Chín Mươi Ba

QUYỂN 2: BA ĐỨA TRẺ – CHƯƠNG 1: PLUS QUAM CIVILA BELLA (HƠN CẢ NỘI CHIẾN)



Mùa hè năm 1792, mưa rất nhiều; mùa hè năm 1793 lại nóng rất dữ. Vì nội chiến, ở xứ Bretagne có thể nói rằng không còn đường sá nữa. Tuy vậy, người ta vẫn đi lại nhờ những ngày hè nắng ráo. Đất khô là đường đi tốt nhất.
Một buổi chiều tháng bảy êm ả, khoảng một giờ sau lúc mặt trời lặn, một người cưỡi ngựa từ phía Avranches, dừng lại trước quán Croix-Branchard ở đầu lối vào thị trấn Pontorson, trước quán có tấm biển mấy năm gần đây người ta còn đọc được giòng chữ này: Rượu táo ngon tha hồ túy lúy. Suốt ngày trời nóng bức, nhưng lúc này đã bắt đầu có gió.
Người khách khoác một chiếc áo choàng rộng phủ kín mông ngựa. Ông ta đội chiếc mũ rộng vành có huy hiệu tam tài, điều đó không phải là không táo bạo ở cái xứ toàn là bụi rậm, huy hiệu là mục tiêu cho những phát súng. Ông ta mặc chiếu áo choàng thắt nút ở cổ, phanh ra để đôi cánh tay được cử động tự do; người ta có thể thoáng thấy chiếc thắt lưng tam tài và hai chuôi súng lục nhô ra ngoài. Một thanh gươm lủng lẳng thò ra khỏi chiếc áo choàng.
Nghe tiếng chân ngựa dừng lại, người chủ quán mở cửa xách đèn lồng kính đi ra. Đấy là lúc tranh tối tranh sáng; ngoài đường còn sáng nhưng trong nhà đã tối như bưng.
Lão chủ quán nhìn cái huy hiệu và hỏi:
— Công dân, ông nghỉ lại đây chứ?
— Không.
— Ông đi đâu bây giờ?
— Đến Dol.
— Nếu như vậy, phải trở lại Avranches hoặc Pontorson.
— Tại sao vậy?
— Vì đang đánh nhau ở Dol.
— À!
Người cưỡi ngựa kêu lên một tiếng, rồi tiếp luôn:
— Cho ngựa tôi một ít lúa mạch nhé.
Lão chủ quán đem cái máng đến, dốc hết một bao lúa mạch vào rồi tháo ngựa, con ngựa vừa ăn vừa thở phì phò.
Câu chuyện giữa hai người lại tiếp tục.
— Công dân, đây là ngựa trưng dụng có phải không?
— Không.
— Của ông à?
— Vâng, tôi đã mua và trả tiền.
— Ông ở đâu đến?
— Paris.
— Không đi thẳng một mạch được chứ gì?
— Không.
— Tôi biết mà, đường sá bị chặn hết. Nhưng xe trạm thì vẫn còn.
— Vâng. Cho đến Alençon. Tôi vừa mới rời xe trạm ở đó.
— Thế à! Rồi xem ít lâu nữa, trên nước Pháp chẳng còn xe nữa. Hết ngựa rồi. Một con ngựa ba trăm quan nay phải trả đến sáu trăm quan, còn rơm cỏ thì đắt quá giá. Trước kia tôi làm đội trạm, thế mà bây giờ đành làm chủ quán. Trên một nghìn ba trăm mười ba đội trạm thì hai trăm xin nghỉ việc. Công dân này, ông đã đi xe theo giá mới phải không?
— Giá mới từ ngày một tháng năm. Đúng thế.
— Đi xe lớn chở khách thì mỗi chặng mất hai hào, xe con hai bánh thì mất hào hai mà xe chở hàng thì năm xu. Có phải ông mua ngựa này ở Alençon không?
— Vâng.
— Hôm nay, ông đi suốt cả ngày ư?
— Từ tảng sáng.
— Và hôm qua?
— Và cả hôm kia nữa.
— Tôi hiểu rồi. Ông đi lối Domfront và Mortain.
— Và Avranches.
— Công dân, nói thật đấy, nên nghỉ lại đi. Ông mệt rồi, ngựa cũng mệt rồi.
— Ngựa có quyền mệt, chứ người thì không.
Lão chủ quán lại chăm chăm nhìn người khách. Một khuôn mặt đạo mạo, bình tĩnh và nghiêm khắc dưới vầng tóc xám.
Lão chủ quán đưa mắt nhìn quãng đường thăm thẳm, vắng teo và hỏi:
— Vậy ông đi một mình như thế à?
— Không. Tôi có hộ vệ.
— Đâu?
— Gươm và súng lục của tôi.
Lão chủ quán đi lấy một thùng nước và cho ngựa uống, rồi trong lúc con ngựa uống nước, lão lại ngắm nghía người khác và nghĩ thầm: “Không hề gì, ông này có vẻ thầy tu.” Người cưỡi ngựa hỏi tiếp:
— Lão bảo người ta đánh nhau ở Dol à?
— Vâng. Chắc lúc này bắt đầu rồi đấy.
— Ai đánh với ai thế?
— Một cựu quý tộc đánh nhau với một cựu quý tộc.
— Lão bảo sao?
— Tôi nói một cựu quý tộc theo cộng hòa đánh nhau với một cựu quý tộc theo vua.
— Nhưng làm gì còn vua nữa.
— Còn có vua con. Và điều lạ, là hai cựu quý tộc ấy lại là thân thuộc.
Người cưỡi ngựa chăm chú nghe. Lão chủ quán nói:
— Một người trẻ, một người già; chính là cháu đánh nhau với ông bác. Ông bác thì bảo hoàng, cháu thì yêu nước. Ông bác thì chỉ huy phe Trắng, cháu thì chỉ huy phe Xanh. Ái dà! Rồi họ chẳng tha nhau đâu. Một cuộc tử chiến.
— Tử chiến?
— Vâng, công dân ạ. Này, ông có muốn xem cách họ đối đáp với nhau không? Đây là một tờ tuyên cáo mà lão già cho dán khắp nơi, khắp mọi nhà, khắp các cây và cả ngay trước cửa nhà tôi.
Lão chủ quán ghé đèn lại gần một tờ giấy vuông dán trên một cánh cửa và nhờ tờ tuyên cáo in chữ to nên khách ngồi trên mình ngựa có thể đọc được như sau:
Hầu tước Lantenac rất hân hạnh báo cho người cháu của ông ta là ngài tử tước Gauvain biết rằng nếu hầu tước may mắn bắt được ngài tử tước thì sẽ bắn ngay lập tức.
Lão chủ quán lại tiếp:
— Và đây là câu trả lời.
Lão quay lưng, áp đèn soi một tờ tuyên cáo khác, dán trên một cánh cửa bên cạnh đối diện với tờ kia. Người khách đọc:
Gauvain báo trước cho Lantenac là nếu bắt được y thì ông ta sẽ bắn y chết.
Lão chủ quán nói:
— Mới hôm qua, tờ tuyên cáo đầu vừa dán trước cửa nhà tôi thì sáng hôm nay lại đã có tờ thứ hai. Đối đáp tức thời.
Người khách lẩm bẩm như nói với mình những tiếng mà lão chủ quán nghe chẳng hiểu ra sao cả:
— Đúng, hơn là chiến tranh trong nước, đây là chiến tranh trong gia đình. Phải thế và thế là đúng. Những sự hồi xuân vĩ đại của các dân tộc phải trả giá như thế đấy.
Và người khách mắt chăm chú nhìn tờ tuyên cáo thứ hai đưa tay lên mũ chào.
Lão chủ quán lại tiếp tục:
— Công dân ạ, sự việc như thế này: trong các thành phố và các thị trấn lớn chúng ta theo cách mạng, còn thôn quê thì chống lại; có thể nói là ở thành phố người ta là dân nước Pháp và trong các làng mạc, người ta là dân xứ Bretagne. Chính là một chiến tranh giữa thị dân và dân quê. Họ bảo chúng ta là “bọn phệ” và chúng ta gọi họ là lũ “quê kệch”.
Bọn quý tộc và thầy tu đều theo họ.
— Không phải tất cả – Người cưỡi ngựa nói.
— Chính thế, công dân ạ, bởi vì ở đây chính là một tử tước đánh nhau với một hầu tước.
Và lão ta như nói thêm với riêng mình:
— Và đúng là mình đang nói chuyện với một giáo sĩ.
Người cưỡi ngựa hỏi tiếp:
— Thế thì ai thắng?
— Cho tới nay thì tử tước thắng. Nhưng mà cũng vất vả lắm. Lão già cũng ghê lắm, các vị ấy thuộc dòng họ Gauvain, quý tộc ở xứ này. Dòng họ ấy có hai ngành, ngành trên, trưởng ngành là hầu tước De Lantenac, ngành dưới, trưởng ngành là tử tước Gauvain. Hiện nay hai ngành đang đánh nhau. Cây cối thì chẳng thấy thế bao giờ [151] nhưng người thì có thế đấy. Hầu tước De Lantenac rất có uy thế ở xứ Bretagne này, đối với dân quê, đó là một ông hoàng. Hôm ông ta đổ bộ, đã có ngay tám nghìn người theo ông ta. Sau một tuần có ba trăm giáo khu nổi dậy. Nếu ông ta chiếm được một nơi ở ven biển thì quân Anh đã đổ bộ rồi. May thay, lại có ông Gauvain ở đó, mà lại là cháu ông ta, chuyện mới kỳ quái chứ. Ông Gauvain chỉ huy quân đội cộng hòa, và đã chặn đường ông bác lại. Rồi lão già Lantenac, khi vừa đến và tàn sát một toán tù binh, đã sai bắn hai người đàn bà trong đó có một chị có ba đứa con được tiểu đoàn Paris đỡ đầu. Việc này làm cho tiểu đoàn trở nên hung dữ. Đấy là tiểu đoàn Mũ Đỏ. Cái tiểu đoàn dân Paris ấy chẳng còn được nhiều người nữa nhưng họ đều là những tay đâm lê dữ dội. Họ đã sáp nhập vào đoàn quân của ông Gauvain. Không ai cự nổi họ. Họ đang muốn trả thù cho hai người đàn bà và giành lại mấy đứa trẻ. Người ta không hiểu lão già ấy đã làm gì với mấy đứa trẻ kia. Chính cái đó đã làm cho những người lính Paris phát điên lên. Ví thử mấy đứa trẻ không dính dấp vào cuộc chiến tranh này thì cục diện không đến nỗi như thế đâu. Tử tước là người tốt, trẻ tuổi và dũng cảm. Nhưng lão già là một hầu tước kinh khủng. Dân quê gọi cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh của thánh Michel [152] chống với quỷ Belzébuth [153]. Ông hẳn biết thánh Michel là vị thần ở xứ này. Ngài có riêng một ngọn núi ở giữa biển phía trong vịnh. Ngài đến để đánh chết con quái vật và đem vùi xác nó dưới một ngọn núi khác ở gần đây gọi là núi Tombelaine.
— Vâng – Người cưỡi ngựa lẩm bẩm – Tumba Beleni nghĩa là cái mồ của Belebus, của Bel, của Bélial, của Belzébuth.
— Tôi thấy là ông am hiểu đấy.
Rồi lão chủ quán nói một mình:
— Nhất định rồi, ông ta biết tiếng La-tinh, đúng là một thầy tu.
Rồi lão chủ quán lại nói tiếp:
— A này, công dân ạ, đối với dân quê, thì chính là cuộc chiến tranh vừa nói đó lại tái diễn. Không cần phải nói, đối với họ thì thánh Michel là vị tướng bảo hoàng và con yêu quái Belzébuth là vị chỉ huy yêu nước kia; nhưng nếu có yêu quái thì chính đó là Lantenac và nếu có một vị thiên thần thì đó là Gauvain. À, ông không dùng gì sao?
— Tôi có bình nước với ít bánh. Nhưng lão chưa nói hết với tôi về tình hình ở thị trấn Dol.
— Như thế này. Ông Gauvain chỉ huy quân chinh phạt vùng bờ biển. Mục đích của Lantenac là làm cho khắp nơi nổi loạn, lấy vùng dưới xứ Bretagne dựa vào vùng dưới xứ Normandie, mở cửa cho Pitt và dùng hai vạn quân Anh cùng hai mươi vạn dân quê giúp sức cho đại quân xứ Vendée. Nhưng Gauvain đã chặn đứng kế hoạch đó. Ông ta giữ chặt bờ biển, dồn Lantenac vào nội địa và đẩy quân Anh ra ngoài khơi. Trước kia Lantenac đóng ở đây, nhưng Gauvain đã đánh bật lão ta đi, Gauvain đã chiếm lại Pont-au-Beau, đuổi lão ra khỏi Avranches, Villedieu, chặn không cho lão tới Granville. Gauvain điều quân dồn Lantenac vào khu rừng Fougères và bao vây lão ta ở đó. Tình hình rất tốt. Lão Lantenac đã khôn khéo mở ra một mũi; được tin lão đang tiến quân về phía Dol. Nếu lão chiếm được thị trấn Dol và đặt trên núi Dol một khẩu đội, vì lão cũng có trọng pháo, thì đấy là một chỗ ở bờ biển cho quân Anh đổ bộ và như thế là cả vùng này sẽ rơi vào tay lão. Vì thế không để lỡ một chút, ông Gauvain, một người cương nghị, tự tin, không đợi xin chỉ thị, liền nổi kèn, kéo pháo tập trung quân, tuốt gươm, và trong khi Lantenac xông tới Dol thì Gauvain nhảy bổ vào Lantenac. Hai trận tuyến trên đất Bretagne sắp đụng độ nhau ở Dol. Một cuộc chạm trán nảy lửa. Hiện giờ họ đã ở đấy.
— Từ đây đến Dol phải mất bao nhiêu thì giờ?
— Hành quân có xe pháo ít nhất cũng phải ba giờ; nhưng họ tới đó rồi.
Người khách lắng tai và bảo:
— Quả vậy, tôi nghe như có tiếng đại bác.
Lão chủ quán lắng nghe.
— Đúng rồi, công dân ạ. Và có cả những loại súng ngắn, nghe như xé vải. Ông nên nghỉ lại đây. Đến đấy thì chẳng gặp điều lành đâu.
— Tôi không thể nghỉ lại. Tôi phải đi.
— Không nên đi ông ạ. Tôi chẳng hiểu công việc của ông, nhưng nguy hiểm lắm, nếu như không phải vì người thân nhất trên đời…
— Ấy chính vì thế – Người cưỡi ngựa trả lời.
— Hình như là con trai của ông…
— Gần thế – Người cưỡi ngựa đáp.
Lão chủ quán ngẩng đầu lên và tự nhủ:
— Dầu sao cái ông công dân này vẫn có vẻ thầy tu.
Và sau một lúc suy nghĩ:
— Thầy tu, mà ông ta lại có con.
— Đóng lại cương ngựa cho tôi – Người khách bảo – Hết bao nhiêu?
Rồi ông ta trả tiền.
Lão chủ quán xếp cái chậu và thùng nước vào cạnh tường và trở lại bên người khách.
— Vì ông đã quyết định đi thì ông nên nghe tôi. Rõ ràng là ông định đi Saint-Malo. Thế thì chớ đi con đường qua Dol. Có hai đường, một đường qua Dol và một đường men theo biển. Chẳng đường nào ngắn hơn đâu. Con đường ven biển sẽ qua Saint-Georges de Brehaigne, Cherrueix và Hirel-le-Vivier. Ông đi giữa Dol ở phía nam và Cancale ở phía bắc. Đến đầu đường phố này ông sẽ thấy hai lối rẽ; sang trái là đi về Dol còn đi Saint-Georges de Brehaigne thì rẽ tay phải. Ông hãy nghe tôi, nếu ông đi qua Dol thì ông sẽ rơi vào giữa cuộc chém giết. Vì thế không nên rẽ về bên trái mà nên theo lối tay phải.
— Cảm ơn – Người khách nói.
Rồi ông ta thúc ngựa đi.
Trời đã tối hẳn, người cưỡi ngựa lao vào trong đêm mù mịt. Lão chủ quán nhìn theo đã mất hút.
Khi người khách đến đầu con đường rẽ, ông ta nghe từ xa tiếng lão chủ quán gọi to:
— Đi về bên phải!
Người cưỡi ngựa rẽ sang trái.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.