Yes! 36+14 Chước Thuyết Phục Bất Kỳ Ai
13 – Hành động giúp đỡ giống như rượu hay bánh mỳ?
Trong một số chương trước, chúng tôi đã đưa ra luận chứng là bằng việc tặng quà, cung cấp dịch vụ hay trao một ân huệ cho ai đó, chúng ta đã tạo ra một nghĩa vụ xã hội vô hình khiến người nhận phải có hành động đáp trả. Dù việc mình làm có cung cấp thông tin hữu ích khi tạo một lời ghi chú mang tính cá nhân trong yêu cầu gửi tới hay giúp đỡ đồng nghiệp bằng cách gắn kèm tờ ghi chú vào yêu cầu mà chúng ta đưa cho họ hoặc trong trường hợp của Bobby Fischer, đưa cả một quốc gia lên bản đồ thế giới thì vẫn có một nghĩa vụ xã hội nào đó đặt lên người nhận khi chúng ta thực hiện những hành động trên. Nhưng điều gì sẽ xảy ra với những món quà đã tặng hay những đặc ân đã làm khi thời gian trôi qua? Liệu những việc làm đó có giống như bánh mỳ, trở nên ôi thiu trong trí nhớ người nhận và mất đi giá trị theo thời gian? Hay chúng giống như rượu, càng trở nên tốt hơn và tăng giá trị? Theo nhà nghiên cứu Francis Flynn, điều này phụ thuộc vào việc liệu bạn là người thực hiện hay người nhận hành động.
Nhà nghiên cứu Flynn đã thực hiện một nghiên cứu giữa các nhân viên làm việc trong bộ phận chăm sóc khách hàng của một hãng hàng không lớn tại Mỹ. Hoàn cảnh làm việc đặc biệt này cho phép các đồng nghiệp có thể giúp đỡ nhau bằng cách tăng ca cho nhau. Flynn thăm dò ý kiến của một nửa các nhân viên về việc đánh giá khoảng thời gian họ giúp đỡ đồng nghiệp, và một nửa các nhân viên khác về ý nghĩa khoảng thời gian họ nhận được sự giúp đỡ. Sau đó, tất cả các nhân viên đều được yêu cầu nêu lên giá trị của sự giúp đỡ đối với họ và cụ thể hóa khoảng thời gian diễn ra sự trợ giúp. Kết quả cho thấy, người nhận hành động đánh giá việc đó rất có ý nghĩa ngay sau khi nhận và giá trị bị giảm theo thời gian. Ngược lại, người thực hiên hành động lại cho rằng họ không mấy quan tâm đến việc mình vừa mới làm cho người khác nhưng theo thời gian, họ lại đánh giá cao việc mình đã giúp.
Một khả năng nữa là, khi thời gian trôi đi, trí nhớ về việc đó bị bóp méo; và vì mọi người đều có xu hướng tự đánh giá mình cao hơn người khác, người nhận sự giúp đỡ có thể nghĩ lúc đó mình không cần nhiều trợ giúp đến thế, trong khi người thực hiện giúp đỡ thì cho rằng mình đã rất nhiệt tình.
Những phát hiện này chứa đựng nội hàm về tính hiệu quả trong việc thuyết phục người khác, cả trong và ngoài công sở. Nếu bạn từng giúp đỡ một đồng nghiệp hay một người quen, hành động đó có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến mong muốn của những người nhận đó là phải đáp trả trong một thời gian ngắn sau khi nhận sự trợ giúp.
Tuy nhiên, khi là người nhận, bạn cần nhận thức rõ một điều, những người trong cùng tình huống như bạn thường nhanh quên theo thời gian. Nếu bạn không nhận ra giá trị đầy đủ của sự giúp đỡ trong vài tuần, vài tháng hay vài năm sau đó, điều này có thể sẽ phá hỏng mối quan hệ của bạn với người đã giúp đỡ bạn. Nếu bạn là người thực hiện việc giúp đỡ, bạn sẽ có ý nghĩ không tốt về người nhận giúp đỡ bởi sự im lặng không đáp lại những gì bạn đã làm cho anh ta. Vậy cần phải làm gì để tối đa hóa giá trị của việc giúp đỡ nếu nó bị giảm giá trị trong mắt người nhận theo thời gian? Có một cách có thể gợi lại giá trị của việc giúp đỡ mà bạn đã làm trước đây là cho người nhận biết lúc đó bạn rất vui khi giúp đỡ vì bạn hiểu “Nếu đảo lại tình huống đó, tôi chắc rằng anh cũng sẽ làm thế giống tôi”.
Chiến lược thứ hai, tiềm ẩn nguy hiểm hơn, là nêu lại giá trị của việc bạn đã trợ giúp trước khi đưa ra đề nghị giúp đỡ trong tương lai. Tất nhiên, bạn phải cân nhắc ngôn từ cản thận khi dùng chiến lược này. Những câu đại loại như: “Anh có nhớ khi tôi giúp anh vài tuần trước không, giờ là lúc anh nên làm điều gì đó rồi đấy!”, sẽ bị thất bại thảm hại. Nhưng những lời nhắc nhở nhẹ nhàng, ví dụ như: “Báo cáo mà tôi đã gửi có giúp ích gì cho anh không?”, có thể là một câu nói hay trước khi bạn đưa ra yêu cầu được giúp đỡ.
Tuy rằng không có một phương thức gây ảnh hưởng chung chính xác 100%, song chúng tôi dám chắc việc hiểu tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến sự đánh giá một ân huệ có thể là khởi đầu tốt đẹp. Nếu mọi nỗ lực khác đều không có kết quả, hãy nhớ một quy luật đơn giản trong việc giúp đỡ lẫn nhau: bạn có thể thu hút được nhiều ruồi bằng cách bày ra mật ngọt hơn là với giấm và bạn cũng sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn với một chai vang nho chứ không phải với ổ bánh mỳ từ tuần trước.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.