Chín Mươi Ba

LỜI GIỚI THIỆU



Được giới thiệu Victor Hugo với bạn đọc Việt Nam lần này – và lại bằng Chín Mươi Ba – mang lại cho tôi một cảm giác đặc biệt. Nó làm tôi nghĩ lại sự rúng động khi lần đầu đọc Hugo lúc khoảng mười bốn tuổi, và cũng là Chín Mươi Ba. Sau một thời gian nghiến ngấu tiểu thuyết cổ điển Anh và tiểu thuyết lễ giáo Tàu mà tôi tuy rất thích nhưng luôn có cảm giác thế giới của chúng có phần chật chội, thì Hugo giống như một tia chớp sáng lòa, làm hiện ra một chân trời phóng khoáng. Nhờ cái tia chớp ấy, đứa trẻ mười bốn tuổi là tôi bắt đầu lờ mờ hình dung về một xã hội “tự do, bình đẳng, bác ái” và một cuộc đời “tự do, bình đẳng, bác ái” dù lúc đó kiến thức lịch sử – xã hội của tôi hết sức hạn hẹp. Hình dung mơ hồ ấy trở thành động lực – dù lúc đầu chỉ là một thứ động lực dạng linh cảm – cho hầu hết những điều tôi làm, từ du học, viết sách, dịch sách, dạy học… Cho đến giờ, hình dung ấy chưa bao giờ tắt. Có thể nói, chính Hugo chứ không phải ai khác dạy tôi trở thành một người có lý tưởng (idealist) – không phải theo nghĩa chính trị của từ này mà theo nghĩa không từ bỏ việc theo đuổi một phiên bản cuộc sống đẹp nhất cho mình và cho mọi người, kể cả khi người khác cho là huyễn hoặc. Bây giờ, đã lớn hơn, tôi nhận ra đấy là điều quý giá nhất mà một con người có thể khơi gợi trong một người khác. Hugo khẳng định: bất hạnh lớn nhất của con người – của từng cá thể cũng như của một xã hội – là không tin vào hình dung kia và không phấn đấu biến nó thành hiện thực.
Nhưng để nói tới sự rúng động ấy – mà tôi hy vọng bạn đọc, nhất là các bạn đọc trẻ có thể cũng sẽ cảm thấy qua cuốn sách này – thì cần phải tóm tắt một chút về Chín Mươi Ba. Ra đời năm 1874, Chín Mươi Ba là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Victor Hugo, đại diện xuất sắc nhất và vĩ đại nhất của văn học lãng mạn. Chín Mươi Ba kể một câu chuyện xảy ra vào năm 1793, năm cao trào và đẫm máu của Cách mạng tư sản Pháp, cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trong lịch sử loài người, với mục đích xóa bỏ chế độ vua chúa tập quyền để thiết lập một nền cộng hòa dân chủ. Sau khi vua Louis XVI bị chính quyền cộng hòa chém đầu, châu Âu già cỗi nhưng có chung quyền lợi trong sự tồn tại của chế độ quân chủ đã liên minh lại để chống nền cộng hòa non trẻ bằng cách gửi quân đội tới Pháp. Một nhóm bảo hoàng liên minh dưới sự chỉ huy của hầu tước sắt đá Lantenac đã vào bờ biển Pháp và bắt đầu tạo các hoạt động phản cách mạng uy hiếp nền cộng hòa. Từ Paris, chính quyền cộng hòa cử Cimourdain, một nhà cách mạng già vốn từng là linh mục tới bắt Lantenac.
Trong lúc này, ở Brittany, quân cộng hòa dưới sự chỉ huy của Gauvain, một người cách mạng trẻ đầy nhiệt huyết, vừa là cháu của Lantenac lại vừa từng là học trò và gần như con nuôi của Cimourdain, đã dồn được Lantenac vào một lâu đài. Bị tấn công dữ dội, Lantenac mở đường máu thoát khỏi lâu đài, nhưng vì tiếng khóc của một người mẹ, ông ta quay lại lâu đài cứu ba đứa trẻ; do đó mà rơi vào tay quân cách mạng. Cảm kích trước hành động của Lantenac, Gauvain đã tới thăm ông ta trong tù rồi thả ông ta đi. Rất đau lòng nhưng Cimourdain phải kết tội Gauvain phản quốc, với bản án tử hình. Cuốn sách kết thúc ở cảnh Cimourdain ra lệnh đao phủ chặt đầu Gauvain để bảo vệ sự nghiêm minh của cách mạng và nền cộng hòa; nhưng vào giây phút đầu Gauvain rơi xuống thì “…người ta nghe thấy một tiếng nổ khác. Cimourdain vừa rút một trong hai khẩu súng vẫn đeo bên thắt lưng, và đúng vào lúc đầu Gauvain lăn vào hòm thì ông cũng tự bắn một viên đạn xuyên tim. Máu trào ra nơi miệng, ông ngã ra chết. Và đôi linh hồn đồng điệu đau thương ấy cùng cất cánh bay, bóng đen của linh hồn này hòa trong ánh sáng của linh hồn kia”.
Hai mươi năm trước, đọc đến đây, tôi đã chảy nước mắt.
Bây giờ cũng vậy.
Bình luận về ý nghĩa tiểu thuyết Chín Mươi Ba và ca ngợi văn của Hugo là thừa. Từ góc độ thưởng thức tác phẩm, cuốn sách này – cũng như mọi cuốn sách của Hugo – là một đại tiệc ngồn ngộn kiến thức và cảm xúc. Nhưng tôi chỉ xin nói điều lớn nhất khiến Hugo đã và vẫn còn lay động tôi: đó là niềm tin sâu sắc vào sự chiến thắng của tình người, của độ lượng và khoan dung trước bạo lực, hắc ám. Đây không phải một niềm tin ngây thơ (hơn bất cứ ai, Hugo nói với ta: đừng sợ bị coi là ngây thơ, đừng dại dột đánh đổi nó lấy sự thực dụng của người đời). Đây là một niềm tin đã qua thử thách; nó đến từ sự thấu hiểu rằng: trong một thời điểm nhất định, con người có thể bị sợ hãi hay tham lam chi phối mà chà đạp lên tình người nhưng khi dùng thứ công lý trường tồn mà phán xét thì tình người luôn chiến thắng và là vũ khí mạnh nhất của con người. Hugo nói: nếu đã sống, đã viết, đã làm bất cứ điều gì, thì phải làm trong hình dung về cái trường tồn, dùng cái trường tồn kia làm động lực.
Mặc dù Những Người Khốn Khổ là tác phẩm lớn nhất và nổi tiếng nhất của Hugo, với cá nhân tôi, Chín Mươi Ba thể hiện một Hugo hoàn chỉnh hơn. Là một nhà chính trị, nhà cách mạng, nhà triết học, nhưng trước hết và trên hết là một nhà văn, Hugo bản chất là một người hiền, muốn thay đổi xã hội bằng con đường nhân văn, thông qua giáo dục, nghệ thuật, tôn giáo, v.v. thay vì thông qua bạo lực, đổ máu. Ta thấy rất rõ điều này ở Những Người Khốn Khổ và các tác phẩm trước đó. Nhưng Chín Mươi Ba có sự quyết liệt mới. Ở cuốn sách này, Hugo khẳng định: đôi khi cần phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực cách mạng. Điều phải làm thì phải làm, mà cái chân – thiện – mỹ không suy giảm.
Đây là những lời của Gauvain về một xã hội anh muốn thấy và cũng là của Hugo:
“ Xã hội tức là thiên nhiên được vĩ đại hơn. Tôi muốn những cái còn thiếu ở tổ ong, tổ kiến; tôi muốn đền đài, nghệ thuật, thơ ca, anh hùng, thiên tài. Mang gánh nặng đời đời không phải là qui luật của kiếp người. Không, không, không, tôi muốn không còn cùng khổ, không còn nô lệ, không còn khổ sai, không còn đày đọa! Tôi muốn rằng mỗi một đặc trưng của con người là một tượng trưng của văn minh, một mẫu mực của tiến bộ; tôi muốn tư tưởng tự do, tình cảm bình đẳng, tâm hồn bác ái. Không còn gông cùm! Con người sinh ra không phải để kéo lê xiềng xích mà để mở rộng đôi cánh…”
Tôi hy vọng bạn sẽ đọc Chín Mươi Ba, sẽ tin những điều trên, và sẽ bắt đầu đặt chân – nếu như bạn chưa đặt chân – lên con đường hiện thực hóa xã hội mà ở đó bạn và những người quanh bạn đều có “tư tưởng tự do, tình cảm bình đẳng, tâm hồn bác ái”.
Trân trọng giới thiệu tiểu thuyết Chín Mươi Ba của Victor Hugo, qua bản dịch của dịch giả Châu Diên.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.