tôi, ngài thật là một con người chân chính và tôi, nếu có quyền, tôi sẽ tặng ngài huân chương Thánh Louis, nếu còn có huân chương, còn có thánh, và còn có Louis. Trời! Tại sao chúng ta có thể ngu xuẩn đến thế? Nếu chỉ để có những trò như thế này mà ta đã thắng trận Jemmapes, trận Valmy, trận Fleurus và trận Wattignies, thì phải nói ra. Chính tư lệnh Gauvain trong bốn tháng qua đã trống giong cờ mở đánh đuổi bọn bảo hoàng chó đểu chạy dài, chính ông ta đã vung gươm lên cứu nền cộng hòa, đã chiến thắng ở Dol với một tài trí phi thường, ấy thế mà khi đã có một con người như vậy, các ngài lại cố tình làm cho không còn con người ấy nữa! Và đáng lẽ phải đưa ông lên làm tướng, các ngài lại đem chém đầu! Tôi xin nói thẳng: như vậy ai mà chịu được và người ta có thể đâm đầu xuống sông mà tự tử đi được. Còn ông, công dân Gauvain, thưa tư lệnh, nếu ông không là tướng của tôi mà là cai của tôi, thì tôi xin nói với ông rằng lúc nãy ông đã nói bậy. Lão già cứu lũ trẻ là đúng, ông cứu lão cũng là đúng, và nếu người ta chặt đầu những người có những nghĩa cử như vậy, chẳng còn hiểu ra sao nữa. Không có lý gì để người ta dừng lại ở đấy. Có đúng thế không? Tôi tự véo vào mình xem tôi tỉnh hay mê. Tôi chẳng hiểu gì cả. Vậy lẽ ra phải để cho lão già mặc cho lũ trẻ bị thiêu sống, phải để cho tư lệnh của tôi mặc cho lão bị chém cổ. Thưa các ngài, tôi nói thật; cứ chém cổ tôi đi. Tôi thích thế hơn đấy. Nói ví thử, nếu như lũ trẻ kia chết đi thì tiểu đoàn Mũ Đỏ chúng ta tiêu ma danh dự. Có phải ta muốn thế chăng? Nếu thế thì ta ăn thịt lẫn nhau đi. Tôi hiểu biết chính trị cũng như các ngài ở đây, trước kia tôi cũng có chân trong câu lạc bộ đội xung kích. Mẹ kiếp! Cuối cùng là chúng ta đâm ra đần độn cả! Tôi xin tóm tắt quan điểm của tôi. Tôi không ưa thích những cái làm cho người ta chẳng biết đường nào mà lần. Tại sao chúng tôi lại phải vào sinh ra tử? Để cho các ngài giết chỉ huy của chúng tôi ư? Đừng làm thế, Lisette [191]! Tôi đòi lại chỉ huy của tôi! Phải trả chỉ huy lại cho tôi! Hôm nay, tôi yêu chỉ huy hơn hôm qua. Đưa chỉ huy ra chặt đầu, các ngài làm tôi buồn cười quá mất. Những việc như thế, chúng tôi không muốn. Tôi đã nghe tất. Ai muốn nói gì thì nói. Nhưng trước hết là không thể như thế được.
Rồi Radoub ngồi xuống. Vết thương của ông ta lại vỡ ra. Một dòng máu từ chỗ cái tai bị cắt đứt thấm qua băng chảy xuống cổ.
Cimourdain quay lại Radoub:
— Ý ông muốn biểu quyết cho bị can được miễn tố?
— Tôi biểu quyết nâng ông ta lên cấp tướng.
— Tôi muốn hỏi ông, có phải ông muốn bị can được tha bổng không?
— Tôi biểu quyết đưa ông ta đứng đầu nước cộng hòa.
— Đội Radoub, ông có biểu quyết cho tư lệnh Gauvain được tha hay không?
— Tôi biểu quyết người ta cắt đầu tôi thế cho ông ấy.
— Tha bổng, ông lục sự, ghi như thế – Cimourdain nói.
Viên lục sự ghi: “Đội Radoub: tha bổng”.
Rồi viên lục sự nói:
— Một ý kiến xử tử. Một ý kiến tha bổng. Ngang nhau.
Đến lượt Cimourdain biểu quyết.
Ông ta đứng dậy. Ông bỏ mũ, đặt xuống bàn.
Ông ta không còn tái xanh, cũng không còn tím bầm như trước. Sắc mặt ông ta thành màu đất.
Tất cả mọi người im lặng như nằm trong áo liệm.
Cimourdain nói, giọng nghiêm nghị, chậm rãi và chắc nịch:
— Bị can Gauvain, tội đã rõ ràng. Nhân danh chính phủ cộng hòa, tòa án quân sự, với đa số là hai phiếu thuận và một phiếu chống…
Ông ta ngừng lại, như muốn nghỉ hơi; ông ngần ngừ trước cái chết? Ông ngần ngừ trước cái sống? Bao nhiêu lồng ngực đều thở dốc. Cimourdain nói tiếp:
— Tuyên án tử hình.
Trên khuôn mặt của ông hiện lên nỗi dày vò của một thắng lợi thảm khốc. Có lẽ khi thánh Jacob xin vị thiên thần mà thánh đã quật ngã ban phúc cho, thánh cũng có nụ cười ghê rợn như thế.
Nụ cười đó thoáng hiện lên và tắt ngay. Cimourdain lại trơ như đá, lại ngồi xuống cầm mũ đội lên đầu, rồi nói thêm: – Gauvain, anh sẽ bị hành hình ngày mai, khi mặt trời mọc.
Gauvain đứng dậy, chào rồi nói:
— Xin cám ơn tòa.
— Dẫn tội nhân đi – Cimourdain nói.
Ông ra hiệu, cửa hầm lại mở, Gauvain bước vào, cửa hầm đóng lại. Hai cảnh binh đứng gác hai bên, gươm tuốt trần.
Radoub ngã bất tỉnh, được khiêng đi…